Top 5 Bài văn phân tích nhân vật An-tư-nai trong Người thầy đầu tiên (Ngữ văn 7) hay nhất
Nhà văn người Cư-rơ-gư-dơ-xtan Trin-ghi-dơ Ai-tơ-ma-tốp là cây bút quen thuộc với nhiều bạn đọc trên khắp thế giới. Các tác phẩm của ông chủ yếu khai thai thác ... xem thêm...đề tài về cuộc sống khắc nghiệt nhưng giàu chất thơ ở quê hương. Tiêu biểu trong số đó phải kể đến sáng tác "Người thầy đầu tiên". Truyện đã khắc họa thành công nhân vật An-tư-nai, một cô bé có tấm lòng nhân ái cùng tinh thần hiếu học đáng quý.
-
Bài tham khảo số 1
Bằng lối viết cô đọng, hàm súc, nhà văn Trin-ghi-dơ Ai-tơ-ma-tốp đã để lại rất nhiều tác phẩm giàu ý nghĩa, giá trị nhân văn. Đặc biệt, truyện vừa "Người thầy đầu tiên" của ông trở thành cuốn sách quen thuộc với vô vàn độc giả trên khắp thế giới. Tác phẩm đã xây dựng và khắc họa chân thực hình ảnh cô bé An-tư-nai kiên cường, giàu tình yêu thương.
An-tư-nai không có cuộc sống gia đình êm ấm, hạnh phúc như bao bạn bè khác. Cô bé mồ côi cha mẹ từ sớm, phải ở cùng chú thím. Mặc dù thiếu vắng sự quan tâm, chăm sóc từ mẹ cha nhưng An-tư-nai vẫn nuôi dưỡng, chất chứa tâm hồn trong sáng cùng tấm lòng nhân hậu, lương thiện. Cô bé sẵn sàng trút lại ki-giắc ở trường để thầy Đuy-sen khỏi vất vả kiếm củi. Hành động nhỏ bé của cô bé như ngọn lửa sưởi ấm cho mùa đông buốt giá. Khi thấy thầy bị lăng mạ, xúc phạm bởi những lời lẽ, hành động của bọn nhà giàu trên núi, An-tư-nai cảm thấy vô cùng bất bình và tức giận. Chứng kiến thầy Đuy-sen vất vả xếp đá ở giữa dòng suối, cô bé không ngại buốt lạnh mà nhanh nhẹn giúp đỡ. Từng hành động tuy nhỏ bé nhưng đã tô đậm sự lương thiện, nhân ái của An-tư-nai - cô bé có cái tên thật đẹp như thầy Đuy-sen nhận xét "An-tư-nai, cái tên hay quá, mà em thì chắc là ngoan lắm phải không?".
An-tư-nai còn là người học trò trọng tình nghĩa. Cô bé cảm thấy xúc động trước hành động ấm áp hay những ý nghĩ tốt đẹp từ thầy Đuy-sen. Cô bé và mọi học sinh luôn ngưỡng mộ, yêu quý người thầy đầu tiên. Sau này, khi trở thành bà viện sĩ Xu-lai-ma-nô-va, An-tư-nai vẫn ghi nhớ công ơn dạy bảo to lớn của thầy Đuy-sen. Bởi vậy, An-tư-nai đã nhờ người họa sĩ tìm cách lan tỏa câu chuyện về thầy để "không phải chỉ riêng bà con trong làng mà nói chung mọi người, nhất là tuổi trẻ, đều cần biết câu chuyện này."
Sống trong hoàn cảnh mồ côi, An-tư-nai chưa từng nghĩ tới việc gục ngã, buông bỏ. Cô bé không muốn người đời nhìn mình bằng ánh mắt thương hại. An-tư-nai vẫn mạnh mẽ vươn lên như những cây xương rồng giữa hoang mạc khô cằn. Mỗi lần đi nhặt ki-giắc, cô bé phải tới tận chân núi ở mé làng, lúc ra về thì mang theo những cái bao to hơn cả người. Ấy vậy, An-tư-nai không hề ngại khổ. Nhờ sự yêu thương, giúp đỡ của thầy, An-tư-nai đã không ngừng cố gắng, chăm chỉ học hành và trở thành một viện sĩ. Sự kiên cường, quyết tâm vượt lên số phận bản thân đã khẳng định vẻ đẹp con người An-tư-nai.
Từ việc sử dụng nhiều ngôi kể là người họa sĩ và nhân vật xưng "tôi" - An-tư-nai, nhà văn Trin-ghi-dơ Ai-tơ-ma-tốp đã thể hiện một cách sâu sắc suy nghĩ, tình cảm của nhân vật. Qua đây, ta cũng cảm nhận được tấm lòng thương yêu, trân trọng tới số phận bất hạnh nhưng luôn mạnh mẽ vươn lên trong cuộc sống.
-
Bài tham khảo số 2
Nhà văn người Cư-rơ-gư-dơ-xtan Trin-ghi-dơ Ai-tơ-ma-tốp là cây bút quen thuộc với nhiều bạn đọc trên khắp thế giới. Các tác phẩm của ông chủ yếu khai thai thác đề tài về cuộc sống khắc nghiệt nhưng giàu chất thơ ở quê hương. Tiêu biểu trong số đó phải kể đến sáng tác "Người thầy đầu tiên". Truyện đã khắc họa thành công nhân vật An-tư-nai, một cô bé có tấm lòng nhân ái cùng tinh thần hiếu học đáng quý.
Đọc đoạn trích, ta thấy nhà văn không có nét bút nào miêu tả cụ thể ngoại hình, tính cách An-tư-nai. Song, qua những hành động, lời nói, suy nghĩ của các nhân vật, ta dễ dàng cảm nhận được vẻ đẹp phẩm chất ở cô bé. Trước hết, An-tư-nai là người có tâm hồn cao đẹp và tấm lòng lương thiện, tốt bụng. Chứng kiến thầy Đuy-sen bị lũ nhà giàu trú trên núi xúc phạm bằng mấy lời lẽ, hành động xấu xí, cô bé căm ghét đến mức muốn "nắm lấy cương ngựa và quát thẳng vào những bộ mặt láo xược của họ". Khi biết thầy phải vất vả trữ củi để sưởi ấm lớp học, cô bé không ngần ngại mà trút lại ki-giắc ở trường. An-tư-nai cũng luôn quan tâm, giúp đỡ tới mọi người xung quanh. Giữa trời đông buốt giá, cô bé đã cùng thầy Đuy-sen lấy đá và tảng đất cỏ tạo thành các ụ nhỏ trên lòng suối, giúp các em nhỏ đi lại thuận tiện và an toàn. Có thể thấy, An-tư-nai luôn sáng ngời vẻ đẹp thanh thuần, tươi đẹp như "dòng suối nhỏ của thầy".
Ngay từ giây phút được ngồi học dưới mái trường của thầy Đuy-sen, An-tư-nai đã chất chứa tấm lòng ngưỡng mộ, quý mến người thầy đầu tiên "tất cả đám học sinh chúng tôi đứa nào cũng yêu mến thầy". Sau này, rời xa quê hương, trở thành một viện sĩ, An-tư-nai vẫn luôn khắc sâu trong tâm trí sự quan tâm, dạy bảo từ thầy Đuy-sen. Cô bé khao khát tất cả mọi người sẽ biết đến câu chuyện về thầy "không phải chỉ riêng bà con trong làng mà nói chung mọi người, nhất là tuổi trẻ, đều cần biết câu chuyện này."
Cuộc đời, con người của An-tư-nai còn là minh chứng cho tấm gương kiên cường, mạnh mẽ vượt lên số phận bản thân. Mặc dù mồ côi cha mẹ, phải sống cùng chú thím nhưng cô bé ấy vẫn chứa chan tinh thần lạc quan, nghị lực. Dưới sự dạy bảo, quan tâm, giúp đỡ của thầy Đuy-sen, An-tư-nai đã có cơ hội tới thành phố học tập. Tại đây, cô bé không ngừng cố gắng học hành, tích lũy tri thức và sau này trở thành một viện sĩ.
Với việc sử dụng kết hợp nhiều người kể chuyện: họa sĩ và "tôi" - An-tư-nai, nhà văn đã phác họa chân thực những suy nghĩ, tâm tư, tình cảm của nhân vật An-tư-nai. Cô bé hiện lên cùng tâm hồn trong trẻo giống như cái tên của mình "An-tư-nai, cái tên hay quá".
Theo dòng chảy thời gian, tác phẩm "Người thầy đầu tiên" sẽ mãi in sâu trong tâm trí bạn đọc bởi các giá trị nhân văn, giàu ý nghĩa. Qua đoạn trích, nhà văn còn muốn gửi gắm tấm lòng yêu thương, nâng niu tới những mảnh đời bất hạnh nhưng luôn mạnh mẽ như An-tư-nai.
-
Bài tham khảo số 3
Ai đó đã từng nói: “Dạy học là nghề tạo ra tất cả các nghề khác”. Từ xưa đến nay, nghề giáo đã trở thành là một nghề không thể thiếu và đóng vai trò quan trọng trong xã hội. Chính vì vậy, thầy cô giáo luôn là tấm gương sáng cho mọi người, được yêu quý và tôn trọng. Đã có rất nhiều tác phẩm văn học viết về thầy cô, như một lời tri ân tới những người đa gieo trồng tri thức cho cuộc đời. Trong số đó, có một tác phẩm rất nổi tiếng, được nhiều người trên thế giới biết tới, đó chính là Truyện Người thầy đầu tiên của tác giả Ai-ma-tốp, một tác giả nổi tiếng của Liên Xô (nay là Nga). Tác phẩm được sáng tác năm 1962, theo thể loại truyện vừa. Nhân vật trong truyện để lại dấu ấn sâu sắc trong lòng người đọc ngoài thầy Đuy-sen, có lẽ chính là An-tư-nai, một cô học trò có tinh thần hiếu học, mạnh mẽ, thiện lương và giàu tình cảm của thầy Đuy-sen.
An-tư-nai lớn lên trong hoàn cảnh rất khó khăn. Cô bé mồ côi cả cha lẫn mẹ từ khi còn rất bé và sống với chú thím. Cô bé bị chú thím đối xử rất tệ bạc, thậm chí còn từng bị bán đi. Sống trong hoàn cảnh khó khăn là vậy nhưng An-tư-nai vẫn luôn giữ những phẩm chất tốt đẹp, không hề bị số phận làm cho thay đổi. An-tư-nai vô cùng thiện lương và giàu tình cảm với mọi người xung quanh. Khi bọn trẻ nghèo trong làng, trong đó có An-tư-nai được thầy Đuy-sen mở lớp dạy học, cô bé đã để lại ki-giắc của mình để sưởi ấm cho thầy Đuy-sen và các bạn, để thầy khỏi phải đi nhiều kiếm củi vất vả trong thời tiết buốt giá. Mùa đông với cái rét cắt da cắt thịt tại Nga, thầy Đuy-sen tốt bụng đã cõng, rồi bế bọn An-tư-nai qua suối để học trò của mình không phải chịu cái lạnh thấu xương của dòng nước, thì bị bọn nhà giàu trên núi lúc ấy đi qua trêu chọc, phi ngựa qua để nước bắn lên người thầy trò họ. An-tư-nai rất tức giận, thương thầy Đuy-sen, lúc đó cô chỉ muốn bắt lấy bọn người đó mà nói rằng: “Các người không được nói thầy giáo của chúng tôi như thế! Các người ngu lắm, các người tồi lắm”. Không những vậy, thấy thầy Đuy-sen lội suối để đắp đất, đá cho học trò đi qua, An-tư-nai bé nhỏ đã không ngần ngại xuống giúp đỡ thầy, dù sau này mường tượng lại ngày hôm đó cô đã nói “Hôm chúng tôi xếp đá qua dòng nước, tuyết đã phủ đầy trên mặt đất và nước buốt đến chết cóng đi”. Hành động của An-tư-nai đẹp như chính con người cô bé vậy, đó là vẻ đẹp của tâm hồn lương thiện. An-tư-nai còn rất giàu tình cảm, cô bé thương thầy Đuy-sen và quý mến thầy như người thân ruột thịt duy nhất của mình, chứ không phải là chú thím độc ác. Cô bé còn có ước mơ thật đáng yêu của một đứa trẻ trong sáng: “Ước gì thầy là anh ruột của tôi! Ước gì tôi được bá cổ thầy, nhằm nghiền mắt lại và thủ thỉ với thầy những lời đẹp đẽ nhất! Trời ơi, ước gì thầy Đuy-sen là anh ruột tôi!". Tuy không có bất kì một dòng nào miêu tả ngoại hình hay miêu tả trực tiếp tính cách của An-tư-nai nhưng bằng ngòi bút tài năng của mình, qua những chi tiết tinh tế, tác giả An-ma-tốp đã thành công mang tới một cô bé vô cùng xinh đẹp từ trong tâm hồn, với sự lương thiện, trong sáng và một trái tim giàu tình cảm.
An-tư-nai luôn mạnh mẽ và kiên cường dù có một cuộc sống bất hạnh từ khi còn nhỏ. Cô bé không hề sợ hãi cực nhọc hay khó khăn, cô bé có thể một mình đến tận khe núi ven làng để nhặt ki-giắc và sẽ mang về nhiều bao to hơn cả người mình. An-tư-nai cố gắng kiên cường tồn tại như một cây sương rồng nhỏ bé nhưng tràn ngập nghị lực sống, cho đến khi gặp thầy Đuy-sen, thầy đã soi sáng cho cuộc đời cô bé, cho cô bé ước mơ và một tương lai tươi sáng hơn. Khi được thầy Đuy-sen dạy học, An-tư-nai mới bộc lộ được tư chất thông minh và sự hiếu học của mình. Cô bé chăm chỉ đến lớp học mỗi ngày, không quản trời rét mướt và điều kiện học tập thiếu thốn nơi nhà kho. Nhận thấy tư chất đặc biệt và sự hiếu học của An-tư-nai, thầy Đuy-sen đã cố gắng giúp đỡ để cô có thể lên thành phố tiếp tục việc học, thoát khỏi cái nghèo khổ nơi làng quê lạc hậu. Không phụ sự kỳ vọng dạy dỗ của thầy, An-tư-nai sau này đã trở thành một Viện sĩ nổi tiếng tại Mascova, thủ đô Liên Xô. Sự kiên cường vượt lên trên số phận và ham học của An-tư-nai thật đáng ngưỡng mộ, khiến cho người đọc càng thêm yêu quý cô bé, một con người nhỏ bé với biết bao phẩm chất đáng quý.
Với cách miêu tả chân thật, gần gũi và sử dụng kết hợp nhiều ngôi kể, nhà văn Ai-ma-tốp đã khắc hoạ thành công nhân vật An-tư-nai. Cô bé có trái tim vô cùng trong sáng, thiện lương, giàu tình cảm. Lớn lên trong hoàn cảnh khó khăn nhưng An-tư-nai luôn kiên cường, không chịu khuất phục số phận, không chỉ vậy, tinh thần hiếu học của cô bé cũng rất đáng để chúng ta khâm phục. Tác phẩm “Người thầy đầu tiên” vẫn giữ nguyên được giá trị nhân văn của mình cho tới ngày ngay chính là nhờ vào việc tạo nên những nhân vật để lại dấu ấn trong lòng người đọc, đặc biệt là nhân vật An-tư-nai.
-
Bài tham khảo số 4
Bối cảnh của truyện là làng Ku-ku-rêu ở một vùng núi hẻo lánh, nghèn nàn, lạc hậu vào thời kì đầu thế kỉ hai mươi. Thời đó, tư tưởng phong kiến, gia trưởng còn nặng nề, phụ nữ bị coi thường và trẻ mồ côi bị rẻ rúng. Cô bé An-tư-nai đã mất cả cha lẫn mẹ, phải sống nhờ gia đình chú thím. Cô phải làm việc quần quật suốt ngày và chịu sự giám sát hà khắc của bà thím dâu đáo để, độc ác. Thầy giáo trẻ Đuy-sen được Đoàn thanh niên Cộng sản cử về làng để mở trường xóa mù chữ đã hết lòng giúp đỡ để An-tư-nai được đi học. Bà thím tham tiền ép gả cô bé làm vợ lẽ một gã đàn ông khá giả trong vùng. Một lần nữa, cô bé lại được thầy Đuy-sen giải thích và gửi lên tỉnh học, rồi tiếp tục học đại học ở Mát-xcơ-va. Sau này, cô trở thành nữ viện sĩ An-tư-nai Xu-lai-ma-nô-va. Còn thầy Đuy-sen lúc về già làm nghề đưa thư.
Đoạn trích kể về người thầy Đuy-sen người đã đem ánh sáng tri thức đến cho học trò ở một vùng quê còn nhiều khó khăn và lạc hậu.
Được giới thiệu qua lời người họa sĩ cùng quê – nhân vật tôi: “Bà đã nhiều tuổi, đẫy đà, mái tóc chải mượt bạc đi nhiều. Người đàn bà đồng hương nổi tiếng của chúng tôi làm chủ nhiệm bộ môn ở trường đại học tổng hợp. Bà thường bận nhiều công việc và tôi vẫn chưa có dịp được quen biết thật gần gũi, nhưng bất cứ lần nào gặp tôi ở đâu bà cũng đều quan tâm đến cuộc sóng tại quê hương và thế nào cũng bày tỏ ý kiến, dù là vắn tắt, về tác phẩm của tôi”. Người đọc có thể thấy An-tư-nai ở thời điểm hiện tại đã có tuổi và có một địa vị trong xã hội. Nhưng bà luôn biết ơn người thầy đầu tiên đã dạy chữ cho mình và đưa mình lên tỉnh học, để bản thân có được cuộc sống tốt đẹp như ngày hôm nay. Ngay khi nghe đến tên thầy Đuy-sen bà đã định dứng dậy, sau đó khi mọi người bắt đầu bàn bạc về Đuy-sen: “Trên khuôn mặt tàn úa đã có nhiều nếp nhăn nhỏ bé xung quanh mắt thoáng hiện vẻ ưu tư”.
Khi thấy mọi người hiểu nhầm về thầy Đuy-sen, chính An-tư-nai đã viết thư nhờ người họa sĩ cùng quê kể giải thích cho mọi người hiểu. Bà khẩn thiết nhờ người đồng hương và coi đó là việc hệ trọng: “Tuy có rất nhiều công việc quan trọng và khẩn cấp, tôi cũng đã quyết định gác hết lại và viết lá thư này cho anh… Nếu anh thấy điều gì tôi viết đây đáng được chú ý thì tôi khẩn khoản xin anh nghĩ xem làm thế nào cho mọi người cùng biết câu chuyện tôi sẽ kể. Tôi nghĩ không phải chỉ riêng bà con trong làng mà nói chung mọi người, nhất là lứa tuổi trẻ, đều cần biết câu chuyện này. Tôi đã thấy rõ như vậy sau bao lần đắn đo cặn kẽ. Đó là lời xưng tội của tôi trước mọi người. Tôi cần phải làm tròn bổn phận của tôi. Càng nhiều người được biết thì lương tâm tôi càng đỡ cắn rứt. Anh đừng sợ làm cho tôi lâm vào tình trạng khó xử. Anh đừng giấu giếm gì hết…” An-tư-nai rất yêu quý và biết ơn người thầy đầu tiên của mình vì “người thầy đầu tiên” ấy đã cứu cô bé được vươn mình đến từng con số, chữ cáo, để An-tư-nai có thể thắp sáng tương lai của mình, không bị bán làm vợ lẽ hay chịu số phận nghèo khổ, vì tri thức sẽ làm nên tất cả…
-
Bài tham khảo số 5
Đoạn trích Người thầy đầu tiên là lời kể lại của người họa sĩ và An-tư-nai về một người thầy đầu tiên của họ và của cả ngôi làng.
Trước khi thầy đi lấy rạ khô, lúc tiễn các em nhỏ ra về, thầy nhẹ nhàng uốn nắn, thầy mời mọc ân cần. Các em nhỏ ra về mà cảm thấy yêu mến thầy, gắn bó với thầy và ngôi trường nhỏ của làng quê thân yêu. Hơn 30 năm sau, An-tư-nai đã thành đạt mà tâm hồn cô vẫn còn nghe tiếng nói nhỏ nhẹ của Đuy-sen: “Các em cứ gọi ta là thầy. Các em có muốn xem trường không? Vào đây, các em đừng ngại gì cả?”.Đuy-sen là người thầy đầu tiên, người thầy khai tâm khai sáng cho An-tư- nai. Thầy hiền hậu, thầy yêu thương tuổi thơ. Thầy đã đốt cháy lên trong lòng các em ngọn lửa nhiệt tình khát vọng và khát vọng đi học. Đuy-sen là hình ảnh tuyệt đẹp của một ông thầy tuổi thơ. Con đường tuổi trẻ là con đường học hành. Trên con đường đầy nắng đẹp ấy, anh chị và mỗi chúng ta sẽ được dìu dắt qua nhiều thầy, cô giáo. Cũng như An-tư-nai, trong tâm hồn mỗi chúng ta luôn luôn chói ngời những người thầy, những Đuy-sen cao đẹp.
An-tư-nai – cô học trò bé nhỏ đáng thương và đáng yêu vô cùng. Mồ côi mẹ, ở với chú thím, cô phải làm quần quật suốt ngày. Ăn mặc tồi tàn, rách rưới “gấu váy thủng hở một mảng đầu gối”. Điều đau khổ, bất hạnh nhất trong cuộc đời ấu thơ của em là thiếu tình thương. Mỗi bát cơm phải đổi nhiều nước mắt, luôn luôn bị người thím độc ác, tàn nhẫn đánh chửi. Chỉ một bao “ki-giắc” (phân gia súc khô) mà em bị mụ ta “đánh vào đầu”. Mụ đay nghiến, chửi rửa: “Quân không cha không mẹ! Chó sói có bao giờ lại thành chó nhà được!... Muốn xem trường thì rồi tao sẽ cho xem, mày cứ còn bén mảng đến gần đấy là tao đánh què cẳng đi. Tao sẽ làm cho mày nhớ đời cái trường ấy...”
Nếu thầy Đuy-sen đã khơi đầy trong lòng An-tư-nai tình yêu thương, lòng khao khát học tập thì mụ thím tồi tệ làm em đau khổ, tan nát cả lòng, chìm đắm trong lo âu, ngồi thui thủi một mình trong xó bếp “lặng lẽ khóc vụng”, Em “không khóc vì những đòn thím đánh” vì em đã quen rồi, mà em chỉ khóc vì “hiểu rằng thím tôi không đời nào chịu cho tôi đi học”. Qua đó ta càng thấy rõ: bị thất học là nỗi đau khổ, bất hạnh lớn nhất của tuổi thơ!Ra khỏi trường, An-tư-nai vòng quay lại một mình, em đổ bao ki-giắc của mình vào kho đựng chất đốt. Trời đã chiều, em vội vã quay lại “cắm đầu chạy men theo các khe rãnh, các hẻm đá ở chân núi nhặt ki giắc”. Mấy chục năm sau khi trở thành viện sĩ, An-tư-nai “vẫn không hiểu hôm ấy cái gìxui khiến tôi dám làm một việc như thế”. Từng nếm trải nhiều đau khổ tủi nhục, bị mắng chửi, bị tạt tai, mọi ước nguyện mọi ý muốn của tuổi xuân “bị chôn vùi”, nên cô bé An-tư-nai “muốn làm một việc gì để cám ơn con người thật ra không quen biết ấy, để đền đáp lại nụ cười đã sưởi ấm lòng tôi, đền đáp lòng tin cậy, đền đáp mấy câu nói nhân từ ấy”.Với tâm hồn trong sáng của tuổi thơ, An-tư-nai vừa nhặt ki-giắc vừa thấy trái tim mình “sung sướng đập rộn rã”. Mặt trời đã gác núi, mặt trời như chia vui, như đồng cảm san sẻ với em: “Và mặt trời cũng biết rõ vì đâu tôi sung sướng đến thế!” Cô bé cảm thấy tự hào vì “đã làm được một việc nhỏ hữu ích”.Con người nhỏ bé An-tư-nai như đã có một bước nhảy vọt về mặt tính cách. Từ chỗ em muốn đền ơn con người xa lạ đã săn sóc, quý mến mình đến chỗ tự giác thấy mình phải làm được một việc nhỏ hữu ích. Ai-ma-tốp đã lấy hình tượng “mặt trời” để miêu tả những rung động, những biến thái trong tâm hồn cô gái nhỏ bé người dân tộc Kir-ghi-di. Hình tượng “mặt trời” ở đây còn mang ý nghĩa như một biểu tượng nhằm ca ngợi ánh sáng Cách mạng tháng Mười đã chiếu rọi toả sáng vùng núi rừng lạc hậu Cư-gơ-rư-xtan, đem đến sự thức tỉnh vàđổi đời trong lòng nhân dân các dân tộc mà An-tư-nai là một điển hình cảm động.Đây là đoạn văn hay nhất, cảm động nhất. Mặt trời được nhân hoá, mặt trời là biểu tượng. Chất thơ, chất trữ tình không chỉ ở ngôn ngữ mà nó còn thấm sâu vào hồn người! Thiên nhiên như đang chia sẻ niềm vui với con người: “Mặt trời đã xế bóng ngang các sườn đồi, nhưng tôi cảm thấy hình như còn chần chừ không muốn lặn, còn muốn nhìn tôi. Ánh mặt trời tô điểm con đường tôi đi: mặt đất rắn mùa thu trải ra dưới, chân tôi nhuộm thành màu đỏ, màu hồng, màu tím. Từng cụm bông lau khô vun vút bay hai bên như những tia lửa lập loè. Mặt trời dọi lửa lên những chiếc cúc mạ bạc trên tấm áo đầy mụn vá tôi mặc”.
Tình thương của người thầy, mái trường vẫy gọi ánh sáng cách mạng đã lay tỉnh mọi cuộc đời, từ bóng tối vươn ra ánh sáng. Như con chim sổ lồng cất tiếng hót, An-tư-nai cũng vậy, cô vừa chạy vừa reo với đất trời, với gió mây: “Hãy nhìn tôi đây! Hãy nhìn tôi đang kiêu hãnh chừng nào! Tôi sẽ học hành, tôi sẽ đến trường và sẽ dẫn cả các bạn khác đến”.