Top 11 Bài văn phân tích tập thơ Góc sân và khoảng trời (Ngữ văn 10) hay nhất

Thai Ha 1145 0 Báo lỗi

Tuyển tập thơ “Góc sân và Khoảng trời” do thần đồng thơ ca Việt Nam – Trần Đăng Khoa sáng tác từ những năm lên 8. Đến năm nhà thơ lên 10 tuổi thì “Góc sân và ... xem thêm...

  1. Hẳn trong con người chúng ta mỗi người đều theo đuổi một mục đích, lý tưởng rất riêng, nhưng có lẽ không ai là không biết yêu cái hay, cái đẹp. Ở đó có tình yêu thương đất nước, con người và cả những điều thân thuộc, giản dị xung quanh ta. Hôm nay tôi xin giới thiệu với các bạn một con người điển hình như thế qua tập thơ của ông – “Góc sân và khoảng trời” – Ông là nhà thơ Trần Đăng Khoa.


    Đọc “Góc sân và khoảng trời”, chúng ta sẽ thấy hiện lên cả một thế giới mà trong đó, người nào cũng để lại dấu ấn tốt đẹp trong con mắt của thi sĩ tí hon Trần Đăng Khoa; sự vật thì hầu như đều đã được nhân cách hóa, trở thành bạn bè thân thiết, không thể xa rời, và điều đặc biệt là tất cả đều được nhìn bởi đôi mắt trẻ thơ.


    Đó là con bướm vàng, cái sân, dòng sông Kinh Thầy, con chim, con gà, vườn cải, cây đa, con trâu, cây trầu… và nhất là ánh trăng của làng quê. Thơ trong Góc sân và Khoảng trời là thơ của tuổi thơ, viết về tuổi thơ, nhưng đó là tuổi thơ của thời đất nước đang trong chiến tranh chống xâm lăng, lửa đạn ngút trời.

    Đó là thời mà từ những anh trai làng đến các sinh viên đại học, và cả những người thầy của tác giả Trần Đăng Khoa cũng đều lên đường ra trận. Trong Góc sân và Khoảng trời của Trần Đăng Khoa, có một mảng thơ về người thầy giáo, họ là những người thầy – người lính – người thương binh.


    Đọc Góc sân và khoảng trời ta thấy cậu bé Trần Đăng Khoa thuở lên 10 thật là trẻ con nhưng cũng thật là người lớn. Tập thơ “Góc sân và khoảng trời” của nhà thơ Trần Đăng KHoa cuốn sách được nhà xuất bản Hồng Đức ấn hành năm 2013 với 175 trang, khổ 13 x 19 cm….


    Với 141 bài thơ được tuyển chọn và giới thiệu, chắc hẳn trong chúng ta ai cũng biết hay đã từng nghe nói về một “góc sân và khoảng trời” của “cậu bé Khoa” chứ không phải của Trần Đăng Khoa – một nhà thơ lớn và đầy bản lĩnh như ngày nay.


    Góc sân ấy là thế giới đầu tiên của “bé Khoa”, khoảng trời ấy là cái vũ trụ tí hon của Khoa. Ở đây là những nhân vật giản dị thôi nhưng mượn sắc thần tiên của hồn con trẻ. Mảnh sân nhỏ ấy là nơi “bé Khoa” đã nói:


    Em thường rải cái nong

    Ra góc sân ngồi học

    Những đem có trăng mọc

    Em chơi cho đến khuya.


    Một tưởng tượng rất thật về một vụ muà bội thu, một cái đẹp từ những thành quả sao mà yêu đến thế!

    Dường như tại góc sân này, thứ gì với Khoa cũng đẹp, cũng đáng yêu. Từ:


    Con bướm vàng

    Bay nhẹ nhàng

    Em thích quá

    Em đuổi theo…


    “Con bướm vàng/ Con bướm vàng” mở đầu bài thơ “Con bướm vàng” là bướm từ đằng xa bay tới, to dần. Cũng láy lại hai lần ở phần kết là bướm đã bay đi, nhỏ dần; em bé vừa thích thú, lại vừa tiếc.


    Trong thơ “bé Khoa” có tình yêu thiên nhiên và cả tình yêu đất nước. Khoa đã nhìn xa hơn, nhìn về đất nước khi giặc Mỹ ngày đêm rình rập, đào xới đất nước ta. Nhưng các bạn thấy không, trong con mắt thơ trẻ của “em Khoa” đất nước mình, làng quê mình sao mà đẹp thế, hiên ngang thế:


    Ao trường vẫn nở hoa sen

    Bờ tre vẫn chú dế mèn vuốt râu

    (Em kể chuyện này)


    “Chiến thắng của Việt Nam hát lên, cao hơn tiếng bom, trong những câu thơ của bé Khoa“

    Năm 1968, khi “cậu bé Khoa” lên mười em đã kể chuyện giặc Mỹ rơi xuống cánh đồng làng mình; mọi người chạy ra, cả nhà Khoa chạy ra:


    Chị em xách khẩu súng

    Bé Giang mang que đời

    Con chó vàng mang hàm răng nhọn hoắt

    Em không biết mang gì

    Vớ ngay hòn đá

    Chân em ngắn quá

    Phải chạy nhanh mới tới nơi


    Nhưng tới nơi thì giặc Mỹ đã chết rồi. Các bạn thân mến! Chúng ta đọc đoạn thơ lên và nghĩ xem, những câu thơ thật hồn nhiên mà lại sắc sảo, cái nhìn rất tinh tế, cảm nhận rất cụ thể:


    Tay còn giơ lên trời

    Răng cửa rụng hết

    Cái ngực nát bét

    Ô! Nó cùng giống người

    Mà sao ở trên trời

    Nó ác thế!


    Trong gia đình, với mẹ, với bà tình cảm của “bé Khoa” cũng là tấm gương cho đến giờ vẫn khiếm các em nhỏ phải nhìn vào và noi theo. Bởi từ những vất vả của mẹ, từ những vất vả của bà “bé Khoa” đã trân trọng và yêu những điều đó, để rồi tình thương đó bộc lộ ra:


    Áo mẹ mưa bạc màu

    Đầu mẹ nắng cháy tóc

    Mẹ ngày đêm khó nhọc

    Con chưa ngoan, chưa ngoan


    Hay như trong “Mẹ ốm” “bé Khoa” đã ca ngợi mẹ”mẹ là đất nước tháng ngày của con…” bởi “vì con mẹ khổ đủ điều”


    “Em nhỏ Khoa” còn biết thương con chó nhà mình, khi nó nghe tiếng bom Mỹ nổ, đã bỏ chạy đi đâu:


    Tao chờ mày đã lâu

    Cơm phần mày để cửa


    Với em gái mình cũng là tình thương ấm áp của người anh:


    Mẹ cha bận việc ngày đêm
    Anh ngồi trong lớp lo em ở nhà


    Với người thầy từ chiến trường trở về dạy mình, là thương binh trên đôi nạng gỗ “bé Khoa” đã nhìn thấy:


    Dấu lặng hai bên như hai hàng lỗ đáo

    Chúng em nhận ra bàn chân thầy giáo

    Như nhận ra cái chưa hoàn hảo

    Của cả cuộc đời mình


    Với lối thơ gọn ghẽ, không dàn trải “Khoa” còn biết dùng những từ khêu gợi:


    Bốn năm bom đạn qua rồi

    Núi sông trong sáng, dáng người lớn cao


    Với thiên nhiên, năm 1972 nhà thơ vẫn cho ra đời bài thơ tứ tuyệt để lại một ấn tượng đặc biệt; trên trời vẫn còn vệt ngựa của Thánh Gióng:


    Sau làn mưa bụi tháng ba

    Lá tre bỗng đỏ như là lửa thiêu

    Nền trời rừng rực ráng treo

    Tưởng như ngựa sắt sớm chiều vẫn bay


    Và lòng yêu ruộng đồng mọc rễ sâu chắc trong tâm hồn Khoa, tình yêu này lan toả trong lòng thành tình yêu đất nước sâu sắc. Ở đó có đất, có mẹ…, có cả bé Khoa…

    Trong tình yêu, mẹ tôi đã trở thành đất đai

    Và tôi mọc lên như cây còn non dại

    Nhưng rễ cây đã hứa với nắng trời những mùa hoa trái

    Bởi cây không thể phụ mẹ mình và phụ đất đai

    Lời hứa đấy như một sự khắng định, một sự quyết tâm của “cậu Khoa” sẽ phấn đấu hết mình trong tình yêu cho quê hương, đất nước.


    Các em thấy không? Cũng chỉ tầm tuổi các em bây giờ trong con người “cậu bé Khoa” ngày ấy đã có những ý chí, quyết tâm thật vĩ đại và một tình yêu thật lớn lao phải không?


    Giờ đây chúng ta đang có một cuộc sống yên bình bên những người thân yêu, nhưng đừng vì thế mà quên đi nhiệm vụ lớn lao của mình – học tập, phấn đấu, rèn luyện để chứng tỏ tình yêu của mình với cha mẹ, quê hương, đất nước các em nhé! Và chúng ta hãy đọc đi, đọc “Góc sân và khoảng trời” để noi theo, để phấn đấu, để củng cố tình yêu của mình dành cho tất cả những gì thân yêu nhất xung quanh chúng mình.

    Hình minh hoạ
    Hình minh hoạ

  2. Tuyển tập thơ “Góc sân và Khoảng trời” do thần đồng thơ ca Việt Nam – Trần Đăng Khoa sáng tác từ những năm lên 8. Đến năm nhà thơ lên 10 tuổi thì “Góc sân và Khoảng trời” được in lần đầu, gồm 52 bài thơ và sau này được bổ sung thêm lên 66 bài – bao gồm các bài thơ nổi tiếng đã được đăng báo của Trần Đăng Khoa.


    Nhờ được sáng tác khi tuổi đời của nhà thơ còn khá trẻ nên “Góc sân và Khoảng trời” tái hiện một góc nhìn trong trẻo, hồn nhiên của trẻ thơ về một thế giới con người và sự vật mà trong đó con người nào cũng đều để lại một dấu ấn tốt đẹp. Nuôi dưỡng tâm hồn cho bé yêu văn học theo các nhẹ nhàng nhất!

    Với những quan sát tinh tế cùng sự liên tưởng phong phú và tài năng hiếm có; cỏ cây, loài vật, con người trong thơ Trần Đăng Khoa hiển hiện gần gũi thân thiện và dung dị. Có lẽ vậy mà bạn đọc nhiều thế hệ không thể nào quên những bài thơ: Hạt gạo làng ta, Cây dừa, Nghe thầy đọc thơ, Ảnh Bác, Đám cưới bác giun, Mưa, Trăng ơi từ đâu đến,…


    Tái hiện trong tuyển tập thơ là những sự vật giản dị của làng quê như con bướm vàng, cái sân, dòng sông Kinh Thầy, con chim, con gà, vườn cải, cây đa, con trâu, cây trầu… và nhất là ánh trăng của làng quê.

    Với tuổi thơ trong “Góc sân và Khoảng trời” của Trần Đăng Khoa, ông trăng cũng ngây thơ như trẻ con, cũng thích khoe khuôn mặt tròn, cũng nhoẻn miệng cười thích thú khi nhìn thấy chuối, thấy xôi; và thú vị nhất là cũng biết thập thò ngoài cửa khi rủ bạn đi chơi,…


    Bởi thế mọi thứ hiện lên thật sống động, nhiều màu sắc. Tuy đơn giản nhưng khiến người đọc cảm thấy thích thú. Các sự vật, hiện tượng được nhân cách hóa, ẩn dụ giúp phát triển trí tưởng tượng, sự sáng tạo trong các bé.

    Hình minh hoạ
    Hình minh hoạ
  3. “Góc sân và khoảng trời” xuất bản lần đầu vào năm 1968, khi tác giả mới 10 tuổi. Tập thơ đã góp phần gây dựng nên danh hiệu “thần đồng thơ” một thời cho nhà thơ Trần Đăng Khoa.


    Tập thơ là cái nhìn trong trẻo, đầy yêu thương đối với tất cả những điều nhỏ bé, giản dị của cuộc sống. Thế giới trong thơ Trần Đăng Khoa chỉ quanh quẩn trong vườn nhà với vầng trăng, cây dừa, đàn gà, giàn trầu hoặc trong phạm vi lũy tre làng với dòng sông, cánh cò, con trâu đang gặm cỏ… Nhưng thế giới loài vật ấy đã được nhân cách hóa, trở nên sống động với những suy nghĩ, lo toan, tình cảm như con người.

    Trần Đăng Khoa còn có những vần thơ xúc động về mẹ, về cha, về người thầy và những người bạn của mình. Được sáng tác trong bối cảnh thời chiến, tập thơ thấm đẫm tình yêu quê hương, đất nước.


    Hình ảnh trong tập thơ “Góc sân và khoảng trời” của Trần Đăng Khoa ngộ nghĩnh, đáng yêu, cách sử dụng các phép so sánh, nhân hóa, ẩn dụ, cách chọn lọc từ ngữ khiến cho nhiều người lớn phải thán phục. Những bài thơ như Hạt gạo làng ta, Nghe thầy đọc thơ, Đám ma bác giun… đã được nhiều thế hệ trẻ em yêu thích.

    Hình minh hoạ
    Hình minh hoạ
  4. Tình cảm của trẻ thơ đối với Bác Hồ là tình cảm thiêng liêng nhất. Dù những em bé chưa từng gặp Bác Hồ, cũng luôn biết được rằng, Bác là người đáng kính, là linh hồn của dân tộc Việt Nam. “5 điều Bác Hồ dạy” cho đến ngày nay vẫn là một trong những bài học đầu đời của trẻ khi vắt đầu đi học. Tình cảm thiêng liêng, chân quý của trẻ thơ dành cho Bác đã trở thành đề tài sáng tác thơ, nhạc cho nhiều nghệ sĩ và thay lời trẻ thơ bày tỏ tình cảm chân thành, kính yêu với Bác. Và trong số đó, không thể không kể đến nhà thơ Trần Đăng Khoa. Bài thơ lục bát “Ảnh Bác” của ông là bài thơ tiêu biểu mà nhiều thế hệ thiếu nhi thuộc lòng. Phân tích bài thơ Ảnh Bác sẽ thấy được tình cảm bao la nhưng gần gũi, chân thành mà trẻ thơ dành cho Bác.


    Như đã nói, bài thơ Ảnh Bác được Trần Đăng Khoa viết khi ông mới 8 tuổi. Bài thơ sau đó được đăng lần đầu tiên trên báo Thiếu niên Tiền Phong. Mở đầu bài thơ là bức tranh gần gũi, thân thuộc trong các gia đình nông thôn vùng Bắc Bộ:


    Nhà em treo ảnh Bác Hồ

    Bên trên là một lá cờ đỏ tươi


    Người Việt Nam, từ già tới trẻ, từ người lớn đến bé thơ không ai không dành sự kính danh cho Bác Hồ – người đã mang đến ánh sáng cho dân tộc, dẫn lối giúp nhân dân thoát khỏi xiềng xích nô lệ. Và nói đến Hồ Chí Minh là nói đến cuộc cách mạng của giai cấp vô sản. Sự ra đi của bác Hồ để lại niềm tiếc thương vô vàn trong nhân dân. Và để thể hiện niềm kính yêu và lòng biết ơn vô hạn đối với Người, mỗi gia đình ở vùng Bắc Bộ thời ấy đều treo ảnh Bác Hồ cùng với lá cờ đỏ sao vàng. Khi phân tích bài thơ Ảnh Bác người lớn có thể giải thích cho trẻ điều này.


    Nhưng với cậu bé 8 tuổi Trần Đăng Khoa, có lẽ việc tại sao nhà nhà đều treo ảnh Bác không phải là điều đáng quan tâm, bởi mỗi đứa trẻ khi sinh ra và nhận biết xung quanh đều hiểu, Bác Hồ là người đáng kính dù chúng chưa biết Người là ai. Bởi vậy, dường như mọi sự chú ý của cậu bé đều dành cho việc quan sát chân dung Bác trong bức ảnh. Cậu bé phát hiện ra rằng:


    Ngày ngày Bác vẫn mỉm cười

    Bác nhìn chúng cháu vui chơi trong nhà


    Phân tích bài thơ ảnh bác có thể thấy, bức ảnh treo trong nhà tưởng như chỉ là bức hình chân dung, chụp lại gương mặt Bác, nhưng với cậu bé 8 tuổi thì bức ảnh thật sống động. Chỉ với câu thơ lục bát, Người đã hiện lên rất đỗi hiền từ, mỗi ngày Bác đều “mỉm cười” và theo dõi từng trò chơi, từng hoạt động của “chúng cháu”. Và nhìn vào gương mặt Người, ánh mắt Người, trẻ nhận ra vẻ hiền từ, âu yếm ấy nên cảm thấy gần gũi và đem những điều nhỏ bé ở sân vườn để kể cho Bác nghe:


    Ngoài sân có mấy con gà

    Ngoài vườn có mấy quả na chín rồi


    Con gà, quả na là những hình ảnh quen thuộc của vùng quê Bắc Bộ, là những điều gần gũi với những em bé. Và cậu bé 8 tuổi ngày ấy đã mang ra thủ thỉ, tâm tình cho Bác nghe. Sự hồn nhiên, chân thật của cậu bé chưa một lần được gặp Bác mà thân thiết gần gũi như vậy, dù chỉ là “ảnh Bác” cho thấy tình cảm tự nhiên mà mênh mông của Bác dành cho thiếu nhi nhiều ra sao.


    Và hơn hết, không chỉ gần gũi với trẻ thơ, Bác Hồ còn dành cho trẻ những lời khuyên bảo với tinh thần “tuổi nhỏ làm việc nhỏ” để giúp trẻ rèn luyện tinh thần tự giác, tinh thần giúp đỡ cha mẹ, mọi người xung quanh. Trong giai đoạn chiến tranh nguy hiểm, Bác dặn những em bé phải cảnh giác khi thầy “tàu bay Mỹ. Với những cảm nhận và được cha mẹ kể chuyện về Bác, cậu bé viết khổ thơ cuối:


    Em nghe như Bác dặn lời

    Cháu ơi đừng có chơi bời đâu xa

    Trồng rau quét bếp đuổi gà

    Thấy tàu bay Mỹ nhớ ra hầm ngồi


    Cuộc chiến chống giặc Mỹ ác liệt, Hà Nội bị ném bom tàn phá; những trái tâm hồn trẻ thơ dù còn non nớt những đã ý thức được lời Bác dạy. Trong những năm chiến tranh, ở các gia đình, bố mẹ vừa là chiến sĩ nhưng cũng là hậu phương thì các em thiếu nhi cũng có vai trò không nhỏ trong việc giúp đỡ bố mẹ chăm lo việc nhà. Như lời Bác dạy, “tuổi nhỏ làm việc nhỏ”, trẻ có thể trồng rau, quét bếp rồi đuổi gà. Đặc biệt, trẻ biết tìm nơi trú ẩn khi thấy máy bay Mỹ xuất hiện, để được an toàn và cũng để bố mẹ an tâm vững lòng chiến đấu.


    Bác Hồ là lãnh tụ vĩ đại không phải chỉ vì dành cả cuộc đời để cứu nước, cứu dân mà vì tình yêu thương bao la của bác dành cho đồng bào, đặc biệt là các bạn nhỏ. Sinh thời, dù Bác rất bận bịu nhưng vẫn luôn dành một khoảng thời gian đến hỏi thăm và chơi cùng các em nhỏ. Và Tết trung thu năm nào Bác cũng gửi thư và gửi quà động viên các cháu thiếu nhi. Tình yêu thương bao la, sự quan tâm hết lòng ấy được cậu bé 8 tuổi Trần Đăng Khoa thấu hiểu và viết nên hai câu thơ cuối:


    Bác lo bao việc trên đời

    Ngày ngày Bác vẫn mỉm cười với em


    Các em thiếu nhi biết rằng, Bác bận rộn lắm với biết bao công việc phải lo toan, nhưng Bác vẫn dành tình yêu thương, “mỉm cười với em” dù trăm công nghìn việc.


    Bài thơ “Ảnh Bác” được viết với thể thơ lục bát dễ thuộc dễ nhớ và dưới mắt nhìn ngây thơ ngộ nghĩnh của cậu bé 8 tuổi. Bài thơ đơn giản, không đưa đẩy như chính tình cảm chân thành mà cậu bé Trần Đăng Khoa thuở ấy nói riêng và trẻ em Việt Nam nói riêng dành cho Bác. Phân tích bài thơ Ảnh Bác ta dễ hiểu tại sao bài thơ đã được độc giả biết bao thế hệ ghi nhớ, thuộc lòng và cũng là bài thơ tiêu biểu trong kho tàng các tác phẩm viết về Bác Hồ.

    Hình minh hoạ
    Hình minh hoạ
  5. Kể cho bé nghe là một tác phẩm hấp dẫn được bạn đọc yêu mến của nhà thơ Trần Đăng Khoa. Đã từ rất lâu ông được mọi ưu ái đặt một cái tên là ông hoàng thơ thiếu nhi bởi hầu hết những thi phẩm của ông đều dành cho các em nhỏ. Kể Cho Bé Nghe là một bài thơ hay, vui nhộn giúp các thiếu nhi dễ dàng nhận biết về những con vật xung quanh mình. Với ngòi bút tài hoa, ông cho ra đời rất nhiều thi phẩm và đều được bạn đọc đón nhận nồng nhiệt.


    Bài thơ được tác giả viết rất sớm từ hồi nhỏ, rõ hơn là năm ông 11 tuổi. Đây là những hình ảnh thơ quen thuộc đối với ông cũng như là những câu nói hằng ngày được ông suy nghĩ và viết ra. Ở bài thơ của ông, các hình ảnh và tiếng kêu hay âm thanh của các hình ảnh được hiện ra rất rõ nét. Đây là một bức tranh của một vùng quê nhộn nhịp và đầy những cảm xúc thân quen. Nói một các khác là những hình ảnh quen thuộc này nó tồn tại xung quanh tiềm thức của tác giả cũng như là sự gắn bó của nó với tác giả trong tuổi thơ.


    Mở đầu là âm thanh nhộn nhịp ầm ĩ hay quát đó là một chú vịt. Vớ sự bơi lội trong nước tạo ra được những âm thanh tác giả lại liên tưởng đó là một tiếng động ầm ĩ. Hay hỏi ý là con chó hay sủa. Hay giăng tơ được tác giả cho đó là dây điện của con nhện. Ăn no đó là quay tròn được tác giả cho đó là cái cối xây lúa… Còn rất nhiều hình ảnh nó nói lên những cảnh vật đời thường, thoát lên được cái gì đó rất giản dị, mộc mạc. Thông qua các hình ảnh quen thuộc đó, trong tiềm thức của tác giả rất phong phú bởi vì từ nhỏ ông đã tiếp xúc gần gũi với nó rất nhiều. Các hình ảnh này đi sâu vào tiềm thức của ông, nó làm ảnh hưởng đến tâm trí của ông. Và ông vẽ lên bức tranh như vậy để đưa các em nhỏ về với thực tại, về với cuộc sống giản dị gần gũi với thiên nhiên với cội nguồn của đất nước hơn.Thông qua những hình ảnh mang đầy ý nghĩa tuổi thơ, làm cho ông gợi nhớ về về hương. Điều này chứng tỏ, từ rất nhỏ ông đã yêu thích những gì gần gũi thân thiện với ông và cong chứng tỏ được tình yêu của ông dành cho quê hương đất nước.


    Và ông muốn đưa những tình cảm đó giúp cho các bé hoà lẫn với cuộc sống bình thường giản dị mà lại gần gũi thiên nhiên, khơi dậy được tình yêu quê hương đất nước cho các bé ngay từ nhỏ. Đó là tâm niệm cũng như ước mơ của ông. Kể cho bé nghe với những vần thơ độc đáo và gần gũi giúp bé thêm phần thích thú với những con vật và tạo thêm tình cảm yêu thương của mình đến với những thứ xung quanh. Qua thi phẩm này chúng ta thêm ngưỡng mộ tài năng của ông khi ông sáng tác bài thơ này lúc mới 11 tuổi.

    Hình minh hoạ
    Hình minh hoạ
  6. Từ lâu, cái tên Trần Đăng Khoa đã trở nên quen thuộc và gần gũi với đông đảo bạn đọc Việt Nam, nhất là bạn đọc ở lứa tuổi thiếu nhi. Thơ Trần Đăng Khoa – nhất là mảng thơ viết thời thơ ấu – có sức cuốn hút đặc biệt đối với bạn đọc. Điều thú vị, hấp dẫn và cũng rất sâu sắc là hình tượng người thầy đã đi vào thơ Khoa ngay từ buổi đầu anh chập chững làm thơ và đã in dấu ấn sâu đậm trong thơ anh.


    Trong những bài thơ đầu tay viết vào năm 1966, khi đang còn là một chú bé tám tuổi, Khoa đã có một chùm thơ về thầy giáo của mình. Tháng tư năm 1966, tiễn thầy giáo đi bộ đội, Khoa viết bài thơ “Thầy giáo đi bộ đội” với lời đề tặng “Kính tặng thầy Việt”. Tháng chín năm đó, Khoa viết bài “Hỏi đường” và đến năm sau (1967) anh có tiếp bài “Nghe thầy đọc thơ”.


    Chùm thơ viết về thầy giáo của Khoa thể hiện những tình cảm xúc động của người học trò đối với người thầy của mình khi thầy phải tạm rời xa bục giảng để lên đường nhập ngũ. Đó là nỗi buồn rất thực, là sự kính trọng, là lòng biết ơn và tha thiết nhớ thương, là niềm mong đợi ngày thầy trở về để rồi sẽ lại được lắng nghe những lời giảng ấm áp và thân thiết của thầy. Những tình cảm đẹp đẽ, trong sáng cứ ngày một chín dần và sự trưởng thành của Khoa đã được bộc lộ qua một trong những bài hay nhất của anh, bài thơ “Bàn chân thầy giáo” (1972):


    Thầy ngồi ghế giảng bài

    Xếp cạnh bàn đôi nạng gỗ

    Một bàn chân đâu rồi

    Chúng em không rõ

    Sáng nào bom Mĩ giội

    Phượng đổ ngổn ngang mái trường tốc ngói

    Mặt bảng đen lỗ chỗ vết bom bi

    Thầy cầm súng ra đi

    Bài tập đọc dạy chúng em dang dở

    Hoa phượng

    Hoa phượng cháy một góc trời như lửa

    Năm nay thầy trở về

    Nụ cười vui vẫn nguyên vẹn như xưa

    Nhưng một bàn chân không còn nữa

    Ôi, bàn chân

    In lên cổng trường những chiều giá buốt

    In lên cổng trường những đêm mưa dầm

    Dấu nạng hai bên như hai hàng lỗ đáo

    Chúng em nhận ra bàn chân thầy giáo

    Như nhận ra cái chưa hoàn hảo

    Của cả cuộc đời mình

    Bàn chân thầy gửi lại Khe Sanh

    Hay Tây Ninh, Đồng Tháp

    Bàn chân đạp xuống đầu lũ giặc

    Cho lẽ sống làm người

    Em lắng nghe thầy giảng từng lời

    Rung động bao điều suy nghĩ

    Nghe thầm vọng bàn chân đi đánh Mĩ

    Nghe âm vang tiếng gọi của chiến trường

    Em đi suốt chiều dài yêu thương

    Chiều sâu đất nước

    Theo những dấu chân người thầy năm trước

    Và bàn chân thầy, bàn chân đã mất

    Vẫn dẫn chúng em đi trọn vẹn cuộc đời…


    Nổi bật, xuyên suốt bài thơ là hình tượng “bàn chân thầy giáo”. Bài thơ trữ tình mang dáng dấp tự sự nên người đọc có thể hình dung được cụ thể về nhân vật trữ tình và tình cảm của chủ thể trữ tình. Từ chiến trường trở về, người lính – vốn là một thầy giáo – giờ đây là người thương binh chỉ còn một chân lại tiếp tục sự nghiệp vẻ vang của mình ở hậu phương là sự nghiệp “trồng người”. Là thương binh, thầy không thể tiếp tục cầm súng chiến đấu ở chiến trường được nữa nhưng về hậu phương thầy vẫn có thể cầm phấn tiếp tục giảng bài trên bục giảng.


    Ngay từ những dòng thơ đầu tiên, hình tượng người thầy hiện ra đã khiến lòng người rưng rưng xúc động: “Thầy ngồi ghế giảng bài / Xếp cạnh bàn đôi nạng gỗ”. “Đôi nạng gỗ” giờ đây thay thế cho một bàn chân của thầy. Bàn chân ấy đâu rồi?! “Chúng em không rõ”.


    Tác giả mở đầu “câu chuyện” một cách giản dị, ngắn gọn nhưng lời thơ như một nhát dao sắc cứa vào lòng người. Phải chăng tất cả chúng em đều không rõ? Không! Chúng em đều biết cả! Ấy là một buổi sáng mùa hè, bom Mĩ dội xuống trường “phượng đổ ngổn ngang mái trường tốc ngói/mặt bảng đen lỗ chỗ vết bom bi”. Trong cái buổi sáng mùa hè không thể quên ấy, hoa phượng cứ rực cháy lên như lửa ở một góc trời.


    Lời thơ điệp hai lần “hoa phượng”/ “hoa phượng” như một nỗi bồi hồi xen lẫn buồn thương. Hoa phượng với màu đỏ rực vốn gắn với những ngày hè tươi đẹp của tuổi học trò giờ đây như là ngọn lửa: lửa chiến tranh và lửa căm thù. “Bài tập đọc” thầy dạy chúng em còn “dang dở” nhưng thầy phải cầm súng ra đi lên đường ra mặt trận. Chúng em tiễn thầy trong màu lửa phượng rực cháy “một góc trời”.


    Hôm nay thầy đã trở về! Nụ cười vui trên đôi môi thầy vẫn “nguyên vẹn như xưa” nhưng một bàn chân của thầy không còn nữa. Thầy đã gửi lại một bàn chân ở chiến trường, đã hi sinh một phần cơ thể của mình cho độc lập tự do của nhân dân và đất nước. Bàn chân đó đã “đạp xuống đầu lũ giặc”, là bàn chân chiến thắng. Và cao hơn cả, bàn chân đó đã dạy cho chúng em “lẽ sống làm người”.


    Cả dân tộc Việt Nam vùng lên đánh Mĩ. Hàng triệu triệu bàn chân đã lên đường đi khắp mọi nẻo chiến trường Khe Sanh, Tây Ninh, Đồng Tháp; lập nên những chiến công oanh liệt vẻ vang. Người thầy giáo thương binh qua hành động đẹp đẽ của mình ở chiến trường và qua giờ dạy tâm huyết trên bục giảng đã làm “rung động bao điều suy nghĩ” trong lòng lớp lớp học trò.


    Dù chỉ mới lên tám lên mười, chúng em vẫn có thể lắng nghe qua lời giảng của thầy “âm vang tiếng gọi của chiến trường”; vẫn lắng nghe lời thầm thì vọng lại của những bàn chân đi đánh Mĩ; vẫn có thể cùng những dấu chân của thầy “đi suốt chiều dài yêu thương” và “chiều sâu đất nước”.


    Sự hóa thân của tác giả – một chú bé mới mười bốn tuổi – vào chủ thể trữ tình: em, chúng em khiến cho hình ảnh thơ, giọng thơ vừa hồn nhiên mang dáng dấp tuổi thơ lại vừa hằn dấu trí tuệ suy tư mang tầm thời đại. Lối so sánh dấu nạng gỗ tròn thầy giáo đi qua để lại “hai bên như hai hàng lỗ đáo” thật đúng là của trẻ con nhưng từ hai hàng lỗ đáo – hai hàng dấu nạng gỗ chân thầy giáo mà nhận ra những điều “chưa hoàn hảo của cả cuộc đời mình” thì thật là người lớn, thật sâu sắc biết bao!


    Hai câu cuối của bài thơ đúc kết ý nghĩa cao đẹp của hình tượng bàn chân thầy giáo. Người thầy giáo thương binh tiếp tục cống hiến tài năng, trí tuệ và phần sức lực còn lại của mình cho thế hệ trẻ; cho sự nghiệp giáo dục vinh quang của đất nước. Ngay cả phần cơ thể của thầy đã mất đi cũng vẫn có ý nghĩa lớn lao trong cuộc sống của chúng em. Bàn chân đã mất của thầy “vẫn dẫn chúng em đi trọn vẹn cuộc đời”. Hóa ra, bàn chân đó không hề mất, nó vẫn hiện diện trong tâm trí học trò của thầy, vẫn đầy sức sống như ngọn lửa rực cháy của hoa phượng vẫy gọi thế hệ trẻ vươn đến tương lai.


    Với bài thơ “Bàn chân thầy giáo”, nhà thơ thiếu nhi Trần Đăng Khoa đã thay mặt các thế hệ học trò Việt Nam nói lên sự kính trọng, lòng biết ơn chân thành đối với những người thầy đã không tiếc tuổi xuân cống hiến cả cuộc đời cho đất nước. Bằng tất cả tình cảm trân trọng dành cho nhà giáo và nghề giáo, với truyền thống “uống nước nhớ nguồn”, “tôn sư trọng đạo”, ngọn lửa tình yêu cuộc sống, tình yêu con người, tình yêu nghề giáo sẽ mãi mãi rực sáng trong tâm trí chúng ta; thúc giục chúng ta phấn đấu xây dựng một xã hội công bằng, tốt đẹp.

    Hình minh hoạ
    Hình minh hoạ
  7. Côn Sơn – mảnh đất địa linh nhân kiệt. Đây thực sự là nơi vân du, ẩn dật và tu tâm dưỡng tính của các bậc danh nhân và bao tao nhân mặc khách, những người tiêu biểu cho tâm hồn, khí phách, văn hoá Việt Nam ở nhiều giai đoạn lịch sử. Trong số họ, Nguyễn Trãi người anh hùng dân tộc, danh nhân văn hoá thế giới đã nhiều lần, nhiều năm sống gắn bó, chan hòa cùng thiên nhiên tạo vật ở nơi đây. Ông đã coi Côn Sơn như “núi nhà”, “quê cũ” và tìm thấy ở chốn này bạn bè tri âm tri kỷ.


    Cũng hiếm đâu như ở Côn Sơn lại có nhiều trí thức, văn nhân, những nhà văn hoá đến thăm, cảm hứng và sáng tạo như ở Côn Sơn. Đã có bao người làm thơ về Côn Sơn. Và Trần Đăng Khoa, thần đồng thơ ca xứ Đông là một trong những người làm thơ ấy.


    “Đêm Côn Sơn” được Trần Đăng Khoa viết khi chú bé mới 10 tuổi. Thi phẩm tựa như là một ghi chép bằng thơ về một đêm ngủ ở Côn Sơn khi tham quan. Bài thơ có hai phần rõ rệt: phần thứ nhất (6 dòng đầu) và phần thứ hai (8 dòng cuối) được ngăn cách và nối nhau bởi một giấc ngủ bị ngắt quãng đột ngột do tiếng sấm rền.


    Như một bức ký hoạ về chốn lâm tuyền, “Đêm Côn Sơn” có cả núi rừng, cây cối, chim chóc, suối và cả ánh trăng. Tuy nhiên “bức tranh” miêu tả cảnh về đêm, tất cả chỉ hiện hình qua những âm thanh mà chỉ thính giác con người mới cảm nhận được.


    Khi màn đêm buông xuống, cảnh vật ở Côn Sơn như bị che phủ bởi tấm nhung huyền; chỉ còn đâu đây “tiếng chim vách núi nhỏ dần”. Bởi chim đã bay về tổ nên tiếng hót dần thưa thớt, mơ hồ… Dưới kia, tiếng suối “khi gần, khi xa” như “rì rầm” không dứt. Gần kề là tiếng lá đa ngoài thềm. Mọi âm thanh đều ở trạng thái giảm nhẹ (“nhỏ dần”), xa dần (“khi gần, khi xa”). Đêm nơi đây tĩnh lặng đến nỗi nghe thấy cả tiếng lá đa rơi.


    Câu thơ: Ngoài thềm rơi cái lá đa/Tiếng rơi rất mỏng như là rơi nghiêng” như “thần cú” của bài thơ đã được nhiều người khen không tiếc lời. Nhà thơ Tố Hữu nói: “Giời đã mượn cái miệng trẻ con của Khoa để làm thơ cho người lớn đọc. Không hiểu sao một chú bé 8 tuổi (thực ra lúc này Khoa đã 10 tuổi) lại có được câu thơ như vậy. Đó là câu thơ của Giời.” Nhà thơ Xuân Diệu thì lại khen Khoa nghe tinh, có giác quan tinh tế.


    Câu thơ hay vì ở đây có sự chuyển đổi cảm giác từ thính giác sang thị giác. “Nghe” tiếng lá đa rơi mà như “nhìn” thấy cả hình dáng chiếc lá (“rất mỏng”) và độ rơi của nó (“rơi nghiêng).


    Phải chăng đó là khoảnh khắc chiếc lá lìa cành, buông mình vào hư vô và bắt đầu hành trình của nó. Chiếc lá khẽ lắc lư một chút, đung đưa một chút, xoay vần nhẹ trên không rồi khẽ khàng chạm xuống mặt đất. Nhà thơ “nhí” đã ghi lại cái khoảnh khắc dịu dàng ấy bằng từ “rơi nghiêng”.


    Lấy “động” để tả “tĩnh”, câu thơ đã tôn lên rất nhiều sự tĩnh lặng, tôn nghiêm của chốn linh thiêng Côn Sơn.

    Nhưng thực ra ở Côn Sơn không có cây đa. Chiếc “lá đa” ấy là do Khoa “hư cấu” ra và nó được ghép vào hợp lý đến nỗi không ai thoáng gợn chút hoài nghi. Khoa đã dùng một cái không có thật (“lá đa”) để làm bật lên cái có thật, đó là sự yên tĩnh của Côn Sơn đêm nay.


    Về khuya, âm thanh càng nhỏ dần… và trước mắt chú bé Khoa chỉ còn hình ảnh “Mờ mờ ông bụt ngồi nghiêm” và “Nghĩ gì, ông vẫn ngồi yên lưng đền…” Trong cuốn “Chân dung và đối thoại”, Trần Đăng Khoa kể lúc đầu Khoa viết là “Sợ gì” (trẻ con vốn hay sợ, Khoa mới lên 10 tuổi, đêm tối sợ ma đã đành nhưng bụt cũng sợ). Nhà thơ Xuân Diệu đã chữa cho cậu học trò của mình chữ “sợ” bằng chữ “nghĩ”. Thế là ông bụt đã hoá thành cơ thể sống, đã thành sự sống. Xuân Diệu chỉ đổi một chữ mà thay đổi cả thần thái bài thơ.


    Phần hai của bài thơ bắt đầu bằng tiếng “sấm rền”:

    “Bỗng đâu vang tiếng sấm rền”


    Tiếng sấm rền ngoài trời hay tiếng sấm rền trong mơ? Và chú bé bừng tỉnh. Cảnh tượng huy hoàng, rực rỡ, sôi động khác hẳn phần đầu. Mọi âm thanh và ánh sáng đều ở cường độ mạnh. Đền thì “đỏ hương”, chuông thì kêu “ngang trời”, rừng thì “nổi gió”, suối thì “tuôn ào ào”, đồi thông thì “sáng” bừng lên dưới trăng cao. Cảnh càng kỳ ảo và mang tầm vóc vũ trụ hơn khi Khoa như nhìn thấy hồn thiêng Nguyễn Trãi “về thăm”. Nguyễn Trãi vẫn nhớ về “quê cũ” (chẳng phải trong “Quốc âm thi tập” ông đã viết về Côn Sơn:


    “Náu về quê cũ bấy nhiêu xuân

    Lẳng thẳng chưa lìa chốn trần” đó sao?”


    Cảnh như thực như mơ. Sự chuyển vần của đất trời nơi núi rừng Côn Sơn hay giấc mơ thần diệu của nhà thơ khi đặt chân tới chốn linh thiêng này? Có lẽ cả hai. Ở đoạn thơ này Trần Đăng Khoa đã phóng bút với những câu thơ thật hào mại, lãng mạn, bay bổng.


    Như một lẽ tự nhiên, nói đến Nguyễn Trãi là phải nói đến thơ. Và thật hồn nhiên Khoa đã nghe thấy tiếng “thơ ngâm” huyền bí:

    “Em nghe có tiếng thơ ngâm”


    Tiếng sấm rền có thể nghe trong mơ, vậy thì tiếng thơ ngâm có thật hay nghe bằng tâm tưởng, nghe trong ảo giác? Nguyễn Trãi hiện về đọc thơ chăng? Người đọc “Cáo bình Ngô” hay “Côn Sơn ca”. Tiếng thơ của Người vẫn vang vọng giữa đất trời, non nước này; Tấm lòng của Người vẫn sáng như sao Khuê. Nếu vậy thì “Đêm Côn Sơn” là bài thơ chiêu tuyết cho Nguyễn Trãi – vị lão thần đầu bạc đã chết dưới lưỡi đao oan nghiệt của triều đình phong kiến. Đọc câu thơ này của Trần Đăng Khoa, tôi miên man cảm thức như vậy… Nhưng tiếng thơ ngâm ấy (có người nói) cũng có thể là của một chú bộ đội. Bởi vì:


    “Ngoài kia nòng pháo ướt đầm sương khuya”


    Các chú bộ đội pháo cao xạ vẫn thức canh cho giấc ngủ của Côn Sơn yên tĩnh.

    Côn Sơn, nơi lưu giữ những trầm tích lịch sử và văn hoá của dân tộc, là mảnh đất thiêng không chỉ với người dân xứ Đông mà còn với muôn triệu người dân đất Việt. Đêm nay, hồn thiêng của thánh thần (“bụt”), của người anh hùng dân tộc (“Nguyễn Trãi”) cùng với núi rừng nơi đây, với người lính thời đại Hồ Chí Minh vẫn thức, giữ cho Côn Sơn mãi mãi bình yên. Điều đó càng có ý nghĩa hơn trong một đêm chiến tranh của năm 1968, khi giặc Mỹ bắt đầu leo thang bắn phá miền Bắc.


    Bài thơ của Trần Đăng Khoa không chỉ đem đến cho người đọc một “bức hoạ” đêm Côn Sơn đơn thuần mà còn là những nghĩ suy không kém phần sâu xa về đất nước.

    Hình minh hoạ
    Hình minh hoạ
  8. Tuổi thơ mỗi người là khoảng thời gian đẹp và yên bình nơi quê hương, những kỉ niệm đó là vẻ đẹp về cuộc sống sinh hoạt, đề tài đó được khá nhiều các nhà văn, nhà thơ đưa vào tác phẩm của mình, trong đó có Trần Đăng Khoa – một nhà thơ được mệnh danh là “Thần đồng thơ trẻ”.


    Thơ của ông chứa chan vẻ đẹp trẻ trung và mới mẻ về quê hương, ông sáng tác nhiều những tập thơ đồ sộ, nổi bật như bài thơ “Hạt gạo làng ta” hay “Thả diều” đều xoay quanh tuổi thơ của những bạn nhỏ và kỉ niệm êm đẹp trên quê hương yêu dấu. Chính vì lẽ đó, tác giả có một niềm yêu thương quê hương đất nước vô bờ. Và đặc biệt, tình cảm của ông được khắc họa rõ nhất qua bài thơ “Thả diều”.


    Ở những câu thơ đầu tiên, tác giả đã khéo léo miêu tả thiên nhiên hay cảnh sắc sự vật nông thôn chân thực và bình dị qua hình ảnh cánh diều:


    “Cánh diều no gió

    Sáo nó thổi vang

    Sao trời trôi qua

    Diều thành trăng vàng…

    Cánh diều no gió

    Tiếng nó chơi vơi

    Diều là hạt cau

    Phơi trên nong trời”


    Cánh diều khi đã gặp những cơn gió to và đủ để chúng có thể cất cánh trên bầu trời, tác giả sử dụng biện pháp điệp cú pháp câu văn để cho thấy được cánh diều bay cao trên bầu trời nhờ những cơn gió, “Cánh diều no gió” – cũng là một biện pháp nhân hóa mà tác giả sử dụng trong tác phẩm của mình, hình ảnh thơ đẹp của Trần Đăng Khoa như là một bức tranh toàn cảnh của thôn quê Việt Nam.


    Tiếng sáo đâu đó thổi ngân vang khắp làng quê, trên trời những đám mây thả trôi, cánh diều bay lượn tít tắp trên bầu trời. Cánh diều bay trên bầu trời cùng với gió là tiếng diều vi vu, tác giả sử dụng hình ảnh chiếc thuyền để nói lên tiếng diều vi vu trên bầu trời. Thông qua những hình ảnh cụ thể, tác giả đã nói lên tình cảm yêu thương của mình với quê hương đất nước.


    “Trời như cánh đồng

    Xong mùa gặt hái

    Diều em – lưỡi liềm

    Ai quên bỏ lại

    Cánh diều no gió

    Nhạc trời réo vang

    Tiếng diều xanh lúa

    Uốn cong tre làng”


    Đến những câu thơ tiếp theo, hình ảnh của làng quê Việt Nam bước vào ngày mùa, cánh đồng tít tắp trên bầu trời trong xanh, mùa gặt đang được diễn ra gần xong xuôi, chiếc diều như là lưỡi liềm trên bầu trời đầy, diều trên bầu trời vẫn tung cánh và sải cánh bay, cùng với đó những người nông dân, nhân vật trữ tình “em” vãn đang thầm lặng với công việc gặt lúa trên cánh đồng, cánh đồng đầy những hạt vàng của quê hương.


    Đó là hình ảnh đầy gần gũi và quen thuộc của quê hương Việt Nam, hình ảnh bình dị đó được tác giả khắc họa một cách vô cùng tự hào về quê hương của mình, Trần Đăng Khoa là vậy, thơ ông chân thật và giản dị vô cùng, lời thơ đầy ấm áp và bình dị nhưng diễn tả rất rõ cảm xúc khi sáng tác bài thơ và cảm nhận đã từng được sống những ngày tháng tuổi thơ tươi đẹp.


    “Ơi chú hành quân

    Cô lái máy cày

    Có nghe phơi phới

    Tiếng diều lượn bay?

    Tiếng diều vàng nắng

    Trời xanh cao hơn

    Dây diều em cắm

    Bên bờ hố bom…”


    Cánh diều thiên nhiên, cánh diều trong làng quê vẫn bay bổng trên bầu trời, công việc lao động của con người vấn đang diễn ra, tăng gia sản xuất, những chú bộ đội đang hành quân, cô nông dân lái máy cày, cuộc sống dù vẫn còn nhiều vất vả nhưng họ vẫn cố gắng miệt mài làm việc, đó là hình ảnh đẹp của con người luôn nỗ lực làm việc để xây dựng và bảo vệ quê hương tươi đẹp, đem cả những năm tháng tuổi thơ đầy quý báu của mình để cống hiến cho sự nghiệp phát triển của đất nước.


    Qua bài thơ, tác giả Trần Đăng Khoa đã thể hiện rõ tình cảm của mình với quê hương đất nước qua bài thơ Thả diều. Có thể thấy, không chỉ có bài thơ này mà trong các tác phẩm về quê hương của ông cũng có thể thấy được những tình cảm lớn lao của ông dành cho quê hương đất nước thì tác phẩm thơ ca của Trần Đăng Khoa mới thành công đến vậy. Ông cũng muốn gửi đến bạn đọc những thông điệp về cuộc sống hãy yêu quê hương và yêu tuổi thơ của mình.

    Hình minh hoạ
    Hình minh hoạ
  9. Trần Đăng Khoa là một nhà thơ nổi tiếng vốn được mệnh danh là” Thần đồng thơ trẻ “. Đánh thức trầu là bài thơ vừa cho thấy lối thơ trong sáng, hồn nhiên chân thành của trẻ thơ vừa thể hiện tình cảm yêu mến, gắn bó và trân trọng cây cối của cậu bé.


    Với quan niệm hồn nhiên của con trẻ, Trần Đăng Khoa đã đánh thức trầu bằng một lối riêng – câu hát để hái trầu đêm của bà em. Câu hát của bà như là chiếc cầu nối quá khứ vào hiện tại để làm nổi bật tình cảm hồn nhiên và thái độ đối xử bình đẳng, mến thân của Trần Đăng Khoa với bạn Trầu.


    Muốn xin mấy lá trầu không thì không thể không đánh thức chủ nhân:” Đã ngủ rồi hả trầu? “. Trong câu hỏi của cậu vừa thân mật lại vừa có một tí so sánh, một tí lí sự rất trẻ con: Đã ngủ rồi hả trầu? Tao đã đi ngủ đâu/ Mà trầu mày đã ngủ (Mày và tao cùng là trẻ con, cùng chơi ban ngày, vậy sao mày đi ngủ sớm thế) ?

    Nhưng có lẽ Trầu ngủ say quá, chú bé Trần Đăng Khoa lại phải đánh thức, phải gọi, phải nhắc lại yêu cầu” Trầu ơi hãy tỉnh lại! “Kèm theo đó là một lời hứa” Tay tao hái rất nhẹ / Không làm mày đau đâu ” thể hiện tình cảm trân trọng, nâng niu, yêu và quý loài cây này như một người bạn thân thiết.


    Nhưng anh bạn Trầu này cũng như cậu bé Khoa, thường ngủ rất say và có khi tỉnh rồi vẫn có thể ngủ lại ngay nên phải đánh thức đến lần thứ ba Đã dậy chưa hả Trầu?


    Cách xưng hô thân thiết mày – tao của cậu bé với cây trầu – vật vô tri, thể hiện tình cảm gần gũi, gắn bó thân thiết, trân trọng, nâng niu, yêu và quý loài cây này như một người bạn thân thiết. Đồng thời cũng thể hiện quan niệm của dân gian: Hái trầu đêm dễ làm trầu lụi nên phải đánh thức trầu, nói rõ lí do, phải hái rất nhẹ nhàng và chỉ hái vài lá đủ dùng cho bà và cho mẹ.


    Câu thơ cho thấy Khoa rất quý bà, thương mẹ bởi không ít bạn ở tuổi này dễ vin vào lí do trẻ con, sợ tối, hãi ma để khước từ việc ra vườn một mình hái trầu trong đêm tối.


    Bài thơ sử dụng biện pháp tu từ nhân hóa (gọi vật như gọi người, trò chuyện với vật như với người, tả vật như tả người) liên tiếp trong các dòng thơ thể hiện tình cảm yêu quý và cách đối xử bình đẳng với câu cối. Cậu bé Khoa cũng rất quí, rất thương trầu nên mong ước” Đừng lụi đi trầu ơi!”, đồng thời cho thấy tâm hồn trắng trong như lụa của tuổi thơ trong tình bạn – dù là bạn với cỏ cây.


    Tóm lại, với giọng thơ hồn nhiên, hình ảnh mộc mạc, dễ hiểu, nhân hóa ấn tượng, bài thơ cho thấy tình cảm mến yêu gắn bó của cậu bé với cây trầu, vừa hồn nhiên vừa chân thành. Cậu trân trọng cây cối, yêu quý, coi cây cối như người bạn thân.


    Đây là bài thơ tiêu biểu thể hiện cách ứng xử của người thôn quê đối với cây cối trong vườn như đối với những người bạn thâm tình.

    Hình minh hoạ
    Hình minh hoạ
  10. Mẹ ốm là bài thơ lục bát của Trần Đăng Khoa đọc lên nghe thật cảm động. Bài thơ là tấm lòng ân tình sâu nặng, là tình thương mẹ thiết tha của đứa con thơ giàu lòng hiếu thảo đối với mẹ hiền.


    Mọi hôm, mẹ thích vui cười. Mẹ vẫn thích ăn trầu và đọc Kiều. Thế mà hôm nay, mẹ bị ốm, mẹ chẳng nói cười được nữa. Lá trầu, trang Kiều cũng trở nên cô đơn buồn thương:


    Lá trầu khô giữa cơi trầu

    Truyện Kiều gấp lại trên đầu bấy nay.


    Mẹ nằm liệt giường, liệt chiếu. Ruộng vườn nhớ mong mẹ sớm trưa:

    Cánh màn khép lỏng cả ngày

    Ruộng vườn vắng mẹ cuốc cày sớm trưa


    Con thương mẹ ngã bệnh “đau buốt, nóng ran”. Bà con xóm làng, anh y sĩ…tất cả đến thăm hỏi ân cần chăm sóc. Tình nghĩa anh em bà con như bát nước đầy:


    Mẹ ơi! Cô bác xóm làng đến thăm

    Người cho trứng, người cho cam

    Và anh y sỹ đã mang thuốc vào


    Đứa con khi nhìn mẹ “lần giường tập đi” mà thương mẹ, người mẹ tần tảo, vất vả cả đời đi gió về sương, người mẹ đã dành tất cả cho đàn con thơ:


    Vì con, mẹ khổ đủ điều

    Quanh đôi mắt mẹ đã nhiều nếp nhăn.


    Thương mẹ ốm đau, đứa con thơ chỉ cầu mong:


    Con mong mẹ khoẻ dần dần

    Ngày ăn ngon miệng, đêm nằm ngủ say


    Với con thơ, mẹ là cuộc đời, mẹ là hạnh phúc, mẹ là quê hương đất nước của con. Biết bao yêu mến, biết ơn và tự hào về mẹ:


    Mẹ là đất nước tháng ngày của con


    Có tấm lòng nào bao la bằng tấm lòng của mẹ hiền? Có tình thương nào tha thiết, sâu nặng bằng tình con thương mẹ. Bài thơ Mẹ ốm của Trần Đăng Khoa cho ta cảm thấy sâu sắc hơn tình mẫu tử ở đời.

    Hình minh hoạ
    Hình minh hoạ
  11. Bài Mưa được Trần Đăng Khoa viết năm 1967, khi ấy tác giả mới lên chín tuổi. Thơ tuổi thơ của Trần Đăng Khoa thường viết về những cảnh vật và con người bình dị, gần gũi ở làng quê, nơi góc sân vườn nhà, nhưng lại từ chỗ đó mà nhìn ra được đất nước và mang khí thế của thời đại chống Mỹ cứu nước. Bài thơ Mưa cũng nằm trong mạch sáng tác ấy.


    Bức tranh mưa rào được Trần Đăng Khoa miêu tả theo trình tự thời gian. Từ lúc sắp mưa đến trong cơn mưa. Quang cảnh lúc trời sắp mưa được mở đầu bằng hai dòng thơ lặp lại:

    Sắp mưa

    Sắp mưa


    Như lời báo động rất khẩn trương cho mọi người biết là cơn mưa rào đã đến. Quang cảnh được diễn ra bằng hàng loạt hình ảnh diễn tả sự hoạt động của cảnh vật rất sống động: cả họ hàng nhà mối rời tổ bay ra, bay cao, bay thấp, nhào lộn trong không trung, mối già, mối trẻ sao mà nhiều mối thế! Đích xác là trời sắp mưa rồi!


    Dưới đất đàn gà con đang rối rít tìm nơi ẩn nấp. Vội vã quá! Kìa ông trời đã mặc áo giáp đen ra trận, mưa đã múa gươm, kiến đang hành quân, rồi bụi bay, gió cuốn… Tất cả, tất cả đều vội vã, khẩn trương hành động khi cơn mưa sắp tới. Còn có hình ảnh nào đẹp hơn:


    Cỏ gà rung tai

    Nghe

    Bụi tre

    Tần ngần

    Gỡ tóc

    Hàng bưởi

    Đu đưa

    Bế lũ con thơ

    Đầu tròn

    Trọc lốc


    Từ động tác của cây cỏ gà và động tác rung rinh của nó trong cơn gió mà tác giả đã hình dung ra như cái tai cỏ gà rung lên để nghe âm thanh của những cơn gió mạnh lúc trời sắp mưa; những cành tre và lá tre bị gió thổi mạnh được hình dung như mớ tóc của bụi tre đang gỡ rối. Nhưng càng gỡ càng rối bởi gió mỗi lúc càng mạnh hơn. Một hình ảnh so sánh rất táo bạo của nhà thơ: những quả bưởi được ví như lũ trẻ con, đầu không có tóc đang ẩn náu trong những cành lá bưởi đang đưa đi, đưa lại trước gió…


    Nhà thơ phải quan sát thật kĩ và vô cùng tinh tế, qua cảm nhận bằng mắt và tâm hồn của trẻ thơ, kết hợp với sự liên tưởng phong phú, mạnh mẽ mới có được những vần thơ hồn nhiên và độc đáo đến như vậy!

    Cơn mưa được miêu tả theo cấp độ tăng dần. Nếu như quang cảnh khi trời sắp mưa là sự hoạt động và trạng thái khẩn trương, vội vã của cây cối và loài vật thì trong cơn mưa, khung cảnh thiên nhiên được tác giả miêu tả dữ dội hơn, sự hoạt động của sự vật và có cả con người nữa có phần mạnh mẽ hơn.


    Chớp

    Rạch ngang trời

    Khô khốc.


    Từ rạch có sức gợi sự hoạt động của tia chớp quá nhanh và mạnh đến nỗi như người cầm dao rạch đứt đôi bầu trời để từ vết rạch đó toé ra những tia lửa điện báo hiệu trời mưa đã đến nơi rồi. Kèm theo chớp là sấm sét, một sự liên tưởng hợp với lô-gíc tự nhiên. Biện pháp nhân hoá được sử dụng liên tiếp trong đoạn thơ: Sấm cười, cây dừa sải tay bơi, ngọn mùng tơi nhảy múa. Những vật vô tri vô giác vào thơ của Trần Đăng Khoa đều có hồn.


    Bức tranh sống động, rộn ràng hơn khi tác giả miêu tả âm thanh:

    Mưa

    Mưa

    Ù ù như xay lúa

    Lộp bộp

    Lộp bộp.


    Cả không gian đất trời mù trắng nước. Nước sủi bọt bong bóng phập phồng dưới mái hiên. Cây lá được uống mưa, tắm mưa tươi tỉnh “hả hê” sung sướng.


    Hình ảnh con người được hiện lên trong bức tranh thiên nhiên rất đẹp. Trong cơn mưa dữ dội, con người đã bất chấp:


    Đội sấm

    Đội chớp

    Đội cả trời mưa…


    Ở đây có sự đối lập giữa thiên nhiên và con người. Một bên là mưa, sấm, chớp dữ dội, một bên là sự chủ động bình tĩnh của con người. Phải chăng tác giả đã sử dụng thiên nhiên như là một cái nền tôn cao tư thế của con người. Con người ở đây là Người cha đi cày về.


    Đi cày là một công việc bình thường và quen thuộc ở làng quê đã được hiện lên, nổi bật với dáng vẻ lớn lao, với tư thế vững vàng giữa khung cảnh thiên nhiên dữ dội của trận mưa như là bất chấp tất cả, vượt lên tất cả để tự tin, chiến thắng. Điệp từ đội được sử dụng liên tiếp trong ba dòng thơ cuối bài đã làm cho con người trở thành điểm sáng giữa bức tranh thiên nhiên.


    Bài thơ tả cảnh mưa thành công bởi thể thơ và nhịp điệu thơ. Với thể thơ tự do, những câu thơ ngắn, từ một đến năm tiếng, số câu ngắn chiếm rất nhiều. Trong bài chỉ có hai câu thơ năm tiếng: câu 48 và câu 60, phần lớn là câu hai tiếng, và đặc biệt có tới 10 dòng thơ một tiếng. Các câu thơ ngắn, không đều nhau đã tạo ra nhịp nhanh, mạnh, dồn dập, diễn tả sinh động từng đợt dồn dập, dữ dội của cơn mưa rào mùa hè.


    Mưa của Trần Đăng Khoa là sự kết tinh của những nét nghệ thuật đặc sắc, thể hiện qua tài năng quan sát và miêu tả tinh tế, năng lực liên tưởng phong phú của tác giả. Cách cảm nhận thiên nhiên ở bài thơ vừa hồn nhiên vừa sâu sắc. Bài thơ đã miêu tả chính xác và sinh động cảnh tượng cơn mưa rào ở làng quê qua những hoạt động và trạng thái của nhiều cảnh vật, loài vật, con người trước và trong cơn mưa.

    Hình minh hoạ
    Hình minh hoạ




Công Ty cổ Phần Toplist
Địa chỉ: Tầng 3-4, Tòa nhà Việt Tower, số 01 Phố Thái Hà, Phường Trung Liệt, Quận Đống Đa, Thành phố Hà Nội
Điện thoại: 0369132468 - Mã số thuế: 0108747679
Giấy phép mạng xã hội số 370/GP-BTTTT do Bộ Thông tin Truyền thông cấp ngày 09/09/2019
Chịu trách nhiệm quản lý nội dung: Nguyễn Duy Ngân
Chính sách bảo mật / Điều khoản sử dụng | Privacy Policy