Top 10 Bài văn phân tích ý nghĩa chi tiết tiếng sáo trong "Vợ chồng A Phủ" của Tô Hoài (lớp 12) hay nhất
Nằm trong số những sáng tác của Tô Hoài về nếp sống, phong tục và phẩm chất của những con người ở miền núi, “Vợ chồng A Phủ” là một tác phẩm tiêu biểu. Tác ... xem thêm...phẩm chính là trái ngọt của chuyến đi kéo dài đến 8 tháng của Tô Hoài ở Tây Bắc cùng với lực lượng bộ đội giải phóng. Tác phẩm được in trong tập truyện “Truyện Tây Bắc” (1953), đây cũng là tâp truyện giúp cho Tô Hoài vinh dự được nhận Giải Nhất Tiểu thuyết của Hội Văn nghệ Việt Nam năm 1956. Tiếng sáo trong "Vợ chồng A Phủ" là một chi tiết nghệ thuật đặc sắc và xuất hiện trở đi trở lại trong tác phẩm nhiều lần. Đây vốn là âm thanh quen thuộc của núi rừng Tây Bắc, là biểu tượng của tuổi xuân, của sức trẻ và chính là linh hồn đời sống tinh thần của con người nơi đây. Mời các bạn tham khảo một số bài văn phân tích ý nghĩa chi tiết tiếng sáo hay nhất mà Toplist đã tổng hợp trong bài viết dưới đây.
-
Bài văn phân tích ý nghĩa chi tiết tiếng sáo trong "Vợ chồng A Phủ" số 1
Belinxky từng nói rằng: “ Tác phẩm văn học sẽ chết nếu nó miêu tả cuộc sống chỉ để miêu tả…”, phải chăng để tác phẩm vượt ra ngoài quy luật của sự băng hoại, nhà văn cần xây dựng hình tượng nghệ thuật thay vì mô phỏng cuộc đời vào trang viết? Vậy nên ta có dịp bắt gặp thông điệp sâu sắc của nhà văn Tô Hoài muốn gửi gắm qua hình tượng tiếng sáo độc đáo trong truyện ngắn “ Vợ chồng A Phủ”.
Nhà văn Tô Hoài quan niệm khi kiếm tìm chất liệu cho trang văn cần cái đẹp rất thực giữa trang đời, “ cho dù phải đập vỡ những thần tượng trong lòng người đọc”. Vậy nên, sau chuyến đi của nhà văn và bộ đội vào giải phóng Tây Bắc, trong suốt tám tháng sống gắn bó, nghĩa tình với đồng bào tạo nên chất men say chắp cánh cảm hứng sáng tác “ Vợ chồng A Phủ” trích trong tập “ Truyện Tây Bắc”(1953).
Ở đó nhà văn khám phá vẻ đẹp, chất ngọc của tâm hồn người lao động và niềm thấu hiểu nỗi thống khổ số phận của họ chịu sự áp bức của thần quyền và ủy quyền những năm cách mạng chưa về. Nhà văn đã dùng công xây dựng hình tượng nghệ thuật xuất phát từ những hình ảnh chân thực trong cuộc sống, được lọc qua lăng kính chủ quan của nghệ sĩ và vốn ngôn từ, hình tượng mang tính đa nghĩa trong tâm trí bạn đọc.
Hình tượng tiếng sáo xuất hiện khá nhiều trong đêm tình mùa xuân, có khi “ lấp ló đầu núi”, “ thiết tha bổi hổi”, lúc “ lửng lơ bay ngoài đường”, “ rập rờn trong đầu Mị”. Khi A Sử trói đứng Mỵ ở cột nhà, tiếng sáo vẫn đưa cô vào cuộc chơi trong cơn mơ thức chập chờn, trong tạp âm cuộc sống.
Tiếng sáo được coi là linh hồn trong đêm tình khi những chàng trai, cô gái mở hội lòng. Đó cũng là hiện thân của vùng miền văn hóa, phong tục, âm thanh náo nhiệt, lắng sâu của đêm hội. Âm vang ấy thường gắn liền với câu hát gọi bạn yêu, chơi pao, con quay, quyện trong tiếng khèn và tiếng đàn môi. Đó là phương tiện kết nối tiếng lòng thẳm sâu của người miền núi. Trước cây bút Tô Hoài, miền núi từng hiện lên là chốn sơn cùng hiểm họa, không gian xa lạ, hoang vu bí hiểm với những truyền thuyết ghê rợn như “ Vàng và máu”, “ Ngậm ngải tìm trầm”, thì đến Tô Hoài, ông khám phá nét đẹp trong trẻo trở thành chất thơ bay bổng dạt dào trong đời sống tinh thần của con người.
Hình tượng tiếng sáo còn giàu sức gợi khi nó mang lại sự hồi sinh trong tâm hồn nhân vật Mị. Trong gian buồng tối, tiếng sáo văng vẳng gọi dậy giác quan của Mỵ sau bao ngày sống không bằng chết. Mắt cô không còn thấy cái mờ mờ trăng trắng không biết là sương hay nắng, mà biết đón nhận sắc màu tươi sáng của những chiếc váy hoa. Tai không còn nghe tiếng chân ngựa đạp vách mỏi mòn mà đón nhận những thanh âm vui tươi: tiếng chó sủa, nói cười…Thân xác rạo rực hơi men rượu ngô. Tiếng sáo cũng đánh thức tiềm thức của Mỵ, khiến nàng chợt nhớ, nhẩm thầm lời ca năm nào:
“Mày có con trai, con gái rồi
Mày đi làm nương
Ta không có con trai, con gái
Ta đi tìm người yêu”
Bài hát một thời con gái đắm say đã ngủ sâu trong khao khát, nay tìm về. Âm vang tiếng sáo còn giúp Mỵ “ sống” lại với những kỉ niệm cơ hồ không mảy may biết đến khổ đau hiện tại. Nhận thức của Mị cũng trở về vẹn nguyên, tuổi trẻ Mị “ còn trẻ, trẻ lắm”, quyền sống tự do “ A Sử với Mị, không có lòng với nhau mà vẫn phải ở với nhau”. Đó là sự trói buộc sức sống, kìm hãm tuổi trẻ của cô. Tiếng sáo gọi dậy khát vọng mạnh mẽ, dẫn nàng tới chuỗi hành động: xắn miếng mỡ bỏ vào đĩa đèn, hành động sửa soạn ngắn, nhịp nhanh, một loạt động từ “ quấn, với tay, xắn” thổi sinh khí cho nhân vật. Mị vùng bước đi khi chân tay bị trói bởi sợi dây nghiệt ngã của A Sử, tuy con chim chưa thoát khỏi lồng chật nhưng khát vọng vươn tới cao xanh. Tiếng sáo dìu Mỵ tham gia cuộc chơi ngoài đường nhộn nhịp, thức tỉnh mọi tri giác của Mỵ.
Hình tượng tiếng sáo được xây dựng sống động bởi ngôn từ mang đậm hơi thở cuộc sống, hình ảnh giàu sức gợi, cách dẫn truyện tự nhiên, khiến chữ chữ đứng trên trang giấy. Hình tượng đậm tô vẻ đẹp của con người lao động trong cơ cực vẫn mang tâm hồn trong sáng, giàu khát vọng, đồng thời giúp ta cảm nhận nét phong phú của văn hóa vùng cao và kết tinh tài năng tả cảnh, khắc họa tâm lý nhân vật tài tình. Truyện ngắn “ Vợ chồng A Phủ” quả thực vượt lên sự băng hoại của thời gian bởi những ý nghĩa hình tượng tiếng sáo mang lại.
-
Bài văn phân tích ý nghĩa chi tiết tiếng sáo trong "Vợ chồng A Phủ" số 2
Những đêm tình mùa xuân đã tới…
Sau những dòng hiện thực, trĩu nặng lòng trắc ẩn trước kiếp người nô lệ, nhà văn Tô Hoài chuyển sang ngọn bút bằng câu văn lãng mạn, mộng mơ ấy để mở đầu những phút trỗi dậy của sức sống tuổi trẻ trong tâm hồn cô Mị - nhân vật chính trong truyện “ Vợ chồng A Phủ”. Từ đó, biết bao câu chữ, bao chi tiết, hình ảnh thẩm mỹ cứ nối nhau tuôn chảy, cứ gọi nhau ngân vang. Trong những hình ảnh, chi tiết ấy, có lẽ nhà văn dụng công nhiều nhất khi miêu tả hình ảnh “tiếng sáo đêm xuân”. Chỉ đọc hơn hai trang truyện, tôi đã đếm được mười ba lần Tô Hoài nói đến tiếng sáo. Trong đó, có sáu lần tiếng sáo được đặc tả với những sắc độ âm thanh, những ngữ nghĩa và hiệu quả thẩm mỹ thật là sống động, phong phú. “ … Ngoài đầu núi lấp ló đã có tiếng ai thổi sáo rủ bạn đi chơi. Mị nghe tiếng sáo vọng lại, thiết tha bổi hổi. Mị ngồi nhẩm thầm bài hát của người đang thổi.
Mày có con trai con gái rồi
Mày đi làm nương
Ta chưa có con trai con gái
Ta đi tìm người yêu…”
Đấy là mấy giai điệu mở đầu của tiếng sáo. Nó từ xa vọng lại, nhưng nó thiết tha bổi hổi, nghĩa là nó thật gần gũi, da diết, khẩn cầu, nóng ấm một khát vọng được yêu, có người để yêu thương. Nhớ ai bổi hổi, bồi hồi (ca dao ). Vì thế,vừa nghe tiếng sáo, Mị đã nhẩm thầm được lời bài tình ca, trong đó hiển hiện một nghịch cảnh của cô gái đang khao khát hạnh phúc lứa đôi: Mày có. Ta không. Mày đi làm nương. Ta đi tìm người yêu. Nói khác đi, tiếng sáo mở đầu trong những đêm tình mùa xuân ấy là tiếng gọi của bạn bè. Nó có hai sắc độ thiết tha và bổi hổi, đã đánh thức tâm hồn đang yên ngủ, an phận, nó nhóm lên khát vọng đang lụi tàn trong ý nghĩ và tình cảm của Mị, người đàn bà từng có một tuổi trẻ biết yêu, được yêu và tràn đầy hạnh phúc.
Từ cái chức năng đánh thức, tiếng sáo đã hồi sinh cho tâm hồn và giục giã cô Mị hành động. Từ tiếng sáo ngoài đầu núi, Mị nghe tiếng sáo ở ngay sân chơi trong làng. Mị lén lấy hũ rượu, uống ừng ực, rồi lịm mặt và lòng Mị đang sống về ngày trước. Tai Mị văng vẳng tiếng sáo gọi bạn đầu làng. Ngày trước, Mị thổi sáo giỏi. Mùa xuân này, Mị uống rượu bên bếp và thổi sáo. Mị uốn chiếc lá trên môi, thổi lá cũng hay như thổi sáo. Có biết bao nhiêu người mê, ngày đêm đã thổi sáo đi theo Mị. Mị thấy phơi phới trở lại, trong lòng đột nhiên vui sướng như những đêm Tết ngày trước. Mị trẻ lắm. Mị vẫn còn trẻ. Mị muốn đi chơi. Dồn dập, nối nhau, sáu lần, nhà văn kể về tiếng sáo. Khi là của Mị, khi của người khác, tiếng sáo cất lên, trong hiện tại, hòa quyện những âm thanh trong quá khứ vọng về. Và cũng dồn dập những sự việc, những niềm vui tuổi trẻ mà Mị từng trải qua, đang sống lại. Đọc văn, ta ngỡ như mỗi từ ngữ, mỗi câu văn cứ ngân lên, rộn ràng tiếng sáo náo nức tình người. Sóng âm thanh khi thì vút cao lên, rủ rê mời gọi, khiến cho Mị thấy phơi phới trở lại, lòng vui sướng, Mị muốn đi chơi. Khi nó trầm xuống, sẻ chia, vỗ về nỗi đắng cay chua xót bởi cái thân phận phải ép duyên, bán mình của cô gái. Tiếng sáo như thủ thỉ trò chuyện, rồi lắng nghe từng cung bậc tâm trạng của Mị: A Sử với Mị, không có lòng với nhau mà vẫn phải ở với nhau! Nếu có nắm lá ngón trong tay lúc này, Mị sẽ ăn cho chết ngay, chứ không buồn nhớ lại nữa. Nhớ lại chỉ thấy nước mắt ứa ra. Ngọn sóng tủi hờn, bi lụy đang khóc than trong lòng cô gái thì sóng tình yêu và khát vọng của tiếng sáo lại dội lên, lửng lơ bay ngoài đường:
Anh ném pao, em không bắt
Em không yêu, quả pao rơi rồi.
Đấy là lời của tiếng sáo, lời của bài tình ca, lời của các bạn trai, gái đang yêu nhau, tâm tình bên nhau và cũng là những tiếng lòng da diết, mãnh liệt từng bao năm bị chôn vùi, kìm nén trong trái tim, trí tuệ của Mị. Vì thế, nó đã thôi thúc, giục giã Mị hành động. Mị đến góc nhà, lấy ống mỡ, xắn một miếng bỏ thêm vào đĩa đèn cho sáng. Trong đầu Mị đang rập rờn tiếng sáo. Mị muốn đi chơi Mị quấn lại tóc, Mị với tay lấy cái váy hoa vắt ở phía trong vách. Lúc này A Sử, tên chồng vũ phu đang đứng ngay trước mặt Mị. Nhưng cô gái như không nhìn thấy, không thèm quan tâm. Cô thản nhiên làm cái việc mà cô muốn. Bởi vì, tiếng sáo mùa xuân tuổi trẻ tự trong tâm hồn Mị đã thực sự ngân lên. Bởi vì khát vọng tình yêu, hạnh phúc và tự do đã trỗi dậy. Những thanh sắc tình yêu nhân bản từ ngoại cảnh đã đồng vọng cùng thanh sắc của nội lực bên trong khiến cho cô gái nô lệ, khổ đau ấy hồi sinh, muốn xóa bỏ cái thân phận hiện tại để trở thành cái quá khứ, cội nguồn vốn rất tự do, trong lành như mùa xuân, tự do như tiếng sáo những đêm tình. Có thể nói, nghệ thuật miêu tả tiếng sáo và tâm trạng nhân vật của nhà văn Tô Hoài ở đoạn này rất tài hoa. Tám lần ông nói tới tiếng sáo, kể về những cô gái, chàng trai thổi sáo, hát tình ca, nghe sáo, đi theo tiếng sáo. Ba lần ông đặc tả tiếng sáo: văng vẳng tiếng sáo, tiếng sáo lửng lơ bay, trong đầu Mị đang rập rờn tiếng sáo. Những từ tượng thanh, kết hợp nghệ thuật đảo âm tiết (không viết lơ lửng mà viết lửng lơ ), đảo từ ( động từ văng vẳng trước danh từ tiếng sáo, tính từ lửng lơ trước động từ bay, động từ rập rờn trước danh từ tiếng sáo) khiến cho những âm thanh của thứ nhạc cụ dân dã ấy trở nên sống động, có hồn, ấn tượng xiết bao. Và nhờ đó, những cung bậc tâm trạng của nhân vật Mị trở nên phong phú, cụ thể, logic xiết bao.
Cho đến phút cuối cùng của những đêm tình mùa xuân ấy, khi cô Mị bị A Sử trói đứng vào cột nhà hòng dập tắt khát vọng, sức sống trong tâm hồn cô, thì tiếng sáo vẫn vấn vương… bất diệt: Trong bóng tối, Mị đứng im lặng, như không biết mình đang bị trói. Mị vẫn nghe tiếng sáo đưa Mị đi theo những cuộc chơi, những đám chơi. “Em không yêu, quả pao rơi rồi. Em yêu người nào, em bắt pao nào…”. Mị vùng bước đi. Mị không nghe tiếng sáo nữa. Chỉ còn nghe tiếng chân ngựa đạp vào vách. Cả đêm ấy Mị phải trói đứng như thế. Lúc thì khắp người bị dây trói thít lại, đau nhức. Lúc lại nồng nàn tha thiết nhớ. Hơi rượu tỏa. Tiếng sáo. Tiếng chó sủa xa xa những giây phút này, âm thanh của sáo không hiện rõ bằng hình hài, sắc điệu nữa. Nó lịm dần cùng nỗi đau khổ của kiếp người. Nhưng nó không tắt hẳn.Nó lặn vào trong trái tim, nó cựa quậy trong máu thịt của cô Mị, cất lên thành tiếng lòng ru vỗ, an ủi.
Cho nên, dù Mị vẫn đang bị trói, tiếng sáo vẫn đưa Mị đi theo những cuộc chơi,những đám chơi. Nó vẫn cùng Mị say sưa hát hát bài tình ca “ Em yêu người nào, em bắt pao nào…” Khát vọng tuổi trẻ và tình yêu của Mị không trở thành hiện thực thì nó sống trong tâm linh, trong mộng tưởng. Tiếng sáo – tiếng gọi của tự do, hạnh phúc, dây trói nào trói được? Nó đã chắp cánh cho sức mạnh sống của Mị bay lên. Kể cả lúc cái hiện thực phũ phàng hành hạ Mị: Cô cảm thấy chân tay không cựa được, cô nghe thấy tiếng chân ngựa, tiếng chó sủa thì dường như tiếng sáo vẫn nhắc thầm trong tâm tưởng: lúc này là lúc trai gái rủ người yêu dỡ vách ra rừng chơi. Mị lại bồi hồi. Kể cả lúc khắp người Mị bị dây trói thít lại đau nhức, Mị vẫn nồng nàn tha thiết nhớ. Vì cô vẫn nghe thấy tiếng sáo. Trời tang tảng sáng. Có lẽ lúc này, nhưng tiếng sáo hữu hình đã thực sự tắt. Chỉ còn dư âm của nó vang vọng trong lòng người. “Ôm sầu mang giận ngẩn ngơ. Tiếng tơ lặng ngắt bây giờ càng hay.” (thơ Bạch Cư Dị). Không rõ, khi chuyển ngòi bút từ miêu tả sắc điệu cụ thể của những tiếng sáo ở hai đoạn trên thành phân tích tâm trạng đau xót, khi tuyệt vọng, lúc mộng mơ của nhân vật Mị trong dư âm tiếng sáo của đoạn thứ ba này, nhà văn Tô Hoài có nghĩ tới nghệ thuật miêu tả tiếng đàn của Bạch Cư Dị trong thi phẩm nổi tiếng “Tỳ bà hành” ngày xưa? Dù thế nào, đọc những dòng văn này của ông, tôi vẫn thấy thấm đẫm một chất thơ, kính phục một tài năng miêu tả sự thật và khám phá lòng người. Qua cái vô danh của một nhạc cụ, nhà văn đã tấu lên bao nhiêu thanh sắc của lòng người. Chỉ ba lần nhắc đến tiếng sáo, nhưng mãi mãi, ông khẳng định rằng: khát vọng tuổi trẻ, tình yêu, cái sức sống tiềm tàng ấy của con người không dây trói nào buộc được, không thế lực đen tối nào xóa được.
Trong tiến trình lịch sử văn học dân tộc, chúng ta từng biết tới khá nhiều áng văn chương có “tiếng sáo”. Cái âm thanh của thứ nhạc cụ tre trúc đơn sơ ấy đã trở thành một hình tượng thẩm mỹ với bao nhiêu giai điệu, bao nhiêu ngữ nghĩa đặc sắc. Đó là tiếng sáo của Trương Chi – chàng nghệ sĩ tài hoa nhưng bất hạnh trong chuyện cổ tích “Trương Chi”. Đó là tiếng sáo của Trương Lương nỉ non tình tự khiến cho Hạng Tịch – vua nước Sở phân vân, không thể giã từ nàng Ngu Cơ xinh đẹp, dẫn đến một bi kịch lớn lao mà thi sĩ lãng mạn Huy Thông đã kể trong bài thơ nổi tiếng “Tiếng địch sông Ô”, năm 1936. Và đây, tiếng sáo của các Kim Đồng trong thơ Thế Lữ :
Khi cao vút tận mây trời
Khi gần,vắt vẻo bên bờ cây xanh
Êm như lọt tiếng tơ tình
Đẹp như ngọc nữ uốn mình trong không…
Trong chuyện “Vợ chồng A Phủ”, tiếng sáo của nhà văn Tô Hoài như chúng ta vừa cảm nhận cũng đã được chau chuốt bằng sắc màu, âm thanh đẹp đẽ, uyển chuyển, không thua kém bất cứ một áng thơ nào. Dường như với tài năng và tấm lòng yêu thương con người của ông, ngòi bút văn xuôi trở nên mềm mại, trữ tình. Hình tượng “tiếng sáo” trong thiên truyện đặc sắc này phong phú độc đáo và sâu lắng hơn. Đọc tác phẩm, suy ngẫm về sức sống tiềm tàng của nhân vật Mị, chúng ta không thể lướt qua hình tượng thẩm mỹ tiếng sáo. Bởi vì đấy là một điểm sáng nghệ thuật vừa hiện thực, vừa lãng mạn, đẫm chất dân tộc và chất thơ. Bởi vì, đấy cũng là một cung bậc tinh tế trong cảm hứng nhân đạo, nhân văn rất đáng trân trọng của ngòi bút Tô Hoài.
-
Bài văn phân tích ý nghĩa chi tiết tiếng sáo trong "Vợ chồng A Phủ" số 3
Vợ chồng A Phủ là một trong số không nhiều những tác phẩm văn xuôi viết thành công trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp. Có thể xem đó là gương mặt tiêu biểu của văn học thời đại mà cả dân tộc cùng "rũ bùn đứng dậy sáng lòa". Trong đó chi tiết Tiếng sáo đêm tình mùa xuân là lát cắt ngang giữa nhân tế bào của tác phẩm. Vẻ đẹp nội dung, nghệ thuật cũng lộ ra từ chi tiết ấy.
Trước hết, chi tiết Tiếng sáo đêm tình mùa xuân là một sáng tạo nghệ thuật độc đáo nhằm khám phá, thể hiện vẻ đẹp nhân vật và chủ đề tư tưởng của tác phẩm. Tiếng sáo mùa xuân vốn là linh hồn của đời sống tinh thần vùng Tây bắc. Nó rất quen thuộc, gần gũi, không có gì mới lạ, đã được tác giả sử dụng hiệu quả linh diệu như chiếc móng vuốt của thần Kim Quy, như câu thần chú Vừng ơi của Alibaba vậy. Nhờ chiếc lẫy thần ấy mà cung nỏ nhà vua bắn một phát chết hàng vạn tên xâm lược; nhờ tiếng sáo đêm tình mùa xuân đó mà nhà văn mở được cánh cửa tâm hồn nhân vật Mị đã im ỉm khóa suốt bao nhiêu năm trời. Cứ nhìn cái dáng "lùi lũi như con rùa nuôi trong xó cửa", nhìn cái cách kéo lê tấm thân của Mị từ mùa này sang mùa khác, từ năm này sang năm khác làm việc như một cái máy, cứ nhìn cái sự đêm đến "Mị chỉ còn biết thức với lửa", đêm nào cũng vậy, dù cho có bị A Sử ngứa tay đánh đập hay có người chết ngay ở đó (không có phản ứng gì thì người ta chỉ có thể nghĩ rằng cô sẽ mãi câm lặng như tảng đá cho đến ngày chết rũ xương ở đây thì thôi.
Vậy mà từ khi nghe đầu núi lấp ló có tiếng sáo rủ bạn đi chơi của ai đó, "Mị lại thiết tha bồi hồi". Tâm hồn Mị bắt gặp tiếng sáo, đã bắt đầu cựa quậy, đã bắt đầu biết cảm nhận, đã xúc động. Đã sống lại thật rồi! Tiếng sáo mùa xuân nhẹ nhàng, mỏng tang, vu vơ mà thần diệu tựa thuốc thánh Cam lộ. Tưới đến đâu thì hồi sinh sự sống, tình yêu đến đó. Kìa, Mị đang "nhẩm thầm bài hát của người thổi sáo". Mị đang hòa lòng mình vào không khí mùa xuân tuổi trẻ của những cuộc chơi đánh pao, đánh quay. Mị đang sống với tâm trạng yêu đương trong những bài hát. Dòng nước mắt hiếm hoi đã len lỏi vào tâm hồn đang khô hạn nứt nẻ của Mị rồi thì lẽ nào không mở lòng?! Tiếng sáo mùa xuân đến và đã neo đậu luôn trong lòng Mị, rồi ám ảnh không rời: "Tai Mị văng vẳng tiếng sáo gọi bạn đầu làng".
Rồi như một phản ứng dây chuyền, đồng loạt cả một quá khứ của tuổi trẻ hiện về, Mị lại được sống đắm chìm trong thời tuổi trẻ đầy say mê của mình: " Mị thổi lá cũng hay như thổi sáo bao nhiêu người mê, ngày đêm đã thổi sáo đi theo Mị". Tiếng sáo dập dìu thiết tha gọi ai đầu làng mà đánh thức cả một miền hồi ức, kỷ niệm ùa về tươi rói. Rồi tiếng sáo ngày một gần, ngày một da diết hơn; ngồi một mình trong xó bếp nhưng Mị nhận rõ "Tiếng sáo gọi bạn yêu vẫn lửng lơ bay ngoài đường. Mị thấy phơi phới trở lại...". Mùa xuân đã thực sự về, xốn xang trong lòng: "Mị vui sướng như những đêm xuân ngày trước. Mị vẫn còn trẻ, Mị muốn đi chơi...". Rồi theo phép biện chứng của tâm hồn, cái hiện thực đầy say mê của quá khứ và tiếng sáo gọi bạn yêu kia đã trở thành thái cực tương phản của cảnh sống thực tại. Mị so sánh đối chiếu, soi xét lại cái hiện thực mà cô đã và đang phải sống, thấy nó thật phi lý, không thể chấp nhận. Tâm lý Mị nảy sinh một sự phản ứng bất ngờ mà thống nhất: Nghĩ đến nắm lá ngón. Nhìn ở góc độ sự sống cho thể xác, đây là một bước lùi, tiêu cực. Nhưng nhìn ở góc độ đời sống tinh thần, đây là một dấu hiệu đáng mừng ở Mị. Bởi vì đó chính là sự thức tỉnh đầy tính nhân văn: Thà một phút huy hoàng rồi vụt tắt, thà chết trong một sự khẳng định quyết liệt ý nghĩa đúng đắn cuộc sống của mình còn hơn phải sống kiếp trâu ngựa suốt cả một đời. Nhờ tiếng sáo mùa xuân mà Mị có được sự thức tỉnh đó.
Tuy nhiên, một cô gái mê tiếng sáo, yêu đời như Mị không thể lùi sâu vào mãi góc chết. Tiếng sáo mùa xuân, tiếng sáo gọi bạn tình vẫn "lửng lơ bay ngoài đường", và trong đầu Mị vẫn "rập rờn tiếng sáo" thì làm sao Mị có thể hững hờ, làm sao Mị có thể ăn lá ngón? Thay vào đó, cô "lấy hũ rượu, uống ừng ực từng bát". Mị dằn lòng xuống, cái đắng cay bị kìm xuống thì cái nồng nàn của hơi men và cái đắm say của "tiếng sáo gọi bạn yêu" càng thôi thúc: "Mị đứng dậy xắn thêm mỡ bỏ vào đĩa đèn cho sáng" như để tự thắp sáng đời mình, như để khêu to hơn ngọn lửa tình yêu đang chập chờn trong ý thức của Mị. Hành động này lại tạo ra niềm tin để có hành động tiếp theo mạnh mẽ hơn: Mị quấn lại tóc, với tay lấy cái váy hoa vắt trên vách, sửa soạn đi chơi, bất chấp sự có mặt của A Sử (dù hắn là hiện thân trực tiếp và thường trực của cái ác, là hung thần đã nghiền nát tất cả hạnh phúc, sự sống của đời cô. Mị hoàn toàn không hề đếm xỉa đến hiện thực nữa. Lòng mải mê đi theo tiếng sáo, tay cô làm, chân cô bước như kẻ mộng du. Thậm chí cho đến khi đã bị trói bằng cả một thúng dây đay, bằng cả mái tóc dài của chính Mị, thân xác đau đớn cùng cực, thì tiếng sáo vẫn bám riết tâm hồn Mị. Suốt đêm dài Mị chỉ còn nghe tiếng sáo. Khi khát vọng tự do, khát vọng tình yêu đã cháy lên thì hiện thực kia làm sao đủ sức ngăn cản được sự bay bổng của tâm hồn?!.
Cũng có lúc tiếng chân ngựa đạp vách kéo Mị về thực tại. "Mị thổn thức nghĩ mình không bằng con ngựa. Con ngựa còn có lúc đứng gãi chân, nhai cỏ, còn..." nhưng "tiếng sáo vẫn đưa Mị đi theo những cuộc chơi, những đám chơi". Lúc chừng đã khuya, Mị còn tưởng tượng được cuộc chơi xuân đêm nay đã đến lúc "trai làng đang đến bên vách làm hiệu rủ người yêu dỡ vách rừng chơi. Mị đã nín khóc, Mị lại thiết tha bồi hồi". Tiếng sáo đã trở thành điểm tựa và Mị đã vững vàng hơn.
Chưa bao giờ là một nhà văn lãng mạn nhưng những dòng này, những trang này, thế giới tâm trạng nhân vật Mị lúc này và toàn bộ chi tiết Tiếng sáo đêm tình mùa xuân dẫu thực đến độ điển hình nó vẫn là những trang văn cực kỳ lãng mạn, đẹp đẽ mê ly. Với chi tiết tiếng sáo, không những nhà văn bật mở được thế giới tâm hồn của một nhân vật khổ đau đã nhàu nát, tê dại vì bị giam hãm trong bóng ma và thế lực phong kiến miền núi, đang thức dậy, đang phát triển với những cung bậc tinh tế, phức tạp, tuần tự có, đột phá có, có cả những bước tiến lùi đan xen (nhưng đúng quy luật tâm lý mà còn khám phá, khẳng định, ngợi ca vẻ đẹp tài hoa nghệ sỹ của người lao động dân tộc Mèo. Dẫu cho thể xác có bị vùi dập bao nhiêu thì lòng yêu đời, yêu hạnh phúc, yêu tiếng sáo mùa xuân của người người Mèo vẫn không gì có thể dập tắt được. Đó là bức thông điệp quan trọng nhất mà nhà văn gửi được đến bạn đọc qua tác phẩm này. Hơn nữa nó còn hé mở cả một sức mạnh tiềm ẩn, báo hiệu khả năng cách mạng trong nhân vật Mị và con người Tây Bắc.
Tiếng sáo đêm tình mùa xuân thực sự là một chi tiết đầy sức quyến rũ, là nét hoa văn độc đáo nhất trên toàn tấm thảm hoa Tây Bắc. Giả sử không có tiếng sáo mùa xuân thì có lẽ tâm hồn Mị không bao giờ thức dậy được (như trên đã nói). Không có nó, cuộc sống Tây Bắc còn lại là gì? - Chắc chỉ còn lại "tiếng xập xình cúng ma" nhận mặt người vay nợ lãi hay làm nô lệ cho bọn chúa đất. Tiếng sáo dập dìu suốt đêm đã xua đi cái hoang lạnh, cái đói rách của núi rừng, cái âm u của cuộc sống nô lệ, và gọi về cái ấm áp, cái đa tình đáng yêu, chất nghệ sỹ của lòng người Tây bắc. Có tiếng sáo gọi bạn đầu làng, tiếng sáo vang vọng từ núi này sang núi nọ và "những chiếc váy hoa phơi trên những tảng đá xòe như con bướm sặc sỡ" núi rừng Tây bắc trở nên thơ mộng, quyến rũ và say mê biết bao!
Cảm ơn nhà văn đã giúp người đọc mọi miền Tổ quốc được cảm nhận, thưởng thức những vẻ đẹp trong sáng, thi vị của con người và núi rừng miền Tây thân yêu của chúng ta. Đọc đi đọc lại nhiều lần, tiếng sáo vẫn cứ say mê, ám ảnh lạ thường, lan truyền từ người trong truyện đến người viết truyện, sang người đọc truyện:
"Ngoài núi lấp ló đã có tiếng ai thổi sáo rủ bạn đi chơi..."
"Mà tiếng sáo gọi bạn yêu vẫn lửng lơ bay ngoài đường..."
"Tiếng sáo đưa Mị đi theo những cuộc chơi, những đám chơi..."
Ta như nghe được cả những tiếng reo vui náo nức của nhà văn khi mùa xuân đến được kìm nén trong nhiều câu văn: "Những đêm tình mùa xuân đã đến". Ta như nghe được cả sự mời gọi thiết tha của người nghệ sĩ ấy trong từng dòng văn miêu tả tài hoa về tiếng sáo ấy rằng: Hỡi những ai chưa một lần đến Tây Bắc, hãy lên đây để được sống trong không khí của những đêm xuân nồng nàn men rượu và dập dìu tiếng sáo gọi bạn yêu lửng lơ bay ngoài đường, tiếng sáo văng vẳng đầu nương, vang vọng qua những vách núi thành âm điệu đặc trưng của nền văn hóa Tây bắc. Tiếng sáo ấy cũng là tiếng lòng nồng nàn như rượu đêm xuân của nhà văn đối với núi rừng và đồng bào các dân tộc vùng rẻo cao Tây bắc nói riêng, với đất nước Việt Nam nói chung.
Vẫn còn chưa đủ. Phải nói thêm: Chi tiết ấy còn là sản phẩm của một sự am tường cặn kẽ, tinh thông về phong tục, lối sống của đồng bào rẻo cao. Là sản phẩm của một ngòi bút tài hoa: văn như nhạc, như tranh, tải được cả màu sắc, hương vị, âm điệu, linh hồn của núi rừng Tây Bắc. Trong sáng, hồn nhiên mà tình tứ, réo rắt da diết, mà khỏe khoắn lạ thường.
Thật trọn vẹn, ngọt ngào và đầy dư vị!
Một chi tiết nghệ thuật như thế nó dư sức làm rường cột cho cả một tác phẩm, đánh dấu sự trưởng thành của chặng đường sáng tác, làm nên tầm cao, đóng góp riêng của nhà văn Tô Hoài cho nên văn học, văn hóa nước nhà.
Nay nhà văn Tô Hoài đã đi xa nhưng chắc chắn tiếng sáo đêm tình mùa xuân của bản Mèo xa lắc vẫn vi vút, vẫn lửng lơ ám ảnh trong tâm trí bao thế hệ người đọc mọi miền đất nước. Có thể nó còn vọng mãi sang thế giới bên kia ru Người giấc ngủ ngàn năm; và biết đâu trong cõi âm cũng lóe lên tia sáng ấm mùa xuân.
-
Bài văn phân tích ý nghĩa chi tiết tiếng sáo trong "Vợ chồng A Phủ" số 4
Trong truyện ngắn “Vợ chồng A Phủ” Tô Hoài không chỉ thành công ở việc khắc họa chân dung các nhân vật mà nhà văn còn có biệt tài trong việc xây dựng các chi tiết truyện rất đặc sắc. Trong đó, chi tiết tiếng sáng trong đêm tình mùa xuân mang nhiều ý nghĩa.
Tiếng sáo xuất hiện trong đêm tình mùa xuân – đây là âm thanh quen thuộc, đặc trưng của người Mèo ở vùng cao mỗi khi tết đến, xuân về. Đó là tiếng sáo gọi bạn yêu, là cầu nối cho các đôi lứa, giúp các chàng trai tỏ tình và giãi bày yêu thương. Âm thanh ấy cũng chất chứa nhiều khát vọng yêu thương cháy bỏng trong các nhịp đập trái tim trẻ.
Tiếng sáo là một trong những chi tiết được Tô Hoài dụng công miêu tả. Nó xuất hiện nhiều lần,trở đi trở lại với các mức độ và sắc thái khác nhau. Lúc đầu là tiếng sáo lấp ló ngoài đầu núi, tiếp đến nó văng vẳng ở đầu làng, “lửng lơ bay ngoài đường”. Và rồi giữa Mị và tiếng sáo không còn khoảng cách. Âm thanh ấy len lỏi vào trong tâm trí của Mị . Không chỉ có tiếng sáo hiện tại cô nghe, mà Mị còn nhớ lại cả tiếng sáo trong quá khứ, về khoảng thời gian tươi đẹp, kiêu hãnh của mình.
Chi tiết tiếng sáo cũng có vai trò hết sức quan trọng đối với việc làm hồi sinh tâm hồn Mị., làm trỗi dậy sức sống tiềm tàng mãnh liệt trong cô. Nó giống như một tác nhân làm sống dậy trong Mị những cảm xúc rạo rực của tuổi trẻ, làm bùng lên niềm khao khát sống., khao khát yêu đương. Để rồi “ Mị thấy phơi phới trở lại…Mị muốn đi chơi”. Nếu không có không khí ngày tết nhộn nhịp ở Hồng Ngài, đặc biệt là tiếng sáo gọi bạn tình không cất lên thì có lẽ Mị vẫn mãi chìm đắm trong những tháng ngày rầu rĩ, sống một cuộc sống không phải con người. Ngay cả khi cô bị trói đứng thì âm thanh của tiếng sáo như ma lực làm bùng cháy trong Mị niềm khao khát yêu, khao khát sống.
Bên cạnh đó, sự xuất hiện của chi tiết âm thanh tiếng sáo còn góp phần tô đậm thêm những giá trị nhân đạo của tác phẩm. Nhà văn muốn ca ngợi và khẳng định sức sống tiềm tàng trong tâm hồn người lao động miền núi không có một thế lực nào có thể hủy diệt được. Và chỉ cần âm thanh của tiếng sáo ấy có thể làm thức dậy nguồn sức sống ấy.
Chi tiết tiếng sáo cũng đóng vai trò không nhỏ trong việc tạo nên hơi thở miền núi cho truyện ngắn. Cũng nhờ có sự xuất hiện của âm thanh này mà các trang văn mà Tô Hòa xây dựng đẫm chất thơ. Tiếng sáo ấy quả là âm thanh gây nhiều ấn tượng không chỉ đối với các nhân vật trong truyện mà còn gây ấn tượng, hút người đọc mạnh mẽ.
Và để khắc họa nổi bật chi tiết trên, tác giả sử dụng ngôn ngữ đầy sức gợi, nhất là những từ láy liên tục biến đổi, gợi tả các sắc thái khác nhau của tiếng sáo: lấp ló, văng vẳng, lửng lơ, rập rờn. Qua cách diễn đại này độc giả dường như không phải tốn quá nhiều công sức để mường tượng thứ âm thanh ấy mà nó hiện hữu khá rõ nét, không chỉ tác động vào thính giác mà còn gây ấn tượng mạnh mẽ đến thị giác.
Có thể thấy rằng, chi tiết tiếng sáo mặc dù là chi tiết nhỏ trong tác phẩm thôi nhưng cũng có vai trò tạo nên sự thành công khi xây dựng truyện ngắn “Vợ chồng A phủ” của nhà văn Tô Hoài. Nếu thiếu đi âm thanh này, truyện ngắn “Vợ chồng A Phủ” có thể sẽ mất đi khá nhiều sức lôi cuốn và tư tưởng của tác phẩm cũng đôi phần kém sâu sắc hơn.
-
Bài văn phân tích ý nghĩa chi tiết tiếng sáo trong "Vợ chồng A Phủ" số 5
Giá trị đích thực của một tác phẩm văn học thường được xem xét trên cả hai phương diện, nội dung và nghệ thuật. Dấu ấn của một nhà văn trong tác phẩm được thể hiện trong suốt quá trình sáng tạo để chuyển tải nội dung - tư tưởng thành những hình tượng nghệ thuật sống động, để lại những “ám ảnh” nghệ thuật sâu sắc trong lòng người đọc. Một trong những yếu tố góp phần làm nên điều đó chính là việc xây dựng nên những chi tiết nghệ thuật đặc sắc. Trong truyện ngắn Vợ chồng A Phủ của nhà văn Tô Hoài có thể xem tiếng sáo gọi bạn tình là chi tiết như vậy.
Trong tác phẩm Vợ chồng A Phủ, nhà văn Tô Hoài cũng đã lựa chọn được nhiều chi tiết đắt. Chi tiết về tục cúng trình ma, nắm lá ngón, chi tiết về giọt nước mắt của A Phủ, và không thể không kể đến tiếng sáo trong đêm tình mùa xuân đó đều là những sợi dây tóc phát sáng kết nối mạch truyện, chuyển tải nội dung hiện thực và nội dung nhân đạo của tác phẩm.
Trong truyện ngắn Vợ chồng A Phủ, nếu tục cúng trình ma là một hủ tục ám ảnh đời sống tâm linh của người dân Tây Bắc, thì tiếng sáo gọi bạn tình lại trở thành một nét đẹp văn hóa trong đời sống sinh hoạt và đời sống tinh thần của con người nơi đây. Tiếng sáo xuất hiện trong thiên truyện lúc văng vẳng từ xa, có khi vọng lại thiết tha, bổi hổi, lúc lửng lơ bay ngoài đường, lúc lại rập rờn trong đầu Mị. Tiếng sáo làm nên một miền không gian êm dịu, nên thơ thuộc về thế giới tâm hồn đẹp đẽ của nhân vật Mị. Trong lời bài hát của người thổi sáo có khát vọng tự do và tình yêu của trai gái người Mèo:
Mày có con trai con gái rồi
Mày đi làm nương
Ta không có con trai con gái
Ta đi tìm người yêu.
Và cả những ước hẹn buông lơi:
- Anh ném pao, em không bắt
Em không yêu quả pao rơi rồi…
- Em không yêu, quả pao rơi rồi.
Em yêu người nào, em bắt pao nào...
Với ý nghĩa đó, tiếng sáo đã trở thành một sợi dây tóc phát sáng, khi nó là một chi tiết nghệ thuật gắn với cuộc đời, số phận của nhân vật Mị, là hiện thân thế giới tâm hồn đẹp đẽ của cô gái này. Mị từng là một cô gái trẻ, đẹp. Tết đến trai đến đứng nhẵn cả chân vách đầu buồng Mị. Ngày đó, Mị thổi sáo giỏi. Mị uốn chiếc lá trên môi thổi lá cũng hay như thổi sáo. Có biết bao nhiêu người mê ngày đêm thổi sáo đi theo Mị. Nhưng vì món tiền mà bố mẹ Mị đã vay của nhà thống lí Pá Tra chưa trả được nên Mị bị bắt về làm con dâu gạt nợ cho nhà thống lí. Từ đây, Mị sống cuộc sống tủi cực, thê thảm. Ở lâu trong cái khổ, Mị quen khổ rồi. Mị âm thầm như một cái bóng Mỗi ngày Mị càng không nói, lùi lũi như con rùa nuôi trong xó cửa. Nhưng rồi, mùa xuân Hồng Ngài mang theo màu sắc, âm thanh và sự rộn rã đã đánh thức sức sống tiềm tàng ở cô gái sống mà như đã chết ấy. Quá trình thức tỉnh của Mị gắn liền với sự vọng về của tiếng sáo. Tiếng sáo trở thành chất xúc tác mạnh mẽ lay tỉnh một tâm hồn ngủ yên trong đêm lặng với sự ám ảnh của bóng ma.
Lần đầu tiên tiếng sáo xuất hiện trong tác phẩm cũng là lần đầu tiên sau bao ngày dài câm nín ở nhà thống lí Mị nghe tiếng sáo vọng lại, thiết tha bổi hổi. Mị ngồi nhẩm thầm bài hát người đang thổi. Tiếng sáo đã làm rung lên cảm xúc trong tâm hồn Mị - sự thay đổi đó chứng tỏ hồn Mị chưa chết hẳn. Mị đang sống lại, lòng Mị đã có sợi dây xúc cảm. Mị đang sống với giai điệu, với ý nghĩa lời bài hát người đang thổi. Trong không khí đón tết, nhìn cảnh người nhảy đồng, người hát, có thêm cái nồng nàn của rượu, khi Mị uống ực từng bát, tiếng sáo đã đưa Mị về quá khứ, lòng Mị thì đang sống về ngày trước. Tai Mị văng vẳng tiếng sáo gọi bạn đầu làng. Từ đây, tiếng sáo thức dậy khát vọng sống, sức sống trong Mị, Mị thấy phơi phới trở lại, trong lòng đột nhiên vui sướng như những đêm tết ngày trước. Mị trẻ lắm. Mị vẫn còn trẻ. Mị muốn đi chơi. Nghĩ đến cảnh A Sử với Mị, không có lòng với nhau mà vẫn phải ở với nhau, trong Mị xuất hiện suy nghĩ Nếu có nắm lá ngón trong tay lúc này, Mị sẽ ăn cho chết ngay chứ không buồn nhớ lại nữa.
Nhớ lại, chỉ thấy nước mắt ứa ra. Như vậy là, Tiếng sáo gọi bạn yêu lửng lơ bay ngoài đường kia chính là tấm gương soi hắt lại để Mị nhìn rõ hơn về cuộc sống hiện tại của mình. Mị đã muốn chết ngay, nghĩa là Mị đã không chấp nhận hoàn cảnh, Mị đang muốn phản kháng lại hoàn cảnh. Đây là điều hoàn toàn khác với Mị lầm lũi suốt bao tháng ngày trong nhà thống lí trước đây. Nhìn thấy A Sử chuẩn bị đi chơi, Bây giờ Mị cũng không nói. Mị đến góc nhà, lấy ống mỡ, xắn một miếng bỏ thêm vào đĩa đèn cho sáng - Mị muốn thắp sáng thêm khát vọng sống mới nhen nhóm tìm về. Trong đầu Mị đang rập rờn tiếng sáo. Tiếng sáo vẫy gọi Mị, thôi thúc Mị. Điệp khúc Mị muốn đi chơi một lần nữa bùng lên . Mị cũng sắp đi chơi. Ngay sau đó, hàng loạt các hoạt động diễn ra một cách nhanh chóng, Mị quấn lại tóc, Mị với tay lấy cái váy hoa vắt ở phía trong vách, như thể Mị đang thực hiện hành động giải phóng cho mình, cởi bỏ khỏi sự trói buộc của con ma nhà thống lí, thoát khỏi căn buồng kín mít của Mị - căn buồng chỉ có một chiếc cửa sổ một lỗ vuông bằng bàn tay. Lúc nào trông ra cũng chỉ thấy trăng trắng, không biết là sương hay là nắng. Thế rồi khát vọng ấy mới được nhen nhóm, ngay lập tức đã bị A Sử chặn đứng. A Sử đã nắm Mị, lấy thắt lưng trói hai tay Mị. Nó xách cả một thúng sợi đay ra trói đứng Mị vào cột nhà. Tóc Mị xõa xuống, A Sử quấn luôn tóc lên cột, làm cho Mị không cúi, không nghiêng được đầu nữa. Nhưng sự thực, A Sử chỉ có thể trói được thân xác Mị, còn tâm hồn Mị vẫn hoàn toàn tự do. Mị vẫn sống trọn vẹn trong thế giới của riêng mình, Trong bóng tối, Mị đứng lặng im, như không biết mình đang bị trói. Hơi rượu còn nồng nàn. Mị vẫn nghe tiếng sáo đưa Mị đi theo những cuộc chơi, những đám chơi. Như vậy, tiếng sáo là chất xúc tác làm thay đổi tâm lí nhân vật Mị, giúp người đọc nhận ra sức sống tiềm tàng ở Mị, một sức sống mãnh liệt không gì có thể hủy diệt được.
Chi tiết tiếng sáo đã giúp nhà văn Tô Hoài khám phá ra vẻ đẹp tâm hồn Mị, khẳng định được sức sống bất diệt của con người. Có thể xem, tiếng sáo là chi tiết nghệ thuật đẹp, giàu sức gợi, ám ảnh người đọc. Nhân vật Mị trong hoàn cảnh này làm ta liên tưởng đến quá trình thức tỉnh của nhân vật Chí Phèo trong tác phẩm cùng tên của nhà văn Nam Cao. Những nhà văn lớn vẫn thường là những nhà nhân đạo chủ nghĩa. Cả Nam Cao và Tô Hoài đều là những nhà văn như thế.
-
Bài văn phân tích ý nghĩa chi tiết tiếng sáo trong "Vợ chồng A Phủ" số 6
Vợ chồng A Phủ, là kết quả của chuyến đi thực tế của nhà văn. Tô Hoài đã "cùng ăn, cùng ở, cùng làm" với đồng bào dân tộc Tây Bắc trong suốt 8 tháng của năm 1952. Để rồi ông rút ra cho bản thân những giá trị tinh thần, những giá trị rất riêng về bản sắc dân tộc của người dân nơi đây. Từ đó, những gì tinh tú nhất được văn nhân gửi gắm vào Vợ chồng A Phủ. Một trong những cái hay, cái riêng nhất của bài ta không thể không nói đến tiếng sáo. Một hình ảnh mang giá trị nghệ thuật cốt lõi, một yếu tố làm nên thành công của tác phẩm.
Nói đến con người và núi rừng Tây Bắc xa xôi ấy, ta sẽ nói đến cảnh sắc và những bản sắc văn hóa rất riêng biệt của họ như chợ phiên, áo váy mang hơi thở dân tộc Mèo... Mà trong ấy tiếng sáo là một yếu tố không thể thiếu, một nét đặc trưng làm bật lên vẻ đẹp hoang vu của thiên nhiên nơi đây. Dường như cảm nhận và thấy được giá trị của sáo và âm thanh đầy cuốn hút ấy, Tô Hoài đã khiến tiếng sáo trở thành một giá trị mang tính nghệ thuật không thể thiếu vào tác phẩm. Bởi tiếng sáo như là một bông hoa xinh đẹp, mang tính thơ, tính văn chương đầy nghệ thuật và trữ tình giữa hiện thực phũ phàng, khắc nghiệt của chế độ cường quyền, thần quyền lúc bấy giờ. Nếu thiếu đi tiếng sáo, thử hỏi có còn một Mị yêu đời, muốn được sống được đi chơi nữa hay không?
Câu trả lời sẽ không còn một Mị tha thiết được sống, được đi chơi vào mùa xuân khi mất đi tiếng sáo. Bởi tiếng sáo đã gắn liền với cô từ trước khi vào làm dâu nhà thống lí. “Mị thổi sáo giỏi. Mị uốn chiếc lá trên môi, thổi lá cũng hay như thổi sáo. Có bao nhiêu người mê, ngày đêm đã thổi sáo đi theo Mị”. Tiếng sáo của tình yêu, là tiếng gọi đi chơi “ngoài đầu núi lấp ló đã có tiếng ai thổi sáo rủ bạn đi chơi”. Một thanh âm có sức hút mạnh mẽ làm Mị “thiết tha bổi hổi”. Từ một con người mang danh “con dâu gạt nợ”, bị bắt về cúng trình ma, ngày ngày lầm lũi như “con rùa nuôi trong xó cửa”. Mị dường như không muốn sống nữa. Những ngày đầu về làm dâu “có đến hằng mấy tháng, đêm nào Mị cũng khóc”. Mị toan ăn lá ngón tự tử, ấy vậy mà Mị ném đi đống lá ngón trong tay. “Mị không đành lòng chết. Mị chết thì bố Mị còn khổ hơn bao nhiêu lần bây giờ nữa”. Cô quay về nhà thống lí như thân xác không hồn. “Ai ở xa về, thường trông thấy có một cô gái ngồi quay sợi gai bên tảng đá trước cửa,cạnh tàu ngựa.Lúc nào cũng vậy, dù quay sợi,thái cỏ ngựa, dệt vải, chẻ củi hay đi cõng nước dưới khe suối lên, cô ấy cũng cúi mặt, mặt buồn rười rượi”. Mị quen khổ rồi, không sợ gì cả, đến cả cái chết cũng thế. Cuộc đời của Mị đã chấm dứt từ cái đêm trở về từ nhà bố Mị.
Ấy vậy mà, những đêm tình mùa xuân tới mang theo tiếng sáo đã thắp sáng lại cuộc đời tăm tối của Mị. “Lòng Mị thì đang sống vè ngày trước. Tai Mị văng vẳng tiếng sáo gọi bạn đầu làng”. Trong lòng vang lên tiếng sáo, thanh âm đã khiến lòng Mị phơi phới trở lại, cô đã tìm lại ý nghĩa sống. “Mị trẻ lắm. Mị vẫn còn trẻ. Mị muốn đi chơi”. Tiếng sáo còn làm bừng lên cái không gian, màu sắc tăm tối của tác phẩm. Nó mang dấu hiệu của sự sống, của mùa sinh sôi nảy nở, “những chiếc váy hóa đã đem ra phơi trên mỏm đá xòe như con bướm sặc sỡ”. Mị đã ý thức được sự sống. Mị đến góc nhà, lấy ống mỡ, “xắn một miếng bỏ thêm vào đia đèn cho sáng”. Dường như Mị không chỉ thắp sáng căn phòng mà là thắp lên sự sống, thắp sáng cuộc đời của cô. Ánh sáng tuy le lỏi của đèn dầu nhưng đủ mạnh mẽ trong ý thức của Mị. Ánh sáng và âm thanh của sáo đã cứu rỗi cuộc đời Mị. Cũng giống như ngọn lửa của bếp sưởi vào những đêm mùa đông “trên núi cao dài và buồn”, Mị chỉ biết chỉ còn ở với ngọn lửa. Phải chăng trong cái giá lạnh của nơi thiếu tình người này, đó là tia hi vọng, là nơi khiến trái tim của Mị được sưởi ấm, được sống với cuộc đời mà mình muốn. Đó có phải là mơ ước của riêng Mị hay không? Hay còn là của những người lao động vùng cao Tây Bắc được Tô Hoài thổ lộ thay cho?
Mị ý thức được sự sống nhờ có tiếng sáo. Cô với tay lấy cái váy hóa ở phía trong vách, sẵn tay quấn lại tóc. Nhưng thằng A Sử thấy được, nó trói Mị lại, quấn cả tóc Mị lên cột để không nghiêng đi đâu được. “Trong bóng tối, Mị đứng im lặng, như không biết mình đang bị trói. Mị vẫn nghe tiếng sáo đưa Mị đi theo những cuộc chơi, những đám chơi”. Tiếng sáo đối lập với “tiếng chân ngựa đạp vào vách”, nó thức tỉnh Mị. Mị nghĩ mình không bằng con ngựa. Sự đau đớn ấy của Mị dường như lại là điều đáng mừng. Bởi cô biết đau, biết rằng mình muốn sống, muốn thoát khỏi đây. Đâu còn Mị lầm lũi “như con rùa nuôi trong xó cửa”, chỉ biết làm việc và trông ra cửa sổ đến bao giờ chết thì thôi. Tiếng sáo như một giá trị nhân đạo mà Tô Hoài đã đưa vào tác phẩm để cứu Mị, nó còn là một nghệ thuật, nét chấm phá độc đáo trong bài đến nhường nào. Nếu không có tiếng sáo, liệu có khiến trái tim, con người trong Mị sống lại, có khiến Mị cắt dây, cởi trói cho A Phủ hay không? Liệu cô có thấy mình đang bị cột lại như A Phủ để rung cảm, để sợ người nào đó vô tội mất mạng trong tay bọn cường hào ác bá hay không?
Tóm lại, tiếng sáo là điểm nhấn cực kì ý nghĩa và mang tính trữ tình trong Vợ chồng A Phủ. Nếu thiếu tiếng sáo ta sẽ không thấy một Mị yêu đời muốn hòa mình với trời xuân như thế. Sẽ không có một ai có thể níu kéo phần đời còn lại của Mị và A Phủ như vậy nếu không có thanh âm kì diệu ấy. Tô Hoài đã thành công trong việc xây dựng nội dung và cốt truyện, thành công trong miêu tả tâm lí nhân vật và tố cáo tội ác của cường quyền và những hủ tục lúc bấy giờ.
-
Bài văn phân tích ý nghĩa chi tiết tiếng sáo trong "Vợ chồng A Phủ" số 7
Lép Tôn- Xtôi đã từng nói rằng: "Chi tiết nhỏ làm nên nhà văn lớn" chi tiết nghệ thuật là những mắt xích rất nhỏ trong tác phẩm nhưng có tác động lớn đến diễn biến tâm lí, số phận nhân vật thúc đẩy cốt truyện phát triển. Nhà văn Tô Hoài với biệt tài xây dựng chi tiết nghệ thuật âm thanh tiếng sáo đã tạo nên điểm nhấn, dấu ấn khó quên của tác phẩm.
Tô Hoài là nhà văn đầu tiên khai thác đề tài miền núi Tây Bắc, Truyện Vợ chồng A Phủ được viết nhân chuyến đi lên Tây Bắc năm 1952, in trong tập truyện Tây Bắc năm 1953, tác phẩm đạt giải nhất hội văn học Việt Nam 1954-1955. Đã diễn tả thành công diễn biến tâm lí nhân vật Mị. Tác giả đã xây dựng chi tiết âm thanh tiếng sáo láy đi láy lại nhiều lần để miêu tả tinh tế nội tâm nhân vật Mị.
Mị là một cô gái dân tộc Mèo, xinh đẹp, chăm chỉ, hiếu thảo với cha mẹ. Nhưng khi trở thành con dâu gạt nợ của nhà thống lý Pá Tra, Mị từ một cô gái trẻ trung xinh đẹp, yêu đời ham sống trở thành một người đàn bà câm lặng, chai sạn, tê liệt tất cả ý thức phản kháng. Mị không còn ý thức được không gian, thời gian, sống kiếp đời "lùi lủi như con rùa nuôi trong xó cửa" nhưng mùa xuân đến với không khí náo nức, men rượu và âm thanh tiếng sáo đã làm hồi sinh khát vọng sống trong Mị đặc biệt âm thanh tiếng sáo trong đêm tình mùa xuân.
Tiếng sáo là chi tiết xuất hiện nhiều lần,trở đi trở lại với các mức độ và sắc thái khác nhau. Lúc đầu là tiếng sáo lấp ló ngoài đầu núi, tiếp đến nó văng vẳng ở đầu làng, “lửng lơ bay ngoài đường”. Và rồi giữa Mị và tiếng sáo không còn khoảng cách. Âm thanh ấy len lỏi vào trong tâm trí của Mị . Không chỉ có tiếng sáo hiện tại cô nghe, mà Mị còn nhớ lại cả tiếng sáo trong quá khứ, về khoảng thời gian tươi đẹp, kiêu hãnh của mình. Tiếng sáo đêm hò hẹn đã đánh thức quá khứ tươi đẹp đã từng bị lãng quên trong Mị, "ngoài đồi núi lấp ló đã có ai thổi sáo rủ bạn đi chơi. Mị nghe tiếng sáo vọng lại thiết tha bổi hổi". Người đàn bà vốn câm lặng không nói suốt bao năm tháng giờ ngồi nhẩm thầm lời bài hát của người đang thổi " anh ném pao, em không bắt, em không yêu, quả pao rơi rồi". Tiếng sáo biểu hiện cho vẻ đẹp của phong tục, nét đẹp văn hóa người dân miền núi cao. Là biểu tượng cho tiếng gọi cuộc sống, tình yêu. Nó đã lay gọi, khơi gợi lòng yêu đời, yêu cuộc sống tự do trong Mị.
Tiếng sáo đánh thức trong Mị quá khứ của tuổi thanh xuân tươi đẹp, đó là những ngày tháng Mị sống cuộc đời tự do, vào mùa xuân uống rượu bên bếp rồi thổi sáo, tài thổi sáo của Mị khiến bao người mê. Trong khoảnh khắc ấy cõi lòng mị băng qua mọi khoảng cách không gian, thời gian để trở về sống trọn vẹn với tuổi trẻ tươi đẹp. Chính kí ức ấy là minh chứng cho thấy khát khao về tình yêu, về hạnh phúc vẫn luôn được ấp ủ, gìn giữ trong sâu thẳm tâm hồn Mị; bao đau khổ đọa đày của kiếp đời nô lệ không thể chôn vùi được trong khát vọng sống ấy. Mị ý thức được sự tồn tại của bản thân "Mị còn trẻ, Mị vẫn còn trẻ, Mị muốn đi chơi ", "tiếng sáo gọi bạn yêu vẫn lửng lơ bay ngoài đường" soi tỏ thực tại thê thảm của Mị. Lúc này bản thân Mị bị ràng buộc bởi người cầm quyền, thần quyền của nhà thống lý nhưng rồi từ bên ngoài ngoại cảnh tiếng sáo đi thẳng vào cõi lòng "rập rờn trong đầu Mị " như một tiếng gọi tha thiết của sự sống, của hạnh phúc, của tự do thôi thúc Mị hành động để sửa soạn đi chơi. Tiếng sáo là chất xúc tác gợi sức sống tiềm tàng của Mị “Mị vẫn nghe tiếng sáo đưa Mị đi theo những cuộc chơi, những đám chơi”, “Mị vùng bước đi”.
Tuy nhiên, một cô gái mê tiếng sáo, yêu đời như Mị không thể lùi sâu vào mãi góc chết. Tiếng sáo mùa xuân, tiếng sáo gọi bạn tình vẫn "lửng lơ bay ngoài đường ", và trong đầu Mị vẫn "rập rờn tiếng sáo" thì làm sao Mị có thể hững hờ, làm sao Mị có thể ăn lá ngón? Thay vào đó, cô "lấy hũ rượu, uống ực ực từng bát" Mị dằn lòng xuống, cái đắng cay bị kìm xuống thì cái nồng nàn của hơi men và cái đắm say của "tiếng sáo gọi bạn yêu" càng thôi thúc Mị đứng dậy xắn thêm mỡ bỏ vào đĩa đèn cho sáng" như để tự thắp sáng đời mình. Hành động này lại tạo ra niềm tin để có hành động tiếp theo mạnh mẽ hơn: Mị quấn lại tóc, với tay lấy cái váy hoa vắt trên vách, sửa soạn đi chơi, bất chấp sự có mặt của A Sử dù hắn là hiện thân trực tiếp và thường trực của cái ác, là người đã làm tan nát tất cả hạnh phúc, sự sống của đời cô. Mị hoàn toàn không hề đếm xỉa đến hiện thực nữa. Lòng mải mê đi theo tiếng sáo, tay cô làm, chân cô bước như kẻ mộng du. Thậm chí cho đến khi đã bị trói bằng cả một thúng dây đay, bằng cả mái tóc dài của chính Mị, thân xác đau đớn cùng cực, thì tiếng sáo vẫn bám riết tâm hồn Mị. Suốt đêm dài... suốt đêm... Mị chỉ còn nghe tiếng sáo... Khi khát vọng tự do, khát vọng tình yêu đã cháy lên thì hiện thực kia làm sao đủ sức ngăn cản được sự bay bổng của tâm hồn?.Lúc này, tiếng sáo là chi tiết nghệ thuật đặc biệt tố cáo bản chất của giai cấp thống trị thực dân phong kiến miền núi.cự tuyệt quyền sống, quyền làm người của con người.
Chi tiết tiếng sáo đã giúp nhà văn Tô Hoài khám phá ra vẻ đẹp tâm hồn Mị, khẳng định được sức sống bất diệt của con người cho dù trong bất cứ hoàn cảnh nào. Có thể xem tiếng sáo là chi tiết nghệ thuật đẹp, giàu sức gợi, ám ảnh người đọc.
-
Bài văn phân tích ý nghĩa chi tiết tiếng sáo trong "Vợ chồng A Phủ" số 8
Tô Hoài sinh năm 1920 và có tên khai sinh là Nguyễn Sen. Ông vốn là người con của vùng đất Hà Đông (nay là Hà Nội). Tô Hoài đã phải trải qua những năm tháng thiếu thời rất đỗi cực nhọc và vất vả để kiếm sống nhưng chính điều đó đã giúp ông có nhiều cơ hội để trải nghiệm, tích góp vốn sống cho mình.
Sau đó khi có dịp đến với thơ văn, dẫu những khó khăn, trở ngại vẫn còn đó nhưng dường như cuộc đời của nhà văn đã bước sang một trang khác đầy tươi sáng bởi ông đã tìm được sự phù hợp của nghề viết với mình. Thế nên, đó cũng là lí do khiến ông đeo đuổi sự nghiệp sáng tác trong khoảng thời gian đến 60 năm và để lại rất nhiều những tác phẩm thuộc nhiều thể loại khác nhau như truyện ngắn, tiểu luận, hồi kí, kịch bản phim,…
Trong giai đoạn đầu sáng tác, Tô Hoài chọn viết những câu chuyện về đời sống con người, thế giới loài vật. Sau đó, sự ra đời của các tác phẩm như “Truyện Tây Bắc” (1953), “Miền Tây” (1967), “Cát bụi chân ai” (1992) đã giúp người đọc hình dung được sự chuyển hướng trong sáng tác của nhà văn: ông tập trung tái hiện cuộc sống của con người miền núi. Không chỉ vậy, nhà văn còn mạnh dạn chia sẻ những trăn trở của mình trong việc sáng tác thông qua việc viết các tiểu luận nghiên cứu. Năm 1996, Tô Hoài đã được nhận giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học nghệ thuật như một sự ghi nhận vì những đóng góp to lớn của ông trong sự nghiệp văn học nước nhà.
Nằm trong số những sáng tác của Tô Hoài về nếp sống, phong tục và phẩm chất của những con người ở miền núi, “Vợ chồng A Phủ” là một tác phẩm tiêu biểu. Tác phẩm chính là trái ngọt của chuyến đi kéo dài đến 8 tháng của Tô Hoài ở Tây Bắc cùng với lực lượng bộ đội giải phóng. Tác phẩm được in trong tập truyện “Truyện Tây Bắc” (1953), đây cũng là tâp truyện giúp cho Tô Hoài vinh dự được nhận Giải Nhất Tiểu thuyết của Hội Văn nghệ Việt Nam năm 1956.
Cảm nhận ý nghĩa tiếng sáo trong Vợ chồng A Phủ sẽ thấy đây vốn là một chi tiết nghệ thuật đặc sắc và xuất hiện trở đi trở lại trong tác phẩm nhiều lần. Đây vốn là âm thanh quen thuộc của núi rừng Tây Bắc, là biểu tượng của tuổi xuân, của sức trẻ và chính là linh hồn đời sống tinh thần của con người nơi đây.
Chính tiếng sáo ấy đã đánh động vào tâm hồn của nhân vật Mị, để Mị tìm lại được chút “thiết tha bổi hổi ” sau biết bao nhiêu những tháng năm sống trong cái dáng hình “lùi lũi như con rùa nuôi trong xó cửa”. Từ một cô gái “chỉ biết thức với lửa” trong cô đơn, quạnh quẽ, từ một con người phó mặc phận mình cho kẻ khác có đối xử tàn tệ như thế nào thì cũng câm lặng chịu đựng đến nỗi cảm xúc như bị trơ lì, nghe tiếng sáo “ngoài đầu núi lấp ló”, tâm hồn Mị bắt đầu có những cảm nhận, xúc động trở lại để rồi Mị nhận ra mình có thể hát nhẩm theo lời bài hát của người đang thổi sáo:
“Mày có con trai con gái rồi
Mày đi làm nương
Ta không có con trai con gái
Ta đi tìm người yêu.”
Cảm nhận ý nghĩa tiếng sáo trong Vợ chồng A Phủ, ta thấy chính tiếng sáo ấy đã giúp tâm hồn héo hon của Mị cựa quậy trở lại để tìm về hình ảnh của chính mình, để biết rằng đêm tình mùa xuân đã tới và mình cũng là một cô gái đáng lẽ vẫn được hòa mình cùng với mọi người trong cái sân chung của ngày Tết, để được xem “trai gái, trẻ con ra sân ấy tụ tập đánh pao, đánh quay, thổi sáo, thổi khèn và nhảy”.
Tiếng sáo chính là phương tiện đưa Mị về lại với những kỉ niệm thời quá khứ mà Mị đã vô tình lãng quên. Mị lãng quên vì chính cái không gian sống của cô ở nhà thống lí với “cái buồng kín mít, có một chiếc cửa sổ một lỗ vuông bằng bàn tay. Lúc nào trông ra cũng chỉ thấy trăng trắng, không biết là sương hay là nắng”. Trong không gian ấy Mị chỉ có thể “ngồi trong cái lỗ vuông ấy mà trông ra, đến bao giờ chết thì thôi”, tù túng và bí bách chính là thứ khiến giam hãm, kìm kẹp khiến cô không thể vùng thoát khỏi thực tại tăm tối để tìm về một thời quá khứ đã xa.
Nhưng giờ đây, tiếng sáo “gọi bạn đầu làng” kia đã giúp Mị được “sống về ngày trước”, Mị thấy hình ảnh của Mị ngày xưa cũng “thổi sáo giỏi” và Mị còn “thổi lá cũng hay như thổi sáo” và chính tài năng đã khiến “biết bao nhiêu người mê, ngày đêm đã thổi sáo đi theo Mị”. Vẫn là cái không gian có “cái cửa sổ lỗ vuông mờ mờ trăng trắng” nhưng Mị không còn trong hình ảnh của người con gái ủ dột, buồn bã nữa mà đã “thấy phơi phới trở lại, trong lòng đột nhiên vui sướng như những đêm Tết ngày trước”. Một điều đặc biệt nữa, Mị nhận thức rất rõ về việc “Mị trẻ lắm. Mị vẫn còn trẻ. Mị muốn đi chơi”.
Cảm nhận ý nghĩa tiếng sáo trong Vợ chồng A Phủ để thấy từ chỗ đánh thức Mị ý thức lần tìm hình ảnh của mình trong những năm tháng ngày xưa, tiếng sáo ấy giờ đây lại có tác dụng làm hồi sinh tâm hồn của Mị. Mặc dù tìm về quá khứ nhờ vào tiếng sáo nhưng càng hướng về quá khứ, càng tìm gặp lại những kí ức của một thời đã qua để thấy nó tươi đẹp như thế nào, Mị lại càng đớn đau khôn xiết và nhận thức rõ ràng về thực tại phũ phàng mà mình phải chịu đựng và trải qua. Là một cô gái, Mị cũng mong mình có cơ hội được xây đắp, vun xới hạnh phúc cho mái ấm của riêng mình. Thế nhưng, cuộc hôn nhân Mị có chỉ là sự chịu đựng và gắng gượng, đối với Mị nó là một sự tra tấn không hơn không kém vì Mị và A Sử “không có lòng với nhau mà vẫn phải ở với nhau”.
Có nỗi chán chường nào lớn hơn thế khi chính cuộc hôn nhân đã đày đọa Mị, triệt tiêu đi ở Mị ý thức đi tìm niềm vui sống. Thậm chí, nó còn gieo rắc trong tâm tưởng của Mị ý định tự tử để thoát kiếp khổ đau: “Nếu có nắm lá ngón trong tay lúc này. Mị sẽ ăn cho chết ngay”. Mị bất lực với chính cuộc đời mà mình đang sống. Thế nhưng, chính lúc này đây “tiếng sáo gọi bạn yêu vẫn lửng lơ bay ngoài đường” lần nữa giúp Mị xua tan những day dứt về thực tại bằng những khát khao tình yêu tự do:
“Anh ném pao, em không bắt
Em không yêu, quả pao rơi rồi…”
Ý nghĩa tiếng sáo trong Vợ chồng A Phủ còn thể hiện ở việc nó làm lóe trên trong Mị khao khát về tình yêu tự nguyện nhưng đồng thời cũng là niềm tiếc nuối khi đã để lỡ tuổi xuân trong một cuộc hôn nhân cay đắng, ngậm ngùi. Mị nghĩ đến cái chết, Mị để cho “nước mắt ứa ra” khi những nuối tiếc về cái quá khứ của một thời tuổi trẻ đã hóa thành sự bí bách không thể tháo gỡ, đến phút cuối bị dồn đến chỗ đưa ra quyết định bi thảm.
Có thể thấy, việc Mị nghĩ đến việc chấm dứt sự sống quả là một bước thụt lùi tiêu cực nhưng nếu soi xét kĩ hơn thì đó lại là một dấu hiệu đáng mừng cho việc nhận thức về sự sống của Mị. Vốn “ở lâu trong cái khổ, Mị quen khổ rồi” nên cảm xúc của Mị đã trở nên chai sạn, nhìn mọi thứ xung quanh chỉ bằng ánh nhìn vô định. Ấy vậy mà giờ đây, Mị có thể khóc, có thể nghĩ đến chuyện giải thoát cho cuộc đời tù túng của mình nghĩa là Mị đã nhận thức được sự sống vô nghĩa của mình những ngày qua.
Mị lúc này đã có phản ứng lại với những ngang trái, éo le của cuộc đời mình. Như vậy, sâu xa hơn cái ý muốn đoạn tuyệt với cuộc đời đầy tiêu cực lại chính là sự thức tỉnh của một con người muốn thoát khỏi kiếp sống làm trâu làm ngựa. Tâm hồn Mị lúc này thực sự đã hồi sinh ngay trên chính ý định kết thúc cuộc đời.
Không chỉ giúp hồi sinh tâm hồn mà tiếng sáo còn thôi thúc Mị có những hành động cụ thể để thể hiện ý thức mong muốn hoàn cải số phận của mình. Rồi Mị“đứng dậy xắn thêm mỡ bỏ vào đĩa đèn cho sáng”. Tiếp theo hành động ấy, Mị mạnh dạn hơn khi “quấn lại tóc”, “với tay lấy cái váy hoa vắt ở phía trong vách” mà không màng đến sự có mặt của A Sử. Phải chăng đây cũng là hành động thể hiện niềm mong mỏi cuộc đời tăm tối của Mị sẽ có lúc được thắp sáng lên như thế. Không chỉ vậy, dường như Mị cũng không còn quan tâm đến những trở lực gây ảnh hưởng đến việc thay đổi cuộc đời của mình.
Cảm nhận ý nghĩa tiếng sáo trong Vợ chồng A Phủ sẽ thấy ngay cả khi bị trói đứng vào cột nhà bằng những vòng sợi đay thô ráp gây đau nhói, Mị cũng nương theo tiếng sáo để hòa mình vào những cuộc chơi, những đám chơi và say sưa với lời hát: “Em không yêu, quả pao rơi rồi. Em yêu người nào, em bắt pao nào…”. Tiếng sáo lúc này giống như một phương thuốc giúp Mị thoát ra nỗi đau đớn cùng cực của thân xác để tâm hồn vẫn được bay bổng với khát vọng tự do và tình yêu.
Ấy vậy mà vào chính lúc Mị muốn “vùng bước đi” thì hiện thực phũ phàng lại kéo Mị về trong sợi dây trói đến thít chặt, đau nhói vô cùng. Trong cảnh đau đớn đó, hơi rượu vẫn tỏa và tiếng sáo vẫn vang xa xa. Có thể thấy, thực tại có cay đắng, có đau đớn đến nhường nào thì Mĩ cũng trở nên vững vàng hơn nhờ có tiếng sáo là điểm tựa. Tiếng sáo trong khung cảnh mùa xuân tưng bừng, rộn rã đối lập hoàn toàn với tình cảnh trớ trêu của Mị.
Thế nhưng, chính nhận thức và những hành động của Mị khi có sự tác động của tiếng sáo ấy đã giúp ta nhận rõ một điều là Mị đã vượt lên trên những khổ đau, đày đọa về thể xác để vẫn có thể hướng về những thanh âm của sự sống để mong có cơ hội được là người có lòng ham sống và yêu đời. Đó cũng chính là những biểu hiện cho thấy khả năng đầy hứa hẹn ở Mị trong việc sẽ tìm được con đường tươi sáng hơn cho tương lai phía trước của mình.
Có thể thấy, qua “Vợ chồng A Phủ” Tô Hoài đã phác họa nên một bức tranh chân thực về cuộc sống của con người Tây Bắc. Họ không chỉ phải sống trong sự bóc lột đến tàn nhẫn của hai tầng áp bức thực dân và phong kiến mà còn là nạn nhân của sức ép thần quyền nhưng lại là hiện thân của những phẩm chất tốt đẹp và ý thức đấu tranh mạnh mẽ. Để có thể khắc họa thành công bức tranh ấy, nhà văn đã sử dụng nghệ thuật kể chuyện hấp dẫn, ngôn ngữ chọn lọc sáng tạo và đặc biệt là nghệ thuật miêu tả nội tâm ấn tượng. Bên cạnh đó, kết cấu hấp dẫn cùng với các tình tiết giàu kịch tính cũng là yếu tố tạo nên sự thành công của tác phẩm.
Quả thật, ý nghĩa tiếng sáo trong Vợ chồng A Phủ đã giúp nhà văn thể hiện quan niệm cùng tư tưởng của tác phẩm. Tiếng sáo gọi bạn trong đêm tình mùa xuân của tác phẩm là một chi tiết nghệ thuật đắt giá. Được miêu tả với nhiều cung bậc, sắc thái thẩm mĩ khác nhau, chi tiết không chỉ có tác dụng đánh thức niềm khao khát sống trong tâm hồn tưởng như đã chai sạn của Mị mà còn góp phần cho ta hình dung được phần nào những hiểu biết sâu sắc của tác giả về những nét văn hóa tinh thần giá trị của con người Tây Bắc.
-
Bài văn phân tích ý nghĩa chi tiết tiếng sáo trong "Vợ chồng A Phủ" số 9
Không phải ngẫu nhiên mà văn hào vĩ đại người Nga M. Goor-ki từng phát biểu: Chi tiết nhỏ làm nên nhà văn lớn. Nhà văn chỉ thực sự là người thư kỉ trung thành của thời đại (H. Balzac) khi anh ta có khả năng làm sống dậy cuộc đời trên trang sách bắt đầu từ những chi tiết nhỏ. Lựa chọn chi tiết để xây dựng nên tác phẩm nghệ thuật không chỉ thể hiện bản chất sáng tạo của người nghệ sĩ mà còn bộc lộ tài năng, tầm vóc tư tưởng của người cầm bút. Hơn ai hết, tác giả những thiên truyện viết ra từ trường đại học cuộc sống, nhà văn của những người chân đất là người hiểu rõ tầm quan trọng cùa những chi tiết nghệ thuật trong tác phẩm văn chương.
Chi tiết nghệ thuật không chỉ là yếu tố cấu thành tác phẩm mà còn là nơi gửi gắm những quan niệm nghệ thuật về con người, về cuộc đời... của nhà văn, nơi kí thác niềm ưu tư, trăn trở của nhà văn trước cuộc đời. Vợ chồng A Phù là một trong số không nhiều những tác phẩm văn xuôi viết thành công trong thời kì kháng chiến chống Pháp. Có thể xem đó là gương mặt tiêu biểu của văn học thời đại mà cả dân tộc cùng rũ bùn đứng dậy sáng lòa. Trong đó chi tiết Tiếng sáo đềm tình mùa xuân là lát cắt ngang giữa nhân tế bào của tác phẩm, vẻ đẹp nội dung, nghệ thuật cùng lộ ra từ chi tiết ấy.
Mị xuất hiện ngay từ phần mở đầu tác phẩm, gây ám ảnh cho người đọc về một kiếp người héo hắt, tàn tạ chỉ biết cúi mặt, mặt buồn rười rượi. Mị không hiện lên bằng chân dung mà hiện lên bởi số phận - một số phận đau buồn về kiếp người làm dâu gạt nợ trong nhà thống lí Pá Tra.
Mị là cô gái trẻ đẹp là bông hoa ngát hương của núi rừng Tây Bắc. Mị không chỉ yêu lao động biết cuốc nương làm ngô. Mị giàu lòng tự trọng và hiếu thảo với cha già, mà Mị còn tài hoa với điệu sáo làm say mê biết bao nhiêu chàng trai ngày đêm thôi sáo đi theo Mị. Đó chính là vẻ đẹp về nhân cách và phẩm giá của người con gái với vẻ đẹp trong ngần thánh thiện như loài hoa ban thơm ngát giữa rừng. Nhưng có ngờ đâu sự hiểm độc của chính sách cho vay nặng lãi của bọn thổ ti phong kiến miền núi như một sợi dây oan nghiệt siết chặt lấy cuộc đời Mị. Đắng cay thay, đêm tình mùa xuân đẹp nhất của đời người con gái đã biến thành một đêm bi kịch, tủi nhục khi A Sử bắt cóc Mị về nhà thống lí. Và một buổi lễ cúng trình ma sáng hôm sau đó đã trói chặt cuộc đời Mị từ đấy. Cái địa ngục trần gian ấy đã giam cầm cuộc đời Mị. Tuổi xuân của Mị bị vùi dập đến héo úa, lụi tàn trong căn buồng chỉ độc một cái cửa sổ nhỏ như lòng bàn tay trông ra ngoài không biết sương hay là nắng. Mị bị nô lệ hóa trở thành công cụ lao động. Nói đúng hơn là bị bóc lột sức lao động một cách tàn tệ trở thành một súc nô trong nhà thống lí. Thử hỏi còn xót xa nào hơn thế nữa không?
Nhưng bằng cảm quan nhân đạo và tấm lòng yêu thương đồng cảm với số phận con người, Tô Hoài đã mang đến cho người đọc những thước phim quay chậm về sự bừng lên của một sức sống tiềm tàng, mãnh liệt đang âm ỉ cháy trong con người Mị. Bên ngoài là một cô Mị lầm lũi như cái bóng, như đã chết nhưng bên trong lại ẩn chứa lòng ham sống. Sức sống ấy như hòn than nhỏ đang bị vùi lấp trong cái vẻ ngoài lặng câm vô cảm. Vô tình cơn gió của đêm tình mùa xuân đã làm hồi sinh con người Mị, thức dậy cả một kí ức tươi đẹp và trỗi dậy một sức sống, lòng ham sống đến cuồng nhiệt nhưng cũng đầy bi kịch.
Mùa xuân ở Hồng Ngài rộn rã âm thanh và màu sắc. Đó là tiếng cười của trẻ con, màu vàng ửng của cỏ gianh và gió rét dữ dội, là màu đỏ của những chiếc váy hoa phơi trên những mỏm đá xòe ra như những con bướm sặc sỡ và chắc chắn không thể thiếu được tiếng sáo gọi bạn yêu lửng lơ bay ngoài đường. Chính những hình ảnh và âm thanh ấy như một cơn gió thổi tung đám tàn ưo đang vây quanh cuộc đời Mị. Đặc biệt qua nghệ thuật trần thuật và miêu tả đặc sắc, Tô Hoài đã mang đến cho người đọc một linh hồn đang cựa quậy hồi sinh đàng sau lớp xác giá băng.
Tiếng sáo mùa xuân vốn là linh hồn của đời sống tinh thần vùng Tây Bắc. Nó rất quen thuộc, gần gũi, không có gì mới lạ, đã được tác giả sử dụng hiệu quả linh diệu như chiếc móng vuốt của thần Kim Quy, như câu thần chú Vừng ơi... của Alibaba vậy. Nhờ chiếc lẫy thần ấy mà cung nỏ nhà vua bắn một phát chết hàng vạn tên xâm lược; nhờ tiếng sáo đêm tình mùa xuân đó mà nhà văn mở được cánh cửa tâm hồn nhân vật Mị đã im ỉm khóa suốt bao nhiêu năm trời. Tiếng sáo như sợi dây vô hình nối Mị với quá khứ và hiện tại làm sống dậy trong Mị một kí ức tươi đẹp. Nói đúng hơn nó đánh thức cái tài hoa trong Mị. Quá khứ đẹp nhưng đối lập với một hiện tại buồn mênh mang. Cứ nhìn cái dáng lùi lũi như con rùa nuôi trong xó cửa, nhìn cái cách kéo lê tấm thân của Mị từ mùa này sang mùa khác, từ năm này sang năm khác làm việc như một cái máy, cứ nhìn cái sự đêm đến Mị chỉ còn biết thức với lửa, đêm nào cũng vậy, dù cho có bị A Sử ngứa tay đánh đập hay có người chết ngay ở đó... (không có phản ứng gì thì người ta chỉ có thể nghĩ rằng cô sẽ mãi câm lặng như tảng đá cho đến ngày chết rũ xương ở đây thì thôi...). Vậy mà từ khi nghe đầu núi lấp ló có tiếng sáo rủ bạn đi chơi của ai đó, Mị lại thiết tha bổi hoi. Tâm hồn Mị bắt gặp tiếng sáo, đã bắt đầu cựa quậy, đã bắt đầu biết cảm nhận, đã xúc động. Đã sống lại thật rồi! Tiếng sáo mùa xuân nhẹ nhàng, du dương, vu vơ mà thần diệu tựa giọt nước mát Cam lộ. Giọt nước đó tưới đến đâu thì hồi sinh sự sống, tình yêu đến đó... Kìa, nàng Mị của chúng ta đang nhầm thầm hài hát cùa người thổi sáo. Mị đang hòa lòng mình vào không khí mùa xuân tuổi trẻ của những cuộc chơi đánh pao, đánh quay. Mị đang sống với tâm trạng yêu đương trong những bài hát.
Dòng nước mát hiếm hoi đã len rỉ vào tâm hồn đang khô hạn nứt nẻ của Mị rồi thì lẽ nào không mở lòng?! Tiếng sáo mùa xuân đến và đã neo đậu luôn trong lòng Mị, rồi ám ảnh không rời: Tai Mị văng vẳng tiếng sáo gọi bạn đầu làng. Rồi như một phản ứng dây chuyền, đồng loạt cả một quá khứ của tuổi trẻ hiện về, Mị lại được sống đắm chìm trong thời tuổi trẻ đầy say mê của mình: Mị uốn chiếc lá trên môi, thổi lá cùng hay như thoi sáo, bao nhiêu người mê, ngày đêm đã thôi sáo đi theo Mị. Tiếng sáo dập dìu thiết tha gọi ai đầu làng mà đánh thức cả một miền hồi ức, kỉ niệm ùa về tươi rói. Rồi tiếng sáo ngày một gần, ngày một da diết hơn; ngồi một mình trong xó bếp nhưng Mị nhận rõ Tiếng sáo gọi bạn yêu vẫn lững lơ bay ngoài đường. Mị thấy phơi phới trở lại. Mùa xuân đã thực sự về, xốn xang trong lòng: MỊ vui sướng như những đêm xuân ngày trước. MỊ vẫn còn trẻ. Mị muổn đi chơi... Rồi theo phép biện chứng của tâm hồn, cái hiện thực đầy say mê của quá khứ và tiếng sáo gọi bạn yêu kia đã trở thành thái cực tương phản của cảnh sống thực tại. Mị so sánh đối chiếu, soi xét lại cái hiện thực mà cô đã và đang phải sống, thấy nó thật phi lí, không thể chấp nhận. Tâm lí Mị nảy sinh một sự phản ứng bất ngờ mà thống nhất: Nghĩ đến nắm lá ngón... Nhìn ở góc độ sự sống cho thể xác, đây là một bước lùi, tiêu cực. Nhưng nhìn ở góc độ đời sống tinh thần, nhìn ở sự sống đúng nghĩa là cuộc sổng con người, đây là một dấu hiệu đáng mừng ờ Mị. Bởi vì đó chính là sự thức tỉnh đầy tính nhân văn: Thà một phút huy hoàng rồi vụt tắt/ Còn hơn buồn le lói suốt trăm năm, thà chết trong một sự khắng định quyết liệt ý nghĩa đúng đắn cuộc sống của mình còn hơn phải sống kiếp trâu ngựa suốt cả một đời. Nhờ tiếng sáo mùa xuân mà MỊ có được sự thức tỉnh đó.
Tuy nhiên, một cô gái mê tiếng sáo, yêu đời như Mị không thể lùi sâu vào mãi góc chết. Tiếng sáo mùa xuân, tiếng sáo gọi bạn yêu vẫn lừng lơ bay ngoài đường, và trong đầu Mị vẫn rập rờn tiếng sáo thì làm sao Mị có thể hững hờ. làm sao Mị có thể ăn lá ngón? Thay vào đó, Mị lén lấy hũ rượu, cứ uống ực từng bát. Mị dằn lòng xuống, cái đắng cay bị kìm xuông thì cái nồng nàn của hơi men và cái đắm say của tiếng sáo gọi bạn yêu càng thôi thúc: Mị đến góc nhà, lấy ong mỡ, xắn một miếng bỏ thêm vào đĩa đèn cho sáng như đê tự thắp sáng đời mình, như để khêu to hơn ngọn lửa tình yêu đang chập chờn trong ý thức của Mị. Hành động này lại tạo ra niềm tin để có hành động tiếp theo mạnh mẽ hơn: Mị quấn lại tóc, Mị với tay lẩy cái váy hoa vắt ờ phía trong vách, sửa soạn đi chơi, bất chấp sự có mặt của A Sử (dù hắn là hiện thân trực tiếp và thường trực của cái ác, là hung thần đã nghiền nát tất cả hạnh phúc, sự sổng cùa đời Mị). Mị hoàn toàn không hề đếm xỉa đến hiện thực nữa. Lòng mải mê đi theo tiếng sáo. tay Mị làm, chân Mị bước như kẻ mộng du. Thậm chí cho đến khi đã bị trói bàng cả một thúng sợi dây đay, bằng cả mái tóc dài của chính Mị, thân xác đau đớn cùng cực, thì tiếng sáo vẫn bám riêt tâm hồn Mị. Suốt đêm dài... suốt đêm... Mị chỉ còn nghe tiếng sáo... trong bóng tối, Mị đứng ỉm lặng, như không biết mình đang bị trói. Khi khát vọng tự do, khát vọng tình yêu đã cháy lên thì hiện thực kia làm sao đủ sức ngăn cản được sự bay bổng của tâm hồn?.
Cũng có lúc tiếng chân ngựa đạp vách kéo Mị về thực tại. Mị thốn thức nghĩ mình không bằng con ngựa. Con ngựa còn có lúc đứng gãi chân, nhai cỏ nhưng tiếng sáo vân đưa Mị đi theo những cuộc chơi, những đám chơi... Lúc chừng đã khuya. Mị còn tưởng tượng được cuộc chơi xuân đêm nay đã đến lúc trai làng đang đến bên vách làm hiệu rủ người yêu dỡ vách ra rừng chơi. Mị đã nín khóc, Mị lại thiết tha bồi hồi. Dư âm của tiếng sáo vang vọng trong lòng người. Ôi chao! Tiếng sáo gọi bạn mùa xuân sao mà mang nét tâm trạng vậy Ôm sầu mang giận ngan ngơ/ Tiếng tơ lặng ngắt bây giờ càng hay (Bạch Cư Dị). Không rõ, khi chuyển ngòi bút từ miêu tả sắc điệu cụ thể của những tiếng sáo ở hai đoạn trên thành phân tích tâm trạng đau xót, khi tuyệt vọng, lúc mộng mơ của nhân vật Mị trong dư âm tiếng sáo của đoạn thứ ba này, nhà văn Tô Hoài có nghĩ tới nghệ thuật miêu tả tiếng đàn của Bạch Cư Dị trong thi phẩm nổi tiếng Tỳ bà hành ngày xưa? Dù thế nào, đọc những dòng văn này của ông, chúng ta vẫn thấy thấm đẫm một chất thơ, kính phục một tài năng miêu tả sự thật và khám phá lòng người. Qua cái vô danh của một nhạc cụ, nhà văn đã tấu lên bao nhiêu thanh sắc của lòng người. Chỉ ba lần nhắc đến tiếng sáo, nhưng mãi mãi, ông khẳng định rằng; khát vọng tuổi trẻ, tình yêu, cái sức sổng tiềm tàng ấy của con người không dây trói nào buộc dược, không thế lực đen toi nào xóa được…
Tiếng sáo đã trở thành điểm tựa và Mị đã vững vàng hơn. Chưa bao giờ là một nhà văn lãng mạn nhưng những dòng này, những trang này, thế giới tâm trạng nhân vật Mị lúc này và toàn bộ chi tiết Tiếng sáo đêm tình mùa xuân dẫu thực đến độ điển hình nó vẫn là những trang văn cực kì lãng mạn, đẹp đẽ mê li. Với chi tiết tiếng sáo, không những nhà văn bật mở được thế giới tâm hồn của một nhân vật khổ đau đã nhầu nát, tê dại vì bị giam hãm trong bóng ma và thế lực phong kiến miền núi, đang thức dậy, đang phát triển với những cung bậc tinh tế, phức tạp, tuần tự có, đột phá có, có cả những bước tiến lùi đan xen (nhưng đúng quy luật tâm lí mà còn khám phá, khẳng định, ngợi ca vẻ đẹp tài hoa nghệ sĩ của người lao động dân tộc Mèo). Dẫu cho thể xác có bị vùi dập bao nhiêu thì lòng yêu đời, yêu hạnh phúc, yêu tiếng sáo mùa xuân của người Mèo vẫn không gì có thể dập tắt được. Đó là bức thông điệp quan trọng nhất mà nhà văn gửi được đến bạn đọc qua tác phẩm này. Hơn nữa nó còn hé mở cả một sức mạnh tiềm ẩn, báo hiệu khả năng cách mạng trong nhân vật Mị và con người Tây Bắc.
Trong tiến trình lịch sử văn học dân tộc, chúng ta từng biết tới khá nhiều áng văn chương có tiếng sáo". Cái âm thanh của thứ nhạc cụ tre trúc đơn sơ ấy đã trở thành một hình tượng thẩm mĩ với bao nhiêu giai điệu, bao nhiêu ngữ nghĩa đặc sắc. Đó là tiếng sáo của Trương Chi - chàng nghệ sĩ tài hoa nhưng bất hạnh trong chuyện cổ tích Trương Chi. Đó là tiếng sáo của Trương Lương nỉ non tình tự khiến cho Hạng Tịch - vua nước Sở phân vân, không thể giã từ nàng Ngu Cơ xinh đẹp, dẫn đến một bi kịch lớn lao mà thi sĩ lãng mạn Huy Thông đã kể trong bài thơ nổi tiếng Tiếng địch sông Ô, năm 1936. Và đây, tiếng sáo của các Kim Đồng trong thơ Thế Lữ:
Khi cao vút tận mây trời
Khi gần vai vèo bên bờ cây xanh
Êm như lọt tiếng tơ tình
Đẹp như ngọc nữ uốn mình trong không.
Tiếng sáo đêm tình mùa xuân thực sự là một chi tiết đầy sức quyến rũ, là nét hoa văn độc đáo nhất trên toàn tấm thảm hoa Tây Bắc. Giả sử không có tiếng sáo mùa xuân thì có lẽ tâm hồn Mị không bao giờ thức dậy được (như trên đã nói). Không có nó, cuộc sống Tây Bắc còn lại là gì? - Chắc chỉ còn lại tiếng xập xình, tiếng nhảy đồng cúng ma nhận mặt người vay nợ lãi hay làm nô lệ cho bọn chúa đất. Tiếng sáo dập dìu suốt đêm đã xua đi cái hoang lạnh, cái đói rách của núi rừng, cái âm u của cuộc sống nô lệ, và gọi về cái ấm áp, cái đa tình đáng yêu, chất nghệ sĩ của lòng người Tây Bắc. Có tiếng sáo gọi bạn đầu làng, tiếng sáo vang vọng từ núi này sang núi nọ và những chiếc váy hoa phơi trên những tang đá xòe như con bướm sặc sỡ núi rừng Tây Bắc trở nên thơ mộng, quyến rũ và say mê biết bao.
Cảm ơn nhà văn đã giúp người đọc mọi miền Tổ quốc được cảm nhận, thường thức những vẻ đẹp trong sáng, thi vị của con người và núi rừng miền Tây thân yêu của chúng ta. Đọc đi đọc lại nhiều lần, tiếng sáo vẫn cứ say mê, ám ảnh lạ thường, lan truyền từ người trong truyện đến người viết truyện, sang người đọc truyện:
- Ngoài núi lấp ỉ ó đã có tiếng ai thổi sáo rủ bạn đi chơi...
- Mà tiếng sáo gọi bạn yên vẫn lửng lơ bay ngoài đường...
- Tiếng sáo đưa Mị đi theo những cuộc chơi, những đám chơi...
Ta như nghe được cả những tiếng reo vui náo nức của nhà văn khi mùa xuân đến được kìm nén trong nhiều câu văn: Những đêm tình mùa xuân đã đến... Ta như nghe được cả sự mời gọi thiết tha của người nghệ sĩ ấy trong từng dòng văn miêu tả tài hoa về tiếng sáo ấy rằng: Hỡi những ai chưa một lần đến Tây Bắc, hãy lên đây để được sống trong không khí của những đêm xuân nồng nàn men rượu và dập dìu tiếng sáo gọi bạn yêu lừng lơ bay ngoài đường, tiếng sáo văng vẳng đầu nương, vang vọng qua những vách núi thành âm điệu đặc trưng của nền văn hóa Tây Bắc. Tiếng sáo ấy cũng là tiếng lòng nồng nàn như rượu đêm xuân của nhà văn đối với núi rừng và đồng bào các dân tộc vùng rẻo cao Tây Bắc nói riêng, với đất nước Việt Nam nói chung, vẫn còn chưa đủ. Phải nói thêm: Chi tiết ấy còn là sản phẩm của một sự am tường cặn kẽ, tinh thông về phong tục, lối sống của đồng bào rẻo cao. Là sản phẩm của một ngòi bút tài hoa: văn như nhạc, như tranh, tải được cả màu sắc, hương vị, âm điệu, linh hồn của núi rừng Tây Bắc. Trong sáng, hồn nhiên mà tình tứ, réo rat, da diết, mà khỏe khoắn lạ thường. Thật trọn vẹn, ngọt ngào và đầy dư vị!
Tóm lại, tiếng sáo trong khi Hồng Ngài chuẩn bị ăn Tết mà Mị nghe được giữa cuộc sông lầm than và tủi cực của hiện tại đã làm cho tâm hồn Mị bị xáo trộn. Nàng lắng nghe tiếng sáo vọng lại tha thiết, bổi hổi. Mị ngồi nhẩm thầm theo bài hát. Còn tiếng sáo trong đêm tình mùa xuân ngà ngà say ấy giống như là một âm thanh đánh thức tâm hồn vốn đã ngủ vùi từ lâu của Mị. Nó làm Mị nhớ về quá khứ tươi đẹp một thời, ngày ấy Mị xinh đẹp, trẻ trung, tràn đầy sức sống, Mị cũng biết thổi sáo và thổi rất hay, đã làm đắm say biết bao trai làng... Tiếng sáo làm Mị thức tỉnh và đã làm sức sống lại dạt dào trong lòng Mị. Đến nỗi khi bị A Sử trói vào cột, nghe tiếng sáo một lần nữa Mị vẫn vùng chạy đi. Sức sống của tiếng sáo thật diệu kì. Một chi tiết nghệ thuật như thế nó dư sức làm rường cột cho cả một tác phẩm, đánh dấu sự trưởng thành của chặng đường sáng tác. làm nên tầm cao, đóng góp riêng của nhà văn Tô Hoài cho nên văn học, văn hóa nước nhà.
Ngày hôm nay, khi chúng ta lật giở trang truyện Vợ chồng A Phủ thì nhà văn Tô Hoài đã đi về miền viễn xa nhưng chắc chắn tiếng sáo đêm tình mùa xuân của bản Mèo xa lắc vẫn vi vút, vẫn lửng lơ ám ảnh trong tâm trí bao thế hệ người đọc mọi miền đất nước.
-
Bài văn phân tích ý nghĩa chi tiết tiếng sáo trong "Vợ chồng A Phủ" số 10
Vợ chồng A Phủ là một trong số không nhiều những tác phẩm văn xuôi viết thành công trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp. Có thể xem đó là gương mặt tiêu biểu của văn học thời đại mà cả dân tộc cùng rũ bùn đứng dậy sáng lòa. Trong đó chi tiết Tiếng sáo đêm tình mùa xuân là lát cắt ngang giữa nhân tế bào của tác phẩm. Vẻ đẹp nội dung, nghệ thuật cùng lộ ra từ chi tiết ấy.
Trước hết, chi tiết Tiếng sáo đêm tình mùa xuân là một sáng tạo nghệ thuật độc đáo nhằm khám, thể hiện vẻ đẹp nhân vật và chủ đề tư tưởng của tác phẩm. Tiếng sáo mùa xuân vốn là linh hồn của đời sống tinh thần vùng Tây bắc. Nó rất quen thuộc, gần gũi, không có gì mới lạ, đã được tác giả sử dụng hiệu quả linh diệu như chiếc móng vuốt của thần Kim Quy, như câu thần chú Vừng ơi … của Alibaba vậy. Nhờ chiến lẫy thần ấy mà cung nỏ nhà vua bắn một phát chết hàng vạn tên xâm lược; nhờ tiếng sáo đêm tình mùa xuân đó mà nhà văn mở được cánh cửa tâm hồn nhân vật Mỵ đã im ỉm khóa suốt bao nhiêu năm trời. Cứ nhìn cái dáng “lùi lũi như con rùa nuôi trong xó cửa”, nhìn cái cách kéo lê tấm thân của Mỵ từ mùa này sang mùa khác, từ năm này sang năm khác làm việc như một cái máy, cứ nhìn cái sự đêm đến “Mỵ chỉ còn biết thức với lửa”, đêm nào cũng vậy, dù cho có bị A Sử ngứa tay đánh đập hay có người chết ngay ở đó… (không có phản ứng gì) thì người ta chỉ có thể nghĩ rằng cô sẽ mãi câm lặng như tảng đá cho đến ngày chết rũ xương ở đây thì thôi…
Vậy mà từ khi nghe đầu núi lấp ló có tiếng sáo rủ bạn đi chơi của ai đó, “Mỵ lại thiết tha bồi hồi”. Tâm hồn Mỵ bắt gặp tiếng sáo, đã bắt đầu cựa quậy, đã bắt đầu biết cảm nhận, đã xúc động. Đã sống lại thật rồi! Tiếng sáo mùa xuân nhẹ nhàng, mỏng tang, vu vơ mà thần diệu tựa thuốc thánh Cam lồ. Tưới đến đâu thì hồi sinh sự sống, tình yêu đến đó… Kìa, Mỵ đang “nhẩm thầm bài hát của người thổi sáo”. Mỵ đang hòa lòng mình vào không khí mùa xuân tuổi trẻ của những cuộc chơi đánh pao, đánh quay. Mỵ đang sống với tâm trạng yêu đương trong những bài hát. Dòng nước mát hiếm hoi đã len rỉ vào tâm hồn đang khô hạn nứt nẻ của Mỵ rồi thì lẽ nào không mở lòng?! Tiếng sáo mùa xuân đến và đã neo đậu luôn trong lòng Mỵ, rồi ám ảnh không rời: “Tai Mỵ văng vẳng tiếng sáo gọi bạn đầu làng”. Rồi như một phản ứng dây chuyền, đồng lọat cả một quá khứ của tuổi trẻ hiện về, Mỵ lại được sống đắm chìm trong thời tuổi trẻ đầy say mê của mình: “… Mỵ thổi lá cũng hay như thổi sáo…. bao nhiêu người mê, ngày đêm đã thổi sáo đi theo Mỵ”…
Tiếng sáo dập dìu thiết tha gọi ai đầu làng mà đánh thức cả một miền hồi ức, kỷ niệm ùa về tươi rói. Rồi tiếng sáo ngày một gần, ngày một da diết hơn; ngồi một mình trong xó bếp nhưng Mỵ nhận rõ “Tiếng sáo goị bạn yêu vẫn lửng lơ bay ngoài đường.. Mỵ thấy phơi phới trở lại…”. Mùa xuân đã thực sự về, xốn xang trong lòng: “Mỵ vui sướng như những đêm xuân ngày trước. Mỵ vẫn còn trẻ, Mỵ muốn đi chơi…”. Rồi theo phép biện chứng của tâm hồn, cái hiện thực đầy say mê của quá khứ và tiếng sáo gọi bạn yêu kia đã trở thành thái cực tương phản của cảnh sống thực tại. Mỵ so sánh đối chiếu, soi xét lại cái hiện thực mà cô đã và đang phải sống, thấy nó thật phi lý, không thể chấp nhận. Tâm lý Mỵ nảy sinh một sự phản ứng bất ngờ mà thống nhất: Nghĩ đến nắm lá ngón… Nhìn ở góc độ sự sống cho thể xác, đây là một bước lùi, tiêu cực. Nhưng nhìn ở góc độ đời sống tinh thần, nhìn ở SỰ SỐNG ĐÚNG Ý NGHĨA LÀ CUỘC SÔNG CON NGƯỜI, đây là một dấu hiệu đáng mừng ở Mỵ. Bởi vì đó chính là sự thức tỉnh đầy tính nhân văn: Thà một phút huy hoàng rồi vụt tắt, thà chết trong một sự khẳng định quyết liệt ý nghĩa đúng đắn cuộc sống của mình còn hơn phải sống kiếp trâu ngựa suốt cả một đời. Nhờ tiếng sáo mùa xuân mà Mỵ có được sự thức tỉnh đó.
Tuy nhiên, một cô gái mê tiếng sáo, yêu đời như Mỵ không thể lùi sâu vào mãi góc chết. Tiếng sáo mùa xuân, tiếng sáo gọi bạn tình vẫn “lởng lơ bay ngoài đường”, và trong đầu Mỵ vẫn “rập rờn tiếng sáo” thì làm sao Mỵ có thể hững hờ, làm sao Mỵ có thể ăn lá ngón? Thay vào đó, cô “lấy hũ rượu, uống ừng ực từng bát”. Mỵ dằn lòng xuống, cái đắng cay bị kìm xuống thì cái nồng nàn của hơi men + cái đắm say của “tiếng sáo gọi bạn yêu” càng thôi thúc: “Mỵ đứng dậy xắn thêm mỡ bỏ vào đĩa đèn cho sáng” như để tự thắp sáng đời mình, như để khêu to hơn ngọn lửa tình yêu đang chập chờn trong ý thức của Mỵ. Hành động này lại tạo ra niềm tin để có hành động tiếp theo mạnh mẽ hơn: Mỵ quấn lại tóc, với tay lấy cái váy hoa vắt trên vách, sửa soạn đi chơi, bất chấp sự có mặt của A Sử (dù hắn là hiện thân trực tiếp và thường trực của cái ác, là hung thần đã nghiền nát tất cả hạnh phúc, sự sống của đời cô). Mỵ hoàn toàn không hề đếm xỉa đến hiện thực nữa. Lòng mải mê đi theo tiếng sáo, tay cô làm, chân cô bước như kẻ mộng du. Thậm chí cho đến khi đã bị trói bằng cả một thúng dây đay, bằng cả mái tóc dài của chính Mỵ, thân xác đau đớn cùng cực, thì tiếng sáo vẫn bám riết tâm hồn Mỵ. Suốt đêm dài… suốt đêm… Mỵ chỉ còn nghe tiếng sáo… Khi khát vọng tự do, khát vọng tình yêu đã cháy lên thì hiện thực kia làm sao đủ sức ngăn cản được sự bay bổng của tâm hồn?!.
Cũng có lúc tiếng chân ngựa đạp vách kéo Mỵ về thực tại. “Mỵ thổn thức nghĩ mình không bằng con ngựa. Con ngựa còn có lúc đứng gãi chân, nhai cỏ, còn…” nhưng “tiếng sáo vẫn đưa Mỵ đi theo những cuộc chơi, những đám chơi”… Lúc chừng đã khuya, Mỵ còn tưởng tượng được cuộc chơi xuân đêm nay đã đến lúc “trai làng đang đến bên vách làm hiệu rủ người yêu dỡ vách rừng chơi. Mỵ đã nín khóc, Mỵ lại thiết tha bồi hồi”. Tiếng sáo đã trở thành điểm tựa và Mỵ đã vững vàng hơn.