Top 5 Bài soạn Luyện tập viết đoạn văn nghị luận (Ngữ Văn 10) hay nhất
Trong chương trình Ngữ Văn 10, với bài học Luyện tập viết đoạn văn nghị luận, học sinh cần soạn như thế nào? Dưới đây, Toplist đã sưu tầm và tổng hợp được ... xem thêm...những bài soạn Luyện tập viết đoạn văn nghị luận dành cho các bạn học sinh lớp 10 cùng tham khảo.
-
Bài soạn tham khảo số 1
Câu 1 (trang 141 sgk ngữ văn 10 tập 2):
Mở bài:
Từ xưa tới nay, sách là con đường giúp con người tiếp cận với tinh hoa văn hóa nhân loại, nâng cao kiến thức… Dù ngày nay có nhiều phương tiện cung cấp thông tin nhanh gọn nhưng không thể xóa đi vai trò của sách trong đời sống con người. Sách đóng vai trò quan trọng trong đời sống tinh thần của con người. Đúng như nhà văn Maxim Go-rơ-ki có nói “Sách mở rộng trước mắt tôi những chân trời mới”.
Trình bày ý: Sách cung cấp những hiểu biết về thế giới xung quanh, về vũ trụ bao la, về các đất nước xa xôi trên thế giới.
Sách mở rộng những chân trời mới, bởi sách cung cấp những hiểu biết về thế giới xung quanh và về vũ trụ bao la, những đất nước xa xôi trên thế giới. Sách mang lại hiểu biết cho con người về môi trường sống muôn hình vạn trạng, đa dạng sắc màu xung quanh ta. Sách khoa học cung cấp kiến thức về tự nhiên, vũ trụ, cho chúng ta cái nhìn đúng đắn, đầy đủ về những thứ đang tồn tại. Thực tế đã chứng minh, có những cuốn sách của nhà khoa học Edison tìm hiểu về các hiện tượng vật lí, từ đó sáng tạo ra bóng đèn, xe điện, nhiều phát minh nổi tiếng phục vụ đời sống con người. Nhờ có sách của Galile chúng ta mới biết đến những khám phá thú vị về vũ trụ “dù sao trái đất vẫn quay”… Sách còn mở ra trước mắt ta những vùng đất mới ta chưa bao giờ đặt chân tới như sách địa lý, sách khoa học thường thức…
Câu 2 (trang 141 sgk ngữ văn 10 tập 2):
Trao đổi với các bạn trong lớp về bài viết.
Câu 3 (trang 141 skg ngữ văn 10 tập 2):
Lựa chọn bài hoàn chỉnh, tốt nhất đọc trước lớp.
-
Bài soạn tham khảo số 2
Câu 1 (trang 141 sgk Ngữ văn 10 Tập 2):
Tham khảo gợi ý dưới đây:
* Đối với luận điểm: Sách giúp con người tự khám phá dân tộc mình, bản thân mình và chắp cánh những ước mơ, nuôi dưỡng khát vọng
Có thể triển khai như sau:
- Mọi phong tục, tập quán, cách ứng xử văn hóa,…của dân tộc tự ngàn đời đến nay đều được lưu giữ trong sách. Vì thế qua sách, người đọc biết được vô vàn điều thú vị của cuộc sống thời xưa mà ngày nay không còn nữa. Ví dụ: phong tục nhuộm răng đen ở phụ nữ.
- Sách giúp con người khám phá bản thân mình, khám phá ra khả năng hướng thiện, hiểu hơn về bản thân. Khi đọc sách ta có những cảm xúc tích cực, thấy đồng điệu và thanh lọc tâm hồn ta.
- Sách chắp cánh cho những ước mơ, khát vọng: đọc sách sẽ kích thích trí tưởng tượng và ước mơ của con người đến những miền đất lạ, đến với khát vọng cao đẹp, có ích cho cộng đồng. Con người sẽ ca ngợi cái đẹp, chân – thiện – mĩ và lên án những cái xấu xa, tàn bạo.
*Đối với luận điểm: Sách có sức mạnh vượt thời gian và không gian
Có thể triển khai như sau:
- Tác động của sách không hề bị giới hạn bởi thời gian, không gian.
- Con người ngày nay vẫn luôn tìm về cội nguồn với những trang sách đã có hàng mấy nghìn năm
- Một người sống ở một làng hẻo lánh ở Châu Á cũng có thể đọc được cuốn sách của một người viết từ một đất nước xa xôi ở châu Mĩ.
- Có sách, các thế kỉ và các dân tộc xích gần lại nhau hơn.
-
Bài soạn tham khảo số 3
Hướng dẫn soạn bài
Đề bài : “Sách mở rộng trước mắt tôi những chân trời mới.” (Go-rơ-ki)
Dựa vào dàn ý trong SGK – tr.140, ta viết các đoạn văn ngắn triển khai các ý trong phần Thân bài như sau :
Phần 1: Sách là sản phẩm tinh thần kì diệu của con người.
a. Trước khi có chữ viết, con người đã có những sáng tác truyền miệng, nhưng nền văn minh nhân loại chỉ bùng nổ từ khi bắt đầu có chữ viết, nhất là từ khi sách ra đời ghi chép, lưu giữ tất cả giá trị văn minh. Sách là cái thẩn bí trong những cái thần kì mà nhân loại sáng tạo nên. Sách là cái cần có để lưu giữ và truyền lại cho người sau, cho thế hệ sau, những hiểu biết của mình về thế giới xung quanh, những khám phá về vũ trụ, về con người, cả những ý nghĩ, những quan niệm, những mong muốn về cuộc sống cần trao gửi đến đời sau.
b. Sách, đó là kho tàng chứa đựng những hiểu biết của con người đã được khám phá, chọn lọc, thử thách, tổng hợp. Sách là nơi kết tinh những tư tưởng tiên tiến nhất của các thời đại, những hoài bão mạnh mẽ nhất, những tình cảm tha thiết nhất của con người. Chỉ có những gì mà con người cảm thấy bức xúc cần nói, cần truyền lại, mới đi vào sách. Sách chính là kết quả của lao động trí tuệ.
c. Tác động của sách không hề bị giới hạn bởi thời gian và không gian. Con người ngày nay vẫn không hề giảm sút hứng thú tìm lại những trang sách đã có hàng nghìn năm, từ những hình vẽ bí hiểm trên những phiến đất sét, những chữ cái từ lâu đã trở nên lạ lùng trên các tấm da cừu, những con chữ tượng hình trên các thẻ tre ... Cho đến hôm nay, những cuốn sách được in hàng loạt bằng máy in điện tử hiện đại. Một người sống ở một làng hẻo lánh châu Á cũng có thể đọc được cuốn sách của một người viết từ một đất nước xa xôi ở châu Mĩ. Thật có thể nói không ngoa rằng: có sách, các thế kỉ và các dân tộc xích lại gần nhau hơn.
Phần 2: Sách mở rộng những chân trời mới.
a. Mỗi con người sống trong một phạm vi không gian nhất định, thời gian đời người là hữu hạn, nhưng khát vọng hiểu biết của con người lại là vô hạn. Ngay từ khi còn nhỏ, con người đã được học chữ để có khả năng tiếp cận với một nguồn tri thức vô hạn là sách. Những cuốn sách khoa học tự nhiên giúp trí óc con người khám phá vũ trụ với những quy luật, bản chất sự vật, hiện tượng tự nhiên quanh mình. Những cuốn sách khoa học xã hội lại cho ta bao hiểu biết về đời sống cộng đồng trên các đất nước khác nhau với những đặc điểm kinh tế, văn hóa, lịch sử…
b. Sách đem đến cho ta bao kiến thức về cuộc sống con người qua các thời kì khác nhau. Ta biết được chiến tranh thế giới tàn khốc, biết được sự nghèo đói và sức hủy diệt của chiến tranh thông qua các trang sách về lịch sử. Ta cũng biết được xã hội nguyên thủy ăn lông ở lỗ, săn bắt, hái lượm như thế nào qua sách. Thực vậy, sách tái hiện lại hiện thực khách quan thông qua thế giới hình tượng. Hơn nữa, qua sách, tâm tư tình cảm, đời sống văn hóa của con người cũng được thể hiện trong sách. Những bộ sử thi, giai thoại cho ta biết đời sống tín ngưỡng, con người của thời đại. Nào những Truyện Kiều, Chinh phụ ngâm làm ta thấu hiểu được thân phận người con gái, xã hội phong kiến bất công, tàn nhẫn ra sao…
c. Sách giúp con người tự khám phá dân tộc mình. Qua lời kể của các nhà sử gia, các tác phẩm văn học mà người Việt ta biết được đất nước mình từng gian nan như thế nào để chống ngoại xâm, để giữ nước và bước qua hàng ngàn năm lịch sử. Cũng nhờ sách, con người tự khám phá bản thân mình, chắp cánh những ước mơ, nuôi dưỡng khát vọng. Tự soi mình vào kho tàng tri thức nhân loại, con người mới nhận ra hiểu biết của mình thật nhỏ bé giữa đại dương tri thức. Từ đó mà thấy được mặt tốt – xấu của bản thân mình, những cuốn sách như Hạt giống tâm hồn, Tôi tài giỏi bạn cũng thế… phần nào khích lệ, động viên rất nhiều người dũng cảm đến với mơ ước riêng mình.
Phần 3: Cần có thái độ đúng với sách.
Đọc sách mang lại rất nhiều lợi ích. Nhưng không phải ai cũng biết đọc sách cho đúng. Sách có nhiều loại, có sách tốt, sách xấu, có những sách phù hợp, nhưng cũng có những sách không phù hợp. Vì vậy, khi đọc sách trước tiên phải biết chọn sách mà đọc. Biết học hỏi và làm theo những điều tốt đẹp trong sách. Đồng thời, với học sinh, chỉ học trong sách vở là chưa đủ, kiến thức phải được tiếp thu cả trong thực tế.
-
Bài soạn tham khảo số 4
Hướng dẫn soạn bài
Đoạn văn tham khảo
Sách có sức sống phi thường, vượt qua không gian và thời gian, đưa ta “trở về quá khứ”, tìm đến những biến cố lịch sử, những cuộc đấu tranh anh dũng của dân tộc. Những điều trong quá khứ, những gì mà người xưa đã chứng kiến và trải qua đã được lưu lại qua những trang sách. Nhờ có sách, thế hệ sau có thể biết được nhiều tri thức về cuộc sống của những người xưa, đồng thời có thể đối thoại lại với họ. Nói cách khác, sách là một kênh đối thoại giữa những lớp người ở không gian và thời gian khác nhau. Sách không chỉ cho ta kiến thức học tập mà còn cho ta những kĩ năng trong cuộc sống. Đọc mỗi trang sách, ta như hiểu thêm về những thứ xung quanh ta mà ta chưa từng biết. Ví dụ ta đọc sách về địa lý, sách mang cho ta những kiến thức về đất đai diện tích lãnh thổ, ... Đọc sách về văn học, ta hiểu thêm về cách sử dụng ngôn từ, những biện pháp nghệ thuật, những cuộc sống khốn khó của người dân thời xưa, mang cho tâm hồn chúng ta những bay bổng trầm lắng. Còn rất nhiều, rất nhiều loại sách khác. Mỗi quyển mở cho ta một chân trời kiến thức bao la. Sách phải được trân trọng, bảo vệ, nâng niu. Sách luôn là người bạn đồng hành mà chúng ta phải trân trọng.
-
Bài soạn tham khảo số 5
Câu 1 (trang 141 SGK Ngữ văn 10 tập 2)
1. Sách là sản phẩm của văn minh nhân loại.
Phải nói rằng, đến một trình độ phát triển nhất định, loài người mới sản xuất ra sản phẩm đặc biệt: đó là sách. Trước khi có chữ viết, con người có thể đã có những sáng tác truyền miệng, nhưng nền văn minh nhân loại chỉ bùng phát từ khi có chữ viết, nhất là từ khi chữ viết được sử dụng để ghi chép lại tất cả những giá trị văn minh. Những giá trị đó là những kinh nghiệm lao động sản xuất, kinh nghiệm ứng xử xã hội, kinh nghiệm chăm sóc sức khoẻ cho bản thân và cộng đồng. Đó là những sáng tạo khác về mặt văn hóa, văn học, phong tục, tín ngưỡng, ... Và về sau, đó là những phát kiến khoa học- kĩ thuật. Sách giúp cho người đời sau học tập, kế thừa được người đi trước, giúp cho người nước này biết được thành tim của người nước khác để học hỏi, để cùng nhau tiến bộ. Sách chứa đựng nền văn minh, là sản phẩm của nền văn minh.
2. Sách có sức mạnh vượt thời gian và không gian
Tác động của sách không hề bị giới hạn bởi thời gian và không gian. Con người ngày nay vẫn không hề giảm sút hứng thú tìm lại những trang sách đã có hàng nghìn năm nay, từ những hình vẽ bí hiểm trên những phiến đất sét, những chữ cái từ lâu đã trở nên lạ lùng trên các tấm da cừu, những con chữ tượng hình trên các thẻ tre ... cho đến hôm nay, những cuốn sách được in hàng loạt bằng máy in điện tử hiện đại. Một người sống ở một làng hẻo lánh châu Á cũng có thể đọc được cuốn sách của một người viết từ một đất nước xa xôi ở châu Mĩ. Thật có thể nói không ngoa rằng: có sách, các thế kỉ và các dân tộc xích lại gần nhau.
3. Sách đã mở ra trước mắt ta một chân trời mới! Thật vậy, khi đọc những cuốn sách khoa học thì ta mới biết được ngoài trái đất thân yêu của chúng ta là một vũ trụ bao la rộng lớn. Những công nghệ khoa học hiện đại ở các nước tiên tiến cũng đều được viết vào sách, không chỉ có sách khoa học mà còn rất nhiều thể loại sách nữa như: sách văn học, sách xã hội, sách kinh tế, sách lịch sử... Chúng giúp ta trả lời các câu hỏi: Đỉnh núi nào cao nhất trên thế giới? Tại sao người Ai Cập biết ướp xác? Có phải từ mặt trăng ta có thể nhìn thấy Vạn lý trường thành hay không? Hay như trái đất có hình gì? Tại sao bóng đèn lại phát sáng?... Sách xã hội giúp ta hiểu biết được phong tục tập quán, dân số và rất nhiều điều kì lạ của một đất nước rất nhỏ bé hay cả một châu lục nào đó. Còn sách văn học thì làm chúng ta tìm lại chính mình, biết được những suy nghĩ riêng của mình. Qua những trang sách văn học, ta cảm nhận được một thứ tình cảm đẹp trong sáng và cả những nỗi khổ, hạnh phúc của những con người trong những hoàn cảnh khác nhau. Sách văn học luôn luôn biến đổi một cách kỳ ảo, dẫn con người từ tác phẩm này sang tác phẩm khác, giúp con người hiểu thêm về nhau, về hoàn cảnh, tập tục của nhau. Họ cùng chia sẻ những tình cảm vui buồn. Con người tìm được sự đồng cầm sâu sắc trong mỗi trang sách, quan trọng hơn nữa họ có thế tìm thấy chính mình ẩn đâu đây trong những áng văn thơ bất tán. Con người chợt thấy mình lãng mạn hơn, hay hiện thực hơn.