Thuyết minh về Tết trung thu bài 3
“ Tết Trung Thu rước đèn đi chơi
Em rước đèn đi khắp phố phường
Lòng vui sướng với đèn trong tay
Em múa ca trong ánh trăng rằm ”
Câu hát ấy đã nằm lòng với bao người, đã gắn bó với thời thơ ấu của bao nhiều người dân Việt Nam. Và tết trung thu, cái tết thiếu nhi thân thương ấy đã trở thành những hồi ức không thể nào quên của những ai đã đi qua những đêm say xưa trong ánh đèn ông sao và nhảy múa dưới ánh trăng rằm sáng rỡ.
Dù đã được nhiên cứu nhưng vẫn chưa có phân tích nào chỉ ra được nguồn gốc của ngày tết dân gian này. Tết trung thu có thể bắt nguồn từ nền văn minh lúa nước Việt Nam, hình ảnh tết trung thu đã từng được tìm thấy trên trống đồng Ngọc Lũ xa xưa. Song cũng có thể là dân ta tiếp nhận từ nền văn hóa Trung Quốc. Người dân Việt Nam thường biết đến nguồn gốc tết trung thu qua các câu chuyện truyền thuyết về chú Cuội, Hằng Nga và cung trăng của dân gian. Trong “Việt Nam phong tục”, Phan Kế Bính cho rằng tục bày cỗ có từ thời vua Đường Hoàng Minh như một nghi thức ăn mừng sinh nhật vua, tục rước đèn tự do là có từ thời nhà Tống, tục hát trống quân là từ thời Quang Trung Nguyễn Huệ.
Tết trung thu, hay còn gọi là tết thiếu nhi, tết trông trăng, tết hoa đăng, được tổ chức vào ngày rằm tháng tám hằng năm. Tết trung thu được tổ chức ở nhiều quốc gia châu Á như Việt Nam, Trung Quốc, Nhật Bản, Triều Tiên,… Ở Đài Loan, Bắc Triều Tiên và Hàn Quốc, ngày tết này còn một ngày nghỉ lễ quốc gia. Tết trung thu được tổ chức vào một ngày rằm nhưng việc chuẩn bị được thực hiện từ trước đó và được nhiều người tham gia góp sức. Trước ngày tết, mọi người sẽ cùng làm đèn lồng, làm bánh trung thu, chuẩn bị mâm ngũ quả… Đến ngày tết thì cùng nhau xem múa lân, đi rước đèn dưới cung trăng, phá cỗ…
Đèn lồng, đèn trung thu thường được là bằng những vật liệu thông dụng như gỗ và giấy ni lông. Khung gỗ được tạo thành nhiều hình dáng khác nhau rồi được dán ni lông bóng màu sắc lên để trông đẹp mắt. Nào là ông sao, con gà, con cá… Ngày nay, người ta còn sản xuất những lồng đèn bằng điện với nhiều hình thù khác nhau và đẹp mắt hơn. Tuy nhiên, nó không lưu giữ được những giá trị dân gian như lồng đèn thủ công và không tạo được sự gắn kết như khi mọi người cùng làm lồng đèn. Lễ rước lồng đèn thường được duy trì ở các làng xóm vùng nông thôn, nơi mọi người sống gần gũi với nhau, còn đối với những vùng đô thị thì ít thấy hơn. Một hoạt động không thể thiếu của ngày tết này chính là múa lân, hay còn gọi là múa sư tử. Trước ngày tết chính, những đoàn múa sư tử đã biểu diễn trên dọc các con đường rồi, nhưng nhộn nhịp nhất và thu hút nhiều người nhất vẫn là đêm mười lăm mười sáu. Trung thu, cũng như bao ngày tết khác, cũng có một mâm cỗ, thường có trung tâm là con chó làm bằng tép bưởi, xung quanh bày thêm hoa quả và bánh kẹo. Bên cạnh đó, người dân Việt Nam có tục ăn bánh vào ngày này, gọi là bánh trung thu. Đó có thể là bánh nướng truyền thống, bánh nướng hình con lợn, bánh dẻo... Ngày tết trung thu còn là ngày xem trăng, người ta ngắm trăng để tiên đoán mùa màng và quốc gia. Nếu trăng vàng thì trúng mùa tơ tằm, trăng xanh hay lục thì thiên tai, trăng cam thì quốc gia thái bình thịnh trị.
Tết trung thu mang nhiều ý nghĩa hơn cái tên tết thiếu nhi của nó. Đó là ngày lễ để trẻ em được tung tăng vui chơi, gặp gỡ nhau, cùng nhau phá cỗ rước đèn, tận hưởng ngày lễ dành riêng cho mình. Hơn thế, đây còn là dịp mọi người quây quần nói chuyện cùng nhau, là ngày để mọi người gần gũi nhau hơn. Ngày tết trung thu này cũng là ngày lễ của dân tộc, là nét văn hóa dân gian mang hơi thở truyền thống đậm đà, thể hiện sâu sắc bản sắc văn hóa dân tộc, là một nét đặc trưng của đất nước. Cho đến bây giờ, người dân vẫn duy trì tổ chức ngày tết này những ít nhiều đã làm hao hụt đi những giá trị truyền thống như không còn những đoàn rước đèn rộ rã, đèn lồng truyền thống bị những loại đèn hiện đại khác thay thế… Vì vậy, ta không chỉ duy trì ngày tết mà còn cần bảo tồn những giá trị vốn có của nó, cần giữ cho ngày tết đúng với ý nghĩa ban đầu để mang lại một ngày tết vẹn tròn cho lứa tuổi thơ.
“Trung thu liên hoan trăng sáng ngập đường làng.
Dưới ánh trăng vàng em cất tiếng hát vang”
Một câu hát quen thuộc, một câu hát nữa của tuổi thơ gọi bao tâm trí về với những ngày trung thu đẹp đẽ. Cứ như thế, dư vị trung thu đã đi qua bao lớp người, đã đi qua bao lứa tuổi thơ và vẫn mãi in dấu với những đêm vui chơi bên mâm cỗ, trong tiếng trống linh đình dưới ánh trăng vàng dịu êm. Dù đi đâu về đâu nhưng nhất định bạn phải xum vầy bên gia đình vào ngày Tết trung thu đầy ý nghĩa này bạn nhé!