Thư viện Bibliotheca Alexandrina, Ai Cập
Thư viện Hoàng gia Alexandria ở TP. Alexandria (Ai Cập) là thư viện công cộng nổi tiếng nhất thời cổ đại, được thành lập ngay bên bờ Địa Trung Hải từ thế kỷ thứ 3 trước Công nguyên dưới thời Hoàng đế Ptolemy II. Thư viện này nằm trong một quần thể kiến trúc rộng lớn, bao gồm bảo tàng, đài quan sát thiên văn, thảo cầm viên và các phòng họp. Dù đã bị thiêu huỷ trong chiến tranh nhưng thư viện Alexandria vẫn được coi là một trong bảy kỳ quan của thế giới cổ đại với hàng trăm ngàn bản sách quý hiếm lúc bấy giờ. Không để chìm vào quên lãng, chính quyền đã cho xây dựng một thư viện mới mang tên Alexandrina, cách thư viện lừng danh ngày trước 200m. Có thể nói khi liên hợp thư viện và trung tâm văn hoá Alexandrina chính là sự hồi sinh và phát triển của thư viện Alexandria - nơi tất cả mọi người có thể thoả mãn lòng ham học hỏi của mình thông qua việc tìm hiểu và trân trọng các giá trị của văn hoá đọc.
Thư viện Hoàng gia Alexandria, vừa là thư viện lớn vừa là trung tâm văn hóa được xây dựng bên bờ biển Địa Trung Hải, thành phố Alexandria, Ai Cập. Công trình nằm trong top 42 tòa nhà có kiến trúc đặc biệt nhất hành tinh và cũng từng được vinh danh là thư viện lớn nhất thế giới với không gian rộng lớn cùng phòng đọc chính 70.000 m2 có sức chứa lên đến 2.000 người và khoảng 8.000.000 đầu sách. Không những thế nó bao gồm 4 bảo tàng, 4 phòng trưng bày nghệ thuật tạm thời, 15 phòng trưng bày vĩnh viễn, 200 phòng học dành cho các nhà học giả và nghiên cứu, 1 khối cầu và phòng thí nghiệm khôi phục lại bản thảo, thư viện chuyên biệt dành cho bản đồ, truyền thông, người mù và người khiếm thị, thanh niên và trẻ con... Mang nhiều ý nghĩa về văn hoá, thư viện Alexandrina luôn thu hút khoảng 800 ngàn du khách mỗi năm, trở thành điểm đến không thể thiếu của du khách khi tới thăm đất nước Ai Cập huyền bí.