Thế Lữ
Thế Lữ (10 tháng 6 năm 1907 – 3 tháng 6 năm 1989), tên khai sinh là Nguyễn Đình Lễ (sau đó đổi thành Nguyễn Thứ Lễ), là một nhà thơ, nhà văn kiêm nhà soạn kịch người Việt Nam. Thế Lữ nổi danh trên văn đàn vào những năm 1930, với những tác phẩm Thơ mới, đặc biệt là bài Nhớ rừng, cùng những tác phẩm văn xuôi, tiêu biểu là tập truyện Vàng và máu (1934). Trở thành thành viên của nhóm Tự Lực văn đoàn kể từ khi mới thành lập (1934), ông hầu hết hoạt động sáng tác văn chương trong thời gian là thành viên của nhóm, đồng thời cũng đảm nhận vai trò là một nhà báo, nhà phê bình, biên tập viên mẫn cán của các tờ báo Phong hóa và Ngày nay.
Thế Lữ trước sau vẫn được coi là người cách tân số một của thơ Việt Nam thế kỷ XX. Có ông, thơ Việt yên tâm khép lại cổ điển mà mở vào lãng mạn. Tác giả đã bộc lộ cái tôi của mình một cách trọn vẹn, một cách đầy đủ qua việc đưa ra một quan niệm mới về nghệ thuật, về con người, về người nghệ sĩ. Đó là cái tôi cá nhân đa dạng, phong phú, nhiều cung bậc; một cái tôi lãng mạn, đầy viên mãn. Và hơn thế nữa, cái tôi ở đây chính là tác giả, là nhà thơ. Cái tôi cá nhân này đã làm thay đổi phạm trù văn học Việt Nam từ trung đại chuyển sang hiện đại.
Thế Lữ đã dám xem cái tôi cá nhân là đối tượng phản ánh nghệ thuật, là chủ thể sáng tạo nghệ thuật để các nhà Thơ mới sau này phát triển những “Âm thanh đầu tiên” của cây đàn thơ này. Cái tôi ấy được đề cao, được xem là trung tâm, tạo nên những sáng tạo mới, những phong cách mới của “Thời đại chữ tôi”. Chính ý thức tự do và khát vọng thành thực đã tạo nên phong cách Thế Lữ trong Thơ mới 1932-1945.