Top 11 Đặc sản Hà Nội làm quà biếu ý nghĩa

Phương Trinh 7930 0 Báo lỗi

Ẩm thực Hà Nội là nơi gặp gỡ và giao thoa của nhiều nền ẩm thực khác nhau. Những món ăn đặc sản của vùng đất này đã làm nao lòng những người con xa quê và cả ... xem thêm...

  1. Top 1

    Ô Mai

    Người ta vẫn hay truyền miệng rằng:


    “Chẳng thơm cũng thể hoa nhài, Dẫu không thanh lịch vẫn người Tràng An”


    Phải chăng tất cả tinh hoa văn hóa của Hà Nội đã tụ lại nơi những thức quà mà mọi người vẫn truyền tay nhau. Trong những thức quà trời cho của Hà Nội, ta có thể nhắc đến phở, cũng thể nhắc đến cốm hay nhắc đến bánh cuốn Thanh Trì. Và có một thức quà dù cho không phải đặc sản nhưng ta không thể không nhớ đến khi nói về Hà Nội. Đó chính là ô mai.


    Người Hà Nội gắn bó với hương vị ô mai từ khi là những cô cậu nhóc tóc để chỏm đến tận lúc về già đầu có hai ba thứ tóc. Lúc bé ngậm ô mai vui vẻ chơi đùa cùng chúng bạn. Về già, trong không khí se lạnh của những ngày cuối năm, người ta nhâm nhi tách trà nóng bên đĩa ô mai cay nồng. Rồi cùng người bạn đời bàn chuyện nhân tình thế thái.


    Một chút cay cay nơi đầu lưỡi, một chút ngọt thanh gợi vị, một chút chua chua khi thấm vào cổ họng. Tất cả đều không được quá gắt mà chỉ vừa đủ để hòa quyện vào nhau, để tạo nên hương vị ô mai không nơi nào có được.

    Nếu là người yêu thích ẩm thực, yêu thích nét đẹp văn hóa Hà Nội, bạn có biết những hương vị ô mai nào được người Hà Nội ưa chuộng nhất không? Nếu có dịp ghé qua phố cổ Hà Nội và muốn mua một thứ gì đó đặc sản Hà Nội về làm quà và để thưởng thức, bạn hãy nghĩ tới ô mai.


    Một số thương hiệu ô mai nổi tiếng đất Hà thành có thể kể đến như: Ô mai Vạn Lợi, Ô mai Hồng Lam, Ô mai Tiến Thịnh, Ô mai Gia Lợi, Ô mai Gia Thịnh,...

    Ô Mai
    Ô Mai
    Ô Mai
    Ô Mai

  2. Khi nói về đặc sản Hà Nội, trong vô số những thứ nảy ra đầu tiên, hẳn là không thể thiếu được món cốm. Cốm luôn được xem là thứ quà độc đáo, là thức quà riêng biệt của đất nước, là thức dâng của những cánh đồng lúa bát ngát xanh, mang trong hương vị tất cả cái mộc mạc, giản dị và thanh khiết của đồng quê nội cỏ. Nó được làm từ sản phẩm gần gũi với người dân quê. Nó là một lễ phẩm mà cánh đồng dâng tặng con người.


    Ăn cốm, ngon nhất vẫn là vào mùa thu. Khi những giọt sương giăng tràn khắp lối, kéo theo cái lạnh se sẽ phả vào trong từng trận gió mùa, những chiếc lá sen đã dần chuyển già cong, kết đọng cái hương thơm tinh túy nhất của đất trời, cốm mùa thu bắt đầu theo chân những gánh hàng rong len vào từng ngõ hẻm. Nhờ được tiết trời ưu ái, vị cốm thu bao giờ cũng dẻo dai, trong xanh và ngát hương hơn mùa hè. Người Hà Nội tiếc nuối, vội vàng săn đón chút quà tao nhã cuối mùa của lúa non, cũng là vì thế.


    Với nhiều người ở miền Trung, miền Nam, cốm có thể là món gì xa lạ, có người thậm chí còn chưa ăn lần nào, nhưng những ai sống ở Hà Nội thì nhất định là từng ăn ít nhất một lần trong đời. Bởi cốm ở Hà Nội, ngoài là thức quà xanh xanh gói trong mấy chiếc lá sen, buộc lại bằng sợi rơm khô ngả vàng, đó còn là vô vàn những món ăn được làm từ cốm, rồi đến những món ăn có sự góp mặt của cốm, nào thì chè cốm, bánh cốm, xôi cốm, tôm bao cốm... và chả cốm. Ở món ăn nào, cốm cũng đem lại cả sắc lẫn hương, góp phần hình thành nên “miếng ngon Hà Nội” – điều khiến nhà văn Vũ Bằng “yêu Hà Nội thấm thía, nhớ Hà Nội nao lòng” và “người Việt Nam ăn vào thấy ngát mùi đất nước, thấy mình Việt Nam hơn.

    Cốm làng Vòng ăn vào thấy thơm hương lúa nếp, man mác ngọn gió thu và thoang thoảng mùi lá sen thanh khiết, lá ráy, tươi non, căng bóng nhựa sống, màu cốm xanh dịu, dẻo và mềm, thơm mùi nếp tươi.


    Không hề nói quá khi khẳng định rằng: “Ai chưa 1 lần ăn Cốm thì không thể cảm nhận được cái hồn Việt Nam, người Hà Nội mà chưa từng ăn Cốm thì không đúng chất người Hà Nội”.


    Bao năm trôi qua, cốm không chỉ là thứ quà ăn vui miệng, mà còn níu giữ tâm hồn những người con Hà Nội xa quê...

    Cốm làng Vòng
    Cốm làng Vòng
    Cốm làng Vòng
    Cốm làng Vòng
  3. Bánh chè lam vốn là một đặc sản nổi tiếng của làng nghề truyền thống tại Hà Nội hay Hà Tây cũ. Bất cứ ai đã từng thưởng thức thứ đặc sản này chắc hẳn đều không thể quên được vị mềm, dai, thơm đặc trưng.


    Ngày xưa, chè lam thường được làm trong các dịp lễ, Tết. Giờ đây, món bánh này không chỉ là đặc sản của người dân Hà Tây mà còn theo chân du khách đi tới mọi phương xa.


    Với thành phần chính là tinh bột nếp cái hoa vàng, đường kính trắng, mạch nha, gừng, vừng và các hương liệu gia truyền đặc biệt khác, bánh chè lam sẽ mang đến cho bạn trải nghiệm thú vị với những ẩm thực quê hương!

    Bánh chè lam ngon là sự kết hợp hài hòa của các nguyên liệu: độ dính của mật, độ mịn của bột... Điều đó đòi hỏi sự kỹ lưỡng, tay nghề của người làm bánh cao. Bánh chè lam có đầy đủ các hương vị nên rất hấp dẫn: đó là vị dẻo dai của bột nếp, vị ngọt ngào của mật, một chút cay của gừng, một chút bùi của đậu phộng. Tất cả đem đến cho chiếc bánh một hương vị nồng nàn đến ngất ngây.


    Chè lam ngon nhất và hợp nhất là khi bạn thưởng thức cùng với nước chè xanh. Ngoài ra, nếu bạn muốn món chè lam NGON THƠM VÀ ĐẶC BIỆT HƠN, thì thời tiết phải se lạnh thì ăn chè lam mới gọi là tuyệt vời!


    Những ngày trời thu chuyển đông se lạnh, được thưởng thức món bánh này thật là thú vị. Cắt bánh thành từng khoanh nhỏ, rồi ăn chậm rãi cùng với trà. Cắn một miếng bánh chè lam, tan trong miệng là vị dẻo dai của bột nếp, vị ngọt ngào của mật, một chút cay cay của gừng và một chút bùi bùi của lạc, nhấp một ngụm trà, vị ngọt lành biết bao!

    Bánh chè lam
    Bánh chè lam
    Bánh chè Lam
    Bánh chè Lam
  4. Bánh chả là một trong những loại bánh cổ truyền và gia truyền của Hà Nội xưa mà mọi người vẫn rỉ tai nhau rằng " không ở đâu có hương vị này đâu, xưa nhất Hà Nội, ngon nhất Hà Thành đấy". Loại bánh này gây nghiện bởi hương vị đặc trưng vị thanh bùi của lá chanh và béo ngậy dẻo thơm của thịt mỡ, tất cả được cộng hưởng trong một lớp vỏ bột mỳ giòn rụm, làm cho bánh chả trở thành món quà vặt cổ truyền của đất Tràng An.


    Được gọi là bánh chả bởi vì chiếc bánh nhỏ xinh xinh màu vàng ươm, nhân thập cẩm được bao bên ngoài được bao bọc bởi bột mì rất giống với viên chả thịt băm. Giống như các loại bánh ngọt truyền thống khác, bánh chả thích hợp nhất là được thưởng thức cùng với trà nóng.


    Bánh chả từ lâu đã trở thành món ăn vặt thân thuộc của người Hà Nội được yêu thích từ người già cho đến trẻ nhỏ. Không ai rõ bánh chả do ai tạo ra và có từ khi nào, chỉ biết ở khắp các phố phường Hà Thành trước kia đã có những gia đình chuyên sản xuất thủ công và buôn bán loại bánh này. Qua quá trình lâu dài, bánh chả đã là một trong những món ăn vặt truyền thống của con người đất Hà Thành.


    “Mùa lạnh lạnh này, ăn một miếng bánh chả, dùng thêm một ngụm trà, nếm trọn vị ngọt, bùi, thơm, béo ngậy của bánh chả thì còn gì bằng…”. Trong cái chớm lạnh đầu đông của Hà Nội những ngày này, ăn một miếng bánh chả vàng rộm giòn tan trong miệng rồi đến cái dai dai, ngậy ngậy của mỡ đã trở thành một hương vị không thể lẫn với bất cứ loại bánh nào khác.

    Bánh chả
    Bánh chả
    Bánh chả
    Bánh chả
  5. Mùa thu Hà Nội có hương cốm, thì mùa hè khách du lịch sẽ được đắm chìm trong vẻ đẹp thanh tao của sen Tây Hồ. Trong tiết trời gay gắt tháng 6 mùa hè, cũng là lúc hoa sen bắt đầu khoe sắc, cũng là lúc người ta thưởng thức những chén trà sen ngọt ngào xua tan đi cái nóng gay gắt của mùa hè.


    Nếu chọn món trà sen Hồ Tây này làm quà tặng người phương xa, bạn hãy tư vấn cho người thân cách pha trà sao cho trà đượm vị nhất nhé. Cách pha trà sen Hồ Tây đúng nhất là: ta sẽ dùng ấm sứ hoặc ấm tử sa tráng nước sôi cho ấm được nóng, dùng một thanh tre nhỏ để lấy trà thả vô ấm, chế nước sôi đã hạ xuống mức nhiệt từ 90 – 95 độ C để tránh làm trà bị nồng.


    Tiếp đó, ta cần chế nước thành dòng lớn sao cho những lá trà theo cuộn nước mà quay vòng đều trong ấm, mình cần chế nước tới khi bọt dâng lên qua miệng ấm nhé. Ủ trong 10 giây rồi ta rót hết lượt nước trà đầu tiên này ra ấm chuyên, hay chén nhỏ và thưởng thức lượt nước đầu tiên này. Tới lượt nước thứ hai, ta cần mở nắp ấm pha, dùng thanh tre ban nãy để đảo những lá trà lên cho tơi và trà không bị om nhiệt thành ra vị nồng, rồi lấy gạo sen thả vào ấm và chế nước. Lượt nước thứ ba ta thả thêm tăm sen, lượt nước thứ tư thì tới đài sen màu vàng tước nhỏ. Mỗi lượt nước là mỗi cung bậc vị trà thú vị khác nhau. Thưởng trà theo cách ấy bạn sẽ thấu hiểu cảm giác hạnh phúc của những người yêu trà khi được nhâm nhi những chén trà thực sự ngon.


    Trà sen được chế biến rất cầu kì, nên khi thưởng thức trà du khách sẽ cảm nhận được cái tinh hoa, đậm đà lan tỏa trong miệng.

    Trà sen
    Trà sen
    Cách ướp trà sen
  6. Nếu bạn có người thân ở xa như Sài Gòn không về được Hà Nội vào dịp Tết thì việc chọn bánh chưng Tranh Khúc làm món đặc sản Hà Nội làm quà cho Sài Gòn thì người thân của bạn sẽ thích thú lắm đó. Người mình trong miền Nam thường ăn bánh tét thay cho bánh chưng vào dịp tết. Vậy nên một chút thay đổi hương vị Bắc chắc chắn sẽ tạo nên nhiều khác biệt cho những ngày nắng xuân phương Nam đó.


    Làng Tranh Khúc nằm ngay ven sông Hồng, vậy nên người dân tại đây được hưởng nguồn nước rất trong lành, thứ nước quan trọng làm nên thương hiệu cho bánh chưng Tranh Khúc. Bánh Tranh Khúc đặc biệt bởi cách người dân làm ra bánh: gói tay hoàn toàn mà vẫn giữ trọn được 8 góc vuông thành sắc cạnh.


    Nguyên liệu làm bánh thì tuyệt ngon, được tập hợp bởi gạo nếp Hải Hậu, đỗ xanh đồ chín kỹ bằng nồi hơi, được đánh tơi, rồi nắm thành nhân tròn xoe cùng miếng thịt lợn ba chỉ được nêm gia vị vừa vặn. Lá dong và lạt buộc dùng để gói bánh cũng được chọn lọc tỉ mỉ. Phải là những tấm lá dong không bị già từ Tràng Cát (Hà Nội) hay nhập từ Thanh Hóa, Nghệ An, Lào Cai, Yên Bái,… Lạt buộc thì được chuyển về từ tận Lương Sơn (Hoà Bình). Người Tranh Khúc tỉ mỉ từ khâu nguyên liệu cho tới khâu luộc bánh. Bánh chưng được đưa vào nồi điện, nồi hơi để luộc kỹ trong vòng từ 6-10 tiếng liên tục ngay từ khi gói xong. Đến lúc vớt ra thì bánh chưng được để ráo ngay để tránh nước đọng làm hỏng bánh.


    Một chiếc bánh chưng Tranh Khúc nặng tầm 1kg2 và bạn có thể mua được với giá khoảng 60.000 đồng/chiếc. Ngoài ra, làng Tranh Khúc còn có loại bánh chưng gấc với giá 95.000 đồng/chiếc. Bạn cũng có thể đặt bánh theo kích thước yêu cầu với giá khoảng 100.000 đồng/chiếc. Về điểm mua bánh Tranh Khúc chính hiệu thì có khá nhiều nơi phân phối bánh của làng.

    Bánh chưng Tranh Khúc
    Bánh chưng Tranh Khúc
    Bánh chưng Tranh Khúc
    Bánh chưng Tranh Khúc
  7. Bạn nghĩ sao nếu chọn bánh dày là món đặc sản Hà Nội mang về làm quà? Bánh dày Quán Gánh sẽ là sự lựa chọn hoàn hảo nếu bạn chọn bánh dày để tặng người thân nơi xa.


    Nhắc tới bánh dày Hà Nội, người sành ăn sẽ không quên nhớ đến nơi làm nên tấm bánh dày ngon nhất Hà Nội ở làng Quán Gánh, xã Nhị Khê, huyện Thường Tín, Sơn Tây, Hà Nội. Quán Gánh là nơi làm ra rất nhiều loại bánh dày như: bánh dày chay, bánh dày có nhân ngọt, bánh dày có nhân mặn, bánh dày gấc đỏ.


    Để làm ra những tấm bánh dày ngon ấy, người làng Quán Gánh phải chế biến rất kỳ công. Những hạt gạo được chọn để làm bánh dày phải là gạo nếp vùng Hải Hậu, loại ngon nhất, không có những hạt lép, hư. Người nấu ngâm gạo thật kỹ, rồi mới đồ thành xôi dẻo, giã nhuyễn lúc xôi mới ra lò còn nóng nguyên. Lúc này người ta mới nặn những miếng nếp ấy thành từng chiếc nhỏ bóng dẻo mịn màng. Nếu là loại bánh dày bọc đậu, người Quán Gánh sẽ bao những miếng bánh bởi đậu xanh đồ kỹ, giã nhỏ. Hay nếu là bánh dày mặn, người ta sẽ chế biến bánh dày với chút béo của mỡ lợn và đỗ xanh bùi bùi rất thơm ngon. Xếp trên tấm lá dong xanh mướt, hay bày thành đĩa trước mắt, hẳn rằng khó ai có thể khước từ được những miếng bánh vừa ngon mắt lại ngon miệng này.

    Bánh dày Quán Gánh
    Bánh dày Quán Gánh
    Bánh dày Quán Gánh
    Bánh dày Quán Gánh
  8. Ước Lễ là làng nghề tại xã Tân Ước, Thanh Oai, Hà Nội. Theo sự tích được người lớn của làng này kể lại thì ngày xưa, làng thường xuyên tổ chức những lễ hội làng vào ngày mùng 10 tháng giêng. Để làm lễ dâng thành hoàng làng và tiến vua, mỗi giáp trong làng lại chuẩn bị những cỗ lễ gọi là “cỗ ngọc” với những đặc sản của từng giáp, trong đó giò chả là loại đặc sản ngon nhất và được chọn dâng nhiều nhất.


    Chính vì truyền thống ấy mà giò chả Ước Lễ dần trở nên nổi tiếng, bởi để có một khoanh giò Ước Lễ ngon, người làm phải dồn rất nhiều tâm huyết, từ việc chọn thịt lợn ngon, pha thịt và chế biến ra thành phẩm. Để làm giò chả Ước Lễ, người làng không dùng nước sôi để làm lợn, mà họ sẽ dùng khăn khô thấm sạch nước vương trên mặt tảng thịt, rồi mới pha ra để chế biến.


    Giò lụa Ước Lễ được làm từ thịt lợn ỉ loại nhỏ chỉ có tầm 35 tới 40 ký. Sau đó, thịt được lọc, rồi giã rất nhanh bằng loại chày gỗ nặng tới 6 tới 9 ký/đôi. Tiếp tục chêm mắm loại ngon nhất theo công thức của người làng, rồi bó giò bằng loại lá chuối tây đã nhúng nước sôi kỹ. Lần lượt các lớp từ trong ra ngoài là lá non, lá bánh tẻ, rồi mới tới lá già. Thả cây giò sống vừa làm ấy vào nước sôi, luộc trong 55 phút cho tới khi giò nở căng, vỗ nghe tiếng là giò chín đều. Lúc ấy là lúc cây giò ngon được ra đời.


    Còn hai loại giò chả rán ngon nhất của Ước Lễ thì sao? Ấy chính là “chả quế” và “chả rán” đó. Với chả quế Ước Lễ, người ta sẽ không thể quên được vị bột quế thơm thơm quyện cùng mật ong óng óng của miếng chả có màu hoa hiên được nướng se se bề mặt. Người ta làm chả quế cung phu lắm, giã thịt cùng bột quế, đắp từng lớp thịt mỏng lên ống bương và trải lên bếp than đỏ lửa, mãi mới ra được thành phẩm chả quế ngon lành để tới tay người mua. Còn chả rán thì lại ngon theo vị khác biệt riêng, nó bùi béo bởi những viên thịt mỡ cùi dày nhỏ xíu xen cùng thịt nạc giã mịn, hấp cách thủy tới chín, rồi mới được chiên trong chảo mỡ sôi tới khi có màu vàng ruộm. Ăn giò chả Ước Lễ là thưởng thức một góc ẩm thực của không chỉ Hà Nội mà còn là cả một góc tâm hồn Việt Nam mình đó.

    Giò chả Ước Lễ
    Giò chả Ước Lễ
    Giò chả Ước Lễ
    Giò chả Ước Lễ
  9. Cái tên “xu xuê” vốn ra đời làng Ðình Bảng (Tiên Sơn, Bắc Ninh) với đặc điểm khác xu xuê của Hà Nội. Những chiếc bánh của Bắc Ninh được bao bằng vỏ nếp và gói trong lá dong, luộc chín. Còn những chiếc bánh đến từ thủ đô lại được làm bởi bột hoàng tinh (bột lọc), thêm chút đường rồi tinh dầu hoa bưởi thơm, quấy đều trong chảo sau đó mới được đem đồ rồi nặn cùng nhân thành chiếc bánh nhỏ xíu mà chúng ta đang nhắc tới đó.


    Cầm bánh trên tay rồi, ngắm vẻ xinh xẻo của bánh rồi, bạn sẽ còn ngạc nhiên hơn nữa khi cắn thử một miếng. Vị dẻo mềm lại thơm nhẹ hòa cùng vị bùi của đậu xanh và dừa kèm chút vừng rang, chắc chắn sẽ không làm những vị khách khó tính thất vọng.


    Bánh xu xuê Hà Nội nổi tiếng với cái tên con phố nổi tiếng thường bày bán chúng – hàng Than. Nhưng nguồn bánh lại chính là nơi chúng mình vừa gọi tên món cốm, chính là làng Vòng đó. Cũng như người anh em “bánh cốm”, bánh phu thê cũng khá khó để lâu bởi nhân bánh làm từ đậu xanh, rất dễ thiu. Vậy nên, hãy tranh thủ tối đa thời gian để chuyển tặng bánh vào cho người thân bạn nhé.

    Bánh cốm
    Bánh cốm
    Bánh cốm
    Bánh cốm
  10. Để chọn một món đặc sản Hà Nội mang về làm quà để được trong thời gian dài thì lạc rang húng lìu là món ăn được rất nhiều thực khách lựa chọn đó.


    Lạc rang húng lìu nổi tiếng với rất nhiều tiệm nhỏ bày bán loại lạc thơm bùi này dọc quãng đường chỉ tầm 200 m trên phố Bà Triệu, Hà Nội. Món ăn nhâm nhi này được đặt tên theo một cụ bà tên Vân, người đưa tiếng thơm của lạc rang húng lìu Bà Triệu vang khắp thủ đô từ năm 1963 cho tới ngày nay. Hiện có rất nhiều tiệm bán lạc rang húng lìu trên con phố này. Nhưng quán lạc đúng chuẩn – nơi đầu tiên bán lạc rang húng lìu trên phố này là quán với tên “Cụ Vân” tại số 176 Bà Triệu. “Cụ Vân” cũng là tên thương hiệu đã được gia đình cụ đăng ký cho tên loại lạc rang húng lìu tuyệt ngon này.


    Lạc rang húng lìu cụ Vân nổi tiếng bởi cách chế biến tỉ mỉ. Những hạt lạc mẩy đều chuyển về từ Bắc Giang, Nghệ An – loại lạc được trồng trên đất pha cát mới là loại lạc được chọn lựa. Lạc được ngâm tẩm với đường, muối và “tứ vị hương” bao gồm quế, hồi, thảo quả, đinh hương để rang cho vị không mặn cũng không ngọt quá. Khi rang cũng thì phải rang thủ công bằng tay và phải chú ý dùng loại cát vàng đãi sạch phơi khô, đun thật nóng rồi mới tới lượt lạc được thả vào. Người rang phải khéo léo giữ lửa thật tốt để lạc chín om đều mà không làm lớp vỏ mỏng màu đỏ bong ra khiến cát len vào khe hở giữa hai nửa hạt lạc. Sau bao kỳ công ấy sẽ là những mẻ lạc giòn tan thơm bùi vô cùng quyến rũ.

    Lạc rang húng lìu
    Lạc rang húng lìu
    Lạc rang húng lìu
    Lạc rang húng lìu
  11. Bưởi Diễn từ lâu đã vang danh Hà Nội mỗi dịp tết đến xuân về bởi hương vị thơm ngon đặc biệt của nó. Diễn là tên của một vùng đất tại tổ 3, Phúc Diễn, Bắc Từ Liêm, Hà Nội. Vùng đất này sở hữu chất đất và khí hậu rất phù hợp để trồng một loại bưởi cho vị ngọt thơm lại rất thanh mát.


    Bưởi Diễn nổi tiếng vậy nên có khá nhiều giống bưởi lai tạp khác không được cấy trồng trên chính đất Diễn xuất hiện làm người mua bị lẫn. Những trái bưởi lai ấy nhạt và không thơm bằng bưởi Diễn chuẩn. Một trái bưởi Diễn chính gốc thường nặng từ 0.8 tới 1 ký. Trái bưởi chuẩn ấy chỉ lớn bằng tầm hai nắm tay, tròn, vỏ vàng mỏng và không quá nhẵn. Trái bưởi Diễn có cùi rất mỏng chỉ tầm 2 cm, múi vàng, ráo và không quá mềm. Tép bưởi Diễn có nhiều nước, vị lại ngọt đậm đà, không the hăng hay đắng, rất thơm ngon.


    Bưởi Diễn rất ngon, bởi vậy, bạn nên tới trực tiếp tận vườn để chọn mua nhé. Bởi bưởi Diễn kén đất lắm, nên nếu mua dọc đường hay ở nơi không uy tín, bạn sẽ dễ chọn phải những trái bưởi trồng tại vùng khác không ngon bằng mà phí bỏ ra cũng cao như giá bưởi “xịn”. Bởi bưởi khá nặng, nên nếu muốn mua bưởi Diễn gửi tặng người thân, bạn nên chuyển đi bằng xe khách nhé. Chắc chắn người thân của bạn sẽ yêu thích món quà này lắm đó.

    Bưởi Diễn
    Bưởi Diễn
    Bưởi Diễn
    Bưởi Diễn



Công Ty cổ Phần Toplist
Địa chỉ: Tầng 3-4, Tòa nhà Việt Tower, số 01 Phố Thái Hà, Phường Trung Liệt, Quận Đống Đa, Thành phố Hà Nội
Điện thoại: 0369132468 - Mã số thuế: 0108747679
Giấy phép mạng xã hội số 370/GP-BTTTT do Bộ Thông tin Truyền thông cấp ngày 09/09/2019
Chịu trách nhiệm quản lý nội dung: Nguyễn Duy Ngân
Chính sách bảo mật / Điều khoản sử dụng | Privacy Policy