Thành nhà Hồ
Top 7 trong Top 12 Địa điểm du lịch nổi tiếng ở Thanh Hóa
Thành nhà Hồ (hay còn gọi là thành Tây Đô, thành An Tôn, thành Tây Kinh hay thành Tây Giai) là kinh đô nước Đại Ngu (quốc hiệu Việt Nam thời nhà Hồ), nằm ở huyện Vĩnh Lộc, tỉnh Thanh Hóa, xây dựng bởi Hồ Quý Ly vào năm 1397. Đây không chỉ là điểm du lịch Thanh Hoá, mà còn là biểu tượng lịch sử tiêu biểu được CNN đưa vào danh sách 21 di sản vĩ đại nhất thế giới. Dù đã có 600 năm tuổi đời nhưng Thành nhà Hồ vẫn rất vững chãi và trường tồn với sức mạnh của thời gian.
Thành nhà Hồ gồm 3 bộ phận, La thành, Hào thành và Hoàng thành. La thành là vòng ngoài cùng, chu vi khoảng 4 km. Hào thành được đào bao quanh bốn phía ngoài nội thành, cách chân thành theo các hướng khoảng 50 m. Công trình này có nhiệm vụ bảo vệ nội thành.
Hoàng thành được xây dựng trên bình đồ có hình gần vuông. Chiều Bắc - Nam dài 870,5 m, chiều Đông - Tây dài 883,5 m. Bốn cổng thành theo chính hướng Nam - Bắc - Tây - Đông gọi là các cổng Tiền - Hậu - Tả - Hữu. Mỗi cửa đều được mở ở chính giữa. Các cổng này được xây dựng theo kiến trúc hình mái vòm. Những phiến đá trên vòm cửa đục đẽo hình múi bưởi, xếp khít lên nhau.
Cổng tiền (cổng phía Nam) là cổng chính, có ba cửa. Cửa giữa rộng 5,82 m, cao 5,75 m, hai cửa bên rộng 5,45 m, cao 5,35 m. Ba cổng còn lại chỉ có một cửa. Tường thành cao trung bình 5-6 m, chỗ cao nhất là cổng tiền cao 10 m. Nối liền với cửa Nam là con đường Hoa Nhai (đường Hoàng Gia) lát đá dài khoảng 2,5 km hướng về đàn tế Nam Giao (nơi nhà vua tế lễ) được xây dựng vào tháng 8/1402.
Toàn bộ tường thành và bốn cổng chính được xây dựng bằng những phiến đá vôi màu xanh, được đục đẽo tinh xảo, vuông vức, xếp chồng khít lên nhau. Các phiến đá dài trung bình 1,5 m, có tấm dài tới 6 m, trọng lượng ước nặng 24 tấn. Tổng khối lượng đá được sử dụng xây thành khoảng 20.000 m3 và gần 100.000 m3 đất được đào đắp công phu.