Về làng ăn bữa cơm quê
Đã sinh ra và lớn lên từ nông thôn, thì sao mà không thương, không nhớ quê hương cho được. Thương quê qua từng món ăn mẹ nấu, qua mâm cơm đạm bạc; tưởng chừng mộc mạc, giản dị lắm, nhưng xa quê rồi lại mong mỏi được về bên mẹ, mà thèm thuồng ăn bữa cơm quê.
Cả một mâm cơm quê, thứ khiến những đứa con của làng như tôi nhung nhớ mãi vẫn là nồi cơm bếp củi. Trời gom nắng đổ về tây, mặt trời rải những tia nắng yếu ớt cuối ngày xuống góc bếp sân nhà, mẹ nhóm lửa từ củi, từ rơm để nấu cơm chiều. Làn khói lam tỏa lên trên mái tranh nghèo khi trời chập choạng tối, quấn quýt từng tầng, từng lớp. Bãng lãng bay mà chẳng muốn rời xa chái bếp nhỏ, ngọn khói phả vào tàu lá chuối heo héo phủ đầu tro mịn. Đã bao buổi chiều, qua bao nồi cơm mà những tàu lá chuối trong vườn, sau bếp đều áo nhẹ một lớp tro tàn. Qua mấy cái cay xè của khói, làm bức phên tre cũng giăng đầy “mồ hóng”.
Tụi trẻ con chúng tôi sành ăn lắm, nhà ai đang thổi cơm chiều là nhận ra ngay. Đặc biệt là nồi cơm gạo mới, đi qua đầu ngõ thôi đã nghe ra mùi. Cơm gạo mới thơm lắm! ngon lắm! Thơm nhất là khi nồi cơm đang sôi sùng sục, tuôn trào trên bếp, mở cái nắp nồi là một làn hương trong trẻo như mùi sữa ngọt lành, thoang thoảng rồi loang dần, quấn chặt mà đơm lên sống mũi. Nồi cơm đầu mùa với những hạt cơm trắng ngần, mây mẩy đều nhau. Thứ ngon nhất trong nồi vẫn là cơm cháy đáy xoong, nó giòn, thơm nồng mùi gạo quê, quyện nhè nhẹ mùi khói với cái vị đăng đắng ở đôi chỗ.
Mâm cơm quê của mẹ chẳng có gì cao lương, mỹ vị. Chỉ là dĩa rau trong vườn luộc chấm nước ruốc, vậy mà ngon, mà lành vị. Nước ruốc ngon nhất khi được kho cùng với tóp mỡ, ít hành lá và ớt xắt. Nước ruốc phải thật cay, có một lớp màng đỏ và ăn vào thì hít hà, như vậy mới đúng cái vị của người miền Trung. Mâm cơm quê ngày hè thì không thể thiếu tô canh rau, canh bầu, canh bí nấu với cá lóc đồng, vị canh ngọt sớt từ cá đồng tiết ra, khéo đưa cơm giữa những trưa hè oi bức. Đồng ruộng vào mùa mưa lụt, tụi trẻ chúng tôi lại ra đồng bắt cá. Bắt được con cá rô to là mừng khôn xiết. Háo hức mà đem về cho mẹ. Mẹ kho nồi cá rô đồng với tiêu, mùi thơm ngào ngạt, ăn vào cái vị the the, tê đầu lưỡi thì hao cơm lắm những ngày đông lạnh, mưa dầm dề. Mâm cơm quê chỉ đôi ba món bình dị, cây nhà lá vườn, chứ ăn rồi, đi xa thì nhớ lắm.
Bữa cơm chiều bình yên trước sân nhà khi mặt trời đã khuất sau rặng tre, trải chiếc chiếu là cả nhà ngồi lại ăn. Bao buồn vui đồng áng, chuyện đời, chuyện người cứ thế mà rôm rả. Tiếng nói, tiếng cười nồng hậu bên những món ăn đồng quê. Tự dưng những kỉ niệm đó cứ chôn chặt một cách tự nhiên vào lòng, để khi xa quê thì nổi nhớ niềm thương cứ vương vấn.
Thương nhất, nhớ nhất là bữa cơm trưa mùa gặt. Sáng ra đồng, mẹ nấu cơm mà mang theo để trưa ăn. Cơm trắng được mẹ gói trong mo cau dày dặn, ủ nóng đến trưa vẫn còn hơi. Khi muối đậu, khi muối mè được gói cẩn thận trong lá chuối. Nghỉ tay ăn cơm dưới những gốc cây bóng mát râm ran, gió đồng mát rượi thổi vi vu, mơn man lên da thịt. Bữa cơm mùa gặt ngoài đồng, giữa trưa nắng hạ chang chang chỉ cơm trắng muối đậu, mà ngon, mà vui hơn những món ăn xa hoa.
Giữa nhịp sống hối hả, tấp nập, để tìm lại mâm cơm quê thì không khó, nhưng khó tìm là bữa cơm bên gia đình. Cũng là những món vườn nhà như vậy, cơm trắng nóng hổi trong nồi đất nung như thế, mà sao khác quá. Chắc bởi lẽ mâm cơm quê được nấu từ cái kiềng cũ, cái nồi đất đen và từ chái bếp loang lổ phên tre của mẹ. Và hơn nữa, những món ăn nhà quê ấy được nấu từ đôi bàn tay gân guốc của mẹ, vun vắn trong từng món là lòng vị tha, sự hy sinh; lòng ngóng trông cha làm đồng về ăn cơm chiều của những đứa con trẻ như tôi.
Bữa cơm quê nhà đâu chỉ để gói ghém tình thân, mà còn để khắng khít tình làng nghĩa xóm. Hôm nay nhà có nấu món ngon, lạ miệng là sẽ được múc một ít bưng qua nhà bên. Tụi trẻ như chúng tôi luôn được giao nhiệm vụ bưng sang. Cứ cho nhau qua lại tô canh, con cá mà tình nghĩa làng xóm cứ mãi thắt chặt. Đó cũng là cái nghĩa, cái tình đặc trưng của người nhà quê nồng hậu, chất phác và thật thà.
Sinh ra từ những luống rau thửa ruộng chất chứa đầy giọt mồ hôi mặn mòi của cha, lớn lên từ những mâm cơm nhà quê của mẹ, vậy nên cái mùi vị quê mùa cứ quyện trong từng hơi thở, thớ thịt...Người ta có tài đến mấy, “nghe tiếng cơm sôi” lòng cũng nao nao nhớ mẹ, nhớ quê.
Sưu tầm