Top 14 Đặc sản ngon nhất ở Hà Tĩnh

Mai Tuyet Nguyen 1091 1 Báo lỗi

Vì nằm ở vị trị đặc biệt nên đặc sản Hà Tĩnh mang những nét đặc trưng hoà quyện giữa núi rừng, biển cả cùng với những phương pháp chế biến độc đáo tạo nên ... xem thêm...

  1. Đất học Hương Sơn, dải đất hai bên bờ sông Ngàn Phố đã sản sinh ra biết bao anh hùng hào kiệt trong xưa và cả ngày nay; nơi có dòng sông Ngàn Phố thơ mộng và đặc sản cam Bù nức danh cả nước, có sức lan tỏa, đặc biệt trong những dịp tết đến xuân về và trên mâm cúng gia tiên không thể thiếu.


    Cam bù Hương Sơn là loại quả có vị ngọt thanh, mọng nước và rất thơm, tép cam vàng ruộm rất ngon. Dù ở đất Hà Tĩnh có rất nhiều loại cam nhưng ngon nức tiếng nhất thì không loại quả nào sánh được bằng cam bù. Điểm đặc biệt là loại cây này rất kén đất, chỉ ở một số vùng của đất Hương Sơn mới hợp với loài cây này. Loại quả này chỉ chín vào dịp giáp Tết và được người dân sử dụng làm quà biếu rất nhiều. Nếu một lần được thưởng thức bạn sẽ không thể nào quên hương vị của nó. Nếu có dịp về Hà Tĩnh vào dịp sát tết bạn hãy mua vài quả cam thưởng thức và bạn sẽ không bao giờ hối hận đâu.

    Cam bù Hương Sơn
    Cam bù Hương Sơn

  2. Bưởi Phúc Trạch là giống bưởi đặc sản của huyện Hương Khê tỉnh Hà Tĩnh. Phúc Trạch là tên làng nơi được cho là tạo ra thứ bưởi này ngon nhất. Bưởi Phúc Trạch có hình cầu tròn, bề ngang và chiều cao gần bằng nhau, cuống quả không lồi, đế quả hơi lõm, vỏ không trơn không ráp, màu sắc vỏ quả xanh vàng, màu sắc thịt quả hơi hồng. Bưởi này có vị thanh nhẹ, ngọt hơi thanh chua và ngọt hậu. Quả thật sự ngon và đạt chuẩn vị phải được trồng ở vùng đất Phúc Trạch của Hương Khê. Đây là loại quả được xếp vào hàng một trong 7 loại quả ngon và hiếm của cả nước.


    Hiện nay bưởi Phúc Trạch được trồng tập trung chủ yếu ở 4 xã Phúc Trạch, Hương Trạch, Hương Đô, Lộc Yên (đều ở huyện Hương Khê, tỉnh Hà Tĩnh). Có 10 xã phụ cận cũng trồng loại bưởi này. Tuy nhiên, theo các nhà quản lý địa phương, trồng ngon nhất vẫn là một làng tại xã Phúc Trạch. Tổng diện tích trồng bưởi Phúc Trạch tại huyện Hương Khê, tỉnh Hà Tĩnh hiện nay là khoảng 1.500 ha.

    Bưởi Phúc Trạch
    Bưởi Phúc Trạch
  3. Top 3

    Cu đơ

    Nhắc đến Hà Tĩnh người ta nghĩ ngay đến cu đơ, một loại kẹo mà thực khách gần xa khi đến đây đều thưởng thức và mua về làm quà biếu. Nhiều nơi cũng học làm loại kẹo này nhưng không thể ngon như ở đây bởi vì để làm được một tấm kẹo ngon người ta phải trải qua nhiều công đoạn. Trước tiên, chọn mật là phải là mật mía nguyên chất lấy từ vùng đồi núi, mật mía màu vàng óng. Rồi lạc phải là loại hạt nhỏ, không sâu lép, vỏ bóng.


    Bánh tráng phải chọn loại nhỏ, nhiều hạt vừng đen và khi nướng phải giòn đều. Có đủ mật, lạc, bánh tráng thượng phẩm nhưng quá trình nấu mới quan trọng. Khi mật sôi thì mới cho lạc, gừng vào khuấy theo chiều kim đồng hồ và khuấy đều tay. Muốn kiểm tra đã đạt chưa thì giọt mật khi rơi xuống nước tròn vo, không tan loãng là múc ra cho vào bánh tráng. Đây là điểm cốt lõi trong kỹ thuật nấu bởi nếu sớm quá kẹo sẽ dẻo, kết dính yếu, mật non, lạc chưa chín, nếu muộn quá mật cháy, lạc cháy, bánh sẽ bị đắng. Cuối cùng, người ta nhỏ vào một ít mạch nha cho kẹo có mùi thơm rồi úp lên một chiếc bánh tráng nữa là được.


    Một miếng cu đơ thơm ngon khi ăn phải hội đủ các vị ngọt ngào của đường mía hòa quyện với chút thơm nồng cay cay của gừng tươi, pha một chút chua nhẹ của chanh cùng với bánh tráng vừng được nướng đúng độ tạo nên hỗn hợp bánh thật giòn tan và ngọt ngào. Ở Hà Tĩnh có nhiều điểm bán cu đơ nhưng ngon nhất phải kể đến cu đơ Ông bà Thư Viện, Cầu Phủ...

    Kẹo cu đơ Hà Tĩnh
    Kẹo cu đơ Hà Tĩnh
  4. Không quá nổi tiếng như bánh gai Thanh Hóa nhưng bánh gai Đức Thọ có vị ngon không hề kém cạnh. Loại bánh này được làm từ gạo nếp ngon, sử dụng lá gai để làm dậy mùi của bánh. Nhân bánh làm bằng đậu xanh sên nhuyễn cùng đường. Thế nhưng, vị ngọt của phần vỏ bánh gai lại được tạo nên từ nước mật mía đặc trưng của người miền Trung.


    Khi cắn một miếng bánh bạn sẽ cảm nhận được cái mềm dẻo, ngọt nhẹ của bánh, ăn đến nhân bánh sẽ thấy vị bùi thơm của đậu xanh, của dừa. Bánh không chỉ thơm mà còn rất bùi, dẻo và mềm hấp dẫn với thực khách. "Ai về Đức Thọ quê tôi - thắp hương Trần Phú nhớ mùi bánh gai" và loại bánh này theo chân bao người con Hà Tĩnh trở thành món quà thấm đẫm tình quê hương.

    Bánh gai Đức Thọ
    Bánh gai Đức Thọ
  5. Bánh bèo là một loại bánh dân dã và không phải là đặc sản riêng của vùng nào, nên có ở khắp các miền đất nước như Huế, Nghệ An, Quảng Bình… Khác với bánh bèo ở các nơi khác, bánh bèo Hà Tĩnh mang một sắc thái ẩm thực riêng. Bánh bèo ở Hà Tĩnh được làm từ bột lọc, nhân trong làm từ tôm non bóc vỏ hoặc từ thịt nạc được xào lên cùng với hành khô, sau đó ăn kèm với rau thơm.


    Bánh bèo khi ăn chấm nước mắm chua ngọt pha thêm tương ớt để tạo nên vị vừa cay, vừa chua ngọt. Bánh bèo dù ăn nóng hay nguội đều ngon và hấp dẫn. Khi ăn nóng, kèm nước mắm cay trong những ngày trời se se lạnh sẽ thấy ấm lòng. Còn khi ăn nguội, bánh hơi dai, giòn mang vị đậm đà.

    Bánh bèo Hà Tĩnh
    Bánh bèo Hà Tĩnh
  6. Là một vùng đất giáp biển nên đặc sản biển ở đây đặc biệt thơm ngon, tươi rói và trong các sản vật từ biển thì mực nhảy là món ngon nhất. Mực nhảy ở đây được câu trực tiếp từ biển và chế biến ngay trên thuyền nên giữ được độ tươi, vị ngọt, những con mực còn sống được luộc, nướng, hấp... đều rất tuyệt vời. Ngồi trên thuyền giữa trời nước mênh mông và thưởng thức mực nướng, mực hấp...thì không phải là tuyệt phẩm sao? Nổi tiếng và ngon nhất là mực nhảy Vũng Áng.


    Mỗi vùng miền địa phương tại Việt Nam có cách chế biến, thưởng thức khác nhau, nhưng nhìn chung là các món ăn nhanh, nóng hổi để giữ và cảm nhận được đột tươi nguyên của mực nhảy. Mực nhảy có nhiều cách chế biến. Có cách đơn giản là dùng ngay tại chỗ, câu mực được con nào nướng luôn con ấy trên tán đèn măng sông. Con mực tươi rói nướng lên vừa thơm vừa giòn vừa ngọt, chấm với tương ớt cùng muối tiêu pha chanh rất ngon. Ăn loại mực này thực khách sẽ cảm nhận được độ tươi ngọt, thịt mực vừa giòn vừa dai nên người ăn có cảm giác sảng khoái, ăn no nê mà không ngán. Thông thường chỉ có những người đi câu mực ở gần bờ bằng thuyền thúng du khách mới có dịp thưởng thức món mực tươi ngon này vì tính kịp thời của nó.

    Mực nhảy
    Mực nhảy
  7. Đã một lần đến mảnh đất nắng gió Hà Tĩnh mà chưa ăn bánh mướt cuốn với ram (ram bánh mướt) thì thật là uổng phí. Ram làm từ miến, thịt, ớt tiêu, nấm, lá lốt cuốn với bánh ram làm từ bột gạo… rán vàng. Khi ăn ta cuốn ram với bánh mướt chấm với nước mắm tỏi ớt, hương vị không thể chê vào đâu được. Nếu bánh cuốn ram ăn vào buổi sáng sớm thì ram rau sống lại ăn bất cứ khi nào.


    Ram theo tiếng Hà Tĩnh dùng chỉ món nem rán, là món ăn nổi tiếng, góp phần làm nên hương vị ẩm thực Việt Nam. Nhưng ăn ram ở Hà Tĩnh, sẽ cảm nhận một hương vị thật khác. Bánh mướt là cách gọi khác của bánh cuốn, bánh ướt, ưa dùng ở Hà Tĩnh. Bánh mướt đơn giản chỉ cần chấm mắm, thường ngày là bánh mướt cuốn chả, sang hơn là canh gà bánh mướt hoặc bánh mướt súp lươn. Người miền Bắc thường cuốn mướt với nhân thịt, khi tráng cho nhiều mỡ, nhưng người miền Trung bánh mướt để không nên khi ăn thưởng thức được hương vị mát lành, thanh đạm.

    Ram bánh mướt
    là món ăn bánh kết hợp hài hòa hai loại khác nhau, vừa giản dị vừa tinh tế, ăn vào giòn mà dẻo, béo nhưng không ngấy. Tuy cách chế biến khác nhau nhưng cả hai loại bánh cùng được làm từ gạo nếp, ngon, trắng, dẻo. Nếp được xay nhuyễn thành bột, trộn muối, đổ nước ấm, nhào cho chắc, mịn. Người làm bánh khéo léo phải biết lấy lượng bột vừa đủ, bánh mỏng nhưng dai.

    Ram bánh mướt Hà Tĩnh
    Ram bánh mướt Hà Tĩnh
  8. Hầu như vùng sông nước nào cũng có hến. Và hến cũng là món ăn ưa thích của nhiều gia đình Việt. Hến có một hương thơm đặc trưng quyến rũ, bát nước Hến đầu tiên nóng hôi hổi mát, thơm, đậm ngọt, bổ dưỡng, màu trắng sữa như nguồn sống vô tận của dòng sông quê mẹ. Đúng như câu ca ai ví “Dẫu ai đi quanh về quắt - không kẻo nước giắt Kẻ Thượng” (Giắt là loại Hến con sinh sôi rất nhanh vào mùa hè, thích nghi sống ở vùng nước lợ như phía hạ nguồn giáp ranh giữa sông La và sông Lam).


    Từ hến có thể chế biến ra nhiều món ăn để thay đổi hương vị cho bữa cơm thường ngày, như hến xào giá, ăn kèm bánh tráng, canh hến nấu rau tập tàng, cơm nước hến thêm chút gừng cay ăn kèm với cà muối mới thật đậm đà làm sao. Hến bánh đa ở Đức Thọ thực sự là một món ăn dân dã của quê hương. Con hến được khai thác từ sông La rồi chế biến thành các món như gỏi hến, hến xào. Hến ở đây có vị ngọt, khi xào với giá và xúc cùng bánh đa vừng thì tất cả hòa quyện thành hương vị khó quên, thơm ngọt và bùi. Nếu một lần đến Đức Thọ thì hãy thưởng thức thứ quà quê dân dã này nhé.

    Hến bánh đa - đặc sản Đức Thọ
    Hến bánh đa - đặc sản Đức Thọ
  9. Cháo canh là món ăn có mặt nhiều nơi nhưng ở Hà Tĩnh món ăn này có vị đặc trưng riêng. Sợi cháo canh làm bằng bột mì nên có độ dẻo và dai. Sau khi nhào bột, sợi được cắt ra dài chừng 2/3 thân đũa ăn cơm, sợi bánh có màu trắng đục. Nước dùng của cháo canh vừa có vị ngọt của xương hầm, vị thơm của hành tím, vị béo của tôm, vài lát giò lụa, thêm nhúm hành lá, ngò tàu, vài lát ớt thôi, bạn đã thấy món ăn hấp dẫn vô cùng.


    Nhìn vẻ bề ngoài cháo canh có vẻ giống mỳ vằn thắn hoặc bún nhưng những du khách đã đến Hà Tĩnh và nếm thử món ăn này sẽ bị ấn tượng bởi hương vị ngọt ngọt, chua chua, cay cay của nó. Nguyên liệu chính làm nên món ăn đặc biệt là bột mỳ. Bột được cán thành sợi như bún rồi chan với nước dùng từ xương lợn ninh nhừ, ăn kèm giò chả, thịt lợn, chút thịt bò và lá mùi tàu thái sợi, tạo nên món ăn vô cùng độc đáo.

    Cháo canh
    Cháo canh
  10. Bánh đa ở Hà Tĩnh được làm hoàn toàn bằng gạo ngon, không pha thêm ngô, sắn như ở nhiều nơi khác. Thông thường khi làm bánh đa, người ta chọn loại gạo gié vụ mùa, vừa dẻo, vừa thơm, không dùng gạo xay từ các vụ lúa trước, năm trước vì lúa để lâu nên gạo mất chất. Khách cầm bánh, bẻ từng miếng, chấm với nước mắm cốt pha chanh, ớt cay xè, có vài giọt cà cuống thì càng ngon tuyệt. Ở Hà Tĩnh người ta còn ăn bánh tráng xúc nham (gỏi) bắp chuối, hến xào... bánh ở đây giày, to, nhiều vừng đen ăn có vị bùi và rất thơm.


    Ở Hà Tĩnh món bánh đa vừng rất phổ biến, nó được bán ở khắp các chợ, các quán… có hương vị thơm giòn đậm đà mang bản sắc của vùng. Bánh đa vừng Hà Tĩnh được làm hoàn toàn bằng gạo, chiếc bánh to, dầy, có nhiều vừng đen, vừa béo vừa ngậy, khi đói có thể ăn trừ cơm, chỉ thấy no mà không thấy chán. Đặc sản Hà Tĩnh làm quà mà là món bánh đa dành tặng gia đình và bạn bè thì không gì thích hợp hơn.

    Bánh đa Hà Tĩnh
    Bánh đa Hà Tĩnh
  11. Nhắc đến những món đặc sản Hà Tĩnh, ta không quên nhắc đến gỏi cá đục - một món ăn gắn liền với miền biển, sông nước, một thức quà đặc biệt riêng của vùng biển Xuân Nghi. Cá đục dài khoảng 13-18 cm, thân to hơn ngón tay cái, sống gần bờ biển, có hình dạng tương tự loài cá bống nước ngọt. Cá đục có thể chế biến được rất nhiều món ngon vì thịt chắc, trắng, có vị ngọt và hầu như mùa nào cũng có.


    Ăn gỏi cá đục nhất thiết phải có rau thơm và các loại lá sung, lá đinh lăng, lá xoài non… cùng với xoài xanh, khế chua, chuối xanh thái lát mỏng. Khi ăn dùng bánh đa nem cuộn rau với cá, chấm với nước lèo, bạn sẽ cảm nhận được vị béo của cá, vị bùi của cùi dừa, vị cay, vị chua lẫn vị thanh thanh, ngọt ngọt rất đặc biệt mà không nơi nào có được.

    Gỏi cá đục
    Gỏi cá đục
  12. Bún bò Đức Thọ mang nét đặc trưng riêng nhờ sự khác biệt trong lựa chọn nguyên liệu và chế biến. Nét riêng của đặc sản Hà Tĩnh này là được làm thủ công bằng tay nên sợi bún to tròn và có màu hoa cau vì không qua công đoạn xử lý làm trắng màu bún.


    Nguyên liệu chính của loại bún này là thịt bò tươi, mềm từ những chú bò được chăn thả ven đê làng quê Đức Thọ và gạo quê nơi đây. Mặc dù, hình thức của bún bò Đức Thọ không đẹp như nhiều loại bún khác nhưng quà quê Hà Tĩnh này vẫn chinh phục trái tim thực khách bởi hương vị dẻo thơm mộc mạc.

    Bún bò Đức Thọ
    Bún bò Đức Thọ
  13. Bánh ngào hay còn gọi là bánh mật là thứ đặc sản dân dã của người dân Hà Tĩnh. Xắn một miếng bánh vàng óng đưa vào miệng, vị ngọt ngào của mật mía, dẻo của nếp và thơm thơm mùi gừng sẽ hấp dẫn bạn ngay từ lần thử đầu tiên.


    Từng chiếc bánh tròn nhỏ hòa quyện với nước mật sóng sánh thơm hương gừng nên được gọi là bánh ngào. Khác với bánh trôi, bánh chay ăn có vị ngọt thanh đạm của đường. Còn bánh ngào lại có vị ngọt đậm đà của mật. Nghe thật hấp dẫn phải không nào? Cách làm bánh ngào khá đơn giản, nguyên liệu cũng không đắt, không khó tìm. Vị thơm dẻo của nếp quyện với vị ngọt vừa đậm vừa thanh lại thơm nồng của gừng, của mật đem đến cho người ăn vị ngọt thơm rất ngon miệng.

    Bánh ngào
    Bánh ngào
  14. Hà Tĩnh có hai loại quý là hồng Đông Lộ ở Thạch Hà và hồng Tiến Nghi Xuân. Hồng Đông Lộ có quả hình vuông, màu xanh cam hoặc vàng và ruột màu vàng. Khi hồng Đông Lộ chín ăn vừa ngọt và vừa thơm. Hồng Tiến - đặc sản Nghi Xuân Hà Tĩnh khi chín có màu sẫm rất đẹp, vỏ mỏng và khi ăn mềm ngọt mát, thơm. Cả hai loại đặc sản Hà Tĩnh này đều chín từ cuối hè cho đến hết thu.


    Vào mùa thu, đặc biệt vào ngày Tết trung thu thì quả hồng Đông Lộ vẫn thường được dùng làm quà quê Hà Tĩnh biếu cho bạn bè và người thân. Nét văn hóa đặc thù này đã làm cho giá trị và nét đặc trưng của hồng được lưu truyền qua nhiều thế hệ cho đến ngày nay.

    Hồng Đông Lộ
    Hồng Đông Lộ



Công Ty cổ Phần Toplist
Địa chỉ: Tầng 3-4, Tòa nhà Việt Tower, số 01 Phố Thái Hà, Phường Trung Liệt, Quận Đống Đa, Thành phố Hà Nội
Điện thoại: 0369132468 - Mã số thuế: 0108747679
Giấy phép mạng xã hội số 370/GP-BTTTT do Bộ Thông tin Truyền thông cấp ngày 09/09/2019
Chịu trách nhiệm quản lý nội dung: Nguyễn Duy Ngân
Chính sách bảo mật / Điều khoản sử dụng | Privacy Policy