Thánh Mẹ Teresa
Thánh Mẹ Teresa có tên khai sinh là Agnes Gonxha Bojaxhiu. Bà được sinh ra ở Macedonia ngày 26 tháng 8 năm 1910, là một nữ tu Công giáo người Albania gốc Ấn Độ, và là người sáng lập dòng tu. Ở tuổi 18, Teresa chuyển đến Ireland, sau đó đến Ấn Độ - nơi bà sống phần lớn cuộc đời.
Khi mới lên 8, cha của Teresa qua đời, khiến gia đình bà rơi vào tình trạng khó khăn tài chính. Việc đào tạo tôn giáo của bà được hỗ trợ bởi giáo xứ Dòng Tên Thánh Tâm - nơi bà tham gia khi còn trẻ. Sau khi chuyển sang theo đuổi công việc truyền giáo, Teresa rời nhà vào tháng 9 năm 1928, ở tuổi 18, để gia nhập tu viện Đức Trinh Nữ Maria ở Ireland. Bà nhận tên nữ tu là Mary Teresa - theo tên Thánh Teresa thành Lisieux. Vào tháng 12 năm 1929, bà khởi hành chuyến đi đầu tiên đến Ấn Độ rồi đến Calcutta. Sau khi khấn lần đầu vào tháng 5 năm 1931, Sơ Teresa được bổ nhiệm vào cộng đoàn Loreto Entally ở Calcutta và giảng dạy tại trường nữ sinh Thánh Mary. Bà khấn trọn đời ngày 24 tháng 5 năm 1937, từ đó được gọi là Mẹ Teresa.
Tiếp tục giảng dạy cho đến năm 1944 thì Mẹ Teresa trở thành hiệu trưởng của trường. Sau một khóa học ngắn hạn với các Nữ Tu Truyền Giáo Y Tế tại Patna, bà trở lại Calcutta và tìm được chỗ ở tạm thời tại dòng Các Nữ Tu Người Nghèo. Vào ngày 21 tháng 12, lần đầu tiên Mẹ Teresa đến khu ổ chuột để thăm các gia đình, rửa vết thương cho một số trẻ em, chăm sóc người già ốm cùng những người sắp lìa đời vì đói và bệnh lao. Bà bắt đầu mỗi ngày của mình bằng việc rước lễ, rồi ra ngoài với tràng hạt trong tay, để tìm kiếm, phục vụ những người bất hạnh. Sau vài tháng, lần lượt các học trò cũ của bà cũng tham gia cùng.
Ngày 7 tháng 10 năm 1950, cộng đoàn mới của Dòng Thừa Sai Bác Ái được chính thức thành lập tại tổng giáo phận Calcutta. Đến đầu những năm 1960, Mẹ Teresa bắt đầu gửi nữ tu của mình đến các vùng khác của Ấn Độ. Sắc lệnh khen ngợi do giáo hoàng Paul VI ban vào tháng 2 năm 1965, đã khuyến khích bà mở một tu viện ở Venezuela. Ngay sau đó là các cơ sở ở Rome, Tanzania, cuối cùng là ở mọi châu lục.
Thế giới bắt đầu hướng mắt về Mẹ Teresa; nhiều giải thưởng như: Padmashri của Ấn Độ năm 1962, đặc biệt là Giải Nobel Hòa bình năm 1979 đã vinh danh công việc của bà.
Bất chấp những vấn đề sức khỏe ngày càng trầm trọng vào cuối đời, Mẹ Teresa vẫn tiếp tục điều hành hội của mình, đáp ứng nhu cầu của người nghèo cũng như giáo hội. Đến năm 1997, dòng nữ tu của bà đã có gần 4.000 thành viên, được thành lập tại 610 cơ sở, ở 123 quốc gia trên thế giới.
Vào tháng 3 năm 1997, Thánh Mẹ Teresa chúc lành cho người kế nhiệm mới được bầu làm bề trên tổng quyền của Dòng Thừa Sai Bác Ái, sau đó bà thực hiện thêm một chuyến công du nước ngoài. Khi gặp Đức Thánh Cha John Paul II lần cuối, bà trở lại Calcutta và dành những tuần cuối cùng để tiếp đón các vị khách và hướng dẫn các nữ tu của mình.
Ngày 5 tháng 9 1997, cuộc đời trần thế của Mẹ Teresa kết thúc. Bà đã được chính phủ Ấn Độ vinh dự tổ chức tang lễ cấp nhà nước. Ngôi mộ của bà tại Dòng Thừa Sai Bác Ái nhanh chóng trở thành nơi hành hương, cầu nguyện cho mọi người thuộc mọi tín ngưỡng.
Như một minh chứng cho cuộc đời đáng chú ý nhất, giáo hoàng John Paul II đã cho phép mở án phong Thánh cho Mẹ Teresa. Ngày 20 tháng 12 năm 2002, ngài phê chuẩn sắc lệnh về các nhân đức anh hùng cùng phép lạ của bà. Và vào ngày 4 tháng 9 năm 2016, Mẹ Teresa được giáo hội Công giáo phong là Thánh Teresa Calcutta. Ngày giỗ cũng là ngày lễ kính của bà.