Top 20 Phim điện ảnh Việt Nam hay nhất mọi thời đại

Anh Đinh 46317 0 Báo lỗi

Nền điện ảnh Việt Nam đã và đang phát triển không ngừng để cho ra mắt khán giả những bộ phim chất lượng nhất. Và những bộ phim Việt hiện nay không hề thua kém ... xem thêm...

  1. Dù không phải một bộ phim chính thức do điện ảnh Việt Nam sản xuất mà là một bộ phim hải ngoại quay tại Pháp, Mùa Đu Đủ Xanh vẫn được xem như là bộ phim xuất sắc nhất của điện ảnh Việt Nam.


    Mùa Đu Đủ Xanh là một bộ phim nói tiếng việt được sản xuất vào năm 1993, thực hiện bởi đạo diễn người Pháp gốc Việt: Trần Anh Hùng. Bộ phim nói về Mùi, một cô bé ôn hòa và luôn tò mò về thế giới xung quanh. Cô đi ở cho một gia đình gốc Bắc buôn vải ở Sài Gòn khoảng những năm 1950.


    Thông qua các nhân vật mà Mùi làm trung tâm, bộ phim nói lên thân phận của người phụ nữ ở xã hội Việt Nam lúc bấy giờ. Dù bối cảnh phim là Sài Gòn những năm 50, toàn bộ bộ phim được quay trong trường quay tại Paris, Pháp.


    Đây là một bộ phim được phân loại vào phim Việt Nam hải ngoại bởi dù vốn đầu tư, nhà sản xuất, các vị trí kỹ thuật, đơn vị phát hành là của Pháp nhưng đạo diễn và toàn bộ ekip diễn viên đều là người Việt.


    Ngay sau khi ra công chiếu trước đông đảo công chúng, Mùi đu đủ xanh đã nhận được nhiều phản hồi tích cực từ giới phê bình điện ảnh. Thống kê từ trang web phê bình điện ảnh Rotten Tomatoes cho thấy Mùi đu đủ xanh đạt số điểm cao tới 82%. Bộ phim Mùi Đu Đủ Xanh đã chiến thắng hạng mục Camera vàng tại Lễ trao giải Cannes, được đề cử hạng mục cao quý nhất Cannes là Cành cọ vàng. Đây cũng là bộ phim đầu tiên và duy nhất của Việt Nam được lọt vào vòng cuối cùng đề cử Phim nói tiếng nước ngoài hay nhất tại Lễ trao giải Oscar. Chính vì thế, Mùa Đu Đủ Xanh xứng đáng đứng đầu trong Top 20 phim điện ảnh Việt Nam hay nhất mọi thời đại.

    Phim Mùi Đu Đủ Xanh
    Phim Mùi Đu Đủ Xanh
    Phim Mùa Đu Đủ Xanh

  2. Áo Lụa Hà Đông là bộ phim điện ảnh hiện đại do Lưu Huỳnh đạo diễn nhưng lại lấy bối cảnh thời chiến tranh và đặc biệt là sử dụng chất liệu phim nhựa thay vì kỹ thuật số hiện đại.


    Phim lấy bối cảnh năm 1954 tại tỉnh Hà Đông khi cuộc kháng chiến chống Pháp đang dần tiến tới hồi kết. Bộ phim nói về hai vợ chồng Dần (Trương Ngọc Ánh) và Gù (NSUT Quốc Khánh) - hai người hầu nhà địa chủ, tất tả dắt díu nhau vào Nam, mong tìm được nơi để họ có thể sống yên ổn bên nhau, thoát khỏi kiếp tôi tớ cực khổ đọa đày, tài sản quý giá nhất của họ là chiếc áo lụa Hà Đông. Tuy nhiên, chiến tranh và thiên tai không ngừng trêu ngươi số phận họ. Chiến tranh tàn khốc đã cướp đi sinh mạng của An- đứa con gái lớn. Thế nhưng không dừng lại ở đấy, mọi chuyện lại trở nên vô cùng nghiệt ngã. Trong một lần đi cào hến trong mưa lớn, Dần đã bị dòng nước lũ cuốn đi. Trong một lần sơ tán, vì cố gắng tìm kiếm và bảo vệ chiếc áo lụa Hà Đông của vợ, của con gái, anh Gù đã chết trong ngọn lửa của chiến tranh tàn ác.Câu chuyện kết thúc với hình ảnh đất nước hòa bình năm 1975, thứ mà An đã hỏi bố trước đó: "Bố ơi hòa bình có đẹp không hả bố?". Thế nhưng em không sống được đến khi được hưởng hòa bình.


    Dù không nhận được nhiều giải thưởng châu Âu như Mùi Đu Đủ Xanh hay giải thưởng điện ảnh Nga như những phim sản xuất từ thế kỷ trước, Áo Lụa Hà Đông lại giành được rất nhiều sự yêu mến của khán giả.


    Các giải thưởng ở Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc mà phim chiến thắng đều ở hạng mục khán giả bình chọn. Năm 2008, phim cũng được Cục điện ảnh gửi làm đại diện phim Việt Nam tại Lễ trao giải Oscar nhưng không thể lọt vào vòng cuối cùng.

    Phim Áo Lụa Hà Đông
    Phim Áo Lụa Hà Đông
    Phim Áo Lụa Hà Đông
  3. Bộ phim được chuyển thể từ truyện ngắn của nhà văn Sơn Nam, về cuộc sống của những con người nông dân miền Nam vào đầu thế kỉ 20.


    Bộ phim nói về cuộc đời của Kìm đi len trâu (dẫn trâu lên vùng cao kiếm cỏ). Mùa len trâu là một bức tranh đồng quê miền Tây Nam bộ trong mùa nước nổi vô cùng đặc biệt, tưởng chỉ có cách đây gần thế kỷ. Đồng bằng sông Cửu Long thường đón mùa nước lụt mỗi năm bốn tháng. Nhà cửa, đường sá ngập lút, cỏ cây chết, tới nỗi không còn cỏ cho trâu ăn, không còn chỗ cho trâu ngủ. Để trả ơn cho con vật trung thành quanh năm cực khổ giúp nông dân làm ra hạt lúa, người ta đã len trâu vượt những cánh đồng nước ngập để đi tìm vùng đất hứa, những vùng đất cao với vạt cỏ xanh còn sót lại là nơi cho những đàn trâu di trú suốt mùa nước ninh đồng.


    Chị Quế Thanh, một biên kịch tại TP HCM, nói: "Tôi xem phim từ khi còn nhỏ. Tim tôi thắt nghẹn bởi thân phận con người sao mà gian truân, bạc bẽo. Tại miền nước ngập đến đầu, người hay trâu đều khổ như nhau". Mùa len trâu tạo tiếng vang tại các liên hoan phim quốc tế, với hàng loạt giải thưởng lớn như: giải đặc biệt ở LHP Locarno (Thụy Sĩ), giải đạo diễn xuất sắc ở LHP Chicago (Mỹ), giải Grand prix của LHP Amiens (Pháp), giải đặc biệt của LHP Amazonas (Brazil). Mùa Len Trâu cũng được Cục điện ảnh gửi làm đại diện điện ảnh Việt Nam tại Lễ trao giải Oscar nhưng không thể lọt vào vòng cuối cùng.

    Phim Mùa Len Trâu
    Phim Mùa Len Trâu
    Phim Mùa Len Trâu
  4. Cánh Đồng Hoang là cái tên vô cùng quen thuộc đối với khán giả Việt Nam. Bộ phim được sản xuất vào thời kỳ bao cấp, với chủ đề chiến tranh tại miền Nam Việt Nam.


    Bối cảnh chính là vùng Đồng Tháp Mười trong những ngày diễn ra cuộc Chiến tranh Việt Nam. Vợ chồng Ba Đô và đứa con nhỏ sống trong một căn chòi nhỏ giữa dòng nước. Họ được Cách mạng Việt Nam giao nhiệm vụ giữ đường dây liên lạc cho bộ đội. Tác giả tập trung khai thác nhiều vào cuộc sống thường ngày của đôi vợ chồng nhưng xen kẽ vào đó còn có những cảnh chiến đấu, cảnh ẩn nấp trực thăng Huey của quân đội Mỹ quần thảo khu vực đồng nước này nhằm phát hiện đội du kích hoạt động. Trong 1 trận càn quét, Ba Đô bị trực thăng Mỹ bắn trúng và hy sinh, để trả thù cho chồng, vợ Ba Đô đã đuổi theo, cùng đội du kích bắn rơi chiếc trực thăng.


    Kết thúc của phim có cảnh phi công Mỹ chết trong chiếc trực thăng bị bắn rơi, tấm ảnh chụp vợ con của anh ta rơi ra từ túi áo. Lính Mỹ, họ cũng là người bình thường, có vợ và con như Ba Đô, nhưng do Chính phủ Mỹ mà họ phải dứt bỏ gia đình để sang Việt Nam tham chiến để rồi thiệt mạng ở một nơi xa lạ.


    Phim là sự lên án tính phi nhân đạo của chiến tranh và tình người trong cuộc chiến đó. Bộ phim này ra đời vào năm 1979 lúc giải phim cao quý nhất là Cánh diều vàng chưa ra đời thế nên phim nhận được giải thưởng của tiền thân giải Cánh diều vàng là LHP Việt Nam. Đây được coi là một bộ phim về chiến tranh hay nhất.

    Phim Cánh Đồng Hoang
    Phim Cánh Đồng Hoang
    Phim Cánh Đồng Hoang
  5. Bao Giờ Cho Đến Tháng 10 là một trong những phim nổi bật nhất của đạo diễn Đặng Nhật Minh ra mắt lần đầu năm 1984. Bộ phim kể về cuộc đời của người góa phụ mà chồng chị đã hy sinh ở chiến trường Tây Nam Bộ.


    Trở về nhà sau chuyến đi thăm chồng ở biên giới Tây Nam, Duyên biết tin chồng chị đã hi sinh. Trên thuyền trở về, chị đã bị ngã xuống sông và được thầy giáo Khang cứu sống. Duyên giấu chuyện chồng hi sinh với mọi người trong gia đình đặc biệt là đối với người cha già đang có bệnh nặng. Để an ủi cha, Duyên nhờ Khang viết hộ những bức thư hỏi thăm gia đình như khi chồng chị còn sống. Những bức thư này đã mang lại niềm vui cho gia đình, nhưng nỗi đau thì một mình cô phải chịu đựng. Thế rồi, có nhiều tiếng dị nghị rằng Duyên và thầy giáo Khang hai người có tư tình. Đến khi cảm thấy mình yếu, không còn sống được bao lâu, người cha chồng bảo Duyên gọi điện cho con trai về để gặp lần cuối. Đến lúc này, tin chồng mất đã không giấu được nữa...


    Bộ phim có chi tiết thú vị là bài thơ viết trên cánh diều:


    "Bao giờ cho đến tháng Mười
    Lúa chín trên cánh đồng giông bão
    Ta để lại sau lưng những ngày dài mong đợi
    Những mất mát hi sinh, chịu đựng, khổ đau
    Khi trời thu vẫn xanh mãi trên đầu".


    Sự thành công rực rỡ với cả giới phê bình lẫn công chúng, bộ phim đã được đề cử Giải thưởng Trung tâm Đông Tây cho bộ phim mang lại hiểu biết chuyên nghiệp tốt nhất giữa các dân tộc Châu Á, Thái Bình Dương và Hoa Kỳ, và đã giành được giải đặc biệt từ ban giám khảo. Ngoài ra, bộ phim còn nhận được bằng khen của Ủy ban Bảo vệ hòa bình tại Liên hoan phim quốc tế Moskva. Tính đến năm 2006, đây là một trong các 30 bộ phim được thư viện thành phố Fukuoka lưu giữ bảo quản tại phòng lưu trữ số 3. Ngày 15 tháng 9 năm 2008, CNN đánh giá "Bao giờ cho đến tháng Mười" là một trong 18 bộ phim châu Á xuất sắc mọi thời đại. Một số tài liệu nhận định rằng, bộ phim xứng đáng được xếp vào hàng những tác phẩm kinh điển của thế giới.

      Phim Bao Giờ Cho Đến Tháng Mười
      Phim Bao Giờ Cho Đến Tháng Mười
      Phim Bao Giờ Cho Đến Tháng 10
    • Xích Lô là một bộ phim nổi tiếng khác của đạo diễn người Pháp gốc Việt: Trần Anh Hùng. Cảnh trong phim được quay phần lớn tại Thành phố Hồ Chí Minh và Hồng Kông với sự hợp tác sản xuất của hãng phim Giải Phóng và Salon Films Studio (Hồng Kông).

      Nhân vật chính của phim là Xích Lô (Lê Văn Lộc đóng). Xích Lô là một thanh niên chất phác, mồ côi cha mẹ, anh làm nghề lái xích lô kiếm sống tại Sài Gòn. Tình cờ anh gặp bà Buồn (Như Quỳnh) và tình nhân của bà ta Nhà Thơ (Lương Triều Vĩ) và đi theo băng đảng của bà ta và phạm nhiều tội ác. Từ đó anh phải sống trong sự dằn vặt và sợ hãi, nhiều lần tính chuyện rút chân khỏi băng đảng nhưng đều thất bại. Nhà Thơ (Lương Triều Vĩ đóng), y là một kẻ gian ác đồng thời là một nhà thơ, là người yêu của chị gái Xích Lô. Y cũng là người dụ dỗ chị gái Xích Lô trở thành gái mại dâm, còn Xích Lô đang bị băng đảng của Nhà Thơ dụ dỗ dùng thuốc kích thích lấy tinh thần đi cướp.


      Một đêm 30 Tết, trong khi cả thành phố đang nhộn nhịp đón giao thừa, đứa con trai bị thiểu năng trí tuệ của bà Buồn bị xe cán chết, đồng thời Nhà Thơ cũng tự thiêu mình trong những tâm ý đầy mâu thuẫn và Xích Lô dùng súng mà băng cướp đưa cho tự làm mình bị thương trong cơn say ma túy. Sau đêm giao thừa, mọi thứ trở lại trật tự của nó. Xích Lô khi tỉnh dậy được cho rời khỏi băng đảng, Buồn mất con gần như hóa điên. Anh về với nghề đạp xích lô. Người chị cũng trở về nhịp sống cũ. Đoạn cuối phim Xích Lô có nhắc đến con mèo, nói rằng: "nó còn đẹp hơn trước lúc nó đi lạc". Phim kết thúc trong bản hợp tấu đàn mandolin của một lớp tiểu học: Rửa mặt như mèo.


      Năm 1995, phim bị cấm chiếu tại Việt Nam. Thời điểm đó, việc phim bị cấm đã gây nên nhiều phản ứng trong nội bộ giới chuyên môn điện ảnh. Đến nay, không ít người cho trong giới cho rằng trường hợp Xích lô là "án oan" đối với một tài năng điện ảnh như Trần Anh Hùng.


        Phim Xích Lô
        Phim Xích Lô
        Phim Xích Lô
      • Được chuyển thể từ tiểu thuyết cùng tên của Nguyễn Huy Tưởng, bộ phim Đêm Hội Long Trì lấy bối cảnh thời Lê Trung Hưng: Chiến tranh Đàng Trong - Đàng Ngoài.

        Bộ phim không chỉ lên án xã hội mục nát thời ấy mà còn là cuộc đấu tranh của người dân với thế lực quyền uy, quý tộc đầy quyền thế trong xã hội phong kiến lúc bấy giờ.Tác phẩm chọn một thời đoạn lịch sử điển hình cho sự suy thoái và phân rã của xã hội, nên có nhiều đất đai cho việc khai thác các mâu thuẫn và xung đột; cho sự mở rộng và đào sâu vào thế giới nhân vật; cho sự triển khai các mạch truyện và chủ đề; và cho sự gửi gắm nhiều ý tưởng rút từ lịch sử, trong gắn nối và soi sáng các vấn đề của thời hiện tại.

        Thoát khỏi sự nô lệ hoặc mô phỏng, minh họa lịch sử, trong Đêm hội Long Trì, Nguyễn Huy Tưởng đã thu gọn sự miêu tả từ điểm xuất phát là một đêm hội, để từ đêm hội mà mở rộng mạch truyện trên hai tuyến nhân vật đối lập, cùng với số phận bị kẹt giữa hai phía của một số nhân vật khác. Từ trung tâm là một chuyện tình của cặp nhân vật Bảo Kim và Quỳnh Hoa mà mở rộng sang các mối quan hệ khác như quan hệ thầy trò, bè bạn, bố mẹ-con cái, anh em, vua tôi... trong một cuộc sống rối ren, hỗn loạn, hết cả kỷ cương và đạo lý. Và khi cái ác được đẩy tới tận cùng thú tính của nó qua nhân vật Cậu Giời Đặng Mậu Lân, và phía sau là mưu đồ và thủ đoạn của người đàn bà đẹp Tuyên phi Đặng Thị Huệ, thì cái thiện cũng phải biết cách tập hợp lực lượng và huy động tổng lực sức mạnh của nó để chống đỡ, và cuối cùng là chiến thắng, trong một kết thúc "có hậu" theo cảm quan Văn học dân gian...


        Ra đời trong thời kỳ mở cửa, bộ phim quy tụ dàn diễn viên xuất sắc nhất ba thập kỷ cuối thế kỷ XX, bộ phim Đêm Hội Long Trì được xem như là phim cổ trang, dã sử hay nhất của điện ảnh Việt Nam.

        Phim Đêm Hội Long Trì
        Phim Đêm Hội Long Trì
        Phim Đêm Hội Long Trì
      • Ván Bài Lật Ngửa là bộ phim điện ảnh nhiều phần, sản xuất từ năm 1982 đến năm 1987. Bộ phim mô phỏng cuộc đấu trí của những gián điệp của Đảng Lao Động Việt Nam với chính quyền Việt Nam Cộng Hòa và các quan chức, cố vấn của Mỹ tại Sài Gòn giai đoạn chiến tranh Việt Nam 1954-1975.


        Nguyên tác kịch bản phim được đạo diễn Lê Hoàng Hoa chuyển thể từ bản thảo tiểu thuyết "Giữa biển giáo rừng gươm" của nhà văn Trần Bạch Đằng. Lê Hoàng Hoa đã sửa đổi khá nhiều chi tiết so với tiểu thuyết và đã đặt tên chính thức cho bộ phim là Ván bài lật ngửa. Bộ phim thành công tới mức sau đó nhà văn Trần Bạch Đằng đã lấy nhan đề này đặt cho tiểu thuyết.

        Năm 1982, bộ phim và quay xong tập 1. Tuy nhiên, vai nam chính không thành công lắm, vì vậy Trần Bạch Đằng đã chọn một nam diễn viên trẻ còn ít tên tuổi là Nguyễn Chánh Tín vào vai chính, vì "diễn xuất của Chánh Tín chân thật, tự nhiên và có một nét gì đó khác người". Sự lựa chọn này đã đem lại sự thành công lớn cho bộ phim. Nguyễn Thành Luân trở thành vai diễn để đời của Nguyễn Chánh Tín. Nữ diễn viên Thúy An vào vai Thùy Dung trong 3 tập đầu. Khi chuẩn bị quay tập 4 thì cô không thể tham gia do đang mang thai. Và ca sĩ Thanh Lan được đạo diễn Lê Hoàng Hoa chọn vào thay thế.

        Năm 1986, kịch bản phim đã được chuyển thể ngược thành tiểu thuyết cùng tên và được tái bản nhiều lần. Nhìn chung phần nội dung trong phim chỉ là một phần đầu của tiểu thuyết. Ngược lại, nhiều tình tiết trong phim không có trong tiểu thuyết, và nhiều nhân vật phụ trong phim rất được yêu thích như trùm tình báo CIA Gã đầu bạc, Bảy Cầu Muối... cũng không có mặt trong tiểu thuyết.

        Với nhiều thế hệ khán giả, Ván Bài Lật Ngửa được xem là series phim điện ảnh kinh điển. Tên của các phim trong series lần lượt là:


        1. Đứa con nuôi vị giám mục (1982)
        2. Quân cờ di động (1983)
        3. Phát súng trên cao nguyên (1983)
        4. Cơn hồng thủy và bản tango số 3 (1984)
        5. Trời xanh qua kẽ lá (1985)
        6. Lời cảnh cáo cuối cùng (1986)
        7. Cao áp và nước lũ (1987)
        8. Vòng hoa trước mộ (1987)
        Phim Ván Bài Lật Ngửa
        Phim Ván Bài Lật Ngửa
        Phim Ván Bài Lật Ngửa
      • Làng Vũ Đại Ngày Ấy là bộ phim nổi tiếng của NSND Phạm Văn Khoa, lấy cảm hứng từ ba tác phẩm văn học hiện thực xã hội của nhà văn Nam Cao là Sống Mòn, Chí Phèo và Lão Hạc.Bộ phim đã tạo nên bức tranh tổng thể về đời sống của nhân dân trong xã hội Việt Nam giai đoạn 1945. Hình ảnh những nhân vật Chí Phèo, Lão Hạc, Thị Nở trong phim đã trở thành kinh điển cho tới tận ngày nay.


        Làng Vũ Đại Ngày Ấy chuyển thể từ 3 tác phẩm riêng lẻ của nhà văn Nam Cao và đưa các nhân vật Giáo Thứ, Lão Hạc, Chí Phèo, Thị Nở đến Bá Kiến, Lý Cường… tất cả quy tụ lại làng Vũ Đại trước Cách mạng Tháng 8/1945.


        Dù là sự hòa trộn nhưng khán giả xem phim không cảm thấy một sự mâu thuẫn hay khiên cưỡng nào bởi tính chủ đề xuyên suốt cả bộ phim đã được đạo diễn Phạm Văn Khoa tôn trọng triệt để. Cùng với phim Chị Dậu (1980) cũng do NSND Phạm Văn Khoa làm đạo diễn thì đây được đánh giá là 2 trong số ít các tác phẩm điện ảnh Việt Nam thực sự thành công về đề tài đời sống nông thôn cũng như nông dân Việt Nam trước Cách mạng. Hầu hết các vai diễn trong phim như giáo Thứ (diễn viên Hữu Mười), Chí Phèo (diễn viên Bùi Cường), Thị Nở (diễn viên Đức Lưu) và Lão Hạc (nhà văn Kim Lân) cho đến ngày nay vẫn để lại những ấn tượng khó phai trong ký ức của nhiều thế hệ khán giả Việt Nam.

        Phim Làng Vũ Đại Ngày Ấy cũng cho thấy tính đột phá táo bạo của đạo diễn, NSND Phạm Văn Khoa khi ông dám thực hiện những "cảnh nóng" mà không mấy đạo diễn ở Việt Nam thực hiện ở thời điểm đầu những năm 1980 (trước Đổi Mới). Bộ phim lúc hoàn thành phải cắt đi nhiều cảnh mà vẫn chưa được duyệt. Cuối cùng, Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam khi đó là Trường Chinh đích thân xem phim. Ông không cho cắt cảnh quay tại vườn chuối, vì nếu cắt đi thì không còn sức biểu cảm và tính nghệ thuật của phim. Và thế là "cảnh nóng" trong phim đã được chấp nhận.


        Bộ phim nhận nhiều giải thưởng giá trị lúc bấy giờ với riêng diễn viên Bùi Cường nhận Huy chương Vàng diễn viên chính xuất sắc nhất trong Liên hoan Phim Việt Nam lần thứ 6 (1983). NSND Phạm Văn Khoa nhận Giải thưởng Nhà nước (2007) về Văn học – Nghệ thuật.

        Bộ phim Làng Vũ Đại Ngày Ấy là một trong những bộ phim nổi tiếng được xếp vào hàng những tác phẩm kinh điển của nền điện ảnh Việt Nam thế kỷ 20.

        Phim Làng Vũ Đại Ngày Ấy
        Phim Làng Vũ Đại Ngày Ấy
        Phim Làng Vũ Đại Ngày Ấy
      • Em bé Hà Nội là một bộ phim nhựa do Hãng phim truyện Việt Nam sản xuất năm 1974 và do Hải Ninh làm đạo diễn. Bộ phim khắc họa cuộc sống Hà Nội năm 1972, khi quân đội Hoa Kỳ tiến hành Chiến dịch Linebacker II, ném bom miền Bắc Việt Nam.


        Diễn viên Lan Hương được lựa chọn vào vai em bé Hà Nội khi đó Lan Hương mới 12 tuổi và đây cũng là vai diễn đầu tiên của cô. Diễn viên Kim Xuân trong phim vốn là diễn viên cải lương, người từng đóng bộ phim Kiếp hoa nổi tiếng vào năm 1953. Trước đó đạo diễn Hải Ninh và nhà biên kịch Hoàng Tích Chỉ cũng đã hợp tác trong bộ phim Vĩ tuyến 17 ngày và đêm. Được quay giữa bối cảnh thực là Hà Nội ngay sau những trận bom B52 rải thảm, phim Em bé Hà Nội là câu chuyện xúc động và tràn đầy tình người về đời sống Thủ đô những năm chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ. Truyện phim đi theo hành trình sơ tán và tìm bố của hai chị em Ngọc Hà, Thùy Dương sau khi mẹ của hai em đã hy sinh, ngôi nhà ở Khâm Thiên cũng đã tan nát sau trận bom B52.


        Một trong những thành công của “Em bé Hà Nội” ngoài cốt truyện, diễn xuất thì phải kể tới phong cách hiện thực tài liệu trong phim. Tận dụng bối cảnh còn nguyên vẹn sau trận bom nhưng ống kính của máy quay không tham lam mà chắt lọc những gì tiêu biểu và cô đọng nhất. Đôi mắt dáo dác đen láy của Hà trong đổ nát, tiếng gọi da diết, chiếc lồng chim trên nền nhà cũ, búp bê nhựa cháy xém bên vành nôi, khói hương nghi ngút bên vành khăn tang trắng… xen kẽ bên những cảnh sinh hoạt đời thường của người dân Hà Nội,… vừa có sức ám ảnh người xem rất sâu sắc, vừa khiến khán giả như đang hiện diện ngay tại thời điểm đau thương này.


        Thế nhưng, dù tang thương chết chóc, chia li nhưng “Em bé Hà Nội” không gợi sự bi thảm bởi đạo diễn Hải Ninh đã tìm cho hiện thực tài liệu đó một “đối trọng” – đó là chất thơ trong sự hoang tàn. Ngoài sự trầm hùng toát ra từ mỗi cảnh phim, qua lăng kính của bé Ngọc Hà, Hà Nội vẫn lung linh kì diệu như thế giới trong trẻo của em, vẫn ấm cúng đâu đó nếu như có hòa bình. Cuối phim, sự khéo léo đó một lần nữa được ông cài vào với hình ảnh dòng chữ “Không có gì quý hơn độc lập, tự do” như một lời đề tựa cho bản hùng ca đầy tính nhân văn mà ông cùng ê kíp của mình đã tạo ra. Diễn viên Lan Hương trong vai Ngọc Hà đã trở thành một “hiện tượng” đương thời, ánh mắt ngây thơ của Ngọc Hà sẽ còn mãi ám ảnh nhiều người xem phim khi nghĩ về những số phận trẻ thơ đáng thương giữa khói lửa chiến tranh.


        Được quay giữa bối cảnh thực là Hà Nội ngay sau những trận bom B52 rải thảm, phim Em bé Hà Nội là câu chuyện xúc động và tràn đầy tình người về đời sống Thủ đô những năm chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ. Phim còn được ghi nhận bởi hàng loạt giải thưởng cao quý như đoạt giải Bông sen vàng cho phim hay nhất tại Liên hoan phim Việt Nam lần III năm 1975; giải đặc biệt của BGK LHP Quốc tế Moskva năm 1975; giải thưởng của Mặt trận giải phóng Palestine tại LHPQT Syria cũng như hàng loạt giải thưởng cá nhân khác.


          Phim Em Bé Hà Nội
          Phim Em Bé Hà Nội
          Phim Em Bé Hà Nội
        • Sống trong sợ hãi (tựa tiếng Anh: Living in Fear) là một bộ phim điện ảnh Việt Nam thuộc thể loại tình cảm – tâm lý của đạo diễn Bùi Thạc Chuyên thực hiện, công chiếu vào năm 2005. Bộ phim này nói về một người lính Việt Nam Cộng hòa tên Tải có đến hai người vợ nên vô cùng khó khăn để kiếm tiền nuôi vợ. Anh ta phải gỡ bom mìn của quân đội Mỹ cài trước kia rồi đem bán sắt vụn kiếm tiền, mặc dù bị nhiều người ngăn cản nhưng anh vẫn quyết làm. Tải dự định sẽ bỏ nghề đào mìn, khai thác bãi đất hoang trước nhà trồng cây lương thực, nhưng không ngờ bãi đất ấy cũng có mìn, khiến anh phải làm lại công việc cũ. Cuộc sống của anh cứ trôi qua mỗi ngày như thế, đến khi cả hai người vợ anh đến ngày sinh. Tải đưa họ vào đúng một bệnh viện, hai người vợ nằm chung phòng với nhau, trò chuyện với nhau nhiều lần. Sau này Thuận quyết định sẽ cho Tải cùng đứa con gái tên Lành dọn đồ qua ở luôn với người vợ bé, cả nhà ấy sống hạnh phúc với nhau, còn riêng Thuận thì không ai biết cô đã đi đâu.


          Phim dựa theo một câu chuyện có thật về một người đàn ông khai thác mìn tại tỉnh Ninh Thuận, được Bùi Thạc Chuyên và Nguyễn Thị Minh Ngọc viết kịch bản và bắt đầu bấm máy vào năm 2005. Phim ra mắt tại rạp chiếu phim Quốc gia vào tháng 12 năm 2005. Đây là một trong những phim Việt Nam đầu tiên thực hiện thu âm đồng bộ với sự giúp đỡ của đài NHK (Nhật Bản). Phim có thể không thích hợp với trẻ em dưới 16 tuổi.


          Bộ phim này đã đạt giải ba thể loại Phim sinh viên quốc tế tại Liên hoan Phim Cannes 2000, Pháp; huy chương Bạc Liên hoan Phim Đài Loan 2000; 5 giải Cánh diều Vàng tại Cánh diều 2005 trong đó có giải Đạo diễn phim truyện nhựa xuất sắc và 1 số giải thưởng khác.

          Phim Sống trong sợ hãi
          Phim Sống trong sợ hãi
          Phim Sống trong sợ hãi
        • Tác phẩm này đã làm say đắm nhiều thế hệ người xem phim và cũng là một trong những bộ phim Việt Nam đầu tiên gây được sự chú ý của giới điện ảnh quốc tế. Con chim vành khuyên là bộ phim ngắn chứa tải một nội dung tư tưởng lớn, có khả năng gây tác dụng mạnh bằng lối kể bình dị, trực diện và chân thực. Bộ phim không nhiều nhân vật và nhân vật nào cũng có vai trò riêng để tồn tại, trong đó bé Nga là trung tâm.

          Câu chuyện trong phim diễn ra vào thời kháng chiến chống Pháp. Bé Nga nhí nhảnh hồn nhiên sống cùng cha ở một làng nhỏ ven sông, cùng cha đưa đón và che giấu các cán bộ, chiến sĩ. Bị mật thám Pháp phát hiện, chúng tra tấn cha bé Nga, bắt bé phải đặt bẫy những cán bộ kháng chiến…Đặt lên đôi vai mỏng manh của nhân vật một hình tượng lớn, tác giả kịch bản chủ ý phóng đại ý nghĩa của hình tượng, làm cho nó trở nên mạnh mẽ và tiêu biểu. Hình ảnh hy sinh của bé Nga vào giây phút kết thúc câu chuyện tạo cơn chấn động mãnh liệt – mặc dù sự hy sinh đó không quá bất ngờ, nhưng đã khơi dậy tình thương cùng lòng căm thù, không vương bi lụy. Đó là hiệu quả đáng ghi nhận của nghệ thuật biểu hiện mang tính anh hùng ca.


          Con chim vành khuyên là một trong không nhiều tác phẩm phim truyện Việt Nam ở giai đoạn đầu đạt tới sự hài hòa cần thiết giữa đặc tính văn học với đặc tính điện ảnh. Có thể nhận ra thủ pháp thể hiện độc đáo của tác giả là đã chủ động tạo ra một nhịp điệu tư duy chủ quan, từ đó dẫn dắt người xem cảm nhận một cách trực quan những hình ảnh và hiện tượng tương phản, đối lập cạnh nhau: người cha to lớn, cô gái nhỏ xinh; địch dữ dằn với vũ khí trong tay, ta hiền lành tay không; sự sống bên này, còn bên kia là cái chết…

          Ở tác phẩm này, cảnh kết được xem là “cảnh chốt”, quan trọng và có ý nghĩa đặc biệt. Từ trên cao, ống kính nghiêng xuống gói trọn hình ảnh bé Nga trúng đạn địch lảo đảo, hai tay chới với như cố ghì lấy sự sống, thống thiết kêu lên “cha” rồi lảo đảo khụy xuống mép sông. Lúc này nhịp quay chậm lại và giọng nhạc trào lên lấp trọn không gian. Đó là sự vỡ òa thương tiếc, vỗ về cái bất tử của cô gái nhỏ anh hùng, làm bùng lên xúc cảm bi tráng chân thành. Ngôn ngữ điện ảnh, trong trường hợp này, đã được khai thác và diễn đạt tới cao độ, vừa đạt hiệu quả truyền cảm, vừa gây tác động nhận thức sâu sắc. Phim Con chim vành khuyên đã được trao Giải đặc biệt dành cho phim ngắn của Ban Giám khảo LHP Karlovy Vary năm 1962 và giải Bông sen Vàng tại LHP Việt Nam lần II, 1973.

          Phim Con chim vành khuyên
          Phim Con chim vành khuyên
          Phim Con chim vành khuyên
        • Kịch bản phim được nhà văn Nguyễn Quang Lập chuyển thể từ truyện ngắn cùng tên của nhà văn Đỗ Phước Tiến, một tác phẩm văn học nổi tiếng, đã từng được dịch và xuất bản bằng nhiều ngôn ngữ trên thế giới. Đảo Của Dân Ngụ Cư là bộ phim đầu tay của diễn viên Hồng Ánh trong vai trò đạo diễn.


          Phước (Phạm Hồng Phước) là một gã lang thang. Cậu quyết định tạm dừng chuyến hành trình của mình tại một nhà hàng chuyên bán lẩu dê. Từ lúc nhận được cái nhìn soi mói của Xiếm Hoa (Ngọc Hiệp) và bước vào bên trong cánh cổng luôn đóng kín vào ban ngày, cậu không ngờ cuộc đời mình sẽ thay đổi mãi mãi.

          Ông chủ là một người ít nói, độc tài và trông khá đáng sợ. Ông có một cô con gái tên Chu (Ngọc Thanh Tâm). Vì bị liệt ở chân nên Chu chính là nỗi ô nhục mà ông chủ luôn giấu kín trên căn gác mà không ai được bén mảng đến. Cũng tại nhà hàng này, Phước kết bạn với Miên (Nhan Phúc Vinh), gã thanh niên người Khmer hoang dã và phóng khoáng. Trong đám người làm còn có ông Ahmed (Hoàng Nhân), một người theo đạo Hồi luôn lặng lẽ như dòng thời gian lúc nào cũng ì ạch trong căn nhà cổ. Cuộc đời của Phước và tất cả những con người tại nơi đó bắt đầu dịch chuyển từ lúc cậu xuất hiện, chầm chậm, âm ỉ nhưng cũng đầy cảm giác nhục dục và đê mê. Phim không chỉ dừng lại từng số phận đơn lẻ mà còn phác họa bức tranh xã hội đa văn hóa, đa sắc tộc. Phim được làm theo phong cách nghệ thuật vốn thường được xem khá kén khán giả và đụng chạm đến các khía cạnh nhạy cảm trong cuộc sống, thân phận con người.


          Trước khi ra mắt khán giả trong nước, ngày 20/05/2017, Đảo Của Dân Ngụ Cư đã được giới thiệu chính thức tại khuôn khổ LHP Quốc tế Cannes 2017, trong sự kiện Vietnam Night. Và liền sau đó phim sẽ được công chiếu với phụ đề tiếng Tây Ban Nha trong Tuần lễ phim Việt tại Madrid – Tây Ban Nha vào ngày 24 và 25/05/2017. Phim còn giành tới 8 đề cử trên tổng số 9 hạng mục chính thức của LHP Quốc tế AIFAA 2017. Phim cũng giành luôn giải thưởng lớn nhất của LHP này: Giải Phim hay nhất, cùng 2 giải quan trọng khác cho Nam diễn viên Xuất sắc nhất (Phạm Hồng Phước) và Đạo diễn hình ảnh Xuất sắc nhất (NSND Lý Thái Dũng).

          Phim Đảo của dân ngụ cư
          Phim Đảo của dân ngụ cư
          Phim Đảo của dân ngụ cư
        • Sau Tấm Cám Chuyện Chưa Kể, đây là một tác phẩm khác của Ngô Thanh Vân được khán giả háo hức mong chờ. Cô Ba Sài Gòn tái hiện hình ảnh một Sài Gòn của thập niên 60 vừa thơ mộng vừa hiện đại. Trong bối cảnh ấy, tà áo dài thướt tha của người phụ nữ Việt Nam không hề lép vế trước các bộ âu phục.


          Bà chủ của một tiệm may áo dài có hai cô con gái nhưng một người thích may áo dài Thanh Loan một người lại chỉ thích may âu phục Như Ý. Như Ý vô tình xuyên không về Sài Gòn năm 2017 và hoảng hốt khi trước mắt cô là khung cảnh nhà may bị dỡ bỏ. Căn nhà trở nên hoang tàn, không còn là tiệm may Thanh Nữ náo nhiệt, thịnh vượng như ngày xưa. Bà An Khánh trở thành kẻ nghiện rượu và dần tự chối bỏ chính mình nên mới đổi tên từ Như Ý thành An Khánh. Thanh Loan ra ngoài mở một tiệm may áo dài, sau này cô sinh hai đứa con: Helen và Tuấn. Helen bây giờ đang là nhà thiết kế thời trang nổi tiếng và quyền lực nhất Sài Gòn, còn Tuấn đang làm ở công ty của Helen.


          Từ đây bà quyết tâm học may áo dài và khôi phục lại nhà may Thanh Nữ huy hoàng như xưa. Như Ý qua đã đã tìm lại được chính mình, tình cảm gia đình và tình yêu với chiếc áo dài truyền thống - quốc phục của đất nước. Sau cùng, tiệm may Thanh Nữ được tân trang, gây dựng lại, và bà An Khánh cùng bà Thanh Loan đã kết nối lại tình chị em xưa kia. Như Ý mặc chiếc áo dài có miếng ngọc, miếng ngọc kỳ diệu đó lại cuốn cô vào dòng thời gian, đưa cô về lại năm 1969. Gặp lại bà Thanh Mai, cô ôm lấy mẹ mình rồi nói xin lỗi rồi nói với mẹ mình rằng mình đã biết may áo dài, đồng thời may cho bà Thanh Mai một bộ áo dài với phong cách cách tân.


          Phim có sự góp mặt của dàn diễn viên đình đám như Ngô Thanh Vân, Ninh Dương Lan Ngọc, Diễm My, Kim Thư và Trác Thuý Miêu. Một điểm khác khiến Cô Ba Sài Gòn thu hút được sự chú ý của khán giả là ở khâu PR. Tung ngay poster đậm chất vintage, phim đem lại luồng gió mới cho người xem giữa rừng bom tấn hiện đại hoặc hướng về tương lai. Bên cạnh đó, cả ê-kíp tham dự LHP Busan trong bộ áo dài truyền thống đầy ấn tượng khiến phim thu hút được sự chú ý của khán giả nước ngoài.

          Phim Cô Ba Sài Gòn
          Phim Cô Ba Sài Gòn
          Phim Cô Ba Sài Gòn
        • Được chuyển thể từ tác phẩm Đất Rừng Phương Nam của nhà văn Đoàn Giỏi, bộ phim đã khắc họa rõ nét cuộc sống của người dân Nam Bộ trong những năm tháng kháng chiến. Đất phương Nam lấy bối cảnh Nam Bộ trong thời kỳ bị thực dân Pháp và bọn cường hào, địa chủ cai trị. Bộ phim là câu chuyện về cuộc sống của những con người dân quê bình dị trong thời cuộc loạn lạc.

          Đất Phương Nam – một bộ phim thiếu nhi đầy xúc động và ý nghĩa về cuộc sống, con người vùng sông nước Nam Bộ. Bộ phim kể về cuộc hành trình đi tìm cha của chú bé An (Hùng Thuận đóng), và trong chuyến đi về phương Nam, An đã phải chứng kiến biết bao sự oan nghiệt của cuộc đời. Lưu lạc về phương Nam, An gặp những cảnh đời ngang trái, những mảnh đời lầm than của người nông dân dưới ách áp bức của địa chủ và thực dân. Giữa đất trời mênh mông nhưng người nông dân phải chịu cảnh mất đất đai, được mùa nhưng không giữ được vật phẩm. Hoàn cảnh đã đưa đẩy họ trở thành những người nông dân khởi nghĩa. Tuy ba chìm bảy nổi giữa dòng đời, An vẫn luôn sống trong lòng nhân ái, đùm bọc của đồng bào. Đó là nguồn động lực đưa cậu vượt qua những khó khăn gian khổ.

          Đất Phương Nam còn lên án tội ác chiến tranh và thực dân phong kiến ngày trước. Chính chiến tranh và sự hống hách của chế độ đã khiến biết bao người dân sống trong cảnh lầm than, biết bao đứa trẻ như An phải đi lưu lạc khắp nơi để tìm lại những người thân thích.

          Phim Đất phương Nam
          Phim Đất phương Nam
          Phim Đất phương Nam
        • Bộ phim Việt Nam hay kinh điển mà chắc không ai có thể quên được là Đồng tiền xương máu. Phim xoay quanh cuộc sống của gia đình ông Khải với ba người con.


          Ông Khải là người vốn tính cổ hủ, hà khắc nên không tán thành những gì mới mà luôn theo nguyên tắc cũ. Trái lại, Toàn - con trai ông lại bỏ nhà máy của ông ra thành lập công ty với mong muốn giàu có. Những xung đột trong gia đình nảy sinh khi Toàn muốn phá căn nhà là kỷ niệm của ông để xây căn nhà mới... Bộ phim đề cập đến xã hội trong những năm chuyển đổi cơ chế thị trường.


          Đồng tiền xương máu là một bộ phim truyền hình Việt Nam do đạo diễn Đinh Đức Liêm thực hiện, Hãng phim Truyền hình Thành phố Hồ Chí Minh (TFS) sản xuất. Phim có sự góp mặt của các diễn viên: Lâm Tới, Chi Bảo, Quyền Linh, Trương Ngọc Ánh,… Đồng tiền xương máu được công chiếu đầu tiên năm 1999 trên Đài Truyền hình Thành phố Hồ Chí Minh (HTV).

          Phim Đồng Tiền Xương Máu
          Phim Đồng Tiền Xương Máu
          Phim Đồng Tiền Xương Máu
        • Sau 2 bộ phim ấn tượng là Áo lụa Hà Đông và Huyền thoại bất tử, đạo diễn Lưu Huỳnh tiếp tục khai thác đề tài xã hội, thân phận con người qua bộ phim mới có cái tên gây tò mò – Lấy chồng người ta.


          Lấy bối cảnh ở làng nổi La Ngà của tỉnh Đồng Nai, Lấy chồng người ta xoay quanh cuộc sống của cặp vợ chồng Lụa và Khánh, cả hai sống nghèo khổ trong túp lều tranh xiêu vẹo nhưng vẫn rất hạnh phúc. Bi kịch xảy ra khi Lụa vì muốn Khánh có được hạnh phúc làm cha, nên giấu chồng đến cầu xin Linh cho cô ta một đứa con và yêu cầu hắn cam kết giữ bí mật đến chết.


          Và rồi, đứa trẻ ra đời trong niềm hạnh phúc vỡ òa của vợ chồng Khánh – Lụa, nhưng cũng châm ngòi cho sự ích kỷ, ghen tuông trong lòng Linh, lúc này hắn không còn quan tâm đến lời hứa với Lụa trước đó. Sau lưng Khánh, Linh bắt đầu dùng đủ chiêu “đòi gặp con” và hành hạ Lụa, khiến cô sống dở chết dở. Cơn điên loạn trong Linh càng bùng lên dữ dội khi ngày qua ngày chứng kiến vợ chồng bạn cũ ngập tràn hạnh phúc. Linh bất chấp phơi bày mọi chuyện và hạ quyết tâm bằng mọi giá phải “cướp” lại con.

          “Ông hoàng phòng vé” khiến người xem giật mình khi khắc họa sống động những góc khuất nghiệt ngã của số phận và chuyển biến tâm lý của nhân vật Linh. Từ ánh mắt, giọng nói, dáng điệu của một kẻ lỗ mãng, cho đến tâm lý điên loạn bất thường của hắn đều được Thái Hòa chuyển tải sâu sắc và đầy ám ảnh. Ở phía đối trọng, hình ảnh Khánh của Huy Khánh hiện ra mộc mạc, bình dị. Nhân vật của anh được vun đắp đủ đầy trong hình tượng người cha một lòng hy sinh tất cả vì con.


          Bộ phim thể hiện thủ pháp kể chuyện và gợi không khí rất tốt của đạo diễn Lưu Huỳnh, được đại diện cho điện ảnh Việt Nam tham gia hạng mục Điện ảnh thế giới đương đại tại LHP quốc tế Toronto. Đây cũng là phim hiếm hoi của Thái Hòa trong mấy năm gần đây mà anh không trị một vai hài. Ngược lại, nhân vật của anh còn có cách thể hiện cực kì ám ảnh.

          Lấy chồng người ta
          Lấy chồng người ta
          Phim Lấy chồng người ta (2012)
        • Nội dung phim lấy bối cảnh Hà Nội, gia đình của bốn chị em nhà nọ sum họp cùng nhau để chuẩn bị giỗ mẹ tại quán nước của người chị cả, Sương (Nguyễn Như Quỳnh). Bốn chị em mỗi người một hoàn cảnh, một câu truyện khác nhau.


          Trần Anh Hùng miêu tả đây là "một bộ phim hài gợi cảm, dịu dàng mà chua cay", kể về "nhiều vấn đề, trong đó có sự bội tín và khát vọng tình yêu đôi lứa", "sự hài hòa" hoặc "sự khéo léo giữ thể diện" giữa các nhân vật. Phim mang phong cách nhẹ nhàng, cho phép những hình ảnh bất động và ngưng đọng về mặt thời gian để truyền đạt sự hài hòa và mưu cầu hạnh phúc của các nhân vật, cũng như ấn tượng tuổi thơ của đạo diễn về Hà Nội. Thay vì miêu tả trải nghiệm đời thường của các nhân vật theo hướng tư liệu, những hình ảnh trong bộ phim lột tả những bí mật hoặc ký ức hài hòa mà họ giữ kín. Trần Anh Hùng cho rằng, "sự hài hòa mà họ truyền tải có một nét đẹp riêng, một nét đẹp bị vấy bẩn bởi sự cay đắng và u sầu


          Mùa hè chiều thẳng đứng được các nhà phê bình điện ảnh khen ngợi. Trên trang tổng hợp kết quả đánh giá Rotten Tomatoes, bộ phim nhận được “Chứng nhận tươi” với 82% đánh giá tích cực được tổng hợp dựa trên 55 bài bình luận, với điểm số trung bình là 7,1 trên 10, cùng lời nhận xét “Mùa hè chiều thẳng đứng điềm tĩnh một cách tráng lệ, nên thơ, ru người xem vào câu chuyện đời thường”.

          Phim Mùa hè chiếu thẳng đứng
          Phim Mùa hè chiếu thẳng đứng
          Phim Mùa hè chiếu thẳng đứng
        • Xin hãy tin em là một bộ phim được chuyển thể từ tác phẩm cùng tên của Nguyễn Thị Thu Huệ. Đây là bộ phim đầu tay của đạo diễn Đỗ Thanh Hải với dàn diễn viên trẻ của thời điểm đó như Bùi Lệ Hằng, Lê Vũ Long, Hoa Thúy… Bộ phim được phát sóng trong chương trình văn nghệ chủ nhật vào năm 1997.


          Xin hãy tin em xoay quanh Hoài "thát-chơ" (Bùi Lệ Hằng) – một cô sinh viên tỉnh lẻ nổi tiếng khắp khu ký túc xá trường Đại học Tổng Hợp Hà Nội vì thói ăn chơi, ngang ngạnh, phá phách của mình như thường xuyên trốn học, đi đòi nợ, uống rượu với đám con trai. Thế nhưng, ẩn sâu trong tính cách Hoài lại là một người tốt vì cô thường dạy học cho Minh (Anh Tú) - thằng bé đánh giày từng được Hoài giúp trốn khỏi công an. Trong một lần tình cờ đi ra bưu điện để nhận tiền của bố mẹ gửi, Hoài đã gặp Phong (Lê Vũ Long) - chàng sinh viên chơi Violin đang học tại Nhạc viện Hà Nội, hai người bắt đầu hẹn hò sau đó. Dần dần, Phong đã cảm hóa được Hoài và khiến cô trở nên thay đổi so với trước đây...

          Mối quan hệ của Hoài với Phong ngày càng sâu sắc, Phong đã mời Hoài về nhà dự sinh nhật của chị mình. Tại tiệc sinh nhật, Phương – bạn gái cũ của Phong cũng có mặt, dùng lời lẽ để tỏ ra khinh miệt Hoài, cố dùng rượu làm Hoài say. Cuối cùng, Hoài không chịu nổi Phương, tự mình uống say và vô tình lộ ra Hoài không phải là con người như Phong tưởng, cô nhảy nhót với đám con trai làm gia đình Phong hết sức ngạc nhiên và thất vọng.


          Với sức ép của gia đình, Phong chấm dứt mọi quan hệ mặc cho Hoài van xin Phong hãy tin rằng Hoài đã thay đổi. Vì tuyệt vọng, Hoài bỏ về tận quê thằng bé đánh giày Minh ở mãi Thanh Hóa định bỏ học và thi. Đám bạn của Hoài vô cùng lo lắng, họ tìm mọi cách để tìm ra nơi Hoài đi đến. Cuối phim là cảnh đoàn tụ của những người bạn.

          Phim Xin hãy tin em
          Phim Xin hãy tin em
          Phim Xin hãy tin em
        • Sóng ở đáy sông là một bộ phim dựa trên một câu chuyện có thật về cuộc đời của một con người trong xã hội của đạo diễn Lê Đức Tiến, ra mắt lần đầu năm 2000. Bộ phim nói về một nhân vật tên Núi và cuộc đời của cậu. Núi vốn là con của một người vợ lẽ và bản thân mẹ cậu nguyên là một người ở trong một gia đình tư sản thời cũ.

          Từ nhỏ, Núi cùng hai em Sông (Mạnh Quân) và Biển (Phạm Minh Nguyệt) đã không được bố chấp nhận làm con và luôn tìm cách để tống khứ ra khỏi nhà. Khi chiến tranh nổ ra, lợi dụng việc di tản của thành phố, Núi đã được gửi về bên ngoại. Ở quê ngoại, cậu có mối tình đầu với một họ hàng xa tên Hiền (Thu Hường) và khiến cô có thai, sau khi gia đình phát hiện sự việc, Hiền đã bỏ đi nơi khác. Kể từ mẹ mất, bố bỏ rơi, hết kế sinh nhai, Núi đã trở thành kẻ cắp và phải đi tù nhiều lần, sống trong kiếp giang hồ. Sau đó, Núi gặp Mây (NSƯT Kim Oanh) và lại có thai, nhưng cô bỏ đi theo tình cũ là Hưng Sẹo sang Trung Quốc buôn lậu. Núi gặp lại người bạn học cũ của mình sau 15 năm, định nên duyên vợ chồng thì Mây mang con về và bỏ đi.


          Để kiếm tiền nuôi con, Núi đành đi ăn xin, ăn cắp một thời gian rồi gửi con lại ở quê lên Hà Nội buôn bán. Nhưng vì một lần ăn cắp do thiếu vốn làm ăn mà cậu bị bắt lại vào tù. Sau đó qua các mối quan hệ Núi đã biết được tin tức về mẹ con Hiền và nhờ đó liên lạc được với họ. Sau cùng, khi gặp lại Hiền cùng con thì Núi đã được cảm hóa và trở lại chính mình.

          Sóng ở đáy sông
          Sóng ở đáy sông
          Phim Sóng ở đáy sông



        Công Ty cổ Phần Toplist
        Địa chỉ: Tầng 3-4, Tòa nhà Việt Tower, số 01 Phố Thái Hà, Phường Trung Liệt, Quận Đống Đa, Thành phố Hà Nội
        Điện thoại: 0369132468 - Mã số thuế: 0108747679
        Giấy phép mạng xã hội số 370/GP-BTTTT do Bộ Thông tin Truyền thông cấp ngày 09/09/2019
        Chịu trách nhiệm quản lý nội dung: Nguyễn Duy Ngân
        Chính sách bảo mật / Điều khoản sử dụng | Privacy Policy