Top 12 Bài vè dân gian Việt Nam hay nhất
Vè là một trong những thể loại văn học dân gian Việt Nam. Theo Đại Nam quốc âm tự vị, vè là chuyện khen chê có ca vần và việc sáng tác vè là việc đặt chuyện ... xem thêm...khen chê có ca vần. Định nghĩa này còn đơn giản, nhưng đã nêu được những đặc trưng cơ bản của vè. Và dưới đây là các bài vè dân gian Việt Nam hay nhất.
-
Vè trái cây
Nghe vẻ nghe ve,
Nghe vè trái cây.
Dây ở trên mây,
Là trái đậu rồng.
Có vợ có chồng,
Là trái đu đủ.
Chặt ra nhiều mủ,
Là trái mít ướt.
Đầu tựa gà xước,
Vốn thiệt trái thơm.
Cái đầu chơm bơm,
Là trái bắp nấu.
Rủ nhau làm xấu,
Trái cà dái dê.
Ngứa mà gãi mê,
Là trái mắt mèo.
Khoanh tay lo nghèo,
Là trái bần ổi.
Sông sâu chẳng lội,
Là trái mãng cầu.
Chẳng thấy nàng đâu,
Ấy là trái cách.
Trong ruột ộc ạch,
Là trái dừa xiêm.
Chín thì thâm kim,
Chuối già chuối xứ.
Tùng tam tụ tứ,
Một lũ dưa gang.
Vốn ở miền Nam,
Là trái bí rợ.
Mẹ sai đi chợ,
Vốn thiệt trái dâu.
Ở những ao sâu,
Là trái bông súng.
Chẳng nên lễ cúng,
Đó là trái sung.
Nhỏ mà cay hung,
Là trái ớt hiểm.
Đánh túc cầu liễm,
Vốn thiệt trái me.
Nắng mà chẳng che,
Là trái rau mát.
Rủ nhau chà xát,
Vốn thiệt trái chanh.
Nhỏ mà làm anh,
Trái đào (điều) lộn hột.
Ăn mà chẳng lột,
Vốn thiệt trái tiêu.
Thổi nghe ú liêu,
Là trái cóc kèn.
Rủ nhau đi rèn,
Là trái đậu rựa.
Đua nhau chọn lựa,
Cam ngọt, cam sành.
Những chị lịch sự,
Bằng táo với hồng.
Những gái chưa chồng,
Muốn ăn mua lấy.
Nguồn: Đặng Anh Tú, Đồng dao Việt Nam, NXB Văn hoá thông tin, 2009
-
Vè cá (Cá biển, cá đồng, cá sông, cá ruộng)
Cá biển, cá đồng,
Cá sông, cá ruộng.
Dân yêu dân chuộng,
Lá cá tràu ổ.
Ăn nói hàm hồ,
Là con cá sứ.
Đưa đẩy chốn xa,
Là con cá đảy.
Hay gặp mặt nhau,
Là con cá ngộ.
Trong nhà nghèo khổ,
Là con cá cầy.
Chẳng dám múc đầy,
Là con cá thiểu.
Mỗi người mỗi thiếu,
Là con cá phèn.
Ăn nói vô duyên,
Là con cá lạc.
Trong nhà rầy rạc,
Là con cá kình.
Trai gái rập rình,
Là cá trích ve.
Dỗ mãi không nghe,
Là con cá ngạnh.
Đi đàng phải tránh,
Là con cá mương.
Mập béo không xương,
Là con cá nục.
Được nhiều diễm phúc,
Là con cá hanh.
Phản cha hại anh,
Là con cá giếc.
Suốt ngày ăn miết,
Là con cá cơm.
Chẳng kịp dọn đơm,
Là con cá hấp.
Rủ nhau lên dốc,
Là con cá leo.
Hay thở phì phèo,
Là con cá đuối.
Vừa đi vừa cúi,
Là con cá còm.
Hay nói tầm xàm,
Là con cá gáy.
Vừa trốn vừa chạy,
Là con cá chuồn.
Cứ viết lách luôn,
Là con cá chép.
Nguồn: Đặng Anh Tú, Đồng dao Việt Nam, NXB Văn hoá thông tin, 2009
-
Đố anh
Con ve ve có cái gì mà nó kêu?
Con ve ve nó có cái vè nên nó mới kêu
Sao con cua đinh nó có cái vè mà nó không kêu?
Cua đinh ở dưới nước mà kêu cái gì
Sao con ếch dưới mà nó kêu?
Con ếch nhờ có cái họng da nên nó mới kêu
Sao đôi giày da lại hỏng kêu?
Đôi giày da bị đóng cúc mà nó kêu?
Tại cái mặt nó tròn nên nó mới kêu
Sao cái giần, cái sàng mặt nó cũng tròn mà sao nó hỏng kêu?
Cái giần, cái sàng nó có lỗ mà nó kêu cái nỗi gì
Vậy sao cây kèn có lỗ mà nó kêu?
Cây kèn nhờ ống tòa loa nên nó mới kêu
Sao ống nhổ có ống tòa loa mà nó đâu có kêu?
Trời ơi! Ống nhổ bị bít mà kêu cái nỗi gì
-
Vè về thầy cô
Nghe vẻ nghe ve
Cái vè học dốt
Thầy cô dạy tốt
Học còn ham chơi
Nói chẳng nghe lời
Lại còn phản kháng
Thầy cô phát ngán
Vì phải nói nhiều
Dù nói đủ điều
Nhưng mà vẫn vậy
Chứng nào tật nấy
Nào có sửa đâu
Em mong cô thầy
Kiên trì nhẫn nại
Bảo ban em lại
Tiến vào tương lai
Mai sao thành tài
Công ơn nhớ mãi.
-
Vè cầm thú
Nghe vẻ nghe ve,
Nghe vè cầm thú:
Hay quyến hay dụ,
Là con chim quyên.
Nết ở chẳng hiền,
Là con chim còng cọc.
Làm ăn mệt nhọc,
Là con chim le le.
Nghe vẻ nghe ve,
Là con chim chèo bẻo.
Chân đi khấp khẻo,
Là con chim cò ma.
Tối chẳng dám ra,
Là con chim mỏ nhác.
Chim ăn từng vạc,
Là con chim chàng bè.
Chim ăn xó hè,
Là con chim lảnh lót.
Cầm xào mà vọt,
Là con chim công.
Đỏ mỏ xanh lông,
Là con chim trĩ.
Đánh nhau binh vị,
Là con chim bò sau.
Có sách cầm màu,
Là con chim thầy bói.
Không ai cưới hỏi,
Là con chim bông lông.
Ở goá không chồng,
Là te te hoành hoạch.
Dạ bền tơ sắt,
Là con chim chìa vôi.
Có đẻ không nuôi,
Là con chim vịt.
Ngồi buồn kể các món chim.
Nó ăn nó lớn nó tìm nhau đi.
Dòng dọc nó khéo lại khôn.
Con cú lót ở đầu cồn con cù.
Chim khách nó đã đem tin:
Nó kêu thì có chị em tới nhà.
Quà quạ cũng như người ta:
Rủ nhau đi tắm đàng xa mới về.
-
Vè nói ngược (Bao giờ cho đến tháng ba)
Bao giờ cho đến tháng ba,
Ếch cắn cổ rắn tha ra ngoài đồng.
Hùm nằm cho lợn liếm lông,
Một chục quả hồng nuốt lão tám mươi.
Nắm xôi nuốt trẻ lên mười,
Con gà, be rượu nuốt người lao đao.
Lươn nằm cho trúm bò vào,
Một đàn cào cào đuổi bắt cá rô.
Lúa mạ nhảy lên ăn bò,
Cỏ năn, cỏ lác rình mò bắt trâu.
Gà con đuổi bắt diều hâu,
Chim ri đuổi đánh vỡ đầu bồ nông.
Nguồn: Việt Nam thi văn hợp tuyển, Dương Quảng Hàm, Bộ Quốc gia Giáo dục xuất bản, Hà Nội, 1951
-
Vè nói ngược
Ve vẻ vè ve,
Cái vè nói ngược.
Non cao đầy nước,
Đáy biển đầy cây.
Dưới đất lắm mây,
Trên trời lắm cỏ.
Người thì có mỏ,
Chim thì có mồm.
Thẳng như lưng tôm,
Cong như cán cuốc.
Thơm nhất là ruốc,
Hôi nhất là hương.
Đặc như ống bương,
Rỗng như ruột gỗ.
Chó thì hay mổ,
Gà hay liếm la.
Xù xì quả cà,
Trơn như quả mít.
Meo meo là vịt,
Quạc quạc là mèo.
Trâu thì hay trèo,
Sóc thì lội nước.
Rắn thì hay bước,
Voi thì hay bò.
Ngắn như cổ cò,
Dài như cổ vịt.
Đỏ như quả quýt,
Vàng như quả hồng.
Cao tồng ngồng như chim tu hú,
Lùn lụ khụ như chim bồ nông.
-
Con chim chích chòe
Con chim chích chòe
Mày ngồi đầu hè
Mày nhá gạo rang
Bảo mày vào làng
Mày kêu gai góc
Bảo mày gánh thóc
Mày kêu đau vai
Bảo mày ăn khoai
Mày kêu khoai ngứa
Bảo mày ăn dứa
Mày kêu dứa say
Bảo mày ăn chay
Mày kêu đến trưa
Bảo mày đi bừa
Mày đánh què trâu
Bảo mày đi câu
Mày đánh bẹp giỏ
Bảo mày cắt cỏ
Mày đánh gãy liềm
Bảo mày gặt chiêm
Mày đánh gãy hái
Bảo mày đi đái
Mày kêu ông Ộp!