Top 20 Bài thơ hay về nghề giáo nhân ngày 20/11

Lệ Nguyễn 64626 0 Báo lỗi

Nghề dạy học là nghề cao quý nhất trong các nghề cao quý. Nghề giáo rất là quan trọng, rất là vẻ vang, ai có ý kiến không đúng về thầy giáo thì phải sửa chữa". ... xem thêm...

  1. Top 1

    Thầy

    Cơn gió vô tình thổi mạnh sáng nay
    Con bỗng thấy tóc thầy bạc trắng
    Cứ tự nhủ rằng đó là bụi phấn
    Mà sao lòng xao xuyến mãi không nguôi


    Bao năm rồi? Đã bao năm rồi hở ? Thầy ơi
    Lớp học trò ra đi, còn thầy ở lại
    Mái chèo đó là những viên phấn trắng
    Và thầy là người đưa đò cần mẫn
    Cho chúng con định hướng tương lai


    Thời gian ơi xin dừng lại đừng trôi
    Cho chúng con khoanh tay cúi đầu lần nữa
    Gọi tiếng thầy với tất cả tin yêu...


    Tác giả: Ngân Hoàng

    Tóc thầy thì cứ bạc dần theo năm tháng, còn trò thì cứ lớn dần theo thời gian. Công ơn thầy con mãi khắc ghi trong lòng, biết ơn thầy mãi tận mai sau.

    Ảnh minh họa (nguồn internet)
    Ảnh minh họa (nguồn internet)
    Ảnh minh họa (nguồn internet)
    Ảnh minh họa (nguồn internet)

  2. Cầm bút lên định viết một bài thơ
    Chợt nhớ ra nay là ngày nhà giáo
    Chợt xấu hổ cho những lần cao ngạo
    Thì ra con cũng giống bấy nhiêu người.


    Cầm bút lên điều đầu tiên con nghĩ
    Đâu là cha, là mẹ, là thầy…
    Chỉ là những cảm xúc vu vơ, tầm thường, nhỏ nhặt…
    Biết bao giờ con lớn được,
    Thầy ơi !


    Con viết về thầy, lại “phấn trắng”,”bảng đen”
    Lại “kính mến”, lại “hy sinh thầm lặng”…
    Những con chữ đều đều xếp thẳng
    Sao lại quặn lên những giả dối đến gai người .


    Đã rất chiều bến xe vắng quạnh hiu
    Chuyến xe cuối cùng bắt đầu lăn bánh
    Cửa sổ xe ù ù gió mạnh
    Con đường trôi về phía chẳng là nhà…


    Mơ màng nghe tiếng cũ ê a
    Thầy gần lại thành bóng hình rất thực
    Có những điều vô cùng giản dị
    Sao mãi giờ con mới nhận ra. Em vẫn thường nhắc đến mùa thu
    Bông cúc vàng cánh mềm như tuổi nhỏ
    Bài tập đọc năm nao em còn nhớ
    Dẫu bây giờ em đã biết làm thơ


    Đọc chữ O cô dặn phải tròn môi
    Chỉ vậy thôi, chao ôi, sao mà khó !
    Lỗi tại con chuồn chuồn cánh đỏ
    Mải rong chơi nên em chẳng thuộc bài


    Chỉ mỗi chữ O em đọc sai
    Dường như cô già đi mấy tuổi
    Đến khi em hiểu điều đơn giản ấy
    Cô giáo ơi, tóc cô bạc hết rồi!


    Em hiểu, mỗi sợi tóc đổi màu kia
    Là một lớp người lớn lên và biết sống
    Mặt đất như trời xanh mơ mộng
    Bông cúc vàng nên buổi sáng vô tư.


    Khởi đầu cho một chuyến đi xa
    Lối trường cũ thoảng hương cỏ mật
    Bài tập đọc khóa bình minh thứ nhất
    Cả cuộc đời cô dõi bóng theo em ...

    Tác giả: Nguyễn Thị Chí Mỹ


    Thầy cô là người đã dạy con nét chữ đầu tiên để rồi sau này, khi con lớn hơn một chút, con mới hiểu sự ân cần của cô, khi cầm tay con uốn từng nét chữ không chỉ đơn thuần là dạy con biết viết, mà nết người của con cũng bắt đầu từ những nét chữ A,B,C. Là người mà phải thức cả đêm để viết lại và cảm nhận bài văn thầy phê “cảm nhận còn hời hợt” bằng tất cả tình cảm, vốn sống của mình. Tất cả những gì thầy cô làm là chỉ mong học sinh của mình sẽ tốt hơn, trưởng thành hơn.

    Ảnh minh họa (nguồn internet)
    Ảnh minh họa (nguồn internet)
    Ảnh minh họa (nguồn internet)
    Ảnh minh họa (nguồn internet)
  3. Một đời người - một dòng sông...
    Mấy ai làm kẻ đứng trông bến bờ,
    "Muốn qua sông phải lụy đò"
    Đời người muôn bước cậy nhờ người đưa...


    Tháng năm dầu dãi nắng mưa
    Con đò trí thức thầy đua bao người.
    Qua sông gửi lại nụ cười
    Tình yêu xin tặng người thầy kính thương.


    Con đò mộc - mái đầu sương
    Mãi theo ta khắp muôn phương vạn ngày,
    Khúc sông ấy vẫn còn đây
    Thầy đưa tiếp những đò đầy qua sông...

    Tác giả: Thảo Nguyên


    Có ai đó đã nói, nghề dạy học như nghề chèo đò đưa khách sang sông. Và người ta ví von, mỗi thầy, cô giáo như những người lái đò cần mẫn, đưa biết bao thế hệ học trò cập bến đỗ tương lai. Chuyến đò ấy chở biết bao tri thức và tình cảm, đong đầy tâm huyết và công sức của các thầy, cô.


    Tháng 11 về, khắp nơi trên dải đất hình chữ S thân thương đang tràn ngập không khí tưng bừng, phấn khởi kỷ niệm Ngày Nhà giáo Việt Nam 20.11. Đây là dịp để cả xã hội tôn vinh nghề dạy học – nghề cao quý nhất trong những nghề cao quý và tôn vinh các thầy giáo, cô giáo, những người đảm nhận sứ mệnh vẻ vang “trồng người”.

    Ảnh minh họa (nguồn internet)
    Ảnh minh họa (nguồn internet)
    Ảnh minh họa (nguồn internet)
    Ảnh minh họa (nguồn internet)
  4. Cây phượng già treo mùa hạ trên cao
    Nơi bục giảng giọng thầy sao chợt thấp:
    "Các con ráng… năm nay hè cuối cấp…"
    Chút nghẹn ngào… bụi phấn vỡ lao xao.


    Ngày hôm qua hay tự tháng năm nào
    Con nao nức bước vào trường trung học
    Thương cây lúa hóa thân từ hạt thóc
    Thầy ươm mùa vàng, đất vọng đồng dao.


    Mai thầy về, sân trường cũ nằm đau?
    Hay nỗi nhớ lấp vùi theo cát bụi?
    Dẫu cay đắng, dẫu trăm nghìn đau tủi
    Nhọc nhằn nào thầy gửi lại ngày sau?


    Mai thầy về, mùa gọi nắng lên cao
    Vai áo bạc như màu trang vở cũ
    Con muốn gọi sao lòng đau nghẹn ứ
    Đã bao lần con ngỗ nghịch thầy ơi!

    Tác giả: Bùi Hữu Phúc


    Xin cảm ơn những thầy cô đã dìu dắt con từ những ngày đầu tiên học lễ, hậu học văn. Những yêu thương, trân trọng và thành kính nhất là tất cả những gì con muốn những người cô thầy đã dạy dỗ con nên người. Chúc các thầy cô luôn mạnh khỏe, hạnh phúc để mãi mãi vun đắp cho sự nghiệp trồng người.

    Ảnh minh họa (nguồn internet)
    Ảnh minh họa (nguồn internet)
    Ảnh minh họa (nguồn internet)
    Ảnh minh họa (nguồn internet)
  5. Tóc thầy đã bạc lắm rồi
    Bạc như bông tuyết trên đồi bay bay
    Trong giờ thầy giảng thật hay
    Bao nhiêu kiến thức chui ngay vào đầu
    Toán học có gì khó đâu
    Đạo hàm, sin, cos, hình cầu, hình thang
    Vào tay thầy tớ cưu mang
    Cũng thành bài toán hình thang đại trà
    Mỗi lần đến tiết kiểm tra
    Tất cả ríu rít như là hội đêm
    Không tin đến lớp tớ xem
    Tớ giở sổ điểm cho xem điểm mười
    Điểm mười sáng chói đỏ tươi
    Đem khoe bố mẹ bạn lười chẩy thây
    Khoe rằng đừng có lười chây
    Để rồi có hối chẳng còn kịp đâu
    Bao nhiêu kiến thức trong đầu
    Mai sau khôn lớn giúp đời mà thôi
    "Hai mươi - mười một" đến rồi
    Mau mau đi với bọn tôi chúc thầy.

    Tác giả: (Đang cập nhật)


    Tôi nguyện khắc ghi trong tim những công ơn lớn lao của thầy giáo với niềm kính trọng nhất. Thầy ơi, những kiến thức được thầy đúc kết thành những tinh hoa của nhân loại qua bao thế hệ đã giúp con nhận ra rằng: những gì mà ta thu thập được từ kho tàng kiến thức rộng lớn sẽ tan biến đi vào một khoảng không gian trống một khi chúng ta nhụt chí và lùi bước. Thầy đã gieo những hạt giống của trí tuệ vào tâm hồn trong sáng của những đứa học sinh, là người cầm bó đuốc tri thức của nhân loại soi đường chỉ lối cho thế hệ học trò.

    Ảnh minh họa (nguồn internet)
    Ảnh minh họa (nguồn internet)
    Ảnh minh họa (nguồn internet)
    Ảnh minh họa (nguồn internet)
  6. Con về thăm lại thầy xưa
    Nói sao cho hết cho vừa thầy ơi !
    Lòng con quá đỗi bồi hồi
    Tóc thầy nay đã bạc rồi còn đâu ?

    Thời gian chẳng có bao lâu
    Mà sao mọi vật ngả màu rêu phong ?
    Sân trường áo trắng trắng trong
    Bây giờ buồn tẻ vắng không bóng người.
    Thầy nhìn con, nở nụ cười
    Nụ cười héo quá, khác mười năm qua:
    "Trường xưa, giờ của người ta
    Người ta lấy lại đó mà, con ơi !
    "Nỗi buồn trong mắt chưa vơi
    Cộng thêm nỗi khổ chốn đời dọc ngang
    Nên tóc thầy nối thời gian
    Và rồi bạc trắng với ngàn thương đau.


    ...Hỡi ơi những chuyện u sầu
    Xin đừng nhuộm tiếp mái đầu thầy tôi !

    Tác giả: Đặng Thu Liên


    “Thưa thầy con đã thuộc bài học sáng nay trên bục giảng có bụi phấn rơi rơi trên tóc thầy”.Thầy đang đứng đó truyền đạt bao kiến thức cho đàn em bé nhỏ. Thầy vẫn đứng ở đó, đứng suốt mấy mươi năm làm tóc thầy lốm đốm bạc vì bụi phấn.

    Ảnh minh họa (nguồn internet)
    Ảnh minh họa (nguồn internet)
    Ảnh minh họa (nguồn internet)
    Ảnh minh họa (nguồn internet)
  7. Chèo lái đưa đò cặp bến sông
    Thầy cô mang nặng trái tim nồng
    Trồng người dạy chữ niềm say đắm
    Mỗi chuyến đò qua thỏa nỗi lòng
    Nhớ lắm ngày xưa tuổi học trò
    Nhớ từng nét chữ các thầy cô
    Mặc trời mưa nắng hay se lạnh
    Lời giảng còn vang vọng tới giờ
    Thế hệ chúng tôi nay đã lớn
    Mỗi người mỗi việc gắng hoàn thành
    Vẫn luôn canh cánh bao hoài niệm
    Bài học năm nào thuở tuổi xanh.

    Tác giả: Văn Thông


    “Thầy giáo”, hai từ thiêng liêng ấy lúc nào cũng ngân vang lên trong suy nghĩ tôi. Đối với tôi thầy là một người cha có lòng vị tha và lòng yêu thương tha thiết.


    Lúc nhỏ, tôi thường hay hỏi mẹ: “ Mẹ ơi, tại sao con lại phải gọi thầy là “thầy giáo” vậy mẹ?” Thật là một câu hỏi ngây thơ và ngờ nghệch. Nhưng đó là những tình cảm đầu tiên, những cảm nhận mơ màng về “thầy giáo” của đứa trẻ thơ khi chập chững vào lớp một. Hình ảnh người thầy cầm tay viết chữ quả là một kí ức sâu sắc đối với trẻ thơ.

    Ảnh minh họa (nguồn internet)
    Ảnh minh họa (nguồn internet)
    Ảnh minh họa (nguồn internet)
    Ảnh minh họa (nguồn internet)
  8. Tôi đứng lặng giữa cuộc đời nghiêng ngả
    Để một lần nhớ lại mái trường xưa
    Lời dạy ngày xưa có tiếng thoi đưa
    Có bóng nắng in dòng sông xanh thắm
    Thoáng quên mất giữa tháng ngày ngọt đắng
    Trưởng thành này có bóng dáng hôm qua
    Nhớ được điều gì được dạy những ngày xưa
    Áp dụng - chắc nhớ cội nguồn đã có
    Nước mắt thành công hoà nỗi đau đen đỏ
    Bậc thềm nào dìu dắt những bước đi
    Bài học đời đã học được những gì
    Có nhắc bóng người đương thời năm cũ
    Vun xới cơn mơ bằng trái tim ấp ủ
    Để cây đời có tán lá xum xuê
    Bóng mát dừng chân là một chốn quê
    Nơi ơn tạ là mái trường nuôi lớn
    Xin phút tĩnh tâm giữa muôn điều hời hợt
    Cảm tạ mái trường ơn nghĩa thầy cô.

    Tác giả: (Đang cập nhật)


    Thầy cô ơi ! Con không biết phải bày tỏ tình cảm của mình như thế nào nữa ? Con chỉ muốn cảm ơn các thầy cô vì tất cả những điều hay, điều bổ ích mà thầy cô - những người lái đò của một tương lai rộng mở đã truyền đạt đến thế hệ học sinh chúng con.

    Ảnh minh họa (nguồn internet)
    Ảnh minh họa (nguồn internet)
    Ảnh minh họa (nguồn internet)
    Ảnh minh họa (nguồn internet)
  9. Thầy chính là những vì sao thắp sáng
    Là đèn đường soi rạng lối em đi
    Còn Cô là người mẹ hiền phú quí
    Mà trời dành để dậy dỗ chúng em


    Mỗi năm chỉ có một lần
    Hai mươi, mười một, ngày dành Thầy - Cô
    Học trò bao nét điểm tô
    Khăn tơ, áo lụa, kéo vô chúc mừng


    Trời thu nắng đẹp tưng bừng
    Đứa thì hoa huệ, đứa thì cúc xinh
    Tung tăng biểu lộ ân tình
    Bao ngày mệt nhọc Thầy - Cô dỗ dành


    Bây giờ vài phút mỏng manh
    Chúng em họp lại, kính Cô, kính Thầy
    Ngày vui nhà giáo sum vầy
    Mong thầy - cô khỏe, trồng người tiếp sau.

    Tác giả: (Đang cập nhật)

    Lúc còn ấu thơ, chắc ai ai cũng ngỡ rằng chỉ có cha mẹ là cho ta tình cảm nhiều nhất. Nhưng không ! Thời gian cứ trôi lặng lẽ và từ khi được cắp sách tới trường thì em mới nhận ra được rằng tình cảm của thầy cô dành cho em cũng như tình cảm của cha mẹ dành cho em vậy. Cô như người mẹ, thầy như người cha đã dìu dắt chúng em trên con đường học vấn.

    Ảnh minh họa (nguồn internet)
    Ảnh minh họa (nguồn internet)
    Ảnh minh họa (nguồn internet)
    Ảnh minh họa (nguồn internet)
  10. Con dừng lại phía hàng cây
    Bồi hồi khi gặp dáng thầy hôm nao
    Trường xưa vẫn nét ngày nào
    Và đây vẫn thấy dáng cao cao gầy
    Vẫn bao la một vòng tay
    Đón con như thể chưa ngày cách xa
    Kiềm lòng để lệ khỏi nhoà
    Giọng thầy trầm ấm “thật thà phải con?”
    Cái tên thấy gọi riêng con
    Đến giờ con thấy vẫn còn mới nguyên
    Ước mong con mãi không quên
    “Thật lòng vững trí đừng phiền nghe con”
    Lợi danh - danh lợi sẽ mòn
    Những điều thấy dạy còn hoài khắc tâm
    Nhớ tóc thấy điểm hoa râm
    Cùng lời chỉ dạy âm thầm con mang
    Ai quên đi chuyến đò ngang
    Quên sao người lái thuyền sang bến đời.

    Tác giả: (Đang cập nhật)

    Dạy học là một nghề khó và đôi khi đem lại cho ta sự mệt mỏi. Đôi khi nó còn là một sự chán nản, bởi vẫn còn đâu đây những học sinh lười học hỗn láo hay những lời nói hơi khuyết từ phía phụ huynh. Nhưng đó chỉ là những nỗi buồn thoáng qua bởi quanh chúng ta có rất nhiều sự tin yêu, kính trọng của các thế hệ học trò.


    Ta có thể bắt gặp học trò của ta khắp nơi, với những ánh mắt sáng lấp lánh, những nụ cười tươi và những vòng tay lễ phép cúi xuống: “Em chào Thầy ạ !”. Ta lại có cảm giác tự hào, hạnh phúc vì thấy mình vẫn còn quan trọng trong cuộc sống của trẻ. Ta lại thấy yêu thêm nghề dạy học ta đã chọn. Bạn có nghĩ như thế không ?

    Ảnh minh họa (nguồn internet)
    Ảnh minh họa (nguồn internet)
    Ảnh minh họa (nguồn internet)
    Ảnh minh họa (nguồn internet)
  11. Lặng xuôi năm tháng êm trôi
    Con đò kể chuyện một thời rất xưa
    Rằng người chèo chống đón đưa
    Mặc cho bụi phấn giữa trưa rơi nhiều


    Bay lên tựa những cánh diều
    Khách ngày xưa đó ít nhiều lãng quên
    Rời xa bến nước quên tên
    Giờ sông vắng lặng buồn tênh tiếng cười


    Giọt sương rơi mặn bên đời
    Tóc thầy bạc trắng giữa trời chiều đông
    Mắt thầy mòn mỏi xa trông
    Cây bơ vơ đứng giữa dòng thời gian...


    Một mùa thu như bao mùa thu trước
    Nắng hồng lên trong mắt biếc học trò
    Phấn trắng, bảng đen, nét mực thầy vẫn đỏ
    Sao con tìm mà chẳng thấy ngày xưa...

    Thời gian qua, mùa thu nay có khác
    Bao chuyến đò qua chốn ấy sông sâu
    Nghĩa thầy cô một đời không trả hết
    Dẫu đời con qua biết mấy nhịp cầu.

    Trang giáo án bao năm thầy vẫn mở
    Mà tập bài thầy chấm đã khác xưa
    Chúng con đi, biết khi nào về lại
    Có bao giờ tìm được thuở ngây thơ...

    Mùa qua mùa, bụi thời gian rơi rắc
    Nên tóc thầy một sáng bỗng bạc thêm
    Trời xanh vẫn bình yên ngoài cửa lớp
    Chữ nghĩa tình muôn thuở chẳng nguôi quên.

    Tác giả : Nguyễn Quốc Đạt

    Mọi người thường hay ví người thầy giáo như người lái đò chở khách sang sông. Khách lên bờ có mấy ai ngoảnh lại, chỉ có người lái đò vẫn dõi trông theo. Tôi lại nghĩ khác. Trên bến sông đời, lữ khách có thể chẳng mấy ai nhớ đến người lái đò nhưng trên bến sông tri thức thì con người dễ mấy ai quên, bởi lẽ những tri thức do người thầy giáo mang lại cho học sinh sẽ trở thành hành trang để các em mang theo suốt cả cuộc đời mình.


    Các em sẽ không quên hình ảnh người thầy, bởi lẽ, người thầy không chỉ đơn thuần là người truyền đạt tri thức, trí tuệ mà còn đem đến cho học sinh những niềm vui, tình thương yêu và kĩ năng sống. Thử hỏi có nghề nghiệp nào vinh dự, tự hào, hạnh phúc như nghề dạy học không?

    Ảnh minh họa (nguồn internet)
    Ảnh minh họa (nguồn internet)
    Ảnh minh họa (nguồn internet)
    Ảnh minh họa (nguồn internet)
  12. Kệ tất cả, em vẫn là cô giáo

    Mặc những bon chen toan tính thiệt hơn

    Mặc những gièm pha chê trách tủi hờn

    Rằng: "Chuột chạy cùng sào mới vào sư phạm".


    Kệ tất cả, em vẫn là cô giáo

    Dù mai sau còn biên chế hay không

    Dù ngoài kia đời còn lắm bão giông

    Lương thấp lắm, phải lo toan từng bữa.


    Kệ anh đấy, nếu chọn thêm lần nữa

    Em vẫn làm một cô giáo thôi anh

    Nghề của em gieo những ước mơ xanh

    Vui lặng lẽ bên từng trang giáo án.


    Em mong lắm một ngày mai sáng lạn

    Chẳng còn phải lo cơm áo gạo tiền

    Chẳng chạy theo những thay đổi triền miên

    Vui vẻ sống bên anh - làm cô giáo.


    Hà Nội, 17/8/2017.


    Chia sẻ với chúng tôi, cô Lan Hương cho biết: "Vì không phải dân chuyên văn nên tôi rất ít khi làm thơ, chủ yếu là viết theo cảm hứng. Trong bối cảnh những ngày qua, nhiều trường sư phạm lấy điểm trúng tuyển quá thấp, nguyên nhân một phần có thể là do thiếu thí sinh đăng ký dự thi.

    Là giáo viên đã công tác trong ngành nhiều năm nay, tôi luôn mong muốn các em học sinh hãy thật vững tâm, chuẩn bị cho mình những hành trang trí thức vững chãi ở bậc phổ thông trước khi bước lên bậc học cao hơn rồi ra xã hội. Các em đừng quá bi quan nếu như lựa chọn ngành sư phạm.

    Tác giả Nguyễn Lan Hương
    Tác giả Nguyễn Lan Hương
    Ảnh minh họa (nguồn internet)
    Ảnh minh họa (nguồn internet)
  13. Cớ sao em không chọn ngành sư phạm ?

    Gia đình ta cũng gia giáo cơ mà

    Anh hỏi nhiều... lòng em thấy xót xa !

    Ngày tốt nghiệp làm hồ sơ xin việc


    Mười sáu năm với bao nhiêu luyến tiếc !

    Mơ mộng nhiều rồi thất vọng bấy nhiêu

    Trăm hồ sơ chỉ lấy một chỉ tiêu

    Đôn đáo mãi... em chùn chân gối mỏi!


    Vào tập sự với đồng lương còm cõi

    Bạn bè em... chín điểm cũng vào trường

    Hai ngàn mười...Thầy Cô sống bằng lương !

    Bảy năm qua... hứa nhiều rồi thất hứa!


    Anh đừng hỏi ! Cho em quyền chọn lựa

    Có việc làm... Bố Mẹ đỡ lo toan

    Em lớn rồi phải hiểu đạo làm con

    Thôi anh nhé! Mình phải cần bình tĩnh !


    Tương lai em... với số không tròn trĩnh

    Chắc kiếp này... em không chọn đâu anh.


    Theo chia sẻ của thầy Tôn Sỹ Dũng, bài thơ này là những tâm tình và trăn trở về nghề giáo mà thầy đã gắn bó bao năm qua. Mong muốn lớn nhất của thầy cũng như bao thầy cô khác là, Bộ GD&ĐT hãy tìm những giải pháp quyết liệt để giúp ổn định đời sống cho giáo viên. Nâng cao sức hút và vị thế của ngành sư phạm trong mắt thí sinh.

    Ảnh minh họa (nguồn internet)
    Ảnh minh họa (nguồn internet)
    Ảnh minh họa (nguồn internet)
    Ảnh minh họa (nguồn internet)
  14. Tháng mười một đã lại sang lần nữa
    Em ở xa trăn trở nhớ quê hương
    Nhớ bạn bè thân thương ngày thơ bé
    Nhớ thầy cô nhớ ngày lễ hiến chương


    Chắc ngày này lớp mình đang tụ tập
    Í ới gọi nhau gặp mặt thăm thầy
    Em cũng muốn mai ngày về thăm lại
    Bởi ở xa nên lỗi hẹn lần này


    Bao kỷ niệm về thầy em lưu giữ
    Cất trong tim sẽ chẳng thể phai mờ
    Dù cuộc đời đi về đâu chăng nữa
    Khắc ghi lòng em nhớ mãi ngày xưa...


    Ngày Hiến chương năm nay em cầu chúc
    Kính mong thầy hạnh phúc bên gia đình
    Tình thầy trò mãi trong xanh tươi thắm
    Suốt đời này nồng ấm đẹp lung linh !


    Hẹn ngày không xa em xin về gặp,
    Được bên thầy ôn lại kí ức xưa
    Được thả mình mộng mơ như thủa nhỏ
    Được trở về năm tháng cũ ngày thơ !


    Hà Nội, 11/11/2019


    Bài thơ là lời tri ân dành cho thầy giáo cũ, nhớ về những kỉ niệm thời thơ ấu của một người học trò không kịp về thăm thầy nhân ngày 20 - 11. Những năm tháng bên thầy là những năm tháng thật đáng nhớ không thể nào quên.

    Tác giả Hoàng Minh Tuấn
    Tác giả Hoàng Minh Tuấn
    Ảnh minh họa (nguồn internet)
    Ảnh minh họa (nguồn internet)

  15. Tôi đã đi qua những nẻo đường
    Đến những mái trường nằm sâu trong thung lũng
    Lưng chừng đồi, chênh vênh bên vách núi
    Nghe suối ngậm ngùi kể chuyện trồng người


    Suối kể về những người thầy vượt lên khó nhọc
    Sau giờ học, cô dỗ con thôi khóc lên rẫy trồng cây
    Để mùa vàng xoè tay đón từng hạt mẩy
    Dẻo, ngọt, thơm nồng trong ống cơm lam.


    Suối kể về những trận lũ thượng ngàn
    Ào về trong đêm tối
    Mẹ chở che cho con bằng cái ôm vội
    Vợ khóc gọi tìm chồng dội vách núi thâm u....


    Suối kể về những sáng sương mù
    Lũ trẻ trèo đèo đi nhặt từng con chữ
    Thầy, cô miền xuôi vượt hằng trăm cây số
    Kiên trì nuôi giấc mơ xa.


    Suối kể về những vạt đồi tràn ngập nắng và hoa
    Về những cuộc đời vượt lên số phận
    về những con người đi gieo mầm hy vọng
    Trên mảnh đất nghèo...!

    Ha Nguyen


    Bài thơ như là một lời tâm sự của người làm nghề giáo. Đọc hết bài thơ ta sẽ cảm nhận được nghề nhà giáo dạy học phải vất vả và nhiều nỗi niềm như thế nào. Mục đích của nghề giáo là dạy dỗ chỉ bảo những học sinh trở thành người tài giỏi và có ích cho xã hội sau này.

    Ảnh cô giáo Nguyễn Thị Hồng Hà
    Ảnh cô giáo Nguyễn Thị Hồng Hà
    Ảnh minh họa (nguồn internet)
    Ảnh minh họa (nguồn internet)
  16. TRÊN vùng cao ấy xa xôi
    NHỮNG thầy cô giáo tuyệt vời thân thương
    NẺO xa trăm hướng mười phương
    ĐƯỜNG đi xa lắc tới trường cheo leo

    CỦA em giá sản đói nghèo
    TỔ chim ngơ ngác hãy theo cô về
    QUỐC kêu trong trẻo sơn khê
    XANH như màu mắt tràn trề niềm tin

    TƯƠI sao ánh mắt ngước nhìn
    CÓ tình yêu trẻ trong tim cô rồi
    NHỮNG hôm mưa lũ tơi bời
    LOÀI chim tan tác cuốn trôi cây cầu

    HOA rừng tơi tả còn đâu
    THƠM bên bếp lửa rừng sâu thầy trò
    ĐẬM trong trí óc âu lo
    ĐÀ sông lũ quét tờ mờ nửa đêm

    SẮC mặt ủ dột bên thềm
    HƯƠNG xuân bay mất môi mềm còn đâu
    CÓ cô thức trắng canh thâu
    NHỮNG cung đường ấy như trâu đầm lầy

    BÀI hát văng vẳng đâu đây
    CA lên tiếng sáo vút bay đại ngàn
    NGHE trò đọc chữ râm ran
    DẠO quanh lớp học thương đàn con ngoan

    RỰC sáng gương mặt hân hoan
    LÒNG thành kính ấy vẹn toàn dâng cô
    NGƯỜI mẹ chèo chống con đò
    BÀI vè điệu lý câu hò nào hơn

    CA lên làng bản biết ơn
    ẤY là ánh đuốc từng đêm bập bùng
    LOÀI chim lảnh lót vui chung
    HOA nào đẹp nhất núi rừng tặng cô

    ẤY là ân nghĩa thầy trò
    ĐẸP như lòng mẹ biển hồ mênh mang
    NHƯ người chèo lái quan san
    EM thành tri thức đò ngang cô chèo

    NGƯỜI luôn thầm lặng dõi theo
    GIÁO viên người mẹ bản nghèo của em
    VIÊN thành danh toại thoát hèn
    NHÂN ngày hội lớn con đem giãi bày

    DÂN làng ghi tạc cô thầy
    Công ơn trời biển đời này khắc ghi


    Tác giả: Trịnh Thanh Hằng


    Câu khoán là trích đoạn lời của bài hát "Bài ca người giáo viên nhân dân": "Trên những nẻo đường của Tổ quốc yêu thương có những loài hoa thơm đậm đà sắc hương .Có những bài ca nghe rạo rực lòng người Bài ca ấy loài hoa ấy đẹp như em người giáo viên nhân dân". Tác giả đã rất tài tình khi sử dụng câu khoán này để sáng tác một bài thơ khoán thủ đầy ý nghĩa.

    Ảnh tác giả Trịnh Thanh Hằng
    Ảnh tác giả Trịnh Thanh Hằng
    Ảnh minh họa (nguồn internet)
    Ảnh minh họa (nguồn internet)
  17. Trò Tiến sỹ
    Trò của học trò Tiến sỹ
    Thầy vẫn Cử nhân với nếp nhà bình dị
    Có khóm hoa Trạng nguyên trước cửa và chùm khế sau nhà
    Bàn ghế tre cùng bè bạn uống trà
    Và tâm sự những buồn vui trăn trở...
    Kết quả thi Olympic quốc tế năm nay Việt Nam mình rực rỡ
    (Sau bốn mươi năm hội nhập )
    Nhưng có chút băn khoăn vì điểm vào Sư phạm thấp
    Hoa nào mừng ba mươi nhăm năm ngày NHÀ GIÁO VIỆT NAM
    Và hai mươi năm ngành GIÁO DỤC được vinh danh
    "Giáo dục là hàng đầu quốc sách...
    Với lương hành chính sự nghiệp - thầy giáo là cao nhất"
    Sau hai mươi năm giáo dục vẫn còn bao khó khăn và chật vật...
    Song ngọn đèn thầy vẫn sáng suốt đêm
    Để cho xã hội nhiều Tiến sỹ Huy chương
    Thầy vẫn cháy hết mình cho trò mà không ghen đua so sánh
    Giữa đục trong cuộc đời - ánh đuốc thầy vẫn ánh -những niềm tin
    Và GIÁO DỤC nước nhà sẽ mãi mãi đi lên

    20/11/2017


    Tác giả: Duoc Do.


    Tác giả chia sẻ bài thơ "Ngôi sao Thầy" tác giả viết vào 20/11/2017- Nhân kỷ niệm 35 năm ngày NHÀ GIÁO VIỆT NAM, và 20 năm Nghị quyết Trung ương II của Đảng coi giáo dục là "quốc sách hàng đầu và lương các thầy giáo cao nhất trong hệ thống lương hành chính sự nghiệp... " Bài thơ viết về những người thầy bình dị, đã đào tạo ra những thế hệ học sinh có tài cho đất nước.

    Tác giả Duoc Do
    Tác giả Duoc Do
    Ảnh minh họa (nguồn internet)
    Ảnh minh họa (nguồn internet)
  18. Tóc thầy cô bạc từ lâu
    Tóc em giờ cũng đổi màu muối tiêu
    Tháng năm xưa nhớ bao nhiêu
    Những trang kỷ niệm đáng yêu thuở nào
    Mưa rào đất lún bờ ao
    Đường trơn, chân đất ngã nhào ướt vai
    Sợ cô lấp ló cửa ngoài
    Cô thương, cuối lớp cho ngồi lắng nghe
    Hết giờ áo cũng đã se
    Bài kiểm tra nộp cô phê : Điểm mười...

    Bây giờ đến lớp ngẫm cười
    Trò em đổi mới mười mươi khác nhiều
    Xe điện, quần áo mĩ miều
    Rầm rầm tới lớp, nheo nheo nhìn thầy
    Điện thoại khư khư trong tay
    Trêu cô, chọc bạn, nào hay học gì ?
    Mỗi lần cứ đến kỳ thi
    Phao to, phao nhỏ thầm thì đổi trao
    Thầy cô chẳng biết làm sao
    Răn đe, trách phạt...trò nào có hay
    Về nhà còn nói ngược ngay
    Rằng cô chửi mắng... rằng thầy phạt sai
    Cha mẹ chẳng cần hỏi ai
    Đến trường làm loạn...công khai báo đài...
    Thầy cô rèn đúng - thành sai
    Bênh con như thế...liệu ai dạy giờ ?
    Thôi đành đến lớp làm ngơ
    Để cho yên ổn, hết giờ nghỉ ngơi
    Ngẫm ra bao việc ở đời
    Trăm năm sự nghiệp trồng người khó thay?
    Nếu không có biện pháp hay
    Lớp trò bị lỗi...
    Mai ngày ra sao?????


    Tác giả: Nguyễn Thị Khánh Hà.


    Lời tác giả:

    "Bài thơ chỉ muốn nói đến một số nhỏ hiện tượng tiêu cực của phụ huynh và học sinh thời nay,để so sánh giữa 2 thế hệ học trò.

    Thời em đi học : Đi muộn, không học bài làm bài, điểm kém... thầy cô bắt phạt quỳ lên gai mít, hay úp mặt vào tường... về nhà không dám mách cha mẹ vì sợ ăn đòn thêm. Thế mà nay thì ngược lại, tuy chỉ mấy năm gần đây mới sảy ra việc phụ huynh đến làm nhục thầy cô ở trường, rồi báo đài rùm beng... nhưng hành động đó đã làm một số thầy cô muốn yên ổn không muốn nhắc nhở, dạy dỗ đối với học sinh hư, nhất là hs đó lại là con ông bà lớn nào đó... cũng may mà con số đó không nhiều nên các thầy cô yêu nghề mến trẻ vẫn còn tâm huyết để đứng lớp."


    Tác giả Nguyễn Thị Khánh Hà
    Tác giả Nguyễn Thị Khánh Hà
    Ảnh minh họa (nguồn internet)
    Ảnh minh họa (nguồn internet)
  19. Tiếng chân cô xa dần trong ngõ nhỏ
    Vương lòng em một phím tơ buồn
    Có phải nắng đang tắt dần trên cỏ
    Và cuối trời là vệt hoàng hôn ?...


    Đừng buồn nhé ngày mai cô lại tới
    Sẽ đưa em cùng bước tới trường
    Sẽ thắp lên những đam mê ước vọng
    Đã bao ngày khắc khoải trái tim non


    Cô sẽ kể em nghe về màu xanh của cỏ
    Khi mùa xuân gọi hoa lá tươi màu
    Sẽ cho em hiểu dịu dàng của gió
    Lúc thu về trên mái ngói thâm nâu


    Đến bên em cô sẽ là ánh sáng
    Cho cuộc đời không chỉ có đêm đen
    Đưa em tới những chân trời kiến thức
    Thắp tình người cho những trái tim


    Hãy vững bước tự tin em nhé
    Bình minh rồi sẽ ló rạng ngoài kia
    Em sẽ nghe tiếng chim ríu rít
    Và cuộc đời ấm áp sẻ chia


    Phan Thu Hà . 9/7/2018


    Một bài thơ rất cảm động viết về các thầy cô giáo đang dạy học tại những trung tâm khiếm thị. Phải là người yêu thương trẻ đến mức nào thì các thầy cô mới có thể vượt qua những khó khăn và mang đến cho các em bé tật nguyền những kiến thức bổ ích và mở ra cho các em một chân trời mới.

    Tác giả Phan Thu Hà
    Tác giả Phan Thu Hà
    Ảnh minh họa (nguồn internet)
    Ảnh minh họa (nguồn internet)
  20. Nhìn một rừng hoa ngập tràn phòng khách
    Bỗng chạnh lòng nhớ nhà giáo vùng cao
    Mới hôm qua nước lũ cuốn ào ào
    Bản làng trôi, đường vào trường không có.


    Lấy thực phẩm đâu nuôi đàn em nhỏ
    Các thầy cô gùi mắm muối băng đèo
    Bên núi cao, bên vực thẳm cheo leo
    Với lòng thương trò, người trèo người đẩy.


    Hai tấn hàng đến đúng ngày khai giảng
    Thầy rất vui, trò hái tặng hoa rừng
    Bên bếp lửa hồng nước mắt rưng rưng
    Lễ thầy cô núi rừng vang tiếng trống.


    Tác giả: Hồ Viết Bình


    Bài thơ là lời chia sẻ của một nhà giáo với các đồng nghiệp ở vùng cao. Các thầy cô giáo vùng cao luôn phải đương đầu với thiên tai khắc nghiệt, đời sống còn nhiều khó khăn, nhưng họ vẫn yêu nghề yêu trẻ và gắn bó với công việc của mình. Cho dù qua dành cho thầy cô chỉ là những bông hoa rừng cũng là động lực khiến cho các thầy cô hết lòng vì học sinh thân yêu.

    Tác giả Hồ Viết Bình
    Tác giả Hồ Viết Bình
    Ảnh minh họa (nguồn internet)
    Ảnh minh họa (nguồn internet)



Công Ty cổ Phần Toplist
Địa chỉ: Tầng 3-4, Tòa nhà Việt Tower, số 01 Phố Thái Hà, Phường Trung Liệt, Quận Đống Đa, Thành phố Hà Nội
Điện thoại: 0369132468 - Mã số thuế: 0108747679
Giấy phép mạng xã hội số 370/GP-BTTTT do Bộ Thông tin Truyền thông cấp ngày 09/09/2019
Chịu trách nhiệm quản lý nội dung: Nguyễn Duy Ngân
Chính sách bảo mật / Điều khoản sử dụng | Privacy Policy