Top 5 Bài văn phân tích Người đàn ông cô độc giữa rừng của Đoàn Giỏi (Ngữ văn 7 - sách Cánh diều) hay nhất
Văn bản “Người đàn ông cô độc giữa rừng” là đoạn trích trong tiểu thuyết Đất rừng phương Nam của nhà văn Đoàn Giỏi, là truyện viết cho lứa tuổi thiếu ... xem thêm...nhi rất thành công và nổi tiếng của ông. Truyện đã được dịch ra nhiều tiếng nước ngoài, tái bản nhiều lần, được dựng thành phim và in trong Tủ Sách Vàng của Nhà xuất bản Kim Đồng. Đoạn trích kể về việc tía nuôi dắt An đi thăm chú Võ Tòng. Trong cuộc gặp đó Võ Tòng kể cho hai cha con An về việc giết hổ, giết tên địa chủ và hành động Võ Tòng làm mũi tên tẩm độc trao cho ông Hai. Qua hình ảnh nhân vật Võ Tòng, ta cảm nhận rõ hơn những phẩm chất của con người Nam Bộ nơi đó.
-
Bài tham khảo số 1
Đoàn Giỏi là một nhà văn thường viết về thiên nhiên, con người Nam Bộ. Một trong những tác phẩm tiêu biểu của ông phải kể đến tiểu thuyết Đất rừng phương Nam. Văn bản “Người đàn ông cô độc giữa rừng” trích trong cuốn tiểu thuyết này.
Đất rừng phương Nam là tiểu thuyết của nhà văn Đoàn Giỏi viết về cuộc đời của cậu bé An. Bối cảnh của tiểu thuyết là miền Tây Nam Bộ, Việt Nam vào những năm 1945, sau khi thực dân Pháp quay trở lại xâm chiếm Nam Bộ. Đoạn trích “Người đàn ông cô độc giữa rừng” kể về việc cậu bé An theo tía nuôi đến thăm Võ Tòng. Không ai biết tên tuổi, lai lịch của Võ Tòng. Chỉ biết rằng mười mấy năm về trước, một mình chú bơi xuồng đến che lều ở nơi rừng hoang nhiều thú này và từng đánh bại một con hổ. Một lần, Võ Tòng bị tên địa chủ vu oan cho tội ăn trộm. Chú một mực cãi lại, bị tên địa chủ đánh. Chú vô tình chém bị thương tên địa chú, nhưng không trốn chạy mà đường hoàng đến chịu tội. Khi trở về thì nghe tin vợ đã lấy tên địa chủ kia, còn đứa con trai độc nhất thì đã chết, Võ Tòng liền bỏ làng đi. Ở cuối đoạn trích, Võ Tòng đã đưa cho tía nuôi An những mũi tên tẩm độc để phòng thân cũng là để giết chết kẻ thù.
Về nội dung, “Người đàn ông cô độc giữa rừng” đã khắc họa vô cùng chân thực khung cảnh núi rừng rộng lớn, hoang sơ. Cùng với đó, nhân vật Võ Tòng là nhân vật trung tâm đã đại diện cho tính cách tiêu biểu của con người Nam Bộ hồn hậu, chất phác và trọng nghĩa tình. Về nghệ thuật, nhà văn đã miêu tả thành công nhân vật Võ Tòng bằng cách sử dụng sử dụng ngôi kể một cách linh hoạt (ngôi kể thứ nhất - cậu bé an, ngôi kể thứ ba). Cách kể này cho người đọc một cái nhìn đa chiều về Võ Tòng. Trong mắt cậu bé An, chú Võ Tòng là người cởi mở, phóng khoáng, vui tính. Trong mắt người kể chuyện và người dân, Võ Tòng là một người gan dạ, có phần ngang tàng, liều lĩnh nhưng vô cùng tốt bụng và đáng quý. Tác giả sử dụng ngôn ngữ mộc mạc, giản dị và mang đậm màu sắc Nam Bộ.
Với đoạn trích “Người đàn ông cô độc giữa rừng”, tác giả đã ca ngợi nhân vật Võ Tòng với phẩm chất hiền lành, chất phác nhưng vô cùng mạnh mẽ - đại diện cho phẩm chất của con người Nam Bộ, cùng với đó là vẻ đẹp của thiên nhiên núi rừng Nam Bộ hiện lên đầy chân thực, sống động.
-
Bài tham khảo số 2
Đất rừng phương Nam là một trong những tiểu thuyết nổi tiếng của nhà văn Đoàn Giỏi. Văn bản “Người đàn ông cô độc giữa rừng” được trích trong cuốn tiểu thuyết đã để lại cho người đọc nhiều ấn tượng sâu sắc.
Đoạn trích kể về việc An theo tía nuôi đến thăm Võ Tòng - một người đàn ông sống cô độc giữa rừng. Không ai biết tên thật của Võ Tòng là gì, người dân ở đây chỉ biết rằng từ mười mấy năm về trước, chú đã một mình bơi xuồng đến dựng lều giữa khu rừng đầy thú dữ. Người ta vẫn truyền nhau kể lại việc một mình Võ Tòng đã giết chết hơn hai mươi con hổ. Có lẽ nguồn gốc cái tên Võ Tòng cũng bắt đầu từ đó. Cuộc đời của Võ Tòng cũng trải qua nhiều cay đắng, bất hạnh. Trước đây, chú cũng từng có một gia đình như ai. Vợ chú là một người đàn bà xinh xắn, lúc mang thai đứa con đầu lòng cứ kêu thèm ăn măng. Yêu quý vợ hết mực, chú liều xách dao đến bụi tre đình làng xắn một mụt măng. Khi về ngang qua bờ tre nhà địa chủ liền bị hắn vu cho tội ăn trộm. Võ Tòng một mực cãi lên nhưng bị tên địa chủ quyền thế lại ra sức đánh, khiến chú chém trả. Nhưng chú không trốn chạy mà đường hoàng chịu tội. Câu chuyện này cho thấy Võ Tòng là một con người gan dạ, dũng cảm. Võ Tòng cũng là một người giàu lòng yêu nước thể hiện qua cuộc trò chuyện với tía nuôi của An về chuyện đánh giặc Pháp. Từ việc chú chuẩn bị những mũi tên tẩm thuốc độc, rồi chia cho tía nuôi của An, cũng như việc kể lại chiến công giết chết tên giặc Pháp với vẻ hào hứng, sung sướng. Nhà văn đã khắc họa nhân vật này để cho thấy vẻ đẹp phẩm chất của con người Nam Bộ: phóng khoáng, tốt bụng, giàu tình cảm.
Cùng với đó, một điểm khiến người đọc cảm thấy ấn tượng là không gian núi rừng Nam Bộ được nhà văn khắc họa đầy chân thực. Những hình ảnh như “ánh lửa bếp chiếu qua khung cửa sổ, soi rõ hình những khúc gỗ xếp thành bậc thang dài xuống bến”. Hay căn nhà của Võ Tòng: “Trên vách lều đóng đầy mồ hóng đen sì, một chùm xương sọ khỉ ước chừng vài mươi cái treo lủng láng cạnh những đầu con nhọ nồi khô, những chân tay khỉ, tay chân dọc xâu từng đôi một, gác trên đoạn sào nhỏ”. Cùng với tiếng kêu của con vượn bạc má “Ché... ét ché... ét…”. Tất cả đã tạo nên một khung cảnh hoang dã, vắng vẻ.
Tóm lại, đoạn trích “Người đàn ông cô độc giữa rừng” có nhiều nét đặc sắc về nội dung về nghệ thuật, góp phần làm nên tác phẩm “Đất rừng phương Nam”.
-
Bài tham khảo số 3
Đoạn trích “Người đàn ông cô độc giữa rừng” đem đến cho người đọc nhiều cảm nhận thú vị về con người và thiên nhiên Nam Bộ.
Nội dung của đoạn trích kể về việc tía nuôi của An đưa cậu đến thăm Võ Tòng, một người đàn ông sống giữa rừng sâu. Điểm đầu tiên mà người đọc cảm thấy ấn tượng chính là không gian núi rừng Nam Bộ. Tác giả đã miêu tả căn nhà của Võ Tòng qua những chi tiết như “ánh lửa bếp chiếu qua khung cửa sổ, soi rõ hình những khúc gỗ xếp thành bậc thang dài xuống bến”; “trên vách lều đóng đầy mồ hóng đen sì, một chùm xương sọ khỉ ước chừng vài mươi cái treo lủng láng cạnh những đầu con nhọ nồi khô, những chân tay khỉ, tay chân dọc xâu từng đôi một, gác trên đoạn sào nhỏ”. Đặc biệt là âm thanh của con vượn bạc má “Ché... ét ché... ét…”. Từ đó, không gian núi rừng hiện lên với vẻ hoang sơ, heo hút.
Với điểm nhìn của nhân vật An, Võ Tòng là nhân vật trung tâm của đoạn trích hiện lên đầy chân thực. Ẩn sâu trong vẻ bên ngoài dị thường là một tính cách hiền lành, tốt bụng. Không chỉ vậy, Võ Tòng còn là một người có tình yêu quê hương, đất nước sâu sắc. Chú căm thù giặc Pháp và thứ vũ khí hiện đại của chúng. Chú đã tạo ra những mũi tên tẩm độc để giết giặc. Có thể thấy, nhân vật này chính được khắc họa nhằm đại diện cho tính cách của con người Nam Bộ - chất phác, thật thà mà dũng cảm, gan dạ.
Tóm lại, đoạn trích “Người đàn ông cô độc giữa rừng” có giá trị về nội dung và nghệ thuật, tiêu biểu cho tác phẩm Đất rừng phương Nam.
-
Bài tham khảo số 4
Văn bản “Người đàn ông cô độc giữa rừng” là đoạn trích trong tiểu thuyết Đất rừng phương Nam của nhà văn Đoàn Giỏi, là truyện viết cho lứa tuổi thiếu nhi rất thành công và nổi tiếng của ông. Truyện đã được dịch ra nhiều tiếng nước ngoài, tái bản nhiều lần, được dựng thành phim và in trong Tủ Sách Vàng của Nhà xuất bản Kim Đồng. Đoạn trích kể về việc tía nuôi dắt An đi thăm chú Võ Tòng. Trong cuộc gặp đó Võ Tòng kể cho hai cha con An về việc giết hổ, giết tên địa chủ và hành động Võ Tòng làm mũi tên tẩm độc trao cho ông Hai. Qua hình ảnh nhân vật Võ Tòng, ta cảm nhận rõ hơn những phẩm chất của con người Nam Bộ nơi đó.
Ngay từ nhan đề, “Người đàn ông cô độc giữa rừng gợi cho em suy nghĩ về người đàn ông sống giữa rừng hoang vu hẻo lánh, sống cuộc sống cô độc, lạnh lẽo và hình hài có phần dị dạng. Cũng bởi vì bên trong văn bản, bằng lời kể em có thể hình dung được Võ Tòng hiện lên là người có thân hình vạm vỡ, tóc dài, khuôn vặt chữ điền, có vết sẹo dài từ thái dương xuống cổ; chú có ngước da ngăm đen khỏe mạnh; giọng nói của chú trầm và rõ ràng. Đồng thời em cũng thấy được Võ Tòng là một con người nghĩa hiệp, bản lĩnh và yêu nước.
Đặc điểm tính cách nhân vật Võ Tòng được nhà văn thể hiện trên những phương diện như nơi ở, cách ăn mặc, lời nói (cách tiếp đãi khách), hành động (giết hổ, giết địa chủ, làm mũi tên). Những chi tiết về nhà cửa (lều, cái bếp cà ràng, nồi đất, ngồi bằng gộc cây…), cách ăn mặc (cởi trần, mặc quần kaki mới thắt xanh-tuya-rông, bên hông lủng lẳng lưỡi lê) và tiếp khách (chai rượu vơi và đĩa khô, xưng hô chú em) gợi cho người đọc nhiều ấn tượng về chú Võ Tòng có đôi chút cảm tình xen lẫn với ngạc nhiên hơi buồn cười. Cách uống rượu của Võ Tòng trong mắt An: “rót rượu ra bát, uống một ngụm, trao bát sang cho tía nuôi tôi” khiến nhân vật này hiện lên tuy xù xì, chất phác nhưng lại uống rượu từ tốn, có chút thận trọng nhưng cũng hết sức gần gũi. Lời nói của Võ Tòng với tía nuôi “tôi” là sự so sánh giữa con dao găm, cánh nỏ với cái súng của bọn giặc. Võ Tòng cho rằng súng dở lắm, kêu ầm ĩ và cầm súng là nhát gan vì ở xa cũng bắn được mà. Còn cầm dao và nỏ thì tách một tiếng không ai hay biết. Qua đây người đọc thấy được khí phách kiên cường, bản lĩnh gan dạ dũng cảm của nhân vật Võ Tòng.
Chuyện Võ Tòng giết hổ gợi cho người đọc một nhân vật có sức mạnh phi thường, tính cách khẳng khái, trượng nghĩa hào hiệp. Tuy nhiên hành động đó cũng hé mở cho người đọc một cuộc đời nhiều sóng gió của nhân vật. Hành vi chống trả tên địa chủ với việc đánh hổ của Võ Tòng có nhiều điểm giống nhau, giống về nguyên nhân chính là từ cái ác đều tự tìm đến với nhân vật: “gã đang ngủ trong lều, có con hổ chúa mò vào”; “tên này bắt gã bỏ mụt măng xuống và vu cho gã lấy trộm măng tre của hắn”. Nếu xét về về hành động tiêu diệt cái ác là nhân vật thẳng tay trừng trị cái ác: “gã vớ luôn cái mác… đâm thẳng một nhát vào hàm dưới con hổ chúa”; “nhát dao chém trả vào mặt… nằm gục xuống vũng máu” cũng có nét tương đồng. Hay kết quả là cái ác bị tiêu diệt “con hổ lộn vòng rơi xuống đất”, tên địa chủ “nằm gục xuống vũng máu”. Và nhân vật Võ Tòng cũng nhận lại kết quả đau đớn theo suốt quãng đường đời còn lại là “hàng sẹo khủng khiếp chạy từ thái dương xuống cổ”, bị tù mười năm và đứa con trai độc nhất đã chết khi gã còn trong tù. Đây cũng là những điểm vô cùng tương đồng, thú vị.
Qua văn bản, em hiểu thêm về con người của vùng đất phương Nam, họ chất phác với những nét sắc sảo lạ lùng: ông Hai và Võ Tòng đều không có đất, quanh năm ở đợ, làm thuê cho địa chủ, bị chúng cướp công, cướp người yêu, cướp vợ, họ đã đánh trả và bị tù, chỗ khác nhau là ông Hai bắt rắn đã trốn tù, đón vợ rồi bỏ vào rừng U Minh. Một con thuyền nhỏ, hai vợ chồng, thằng con trai và con chó Luốc đi lang thang kiếm sống bằng đủ thứ nghề: câu rắn, lấy mật, săn cá sấu… còn Võ Tòng một thân một mình trốn vào sâu trong rừng U Minh…
Đặc biệt, chi tiết Võ Tòng giết hổ để lại ấn tượng mạnh bởi đây là một hình ảnh đẹp; hình ảnh đó cho thấy sức mạnh phi thường của con người, con người đủ khả năng chống trọi lại mọi khó khan khắc nghiệt của tự nhiên để bảo vệ bản thân. Đồng thời hình ảnh đó cũng cho em thấy được tinh thần tự vệ cao của con người Việt Nam.
Văn bản “Người đàn ông cô độc giữa rừng” thể hiện rõ nét những nét đẹp tâm hồn của người dân Nam Bộ vừa chân thật, khẳng khái nhưng hết sức tình cảm và hồn hậu. Chỉ bằng một cuộc chuyện trò nho nhỏ và qua hình ảnh nhân vật tiêu biểu là chú Võ Tòng, nhà văn Đoàn Giỏi đã khắc họa rõ nét hình tượng con người Nam Bộ với tính cách cương trực, dũng cảm, hào hiệp. Nghệ thuật miêu tả tâm lý nhân vật đặc sắc đi với việc sử dụng ngôi kể linh hoạt khiến câu chuyện thêm khách quan, gần gũi với người đọc. Thiên nhiên qua ngòi bút miêu tả chân thực của nhà văn cũng hiện lên xanh tươi đậm chất sông nước miền Nam khiến người đọc không khỏi yêu mến, nhớ nhung.
-
Bài tham khảo số 5
Trong kiệt tác văn học Trung Hoa, tiểu thuyết Thủy Hử có một nhân vật nổi tiếng là Võ Tòng, thực tế ông có thật trong lịch sử, là một trong số 108 vị anh hùng Lương Sơn Bạc. Võ Tòng trong văn học Trung Hoa nổi tiếng với điển tích giết hổ. Và trong văn học Việt Nam cũng có một nhân vật được gọi là Võ Tòng vì từng đánh bại một con hổ chúa hung dữ, đây chính là nhân vật chính trong đoạn trích “Người đàn ông cô độc giữa rừng” trích truyện “Đất rừng phương Nam” của nhà văn Đoàn Giỏi, được phát hành năm 1957, truyện có bối cảnh ở miền Tây Nam Bộ nước ta vào những năm 1945, sau khi thực dân Pháp quay trở lại xâm chiếm Nam Bộ. Đoạn trích nằm ở chương 10 của truyện, kể về cuộc gặp gỡ Võ Tòng của An và tía nuôi, xoay quanh cuộc sống bất hạnh và phẩm chất cao đẹp của Võ Tòng.
Ngay từ nhan đề đoạn trich “Người đàn ông cô độc giữa rừng” đã mang tới cho chúng ta hình ảnh về một người đàn ông một mình sống giữa nơi rừng hoang vu, lạnh lẽo và cô độc, chính là nhân vật chính của đoạn trích, Võ Tòng. An và tía nuôi đến gặp Võ Tòng tại túp lều giữa rừng U Minh của ông. Đây là khu rừng nổi tiếng nước ta vì sự hùng vĩ và hoang sơ, hầu như không có người sinh sống. Túp lều của Võ Tòng rất đơn sơ, theo từng bước chân của An vào bên trong, đầu tiên, là “những khúc gỗ xếp thành bậc thang dài xuống bến” để lên lều. Bởi rừng U Minh là rừng ngập mặn có đặc điểm chính là được hình thành ở những cửa sông lớn ven biển, khi thủy triều lên, rừng cây sẽ bị ngập một phần hoặc hoàn toàn trong nước biển, khi thủy triều rút, rừng sẽ hiện ra trên đất. Vậy nên lều của chú Võ Tòng phải làm cao hơn so với đất để tránh thủy triều. Ở bên trong lều, hầu như không có đồ đạc gì, không có ghế để ngồi mà ngồi bằng “gộc cây”, có bếp lửa nhưng “cà ràng”, còn có “hai chiếc nỏ gác chéo lên nhau”. Không khí trong lều u ám với “mùi lông khét”, làn khói có “mùi hăng hắc” và “màu xanh xanh” bay ra từ nồi đất trên bếp, khiến không chỉ An mà chúng ta cũng không khỏi thấy “rợn rợn”. Chính vì gặp chú Võ Tòng trong hoàn cảnh như vậy mà An có cảm giác “đang sống lùi lại từ cái thời kì loài người mới tìm ra lửa vậy”. Hoàn cảnh sống của Võ Tòng thật thiếu thốn và nguy hiểm bởi rừng U Minh không những hoang sơ, rộng lớn mà còn có nhiều loại thú dữ. Vậy tại sao chú lại chọn sống ở đây? Tác giả Đoàn Giỏi đã gieo sự tò mò đến với người đọc về nhân vật Võ Tòng qua một bức tranh bao quát về hoàn cảnh sống của nhân vật như vậy.
Không ai rõ lai lịch của chú Võ Tòng đến từ đâu? Bao nhiêu tuổi? Tên thật là gì? Chú mang tên Võ Tòng giống nhân vật nổi tiếng trong tiểu thuyết Thủy Hử bên Tàu vì như nhân vật đó, chú từng giết chết một con hổ chúa. Mười mấy năm trước, Võ Tòng đi xuồng một mình tới dựng lều trong khu rừng “đầy thú dữ” này. Ngoại hình chú Võ Tòng khi nhìn rất hung tợn và có phần kì dị với hai mắt “sâu hoắm và tròng mắt trắng dã long qua long lại, sắc lẹm như dao”, tóc chú thì như “bờm ngựa” tới gáy và đặc biệt trên mặt chú có một “hàng sẹo khủng khiếp chạy từ thái dương xuống cổ”, đây là vết tích do bị con hổ chúa cào khi xưa. Võ Tòng thường cởi trần, mặc chiếc quần ka ki kiểu của lính Pháp có túi, đã lâu không giặt và đeo “một chiếc lưỡi lê đựng trong vỏ sắt”. Ngoại hình như vậy, khiến ai mới gặp chú Võ Tòng lần đầu chắc chắn cũng sẽ e dè và khiếp sợ.
Cuộc đời chú Võ Tòng đã phải trải qua rất nhiều bất hạnh. Chú đã từng phải đi tù bị vu oan, chém một lão địa chủ. Trước khi đi tù, Võ Tòng cũng có cuộc sống hạnh phúc và bình dị như bao người khác. Chú có một “gia đình đàng hoàng” và một người vợ xinh xắn, nhưng rủi thay đúng lúc đang hạnh phúc chuẩn bị chào đón đứa con đầu lòng của hai người thì vợ chú thèm ăn măng, là một người hiền lành, thương yêu vợ hết mực, chú đã “bèn liều xách dao đến bụi tre đình làng xắn một mụt măng”. Lúc đi ngang qua bụi tre nhà lão địa chủ trong làng, Võ Tòng bị vu oan ăn trộm măng nhà lão. Chú cãi lại thì bị tên địa chủ ra sức đánh nên đã chém trả hắn. Nhưng Võ Tòng không trốn chạy mà tự xách dao lên nhà việc nhận tội. Phẩm chất của chú Võ Tòng thật đáng quý, là một người đàn ông yêu thương vợ, kính trọng ông bà tổ tiên vì khi chém trả tên địa chủ sau khi bị đánh lên đầu, chú nói: “Đánh đâu thì còn nhịn được, chứ đánh lên đầu là nơi thờ phụng ông bà… thì số mày tới rồi!”. Không chỉ vậy chú còn là một người dũng cảm, dám làm, dám chịu khi tự mình đi nhận tội tại nhà việc. Sau khi ra tù, vợ chú đã trở thành vợ lẽ của chính lão địa chủ đó, đứa con chú chưa từng được gặp mặt đã chết, chắc hẳn tới đây ai cũng sẽ nghĩ Võ Tòng sẽ đi trả thù lão địa chủ, nhưng không, chú không đến sống chết với tên địa chủ mà bỏ làng, đến khu rừng hoang vu, nguy hiểm này dựng lều, bắt thú. Việc này thể hiện chú đã cam chịu, chấp nhận số phận nghiệt ngã của mình. Dần dần ở trong rừng lâu, trải qua nhiều nguy hiểm, ngoại hình của Võ Tòng đã trở nên kì lạ như bây giờ. Nhưng người dân xung quanh đã quen biết, đều rất quý mến chú vì đức tính hiền lành, tốt bụng cũng như thương cảm cho sự bất hạnh của người đàn ông cô độc ấy.
Tuy cuộc đời Võ Tòng là một dãy những chuyện oái oăm, bất hạnh, nhưng không vì thế mà làm thay đổi những phẩm chất đáng quý của chú, đúng như câu nói “gần bùn mà chẳng hôi tanh mùi bùn”. Chú có tính cách vui vẻ, phóng khoáng và hài hước thể hiện qua từng câu nói của chú như “Ngồi xuống đây, chú em”; “Nhai bậy, một miếng khô nai đi chú em”. Võ Tòng là một người gan dạ, có thể khẳng định chắc chắn như vậy vì nếu không gan dạ, sao chú giết được con hổ chúa, lại sống cô độc mười mấy năm trong rừng U Minh hoang vu, nguy hiểm trùng trùng, nơi nước độc và thú dữ xung quanh và chú còn không thèm dùng đến súng để săn bắn hay phòng thân, chú nói: “Mấy thằng nhát gan mới cần súng, vì súng ở xa cũng bắn được mà”. Đặc biệt, chú Võ Tòng là một người có tinh thần yêu nước mãnh liệt, khi chú làm nỏ tẩm thuốc cho tía nuôi An để giết giặc Pháp. Trong hoàn cảnh bất hạnh như vậy, chú Võ Tòng vẫn một lòng nghĩ tới “nghĩa chung” vì đất nước quyết không màng hiểm nguy.
Trong đoạn trích Người đàn ông cô độc giữa rừng, tác giả Đoàn Giỏi đã thể hiện được màu sắc Nam Bộ đặc trưng. Trước tiên là khung cảnh rừng sâu nơi Võ Tòng dựng lều, đây là rừng U Minh, rừng ngập mặn tại Nam Bộ, phải chèo xuồng, dựng lều cao, có các bậc thang leo lên để tránh thủy triều. Hay tác giả đã sử dụng những từ ngữ Nam Bộ như “nhai bậy đi chú em”, “anh hai”, “bả”, “nong”,...Và hơn cả đó chính là nghệ thuật khắc họa nhân vật Võ Tòng, tía nuôi và An thành công, đại diện cho người dân vùng Nam Bộ với những phẩm chất cao đẹp là phóng khoáng, gan dạ, giản dị, đặc biệt là tinh thần yêu nước nồng cháy.
Qua đoạn trích “Người đàn ông cô độc giữa rừng”, nhà văn Đoàn Giỏi đã mang tới cho người đọc hình ảnh Võ Tòng, một con người bình thường với sự bất hạnh không ngờ trong cuộc sống, nhưng lại rất phi thường vì dù trong hoàn cảnh khó khăn vẫn không đánh mất đi những phẩm chất đáng quý. Võ Tòng còn là đại diện cho những người Nam Bộ phóng khoáng, giản dị và bất khuất anh dũng, vì nước có thể sẵn sàng làm những việc nguy hiểm, quên thân mình. Những phẩm chất của chú Võ Tòng thật đáng quý, là tấm gương sáng cho những người đọc, đặc biệt là chúng ta, những học sinh còn ngồi trên ghế nhà trường phải học tập và noi theo để trở thành những người con tốt của gia đình và đất nước.