Top 12 Bài văn thuyết minh về mâm ngũ quả ngày Tết hay nhất

Bình An 51249 0 Báo lỗi

Mỗi dịp Tết đến xuân về, nhà nhà lại tấp nập chuẩn bị cho năm mới. Trong đó mâm ngũ quả - nét văn hóa đặc sắc trên bàn thờ gia tiên mỗi gia đình mang ý nghĩa ... xem thêm...

  1. Xin chào các bạn, hôm nay tôi xin thay mặt người dân Việt Nam giới thiệu cho các bạn một nét đặc sắc của quê hương tôi. Thưa các bạn, vào mỗi độ Tết đến xuân về, người dân nước tôi thường chuẩn bị câu đối đỏ, bánh chưng xanh, hoa mai,…Nhưng để thể hiện được cả tấm lòng hiếu thảo và ước mong những điều tốt lành cho năm mới sắp tới, thì ta chắc chắn không thể phủ nhận tầm quan trọng của mâm ngũ quả. Nào, bây giờ các bạn hãy lắng nghe thật kĩ nhé, sẽ rất thú vị đấy.


    Thưa các bạn, theo một tài liệu cho biết trong chiêm thư, đối với cư dân vùng nông nghiệp, người ta chọn cách nhìn “ngũ quả” (tức là năm loại quả khác nhau) để dự đoán được, mất của vụ mùa lương thực. Lâu dần nó trở thành một tập quán, “ngũ quả” biểu trưng cho sự cầu nguyện mùa màng bội thu, nên cuối cùng được chọn để dâng lên ông bà tổ tiên vào dịp Tết.


    Phong tục này sau dần lan ra cả nước và trở thành một truyền thống khắc sâu trong tâm trí người Việt Nam chúng tôi. Vậy chắc các bạn cũng có thắc mắc rằng tại sao lại là “ngũ quả” – năm loại trái chứ không phải là sáu loại hoa hay thực phẩm nào khác? Câu trả lời là ở chữ “quả”, ở đây “quả” mang ý nghĩa sung túc nhờ vào cấu tạo của nó” bên trong là hạt tượng trưng cho sao, phần thịt quả bên ngoài bao bọc lấy tượng trưng cho vũ trụ, thể hiện ý nghĩa sinh sôi, sự bất tận và sự tái sinh của sự sống.


    Những sản vật này là kết tinh của công sức, mồ hôi, nước mắt, là thành quả sau một năm lao động miệt mài. Người nông dân đã lựa dịp tốt lành để kính dâng lên ông bà tổ tiên. Tiếp đến là “ngũ” (tức số năm) là một số lẻ tượng trưng cho sự phát triển không ngừng, sự nảy nở, biểu trưng cho sự sống. Ngày nay, để thể hiện tấm lòng hiếu thảo hơn, cộng với thẩm mĩ mà người ta không còn quan trọng việc phải chọn đúng số quả là năm nữa, tuy nhiên người dân miền Bắc vẫn chọn số quả lẻ để bày lên mâm ngũ quả.


    Trái lại, người miền Trung và miền Nam thì không quan trọng về việc số quả chẵn hay lẻ nhưng việc bày mâm ngũ quả vẫn giữ một số quy tắc truyền thống dân gian như: mâm ngũ quả chỉ bày quả không bày thực phẩm khác, chỉ tính loại không tính số lượng quả (ví dụ chỉ cần một nải chuối không cần quan tâm là có mấy quả). Và dù cho số lượng có nhiều hơn năm quả đi nữa thì vẫn gọi là “mâm ngũ quả”.


    Như các bạn biết đấy, đất nước hình chữ S của chúng tôi cũng giống nước các bạn, chia làm nhiều vùng khác nhau, kéo theo đó là điều kiện tự nhiên cũng có khác biệt dẫn đến có nhiều cách bày mâm ngũ quả với các ý nghĩa khác nhau. Ở miền Bắc, chọn theo năm loại quả với màu sắc khác nhau theo quan niệm xưa là giống ngũ hành, ứng với số mệnh của con người: mệnh Kim (màu trắng), Mộc (màu xanh), Thủy (màu đen), Hỏa (màu đỏ), Thổ (màu vàng).


    Tuân theo màu sắc năm quả đó ý muốn nói là quả ở năm phương đất nước được mang về dâng lên gia tiên. Ngoài ra, mâm ngũ quả của người miền Bắc còn thể hiện ước vọng của người dân đó là được “ngũ phúc lâm môn”: Phúc - Sang -Thọ - Khang - Ninh nghĩa là cầu mong sự giàu có, sang trọng, sống lâu, sức khỏe, yên bình. Thật ý nghĩa phải không nào?

    Còn miền Trung của nước tôi là vùng đất khô cằn ít hoa trái lại thêm dịp Tết là mùa đông nên trái, quả lại càng khan hiếm hơn. Người dân quê không câu nệ hình thức, rất giản dị, chủ yếu là có gì cúng nấy. Vì miền Trung (tức ở giữa) nên chịu sự giao thoa của hai nền văn hóa Bắc và Nam vì vậy quan niệm về mâm ngũ quả của người ở đó cũng rất đa dạng, phong phú.


    Cuối cùng là miền Nam, mâm ngũ quả của họ bao gồm mãng cầu xiêm, dừa hay dưa, đu đủ, xoài, sung. Đôi khi còn có cả trái dứa hay còn gọi là thơm để thể hiện sự vững vàng, và không thể thiếu là đôi dưa hấu để riêng trên bàn thờ vì dưa hấu xanh vỏ đỏ lòng biểu tượng cho lòng trung nghĩa của người miền Nam. Đặc biệt hơn cả là họ có cả cách gọi cho mâm ngũ quả theo kiểu gần âm: mãng cầu là cầu, đu đủ gần âm với chữ đủ, dừa hay dưa gần âm với vừa, xoài gần âm với “xài” (tiếng miền Nam có nghĩa là dùng) sung là “sung túc” đọc thành “cầu vừa đủ xài sung” hay “cầu sung vừa đủ xài”.


    Thêm nữa người miền Nam khác gần như hoàn toàn với người miền Bắc về việc trưng bày mâm ngũ quả. Họ không bao giờ chọn những thứ quả có tên mang ý nghĩa xấu đặt lên mâm ngũ quả của gia đình mình. Như là chuối (có chữ đọc thành “chúi nhủi”, mang ý nghĩa thất bại), quả lê (có ý nghĩa là lê lết), táo (người miền Nam đọc là bom), lựu (lựu đạn), quýt, cam (vì có câu quýt làm cam chịu) hay ngay cả sầu riêng – thứ quả mà bình thường người miền Nam rất thích ăn cũng không được lựa chọn bày lên mâm ngũ quả bởi vì có ý buồn rầu, là không mang lại may mắn cho năm mới.

    Thông thường, một số gia đình Việt Nam vẫn có nhiều băn khoăn khi lựa chọn mâm ngũ quả vào dịp Tết Nguyên Đán mặc dù là một tập tục rất quen thuộc, đó là có nhất tiết phải chọn các loại quả có màu sắc giống trong màu Ngũ Hành hay không? Trong khi vẫn muốn bày thêm các loại quả khác để thể hiện mong ước riêng của gia chủ.


    Nếu các bạn cũng muốn trưng bày mâm ngũ quả, tiện đây tôi cũng xin nói rằng là theo quan niệm thì Ngũ Hành không có ý nghĩa trên bàn thờ, không mang ý thực tiễn tâm linh cho nên các bạn vẫn có thể lựa chọn các loại quả khác để bày lên mâm ngũ quả theo ý muốn của mình. Về việc chọn lực quả, người dân của tôi cũng rất kĩ càng.


    Khi đi chợ mua quả, thì cần chọn những quả chắc không trầy và còn nguyên cành lá để mâm ngũ quả được nhìn xum xuê, đẹp mắt. Muốn chọn dưa hấu ngon cần lấy tay búng vào vỏ quả dưa, nếu âm thanh nghe trầm, kêu bịch bịch có nghĩa là quả ngon. Còn khi chọn quýt nên chọn những quả lõm phía dưới vì thường là những quả ngọt. Về phần bưởi nếu là quả tươi ngon thì cầm sẽ thấy nặng và chắc. Thông thường việc bày mâm ngũ quả được các gia đình tiến hành vào ngày ba mươi Tết, chọn buổi sáng hoặc chiều để dâng lên ông bà tổ tiên. Tuy nhiên, việc mua quả đã được tiến hành sớm hơn nhiều. Do công việc, có thể chúng tôi đã đi mua quả từ ngày hai bảy, hai tám Tết thậm chí là sớm hơn nữa.


    Nếu khi mua mà không chú ý đến việc mâm ngũ quả sẽ để đến sau ngày ba mươi Tết vài ngày nữa mà chọn mua những quả chín dẹp, nhìn vừa mắt thì khi đến ngày ba mươi Tết bày quả lên mâm chúng sẽ bị chín quá, héo là và mềm vỏ. Cho nên khi chọn mua cần lữa những quả còn xanh, hoặc gần chín đế trưng được lâu. Đặc biệt là chuối phải xanh để đủ cứng cáp đỡ được sức nặng của các loại quả khác được đặt trong lòng nó (người dân thường đặt những loại quả nhỏ vào lòng nải chuối để ngụ ý được bao bọc, ấm áp). Ngoài ra, các loại quả khác như hồng, xoài, măng cụt,… nên chọn những quả đang chín tới để khỏi bị thối vào ngày ba mươi Tết. Cho dù có nhiều loại quả thì có nhiều gia đình vẫn mua thêm quả phật thủ có hình dáng giống bàn tay Phật mong mang lại điều an lành. Điều cuối cùng là khi mau về chúng tôi sẽ không rửa quả để tránh quả nhanh bị hỏng.


    Ngoài ý nghĩa tâm linh ra, mâm ngũ quả làm cho không khí ngày Tết cũng như bàn thờ gia tiên thêm phần rực rỡ tươi vui, ấm áp. Mâm ngũ quả thể hiện triết lí, ý nghĩa cao về tâm hồn người Việt chúng tôi cũng như thể hiện tính thẩm mỹ. Tìm hiểu về mâm ngũ quả cũng là các bạn đã tìm hiểu về lịch sử, truyền thống tốt đẹp của dân tộc tôi. Mặc dù mỗi miền mỗi khác nhưng dù sao mâm ngũ quả cũng là thứ hội tụ đầy đủ hồn quả, hương cây của khắp mọi miền đất nước chúng tôi.

    Cho dù đi xa quê hương các Việt kiều cũng vẫn nhớ nét văn hóa này, vẫn không quên chuẩn bị mâm ngũ quả tươm tất để đón Tết. Như vậy, các bạn đã cùng tôi tìm hiểu về mâm ngũ quả - một nét đẹp văn hóa lâu đời của đất nước tôi. Hi vọng những kiến thức này giúp các bạn hiểu thêm về đất nước con người tôi, qua đó tôi cũng mong nếu yêu thích phong tục này, các bạn cũng sẽ trưng bày mâm ngũ quả vào ngày Tết của đất nước mình. Xin chào các bạn và hẹn gặp lại vào một ngày không xa để tôi lại có thể vinh dự được giới thiệu về quê hương yêu dấu của mình.

    Ảnh minh họa (Nguồn internet)
    Ảnh minh họa (Nguồn internet)
    Ảnh minh họa (Nguồn internet)
    Ảnh minh họa (Nguồn internet)

  2. Ngày Tết Âm lịch bước vào bất kì gia đình người Việt nào ta cũng bắt gặp trên bàn thờ gia tiên mâm ngũ quả. Mâm ngũ quả mà ta thường thấy trên bàn thờ mọi gia đình Việt không chỉ làm cho ngày Tết thêm sinh động mà còn mang nhiều ý nghĩa thiêng liêng và thể hiện những điều ước nguyện của gia chủ. Tuy nhiên không phải ai cũng hiểu hết ý nghĩa của nó.


    Theo thuyết duy vật cổ đại, tất cả mọi vật chất đều được tạo nên bởi năm yếu tố ban đầu gồm: kim loại (kim), gỗ (mộc), nước (thủy), lửa (hỏa) và đất (thổ) – gọi là ngũ hành. Tư tưởng này xâm nhập sâu sắc vào đời sống văn hóa của các dân tộc phương Đông. Tục lệ bày mâm ngũ quả trên bàn thờ ngày Tết của người Việt Nam là một trong những biểu hiện của tư tưởng này. Mâm ngũ quả là mâm trái cây có năm loại quả khác nhau.


    Tùy theo đặc điểm tự nhiên, phong tục tập quán và quan niệm, người dân mỗi vùng, miền có cách chọn các loại quả đặc trưng mang ý nghĩa riêng. Nếu căn cứ theo màu sắc trong triết lí phương Đông thì mâm ngũ quả phải có năm loại quả với năm màu khác nhau gồm: Đầu tiên là chuối xanh – ứng với mùa xuân (hành mộc). Nải chuối như bàn tay ngửa, hứng lấy những gì tinh túy nhất của mùa xuân để đọng thành quả ngọt; nó còn có ý nghĩa che chở, bao bọc.


    Thứ hai là quả Phật thủ màu vàng – tượng trưng hành thổ nên được đặt ở giữa, trong lòng nải chuối. Phật thủ là loại quả có mười cánh múi chụm lên như mười ngón tay nên dân gian gọi là tay Phật. Phật thủ được bày lên bàn thờ với niềm cầu mong được bàn tay Phật trời ban phúc lộc. Nếu không tìm được Phật thủ, có thể thay bằng quả bưởi chín vàng, cũng mang ý nghĩa tương tự.


    Tiếp theo, ba loại quả khác có các màu đỏ (ứng với mùa hạ – hành hỏa) như ớt sừng, cam – quýt chín, trứng gà, hồng…; màu trắng (ứng với mùa thu – hành kim) như roi, đào; màu đen (ứng với mùa đông – hành thủy) như mận, hồng xiêm… Tuy nhiên, dù là loại quả gì, mâm ngũ quả vẫn mang một ý nghĩa chung: dâng cúng tổ tiên thể hiện lòng hiếu thảo và ước mong những điều tốt lành trong gia sự. Mỗi loại quả đều có mùi vị, màu sắc riêng và cũng mang những ý nghĩa nhất định.

    Mâm ngũ quả của người Nam thường có các loại quả mãng cầu, dừa, đu đủ, xoài, sung (theo câu “cầu vừa đủ xài sung”), thêm “chân đế” là ba trái thơm (dứa) thể hiện sự vững vàng. Mâm ngũ quả của người miền Nam không bao giờ có chuối, vì loại quả này tên gọi có âm giống từ “chúi”, thể hiện sự nguy khó.


    Quả cam cũng không được có mặt trong mâm ngũ quả ngày Tết, vì câu “quýt làm cam chịu”… Trong khi với người Bắc, hầu như tất cả các loại quả đều có thể bày trên mâm ngũ quả, không kiêng cả quả ớt (cay đắng), miễn sao đẹp mắt là được. Nải chuối được đặt dưới cùng, ở giữa để đỡ lấy toàn bộ các trái cây khác. Quả bưởi đặt giữa nải chuối, xung quanh là hồng, quýt…bày đan xen vào nhau.

    Theo các nhà dược liệu và thầy thuốc Đông y thì mâm ngũ quả cũng là một tập hợp của nhiều vị thuốc. Lá bưởi có tác dụng chữa cảm (dùng cùng một số lá khác để nấu nồi thuốc xông chữa cảm sốt), vỏ bưởi dùng chữa đầy chướng bụng, bí tiểu, múi bưởi giúp giải khát, dùng tốt cho người tiểu đường, hoa bưởi có hương thơm đặc biệt, dùng ướp trà và một số thực phẩm…


    Đu đủ chín có tác dụng bổ dưỡng, rất tốt cho trẻ em và người cao tuổi, người mới khỏi bệnh, đủ xanh chứa chất papain có tác dụng phân giải tế bào, giúp nấu thịt chóng mềm. Rễ đu đủ dùng làm thuốc cầm máu. Hoa đu đủ hấp đường phèn làm thuốc chữa ho cho trẻ em khàn tiếng…


    Chuối là loại quả giàu dinh dưỡng, tốt cho người cao tuổi và trẻ em bị táo bón. Chuối hương phối hợp bột lòng đỏ trứng gà dùng chữa trẻ suy dinh dưỡng… Quả hồng dùng chữa khí nghịch – nấc, chữa đau rát họng, khô họng, dân gian dùng chữa cao huyết áp. Hồng xiêm kích thích tiêu hóa, vỏ quả chữa tiêu chảy…

    Ngày nay do trái cây nhiều, loại nào cũng ngon, bổ và để thể hiện cao nhất lòng hiếu thảo đối với tổ tiên, đồng thời cũng nhằm thể hiện tính mỹ thuật trong con mắt thẩm mỹ độc đáo của nhân dân, nên mâm ngũ quả ngày càng phong phú hơn. Người ta cũng không câu kệ cứng nhắc “ngũ quả” nữa mà có thể là bát, cửu, thập quả. Nhiều hơn, nhưng người ta vẫn gọi là “mâm ngũ quả” và, dù đựng trong đĩa cũng vẫn gọi theo xưa là “mâm”.


    Bởi đó là một “sản phẩm văn hóa” đã xác lập trong quá trình lịch sử lâu dài được khuôn đúc theo quan niệm về “bộ ngũ hoàn hảo”. Bày mâm ngũ quả trong những ngày thiêng liêng đầu năm mang ý nghĩa giữ gìn bản sắc văn hóa cội nguồn cực kì độc đáo của dân Việt ta.

    Như vậy, mâm ngũ quả là tâm sự gửi gắm của mỗi gia đình, nói lên lòng biết ơn trời đất, tổ tiên, ước muốn đầy đủ và sung túc, hòa hợp như năm sắc màu của thiên nhiên trong ngũ hành. Mâm ngũ quả làm cho quang cảnh Tết và không gian thờ cúng trong mỗi gia đình Việt thêm ấm áp, rực rỡ mà hài hòa; thể hiện sinh động ý nghĩa triết học – tín ngưỡng – thẩm mỹ, đồng thời cũng chứa đựng ước vọng của con người.

    Ảnh minh họa (Nguồn internet)
    Ảnh minh họa (Nguồn internet)
    Ảnh minh họa (Nguồn internet)
    Ảnh minh họa (Nguồn internet)
  3. Mỗi năm, cứ vào dịp Tết, trên bàn thờ mỗi gia đình đều có mâm ngũ quả.


    Xưa kia, người ta dùng các mâm bồng để xếp ngũ quả. Mâm bồng là một chiếc đĩa gỗ sơn son thếp vàng, có đường kính chừng 30cm. Mâm có chân dài tiện tròn, cao chừng 15cm. Dưới có đế tròn, trên mặt đĩa có vẽ hình rồng, phượng. Mâm ngũ quả được đặt lên mặt mâm bồng hoặc được đệm bằng một chiếc đĩa bằng sành hoặc sứ.


    Sau này, ngũ quả thường được đặt trên một chiếc đĩa tròn hoặc bầu dục. Cũng có khi trên một chiếc mâm con. Trước hết, mâm ngũ quả là để cúng trời, phật, tổ tiên. Sau là tô điểm cho màu sắc tết được thêm phần sang trọng, rực rỡ. Không khí ngày tết được ấm cúng. Nó làm cho người ta liên tưởng tới sự được mùa, sự dồi dào, no đủ, đến hoa thơm quả mọng.


    Trong tâm thức của người Việt Nam, mâm hoa quả trước tiên là để dâng Mẫu Thượng Ngàn. Mâm ngũ quả gồm 5 loại quả. Con số 5 là con số cân bằng, con số của trật tự, thành ý và may mắn: ngũ hành, ngũ sắc, ngũ vị, ngũ giác, ngũ quan, ngũ phúc… Mâm ngũ quả gồm các loại quả có hạt, múi và hình dáng lạ, nói lên sự tái sinh và sinh sôi bất tử.


    Nó gồm: quả phật thủ có hình tượng bàn tay phật, là sự tập trung tinh thần, sự chế ngự thiêng liêng; nải chuối tượng trưng cho sự mong manh vừa không ổn định của cuộc đời phù du; quả bưởi là hình quả đất, là sự tròn đầy; quả hồng là sự tỏa sáng, cân bằng tinh thần; quả cam tượng trưng cho sự phồn thực


    Để tăng tính thẩm mỹ, các loại quả thường còn giữ trên mình một cành nhỏ có chừng 1 hoặc 2 cành lá. Sau này, người ta thường bày thêm vào mâm ngũ quả những loại quả khác sẵn có ở địa phương như: cành táo, cành sung, vả, khế, ổi, quýt, dưa hấu…Mâm ngũ quả trở nên đầy đặn, phong phú mà nhiều màu sắc hơn.

    Lại tùy nơi mà mâm ngũ quả được bày thêm vào những sản phẩm có ở những địa phương khác nhau. Mâm ngũ quả miền nam lớn hơn ở miền bắc. Miền nam có bày thêm mãng cầu, dừa, đu đủ, sung, dứa, xoài…Mỗi loại quả đều có dáng vẻ và màu sắc riêng.


    Tất cả hợp lại thành một bức tranh vui mắt. Tất cả đều tươi sáng, tròn đầy, mang lại niềm vui cho tất cả mọi người. Chúng còn mang lại những hoài niệm tuổi thơ cho những người lớn tuổi. Trong khói hương ngào ngạt ngày tết, những quả hồng chín mọng, quả cam đỏ ối, bưởi xanh mịn…của mâm quả đã đi vào lòng người một cách lặng lẽ, trang nghiêm.

    Mâm ngũ quả tạo nên một ấn tượng êm đềm, hạnh phúc. Đó là một phần của hình ảnh gia đình được lặp đi lặp lại nhiều lần và gắn liền với tiềm thức ta. Ngũ quả là cây đời, cây thiện, cây mỹ… là tâm hồn của quê hương.

    Ảnh minh họa (Nguồn internet)
    Ảnh minh họa (Nguồn internet)
    Ảnh minh họa (Nguồn internet)
    Ảnh minh họa (Nguồn internet)
  4. Ngày Tết, cho dù ở thành thị hay thôn quê, giàu sang hay nghèo khó, trên bàn thờ tổ tiên hoặc trên bàn tiếp khách, hầu như nhà nào cũng trưng một mâm ngũ quả, và cố thể hiện sao cho vừa đẹp mắt vừa hàm ý những điều ước nguyện của gia chủ.


    Không biết phong tục này có từ bao giờ, phải chăng vì đất nước ta vốn bốn mùa hoa trái, nhất là vào mùa xuân hoa quả càng rộ. Hoa quả là lộc của thiên nhiên, đất trời. Lộc Xuân càng quý. Dâng lộc trời, cúng ông bà, tổ tiên trong những ngày đầu Xuân thật là một tục lệ đẹp đẽ đầy nét nhân văn.


    Cứ vào 30 tháng Chạp âm lịch thì nhà nhà đều cho bày biện một mâm ngũ quả kèm với nhiều sản vật khác trên bàn thờ. Mâm ngũ quả thường bày trên một cái mâm bằng gỗ tiện, sơn son, có chân, gọi là mâm bồng. Nếu không có mâm bòng, có thể bày trên một cái đĩa to, nhưng phải đặt trên chồng bánh chưng để tạo dáng cao, uy nghiêm, thành kính. Theo quan niệm của dân gian thì “quả“ (trái cây) được xem như biểu tượng cho thành quả lao động một năm.


    Ông cha ta chọn 5 loại trái cây để cúng đêm giao thừa là ngụ ý rằng: Những sản vật này được kết tinh từ công sức, mồ hôi, nước mắt của con người lao động, kính dâng lên đất trời, thần thánh trong giờ phút linh thiêng của vũ trụ vạn vật sinh tồn. Tư tưởng, hình ảnh ấy đã ăn sâu và tâm thức của người Việt Nam bao đời nay.


    Gọi là ngũ quả nhưng thật ra chẳng ai rõ quy định là những loại quả gì mà tùy từng địa phương với đặc trưng về khí hậu, sản vật và quan niệm riêng mà người ta chọn ra các loại quả để “thiết kế” mâm ngũ quả. Tuy nhiên, dù là loại quả gì, mâm ngũ quả vẫn mang một ý nghĩa chung: dâng cúng tổ tiên thể hiện lòng hiếu thảo và ước mong những điều tốt lành trong gia sự.


    Mỗi loại quả đều có mùi vị, màu sắc riêng và cũng mang những ý nghĩa nhất định.Mâm ngũ quả trong Nam cũng khác so với ngoài Bắc. Trên mâm ngũ quả ở ngoài Bắc thường có: Bưởi, đào, quýt, chuối, hồng. Có khi người ta thay bưởi bằng phật thủ hoặc lựu.


    Mâm ngũ quả trong Nam vẫn cứ giữ nguyên truyền thống là mãng cầu, sung, dừa xiêm, đu đủ, xoài mà các bà thường quan niệm sơ đẳng là “cầu – sung – vừa – đủ – xài”, mỗi loại có một ý nghĩa riêng. Một mâm ngũ quả được bày dưới cùng là một nải chuối to già còn xanh, nải chuối đều, hoặc 2 nải chuối nhỏ ghép bên nhau như một chiếc bệ cong gồm 2 tầng nâng đỡ hoàn toàn hoa trái khác, ở đây có sự phối hợp màu sắc, mâm ngũ quả đẹp là đủ màu sắc rực rỡ.


    Chính giữa bệ mâm xanh sẫm, trước đây bày quả phật thủ. Ngày nay ít trồng phật thủ nên thường thay bằng quả bưởi to, càng to càng đẹp. Bưởi chín vàng, tươi nổi bật trên bệ chuối màu xanh. Những quả chín đỏ đặt xung quanh, những chỗ khuyết dưới đặt xen kẽ quýt vàng và táo màu xanh ngọc, còn bao nhiêu lá xanh cố tình để sót lại ở cuống quả như hoàn thiện những nét trang trí cuối cùng.


    Mâm ngũ quả đã làm quang cảnh ngày Tết và không gian cũng thêm phần ấm áp, rực rỡ mà hài hòa. Nó thể hiện sinh động ý tưởng triết lý – tín ngưỡng – thẩm mỹ ngày Tết. Tìm hiểu về mâm ngũ quả cũng là tìm hiểu về nguồn gốc, lịch sử, truyền thống tốt đẹp để chúng ta nhớ lại tổ tiên.

    Ảnh minh họa (Nguồn internet)
    Ảnh minh họa (Nguồn internet)
    Ảnh minh họa (Nguồn internet)
    Ảnh minh họa (Nguồn internet)
  5. Tết Nguyên Đán là ngày lễ lớn nhất trong năm của Việt Nam, mỗi dịp xuân về nhà nhà ai cũng đều náo nức chuẩn bị đón chào năm mới. Bên cạnh bánh chưng, bánh giầy, kẹo, bánh mứt tết hay hoa đào, hoa mai thì không thể thiếu được trên bàn thờ tổ tiên mâm ngũ quả ngày tết.


    Mâm ngũ quả không chỉ tạo nên những hình thù đẹp mắt trưng bày trên bàn thờ mà nó còn mang nhiều ý nghĩa văn hóa, tín ngưỡng đẹp đẽ. Khi mùa xuân đến, cây cối cũng đâm chồi nảy lộc, hoa quả càng nở rộ. Những loài hoa, loại quả đều từ công bàn tay chăm sóc của người nông dân và kết tinh từ những tinh hoa mà đất trời và thiên nhiên ban tặng.


    Những thức quả đều đẹp, đều quý, con cháu dâng lên ông bà như bày tỏ niềm thành kính đến ông cha, tổ tiên mình cũng là dâng lên đất trời nhưng hương hoa tinh túy nhất để cầu bình an, phúc lành cho năm mới. Đó là một nét đẹp nhân văn trong ngày tết truyền thống được lưu giữ qua bao đời, ngày nay vẫn tiếp tục được trân trọng và phát huy.


    Vì sao người ta thường gọi đó là "mâm ngũ quả"? "Ngũ" có nghĩa là năm, quả là cây trái, "quả" cũng tượng trưng cho thành quả lao động của người dân sau bao vất vả được hưởng trái ngọt, quả lành. Theo thuyết ngũ hành, năm loại quả còn có ý nghĩa tượng trưng cho năm yếu tố tạo nên vạn vật là kim, mộc, thủy, hỏa, thổ. Ngoài ra, "ngũ quả " còn thể hiện ước muốn của người Việt đạt được ngũ phúc lâm môn trong nét đẹp văn hóa dân tộc đó là phúc, quý, thọ, khang, ninh. Song, dù bất kỳ ý nghĩa nào nó vẫn mang giá trị cao đẹp trong văn hóa ngày tết của dân tộc.


    Mâm ngũ quả thường được bày chính giữa bàn thờ ở mâm cao nhất. Trên một đĩa sành lớn hoặc trên những cái mâm bằng đồng sáng bóng. Tùy vào quan niệm cũng như tục lệ của từng địa phương mà người dân chọn những loại quả khác nhau để tạo nên mâm ngũ quả.


    Ví dụ như ở miền Nam người ta chọn thờ dừa, xoài, đu đủ, sung, mãng cầu với ước muốn bình dị "cầu vừa đủ sung túc", thì ở miền Bắc thường chọn bưởi, quýt, chuối, hồng đào với ước mơ êm ấm, đủ đầy. Ở miền Trung, mâm ngũ quả thường có chuối, ổi, nho, xoài, quýt...


    Ngoài ra, cũng tùy sở thích và điều kiện của từng gia đình mà có thể lựa chọn, bày nhiều loại quả hơn. Tuy hình thức khác nhau song chúng đều mang tấm lòng thành của con cháu gửi đến đất trời, tổ tiên mong cầu cuộc sống yên lành, một năm làm việc thuận buồm xuôi gió, may mắn, thành công.


    Trong mâm ngũ quả, gia chủ thường chọn những nải chuối to, đẹp, đều đặt làm trung tâm, những nải chuối to như những đôi bàn tay lớn nâng đỡ những loại quả khác, chúng được phối hợp rất đẹp mặt về màu sắc và kiểu dáng, thường sẽ chọn mỗi loại một kiểu dáng, một màu sắc. Đặt mâm ngũ quả hình chóp mang ý nghĩa sự thịnh vượng và phát triển, với tới những đỉnh cao mới của thành tựu và vinh quang.


    Trước khi thực hiện bày biện mâm ngũ quả, gia chủ rất chú trọng đến việc lựa chọn từng loại quả. Các cây trái phải căng, mịn và thường ngắt cùng với cuống tạo nên nét thanh nhã và lịch sự. Quả chọn không được quá chín hoặc quá non thì mới đẹp. Bên cạnh mâm ngũ quả trên bàn thờ là những lễ vật khác được xếp đặt ngay ngắn. Đó là những bánh chưng, những trà, mứt, rượu và hoa cúc vàng được cắm đẹp mắt và tinh tế. Dù gia chủ giàu hay nghèo, dù nông thôn hay thành thị thì ngày tết trên bàn thờ tổ tiên vẫn luôn đủ đầy, ấm cúng.


    Mâm ngũ quả ngày tết là nét đẹp hồn hậu trong văn hóa dân tộc. Dù cho bây giờ hay mãi mãi về sau thì con cháu vẫn không thể nào quên được truyền thống làm mâm ngũ quả khi xuân về dâng lên bàn thờ tổ.


    "Tết đến rồi nha

    Có mâm ngũ quả

    Bên bánh chưng xanh

    Quả chuối, quả na

    Quả xoài, quả mận

    Thanh long, bưởi đậm

    Nào quýt nào lê

    Bé chọn năm quả

    Xếp thành một mâm"

    Ảnh minh họa (Nguồn internet)
    Ảnh minh họa (Nguồn internet)
    Ảnh minh họa (Nguồn internet)
    Ảnh minh họa (Nguồn internet)
  6. Theo thuyết duy vật cổ đại, tất cả mọi vật chất đều được tạo nên bởi 5 yếu tố ban đầu gồm: kim loại (kim), gỗ (mộc), nước (thủy), lửa (hỏa) và đất (thổ) - gọi là ngũ hành. Tư tưởng này xâm nhập sâu sắc vào đời sống văn hóa của các dân tộc phương Đông. Tục lệ chưng mâm ngũ quả trên bàn thờ ngày Tết cổ truyền của người Việt Nam là một trong những biểu hiện của tư tưởng này.


    Mâm ngũ quả bao gồm năm loại trái cây mà theo quan niệm của phong thủy thuật số là năm yếu tố cấu thành nên càn khôn, vũ trụ, đó chính là kim, mộc, thủy, hỏa, thổ thường gọi là ngũ hành. Nhưng theo quan niệm dân gian thì ngũ quả cũng có nghĩa là ngũ cốc, năm loại cây có hạt được vua Thần Nông truyền dạy cho con người trồng trọt từ thuở khai thiên lập địa, đó là: Gạo, nếp, lùa mì, mè và đậu (tiếng Hán Việt cổ gọi là Đạo, thử, tắc, mạch, thực).


    Nhưng trên mâm ngũ quả thì không thấy năm loại cây có hạt này mà chúng ta thấy có năm loại trái cây mà người dân Việt hay chưng và gọi tên theo vần điệu, ám chỉ cho ước nguyện về một đời sống hưng thịnh là: Cầu, dừa, đủ, xoài, thơm. Cầu là trái mãng cầu hay quả na (gọi theo miền Bắc), vừa là trái dừa (mà người Nam đọc trại ra là vừa), đủ là trái đu đủ, xài là trái xoài, thơm là trái dứa. Ước nguyện thật nhỏ nhoi, khiêm nhường biết bao, như một lời cầu nguyện mong ông bà tổ tiên và trời đất chứng minh cho ước nguyện nhỏ nhoi đó là: "Cầu vừa đủ xài thơm".


    Mâm ngũ quả tượng trưng cho thành quả lao động miệt mài của một năm cộng với ước nguyện về một cuộc sống an nhàn, sung túc của người dân Việt trong ngày Tết dành dâng lên trời đất, ông bà chính là một nét văn hóa độc đáo mang tính nhân văn của dân tộc ta. Nó không chỉ biểu hiện cho tấm lòng thành kính tri ân của con cháu dành cho trời đất và ông bà tiên tổ mà nó còn thể hiện ý chí vươn lên vì một cuộc sống ấm no, giàu mạnh của con người trong mọi thời đại, dù ở thành thị hay thôn quê thì ai cũng đều mong cầu một đời sống như vậy.


    Muốn có một mâm ngũ quả đẹp thì có thể chưng bao nhiêu loại trái cây cũng được, miễn là có nhiều màu sắc càng tốt, nói theo quan niệm phong thủy thì có đủ ngũ hành là năm yếu tố cấu thành nên trời đất, biểu tượng cho trời đất. Màu xanh của bưởi, dưa hấu, dừa, mãng cầu trộn lẫn với màu đỏ của mận, quýt, sung và xem lẫn màu vàng của xoài, đu đủ sẽ tạo nên nét đẹp sống động cho mâm trái cây chưng trên bàn thờ trong ba ngày Tết.


    Thường thì nên có một nải chuối sứ hoặc chuối cao làm chân cho chắc, phía sau nên dựng một quả bưởi, dừa, dưa hấu hoặc thơm để làm điểm tựa rồi chèn những quả quýt, cam, mận, mãng cầu tây hoặc mãng cầu ta xung quanh cho chắc, sau đó cho các loại trái cây nhỏ lên trên.


    Chú ý chèn cho chắc để tạo sự đan kết vững vàng, không rời rạc cho mâm trái cây. Bên cạnh mâm ngũ quả cũng nên có những lễ vật khác như bánh chưng, bánh tét, trà, rượu, bánh, mứt, một bình hoa lá giơn đỏ hoặc cúc vàng, đặc biệt không thể thiếu một cành mai vàng hay một nhánh đào đỏ là linh hồn của ngày Tết cổ truyền.


    Mâm ngũ quả làm cho quang cảnh ngày Tết thêm sinh động, không khí trong nhà thêm ấm áp, đượm đầy sắc xuân. Nó mang triết lý cuộc sống, tín ngưỡng và văn hóa cổ truyền của người Việt ta. Đặc biệt mâm ngũ quả còn mang tính kế thừa và giáo dục về nguồn cội, về tổ tiên ông bà cho các thế hệ mai sau được biết và học tập theo những việc làm mang tính nhân văn của thế hệ đi trước. Do đó, mâm ngũ quả chính là một yếu tố văn hóa không thể thiếu trong ngày Tết cổ truyền của dân tộc và trong mỗi gia đình Việt Nam.

    Ảnh minh họa (Nguồn internet)
    Ảnh minh họa (Nguồn internet)
    Ảnh minh họa (Nguồn internet)
    Ảnh minh họa (Nguồn internet)
  7. Mỗi dịp Tết đến xuân về, cùng với bánh chưng xanh, câu đối đỏ và lời chúc mừng năm mới ý nghĩa nhất thì mâm ngũ quả là thứ không thể thiếu trên bàn thờ của mỗi gia đình người Việt.


    Giống như bánh chưng, bánh giầy của Lang Liêu, mâm ngũ quả là một trong những thế đồ không thể thiếu trên bàn thờ gia tiên của mỗi người dân Việt Nam. Từ Bắc vào Nam cứ vào ngày tết âm lịch hàng năm, nhà nào nhà nấy đều có một mâm ngũ quả với đủ thức quả để dâng lên ông bà, tổ tiên bởi ý nghĩa của các loại quả trên mâm ngũ quả ngày tết nói riêng và ý nghĩa mâm ngũ quả ngày tết nói chung.

    Vậy mâm ngũ quả ngày tết có ý nghĩa gì? Mâm ngũ quả thể hiện đạo lý thiêng liêng uống nước nhớ nguồn. Ngũ quả - thể hiện cho 5 vị Kim – Mộc – Thủy – Hỏa – Thổ, 5 yếu tố được cho là đã cấu thành nên vũ trụ trong quan niệm của Khổng giáo. Mỗi vùng miền lại có một cách bài trí và bày biện khác nhau và cũng không thiếu những mâm ngũ quả được biến tấu thêm phần sinh động hơn.


    Mâm ngũ quả ngày tết cổ truyền cũng còn được xem như biểu tượng cho thành quả sau một năm lao động miệt mài của những người nông dân. Những sản vật kết tinh từ mồ hôi, công sức của những người dân lao động chắt chiu qua những vụ mùa. Để đến khi xuân sang nắng ấm, lựa dịp tốt lành mà thành kính dâng lên ông bà tổ tiên.hông thường mâm ngũ quả ngày tết nguyên đán gồm 5 loại quả có màu sắc khác nhau.


    Sở dĩ chọn số 5 là vì từ xưa ông cha ta đã quan niệm Phú – Quý – Thọ – Khang – Ninh là những điều quý giá và luôn mong mỏi đạt được 5 điều này trong năm mới. Còn lý do và ý nghĩa của mâm ngũ quả ngày tết nguyên đán nên chọn 5 loại quả có màu sắc khác nhau bởi lẽ nó thể hiện ý nghĩa nguồn của cải năm phương mang về kính lên tổ tiên.


    Nải chuối có màu xanh tượng trưng Đông phương, quả bưởi có màu vàng tượng trưng Trung phương, quả hồng có màu đỏ tượng trưng Nam phương, quả lê có màu trắng tượng trưng Tây phương và một loại quả có màu sẫm khác tượng trưng Bắc phương. Thuyết minh mâm ngũ quả ngày Tết ở miền Bắc Ở miền Bắc, mâm ngũ quả đặt trên bàn thờ tổ tiên dịp Tết theo 5 sắc màu tượng trưng cho mong ước được ngũ phúc: giàu có, sang trọng, sống lâu, khỏe mạnh, bình yên.


    Theo thuyết ngũ hành: Kim màu trắng, Mộc màu xanh, Thủy màu đen, Hỏa màu đỏ, Thổ màu vàng. Mâm ngũ quả thường theo 5 sắc màu đó để phối trí. Các loại quả thường được trọng dụng trong mâm ngũ quả miền Bắc như: chuối xanh, bưởi, cam, quýt, hồng, ớt, roi,…. Đây đều là những thứ quả đặc trưng với khí hậu của miền Bắc.


    Quả phật thủ – bàn tay phật nhằm bảo vệ gia đình, hoặc bưởi: mong muốn an khang thịnh vượng; màu vàng ứng với Kim Quả chuối: tượng trưng con cháu sum vầy, quây quần đầm ấm. Màu xanh ứng với Mộc. Quả sung hoặc quả mây: tượng trưng cho sự sung túc, no ấm. Màu xám ứng với Thổ. Quả quất, quả hồng: biểu trưng cho sự may mắn. Màu đỏ ứng với Hỏa. Quả lê hoặc dưa lê: tượng trưng cho sự thành đạt, thăng tiến. Màu trắng ứng với Thủy.


    Ngoài ra, có thể chưng thêm các loại quả khác như ớt, hồng xiêm, đu đủ… để mâm ngũ quả thêm sinh động và đẹp mắt. Bàn về mâm ngũ quả ngày Tết ở miền Trung Nơi khúc ruột miền Trung nghèo khó, đất đai vốn cằn cỗi, ít hoa trái. Cùng với đó, thời gian Tết thường rơi vào mùa đông khắc nghiệt, và cả những hậu quả thiên tai để lại từ trước đó chưa dứt nên cây trái đặc sản địa phương rất hiếm.


    Người dân quê không quá khắt khe trong hình thức cũng như ý nghĩa của mâm ngũ quả, mà chủ yếu ở tấm lòng thành kính dâng lên ông bà, tổ tiên. Mặt khác, người miền Trung do chịu sự giao thoa văn hóa 2 miền Bắc – Nam nên mâm ngũ quả vẫn bày biện đủ các loại quả trong mâm ngũ quả như: chuối, mãng cầu, sung, dừa, đu đủ, xoài…


    Mâm ngũ quả của miền Nam tuy không được bày, bố trí theo quan niệm ngũ hành nhưng cũng có những kiêng kị nhất định. Miền Nam tuyệt đối không chọn chuối để bày vì nó phát âm khá giống từ “chúi” thể hiện sự nguy khó và không may mắn, quýt cũng là loại quả cấm kị vì có câu “quýt làm cam chịu” hay lê, táo được coi là “lê lết, đổ bể, làm ăn thất bại”. Ở miền Nam bạn sẽ thường thấy các loại trái cây như: mãng cầu, dừa, đu đủ, xoài, sung, dừa, thơm,…


    Mâm ngũ quả của người miền Nam thể hiện rõ tính bình dị, dân dã và hóm hỉnh. Mâm ngũ ngày tết với cách sắp xếp các loại như vậy được người dân đọc lai lái giống như “Cầu – Sung – Vừa – Đủ – Xài”. Ngoài những mâm ngũ quả được bày biện theo truyền thống thì hiện nay nhiều mâm ngũ quả được trang trí cách điệu, theo phong thủy với những họa tiết, bài trí sống động và không kém phần độc đáo.


    Dù những loài quả bày mâm ngũ quả ngày tết ở ba miền Bắc, Trung, Nam khác nhau nhưng vẫn mang ý nghĩa như những lời chúc hay nhất và ý nghĩa nhất mong sung túc, no đủ, an lành và hạnh phúc. Mâm ngũ quả thật thiêng liêng và mang nhiều ý nghĩa sâu sắc. Đây chính là sự kế thừa và phát huy truyền thống tổ tiên của dân tộc ta. Dù xã hội đang chuyển mình trong thời kì công nghiệp hóa, hiện đại hóa nhưng truyền thống cha ông vẫn luôn được tiếp nối và gìn giữ nguyên vẹn.

    Ảnh minh họa (Nguồn internet)
    Ảnh minh họa (Nguồn internet)
    Ảnh minh họa (Nguồn internet)
    Ảnh minh họa (Nguồn internet)
  8. Ngày Tết Âm lịch bước vào bất kì gia đình người Việt nào ta cũng bắt gặp trên bàn thờ gia tiên mâm ngũ quả.


    Mâm ngũ quả mà ta thường thấy trên bàn thờ mọi gia đình Việt không chỉ làm cho ngày Tết thêm sinh động mà còn mang nhiều ý nghĩa thiêng liêng và thể hiện những điều ước nguyện của gia chủ. Tuy nhiên không phải ai cũng hiểu hết ý nghĩa của nó.


    Mâm ngũ quả của người Nam thường có các loại quả mãng cầu, dừa, đu đủ, xoài, sung (theo câu “cầu vừa đủ xài sung”), thêm “chân đế” là ba trái thơm (dứa) thể hiện sự vững vàng. Mâm ngũ quả của người miền Nam không bao giờ có chuối, vì loại quả này tên gọi có âm giống từ “chúi”, thể hiện sự nguy khó. Quả cam cũng không được có mặt trong mâm ngũ quả ngày Tết, vì câu “quýt làm cam chịu”…Trong khi với người Bắc, hầu như tất cả các loại quả đều có thể bày trên mâm ngũ quả, không kiêng cả quả ớt (cay đắng), miễn sao đẹp mắt là được. Nải chuối được đặt dưới cùng, ở giữa để đỡ lấy toàn bộ các trái cây khác. Quả bưởi đặt giữa nải chuối, xung quanh là hồng, quýt…bày đan xen vào nhau.


    Theo quan niệm của dân gian thì "quả" (trái cây) được xem như biểu tượng cho thành quả lao động một năm. Ông cha ta chọn 5 loại trái cây để cúng đêm giao thừa là ngụ ý rằng: Những sản vật này được kết tinh từ công sức, mồ hôi, nước mắt của con người lao động, kính dâng lên đất trời, thần thánh trong giờ phút linh thiêng của vũ trụ vạn vật sinh tồn. Tư tưởng, hình ảnh ấy đã ăn sâu và tâm thức của người Việt Nam bao đời nay.


    Gọi là ngũ quả nhưng thật ra chẳng ai rõ quy định là những loại quả gì mà tùy từng địa phương với đặc trưng về khí hậu, sản vật và quan niệm riêng mà người ta chọn ra các loại quả để "thiết kế" mâm ngũ quả. Tuy nhiên, dù là loại quả gì, mâm ngũ quả vẫn mang một ý nghĩa chung: Dâng cúng tổ tiên thể hiện lòng hiếu thảo và ước mong những điều tốt lành trong gia sự. Mỗi loại quả đều có mùi vị, màu sắc riêng và cũng mang những ý nghĩa nhất định.


    Mâm ngũ quả ngày tết là nét đẹp hồn hậu trong văn hóa dân tộc. Dù cho bây giờ hay mãi mãi về sau thì con cháu vẫn không thể nào quên được truyền thống làm mâm ngũ quả khi xuân về dâng lên bàn thờ tổ.

    Ảnh minh họa (Nguồn internet)
    Ảnh minh họa (Nguồn internet)
    Ảnh minh họa (Nguồn internet)
    Ảnh minh họa (Nguồn internet)
  9. “ Thịt mỡ, dưa hành, câu đối đỏ

    Cây nêu, tràng pháo, bánh chưng xanh.”


    Mỗi dịp tết đến xuân về mỗi gia đình lại tấp nập chuẩn bị cho năm mới. Và chắc chắn không thể thiếu những thứ đồ trên. Đó là đặc trưng của ngày tết cổ truyền Việt Nam, ghi nhớ những điều đó chính là ghi nhớ những điều cha ông ta đã truyền dạy lại cho con cháu đời sau. Thế nhưng đó chưa phải tất cả, trên bàn thờ mỗi gia đình không thể khong có mâm ngũ quả ngày tết.


    Tùy theo quan niệm của từng vùng, từng địa phương và do mùa xuân hoa trái khác nhau, nên mâm ngũ quả cũng khác nhau như: chuối, bưởi, phật thủ, dưa hấu, cam, quýt, dừa, na, hồng xiêm, táo…Với triết lý “cầu vừa đủ xài sung túc”, người miền Nam chuộng 5 loại quả: mãng cầu, dừa, đu đủ, xoài và sung. Trước tiên ba loại quả có hình dáng to và trọng lượng nặng là đu đủ, dừa, xoài đặt lên mâm trước để lấy thế; sau đó, bày những quả khác chèn lên, để tạo thành một ngọn tháp. Đặc biệt, mâm ngũ quả của người miền Nam không thể thiếu cặp dưa hấu ruột đỏ vỏ xanh, tượng trưng cho lòng trung nghĩa và trinh tiết của người dân phương Nam.Trong khi đó, người miền Bắc lại chưng chuối, bưởi, đào, hồng và quýt. Cách bày truyền thống sẽ là nải chuối được đặt dưới cùng, ở giữa để đỡ lấy toàn bộ các trái cây khác. Quả bưởi đặt giữa nải chuối, xung quanh là hồng, quýt, đào đan xen vào nhau.


    Nếu như ở miền Bắc, hầu như tất cả các loại quả đều có thể bày lên bàn thờ, kể cả quả ớt mang vị cay đắng, miễn sao mâm ngũ quả trông đẹp mắt là được; thì người miền Nam lại có sự kiêng cữ. Mâm ngũ quả của họ không bao giờ có chuối, vì loại quả này tên gọi có âm giống từ “chúi”, thể hiện sự nguy khó. Quả cam cũng không được có mặt trong mâm ngũ quả ngày Tết, vì có câu “quýt làm cam chịu”…


    Mâm ngũ quả của người miền Nam không bao giờ có chuối. Với người Huế, mâm ngũ quả thể hiện sự giao thoa Văn hóa giữa hai Miền nam – Bắc. Giống như một số tỉnh phía Bắc, mâm ngũ quả của người Huế bao giờ cũng có nải chuối đặt ở phía dưới, từng trái chuối chuối ôm gọn các quả khác ở phía trên. Nhưng khác với Miền bắc, người Huế không dùng nải chuối tiêu thon dài như Miền bắc mà chọn loại chuối mật vừa mập vừa tròn. Ngoài ra, người Huế còn bị ảnh hưởng bởi Phong tục Tập quán của người Miền nam nên trên mâm ngũ quả của người Huế bao giờ cũng có các loại quả sau: mãng cầu, sung, dừa, đu đủ và xoài.Mâm ngũ quả của người Huế là sự giao thoa giữa hai miền Bắc NamÝ nghĩa của từng loại quả:

    • Chuối, phật thủ: như bàn tay che chở.
    • Bưởi, dưa hấu: căng tròn, mát lành, hứa hẹn năm mới đầy ngọt ngào, may mắn.
    • Hồng, quýt: rực lên màu sắc mạnh mẽ, tượng trưng cho sự thành đạt.
    • Lê (hay mật phụ): ngọt, thanh ngụ ý việc gì cũng trơn tru, suôn sẻ.
    • Lựu: nhiều hạt, tượng trưng cho con đàn cháu đống.
    • Đào: thể hiện sự thăng tiến.
    • Mai: do điển phiếu mai, con gái phải có chồng, hạnh phúc, không cô đơn.
    • Táo (loại trái to màu đỏ tươi): có nghĩa phú quý.
    • Thanh long: ý rồng mây gặp hội.
    • Bưởi, dưa hấu: căng tròn, mát lành, hứa hẹn sự ngọt ngào, may mắn.
    • Quả trứng gà có hình trái đào tiên: lộc trời.
    • Dừa: có âm tương tự như là "vừa", có nghĩa là không thiếu.
    • Sung: gắn với biểu tượng sung mãn về sức khỏe hay tiền bạc.
    • Đu đủ: mang đến sự đầy đủ thịnh vượng.
    • Xoài: có âm na ná như là "xài", để cầu mong cho tiêu xài không thiếu thốn.

    Nhiều năm gần đây, khi mức sống người dân ngày càng được nâng cao, giao lưu kinh tế, văn hóa cũng ngày càng được mở rộng, mâm ngũ quả ngày Tết không còn chỉ gồm 5 loại trái mà đã trở thành lục, thất,… thập quả, với đủ sắc màu, kiểu dạng. Nhưng tựu chung lại, mâm ngũ quả trên bàn thờ của gia đình trong những ngày Tết mang ý nghĩa gìn giữ bản sắc văn hóa độc đáo của dân tộc Việt. Chính vì vậy, người dân Việt dù ở phương trời nào, đến ngày Tết cổ truyền vẫn không bỏ qua tục lệ này.


    Ngoài ý nghiã tâm linh ra, mâm ngũ quả làm cho không khí ngày Tết cũng như bàn thờ gia tiên thêm phần rực rỡ tươi vui, ấm áp. Mâm ngũ quả thể hiện triết lí, ý nghĩa cao về tâm hồn người Việt chúng tôi cũng như thể hiện tính thẩm mĩ. Tìm hiểu về mâm ngũ quả cũng là các bạn đã tìm hiểu về lịch sử, truyền thống tốt đẹp của dân tộc tôi. Mặc dù mỗi miền mỗi khác nhưng dù sao mâm ngũ quả cũng là thứ hội tụ đầy đủ hồn quả, hương cây của khắp mọi miền đất nước chúng tôi. Cho dù đi xa quê hương các Việt kiều cũng vẫn nhớ nét văn hóa này, vẫn không quên chuẩn bị mâm ngũ quả tươm tất để đón Tết.

    Ảnh minh họa (Nguồn internet)
    Ảnh minh họa (Nguồn internet)
    Ảnh minh họa (Nguồn internet)
    Ảnh minh họa (Nguồn internet)
  10. Xin chào các bạn! Bên ngoài kia đang tràn ngập không khí tết rồi nhỉ? Tết đến luôn mang lại cho mỗi người chúng ta cảm giác vui vẻ. Mọi người đều nô nức, hào hứng mua sắm tết, may quần áo mới, trang trí nhà cửa để đón một năm mới. Cả gia đình quây quần bên nhau cùng gói bánh chưng, làm đồ ăn ngày tết, thức cả đêm để đón giao thừa. Niềm vui lan sang cả cảnh vật, bao trùm khắp không gian. Các bạn có biết ngày tết còn thiếu gì không? Đó chính là mâm ngũ quả trên bàn thờ gia tiên của mỗi gia đình.


    Mâm ngũ quả là một nét truyền thống văn hóa xưa, vô cùng tốt đẹp. Đúng như tên gọi, mỗi mâm ngũ quả thường gồm năm loại quả (có gia đình có thể trưng bày nhiều hơn ). Tùy thuộc vào quan niệm của mỗi người hay từng vùng miền mà lựa chọn loại quả phù hợp. Theo quan niệm ngũ hành mà người ta chọn lựa các quả như chuối xanh, bưởi, phật thủ, đào, hồng xiêm, quýt, đu đủ, trứng gà. Nải chuối sẽ được để ở dưới cùng tạo thành một vòng cung, ở giữa sẽ là quả bưởi chín vàng thơm hay quả phật thủ. Giữa khoảng cách của quả chuối, người ta gài vào đó những quả quýt, những loại quả còn lại sẽ được đặt cạnh quả bưởi hay phật thủ sao cho mâm đủ năm loại quả hoặc số lượng lẻ. Mâm ngũ quả cần được bài trí sao cho màu sắc của nó tươi đẹp, rực rỡ nhưng cũng không kém phần hài hòa tượng trưng cho sự hài hòa của ngũ hành, trời đất, cho một năm mới bình an và may mắn.


    Ngày tết đến, trên bàn thờ tổ tiên, mâm ngũ quả cùng chiếc bánh chưng thơm ngon, những món ăn truyền thống hòa vào không khí rộn ràng của ngày tết, nhộn nhịp trong cái náo nhiệt của tràng pháo khai xuân, trang nghiêm trong khói nhang nghi ngút. Bày mâm ngủ quả đâu chỉ là để cho đẹp, đó là một nét đẹp mang ý nghĩa lớn lao mà ít ai biết được. Nó là lời cầu chúc tốt đẹp nhất đến với mọi nhà. Mỗi loại quả là tượng trưng cho những điều tốt đẹp. Nải chuối xanh tượng trưng cho cả gia đình sum vầy, quây quần bên nhau, được chở che. Phật thủ có nghĩa là bàn tay của Phật sẽ bảo vệ gia đình trước những giông bão xảy ra. Bưởi tượng trưng cho ước muốn an khang, ấm no. Cam, quýt chính là sự thành đạt trong cuộc sống. Đào thể hiện sự tăng tiến. Táo là phú quý, giàu sang; sung là sự sung mãn, sức khỏe và tiền bạc. Đu đủ tượng trương cho sự đủ đầy, thịnh vượng... Mỗi loại quả đều mang một ý nghĩa riêng. Ngay cả việc chọn lựa số quả trong mâm là số lẻ cũng chính là ước mong cho cơ hội phát triển,nảy nở. Một mâm ngũ quả trên bàn thờ mỗi ngày tết cung mang một ý nghĩa tối đẹp đến với mỗi gia đình phải không các bạn!


    Chắc hẳn ai trong chúng ta cũng không biết rõ được ý nghĩa lớn lao của mâm ngũ quả ngày tết. Thế nhưng những nét đẹp truyền thống như bày mâm ngũ quả mỗi dịp tết đến đang dần mai một theo thời gian. Hãy cố gắng gìn giữ nét truyền thống của dân tộc bạn nhé!

    Ảnh minh họa (Nguồn internet)
    Ảnh minh họa (Nguồn internet)
    Ảnh minh họa (Nguồn internet)
    Ảnh minh họa (Nguồn internet)
  11. Mỗi dịp Tết đến xuân về, trên bàn thờ của mọi gia đình người Việt đều bày mâm ngũ quả cúng tổ tiên. Ngũ quả - thể hiện cho 5 vị Kim – Mộc – Thủy – Hỏa – Thổ, 5 yếu tố được cho là đã cấu thành nên vũ trũ trong quan niệm của Khổng giáo.


    Tùy theo đặc điểm tự nhiên, phong tục tập quán và quan niệm của mỗi vùng mà có cách chọn các loại quả đặc trưng mang ý nghĩa riêng. Nếu căn cứ theo màu sắc trong triết lý phương Đông thì mâm ngũ quả phải có 5 loại quả với 5 màu khác nhau.


    Với màu sắc rực rỡ, hình dáng độc đáo cùng những ý nghĩa sâu xa,mâm ngũ quả làm cho ngày Tết cổ truyền dân tộc thêm phần sinh động và thiêng liêng hơn. Ngoài ra, ngũ quả còn được xem như biểu tượng cho thành quả sau một năm lao động miệt mài của những người nông dân. Những sản vật kết tinh từ mồ hôi, công sức của những người dân lao động chắt chiu qua những vụ mùa. Để đến khi xuân sang nắng ấm, lựa dịp tốt lành mà thành kính dâng lên ông bà tổ tiên. Mâm ngũ quả ngày Tết mang một ý nghĩa chung sâu sắc, thể hiện lòng hiếu thảo và ước mong những điều tốt lành cho một năm mới sắp tới. Mỗi loại quả được lựa chọn để sắp xếp trong mâm ngũ quả đều mang những ý nghĩa riêng nhất định.


    Ở miền Bắc, trên mâm ngũ quả thường có 5 loại quả: chuối, bưởi, đào, hồng, quýt. Cách trình bày truyền thống thường gặp là nải chuối được đặt ở dưới cùng, ở giữa để đỡ lấy toàn bộ các cây trái khác. Mâm ngũ quả đẹp là mâm ngũ quả có đủ màu sắc rực rỡ. Chính giữa nải chuối xanh thẫm là quả bưởi căng mọng hoặc quả phật thủ chín vàng nổi bật. Những quả chín đỏ đặt xung quanh. Những chỗ khuyết đặt xen kẽ quýt vàng, táo màu xanh hoặc những trái ớt đỏ mọng, hoàn thiện những nét trang trí cuối cùng.


    Nơi khúc ruột miền Trung nghèo khó, đất đai vốn cằn cỗi, ít hoa trái, lại thêm thời gian Tết thường rơi vào mùa đông khắc nghiệt, và cả những hậu quả thiên tai để lại từ trước đó chưa dứt nên cây trái đặc sản địa phương rất hiếm. Người dân quê không quá câu nệ hình thức ý nghĩa của mâm ngũ quả, mà chủ yếu có gì cúng nấy, thành tâm dâng kính tổ tiên. Mặt khác, người miền Trung do chịu sự giao thoa văn hóa 2 miền Bắc - Nam nên mâm ngũ quả vẫn bày biện đủ: chuối, mãng cầu, sung, dừa, đu đủ, xoài… Rất phong phú!


    Khác với người miền Bắc, người dân Nam Bộ có phần cầu kỳ hơn trong khâu chọn lựa những loại quả sẽ xuất hiện trong mâm ngũ quả cúng gia tiên. Do cách phát âm gần giống với từ “chúi” (thể hiện sự nguy khó) nên chuối là thứ quả không bao giờ xuất hiện. Cũng bởi câu nói: “Cam làm quýt chịu” nên người Nam không bày những trái cam óng ả vui mắt như người Bắc.


    Mâm ngũ quả của người miền Nam thường có các loại trái: mãng cầu, dừa, đu đủ, xoài, sung (theo câu: “Cầu sung vừa đủ xài”), thêm chân đế là 3 trái thơm (dứa), thể hiện sự vững vàng. Đặc biệt, mâm ngũ quả của người miền Nam không thể thiếu cặp dưa hấu ruột đỏ vỏ xanh, tượng trưng cho lòng trung nghĩa và trinh tiết của người phương Nam.


    Ngày nay, hoa trái ngày càng nhiều và phong phú. Vì vậy mâm ngũ quả theo đó mà có thể trở thành thập quả, tuy vậy, cái tên gọi: “ngũ quả” đã đi sâu vào tiềm thức, tâm linh người Việt bao đời. Mâm ngũ quả làm cho quang cảnh ngày Tết và không gian thờ cúng gia tiên thêm phần tươi vui, ấm áp và rực rỡ. Nó thể hiện sinh động cho ý tưởng, triết lý – tín ngưỡng – thẩm mỹ ngày Tết. Tìm hiểu về mâm ngũ quả cũng là tìm hiểu về nguồn gốc, lịch sử, truyền thống tốt đẹp của dân tộc Việt Nam. Tuy mỗi miền mỗi khác nhưng mâm ngũ quả trên bàn thờ ngày Tết vẫn là nơi hội tụ của hồn quả, hương cây của nét văn hóa dân tộc và ý nguyện cầu hòa, an, đủ mà người dân Việt Nam gửi gắm.

    Ảnh minh họa (Nguồn internet)
    Ảnh minh họa (Nguồn internet)
    Ảnh minh họa (Nguồn internet)
    Ảnh minh họa (Nguồn internet)
  12. Mâm ngũ quả là một phần không thể thiếu trong ngày tết cổ truyền của người Việt Nam. Trước là thờ cúng tổ tiên, sau là cầu mong một năm may mắn, bình an, an khang, thịnh vượng trong dịp Tết đến xuân về. Cùng là mâm ngũ nhưng trong văn hóa ở mỗi miền Bắc, Trung, Nam lại có những loại quả và cách bài trí khác nhau. Mỗi loại quả khi bày trên ban thờ đều có ý nghĩa riêng, vì vậy các gia đình cần hiểu và nắm rõ để gửi gắm ước nguyện, cầu mong của mình trong năm mới.

    Mâm ngũ quả là mâm quả gồm 5 loại khác nhau, mỗi loại tượng trưng cho một ước nguyện của gia chủ, thông qua tên gọi và màu sắc. Ngoài ra, “ngũ” còn thể hiện ước muốn của người Việt đạt được ngũ phúc lâm môn: Phúc, quý, thọ, khang, ninh.


    Tùy theo từng vùng miền với đặc trưng về khí hậu, sản vật và quan niệm riêng mà người ta chọn các loại quả khác nhau để bày mâm ngũ quả. Hiện nay, các loại trái cây khá đa dạng và người ta cũng không quá cứng nhắc “ngũ quả” nữa nên mâm ngũ quả ngày càng phong phú hơn và có thể tăng lên thành bát, cửu, thập quả… Nhưng dù bày biện bao nhiêu loại quả thì người ta vẫn gọi đó là mâm ngũ quả.


    Dù cho mâm ngũ quả ngày Tết ở mỗi vùng miền được bài trí khác nhau nhưng đều là nét văn hóa đặc trưng của người Việt, đều thể hiện sự thành kính hướng về tổ tiên và mong muốn có một năm mới an khang, hạnh phúc, may mắn và bình an.


    Mâm ngũ quả ngày Tết là nơi hội tụ của hồn quả, hương cây và là nét văn hóa đặc trưng của người Việt, dù có khác nhau giữa các vùng miền nhưng trên hết đều thể hiện sự thành kính hướng về nguồn cội, tổ tiên và ý nguyện cầu “hòa – an – đủ” ước mong một năm mới an khang, hạnh phúc và đủ đầy mà người dân Việt Nam gửi gắm

    Ảnh minh họa (Nguồn internet)
    Ảnh minh họa (Nguồn internet)
    Ảnh minh họa (Nguồn internet)
    Ảnh minh họa (Nguồn internet)




Công Ty cổ Phần Toplist
Địa chỉ: Tầng 3-4, Tòa nhà Việt Tower, số 01 Phố Thái Hà, Phường Trung Liệt, Quận Đống Đa, Thành phố Hà Nội
Điện thoại: 0369132468 - Mã số thuế: 0108747679
Giấy phép mạng xã hội số 370/GP-BTTTT do Bộ Thông tin Truyền thông cấp ngày 09/09/2019
Chịu trách nhiệm quản lý nội dung: Nguyễn Duy Ngân
Chính sách bảo mật / Điều khoản sử dụng | Privacy Policy