Tử Cấm Thành tại Bắc Kinh Trung Quốc
Trong thời kì phong kiến Trung Hoa xưa, các Hoàng Đế đều nhận “chân mệnh thiên tử”, tức "con trời". Vì vậy, họ là người có quyền lực tối cao, có quyền hô mưa gọi gió và được hưởng mọi vinh hoa phú quý trên đời. Các Hoàng Đế cũng cho rằng, cung điện mà họ ở là bản sao của Thiên Cung trên trời, nơi mà các vị thần ngự trị. Chính vì đó là một nơi thiêng liêng nên người dân không thể tự nhiên tới lui. Bên trong Tử Cấm Thành chỉ có Hoàng Đế, các phi tử cùng con cháu hoàng gia sinh sống. Ngoài ra, còn có các cung nữ, thái giám và vương công đại thần mới được phép ra vào. Tử Cấm Thành là trung tâm chính trị của hai triều đại Minh và Thanh. Chữ “Tử” trong từ “Tử Cấm Thành” có nghĩa là màu tím, lấy ý theo thần thoại Tử Vi Tiên. Đây được xem là nơi ở của Thần Mặt trời, trong khi đó, vua được coi là con trời nên nơi ở của vua cũng gọi là “Tử”. “Cấm Thành” là khu cấm dân thường ra vào. Nhìn bề ngoài, nơi này rất bề thế, xa hoa và hầu như ai cũng muốn được bước vào dù chỉ một lần.
Tử Cấm Thành hay còn gọi là Cố Cung được xem là một trong những biểu tượng văn hóa của đất nước Trung Quốc. Tuy là một công trình hoành tráng bậc nhất Trung Quốc, nhưng một trong những kiến trúc sư trưởng thiết kế và thực hiện công trình này là thái giám Nguyễn An người Giao Chỉ (tên gọi của nước Việt Nam lúc bấy giờ). Ngày nay, Tử Cấm Thành đã trở thành một địa điểm du lịch nổi tiếng tại Bắc Kinh với số lượng người tham quan hàng năm rất lớn. Ngoài ra, tòa thành này còn được cho là nơi bị ám bởi âm khí nhiều, nhất là vào chiều tối. Hơn 600 năm qua, từ nhà Minh cho tới nhà Thanh, đã có rất nhiều vụ ám sát xảy ra đằng sau 4 bức tường thành mà bên ngoài không hề hay biết. Rất nhiều câu chuyện đằng sau bức tường thành vững chãi đó vẫn mãi là bí ẩn với mọi người. Mỗi năm Tử Cấm Thành thu hút đến 15,3 triệu du khách đến đây khám phá vẻ đẹp cũng như chiêm ngưỡng kiến trúc đẹp mắt của đất nước Trung Quốc. Người ta biết đến Tử Cấm Thành với những bức tường cao 10m cùng một con hào và các tháp canh. Một không gian rộng lớn và được quy hoạch thành từng khu vực riêng biệt và mỗi khu vực lại gắn với một nơi ở của vua và các hoàng phi, công chúa.