Top 8 Bài văn phân tích Nữ thần Mặt Trăng và Mặt Trời (Ngữ văn 10) hay nhất

Thai Ha 3829 0 Báo lỗi

Truyện “Nữ thần Mặt Trời và Mặt Trăng” là câu truyện với nội dung kể về vòng hoạt động tự nhiên của ngày và đêm, của mặt trời và mặt trăng. Sau đây hãy cùng ... xem thêm...

  1. Mặt trăng và mặt trời là hai sự vật không thể nào thiếu để duy trì sự sống của con người. Đây là hai vật thể đặc biệt của vũ trụ, cả hai đều có thể chiếu sáng xuống trái đất và lúc ẩn, lúc hiện trên bầu trời. Chính vì sự đặc biệt và kì bí cũng như to lớn của mình, con người luôn không ngừng muốn khám phá về mặt trăng và mặt trời.


    Từ thuở xa xưa, trên thế giới có rất nhiều câu chuyện do dân gian truyền lại được sáng tác để giải thích về nguồn gốc của mặt trăng và mặt trời. Trong kho tàng văn học Việt Nam cũng có một tác phẩm thần thoại nói về nguồn gốc của hai vật thể kì diệu này, đó chính là tác phẩm “Nữ thần Mặt Trời và Mặt trăng”. Tác phẩm đã đưa người đọc đến một thế giới thật kì ảo và mơ mộng, bằng cách xây dựng nội dung và sử dụng nghệ thuật đặc sắc. Vậy nội dung và nghệ thuật của tác phẩm “Nữ thần Mặt Trời và Mặt Trăng” đặc sắc ra sao?


    Về nội dung, tác phẩm được xây dựng với nội dung thu hút, khiến cho người đọc tò mò và thích thú. Câu truyện “Nữ thần mặt trời và mặt trăng” kể về hai người con gái của Ngọc hoàng có tên là Mặt Trăng và Mặt Trời. Họ được giao cho công việc hằng ngày thay phiên nhau đi xem xét mọi việc trên nhân gian. Mặt Trời sẽ ngồi kiệu có bốn người khiêng đi xem xét, chia ra thành tốp già và tốp trẻ, tốp già đi nhanh do có trách nhiệm với công việc, còn tốp trẻ do ham chơi nên thường đi mất nhiều thời gian hơn. Từ đó, đã lí giải cho việc có hôm ngày dài, có hôm ngày ngắn. Còn Mặt Trăng thì do tính tình nóng nảy nên mẹ nữ thần phải trát tro vào mặt, khiến cho tính cô trở nên hiền dịu hơn. Còn có một lí giải khác cho màu sắc của Mặt Trăng là do hay xuống nhân gian làm cho mọi người sợ nên đã bị Quải vung cát vào mặt, khiến từ đó mặt cô trở nên bớt nóng và hiền dịu hơn. Trong nội dung truyện còn chỉ ra Mặt Trăng có hình dáng khác nhau do lúc thì Trăng nhìn thẳng, khi lại quay lưng,...Ngoài ra, để giải thích cho nhật thực và nguyệt thực, chuyện còn xuất hiện một nhân vật là một con Gấu, chồng của hai nữ thần Mặt Trăng và Mặt Trời. Nội dung của tác phẩm quả thật rất thu hút và dễ nhớ đối với bất kì một người đọc nào, đọc tác phẩm, người đọc chúng ta như đang được du ngoạn trên thế giới kỳ ảo, mơ mộng của vũ trụ bao la ngoài xa kia. Qua đó, như để khẳng định đến với tất cả mọi người rằng, mọi sự vật, hiện tượng trên thế gian này đều có nguồn gốc nhất định.


    Để tạo nên thành công của tác phẩm, ngoài nội dung thu hút, mới lạ, “Nữ thần Mặt Trời và Mặt Trăng” còn có biện pháp nghệ thuật đặc sắc, đó là sử dụng những yếu tố kì ảo. Trong truyện, cả hai nữ thần đều có những sức mạnh mà người bình thường không thể có được. Cả hai đều có khả năng chiếu sáng cho thế gian và ảnh hưởng tới đời sống của con người. Mặt Trời có thể tạo ra ban ngày, rồi ngày lại có cả ngày dài, ngày ngắn. Mặt Trăng có thể tạo ra ban đêm, có thể quay các vị trí khác nhau để cho con người đếm ngày trong một tháng. Đây hoàn toàn là những công việc mà một con người không thể nào làm được, mà con người chỉ biết phụ thuộc vào nó. Nhờ những sức mạnh siêu nhiên của mình mà Nữ thần Mặt Trời và nữ thần Mặt Trăng đã cùng với những vị thần khác như Thần Trụ Trời, Thần Gió, Thần Sấm sét tạo ra thế giới này và giúp thế giới vận hành, cuộc sống con người được diễn ra. Việc chọn nghệ thuật sử dụng những chi tiết kì ảo đã giúp cho thần thoại Nữ thần Mặt Trời và Mặt Trăng được lưu truyền rộng rãi cho tới ngày nay. Đây là một biện pháp nghệ thuật thú vị và mang đậm sự huyền ảo, kì bí. Qua đó đã thể hiện được tính sáng tạo và trí tưởng tượng phong phú của người xưa.


    Nhờ xây dựng nội dung và sử dụng biện pháp nghệ thuật đặc sắc, tác phẩm Nữ thần Mặt Trời và Mặt Trăng đã để lại dấu ấn trong lòng người đọc. Tác phẩm đã giải thích cho người đọc nguồn gốc của thế giới và các hiện tượng diễn ra xung quanh chúng ta dưới con mắt sáng tạo của người xưa. Qua đó như muốn nhắn nhủ tới chúng ta hãy luôn không ngừng khám phá, tìm hiểu thế giới xung quanh và phải biết yêu thiên nhiên hơn.

    Hình minh hoạ
    Hình minh hoạ

  2. Qua truyện Nữ thần Mặt Trời và Mặt Trăng, có thể thấy rằng cách nhận thức và lí giải nguồn gốc thế giới của người Việt xưa hết sức tự nhiên và vẫn lấy gốc là con người và những sự vật quen thuộc để giải thích.


    Câu chuyện lí giải về những hiện tượng tự nhiên xảy ra trong cuộc sống hằng ngày liên quan đến Mặt Trời và Mặt Trăng. Qua đó, khẳng định rằng mỗi sự việc xuất hiện trên Trái Đất này đều có nguồn gốc rõ ràng.

    Không gian trong truyện Nữ thần Mặt Trời và Mặt Trăng là không gian vũ trụ, đang trong quá trình tạo lập, không xác định nơi chốn cụ thể, không có chi tiết nào nhắc về địa điểm diễn ra những sự việc trên. Thời gian trong truyện diễn ra từ thời cổ sơ và ta cũng thể xác định được câu chuyện đó diễn ra vào thời gian cụ thể nào. Cốt truyện xoay quanh sự xuất hiện của thần Mặt Trăng và Mặt Trời, lí giải nguồn gốc về những hiện tượng tự nhiên của Trái Đất. Nhân vật trong truyện là Thần Mặt Trời và Thần Mặt Trăng có sức mạnh phi thường để thực hiện công việc sáng tạo thế giới.


    Các truyện thần thoại như Thần Trụ trời và Nữ thần Mặt Trời và Mặt Trăng rất có giá trị đối với thế hệ trẻ ngày nay vì giúp trẻ có thể giải thích được những thắc mắc của mình về thế giới xung quanh, đồng thời giúp các em hiểu hơn về các sự vật quanh mình.

    Hình minh hoạ
    Hình minh hoạ
  3. Trong câu chuyện "Nữ thần Mặt Trời và Mặt Trăng", nhân vật Nữ thần Mặt Trời và Mặt Trăng được miêu tả là hai hình ảnh đối lập nhau, đại diện cho sự tương phản giữa ánh sáng và bóng tối, nắm giữ vai trò quan trọng trong việc điều chỉnh ban ngày và ban đêm. Nữ thần Mặt Trời được mô tả là một người phụ nữ xinh đẹp, có mái tóc óng ả và ánh sáng tỏa ra từ cơ thể. Cô ta mang trong mình vẻ đẹp rực rỡ của ánh nắng mặt trời, biểu hiện qua tính cách lạc quan, sống động. Nàng là biểu tượng của sự hy vọng, niềm tin vào cuộc sống.


    Với khả năng chiếu sáng toàn bộ hành tinh này, Nữ thần Mặt Trời mang theo một khí chất quyền uy. Mặt khác, Mặt Trăng lại có hình dạng thanh thoát hơn. Cô ta được miêu tả như một thiếu nữ yếu ớt với khuôn mặt trắng tranh và mái tóc dài óng ả. Ánh sáng từ cơ thể Mặt Trăng nhạt nhòa, tạo ra một không gian bí ẩn và lãng mạn. Mặt Trăng đại diện cho sự yên tĩnh, sự trầm lắng và cảm xúc sâu xa. Cô ta là biểu tượng của cái đẹp trong im lặng và khám phá bản thân. Dù có tính chất trái ngược nhau, Nữ thần Mặt Trời và Mặt Trăng lại hoàn thành nhiệm vụ quan trọng của mình: duy trì cân bằng giữa ánh sáng và bóng tối trong tự nhiên. Sự hiện diện của họ mang lại cho con người niềm hy vọng vào cuộc sống ban ngày và cảm xúc trong cuộc sống ban đêm.


    Tóm lại, câu chuyện "Nữ thần Mặt Trời và Mặt Trăng" phân tích hai nhân vật chính theo hai khía cạnh đối lập: Nữ thần Mặt Trời biểu hiện ánh sáng, hy vọng; trong khi đó, Mặt Trăng mang ý nghĩa yên tĩnh, bí ẩn. Hai nhân vật này kết hợp để duy trì sự cân bằng tự nhiên giữa ban ngày và ban đêm.

    Hình minh hoạ
    Hình minh hoạ
  4. Truyện kể rằng, Ngọc Hoàng có hai cô con gái, cô chị có tính nết nhu mì, hiền lành tên là Mặt Trời. Trái lại, cô em Mặt Trăng tính tình nóng nảy, có phần hơn cả cô chị. Công việc của hai chị em hằng ngày là thay phiên nhau đi quát sát, xem xét hạ giới. Một ngày, cô chị Mặt Trời ngồi trên kiệu được bốn người khiêng đi, trong số đó có hai bọn là bọn trẻ và bọn già. Bọn trẻ vì tính hay la cà nên đến lượt khiêng kiệu, cô chị Mặt Trời thường về muộn, còn đổi lại là bọn già, với suy nghĩ làm tròn phận sự nên đưa nữ thần về nhanh hơn. Cô em Mặt Trăng như đã nói thì tính tình nóng nảy, khó ưa, Ngọc Hoàng biết chuyện, bà mẹ phải trát cho nữ thần một lần tro vào mặt cũng từ đó tính tình Mặt Trăng nhẹ nhàng và nhu mì hơn mỗi lần cô ngoảnh mặt nhìn xuống nhân gian thì lúc đó là trăng rằm, cô ngoảnh lưng lại tức là ba mươi, mồng một, cô ngoảnh sang phải, sang trái tức là thời kì trăng thượng huyền hay hạ huyền. Như đã nói, cô Mặt Trăng nóng nảy, ghê gớm làm hại người và nhân gian. Tính tình cô ngang bướng thích ngao du nhân dân mà không biết tai hại do mình gây ra. Bấy giờ trong nhân dân có chàng Quải khỏe mạnh, anh ta quyết tâm trị cho cô Mặt Trăng một mẻ. Một hôm, cô Mặt Trăng như thường lệ sà xuống nhìn vạn vật thì chàng Quải nắm cát túi bụi vào mặt cô. Nhân dân hò reo vui mừng. Mặt Trăng bị ném tối tăm mặt mũi và từ đó không dám sà xuống rửa. Mặt cô không còn sáng như trước nữa. Đoạn cuối kể về con Gấu - chồng của hai nữ thần từ đó giải thích hiện tượng nhật thực và nguyệt thực trong nhân gian.


    Hình tượng hai nữ thần Mặt trời và Mặt trăng phản ánh quan niệm, cách nhìn nhận của người xưa về thế giới tự nhiên như sau: Thế giới tự nhiên luôn chứa đựng một thế lực siêu nhiên chi phối và tác động đến đời sống con người. Đồng thời muốn nói lên sự ham học hỏi, khát khao giải thích trí tò mò và chinh phục thế giới tự nhiên của người xưa.


    Niềm tin thiêng liêng vào một thế giới nơi mọi vật đều có linh hồn là một trong những nét đẹp của thần thoại. Tín ngưỡng đó vẫn có sức hấp dẫn đối với con người hiện đại, nó thể hiện ở những tín ngưỡng của nhân dân ta vẫn được lưu giữ và truyền bá cho các thế hệ hôm nay như thờ thần núi, thần nước, cá… Có thể nói, người Việt Ta còn có một sự vô hình. niềm tin vào các vị thần cai quản thiên nhiên.


    Tin vào sự tồn tại của một thế giới khác không phải là điều xấu, nếu điều đó khiến chúng ta trở nên tốt đẹp hơn. Chỉ những kẻ dựa vào đó để trục lợi và lợi dụng niềm tin của người khác đáng bị phê phán.

    Hình minh hoạ
    Hình minh hoạ
  5. Tương truyền, nữ thần Mặt Trăng và Mặt Trời là hai cô con gái của Ngọc Hoàng, tính tình trái ngược nhau, một người hiền lành còn một người nóng nảy, ghê gớm. Trên thiên đình, công việc của hai chị em là xem xét dân sự một vòng luân phiên nhau. Một ngày, Mặt Trời - cô chị hiền lành được khênh bằng kiệu có bốn người khiêng để tham quan hạ giới, số đó có bọn già và bọn trẻ, bọn trẻ mải chơi nên đưa cô chị về muộn, bọn già thì lo làm trọn phận sự không nghĩ gì mà đưa cô chị về nhanh. Mặt Trăng - cô em như đã nói, tính tình nóng nảy, khó ưa, sự việc đến tai Ngọc Hoàng, bà mẹ trát cho nữ thần một lần tro vào mặt từ đó tính tình Mặt Trăng nhẹ nhàng và nhu mì hơn mỗi lần cô ngoảnh mặt nhìn xuống nhân gian thì lúc đó là trăng rằm, cô ngoảnh lưng lại tức là ba mươi, mồng một, cô ngoảnh sang phải, sang trái tức là thời kì trăng thượng huyền hay hạ huyền. Tính tình Mặt Trăng nóng nảy là vậy, cô không biết mình đã làm hại nhân gian và vạn vật như thế nào. Lúc đó, trong nhân dân có chàng Quải vóc dáng khỏe khoắn, quật cường đã trị cho Mặt Trăng một bài học. Khi Mặt Trăng ló đầu xuống quan sát hạ giới, chàng Quải phục sẵn ở đó nắm cát túi bụi vào mặt cô. Nhân dân vui mừng reo hò. Kể từ đó, Mặt Trăng không dám sà xuống nữa, ánh sáng cũng bớt dần trên mặt cô. Ở đoạn cuối, kể về hai nữ thần có chồng là một con Gấu đồng thời giải thích hiện tượng thiên nhiên là nhật thực và nguyệt thực.


    Hình ảnh thần Mặt Trăng hiện lên trong câu truyện Nữ thần Mặt Trời và Mặt Trăng là một trong hai đứa con cưng của Ngọc Hoàng. Với tính tình nóng nảy, ngang ngược hơn cả cô chị Mặt Trời, cô em Mặt Trăng ngày ngày lan tỏa sức nóng của mình tới mặt đất, làm hại cho con người và cấy cối, sự vật. Nhắc đến cô, ai ai cũng phải kinh hãi, khiếp sợ. Nhưng rồi một ngày nọ, một sự việc xảy ra làm thay đổi cuộc đời của cô. Bấy giờ, trần gian có một người tên Quải vì quá uất ức, căm phẫn trước sự tàn phá của cô, Quải núp sau dãy núi chờ cô Mặt Trăng sà xuống rồi hất cát túi bụi vào mặt cô làm cho cô sợ hãi lao vội quay lại trời. Từ đó, Mặt Trăng không dám quay trở lại mặt đất nước, khuôn mặt của cô cũng bị cát bụi làm cho xám xịt. Nhưng nỗi bất hạnh đó của cô lại cứu đỗi cuộc sống của cô bởi nó đã làm cho cô trở nên hiền dịu, yên bình hơn nên mọi người ai cũng quý. Người đời truyền tai nhau rằng, hễ cô ngoảnh mặt xuống trần gian là đêm trăng rằm, cô quay lưng lại nghĩa là mùng một, cô quay sang hai bên thì tức là trăng hạ huyền hoặc thượng huyền. Có những lúc xuất hiện trăng quầng là lúc mà mặt mũi cô sáng trở lại bởi gió đã thổi bụi trên mặt cô. Ta có thể thấy, Mặt Trăng thay đổi đem lại rất nhiều lợi ích cho con người, Trăng theo chân soi sáng con đường ta đi, là người bạn đồng hành trên mọi nẻo đường. Trăng còn dự báo thời tiết khi được nhắc đến trong câu nói” Trăng quầng trời hạn, Trăng tán trời mưa”.


    Qua câu truyện cổ tích trên, người xưa muốn lí giải về hiện tượng trăng rằm, trăng đêm 30 và mùng một, trăng thượng huyền, trăng hạ huyền và trăng quầng. Từ đó, thể hiện khát khao, mong muốn chinh phục thiên nhiên của con người. Thiên nhiên có mối quan hệ gắn bó mật thiết với sự tồn tại và phát triển của con người, vì vậy mỗi con người chúng ta hay chung tay bảo vệ thiên nhiên.

    Hình minh hoạ
    Hình minh hoạ
  6. Từ thuở sơ khai, người xưa đã tin vào những hiện tượng thiên nhiên với khát khao lý giải và chinh phục chúng. Câu truyện Nữ thần Mặt Trời và Mặt Trăng đã thể hiện điều đó.


    Hình ảnh thần Mặt Trăng trong câu truyện hiện lên là một người con gái xinh đẹp của Ngọc Hoàng, là người con thứ sau chị Mặt Trời. Hai chị em tính tình nóng nảy nhưng cô em Mặt Trăng còn nóng nảy hơn chị gấp mấy lần. Với sức nóng có thể tàn phá mọi sinh vật nhưng cô Mặt Trăng đi đâu cũng sà sát xuống mặt đất khiến cho người dân khiếp sợ, kêu kiện lên với Ngọc Hoàng. Ngọc Hoàng rất thương cô nên dân chúng vẫn tiếp tục chịu cảnh đày đọa, khô hạn. Để rồi đến một hôm, chàng trai khỏe mạnh tên Quải quá căm phẫn trước hành động tác oai tác quái của cô Mặt Trời. Chàng đã rình trước hẻm núi, chờ khi cô Mặt Trăng đi xuống rồi hất tung vốc cát bụi vào mặt cô Mặt Trăng khiến cô trở tay không kịp, sợ hãi bay vội về thiên đình. Từ đó, mặt mũi cô xám xịt và không dám quay xuống hạ giới nữa. Người xưa đồn thổi với nhau rằng, hễ cô ngoảnh mặt xuống trần gian là trăng rằm, cô quay đi tức là đêm 30, mùng 1. Cô quay sang trái, sang phải là hiện tượng trăng hạ huyền hoặc thượng huyền. Còn khi ta thấy trăng quầng, tức là cát bụi trên mặt cô đã bị cơn gió cuốn bay. Từ những lí giải của người xưa, ta hiểu được nguyên nhân của hiện tượng trăng rằm, trăng đêm 30, mùng 1 và trăng hạ huyền, trăng thượng huyền và trăng quầng. Ta còn thấy được niềm tin của người xưa vào các thần thoại, thế giới tự nhiên luôn chất chứa một đấng siêu nhiên tác động, chi phối đến đời sống con người.


    Qua đó, ta rút ra được bài học về mối quan hệ khăng khít của thiên nhiên với nhân loại và khát khao cháy bỏng khám phá, chinh phục, bảo vệ thiên nhiên. Chúng ta hãy cùng chung tay bảo vệ thiên nhiên góp phần cho một cuộc sống tươi đẹp.

    Hình minh hoạ
    Hình minh hoạ
  7. Chắc chắn ai trong chúng ta cũng sẽ bị thu hút bởi những câu chuyện thần thoại với các yếu tố kì ảo, hoang đường. Nhưng các tác giả dân gian không sáng tác những câu chuyện đó để kể cho nhau nghe vui mà nó còn phần nào giải thích được các hiện tượng đời sống của chúng ta.


    Mặt Trời và Mặt Trăng là hai người con gái của Ngọc Hoàng luôn phiên nhau đi xem xét mọi việc. Mặt Trời đi bằng kiệu và chia thành tốp già, tốp trẻ nên thời gian về khác nhau. Mặt Trăng tính tình nóng nảy hơn nên sức nóng làm hại muôn vật. Đã vậy cô lại còn hay chỏng lỏn nên đã bị trừng phạt. Sau đó, vì mặt dính cát mà đã không còn nóng như xưa và tính tình trở nên hiền lành hơn. Việc này thấy được rằng trước đât khi thế gian vừa mới được tạo ra, thời tiết rất nóng mà không ai yêu thích mặt trời, mặt trăng cả. Vì vậy khi mà Mặt Trăng bị dính cát lên mặt thì tính cách đã hiền hòa hơn nhiều.


    Hiện tượng đời sống về những ngày trăng tròn, trăng khuyết, hạ huyền, thượng huyền cũng được hiểu rõ hơn qua câu chuyện. Nó phụ thuộc vào tính cách của nàng Mặt Trăng. Có thể lúc vui vẻ ngô mặt xuống hạ giới thì chúng ta sẽ thấy hết được mặt trăng tròn, còn khi quay lưng lại mặt trăng sẽ khuyết đi rất nhiều.


    Qua câu chuyện nó giúp các thế hệ trẻ có thể giải thích được những thắc mắc của mình về thế giới xung quanh, về nguồn gốc của con người, về những hiện tượng thiên nhiên trong cuộc sống hằng ngày và những sự vật xung quanh cuộc sống chúng ta. Đồng thời, các câu truyện thần thoại còn giúp thế hệ trẻ hiểu được rằng trong thế giới hoang sơ thuở ban đầu, con người đã hình dung về vũ trụ và thế giới như thế nào.

    Hình minh hoạ
    Hình minh hoạ
  8. Truyện “Nữ thần Mặt Trời và Mặt Trăng” là câu truyện với nội dung kể về vòng hoạt động tự nhiên của ngày và đêm, của mặt trời và mặt trăng. Bằng giọng văn và cốt truyện được xây dựng vô cùng thú vị giúp người đọc hiểu vấn đề một cách dễ dàng nhưng bên cạnh đó cũng có ý kiến cho rằng, truyện Nữ thần Mặt Trời và Mặt Trăng thể hiện sự xung đột giữa con người và tự nhiên, liệu nội dung câu truyện có thật sự phản ánh vấn đề như ý kiến trên?


    Truyện kể rằng, Vua trên trời là Ngọc Hoàng có hai con gái đẹp là Mặt Trời và Mặt Trăng, các nàng hàng ngày luân phiên nhau đi xem xét mọi việc của hạ giới để báo lại cho nhà Trời. Mặt Trời được ngồi kiệu hoa có bốn người khiêng. Bốn người này chia làm hai tốp: một tốp già và một tốp trẻ, mỗi lần Mặt Trời đi với tốp trẻ thì ngày dài, và đi với tốp già thì ngày lại ngắn. Mặt Trăng là cô em tính tình nóng nảy còn hơn cả cô chị. Sức nóng của cô đã làm hại cho người và muôn vật, đi đâu cũng sà vào khiến cho nhân dân vô cùng kinh hãi. Trần gian khổ sở vì cô Mặt Trăng, họ đã kêu ca rất nhiều. Bấy giờ ở dưới trần có một chàng trai tên là Quải, anh ta đón đường cô Trăng trên một đỉnh núi cao và trữ sẵn một đống cát thật lớn, rồi bất thình lình bốc cát ném túi bụi vào mắt, vào mặt mũi cô. Cô ta hốt hoảng vội vụt bay lên cao.Từ đó trở đi cô không dám sà xuống gần mặt đất nữa. Sau này tính tình của cô trở nên dịu dàng, hiền lành hơn. Người ta nói mỗi lần cô ngoảnh mặt xuống nhân gian thì là trăng rằm, cô quay lưng là ba mươi, mùng một, còn cô trở sang trái, sang phải là thời kỳ trăng hạ huyền hoặc thượng huyền. Còn những khi trăng quầng, là lúc cát bụi trát mặt bị gió thổi bay tung ra.


    Tôi không đồng ý với ý kiến cho rằng truyện Nữ thần Mặt Trời và Mặt Trăng thể hiện sự xung đột giữa con người và tự nhiên. Bởi câu truyện chỉ tập chung lí giải các hiện tượng tự nhiên, đó là cách mà con người nhận thức và đúc kết sau khi quan sát vòng tuần hoàn của mặt trời và mặt trăng. Trong câu truyện chủ yếu xoay quanh các nhân vật là Mặt Trời và Mặt Trăng, sự can thiệp của con người chỉ là một chi tiết góp phần hoàn thiện cho lời giải đáp. Vậy nên trong câu truyện không hề có sự xung đột giữa con người và tự nhiên.

    Hình minh hoạ
    Hình minh hoạ




Công Ty cổ Phần Toplist
Địa chỉ: Tầng 3-4, Tòa nhà Việt Tower, số 01 Phố Thái Hà, Phường Trung Liệt, Quận Đống Đa, Thành phố Hà Nội
Điện thoại: 0369132468 - Mã số thuế: 0108747679
Giấy phép mạng xã hội số 370/GP-BTTTT do Bộ Thông tin Truyền thông cấp ngày 09/09/2019
Chịu trách nhiệm quản lý nội dung: Nguyễn Duy Ngân
Chính sách bảo mật / Điều khoản sử dụng | Privacy Policy