Top 10 Bài văn phân tích bài "Tinh thần yêu nước của nhân dân ta" của Chủ tịch Hồ Chí Minh
Hồ Chí Minh là người bước đầu đặt nền móng và mở đường cho nền văn học cách mạng. Văn chương Hồ Chí Minh kết hợp sâu sắc từ bên trong mối quan hệ giữa chính ... xem thêm...trị và văn học, giữa tư tưởng và nghệ thuật, giữa truyền thông và hiện đại. Mỗi loại hình văn học của Người đều có phong cách riêng, độc đáo, hấp dẫn và có giá trị bền vững. Văn chính luận của Hồ Chí Minh mang cốt cách, đặc điểm của văn chính luận hiện đại của giai cấp vô sản bộc lộ tư duy sắc sảo, giàu tri thức văn hóa, gắn lí luận với thực tiễn, giàu tính luận chiến, vận dụng có hiệu quả nhiều phương thức biểu hiện. Bài văn "Tinh thần yêu nước của nhân dân ta" được trích trong Báo cáo Chính trị của Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Đại hội lần thứ hai, tháng 2 năm 1951 của Đảng Lao động Việt Nam (tên gọi từ năm 1951 đến năm 1976 của Đảng Cộng sản Việt Nam hiện nay). Tên bài do người biên soạn sách đặt. Tác phẩm đã thức tỉnh và thổi bùng lên lòng yêu nước trong lòng mỗi người dân. Hồ Chí Minh đã chỉ ra cội nguồn sâu xa cho mọi chiến thắng quật cường của dân tộc Việt Nam trong cuộc đụng đầu lịch sử với bất cứ kẻ thù to lớn nào: đó là lòng yêu nước nồng nàn của nhân dân ta. Mời các bạn tham khảo một số bài văn phân tích văn bản đã được Toplist tổng hợp trong bài viết dưới đây.
-
Bài văn phân tích bài "Tinh thần yêu nước của nhân dân ta" số 1
Bài Tinh thần yêu nước của nhân dân ta là đoạn trích trong văn kiện Báo cáo chính trị do Chủ tịch Hồ Chí Minh trình bày tại Đại hội lần thứ II của Đảng Lao động Việt Nam họp tại Việt Bắc tháng 2 năm 1951, trong thời kì kháng chiến chống thực dân Pháp.
Qua đoạn trích này, tác giả khẳng định lòng yêu nước là một truyền thống quý báu của dân tộc Việt Nam. Lòng yêu nước đó được thể hiện rõ ràng nhất, rực rỡ nhất trong những cuộc chiến đấu chống ngoại xâm. Đoạn trích cũng phản ánh thái độ trân trọng, tự hào của tác giả trước truyền thống ấy. Tuy chỉ là đoạn trích nhưng bài văn vẫn có đầy đủ tính chất đặc trưng và cấu trúc của một văn bản nghị luận chứng minh với ba phần rõ rệt như sau:
Mở bài: Từ đầu đến lũ cướp nước: Tinh thần yêu nước là một truyền thống quý báu của nhân dân ta. Đó là sức mạnh to lớn trong các cuộc chiến đấu chống xâm lăng. Thân bài: Tiếp theo đến lòng nồng nàn yêu nước: Chứng minh những biểu hiện cụ thể của tinh thần yêu nước trong lịch sử chống ngoại xâm và trong cuộc kháng chiến hiện tại. Kết bài: Phần còn lại: Nhiệm vụ của Đảng là động viên, khích lệ tinh thần yêu nước của nhân dân ta ngày càng phát huy mạnh mẽ để cuộc kháng chiến chống Pháp đi tới thành công. Bố cục như trên cho thấy sự hợp lí và chặt chẽ trong phương pháp lập luận. Nghệ thuật nổi bật nhất của bài văn là cách lựa chọn và trình bày dẫn chứng.
Phần mở bài nêu lên vấn đề được đưa ra nghị luận: Dân ta có lòng nồng nàn yêu nước. Đó là một truyền thống quý báu của ta… nó nhấn chìm tất cả lũ bán nước và lũ cướp nước. Trong cuộc sống chiến đấu, trong xây dựng biểu hiện của lòng yêu nước rất phong phú và đa dạng, ở bài viết này, tác giả nhấn mạnh đến lòng yêu nước ở các cuộc chống ngoại xâm bởi nó được bộc lộ mạnh mẽ nhất, cụ thể nhất. Đặc điểm lịch sử của đất nước ta là luôn phải đương đầu với giặc ngoại xâm nên rất cần đến lòng yêu nước và tinh thần xả thân vì nước. Trên thực tế, cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp đang diễn ra quyết liệt, đòi hỏi phải phát huy cao độ tinh thần thi đua yêu nước của toàn dân, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhiệt liệt biểu dương những gương sáng về lòng yêu nước.
Để khẳng định sức mạnh vĩ đại của lòng yêu nước, tác giả đã mượn một hình ảnh hoành tráng có tính chất tượng trưng để so sánh: … lòng yêu nước kết thành một làn sóng vô cùng mạnh mẽ, to lớn, nó lướt qua mọi sự nguy hiểm, khó khăn, nó nhấn chìm tất cả lũ bán nước và lũ cướp nước. Lòng yêu nước được nhắc lại nhiều lần (bằng đại từ thay thế nó), kết hợp với các động từ có khả năng gợi cảm lớn như: kết thành, lướt qua, nhấn chìm… làm nổi bật sức mạnh không gì ngăn cản nổi của lòng yêu nước. Âm hưởng hào hùng của câu văn làm rung động trái tim muôn người. Cảm xúc sôi nổi, nhiệt thành, khâm phục và rất đỗi tự hào của Chủ tịch Hồ Chí Minh bộc lộ rõ trong từng câu, từng chữ.
Ở phần thân bài, để chứng minh cho nhận định trên, tác giả đã đưa ra những chứng cứ hùng hồn trong lịch sử giữ nước và trong thực tế cuộc kháng chiến chống Pháp để chứng minh. Đó là những tấm gương yêu nước sáng soi muôn đời của các vị anh hùng dân tộc nổi tiếng: Lịch sử ta đã có nhiều cuộc kháng chiến vĩ đại chứng tỏ tinh thần yêu nước của dân ta. Chúng ta có quyền tự hào vì những trang lịch sử vẻ vang thời đại Bà Trưng, Bà Triệu, Trần Hưng Đạo, Lê Lợi, Quang Trung,,.. Chúng ta phải ghi nhớ công lao của các vị anh hùng dân tộc, vì các vị ấy là tiêu biểu của một dân tộc anh hùng. Bốn ngàn năm dựng nước và giữ nước của dân tộc ta là bốn ngàn năm kế thừa và phát huy liên tục truyền thống yêu nước. Lòng yêu nước như một mạch ngầm thiêng liêng không bao giờ vơi cạn trong dòng máu mỗi người dân đất Việt. Giờ đây, nó được biểu hiện thành những hành động thiết thực:
Đồng bào ta ngày nay cũng rất xứng đáng với tổ tiên ta ngày trước. Từ các cụ già tóc bạc đến các cháu nhi đồng trẻ thơ, từ những kiều bào ở nước ngoài đến những đồng bào ở vùng tạm bị chiếm, từ nhân dân miền ngược đến miền xuôi, ai cũng một lòng nồng nàn yêu nước, ghét giặc. Từ những chiến sĩ ngoài mặt trận chịu đói mấy ngày để bám sát lấy giặc đặng tiêu diệt giặc, đến những công chức ở hậu phương nhịn ăn để ủng hộ bộ đội, từ những phụ nữ khuyên chồng con đi tòng quân mà mình thì xung phong giúp việc vận tải, cho đến các bà mẹ chiến sĩ săn sóc yêu thương bộ đội như con đẻ của mình. Từ những nam nữ công nhân và nông dân thi đua tăng gia sản xuất, không quản khó nhọc để giúp một phần vào kháng chiến, cho đến những đồng bào điền chủ quyên đất ruộng cho Chính phủ,… Những cử chỉ cao quý đó, tuy khác nhau nơi việc làm, nhưng đều giống nhau nơi lòng nồng nàn yêu nước.
Trong đoạn cuối văn bản, tác giả đã sử dụng nghệ thuật so sánh đặc sắc để cụ thể hóa khái niệm trừu tượng, giúp người đọc, người nghe hiểu được một cách dễ dàng: Tinh thần yêu nước cũng như các thứ của quý. Có khi được trưng bày trong tủ kính, trong bình pha lê, rõ ràng dễ thấy. Nhưng cũng có khi cất giấu kín đáo trong rương, trong hòm. Bổn phận của chúng ta là làm cho những của quý kín đáo ấy đều được đưa ra trưng bày. Nghĩa là phải ra sức giải thích, tuyên truyền, tổ chức, lãnh đạo, làm cho tinh thần yêu nước của tất cả mọi người đều được thực hành vào công việc yêu nước, công việc kháng chiến.
Bác đã phân tích rõ hai trạng thái của tinh thần yêu nước là tiềm tàng, kín đáo và sôi nổi, mãnh liệt. Bằng nghệ thuật lập luận chặt chẽ, bố cục rõ ràng và hệ thông dẫn chứng chân thực, bài văn có sức thuyết phục rất lớn. Nhiều thủ pháp nghệ thuật được tác giả sử dụng như so sánh, liệt kê, lặp cấu trúc câu và hàng loạt động từ có khả năng gợi cảm cao... làm cho câu văn trở nên nhịp nhàng, cân đối, khỏe khoắn. Do vậy mà âm hưởng bài văn hào hùng như âm hưởng của một lời hịch kêu gọi, khích lệ toàn dân đoàn kết một lòng đánh đuổi xâm lăng, bảo vệ chủ quyền độc lập thiêng liêng của Tổ quốc.
Bài văn đã thổi bùng ngọn lửa yêu nước trong lòng mỗi người dân. Truyền thống anh dũng, bắt khuất là cơ sở vững chắc bảo đảm cho cuộc kháng chiến chống Pháp đi đến thắng lợi cuối cùng. Ngày nay, bài văn trên vẫn còn nóng bỏng tính thời sự, có tác dụng động viên nhân dân Việt Nam vững bước trong công cuộc xây dựng và bảo vệ đất nước thân yêu.
-
Bài văn phân tích bài "Tinh thần yêu nước của nhân dân ta" số 2
Nhân dân ta không chỉ giàu về tình nghĩa, truyền thống hiếu học, tôn sư trọng đạo,… mà còn có lòng yêu nước nồng nàn, cháy bỏng. Lòng yêu nước trở thành một truyền thống đẹp đẽ, quý báu của nhân dân ta, nó được phát huy và thể hiện mạnh mẽ mỗi khi tổ quốc bị xâm lăng. Truyền thống quý báu đó được thể hiện rõ nhất qua đoạn trích: “Tinh thần yêu nước của nhân dân ta” của Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Bài văn được trích trong Báo cáo chính trị tại Đại hội lần thứ II, tháng 2 năm 1951 của Đảng Lao động Việt Nam. Bài văn có thể coi là một mẫu mực về lập luận, bố cục và cách dẫn chứng của thể văn nghị luận. Trước hết về nội dung, văn bản nêu lên luận đề cơ bản: “Nhân dân ta có một lòng nồng nàn yêu nước. Đó là truyền thống quý báu của ta”. Mỗi khi tổ quốc bị xâm lăng, tinh thần ấy được phát huy một cách mạnh mẽ. Trong câu văn tiếp theo tác giả đã sử dụng động từ với hình thức tăng tiến: lướt qua, nhấn chìm cùng với đó là hình ảnh so sánh tinh thần yêu nước như một làn sóng mạnh mẽ, đã cho thấy rõ lòng yêu nước nồng nàn của nhân dân ta. Để làm sáng tỏ chân lí đó tác giả đã chứng minh nó ở hai thời điểm: quá khứ và hiện tại.
Bề dày lịch sử truyền thống yêu nước của nhân dân ta đã được tác giả đưa ra dẫn chứng cụ thể ở các thời đại Bà Trưng, Bà Triệu, Lê Lợi, Quang Trung,… đây là những vị anh hùng của dân tộc. Lấy những dẫn chứng hết sức tiêu biểu, mỗi nhân vật lịch sử gắn liền với một chiến công hiển hách, vang dội đã làm cho người đọc thấy rõ tinh thần yêu nước của tổ tiên, ông cha. Không dừng lại ở đó, để mở rộng luận điểm, làm người đọc tin và bị thuyết phục hơn nữa, tác giả tiếp tục lấy dẫn chứng đến thời điểm hiện tại.
Ở đoạn thứ ba Hồ Chí Minh tập trung chứng minh tinh thần yêu nước của nhân dân trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược bằng hàng loạt các dẫn chứng. Sau câu chuyển đoạn “Đồng bào ta ngày nay cũng rất xứng đáng với tổ tiên ta ngày trước” Hồ Chí Minh đã khái quát lòng yêu nước ghét giặc của nhân dân: “Từ các cụ già tóc bạc đến các cháu nhi đồng trẻ thơ, từ những kiều bào ở nước ngoài đến những đồng bào ở vùng bị tạm chiếm, từ nhân dân miền ngược đến nhân dân miền xuôi, ai cũng một lòng nồng nàn yêu nước, ghét giặc”.
Tiếp đó bằng hình thức liệt kê, kết hợp với mô hình liên kết từ …đến Chủ tịch Hồ Chí Minh đã cho thấy rõ lòng yêu nước của mọi tầng lớp, lứa tuổi, giai cấp,… Những dẫn chứng đó vừa cụ thể vừa toàn diện, thể hiện sự cảm phục, ngưỡng mộ tinh thần yêu nước của đồng bào ta trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp.
Phần cuối văn bản là lời khẳng định tinh thần yêu nước cũng như các thứ của quý, chúng có thể rõ ràng dễ thấy nhưng cũng có khi được “cất giấu kín đáo trong rương, trong hòm”. Lần đầu tiên, một thứ vô hình là lòng yêu nước lại được Bác cụ thể hóa, hữu hình hóa một cách vừa giản dị vừa cao quý đến như vậy. Qua lời của Bác, lòng yêu nước không phải những điều lớn lao, xa vời mà nó giản dị, ở ngay xung quanh ta. Nhiệm vụ của ta lại phải phát huy lòng yêu nước đó thành những hành động, việc làm cụ thể trong công việc kháng chiến, công việc yêu nước.
Về nghệ thuật, bài văn có bố cục chặt chẽ, gồm ba phần (phần một nêu lên vấn đề nghị luận “tinh thần yêu nước của nhân dân ta”; phần hai chứng minh tinh thần yêu nước trong quá khứ và hiện tại; phần ba nhiệm vụ của Đảng trong việc phát huy tinh thần yêu nước). Lập luận mạch lạc, rõ ràng, lí lẽ thống nhất với dẫn chứng. Dẫn chứng phong phú, cụ thể, được diễn đạt bằng những hình ảnh so sánh cụ thể, sinh động.
Bài văn đã làm sáng tỏ chân lí muôn đời của cha ông ta đó là truyền thống yêu nước nồng nàn, sẵn sàng đấu tranh và hi sinh để giành tự do, độc lập cho dân tộc. Truyền thống đẹp đẽ đó cần phải được phát huy mạnh mẽ vào công cuộc kháng chiến của toàn dân tộc.
-
Bài văn phân tích bài "Tinh thần yêu nước của nhân dân ta" số 3
Chúng ta đã biết : Văn nghị luận viết ra nhằm xác lập cho người đọc, người nghe một tư tưởng, quan điểm nào đó. Muốn thế, văn nghị luận phủi có luận điểm rõ ràng, có lí lẽ, dẫn chứng thuyết phục. Những tư tưởng, quan điểm trong bài nghị luận phải hướng tới giải quyết những vấn đề có thực trong đời sống thì mới có ý nghĩa, có tác dụng. Trong kho tàng văn nghị luận Việt Nam, bài Tinh thần yêu nước của nhân dân ta (Hồ Chí Minh) đã được đánh giá là một trong những áng văn nghị luận kiểu chứng minh tiêu biểu, mẫu mực nhất. Áng văn ấy đã làm sáng tỏ một chân lí : Dân tộc Việt Nam nồng nàn yêu nước...
Bài Tinh thần yêu nước của nhân dân tư (tên bài do người biên soạn đặt) là một đoạn trích trong Báo cáo Chính trị do Chủ tịch Hồ Chí Minh trình bày trong Đại hội lần thứ II của Đảng Lao động Việt Nam (tên gọi từ năm 1951 đến 1975 của Đảng Cộng sản Việt Nam ngày nay) ở Việt Bắc tháng 2 năm 1951, trong thời kì kháng chiến chống thực dân Pháp. Tuy là đoạn trích, nhưng văn bản ấy vẫn khá đầy đù các yếu tố cần thiết của một bài nghị luận chứng minh.
Về bố cục của áng văn có một dàn ý khá rành mạch, chặt chẽ: Mở bài (từ "Dân ta..." đến "... lũ cướp nước") nêu vấn đề nghị luận: "Tinh thần yêu nước là một truyền thống quý báu của nhân dân ta. Đó là một sức mạnh to lớn để nhân dân ta chiến thắng bọn giặc ngoại xâm". Thân bài (từ "Lịch sử ta..." đến "... lòng nồng nàn yêu nước"): Chứng minh tinh thần yêu nước của dân tộc trong lịch sử chống ngoại xâm xưa kia và trong công cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp hiện tại.
Kết bài (từ "Tinh thần yêu nước cũng như..." đến hết bài): Nhiệm vụ của Đảng là phải làm cho tinh thần yêu nước của nhân dân được phát huy mạnh mẽ trong mọi công việc kháng chiến.
Đối chiếu với các chuẩn mực của một bài nghị luận, dàn ý của văn bản Tinh thần yêu nước của nhân dân ta như thế rất rành mạch. Ở phần mở bài (đặt vấn đề) tác giả nêu rõ đề tài và luận đề cơ bản, ở câu chủ chốt mở đầu bài văn "Dân ta có một lòng nồng nàn yêu nước. Đó là một truyền thống quý báu của ta", ở phần này, người viết chỉ dùng lí lẽ, không nêu dẫn chứng nào, để giúp người đọc nhận thức tập trung vào vấn đề, trực tiếp, nhanh gọn. Xuống phần thân bài (giải quyết vấn đề), tác giả không lập luận bằng lí lẽ chung chung mà nêu các dẫn chứng tiêu biểu. Cách nêu dẫn chứng cũng rành mạch, sáng tỏ. Đoạn trước nêu ngắn gọn những trang sử anh hùng, sáng ngời tinh thần yêu nước của tổ tiên ta, từ thời Bà Trưng, Bà Triệu đến thời Lê Lợi, Quang Trung.
Tiếp theo là các dẫn chứng về con người và sự việc tiêu biểu của nhân dân trong thời kì kháng chiến lúc bấy giờ. Phần này có ý nghĩa giáo dục, thuyết phục thiết thực nên tư liệu, từ ngữ, câu văn nhiều hơn, dài hơn đoạn trước. Ý rành mạch và cân đối. Ở phần giải quyết vấn đề, tác giả chủ yếu dùng dẫn chứng, rất ít lí lẽ, đúng kiểu nghị luận chứng minh. Còn phần kết bài (kết thúc vấn đề), vì có nhiệm vụ nhắc nhở hành động, nên người viết cũng chỉ dùng lí lẽ ngắn gọn, giúp người đọc, người nghe hiểu sâu vấn đề và để làm theo.
Ở đoạn này, Hồ Chí Minh viết rất rành mạch : "Phải ra sức giải thích, tuyên truyền, tổ chức, lãnh đạo, làm cho tinh thần yêu nước của tất cả mọi người đều được thực hành..". Cùng với sự rành mạch, bố cục bài văn rất chặt chẽ. Từ phần mở bài xuống thân bài, từ thân bài xuống kết bài, ý văn và lời văn đều chuyển tiếp tự nhiên, gắn bó với nhau và gắn bó chặt chẽ với chủ đề, vấn đề mà người viết cần nghị luận. Ở phần nào (3 phần), đoạn nào (4 đoạn) điệp ngữ lòng nồng nàn yêu nước, tinh thần yêu nước của dân ta cũng vang lên như sợi chỉ đỏ xâu chuỗi các lí lẽ, các dẫn chứng, ngân lên như một điệp khúc của bản nhạc vừa ca ngợi vừa chứa chan tình yêu và niềm tự hào đối với dân tộc, đối với đất nước. Với Bác Hồ, làm thơ, viết văn bao giờ cũng hài hoà từ ngữ, câu văn với tâm hồn, tinh cảm. Trong bài văn này, lập luận của Bác chặt chẽ, vừa biểu ý vừa biểu cảm.
Khám phá thêm nữa, chúng ta càng hiểu rõ và thấm thìa sâu sắc những giá trị nội dung và nghệ thuật của áng văn chương này. Ngay ở phần mở bài, Hồ Chí Minh - trong cương vị Chủ tịch nước - thay mặt toàn Đảng, toàn dân ta đã khẳng định một chân lí : "Dân ta có một lòng nồng nàn yêu nước. Đó là một truyền thống quý báu của ta". Lời văn ngắn gọn, vừa phản ánh lịch sử vừa nhìn nhận, đánh giá và xúc cảm về lịch sử, về đạo lí của dân tộc. Cách nêu luận đề cũng ngắn gọn, giản dị, mang tính thuyết phục cao. Tiếp liền sau, Người dùng một so sánh bất ngờ. Khi Tổ quốc bị xâm lăng, tinh thần yêu nước của dân ta "kết thành một làn sóng vô cùng mạnh mẽ, to lớn, nó lướt qua mọi sự nguy hiểm, khó khăn, nó nhấn chìm tất cả lũ bán nước và lũ cướp nước".
Mạch văn mạnh mẽ, kéo dài cùng các tính từ mạnh mẽ, to lớn các động từ kết thành, lướt qua, nhấn chìm tả đúng hình ảnh và sức Công phá của một làn sóng. Văn nghị luận dễ khô khan. Nhưng văn của Bác không khô khan. Dùng hình ảnh làn sóng để giải thích tác dụng lớn lao của tinh thần yêu nước, người viết vừa ca ngợi một truyền thống quý báu của dân tộc, vừa phát hiện một nguyên nhân quan trọng giúp dân tộc ta chiến thắng ngoại xâm, vừa kích thích sự suy nghĩ, lìm hiểu cùa người đọc, người nghe. Cả nội dung và nghệ thuật, phần mở đầu này của áng văn hấp dẫn làm sao.
Phần thân bài, để chứng minh cho luận đề, tác giả đưa ra những chứng cứ lịch sử và thực tế. Về chứng cứ lịch sử, lời vãn lướt qua chặng đường dài bốn nghìn năm lịch sử chống ngoại xâm của dân tộc ta. Tác giả không kể cụ thể chi tiết mà tập trung, nhắc lại các danh nhân, anh hùng dân tộc : Bà Trưng, Bà Triệu, Trần Hung Đạo, Lê Lợi, Quang Trung,... Từ dó, tác giả bày tỏ suy nghĩ và cảm xúc cụ thể : "Chúng ta có quyền tự hào... Chúng ta phải ghi nhớ... một dân tộc anh hùng". Rõ ràng, văn nghị luận của Hồ Chí Minh không chỉ đơn thuần nêu dẫn chứng để chứng minh mà còn biểu ý, những ý tưởng sâu sắc, biểu cảm, những tình cảm chân thành, rung động. Những ý và tình đó được tiếp nối và phát triển trong những dẫn chứng thực tế ở đoạn sau rất tự nhiên, nhẹ nhàng và thấm thìa.
Lịch sử dân tộc anh hùng mang truyền thống yêu nước tự ngàn xưa được nối tiếp theo dòng chảy của thời gian, của mạch nguồn sức sống dân tộc được biểu hiện bằng một cáu văn chuyển ý tự nhiên và chặt chẽ. "Đồng bào ta ngày nay cũng rất xứng đáng với tổ tiên ta ngày trước". Ở phần chứng minh thứ hai này, tác giả Hồ Chí Minh dùng kiểu câu ghép theo công thức liên kết "từ... đến...", không phải đạt một cách tuỳ tiện mà kết hợp chặt chẽ, hài hoà với phép dẫn chứng liệt kê, nêu những tấm gương yêu nước của nhân dân ta trong kháng chiến lúc bấy giờ theo các bình diện: lứa tuổi, tầng lớp, giai cấp, nghề nghiệp, địa bàn cư trú,... Chẳng hạn : "Từ các cụ già tóc bạc đến các cháu nhi đồng trẻ thơ, từ những kiều bào ở nước ngoài đến những đồng bào ở vùng tạm bị chiếm, từ nhân dân miền ngược đến miền xuôi, ai cũng một lòng nồng nàn yêu nước, ghét giặc"...
Trong dẫn chứng, tác giả đã lựa chọn những việc làm, những hành động, cử chỉ của mọi giới, mọi tầng lớp, mọi địa phương, mọi hoàn cảnh trong toàn thể nhân dân cả nước ta. Đồng thời, tác giả cũng đi từ nhận xét khái quát đến các dẫn chứng cụ thể ("Đồng bào ta ngày nay cũng rất xứng đáng với tổ tiên... Từ các cụ già.... đến..."), rồi từ những dẫn chứng cụ thể, đúc lại bằng một nhận xét khái quát: "Những cử chỉ cao quý đó, tuy khác nhau nơi việc làm, nhưng đều giống nhau nơi lòng nồng nàn yêu nước". Mô hình câu "từ... đến.." và phép liệt kê vốn là cách hành văn, cách dẫn chứng không dễ. Người non tay dễ phạm khuyết điểm viết câu rườm rà, dẫn chứng đơn điệu, trùng lặp, lan man. Vậy mà, qua tài năng của Hồ Chí Minh, kiểu câu ấy, cách liệt kê ấy vẫn tự nhiên, rất sinh động, vừa bảo đảm tính toàn diện của dẫn chứng vừa giữ được mạch văn trôi chảy thông thoáng, cuốn hút người dọc, người nghe. Qua đoạn văn này của Bác, chúng ta học tập được nhiều điều về kiểu văn nghị luận chứng minh.
Xuống phần cuối - kết thúc vấn đề - tác giả dùng lí lẽ để xoáy sâu, nhấn mạnh luận đề. Nhưng lí lẽ không khô khan nhờ một hình ảnh so sánh rất độc đáo. Bác Hồ so sánh lòng yêu nước của dân ta - một khái niệm trừu tượng - với một hình ảnh cụ thể. "Tinh thần yêu nước cũng như các thứ của quý. Có khi dược trưng bày trong tủ kính, trong bình pha lê, rõ ràng dễ thấy. Nhưng cũng có khi cất giấu kín đáo trong rương, trong hòm...". Qua ba câu văn ngắn, trong đó có hai câu rút gọn (hai câu sau: Có khi được... Nhưng cũng có khi...) sinh động, tượng hình này, người đọc, người nghe dễ dàng hiểu rằng: lòng yêu nước của đất nước ta biểu hiện bằng hai trạng thái: tiềm tàng, kín đáo và bộc lộ rõ ràng, trực tiếp.
Ý tưởng sâu sắc, mang tầm khái quát cao, nhưng lời văn, ngôn ngữ thì giản dị, đúng như nhiều người nhận xét : Văn của Hồ Chí Minh bao giờ cũng đạt tới chuẩn mực "bốn dễ": dễ đọc, dễ hiểu, dễ nhớ và dễ vận dụng. Do đó, kết thúc bài viết - một phần trong Báo cáo Chính tri trước các cán bộ cao cấp của Đảng ta bấy giờ - vị lãnh tụ tối cao, người cầm lái con thuyền kháng chiến nêu ra nhiệm vụ cụ thể thì ai nấy đều hiểu và đều thầm hứa với Người sẽ vận dụng vào thực tế công tác của mình. Và chúng ta ngày nay, khi đọc văn bản này cũng hiểu rõ để suy ngẫm sâu thêm về tấm lòng, trí tuệ và tài năng của Bác, làm theo lời Bác dạy: Phát huy tinh thần yêu nước trong công việc cụ thể hằng ngày, việc học tập, lao động và ứng xử với mọi người...
Tóm lại, bằng những lí lẽ giản dị, sâu sắc và những dẫn chứng cụ thể, phong phú, giàu sức thuyết phục trong lịch sử và cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, bài Tinh thần yêu nước của nhản dân ta đã làm sáng tỏ một chân lí : "Dân tộc ta có một lòng nồng nàn yêu nước. Đó là một truyền thống quý báu của ta". Bài văn là một mẫu mực về bố cục, lập luận, cách dẫn chứng của thể văn nghị luận chứng minh. Qua bài văn, chúng ta hiểu thêm và kính trọng: tấm lòng của Hồ Chí Minh đối với dân với nước; tài năng, trí tuệ của Người trong văn chương, kể cả thơ ca và văn xuôi.
-
Bài văn phân tích bài "Tinh thần yêu nước của nhân dân ta" số 4
Lịch sử của dân tộc Việt Nam ta chính là lịch sử của những cuộc kháng chiến chống giặc ngoại xâm trường kỳ, từ thuở sơ khai cho đến tận thế kỷ 20 với những cuộc chiến oanh liệt vĩ đại, chiến thắng cả đế quốc Pháp và Mĩ sau gần một trăm năm tranh đấu không ngừng nghỉ. Và để có được những chiến công oanh liệt ghi dấu lịch sử như vậy chính là nhờ vào sự hy sinh máu xương của hàng triệu người con anh hùng, sẵn sàng lên tiếng khi Tổ quốc gọi tên. Trong đó vấn đề cốt lõi để làm nên chiến thắng cũng như sự đoàn kết một lòng vì dân tộc ấy là xuất phát từ chính tinh thần yêu nước nồng nàn, sâu sắc, sôi sục trong huyết quản mỗi người dân Việt Nam và trở thành bản chất, truyền thống đáng quý của con người Việt Nam ta. Văn bản nghị luận Tinh thần yêu nước của nhân dân ta của Hồ Chí Minh đã chỉ ra rất rõ vẻ đẹp ấy bằng những dẫn chứng cụ thể, phong phú và giàu sức thuyết phục.
Hồ Chí Minh (1890-1969), quê ở Nam Đàn, Nghệ An, Người là một vị lãnh tụ thiên tài, một nhà chính trị, quân sự kiệt xuất, đồng thời cũng là một nhà văn, nhà thơ lớn của dân tộc, có ảnh hưởng lớn tới nền văn học cách mạng của đất nước. Có thể nói rằng mỗi bước đường văn chương của Người luôn gắn liền với bước đường Cách mạng, Người làm văn là để phục vụ, ca ngợi Cách mạng, khiến cho Cách mạng đến gần với nhân dân hơn, đồng thời cũng là để cổ vũ mạnh mẽ cho Cách mạng được thành công. Tinh thần yêu nước của nhân dân ta là một trong những tác phẩm tiêu biểu trong gia tài các tác phẩm nghị luận hiện đại của Người, dùng để cổ vũ, ca ngợi và khuyến khích tinh thần yêu nước, đoàn kết đấu tranh của nhân dân trong giai đoạn đất nước còn gặp nhiều khó khăn và cuộc kháng chiến còn nhiều gian khổ.
Mở đầu tác phẩm Hồ Chí Minh đã nhanh chóng đưa ra vấn đề nghị luận mà Người hướng đến đó là tinh thần yêu nước của dân tộc Việt Nam thông qua câu "Dân ta có một lòng nồng nàn yêu nước" và khẳng định mạnh mẽ rằng "Đó là truyền thống quý báu của dân tộc ta". Từ đó khẳng định rằng lòng yêu nước của nhân dân ta vô cùng mãnh liệt, được vun đắp qua nhiều thế hệ cha ông.Và để làm nổi bật luận điểm, bộc lộ sức mạnh vô địch của tinh thần yêu nước, tinh thần đoàn kết của nhân dân ta tác giả đã khéo léo sử dụng những hình ảnh so sánh độc đáo rằng tình thần yêu nước "kết thành một làn sóng mạnh mẽ, to lớn, nó lướt qua mọi sự nguy hiểm, khó khăn, nó nhấn chìm tất cả lũ bán nước và cướp nước". Việc so sánh đã làm cho văn bản thêm phần sinh động, hấp dẫn, gợi ra sức mạnh to lớn của tinh thần yêu nước trong công cuộc kháng chiến chống giặc ngoại xâm từ bao đời nay.
Để chứng minh cho hai luận điểm trên Hồ Chí Minh đã lần lượt đưa ra các dẫn chứng, thứ nhất là tinh thần yêu nước của nhân dân ta trong lịch sử đã được thể hiện rõ rệt và sâu sắc trong các cuộc kháng chiến Bà Trưng, Bà Triệu, Trần Hưng Đạo, Lê Lợi, Quang Trung,... lần lượt trải dài thông qua các triều đại mà như Nguyễn Trãi đã từng viết "Từ Triệu, Đinh, Lý, Trần bao đời gây nền độc lập/Cùng Hán, Đường, Tống, Nguyên mỗi bên xưng đế một phương/Tuy mạnh yếu từng lúc khác nhau, song hào kiệt đời nào cũng có" là vậy. Từ lịch sử đến hiện tại, tinh thần yêu nước của nhân dân ta lại càng được chứng minh mạnh mẽ thông qua các dẫn chứng vô cùng thuyết phục, và Người đã chỉ ra rằng tinh thần yêu nước ấy không phải riêng một tầng lớp, một lứa tuổi, một vùng miền nào, cũng không phân biệt sang giàu, giới tính mà đó là đặc điểm chung, bản chất chung của toàn dân tộc Việt Nam, những người con máu đỏ da vàng.
Và tinh thần yêu nước ấy của nhân dân ta còn được thể hiện cụ thể, rõ nét thông quá các hành động cử chỉ mà Người liệt kê ví như chiến sĩ ở ngoài tiền tuyến chịu đói theo sát giặc hàng mấy ngày liền, người ở hậu phương nhịn đói dành lương thực cho các chiến sĩ ở tiền tuyến, phụ nữ ở nhà thì khuyên chồng con tòng quân, còn chính bản thân các chị cũng anh hùng xung phong đi làm công việc vận tải, các cụ già yêu bộ đội như con, các anh chị công nhân thì thi đua tăng gia sản xuất, điền chủ quyên ruộng đất cho Nhà nước,... Tất cả những hành động ấy đều góp phần làm cho kháng chiến sớm ngày giành được thắng lợi, đất nước được thống nhất, nhân dân được ấm no, còn có biểu hiện nào rõ nét hơn về tinh thần yêu nước của nhân dân ta được.
Sau khi nêu ra luận điểm và chứng minh tinh thần yêu nước của nhân dân ta từ trong lịch sử cho đến hiện tại, thì Chủ tịch Hồ Chí Minh đi vào bàn luận vấn đề với việc so sánh rằng "Tinh thần yêu nước của nhân dân ta cũng như những thứ của quý". Việc so sánh ấy của Hồ Chí Minh nhằm chỉ ra rằng tinh thần yêu nước của nhân dân ta ngoài được bộc lộ trực tiếp, mạnh mẽ qua các hành động cụ thể, thì nó còn tiềm ẩn ở trong mỗi con người, trong nhân dân. Mà ở đây nhiệm vụ của "chúng ta", hay nhiệm vụ của Đảng của nhà nước là phải làm sao cho tinh thần yêu nước ấy tất cả đều được bộc lộ một cách mạnh mẽ, làm sao cho toàn thể dân tộc Việt Nam đều biến tinh thần yêu nước của mình thành những hành động thiết thực, cụ thể, góp phần vào cuộc kháng chiến của dân tộc, bộc lộ được sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc. Thì khi đó làn sóng của tinh thần yêu nước lại càng trở nên mạnh mẽ, trở thành khôi giáp, vũ khí của toàn dân tộc, khó khăn nào cũng vượt qua kẻ thù nào cũng chiến thắng.
Tinh thần yêu nước của nhân dân ta là một mẫu mực về lập luận, bố cục và cách dẫn chứng của thể văn nghị luận hiện đại, khẳng định tài năng của Hồ Chí Minh trong thể loại này. Nó đã chỉ ra và khẳng định một chân lý vững bền, không bao giờ thay đổi rằng: "Nhân dân ta có một lòng nồng nàn yêu nước. Đó là một truyền thống quý báu của ta". -
Bài văn phân tích bài "Tinh thần yêu nước của nhân dân ta" số 5
Trong báo cáo chính trị của đại hội Đảng lần thứ 2 được tổ chức tại chiến khu Việt Bắc vào tháng 2/1954, Chủ tịch Hồ Chí minh đã viết một bản báo cáo chính trị. Tác phẩm “ tinh thần yêu nước của nhân dân ta” là một phần trích đoạn trong bài cáo báo ấy để làm sáng tỏ tinh thần “trung với nước, hiếu với dân” của toàn Đảng toàn dân ta.
Tuy chỉ là một đoạn trích nhưng áng văn vẫn có đầy đủ ba phần và các yếu tố cần thiết của bài văn nghị luận chứng minh. Mở đầu từ “Dân ta” đến “lũ cướp nước”, Hồ Chí Minh nêu rõ vấn đề cần chứng minh “ Dân ta có một lòng nồng nàn yêu nước” và đó chính là một trong những truyền thống quý báu của dân ta. Truyền thống ấy có sức mạnh vô biên “ vô cùng mạnh mẽ, to lớn, nó lướt qua mọi sự nguy hiểm khó khăn, nó nhấn chìm tất cả lũ bán nước và lũ cướp nước”. Bác dùng những lập luận đanh thép để giúp người đọc tập trung vào vấn đề một cách nhanh chóng, xúc tích nhưng vẫn rất đỗi thuyết phục. Người sử dụng một loạt những so sánh khi tổ quốc bị xâm lăng, tất cả nhân dân không phân biệt già trẻ gái trai đều hừng hực khí tế đánh đuổi giặc ngoại xâm. Những từ ngữ như “ lướt qua”, “ nhấn chìm tất cả” là minh chứng hùng hồn cho nguồn sức mạnh ấy.
Lời văn của bác cuốn hút người đọc, người nghe vào dòng chảy tinh thần mạnh mẽ đó. Người vừa viết vừa ca ngợi truyền thống quý báu của dân tộc, vừa giúp người đọc hiểu được nguồn gốc giúp dân tộc ta có thể đánh đổi giặc ngoại xâm mà không hề có chút cảm giác khoa trương. Tiếp nối tinh thần ấy, phần thân bài bắt đầu từ “ Lịch sử ta” đến “ lòng nồng nàn yêu nước”, tác giả đưa ra những chứng cứ lịch sử thực tế để chứng minh cho luận đề. Từ bao đời nay, từ thời các anh hùng dân tộc như Bà Trưng, Ngô quyền, Trần Hưng Đạo ,… đã không quản thân mình xả thân vì giặc thù. Tác giả bày tỏ niềm biết ơn, trân trọng những công lao to lớn ấy “ Chúng ta có quyền tự hào.. chúng ta phải ghi nhớ… một dân tộc anh hùng”. Bác nhắc nhở thế hệ con cháu mai sau, dù trong bất cứ hoàn cảnh nào cũng không được phép những công lao to lớn ấy. Trải qua bốn ngàn năm dựng nước và giữ nước, những lớp người đi trước luôn cố gắng không ngừng để xây dựng phát triển đất nước.
Đó là những kim chỉ nan soi đường chỉ lỗi, truyền lại trong tim mỗi người dân Việt nam luôn phải ý thức được tinh thần yêu nước- giữ nước. Lòng yêu nước cần phải được thể hiện bằng những hành động, lời nói cụ thể, chẳng hạn như: “ Từ các cụ già tóc bạc đến các cháu nhi đồng trẻ thơ, từ những kiều bào ở nước ngoài đến những đồng bào ở vùng tạm bị chiếm….” đã là người dân sinh sống trên dải đất hình chữ S, là con cháu của con rồng cháu tiền đều phải có trách nhiệm, nghĩa vụ yêu thương và bảo vệ đất nước.
Trong những dẫn chứng ấy, Bác không quên đến những tấm gương tiêu biểu của các anh chiến sĩ ngày đêm bám sát, bang qua mưa bom bão đạn để tiêu diệt giăc, đến những người phụ nữ ở nhà lam lũ nuôi con chăm mẹ già để cho chồng yên tâm công tác ngoài chiến trường, cho đến những người mẹ già có đến dăm bảy người con tham gia mặt trận chiến đấu. Từ những nam nữ công nhân, nông dân tham gia tăng gia sản xuất phục vụ kháng chiến,… Đó là những hành động cao quý để thể hiện tinh thần yêu nước, vì nước mà quên mình phục vụ.
Phần kết thúc của tác phẩm, hồ chí minh dùng những lời lý lẽ sắc bén để nhấn mạnh luận đề. Không một chút khô khan, cứng nhắc, Bác vô cùng khéo léo lồng ghép một khái niệm trừu tượng về lòng yêu nước với hình ảnh cụ thể. “ Tinh thần yêu nước cũng như các thứ của quý. Có khi được trưng bày trong tỷ kính, trong bình pha lê, rõ ràng dễ thấy. Nhưng cũng có khi cất giấu kín đáo trong rương….” Có khi thế này, có khi thế kia , lòng yêu nước được thể hiện qua muôn hình vạn trạng, kiểu cách, nhưng tóm gọn lại chỉ cần trong tim của ta luôn có hình bóng của đất nước, luôn dốc hết sức vì sự phát triển của dân tộc thì đó đều đáng quý. Và để hoàn thiện tốt “ lòng yêu nước”, bác kêu gọi toàn Đảng toàn dân là phải “ ra sức giải thích, tuyên truyền, tổ chức, lãnh đạo, làm cho tinh thần yêu nước của tất cả mọi người đều được thực hành vào công việc yêu nước, công việc kháng chiến”.
Bằng những lý lẽ, lập luận sâu sắc, luôn biết lắng nghe thấu hiểu lòng dân, hồ Chí minh đã xuất sắc đưa ra những dẫn chứng cụ thể, giàu sức thuyết phục trong lịch sử và cuộc kháng chiến chống thực dân pháp. Bác khẳng định một chân lí “"Dân tộc ta có một lòng nồng nàn yêu nước. Đó là một truyền thống quý báu của ta". Qua tác phẩm này càng khẳng định được những tố chất tuyệt vời của Người trong lĩnh vực văn chương, thơ ca.
-
Bài văn phân tích bài "Tinh thần yêu nước của nhân dân ta" số 6
Là người dẫn dắt và soi đường cho cách mạng Việt Nam, Hồ Chí Minh là người thấu hiểu rõ nhất lòng yêu nước nồng nàn của đồng bào. Để khẳng định và ca ngợi tinh thần đó, Người đã viết bài Tinh thần yêu nước của nhân dân ta và trình bày tại đại hội thứ II của Đảng Lao động Việt Nam năm 1951.
Qua đoạn trích này, tác giả khẳng định lòng yêu nước là một truyền thống quý báu của dân tộc Việt Nam, nó được thể hiện rõ ràng và mạnh mẽ nhất trong các cuộc chiến đấu chống ngoại xâm. Đoạn trích cũng đã cho thấy thái độ trân trọng, tự hào của tác giả trước truyền thống ấy.
Ngay phần mở đầu, Hồ Chí Minh đã đưa ra vấn đề nghị luận cũng là một lời khẳng định: "Dân tộc ta có một lòng nồng nàn yêu nước. Đó là truyền thống quý báu của ta,...nó nhấn chìm tất cả lũ bán nước và cướp nước". Tinh thần yêu nước được thể hiện rất phong phú trong đời sống nhưng với đặc thù tình hình đất nước luôn phải đương đầu với những cuộc xâm lăng của kẻ thù nên Hồ Chí Minh đã đặc biệt nhấn mạnh lòng yêu nước khi chiến đấu để bảo vệ Tổ quốc: "mỗi khi Tổ quốc bị xâm lăng thì tinh thần ấy lại sôi nổi...nhấn chìm tất cả lũ bán nước và cướp nước".
Trên thực tế, dân tộc ta đang phải đối mặt với cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp đầy cam go và quyết liệt, đòi hỏi dân tộc ta phải phát huy cao độ tinh thần yêu nước và đoàn kết để có thể chiến thắng. Và bây giờ khi nhìn lại lịch sử chúng ta có thể thấy được kết quả to lớn của tinh thần ấy. Ở trong phần mở đầu, để khẳng định sức mạnh to lớn của lòng yêu nước, Hồ Chí Minh đã sử dụng phép so sánh, đã ví tinh thần ấy với hình ảnh làn sóng: “lòng yêu nước đã kết thành một làn sóng vô cùng mạnh mẽ, to lớn...”. Lòng yêu nước được tác giả nhấn mạnh nhiều lần với việc điệp ngữ và sử dụng đại từ thay thế “Nó”, kết hợp với các động từ mạnh “kết thành”, “lướt qua”, “nhấn chìm”đã làm nổi bật sức mạnh không gì ngăn cản nổi của lòng yêu nước. Âm hưởng hào hùng của câu văn làm lay động trái tim người đọc. Cảm xúc sôi nổi, nhiệt thành và rất đỗi tự hào của Hồ Chí Minh thấm đẫm trong từng câu chữ.
Để những nhận định mình đưa ra được thuyết phục hơn, Hồ Chí Minh đã nêu ra những lí lẽ, dẫn chứng để chứng minh cho tinh thần yêu nước của dân tộc ta. Người đã mở đầu bằng việc nêu gương các anh hùng dân tộc của 4000 năm xây dựng đất nước: “Chúng ta có quyền tự hào vì những trang lịch sử vẻ vang thời đại Bà Trưng, Bà Triệu, Trần Hưng Đạo, Lê Lợi, Quang Trung,...các vị ấy là tiêu biểu của một dân tộc anh hùng”. Hồ Chí Minh đã điểm qua tên của những vị anh hùng, cũng là những dấu mốc trưởng thành của dân tộc. Họ là những tượng đài còn mãi về quá khứ vàng son của dân tộc. Đất nước Việt Nam hàng nghìn năm văn hiến luôn kế thừa và phát huy những giá trị tốt đẹp. Lòng yêu nước như một mạch ngầm xuyên suốt liêng liêng không bao giờ vơi cạn trong dòng máu mỗi người dân Việt.
Giờ đây nó được biểu hiện bằng những hành động thiết thực: “Đồng bào ta ngày nay cũng xứng đáng với tổ tiên ta ngày trước. Từ cụ già tóc bạc đến các cháu nhi đồng trẻ thơ, từ kiều bào đến đồng bào bị tạm chiếm,...Những cử chỉ cao quý đó tuy khác nhau nơi việc làm nhưng đều giống nhau nơi lòng nồng nàn yêu nước”. Lòng yêu nước không phải những điều quá xa vời mà chỉ là những hành động thiết thực nhưng đầy ý nghĩa. Chính vì thế ai cũng có thể thể hiện được tình yêu lớn lao ấy từ người già đến trẻ nhỏ, từ miền xuôi lên miền ngược, chạy dọc suốt dải đất hình chữ S. Mỗi cá nhân góp một phần công sức cũng đã tạo nên một dân tộc đoàn kết và mạnh mẽ. Chính lẽ đó đã giúp đất nước ta có thể trường tồn đến ngày nay.
Trong đoạn cuối văn bản, Hồ Chí Minh đã sử dụng phép so sánh để cụ thể hóa tinh thần đó. “Tinh thần yêu nước cũng như một thứ của quý. Có khi được trưng bày trong tủ kính...nhưng cũng có khi cất giấu kĩ trong rương, trong hòm”. Bổn phận của chúng ta là làm cho những của quý kín đáo đó ấy đều được đưa ra trưng bày. Như đã nói ở trên, tinh thần yêu nước không phải là một dạng tư tưởng xa vời mà nó ở ngay gần chúng ta, trong mỗi chúng ta. Đó là đức tính quý báu của mỗi công dân để tạo nên một dân tộc vững mạnh. Tuy nhiên tinh thần ấy có khi được biểu hiện ra rõ ràng, mạnh mẽ nhưng có khi vẫn chưa được mạnh dạn bộc lộ. Đó là điều dễ hiểu bởi không phải ai cũng có nhu cầu và điều kiện để bộc lộ tinh thần yêu nước sẵn có trong lòng mình. Trách nhiệm của người lãnh đạo là phải tạo điều kiện và thời cơ phù hợp để mỗi người được trưng bày thứ của quý đó ra ngoài.
Bằng nghệ thuật lập luận chặt chẽ, bố cục rõ ràng và hệ thống dẫn chứng phong phú, thuyết phục, tác phẩm đã chạm đến được “thứ của quý” chính là lòng yêu nước trong trái tim mỗi người. Cấu trúc câu và những động từ có khả năng gơi cảm cao, bài văn như một lời hịch kêu gọi, khích lệ toàn dân đoàn kết một lòng đánh đuổi kẻ thù, bảo vệ chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc.
Những câu văn mang giá trị lớn lao ấy của Hồ Chí Minh dù đã trải qua hơn nửa thế kỉ nhưng vẫn còn nguyên tính thời sự, có tác dụng động viên mọi tầng lớp nhân dân Việt Nam vững bước trong công cuộc xây dựng và bảo vệ đất nước thân yêu.
-
Bài văn phân tích bài "Tinh thần yêu nước của nhân dân ta" số 7
Nhân dân ta không chỉ giàu về tình nghĩa, truyền thống hiếu học, tôn sư trọng đạo,… mà còn có lòng yêu nước nồng nàn, cháy bỏng. Lòng yêu nước trở thành một truyền thống đẹp đẽ, quý báu của nhân dân ta, nó được phát huy và thể hiện mạnh mẽ mỗi khi tổ quốc bị xâm lăng. Truyền thống quý báu đó được thể hiện rõ nhất qua đoạn trích: “Tinh thần yêu nước của nhân dân ta” của Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Bài văn được trích trong Báo cáo chính trị tại Đại hội lần thứ II, tháng 2 năm 1951 của Đảng Lao động Việt Nam. Bài văn có thể coi là một mẫu mực về lập luận, bố cục và cách dẫn chứng của thể văn nghị luận. Trước hết về nội dung, văn bản nêu lên luận đề cơ bản: “Nhân dân ta có một lòng nồng nàn yêu nước. Đó là truyền thống quý báu của ta”. Mỗi khi tổ quốc bị xâm lăng, tinh thần ấy được phát huy một cách mạnh mẽ. Trong câu văn tiếp theo tác giả đã sử dụng động từ với hình thức tăng tiến: lướt qua, nhấn chìm cùng với đó là hình ảnh so sánh tinh thần yêu nước như một làn sóng mạnh mẽ, đã cho thấy rõ lòng yêu nước nồng nàn của nhân dân ta. Để làm sáng tỏ chân lí đó tác giả đã chứng minh nó ở hai thời điểm: quá khứ và hiện tại.
Bề dày lịch sử truyền thống yêu nước của nhân dân ta đã được tác giả đưa ra dẫn chứng cụ thể ở các thời đại Bà Trưng, Bà Triệu, Lê Lợi, Quang Trung,… đây là những vị anh hùng của dân tộc. Lấy những dẫn chứng hết sức tiêu biểu, mỗi nhân vật lịch sử gắn liền với một chiến công hiển hách, vang dội đã làm cho người đọc thấy rõ tinh thần yêu nước của tổ tiên, ông cha.
Không dừng lại ở đó, để mở rộng luận điểm, làm người đọc tin và bị thuyết phục hơn nữa, tác giả tiếp tục lấy dẫn chứng đến thời điểm hiện tại. Ở đoạn thứ ba Hồ Chí Minh tập trung chứng minh tinh thần yêu nước của nhân dân trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược bằng hàng loạt các dẫn chứng. Sau câu chuyển đoạn “Đồng bào ta ngày nay cũng rất xứng đáng với tổ tiên ta ngày trước” Hồ Chí Minh đã khái quát lòng yêu nước ghét giặc của nhân dân: “Từ các cụ già tóc bạc đến các cháu nhi đồng trẻ thơ, từ những kiều bào ở nước ngoài đến những đồng bào ở vùng bị tạm chiếm, từ nhân dân miền ngược đến nhân dân miền xuôi, ai cũng một lòng nồng nàn yêu nước, ghét giặc”. Tiếp đó bằng hình thức liệt kê, kết hợp với mô hình liên kết từ …đến Chủ tịch Hồ Chí Minh đã cho thấy rõ lòng yêu nước của mọi tầng lớp, lứa tuổi, giai cấp,… Những dẫn chứng đó vừa cụ thể vừa toàn diện, thể hiện sự cảm phục, ngưỡng mộ tinh thần yêu nước của đồng bào ta trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp.
Phần cuối văn bản là lời khẳng định tinh thần yêu nước cũng như các thứ của quý, chúng có thể rõ ràng dễ thấy nhưng cũng có khi được “cất giấu kín đáo trong rương, trong hòm”. Lần đầu tiên, một thứ vô hình là lòng yêu nước lại được Bác cụ thể hóa, hữu hình hóa một cách vừa giản dị vừa cao quý đến như vậy. Qua lời của Bác, lòng yêu nước không phải những điều lớn lao, xa vời mà nó giản dị, ở ngay xung quanh ta. Nhiệm vụ của ta lại phải phát huy lòng yêu nước đó thành những hành động, việc làm cụ thể trong công việc kháng chiến, công việc yêu nước.
Về nghệ thuật, bài văn có bố cục chặt chẽ, gồm ba phần (phần một nêu lên vấn đề nghị luận “tinh thần yêu nước của nhân dân ta”; phần hai chứng minh tinh thần yêu nước trong quá khứ và hiện tại; phần ba nhiệm vụ của Đảng trong việc phát huy tinh thần yêu nước). Lập luận mạch lạc, rõ ràng, lí lẽ thống nhất với dẫn chứng. Dẫn chứng phong phú, cụ thể, được diễn đạt bằng những hình ảnh so sánh cụ thể, sinh động.
Bài văn đã làm sáng tỏ chân lí muôn đời của cha ông ta đó là truyền thống yêu nước nồng nàn, sẵn sàng đấu tranh và hi sinh để giành tự do, độc lập cho dân tộc. Truyền thống đẹp đẽ đó cần phải được phát huy mạnh mẽ vào công cuộc kháng chiến của toàn dân tộc.
-
Bài văn phân tích bài "Tinh thần yêu nước của nhân dân ta" số 8
Sau chiến thắng Biên giới và Trung du, Đại hội Đảng lần thứ II đã diễn ra trên chiến khu Việt Bắc vào tháng 2/1951. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã trình bày trước Đại hội Đảng Báo cáo chính trị. Văn bản “Tinh thần yêu nước của nhân dân ta” là một phần nhỏ trong bài Báo cáo chính trị ấy. Văn bản này được xem như một kiểu mẫu về văn chứng minh, tiêu biểu cho phong cách chính luận của Hồ Chí Minh: ngắn gọn súc tích, cách lập luận chặt chẽ, lời lẽ hùng hồn, dẫn chứng (lịch sử, xã hội) vừa cụ thể vừa khái quát.
Mở đầu văn bản tác giả khẳng định và nêu rõ vấn đề phải chứng minh “Dân ta có một lòng nồng nàn yêu nước”, hai câu tiếp theo làm nổi bật luận đề lòng yêu nước của dân ta rất nồng nàn, là “một truyền thống quý báu” và có sức mạnh “vô cùng mạnh mẽ, to lớn, nó lướt qua mọi sự nguy hiểm khó khăn, nó nhấn chìm tất cả lũ bán nước và lũ cướp nước”. Hồ Chủ tịch đã so sánh lòng yêu nước của nhân dân ta bằng hình ảnh “làn sóng”. Các từ ngữ: “sôi nổi”, “kết thành”, “vô cùng mạnh mẽ, to lớn”, “lướt qua”, “nhấn chìm tất cả” - đã ca ngợi và khẳng định sức mạnh lòng nồng nàn yêu nước của dân ta trong trường kì lịch sử: “từ xưa đến nay” trong tình thế hiểm nghèo: “khi Tổ quốc bị xâm lăng”.
Phần thứ hai văn bản, tác giả nêu lên hàng loạt dẫn chứng lịch sử và xã hội để chứng minh, làm sáng tỏ lòng nồng nàn yêu nước của dân ta, về quá khứ những trang lịch sử vẻ vang thời đại Bà Trưng, Bà Triệu, Trần Hưng Đạo, Lê Lợi, Quang Trung, v..v... Thủ pháp liệt kê hàng loạt dẫn chứng: các dẫn chứng vừa khái quát, vừa điển hình mở ra trường liên tưởng về bao trang sử hào hùng chống xâm lăng của dân tộc trong tâm hồn người đọc. Các từ ngữ: “Chúng ta có quyền tự hào...”, “chúng ta phải ghi nhớ” đã làm rõ cảm xúc khi nêu dẫn chứng. Cảm xúc dào dạt, lý luận hùng hồn, lập luận danh thép, đó là văn phong của Bác Hồ: “Chúng ta phải ghi nhớ công lao của các vị anh hùng dân tộc, vì các vị ấy là tiêu biểu của một dân tộc anh hùng”.
Từ lịch sử quá khứ, Hồ Chủ tịch nêu nhiều dẫn chứng để chứng minh lòng nồng nàn yêu nước của nhân dân ta trong hiện tại, trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược. Có câu chuyển ý, chuyển đoạn rất khéo: “Đồng bào ta ngày nay cũng rất xứng đáng với tổ tiên ta ngày trước”. Các dẫn chứng được sắp xếp và trình bày qua 3 câu văn dài, có kết cấu liệt kê, trùng điệp: “từ.. đến...”. Cách viết ấy đã làm sáng lòng nồng nàn yêu nước, tinh thần đại đoàn kết dân tộc và nhiệt tình tham gia kháng chiến của nhân dân ta là vô tận. Các lứa tuổi: “từ các cụ già tóc bạc đến các cháu nhi đồng trẻ thơ”. Đồng bào khắp mọi nơi: “từ những kiều bào ở nước ngoài đến những đồng bào ở vùng bị tạm chiếm, từ nhân dân miền ngược đến miền xuôi...”.
Bác Hồ khẳng định đồng bào ta “ai cũng một lòng nồng nàn yêu nước, ghét giặc”. Tiền tuyến và hậu phương: “từ những chiến sĩ ngoài mặt trận... đến những công chức ở hậu phương..., từ những phụ nữ... đến các bà mẹ chiến sĩ...”. Lòng nồng nàn yêu nước được biểu hiện một cách phong phú, đa dạng muôn màu muôn vẻ: hoặc “chịu đói mấy ngày để bám sát lấy giặc đặng tiêu diệt giặc”, hoặc “nhịn ăn để ủng hộ bộ đội”, hoặc “khuyên chồng con đi tòng quân mà mình thì xung phong giúp việc vận tải”, hoặc “săn sóc yêu thương bộ đội như con đẻ của mình”.Các giới đồng bào, các tầng lớp xã hội: “từ những nam nữ công nhân và nông dân... cho đến những đồng bào điền chủ...”, hoặc là “thi đua tăng gia sản xuất...”, hoặc là “quyên ruộng đất cho Chính phủ”.
Câu kết đoạn, Bác Hồ bình luận, khẳng định một cách hùng hồn mạnh mẽ: “Những cử chỉ cao quý đó, tuy khác nhau nơi việc làm, nhưng đều giống nhau nơi lòng nồng nàn yêu nước”. Các dẫn chứng vừa cụ thể, vừa khái quát, vừa điển hình, vừa toàn diện, đầy sức thuyết phục. Phần cuối văn bản, Hồ Chủ tịch ví lòng yêu nước “ như các thứ của quý” và nêu lên những biểu hiện của lòng yêu nước, hoặc “trưng bày trong tủ kính, trong “bình pha lê, rõ ràng dễ thấy”, hoặc “cất giấu kín đáo trong rương, trong hòm”. Bác nêu lên nhiệm vụ của toàn Đảng toàn dân là phải “ ra sức giải thích, tuyên truyền, tổ chức, lãnh đạo, làm cho tinh thần yêu nước của tất cả mọi người đều được thực hành vào công việc yêu nước, công việc kháng chiến”.
Tóm lại, Hồ Chủ tịch đã khẳng định và ca ngợi lòng nồng nàn yêu nước và tinh thần bất khuất anh hùng, ý chí chống xâm lăng là một truyền thống quý báu của dân tộc ta. Bài văn đã bồi dưỡng lòng yêu nước và niềm tự hào dân tộc cho mỗi chúng ta. Chúng ta học tập nghệ thuật chứng minh của Bác: cách nêu vấn đề, cách chọn dẫn chứng và trình bày dẫn chứng, lý lẽ và cảm xúc liên kết hài hòa, đầy thuyết phục.
-
Bài văn phân tích bài "Tinh thần yêu nước của nhân dân ta" số 9
Dân tộc ta có một truyền thống đấu tranh chống xâm lược; đã bao thế hệ cha ông nối tiếp nhau đứng lên chống ngoại xâm để bảo vệ Tổ quốc và viết nên những trang sử oai hùng. Trong giai đoạn chống Pháp gay go ác liệt, để động viên cổ vũ lòng yêu nước của toàn dân, tại Đại hội Đảng lần II năm 1954, trong bài viết “Tinh thần yêu nước của nhân dân ta”, Hồ Chủ tịch đã khẳng định: Dân ta có một lòng nồng nàn yêu nước.
Thật vậy, lòng yêu nước đã trở thành truyền thống, phẩm chất của con người Việt Nam từ thế hệ này qua thế hệ khác. Tình cảm này có khi được thực hiện bằng những hành động cụ thể, nhiều lúc thể hiện qua thơ ca. Đã có biết bao chiến sĩ, nhà thơ đã mượn lời thơ để giãi bày tấm lòng yêu quê hương của mình. Trải qua một ngàn năm Bắc thuộc, cuộc khởi nghĩa của Hai Bà Trưng là một minh chứng hùng hồn nhất của lòng yêu nước:
Một xin rửa sạch thù nhà
Hai xin nối lại nghiệp xưa họ Hùng..
Đầu mùa xuân 1077, chiến thắng trên sông Như Nguyệt của Lý Thườrg Kiệt đánh tan 4 vạn quân Tống xâm lược đã khẳng định chủ quyền dân tộc. Ta làm sao quên được bản Tuyên ngôn Độc lập đầu tiên, tương truyền của Lý Thường Kiệt, ngân nga trong ngôi đền bên sông ấy:
Nam quốc sơn hà nam đế cư
Tiệt nhiên định phận tụi thiên thư
Như hà nghịch lỗ lai xâm phạm
Nhữ đẳng hành khan thủ bại hư.
(Sông núi nước Nam - đã dịch ra tiếng Việt)
Chính lòng yêu nước mãnh liệt ấy khiến Trần Quốc Tuân thốt lên những lời tâm sự thiết tha và đầy chân thành: “Ta thường đến bữa quên ăn, nửa đêm vỗ gối, ruột đau như cắt, nước mắt đầm đìa, dẫu cho trăm thây ta phơi ngoài nội cỏ, nghìn xúc ta gói trong da ngựa, ta cũng vui lòng ” (Hịch tướng sĩ). Và đêm đêm giấc ngủ không tròn, Nguyễn Trãi cứ mãi lo nghĩ đến quê hương đất nước:
Những trằn trục trong cơn mộng mị
Chỉ băn khoăn một nỗi bồi hồi.
Đến lúc thực dân Pháp xâm lược nước ta, tinh thần yêu nước của nhân dân ta được phát huy cao độ. Với giọng thơ hào hùng, Phan Bội Châu, con người tài cao chí lớn, dù bị giam trong nhà lao vẫn tự hào, vẫn không mất nhuệ khí của người trai:
Vẫn hào kiệt vẫn phong lưu
Chạy mỏi chân thì hãy ở tù.
(Vào nhà ngục Quảng Đông cảm tác)
Đối với người yêu nước, nhưng dù đày khổ sở mà bọn giặc cố tình hành hạ cũng không làm cho họ chùn bước ngã lòng, mà ngược lại đó là dịp để cho “người lờ bước” thể hiện khí phách của mình:
Những kẻ vá trời khi lỡ bước
Gian nan chi kể việc con con.
(Đập đá ở Côn Lôn )
Từ năm 1930 cuộc đấu tranh giành độc lập được tiến hành dưới ngọn cờ của giai cấp vô sản, những người thanh niên trẻ yêu nước, giác ngộ lí tưởng sẵn sàng hiến dâng đời mình cho sự nghiệp giải phóng dân tộc, giải phóng đất nước.
Tôi buộc lòng tôi với mọi người
Để tình trang trải với trăm nơi
Để hồn tôi với bao hồn khổ
Gần gũi nhau thêm mạnh khối đời.
(Từ ấy - Tô Hữu)
Cũng trong lúc này, những tấm gương chiến đấu hi sinh dũng cảm của giới thanh niên đáng để chúng ta khâm phục. Họ là những chiến sĩ “quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh” như Lý Tự Trọng, Lê Hồng Phong, Nguyền Thị Minh Khai, Võ Thị Sáu... những Người đã viết lên những trang sử oai hùng.
Truyền thống yêu nước của dân tộc ta được thể hiện rõ nét và tiêu biểu nhất là hình tượng Bác Hồ, người cha già của dân tộc, vị lãnh tụ đáng kính, linh hồn của cuộc kháng chiến. Bác đã từ bỏ tuổi thanh xuân của mình ra đi tìm đường cứa nước và luôn mang trong tên một quyết lâm đánh đuổi kẻ thù ra khỏi đất nước Trong ngục tù, Bác đã trằn trọc suốt đêm vì mãi lo nghĩ đến sự nghiệp cá mạng còn dang dở:
Một canh... hai canh... lại ba canh
Trằn trọc băn khoăn giấc chẳng thành
Canh bốn canh năm vừa chợp mắt
Sao vàng năm cánh mộng hồn quanh.
(Không ngủ được - Hồ Chí Minh)
Và truyền thống ấy được dân tộc ta phát huy tới đỉnh cao nhất trong lịch đấu tranh chống ngoại xâm - cuộc chiến chống Mĩ cứu nước. Giai đoạn này to dân trỏ, già, trai, đều hiến dâng sức lực, trí tuệ của mình cho công cu: đấu tranh giữ nước:
Lớp cha trước, lớp con sau
Đã thành đồng chí chung câu quân hành.
Và cũng có biết hao tấm gương yêu nước của các chiến sĩ cách mạng đã là cho kẻ thù khiếp sự... như anh Nguyỗn Vãn Trỗi với chín phút cuối cùng của đ anh (Sống như anh); như chị Sứ vẫn hiên ngang giữ được phẩm chất anh hù của mình trước cái chết gần kể (Hòn đất); như anh giải phóng quân kiên cường dũng cảm trên đường băng Tân Sơn Nhất:
...Anh chẳng để lại gì cho riêng anh trước lúc lên đường.
Chỉ để lại dáng đứng Việt Nam tạc vào thế kỉ.
(Dáng đứng Việt Nam - Lê Anh Xuân)
Rõ ràng với lòng yêu nước nồng nàn, nhân dân ta đã viết tiếp những trang sử vàng của Lê Lợi, Quang Trung:
Chi Lăng bài học thuở xưa
Người đi thì có, người về thì không.
Lòng yêu nước đã khiến cho nhân dân ta có sức mạnh phi thường vượt qua mọi khó khăn gian khổ, chiến thắng bọn cướp nước và bán nước. Đáng tự hào thay sự hi sinh cao cả của những người con nước Việt.
Có thế nói lòng yêu nước của dân tộc ta là nhân tố quyết định thắng lợi trong công cuộc đấu tranh chống xâm lược, để bảo vệ Tổ quốc. Em nguyện sống sao cho xứng đáng với truyền thống tốt đẹp của cha anh đã ngã xuống vì độc lập, tự do, vì hạnh phúc của nhân dân.
-
Bài văn phân tích bài "Tinh thần yêu nước của nhân dân ta" số 10
Nhà văn I-li-a Ê-ren-bua trong tạp tùy bút “Thời gian ủng hộ chúng ta”,đã từng viết: “Lòng yêu nhà, yêu làng xóm, yêu miền quê trở nên lòng yêu Tổ quốc. Có thể nào quan niệm được sức mãnh liệt của tình yêu mà không đem nó vào lửa đạn gay go thử thách”. Tinh thần yêu nước chính là nguồn cội làm nên sức mạnh của mọi dân tộc. Bài viết Tinh thần yêu nước của nhân dân ta của Hồ Chí Minh một lần nữa khẳng định mạnh mẽ chân lí ấy.
Văn bản “Tinh thần yêu nước của nhân dân ta” là một đoạn trích từ Báo cáo chính trị do Chủ tịch Hồ Chí Minh trình bày tại Đại hội lần thứ II của Đảng Lao động Việt Nam (nay là Đảng Cộng sản Việt Nam) họp tại Việt Bắc tháng 2 năm 1951. Văn bản tuy chỉ là một đoạn trích nhưng có bố cục tương đối trọn vẹn. Bởi vậy có thể coi đây là bố cục của một bài văn nghị luận hoàn chỉnh.Mở đầu văn bản, tác giả đã nêu lên luận điểm quan trọng: “Dân ta có một lòng nồng nàn yêu nước. Đó là một truyền thống quý báu của ta”. Đồng thời, tác giả cũng đã khẳng đinh sức mạnh to lớn của lòng yêu nước : “Khi Tổ quốc bị xâm lăng, thì tình thần ấy lại sôi nổi, nó kết thành một làn sóng vô cùng mạnh mẽ, to lớn, nó lướt qua mọi sự nguy hiểm, khó khăn, nó nhấn chìm tất cả lũ bán nước và lũ cướp nước ”
Để minh chứng, làm rõ truyền thống yêu nước của dân tộc, Hồ Chí Minh dã đưa ra hàng loạt dẫn chứng và sắp xếp theo trình tự hợp lí. Rõ nhất là tác giả lập luận theo trình tự thời gian từ quá khứ đến hiện tại. Đầu tiên, tác giả đã lấy dẫn chứng từ những trang sử vẻ vang của dân tộc để làm sáng tỏ tinh thần yêu nước của nhân dân ta. Đó là những cuộc kháng chiến vĩ đại, vang dội và hào hùng thời đại Bà Trưng, Bà Triệu, Trần Hưng Đạo, Lê Lợi, Quang Trung… Những chiến công hiển hách này là chứng cớ hùng hồn cho tinh thần yêu nước nồng nàn, bất khuất của dân tộc ta.
Tiếp theo, tác giả Hồ Chí Minh đã tiếp tục nêu những tấm gương tiêu biểu cho tinh thần yêu nước của nhân dân ta thời đại ngày nay. Đó là những người Việt Nam chân chính, không phân biệt tuổi tác địa bàn cư trú, giới tính, giai cấp, nghề nghiệp… Từ các cụ già tóc bạc đến các cháu nhi đồng tuổi thơ, từ những kiều bào ở nước ngoài đến những đổng bào ỏ vùng tạm bị chiếm, từ nhân dân miền ngược đến miền xuôi… Từ những nam nữ công nhân và nông dân thi đua tăng gia sản xuất… cho đến đồng bào điền chủ quyên ruộng đất cho Chính phủ. Chính trình tự sắp xếp dẫn chứng khoa học như vậy đã làm nổi bật được tinh thần yêu nước vốn đã trở thành một truyền thống tốt đẹp, xuyên suốt trong lịch sử của dân tộc ta.
Tác giả đă sử dụng hàng loạt các phép liệt kê để bao quát các tầng lóp người trong xã hội và thể hiện một cách đầy đủ, sâu sắc tinh thần yêu nước của các tầng lớp nhân dân. Từ các dẫn chứng phong phú, toàn diện đó, Người đã khẳng định: “Những cử chỉ cao quý đó tuy khác nhau nơi việc làm nhưng đều giông nhau nơi lòng nồng nàn yêu nước”.
Ở phần kết của văn bản tác giả Hồ Chí Minh đã sử dụng phép so sánh đặc sắc để cụ thể hoá tinh thần yêu nước. Tinh thần yêu nước vốn là khái niệm trừu tượng nhung nhờ phép so sánh đã trở nên cụ thể, giản dị, dễ hiểu đến bất ngờ : “Tinh thần yêu nước cũng giống như các thứ của quý. Có khi dược trưng bày trong tủ kính. Nhưng cũng có khi cất giấu kín đáo trong rương, trong hòm”. Từ đó, Người đã đề ra nhiệm vụ cho toàn Đảng, toàn dân là phải “ra sức giải thích, tuyên truyền, tổ chức, lãnh đạo, làm cho tinh thẩn yêu nước của mọi người đều được thực hành vào công việc yêu nước, công việc kháng chiến”.
Văn bản được viết trong lúc cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược đang diễn ra quyết liệt, đòi hỏi phải phát huy cao độ tinh thần yêu nước của toàn dân tộc. Bởi vậy, tác giả Hồ Chí Minh chỉ nhấn manh và biểu dương những biểu hiện của tinh thần yêu nước trong công cuộc kháng chiến chống kẻ thù xâm lược chứ không làm rõ biểu hiện của tinh thần yêu nước trong sự nghiệp xây dựng đất nước. Bài văn ra đời góp phần cổ vũ mạnh mẽ cho công cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp của quân và dân ta.
Bằng những dẫn chúng cụ thể, phong phú, giàu sức thuyết phục trong lịch sử dân tộc và cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, văn bản đã làm sáng tỏ một chân lí: “Dân ta cỏ một lòng nồng nàn yêu nước. Đó là một truyền thống quý báu của ta “. Ngoài ra, tác giả còn sử dụng nhiều hình ảnh so sánh đặc sắc, cách diễn đạt giản dị, dễ hiểu… góp phần làm rõ hơn tình thần yêu nước ấy và nhiệm vụ chiến đấu của nhân dân ngay lúc này.
Hơn ai hết, chủ tích Hồ Chí Minh vĩ đại nhìn thấy rõ sức mạnh lớn lao trong tinh thần yêu nước của nhân dân ta. Người đã lựa chọn con đường cách mạng, lấy sức mạnh của quần chúng nhân dân làm cuộc quật khỏi đánh đuổi kẻ thù xâm lược. “Tinh thần yêu nước của nhân dân ta” xứng đáng là một bài ca tràn đầy khí thế và lòng tự hào về sức mạnh lòng yêu của nhân dân ta.