Top 5 Bài văn phân tích, đánh giá một nhân vật trong tác phẩm chương trình Ngữ văn 10 hay nhất
Phân tích nhân vật trong tác phẩm đã học ở sách Ngữ văn 10 các bạn có thể phân tích nhân vật Đăm Săn trong Chiến thắng Mtao-Mxay, nhân vật Ngô Tử Văn trong ... xem thêm...Chuyện chức phán sự đền Tản Viên, nhân vật Thần Trụ Trời trong thần thoại cùng tên, nhân vật dì Mây trong Người ở bến Sông Châu,... Dưới đây là những Bài văn phân tích, đánh giá một nhân vật trong tác phẩm chương trình Ngữ văn 10 hay nhất mà Toplist đã sưu tầm và tổng hợp.
-
Bài tham khảo số 1 - Nhân vật Đăm Săn
Sử thi "Đăm Săn" là một tác phẩm vô cùng quen thuộc với cộng đồng người Ê-đê nói riêng và người Việt nói chung. Bằng sự sáng tạo tài tình cùng trí tưởng tượng độc đáo, tác giả dân gian đã khắc họa thành công nhân vật Đăm Săn - người anh hùng của cộng đồng tài giỏi, oai dũng. Những phẩm chất tốt đẹp ấy còn thể hiện một cách rõ nét trong đoạn trích "Đăm Săn chiến thắng Mtao Mxây".
Sau khi biết tin Hơ Nhị bị bắt đi, Đăm Săn quyết định tìm đến nhà Mtao Mxây để cứu vợ về. Tại đây, một cuộc giao chiến gay cấn đã diễn ra. Cuối cùng, nhờ sức mạnh cùng bản lĩnh lớn lao, Đăm Săn giành chiến thắng rực rỡ, giết hạ được Mtao Mxây, thu về rất nhiều tôi tớ và của cải. Có thể thấy, các tác giả dân gian thật khéo léo khi khắc họa vị tù trưởng Đăm Săn tài ba thông qua cuộc giao chiến. Từ đây, Đăm Săn hiện lên thật nổi bật với bao phẩm chất tốt đẹp.
Trước hết, Đăm Săn là một người có ngoại hình khỏe khoắn, vóc dáng vạm vỡ. Thân thể cường tráng của chàng làm dân làng không khỏi ngưỡng mộ "Bắp chân chàng to bằng cây xà ngang, bắp đùi chàng to bằng ống bễ, sức chàng ngang sức voi đục". Nhìn vào thân hình to lớn ấy, người ta còn cảm nhận được phong thái uy dũng, khí phách của người anh hùng "sát bên mình nghênh ngang đủ giáo gươm, đôi mắt long lanh như mắt chim ghếch ăn hoa tre".
Bên cạnh vẻ đẹp ngoại hình, Đăm Săn còn mang trong mình những phẩm chất quý giá. Đứng trước thử thách, chàng không hề luồn cúi hay lo sợ. Ở chàng, người ta thấy được sự tự tin, bản lĩnh lớn lao. Ngay khi vừa tới nhà Mtao Mxây, không đợi hắn mở lời, chàng đã đưa ra thách đấu "Ta thách nhà ngươi đọ dao với ta đấy". Khi thấy Mtao Mxây từ chối, chàng mạnh mẽ khẳng định "Ngươi không xuống ư? Ta sẽ lấy cái sàn hiện của nhà ngươi ta bổ đôi,...". Lời lẽ khí phách vừa làm Mtao Mxây lo sợ "Khoan, giếng, khoan!" vừa tô đậm uy quyền của vị tù trưởng. Chàng chỉ nói vài câu mang tính thách đố đã làm Mtao Mxây hoảng hốt mà nghe theo. Đặc biệt, sự uy dũng cùng sức mạnh phi thường ở chàng còn được bộc lộ rõ nét trong cảnh giao chiến. Đối ngược với một Mtao Mxây yếu kém "múa kêu lạch xạch như quả mướp khô", Đăm Săn luôn có những hành động nhanh gọn, dứt khoát, mạnh mẽ "Mỗi lần xốc tới, chàng vượt một đồi lồ ô". Từng động tác ở chàng như mang sức mạnh lớn lao "Múa trên cao, gió như bão, múa dưới thấp, gió như lốc". Mỗi lần "vung tay nhấc chân", chàng lại thể hiện được vô vàn năng lực. Dù là múa dưới thấp hay trên cao, chàng đều tỏ ra thành thục và dũng mãnh. Cuối cùng, sau khi nhận gợi ý từ ông Trời, Đăm Săn đã nhanh nhẹn dùng cái chày mòn ném trúng vành tai Mtao Mxây, giết chết hắn tại chuồng trâu. Như vậy, qua chi tiết này, ta còn thấy được sự thông minh, nhanh trí ở người anh hùng cộng đồng.
Chiến thắng trong cuộc giao chiến, Đăm Săn thu về rất nhiều của cải và tôi tớ của Mtao Mxây. Nhờ bản lĩnh phi thường, khí thế oai dũng, chàng đã để lại dấu ấn sâu đậm cho dân làng. Vì thế, ngay khi Đăm Săn ngỏ lời "Các ngươi có đi với ta không?" thì nhân dân đều đồng lòng một lời "Không đi sao được". Có thể thấy, cộng đồng vô cùng ngưỡng mộ, yêu quý người anh hùng tài giỏi này. Không chỉ vậy, khung cảnh ăn mừng náo nhiệt, vui tươi tại nhà Đăm Săn đã khẳng định sự sung túc, giàu có của chàng. Như vậy, lúc này đây, Đăm Săn thật nổi bật với vị trí người đứng đầu bản làng - vị tù trưởng tài giỏi, uy quyền.
Để có thể khắc họa thành công nhân vật, tác giả dân gian đã sử dụng những hình thức nghệ thuật đặc sắc. Đầu tiên, tác giả dân gian đã rất dựng công trong việc sử dụng hình ảnh thiên nhiên kết hợp với biện pháp so sánh, phóng đại nhằm miêu tả vẻ đẹp ở Đăm Săn "đôi mắt long lanh như mắt chim ghếch", "sức chàng ngang sức voi đực, hơi thở chàng ầm ầm tựa sấm dậy". Bên cạnh đó, sự kết hợp hài hòa giữa ngôn ngữ của người kể sử thi và ngôn ngữ của nhân vật cũng góp phần làm nổi bật đặc điểm về tính cách, hành động ở nhân vật. Từ đó, bộc lộ thái độ yêu mến, ngưỡng mộ, ngợi ca đối với Đăm Săn.
Qua đoạn trích "Đăm Săn chiến thắng Mtao Mxây", ta lại thêm khâm phục sự sáng tạo tài ba của người xưa trong việc xây dựng nhân vật anh hùng Đăm Săn với các vẻ đẹp, phẩm chất lí tưởng. Đồng thời, đoạn trích còn cho thấy những khát khao về người đứng đầu tài giỏi, có bản lĩnh, ý chí phi thường. Đây cũng chính là mong ước chung của con người ở mọi thời đại.
-
Bài tham khảo số 2 - Nhân vật Ngô Tử Văn
Nguyễn Dữ là một trong những tác gia nổi tiếng của nền văn học Việt Nam thời kỳ trung đại. Tác phẩm Truyền kỳ mạn lục của ông có độ phổ biến với công chúng hết sức sâu sắc. Văn phong của tác phẩm có giá trị nghệ thuật và nội dung mang giá trị tư tưởng cao. Tác phẩm có nhiều yếu tố kỳ ảo nhưng những câu chuyện lại rất hiện thực, gần gũi với đời sống con người và mang giá trị nhân văn sâu sắc. Trong tác phẩm lớn đó có câu chuyện về Ngô Tử Văn trong Chuyện chức phán sự đền Tản Viên mang ý nghĩa lớn về sự đấu tranh giành công lý trong cuộc đời.
Ngô Tử Văn là nhân vật tư tưởng của Nguyễn Dữ, xây dựng nhân vật Ngô Tử Văn, Nguyễn Dữ lấy điểm nhìn từ hiện thực đời sống khách quan, tuy có chút tô vẽ, thêm thắt, biến tướng cho thêm một số yếu tố tưởng tượng kì ảo vào trong tác phẩm nhưng nhìn chung tất cả đều nằm trong sự tính toán của Nguyễn Dữ. Tất cả đều để nói lên tinh thần và ý nghĩa của câu chuyện.
Ngôi làng của Ngô Tử Văn đang sinh sống có một ngôi đền rất linh thiêng nhưng từ lâu lại trở thành nơi ngự trị bất khả xâm phạm của một tên yêu quái giặc phương Bắc chỉ biết tác oai hại nhân dân. Biết chuyện và tìm hiểu rõ sự tình, Ngô Tử Văn căm phẫn vô cùng. Ông lo cho dân, sợ nhân dân bị quấy nhiễu ảnh hưởng đến cuộc sống sinh hoạt. Ông suy nghĩ về hành động trừ yêu diệt quái để bảo vệ cuộc sống nhân dân, trả lại cuộc sống bình yên, hạnh phúc, thanh bình vốn có của nhân dân. Suy nghĩ nát nước chẳng có cách nào hiệu quả, cuối cùng Ngô Tử Văn cũng tìm ra một cách, người trần mắt thịt đấu với yêu ma không phải là chuyện dễ dàng, dù biết việc này rồi sẽ kéo theo hệ lụy nhưng kiên định không nhụt chí, Ngô Tử Văn hạ quyết tâm tiêu diệt tên yêu quái đến cùng. Ngô Tử Văn đưa đến quyết định đốt đền, nơi trú ngụ hiện tại của tên yêu quái, làm mất nơi ở của hắn, đe nạt hắn chừa thói ức hiếp dân lành. Và rồi “một hôm tắm gội sạch sẽ, khấn trời rồi châm lửa đốt đền”. Đền chùa là nơi linh thiêng, việc đốt đền quả thực không phải cách hay nhưng trong tình thế hiện tại, đó lại là biện pháp hữu hiệu duy nhất. Và việc làm đó là xuất phát từ mục đích cứu dân, Ngô Tử Văn dám nghĩ và dám hành động và cũng dám nhận trách nhiệm, liệu trong cuộc đời ai có bản lĩnh được như Tử Văn.
Tuy làm việc tốt nhưng Ngô Tử Văn lại bị gặp nguy, tên yêu quái giặc phương Bắc không những không ngộ nhận ra vấn đề, mà vẫn còn tìm cách để mưu hại lại Ngô Tử Văn, có hành động trả thù, sau khi đốt ngôi đền, Tử Văn ốm nặng rồi “thấy hai tên quỷ sứ đến bắt đi rất gấp, kéo ra ngoài thành vế phía đông” bị kéo xuống dưới chốn âm cung cho Diêm Vương xử kiện do tên yêu quái tướng giặc thủ đoạn tàn bạo, vu oan ngược cho Tử Văn, kêu cầu Diêm Vương định tội cho Ngô Tử Văn bằng những lời lẽ không thực.
“Cây ngay không sợ chết đứng”. Với bản tính kiên cường, không dễ bị khuất phục, với bản lĩnh dám nói dám hành động, một lòng hướng về công lý, đấu tranh cũng vì công lý và lẽ phải, Ngô Tử Văn đã dõng dạc kể lại toàn bộ sự thật minh chứng cho mọi người biết việc làm chính nghĩa của mình. Và cuối cùng, công lý đã thuộc về Ngô Tử Văn, trời quả là không phụ lòng người.
Sau khi được giải oan, Ngô Tử Văn trở về nhà chưa được 1 tháng thì Thổ công đến bảo Tử Văn nên nhậm chức phán sự ở đền Tản Viên. Thổ công nói khuyên răn Ngô Tử Văn: “người ta sống ở đời, xưa nay ai chẳng phải chết, miễn là chết đi còn được tiếng về sau” và khuyên Văn nên nhận. Và Ngô Tử Văn cũng nhận lời, việc được nhận chức ở đền Tản Viên đã nói lên thắng lợi của Ngô Tử Văn trong cuộc đấu tranh tên yêu quái ngang ngược. Cái thiện lên làm chủ cuộc sống, làm chủ cuộc đời. Đó cũng chính là nguồn dẫn cho hạnh phúc trên thế gian.
Thắng lợi của Ngô Tử Văn với tên yêu quái ngang ngược là hết sức có ý nghĩa. Điều đó khẳng định sự tồn tại và là sự bất khả xâm phạm của chính nghĩa trên đời. Chính nghĩa nhất định sẽ thắng gian tà. Dù có khó khăn thì công lý cũng sẽ chiến thắng tất cả. Mọi khó khăn cũng chỉ là thử thách rèn giũa và tôi luyện thêm ý chí và bản lĩnh con người. Có trải qua khó khăn, con người mới càng nhìn nhận thiết thực hơn về hạnh phúc và ý nghĩa của cuộc sống, biết trân trọng cuộc sống nhiều hơn nữa. Nguyễn Dữ đang muốn gửi gắm ước nguyện về một anh hùng của chính nghĩa sẽ đứng lên bảo vệ cho đất nước, nhân dân như cách mà Tử Văn đã bảo vệ dân làng trước tên yêu quái phương Bắc. Đó chính là cách thể hiện tình yêu nước và sự lo lắng cho nhân dân một cách thầm kín của Nguyễn Dữ.
Sự đấu tranh của Ngô Tử Văn với cái xấu, cái ác là đáng khen ngợi, là điều đáng quý, đáng khâm phục vô cùng. Chiến thắng này chính là soi rọi hơn niềm tin về sự công bình, công lý trong xã hội, mang đến sự tin yêu về cuộc sống cho con người. Công lý luôn được thực thi.
-
Bài tham khảo số 3 - nhân vật Dì Mây
Nhà văn Nguyễn Minh Châu từng nói: “Văn học và nghệ thuật là hai đường tròn đồng tâm mà tâm điểm chính là con người”. Quả đúng là như vậy, giá trị chân chính của nghệ thuật chính là ở vẻ đẹp con người. Đến với mỗi tác phẩm văn học, chúng ta như được làm quen, gặp gỡ và thấu hiểu với một số phận, một cuộc đời. Và có lẽ, tôi sẽ chẳng thể nào quên nhân vật dì Mây trong truyện ngắn “Người ở bến sông Châu” của Sương Nguyệt Minh.
Lấy bối cảnh xã hội Việt Nam hậu chiến tranh, “Người ở bến sông Châu” xoay quanh cuộc đời của dì Mây – một người lính trở về sau cuộc kháng chiến chống Mỹ. Đọc tác phẩm, ta không chỉ cảm nhận được nỗi vất vả, bất hạnh của dì mà còn thấy được sự khốc liệt mà chiến tranh gây ra với con người.
Trước hết, dì Mây chính là hình ảnh đại diện cho con người sẵn sàng đứng lên chiến đấu hi sinh thân mình vì độc lập dân tộc. Là một cô gái trẻ đẹp với mối tình đang nở rộ, dì sẵn sàng từ bỏ để đi vào chiến trường, đối mặt với tử thần. Trở về từ cuộc chiến, dì nhận được sự đón tiếp nồng hậu từ người dân khắp xóm Trại. “Người đưa đẩy, an ủi, kẻ cảm thông, xót xa”. Có lẽ bởi chiến tranh đã lấy đi của dì quá nhiều thứ. Một mối tình dang dở, một thanh xuân rực rỡ hay một mái tóc đen óng mượt. Ngày trở về, dì cảm thấy lạc lõng ngay chính quê hương của mình khi mọi thứ đã có nhiều thay đổi. Người mà dì yêu thương, mong muốn được gắn bó cả cuộc đời tưởng dì Mây đã hi sinh trong chiến trận mà kết hôn với người con gái khác. Mái tóc dì trước khia đen óng mượt bao nhiêu thì bây giờ rụng nhiều, xơ và thưa bấy nhiêu. Và hơn hết, dì đã mất đi đôi chân của mình. Dì phải dùng chân giả, chống nạng gỗ, khó nhọc leo lên sạp thuyền ngồi. Những điều bất hạnh đến dồn dập nhưng dì vẫn luôn nghị lực, kiên cường, vẫn sống đầy lạc quan.
Dì Mây còn là một người phụ nữ thuỷ chung, vị tha trong tình yêu. Ở chiến trường, không ngày nào dì không viết tên người mình ra trong nhật kí. Người con gái Trường Sơn nơi đạn nổ bom rơi luôn ôm theo nỗi nhớ thương và yêu vô hạn cho người bạn ở nơi xứ đầy hoa tuyết trắng. Những tưởng người phụ nữ ấy sẽ có một cái kết viên mãn sau khi trở về từ chiến tranh nhưng không... dì trở về trong sự lãng quên của người mà dì yêu thương nhất – chú San. Chàng trai dì từng “bỏ chèo ôm chặt, nép đầu vào ngực người yêu” nay đã có một cuộc sống mời bên tình yêu mới. Dì chẳng thể trách được ai, có chăng là do thời gian đã xoá nhoà đi tất cả những kí ức đẹp giữa hai người. Thế nhưng, trước lời ngỏ “từ bỏ tất cả” và “làm lại” của chú San, dì khẳng khái đáp lại “Không!”. Mặc dù buồn, dù đau, dù còn thương, còn yêu nhưng dì hiểu, hạnh phúc của mình cũng sẽ lấy đi cuộc đời của một người con gái khác: “Thôi! Thôi! Lỡ rồi! Đằng nào cũng chỉ một người đàn bà khổ. Anh về đi”. Vì hạnh phúc của người mình yêu, dì Mây sẵn sàng hi sinh bản thân mình. Một con người với trái tim thật cao thượng!
Tác giả đã đặt dì Mây vào tình huống trớ trêu hơn khi để dì đỡ đẻ cho cô Thanh – vợ chú San. Trong cơn mưa tầm tã, dì Mây với đôi chân thương tật của mình giúp cô Thanh vượt cạn. Mặc cho lời can ngăn của thím Ba, dì nhẹ nhàng khuyên bảo cô Thanh cố rặn: “Em cố lên. Hãy nghĩ đến đứa con. Nào...cố lên em....” Có lẽ sẽ chẳng ai nghĩ được rằng đây là lời nói của một người phụ nữ đối với người đã thế chỗ cho hạnh phúc của mình. Đỡ đẻ thành công, nghe tiếng trẻ con khóc, dì Mây “xót xa, tủi hơn xen lẫn niềm ao ước, chờ mong, vui buồn lẫn lộn”. Có lẽ dì cũng tủi thân khi bản thân giờ chỉ còn lẻ bóng một mình, dì xót thương cho số phận bất hạnh của bản thân. Giá như hai người không phải chia xa, giá như không có chiến tranh thì có lẽ, bây giờ dì cũng đang được hạnh phúc bên chồng con. Thật tội nghiệp và xót xa cho số phận người đàn bà ấy!
Như vậy, tác giả Sương Minh Nguyệt đã đặt nhân vật dì Mây vào những tình huống đầy thử thách để thông qua đó, nhân vật tự bộc lộ mình. Chúng ta có thể thấy rằng chiến tranh đã cướp đi của con người quá nhiều thứ: nhan sắc, sức khoẻ, tình yêu,... Thế nhưng, chiến tranh sẽ chẳng thể vùi dập tâm hồn con người – một tấm lòng vị tha và cao thượng.
-
Bài tham khảo số 4 - Nhân vật Huấn Cao
Nguyễn Tuân là nhà văn "Suốt đời đi tìm cái đẹp". Nhà phê bình Nguyễn Đăng Mạnh đã nhận định rằng: "Nguyễn Tuân là một cái định nghĩa về người nghệ sĩ. Đối với ông, văn chương trước hết phải là văn chương, nghệ thuật trước hết phải là nghệ thuật, và đã là nghệ thuật thì phải có phong cách độc đáo. Nhưng Nguyễn Tuân, xét từ bản chất, không phải là người theo chủ nghĩa hình thức. Tài phải đi đôi với tâm. Ấy là "thiên lương" trong sạch, là lòng yêu nước thiết tha, là nhân cách cứng cỏi trước uy quyền phi nghĩa và đồng tiền phàm tục". Trước cách mạng tháng Tám, những tác phẩm của ông "thoát li khỏi hiện thực, tìm về một thời vang bóng" với những thú vui hết sức tao nhã: thưởng trà, uống rượu,... một trong số đó là thú chơi chữ. Thú vui này được tái hiện trong "Chữ người tử tù" in trong tập "Vang bóng một thời".
Tác phẩm ban đầu có tên là "Dòng chữ cuối cùng" và được in trên "tạp chí Tao Đàn", khi xuất bản thành sách, Nguyễn Tuân mới đổi tên truyện ngắn thành "Chữ người tử tù". Chủ đề tác phẩm được Nguyễn Tuân đề cập là "Cái đẹp có thể sinh ra từ cái xấu, cái ác nhưng không thể sống chung với cái xấu, cái ác".
"Chữ người tử tù" kể về nhân vật Huấn Cao với những phẩm chất cao đẹp và tài năng đặc biệt. Ông Huấn có tài viết chữ rất đẹp. Vì chống lại triều đình, Huấn Cao bị giam ở nhà ngục tỉnh Sơn, tại đây, ông đã có cuộc gặp gỡ éo le với viên quản ngục. Khi viên quản ngục biệt đãi với Huấn Cao, ông tỏ ra khinh thường. Nhưng sau khi thấy được tấm lòng "biệt nhỡn liên tài" của viên quản ngục, ông quyết định cho chữ. Vào buổi tối trước khi Huấn Cao bị xử tử, một cảnh tượng xưa nay chưa từng có đã xuất hiện. Người tử tù mang trên mình đầy xiềng xích đang viết ra những nét phóng khoáng trên nền lụa trắng còn viên quản ngục lại khúm núm, run rẩy chờ đợi. Sau khi viết xong, Huấn Cao khuyên viên quản ngục nên tìm một nơi yên bình sống để giữ gìn tấm lòng thanh cao, yêu cái đẹp. Cảm động trước lời nói của Huấn Cao, viên quản ngục đã cúi đầu lạy tạ người tử tù với sự biết ơn, trân trọng.
Nghệ thuật xây dựng nhân vật được Nguyễn Tuân sử dụng một cách tài tình. Truyện ngắn đã khắc họa nhân vật Huấn Cao nổi bật lên với ý chí anh hùng, bất khuất, tài hoa, uyên bác, lương thiện. Ông cầm đầu cuộc khởi nghĩa phản đối triều đình, khi bị bắt, ông vẫn giữ tư thế hiên ngang. Trong phần trò chuyện giữa viên quản ngục và thầy thơ lại đầu truyện, ta cũng có thể nhận thấy được tài năng của ông Huấn "Huấn Cao! Hay là cái người mà vùng tỉnh Sơn ta vẫn khen cái tài viết chữ nhanh và rất đẹp đó không?". Tài năng của ông được nhiều người biết đến và ca tụng. Chữ của ông chỉ trao cho những "tấm lòng trong thiên hạ", ông không vì quyền lực, vàng bạc mà ép mình viết chữ "Ta nhất sinh không vì vàng ngọc hay quyền thế mà ép mình viết câu đối bao giờ". Không chỉ có tài năng, Huấn Cao còn mang trong mình tấm lòng lương thiện, sau khi nhận thấy tấm lòng viên quản ngục, ông đã quyết định cho chữ "Ta cảm tấm lòng biệt nhỡn liên tài của các ngươi. Nào ta có biết đâu một người như thầy quản đây mà lại có những sở thích cao quý như vậy. Thiếu chút nữa ta đã phụ mất một tấm lòng trong thiên hạ". Qua nhân vật Huấn Cao, ta có thể nhận thấy quan điểm nghệ thuật của Nguyễn Tuân "cái đẹp đi liền với cái tâm".
Viên quản ngục cũng được khắc họa một cách ấn tượng trong tác phẩm. Ông là người ngay thẳng, yêu cái đẹp nhưng phải sống ở nơi đầy gian dối, tàn nhẫn. Trong hoàn cảnh đó, viên quản ngục vẫn cố giữ sự trong sạch cho tâm hồn, ông mong muốn có được chữ của Huấn Cao để treo trong nhà. Khi nghe lời khuyên của Huấn Cao, hành động của viên quản ngục đã thể hiện vẻ đẹp tâm hồn ông "Ngục quan cảm động, vái người tù một vái, chắp tay nói một câu mà dòng nước mắt rỉ vào kẽ miệng làm cho nghẹn ngào: "Kẻ mê muội này xin bái lĩnh".
Với tình huống truyện độc đáo, cuộc gặp gỡ đầy éo le giữa Huấn Cao và viên quản ngục đã để lại dấu ấn khó phai cho người đọc. Thủ pháp đối lập cũng là một điểm nhấn. Ta có thể nhận thấy sự đối lập về địa vị xã hội và bản tính của hai nhân vật: một người là tử tù với tài năng và khí phách hiên ngang, một người là viên quản ngục đại diện cho luật lệ, trật tự xã hội đương thời. Tác phẩm còn làm nổi bật sự đối lập giữa cái đẹp với cái dơ bẩn, giữa ánh sáng và bóng tối trong cảnh cho chữ. Không gian cho chữ là một phòng giam tối tăm, đối lập với "tấm lụa bạch còn nguyên vẹn lần hồ". Sự đối lập, đảo ngược vị thế của người tử tù và viên quản ngục: Người tù thì hiên ngang phóng những nét bút thể hiện hoài bão tung hoành của một đời người, còn viên quản ngục lại khúm núm chờ đợi "Một người tù cổ đeo gông, chân vướng xiềng, đang dậm tô nét chữ trên tấm lụa trắng tinh căng phẳng trên mảnh ván. Người tù viết xong một chữ, viên quản ngục lại vội khúm núm cất những đồng tiền kẽm đánh dấu ô chữ đặt trên phiến lụa óng". Bằng ngôn ngữ tinh tế, nhịp điệu câu văn chậm, truyện ngắn gợi lên cho người đọc không gian cổ xưa của một thời vang bóng. Ngôi kể thứ ba được sử dụng giúp người đọc có hình dung khái quát về hoàn cảnh, tính cách mỗi nhân vật.
Xuyên suốt tác phẩm, Nguyễn Tuân đã thể hiện niềm tin về sự tỏa sáng của cái đẹp ngay cả trong không gian tồn tại của cái xấu, cái ác. Qua "Chữ người tử tù", nhà văn muốn khẳng định sự tồn tại của cái đẹp trong cuộc sống, nó có thể cứu rỗi linh hồn và giúp người với người gần gũi, hiểu nhau hơn. Truyện ngắn đã đem lại cho chúng ta những ấn tượng khó quên.
-
Bài tham khảo số 5 - nhân vật Thần Trụ trời
Thần Trụ Trời là một truyện thuộc thể loại truyền thuyết, kể về quá trình hình thành nên trái đất như hiện tại. Tuy nhiên, đây cũng chỉ là một trong những giả thiết của con người và chưa được kiểm định chính xác. Tuy nhiên, Thần Trụ Trời lại xây dựng được hình ảnh nhân vật vô cùng xuất sắc, trong bức tranh tưởng chừng vĩ đại ấy lại chỉ xuất hiện một vị thần.
Thần Trụ Trời là câu chuyện kể về quá trình tạo nên vạn vật trên trái đất của Thần Trụ Trời. Ban đầu, khi thế giới vẫn còn hoang sơ, đó là thời gian vô cùng xa xôi mà chẳng ai biết được. Thần Trụ Trời xuất hiện trong hoàn cảnh đó. Thần xây cột tách trời với đất, lại đập vỡ nó tạo ra những núi đồi, sông, biển,… Đó chính là thời gian mà nhiều người sau này gọi bằng cái tên “khai thiên lập địa”.
Thần Trụ Trời được tác giả xây dựng thông qua hai phần là hình dáng và công việc của người. Thần được miêu tả là có vẻ ngoài vô cùng to lớn, thậm chí một khoảng không còn chật chội vì sự xuất hiện của thần. “Thần cao lớn vô cùng, chân dài không sao tả xiết, mỗi bước đi là băng từ vùng này qua vùng khác, vượt từ núi này sang núi kia”. Hình ảnh vị thần được các tác giả dân gian dùng phép phóng đại để miêu tả về một con người mang trong mình sức mạnh phi phàm và tầm vóc vĩ đại. Thông qua hình ảnh này, người sáng tác cũng thể hiện được ước mơ của nhân dân thời đó, mong muốn sức mạnh có thể đứng trên cả thiên nhiên. Sau khi xuất hiện, vị thần ấy có lẽ cũng cảm thấy đơn độc. Người được tác giả miêu tả ngồi lặng đi rất lâu, sau đó mới nhìn lên như cảm nhận được gì và bắt đầu làm việc.
Về công việc của Thần Trụ Trời, người thực hiện những công việc trái ngược khiến người đọc khá khó hiểu. Thần xây cột đá chống trời, nhưng lại phá nó đi để tạo thành núi đá, sông và biển. Có lẽ đó chính là một nét tương phản trong chính con người của vị thần, bởi giữa không gian rộng lớn chỉ có sự cô đơn làm bạn. Những công việc của Thần đều mang quy mô, tầm cỡ rộng lớn. Mà những công việc đó, ngày xưa và đến cả ngày nay, con người cũng chưa thể làm được. Thần còn được miêu tả rõ hơn về khi làm việc: “khuân đá, đắp cột, hì hục đào đắp”. Đó như một người công nhân chăm chỉ, sáng tạo. Kết quả của tất cả những việc làm ấy chính là bầu trời được tách ra khỏi mặt đất, đồi núi, sông biển bắt đầu xuất hiện. Từ đây, ta cũng có thể thấy được sức mạnh phi thường mà người xưa ao ước dấu trong sức mạnh của vị thần dũng mãnh.
Những công việc nhỏ và chi tiết khác cũng được thần Trụ Trời tỉ mỉ thực hiện. Đó là hình ảnh: “ Ông đếm cát, Ông tát bể, Ông trồng cây, Ông xây rú”. Đây không chỉ là những việc yêu cầu sức lao động nữa, nó còn cần cả sự tỉ mỉ của người thực hiện. Qua đây, tác giả thể hiện chính là sức mạnh đoàn kết như một người khổng lồ của nhân dân, cùng nhau làm việc, cùng nhau khai khẩn.
Chúng ta đều biết, Thần Trụ Trời chỉ là một trong những giả thiết có phần hư cấu của nhân dân lao động. Những chi tiết miêu tả Thần ngồi không đếm thời gian, xây cột rồi phá cột,… đều thể hiện được sự hồn nhiên của những con người chất phác bấy giờ. Mạch truyện cũng được tác giả khai thác rất hợp lý, từ khi thần xuất hiện cho đến khi trái đất được tạo thành. Nó cũng thể hiện được khát khao, ước mơ của người xưa và đề cao trí tưởng tượng của con người. Thông qua hình ảnh thần Trụ Trời, tác giả cống bày tỏ sự ngưỡng mộ đến những người nông dân đã tạo ra được những hình ảnh như hiện nay.
Giống như hầu hết những truyện truyền thuyết mang yếu tó kì ảo khác, Thần Trụ Trời là một tác phẩm thể hiện sức mạnh phi thường của các vị thần qua hình ảnh Thần Trụ Trời. Qua đó, nhân dân thể hiện được ước mơ của mình, cũng ngợi ca những hình ảnh con người xuất hiện trong bức tranh thiên nhiên vô cùng vĩ đại.