Top 10 Bộ phim về truyện cổ tích Việt Nam hay nhất
Những tập truyện cổ tích đã thấm sâu vào lòng mỗi con người đất Việt từ thuở xa xưa. Đặc biệt, khi chuyển thể lại thành những bộ phim có hình ảnh, âm thanh ... xem thêm...sống động sẽ mang lại càng nhiều hứng thú cũng như vẫn lột tả đầy đủ được ý nghĩa của truyện. Cùng Toplist điểm qua một số bộ phim cổ tích Việt Nam hay nhất nhé!
-
Tấm Cám
Bộ phim cổ tích "Tấm Cám" được chuyển thể thành phim từ truyện cổ tích cùng tên. Vẫn giữ cốt truyện xưa cũ, Tấm mồ côi hiền lành phải chịu sự đày đọa của mẹ kế và cô em gái độc ác. Dù có lúc gặp may mắn được làm vợ thái tử nhưng sau đó nàng phải trải qua bao khổ sở thử thách để giành được hạnh phúc vĩnh hằng và trừng phạt kẻ thù.
Cùng theo đó là những thông điệp mang ý nghĩa "ở hiền sẽ gặp lành", "ác giả thì ác báo", bộ phim cổ tích "Tấm Cám" mang đến cho người xem những hình ảnh về thể chế và cuộc sống phong kiến ngày xưa. Đó là những mưu mô quỷ kế của mẹ ghẻ đối với con chồng, chị em cùng cha khác mẹ đối với nhau,... Là những điều kì diệu, chân thiện trong cuộc sống luôn được đền đáp thật xứng đáng với cô Tấm hiền lành, đáng thương. Nhiều khi đọc truyện không hình dung được hết, vậy hãy cùng xem lại bộ phim này nhé!
-
Cây tre trăm đốt
Cây tre trăm đốt là một truyện cổ tích theo mô típ "thiện ác báo ứng". Câu chuyện về anh chàng nông dân tên Khoai hiền lành, tốt bụng luôn bị địa chủ áp bức, bóc lột. Hai vợ chồng địa chủ này vì muốn lợi dụng Khoai làm việc khỏi trả tiền nên đã hứa: "Mày chịu khó làm lụng cho tao, ba năm nữa tao sẽ gả đứa con gái xinh đẹp của tao cho”. Không nghi ngờ gì, anh chàng ra sức làm việc không quản khó nhọc. Thế nhưng, ba năm sau, địa chủ không còn nghĩ gì đến lời hứa khi xưa nữa, ông trở mặt, định đem gả con gái cho một phú hộ giàu có khác ở trong làng và tiếp tục làm khó Khoai phải tìm cho gã một cây tre trăm đốt thì mới đổi ý gả con gái cho.
Thấy Khoai đau khổ, bụt thương cảm chàng trai tội nghiệp bị lừa liền giúp anh tìm được cây tre trăm đốt cùng câu thần chú "Khắc xuất, khắc nhập". Đến cuối cùng, anh Khoai hiền lành cưới được người con gái mình thương, còn địa chủ phải trả giá cho sự tham lam của mình, cái thiện vẫn được đền đáp xứng đáng, người ác thì bị trừng phạt thích đáng. Bài học được rút ra ở đây nữa chính là lòng bao dung vô bờ bến của người tốt và sự hối cải những sai lầm của người ác đã kịp nhận ra vào phút cuối. Cùng xem lại bộ phim và hiểu về nó hơn nhé!
-
Cậu bé thông minh
Cậu bé thông minh là một bộ phim được chuyển thể từ truyện cổ tích cùng tên. Câu chuyện lấy bối cảnh trong lúc nhà Vua đang cấp bách mong muốn tìm được người hiền tài ra giúp nước và cho quan viên đi dò la khắp nơi. Đi đến đâu, viên quan này cũng ra những câu đố hết sức hóc búa để thử tài dân chúng nhưng vẫn chưa tìm được người như mong đợi. Một lần, quan đi qua một cánh đồng thấy hai cha con đang làm việc, ông bỗng nảy ra câu đố, trong khi người cha bối rối không trả lời được thì cậu con trai lanh lẹ đã đối đáp lại viên quan hết sức trôi chảy, thông minh khiến viên quan hết sức mừng vui.
Nhà vua ra đề thử tài cậu bé thêm lần nữa bằng cách bắt ra nhiều câu hỏi hóc búa hơn. Cậu bé thông minh, lanh lợi nhờ hiểu biết thực tế cũng như tài trí hơn người của mình đã giải hết toàn bộ câu đố của nhà vua một cách trôi chảy, khiến người tâm phục khẩu phục và cũng như giúp triều đình thoát khỏi cuộc chiến tranh. Để ghi nhận công lao của cậu bé, nhà vua cho xây dựng dinh thự ngay cạnh cung vua và phong cho cậu làm Trạng nguyên. Truyện cổ tích Cậu bé thông minh đề cao trí thông minh, tài lanh lợi của tuổi trẻ tài cao, trí dũng song toàn. Cùng xem lại bộ phim để ngẫm nghĩ và chiêm nghiệm trí thông minh của tuổi trẻ nhé!
-
Ăn khế trả vàng
Đây là một truyện cổ tích rất quen thuộc với chúng ta. Bộ phim "Ăn khế trả vàng" được chuyển thể từ truyện cổ tích "Cây khế" hay còn gọi là "Sự tích cây khế". Câu chuyện về hai anh em trong một gia đình, về sự lương thiện của người em và lòng tham vô đáy của người anh để rồi phải nhận được quả báo. Người tốt luôn được đền đáp xứng đáng, còn kẻ ác nhân luôn là "gieo nhân nào thì gặt quả ấy".
Bộ phim ăn khế trả vàng là một bộ phim có ý nghĩa rất hay, truyền đạt đầy đủ về thông điệp đền ơn đáp nghĩa, niềm tin ở hiền sẽ gặp lành và may mắn đối với tất cả mọi người. Ngoài ra, bộ phim ăn khế trả vàng còn mang tính giáo dục cho trẻ nhỏ để hình thành những đức tính tốt cho cuộc sống sau này. Phim còn muốn nhắc nhở rằng là anh em ruột thịt với nhau thì phải biết yêu thương và giúp đỡ lẫn nhau đừng vì đồng tiền mà làm việc tàn nhẫn với nhau.
-
Thạch Sanh
“Thạch Sanh” là một trong những truyện thuộc thể loại truyện cổ tích thần kì. Bối cảnh xoay quanh hai nhân vật chính là Thạch Sanh và Lý Thông. Lý Thông thấy Thạch Sanh khỏe mạnh lại mồ côi, có thể lợi dụng được nên Lý Thông bèn đề nghị kết nghĩa anh em và bày mưu hãm hại đủ trò. Trái với Lý Thông, Thạch Sanh lại là người hiền lành, thật thà và có lòng trượng nghĩa và vô cùng nhân ái. Nội dung bộ phim chủ yếu kể về quá trình Thạch Sanh trở thành dùng sĩ diệt chằn tinh, diệt đại bàng cứu người bị hại, vạch mặt kẻ vong ân, bội nghĩa và chống quân xâm lược.
Có thể nói "Thạch Sanh" là một bộ phim chuyển thể từ câu chuyện cổ tích kì diệu nhất trong kho tàng truyện cổ dân gian Việt Nam. Bài học được rút ra từ bộ phim đó chính là niềm tin sâu sắc về sự chiến thắng của cái thiện đối với cái ác trong cuộc đời. Ngoài ra, bộ phim "Thạch Sanh" còn thể hiện ước mơ, niềm tin về đạo đức, công lí xã hội và lí tưởng nhân đạo, yêu hòa bình của nhân dân ta.
-
Mụ yêu tinh và bầy trẻ
Mụ yêu tinh và bầy trẻ là một bộ phim tuy có những âm thanh, hình ảnh rùng rợn nhưng vẫn mang lại sự tò mò, hấp dẫn cho người xem. Bộ phim là câu chuyện kể về mụ yêu tinh độc ác nhưng ngu ngốc và những cậu bé thông minh, lanh trí. Hàng ngày, mụ rình rập những người vào rừng săn thú, kiếm củi hoặc hái nấm. Kẻ nào không may rơi vào tay mụ sẽ bị ăn thịt ngay lập tức. Một hôm, có một lũ trẻ rủ nhau vào rừng hái nấm chẳng may lọt vào lãnh địa của mụ. Phát hiện lũ trẻ dính vào bẫy của mình mụ đuổi bắt định tóm chúng ăn thịt dần. Thế nhưng, bọn trẻ rất thông minh, chúng đã leo hết lên cây để trốn mụ. Bất lực vì không thể bắt được chúng mụ yêu tinh đã phải đợi chúng đói khát phải tụt xuống.
Lũ trẻ nhận thấy nếu cứ mãi ở trên cây cũng không xong, bọn chúng đã nghĩ cách để chốn thoát. Cuối cùng với sự thông minh của bọn trẻ mụ phù thủy đã bị chũng trói lên cây. Bộ phim Mụ yêu tinh và bầy trẻ đã rút ra kinh nghiệm cho các em chỉ cần sự thông minh và mưu trí sẽ có thể chiến thắng được những kẻ hung ác và gian tà. -
Người học trò và 3 con quỷ
Người học trò và 3 con quỷ bộ phim chuyển thể từ một truyện cổ tích mang ý nghĩa và có tính giáo dục cao đối với người xem. Người học trò và 3 con quỷ cho người xem thấy được "cái thiện" và "cái ác" vẫn luôn tồn tại song hành xung quanh chúng ta.
Bộ phim Người học trò và 3 con quỷ có nội dung kể về một anh học trò Long đi thi và được nương tựa nhờ tại nhà một ông lão. Ông lão có một cô con gái rất xinh đẹp nên lũ quỷ gần đó luôn tìm mọi cách hãm hại cô gái đó và có ý định cướp xác nàng để hóa thân thành người xinh đẹp giống như vậy. Chúng hớp mất hồn cô gái xinh đẹp, lại còn hại cả nhà cô điêu đứng. Và khi anh học trò tài trí xuất hiện, ba con quỷ ấy phải khiếp sợ, van xin anh tha mạng. Đổi lại, chúng đưa cho anh ba vật thần kì: mặt trời, mặt trăng và một con ngựa. Những báu vật ấy đã giúp anh kịp tới kinh thi. Và đến khi được bổ làm quan, anh đã dùng chúng để trừ yêu ma quỷ quái, mang lại bình yên cho dân làng…
-
Nói dối như Cuội
Nói dối như Cuội là một bộ phim truyện cổ tích được chuyển thể từ truyện cùng tên rất hay và cuốn hút người xem. Bộ phim kể về cậu bé tên Cuội, mồ côi cha mẹ từ nhỏ và rất thành thạo trò lừa người. Cuội đã lừa không biết bao nhiêu người. Từ lão trọc phú bị Cuội lừa tiền, lừa bán lợn của thím, lừa người chú đến tức thâm gan, tím ruột. Sau khi bị chú thím bắt trói định mang ra sông vứt xuống nước, thì Cuội lại cầu khẩn chú thím quay về lấy “ quyển sách nói láo”.
Trong thời gian đợi, Cuội lại lừa một thằng hụi cởi trói cho và lừa thằng hụi ấy thế chỗ, ấy thế nào mà lại được cảm tạ bằng mấy quan tiền. Cuội cầm tiền đi dọc đoạn sông lại thấy một ông quan, Cuội lại giở mánh khóe để lừa rồi lấy cả quần áo và ngựa chạy mất. Sau đó, Cuội cưỡi ngựa về thẳng nhà chú thím, lừa hai người họ chui vào rọ rồi vứt xuống sông, kể từ ấy Cuội đã được thừa cả cơ nghiệp của chú thím.
Có thể nói, Nói dối như Cuội là một bộ phim hay và hấp dẫn. Người xem đã bị cuốn hút bởi các tình tiết ranh ma và tinh nghịch của cậu bé Cuội. Bằng chiêu trò lừa người của mình thành thạo, cậu còn đã đánh vào chính xác tâm lý ham muốn, và những tham vọng của con người. Qua bộ phim này, người xem sẽ rút ra bài học cho những lần nói dối của mình. Nói dối là không tốt, không được học theo nhé!
-
Vợ Cóc
Bộ phim Vợ Cóc được chuyển thể từ cổ tích được viết theo mô típ thường thấy như người lấy vật, sinh ra vật lạ,... Vợ Cóc mở đầu với khung cảnh hai vợ chồng phú hộ hiếm muộn, mãi đến khi tuổi già xế bóng thì người vợ mới có mang. Hai người bụng mừng khấp khởi nhưng đến khi trở dạ đẻ ra thì không phải người mà là một con cóc.
Cả nhà toan đem ném đi cho khuất mắt thì bỗng cóc cất giọng cầu xin, hai người thương tình nên giữ cóc lại nuôi. Nhiều năm sau, có anh học trò nghèo, bố mẹ mất sớm. Hàng ngày anh cắp sách sang làng bên cạnh học ở trường cụ đồ Lê. Một hôm, qua đám ruộng lúa chín vàng rất đẹp mắt thì gặp cóc, anh phải lòng cóc tuy không đẹp người nhưng tính nết lại dịu dàng, tốt bụng và dạm hỏi vợ chồng phú ông.
Vào ngày nọ, một câu chuyện thần kì xảy ra khiến cóc phải trở về với hình dạng thật của mình là một cô gái da trắng môi son, mày ngài mắt phượng khiến anh học trò ngơ ngác. Ngoảnh vào bụi anh thấy một tấm da cóc vứt lại một đống lù lù ở gốc cây. Hiểu ra đó là lốt của vợ mình, lập tức anh chạy vào xé nát tấm da. Hình dạng thật của cóc khiến ai cũng tròn xoe mắt. Hóa ra vợ cóc lại là một giai nhân tuyệt sắc mà cả đám vợ các học trò đều không ai có thể sánh được. Bộ phim mang đến cho người xem những tình tiết li kỳ, cốt truyện đơn giản, mang màu sắc dân gian quen thuộc. Kết thúc của bộ phim Vợ Cóc cũng là một kết thúc có hậu, người tốt luôn được hưởng phúc xứng đáng.
-
Đồng tiền Vạn Lịch
Đây là một câu truyện cổ tích kể về nguồn gốc ra đời cũng như xuất xứ của đồng tiền Vạn Lịch. Bộ phim Đồng tiền Vạn Lịch được chuyển thể từ truyện cổ tích cùng tên có nội dung và tình tiết rất hấp dẫn. Nội dung bộ phim xoay quanh người lái buôn tên là Vạn Lịch. Hắn ta buôn to, giàu có vào hạng nhất nhì trong nước. Lịch có một người vợ trẻ và đẹp là Mai thị. Trong những lúc đi buôn bán xa, hắn thường ngờ vợ không thực lòng với mình. Hắn hay xét nét từng ly từng tý làm cho nàng tuy sung sướng nhưng cũng rất khổ tâm.
Một hôm thuyền của Lịch đậu ở một bãi vắng. Bỗng có một người đánh giậm ở đâu đến cạnh thuyền xin một miếng trầu. Mai thị thấy người đó mình mẩy lấm lem thì thương hại, lấy mấy miếng trầu đem cho. Lịch thấy thế cơn ghen nổi lên đùng đùng. Hắn xỉ vả nàng thậm tệ, cho nàng một thỏi vàng, một thỏi bạc và đuổi nàng đi ngay. Mai thị bơ vơ một mình trên bãi biển. Nàng gặp lại người đánh giậm bèn gạt nước mắt kể lể sự tình. Anh chàng đánh giậm không biết từ chối thế nào cuối cùng dẫn người đàn bà kia về túp lều của mình dựng bên bờ sông. Và họ trở nên vợ chồng.Tuy nghèo nhưng họ sống êm ấm, không xô xát với nhau bao giờ.Ba năm sau, Vạn Lịch từ ngày đuổi vợ, buôn bán có phần thua lỗ. Một chuyến bị bão, thuyền đắm, Lịch chỉ thoát được thân còn bao nhiêu vàng bạc của cải đều chìm xuống nước và trôi dạt vào đây. Thế là kho vàng của Lịch lại thuộc về tay vợ chồng Mai thị. Sau đó nàng đem bao nhiêu tài sản của Vạn Lịch, tâu vua xin đúc một thứ tiền gọi là "tiền Vạn Lịch" rồi đem phân phát cho những người nghèo khổ.