Top 10 Địa danh làm nên chất thơ của Hà Nội

Hương Merino 294 0 Báo lỗi

Chất chứa rất nhiều bản sắc văn hóa lâu đời, các địa điểm du lịch ở Hà Nội không chỉ mang đến một cảm giác hoài niệm về lịch sử nghìn năm văn hiến mà còn khiến ... xem thêm...

  1. Top 1

    Cầu Long Biên

    Cầu Long Biên là chứng nhân lịch sử đã chứng kiến biết bao thăng trầm của đất nước. Trải qua bom rơi, đạn nổ tuy không còn nguyên vẹn như trước nhưng nó vẫn là cây cầu vững chãi nhất, trường tồn nhất. Cứ như thế trải qua hơn 100 năm, cây cầu không còn là một hiện vật vô tri vô giác mà đã trở thành một người bạn đồng hành cùng trải qua bao khó khăn, gian khổ. Nhìn từ xa Cầu Long Biên giống như một con rồng khổng lồ uốn lượn vừa mềm mại vừa mạnh mẽ, hiên ngang giữa sông Hồng mênh mông nước chảy xiết. Có lẽ khung cảnh sông nước nơi đây càng trở nên thơ mộng và hùng vĩ khi bình minh ló rạng hay lúc hoàng hôn buông xuống. Đứng trên cầu, du khách có thể ngắm nhìn toàn bộ khung cảnh Thủ đô Hà Nội lung linh, rực rỡ. Cầu Long Biên là cây cầu thép đầu tiên bắc qua con sông Hồng nối hai quận Hoàn Kiếm và Long Biên của Hà Nội. Cây cầu do Pháp xây dựng từ năm 1898 đến 1902 dưới thời Toàn quyền Đông Dương lúc bấy giờ là Doumer. Cầu dài 2290m qua sông và 896m cầu dẫn, cầu gồm 19 nhịp dầm thép đặt trên 20 trụ với lối kiến trúc độc đáo. Cây cầu được thiết kế với một đường sắt đơn chạy ở giữa còn hai bên là hai làn đường dành cho xe đạp và người đi bộ.

    Có một điều mà ít người biết về cây cầu đó chính là việc nó đã từng là cây cầu dài thứ hai trên thế giới (chỉ sau cầu Brooklyn bắc qua sông East-River của Mỹ), thậm chí được gọi là tháp Eiffel nằm ngang của Hà Nội. Cầu Long Biên đã chứng kiến những dấu mốc quan trọng nhất của dân tộc hai cuộc kháng chiến lớn nhất của dân tộc ta chính là cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và tiếp đến là cuộc kháng chiến chống đế quốc Mỹ. Cầu Long Biên chắc là cây cầu gắn với những kỉ niệm, cây cầu mà những bạn trẻ thường chạy xe ra dừng lại hóng gió một ngày hứng lên hay ngày nào đó cảm thấy bí bách cần một không gian thoáng đãng để thở. Cây cầu cũng là nơi các bạn sinh viên vẫn hay tụ tập ngồi lại đàn hát vui vẻ, là nơi lưu giữ những kỉ niệm tuổi trẻ của chúng ta. Hiện nay, dù Hà Nội đã xây dự thêm nhiều cây cầu hiện đại, rộng rãi bắc qua sông Hồng như cầu Thành Trì, cầu Nhật Tân, cầu Vĩnh Tuy, cầu Chương Dương, song cầu Long Biên vẫn là một biểu tượng cao đẹp của Thủ đô, là chứng nhân lịch sử vô cùng ý nghĩa được đất nước trân trọng và bảo tồn.


    Địa chỉ: Phúc Xá, Long Biên, Hà Nội.

    Dải lụa trữ tình Cầu Long Biên
    Dải lụa trữ tình Cầu Long Biên
    Cầu Long Biên
    Cầu Long Biên

  2. Top 2

    Hồ Gươm

    Hồ Hoàn Kiếm (hay còn gọi là Hồ Gươm) được coi như là trái tim của Hà Nội. Nếu như đã tới thăm Hà Nội thì Hồ Gươm là một địa danh mà mỗi du khách không thể bỏ lỡ. Nơi đây không chỉ là một nơi để vui chơi mà còn là địa danh lưu giữ câu chuyện truyền kỳ đầy thần bí. Hồ Gươm còn mang trong mình những giá trị văn hóa, lịch sử của thủ đô đã đi vào trong những vần thơ ca. Nước trong hồ luôn có một màu xanh ngắt, bởi loại tảo đặc trưng sống trong hồ mang lại. Giữa một thành phố đầy ồn ào, náo nhiệt Hồ Gươm lại là nơi yên bình nhất, người dân và khách du lịch thường tản bộ quanh hồ. Hồ Gươm là nơi tụ hội, điểm hẹn lý tưởng bốn mùa: Rực rỡ trong sắc đào và các lễ hội truyền thống vào mùa xuân; lồng lộng những cơn gió xua tan đi cái nóng oi bức của mùa hè; say đắm với những cành liễu rủ trong màn sương huyền ảo của mùa thu; lộng lẫy trong cơn mưa lá vàng và những giọt mưa phùn lất phất bay của mùa đông.


    Hồ Hoàn Kiếm tọa lạc tại trung tâm quận Hoàn Kiếm, Thủ đô Hà Nội với tổng diện tích là 12ha được bao quanh bởi 3 con phố Lê Thái Tổ, Hàng Khay và Đinh Tiên Hoàng. Với vị trí đắc địa này Hồ Gươm đã trở thành một địa điểm du lịch hấp dẫn thu hút nhiều khách du lịch trong và ngoài nước đến đây tham quan, tìm hiểu văn hóa, lịch sử. Hồ Gươm có hai đảo nổi: Đảo Ngọc nằm ở phía bắc hồ, có cầu Thê Húc uốn cong bắc ngang nối ra đảo. Giữa hồ là đảo Rùa nhỏ hơn, bên trên là ngọn tháp Rùa cổ kính trăm tuổi trầm mặc giữa bốn bề long lanh sóng nước. Vào những ngày cuối tuần các đường phố xung quanh hồ Hoàn Kiếm sẽ trở thành phố đi bộ với nhiều hoạt động hấp dẫn như âm nhạc đường phố, các trò chơi dân gian…. thu hút rất đông du khách. Ở cạnh Hồ Gươm là các phố cổ như Hàng Ngang, Hàng Đào, Hàng Đường… nơi du khách có thể tham quan, khám phá cuộc sống, văn hóa và con người cũng như nét ẩm thực độc đáo của Hà Nội.


    Địa chỉ: Hàng Trống, Hoàn Kiếm, Hà Nội.

    Hồ Gươm địa điểm đặt chân của bất cứ du khách nào đến tham quan , du lịch
    Hồ Gươm địa điểm đặt chân của bất cứ du khách nào đến tham quan , du lịch
    Hồ Gươm
    Hồ Gươm
  3. Top 3

    Tháp Bút - Đài Nghiên

    Thăng Long Hà Nội ngàn năm văn hiến vốn là một điểm đến hấp dẫn với nhiều di tích lịch sử, văn hóa cùng những công trình kiến trúc độc đáo mang ý nghĩa sâu sắc. Tháp Bút - Đài Nghiên sừng sững bên bờ hồ Hoàn Kiếm đã trở thành một biểu tượng văn hóa đối với người dân Hà Nội nói riêng và dân tộc Việt Nam nói chung. Việc chọn đặt Tháp BútĐài Nghiên ở giữa một Thủ đô văn hiến lâu đời, hẳn các sỹ phu Bắc Hà thời đó, phải xem phong thủy, mạch đất, thế đất rất kỹ. Tháp Bút được xây dựng từ thời vua Tự Đức năm thứ 18, dưới sự khởi xướng của sỹ phu Nguyễn Văn Siêu. Tháp Bút, Đài Nghiên được xây dựng để ca ngợi và nâng cao tinh thần hiếu học của dân ta. Có thể thấy được đây là một công trình thể hiện sâu sắc tính dân tộc, có giá trị nghệ thuật và lịch sử cao. Tháp Bút với ngọn bút hướng lên trời biểu hiện cho ý chí tinh thần hiếu học, luôn vượt qua mọi khó khăn thử thách để vươn tới đỉnh cao. Đây là một biểu tượng giàu triết lý nhân văn, có phần siêu thực. Tháp Bút, theo ý tưởng của những người thiết kế là "tượng trưng cho nền văn vật". Điều này được nói trong bài Ký khắc trên bia "Trùng tu Văn Xương miếu ký" (Bài trùng tu sửa miếu Văn Xương) do Đặng Huy Tá soạn khi công việc xây dựng hoàn thành (năm 1865) hiện cũng vẫn còn bản dập trong đền. Tượng trưng cho nền văn vật ! Vậy văn vật là gì? Văn vật theo định nghĩa của sách Từ nguyên là "Vị lễ nhạc điển chương dã" có nghĩa nói về lễ nhạc và điển chương. Như vậy văn vật là văn hóa và chính trị.


    Tháp dựng trên ngọn núi do đá xếp, đường kính 12m, cao 4m. Tháp vuông có năm tầng, cao cả thảy 28m. Đỉnh là một ngòi bút dựng ngược. Cả cán và ngòi cao 0,9m. Đã có bút thì chắc chắn phải có nghiên. Nằm ở đầu cầu Thê Húc chính là Đài Nghiên. Nghiên được đặt trên tòa cửa đầu tiên dẫn vào đền Ngọc Sơn. Nghiên mực được làm bằng đá xanh, đẽo tạc khéo léo theo hình dáng của nửa quả đào cắt ngang theo chiều dọc và được khoét lõm, nghiên mực này được ba con thiềm thừ (con cóc ba chân) đội trên đầu. Trên thân của nghiên được khắc một bài minh thuộc thể thơ Cổ phong - thể thơ ra đời vào thời nhà Đường (Trung Quốc) không theo niêm luật, không hạn chế số câu, số chữ. Bài minh trên Đài Nghiên gồm 64 chữ Hán (tứ ngôn thi) mà tác giả chính là Nguyễn Văn Siêu.


    Địa chỉ: Hoàn Kiếm, Hà Nội.

    Tháp Bút, Đài Nghiên biểu trưng cho tinh thần hiếu học của dân ta
    Tháp Bút, Đài Nghiên biểu trưng cho tinh thần hiếu học của dân ta
    Tháp Bút - Đài Nghiên
    Tháp Bút - Đài Nghiên
  4. Top 4

    Hồ Tây

    Hồ Tây là một góc nhỏ thơ mộng trong bức tranh phong cảnh muôn màu muôn vẻ của Hà Nội. Đây chính là hồ nước ngọt tự nhiên lớn nhất Thủ Đô. Hồ có tổng diện tích là 500 hecta với cung đường quanh hồ dài 20km. Vẻ đẹp nơi đây được nhiều người ví như một nét chấm phá đầy thơ mộng trong bức tranh nhộn nhịp đầy màu sắc của Hà Nội, một nơi để gặp gỡ và mang lại nhiều kỉ niệm khó phai đối với các du khách khi đến thăm nơi đây. Đây chính là con đường rất mộng mơ và luôn thu hút được đông đảo du khách đến dạo phố, hóng mát và ngắm hoàng hôn. Từ thời Lý Trần hồ Tây đã trở thành thắng cảnh, các vua chúa xây nhiều cung điện để nghỉ mát, bơi thuyền quanh hồ. Đến nay đất quanh hồ Tây được coi là vùng đất "vàng" có tiền cũng khó mua được. Đến nay Hồ Tây vẫn là địa điểm được lui tới nhiều vào mỗi khi bình minh hay chiều tà, vẫn rất bình yên, lặng lẽ. Thấp thoáng nghe xa xa bài hát quen thuộc khiến tâm hồn ta bỗng nhẹ nhàng đến kỳ lạ: "Hồ Tây chiều thu, mặt nước vàng lay mờ xa mời gọi! Màu sương thương nhớ, bầy sâm cầm nhỏ vỗ cánh mặt trời". Chính vì được đặt tại vị trí đắc địa nên nơi đây rất thuận tiện để du khách có thể tản mộ quanh hồ và thăm thú nhiều địa danh nổi tiếng cũng như tìm hiểu những nét văn hóa đặc trưng tại Hà Nội.


    Đến với Hồ Tây, bạn sẽ cảm nhận được sự lặng lẽ, bình yên đến lạ thường. Không chỉ là lá phổi thanh lọc không khí, hồ Tây còn là nơi hội tụ linh khí của đất trời, là điểm đến lý tưởng cho những tâm hồn lãng mạn và đang tìm kiếm một khoảng lặng vừa đủ giữa những tất bật, lo âu. Hồ Tây giống hệt một bức tranh đa sắc màu mang đến cho người thưởng ngoạn nhiều cung bậc cảm xúc thú vị. Lúc thì reo vui trong nắng sớm, lúc thì thuần khiết, trong lành. Lúc lại vương sầu hoài niệm của ánh chiều tà. Ngày nay hồ Tây đã có những thay đổi nhưng vẫn luôn còn đó mặt nước xanh mênh mông, là sắc tím của dãy cây bằng lăng thẳng tắp, là sắc đỏ của bóng phượng hồng nở rộ mỗi hè về... Hồ Tây giống hệt như một trái tim mơ mộng đem đến nhiều cảm xúc khó tả cho những ai được đến.


    Địa chỉ: Tây Hồ, Hà Nội.

    Hồ Tây luôn bình yên, cho người ta cảm giác thư thái
    Hồ Tây luôn bình yên, cho người ta cảm giác thư thái
    Hồ Tây
    Hồ Tây
  5. Top 5

    Gò Đống Đa

    Di tích Gò Đống Đa là một trong những địa điểm hấp dẫn đã thu hút rất nhiều du khách trong và ngoài nước đến thăm, nơi đây như là một minh chứng cho chiến thắng vang dội của vị anh hùng áo vải Quang Trung mà còn gắn liền với nhiều sự kiện văn hóa quan trọng của người dân Thủ đô hàng trăm năm qua. Năm 1989, nhân dịp kỉ niệm 200 năm chiến thắng Ngọc Hồi - Đống Đa, Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội ra quyết định thành lập Công viên văn hóa Đống Đa trên cơ sở khu vực Gò Đống Đa. Tổng diện tích của công viên lên đến 21.745m2, bao gồm 2 khu vực: tượng đài vua Quang Trung, nhà trưng bày và khu vực Gò Đống Đa cũ. Ngày nay Gò Đống Đa chỉ là một gò đất được nổi lên nằm ở tuyến đường phố Tây Sơn, phường Quang Trung, quận Đống Đa. Gò Đống Đa cùng với Chiến thắng Ngọc Hồi - Đầm Mực dưới sự chỉ huy của Quang Trung đã phá tan 20 vạn quân Thanh, giải phóng thành Thăng Long chiến công hào hùng của dân tộc.


    Vào ngày mùng 5 tết Nguyên Đán hàng năm diễn ra lễ hội Gò Đống Đa để tưởng nhớ lại công ơn các vị anh hùng đã giành chiến thắng năm xưa. Lễ hội Gò Đống Đa diễn ra vào ngày mồng 5 tháng Giêng hàng năm để tưởng nhớ công lao to lớn của của những con người đã làm nên chiến thắng xuân Kỷ Dậu năm ấy. Đây là một lễ hội truyền thống có quy mô lớn trong khu vực nội thành Hà Nội. Không chỉ thu hút người dân Thủ đô mà người dân ở khắp nơi nơi đều đổ về nơi đây dâng hương tạo nên một bầu không khí vô cùng hân hoan náo nhiệt. Tại lễ hội còn có hoạt động diễn lại cảnh vua Quang Trung đại phá quân Thanh tiến vào thành Thăng Long làm sống dậy hào khí Tây Sơn hào hùng. Qua bao thăng trầm của thời gian, Gò Đống Đa vẫn mãi là minh chứng cho một trận chiến oanh liệt của dân tộc và là niềm tự hào của mỗi người dân Việt Nam ta.


    Địa chỉ: Quang Trung, Đống Đa, Hà Nội.

    Gò Đống Đa nơi ghi dấu chiến thắng hào hùng
    Gò Đống Đa nơi ghi dấu chiến thắng hào hùng
    Gò Đống Đa
    Gò Đống Đa
  6. Top 6

    Làng cổ Đường Lâm

    Làng cổ Đường Lâm còn mang nhiều dấu ấn xưa cũ của làng quê Bắc Bộ nhiều nhất. Hầu như mức độ đô thị hóa chư lan rộng ảnh hưởng tới nơi đây. Không những thế nhiều nét sinh hoạt xưa cũ vẫn còn được thể hiện trong cuộc sống ngày nay. Làng cổ Đường Lâm thuộc địa phận huyện Sơn Tây, Hà Nội, cách trung tâm thành phố chỉ khoảng 44km. Đường Lâm là quê hương của Ngô Quyền và Phùng Hưng nên được gọi là “đất hai vua”. Cho đến ngày nay, làng Đường Lâm vẫn lưu giữ được những nét đặc trưng cơ bản của một ngôi làng ở Bắc Bộ có cổng làng, cây đa, bến nước, sân đình… với 956 ngôi nhà truyền thống. Năm 2006, Đường Lâm trở thành làng cổ đầu tiên ở nước ta được Nhà nước trao bằng Di tích lịch sử văn hóa quốc gia. Vào mùa lúa chín những con làng chất đầy rơm khô, cái chân chất mộc mạc của hồn quê Việt khiến người ta như thoát hẳn cuộc sống đầy xô bồ, áp lực trong nội thành kia. Đặc sản của ngôi làng này là kẹo dồi, nhâm nhi cùng ly nước trà xanh mà mỗi du khách nhất định nên nếm thử.


    Mùa lễ hội làng Đường Lâm diễn ra vào tháng Giêng âm lịch hàng năm. Lễ hội truyền thống làng Mông Phụ diễn ra từ ngày mùng 4 đến mùng 10, được xem là lễ linh thiêng nhất của năm. Lễ tế Thành Hoàng làng tổ chức tại ngôi đình làng cổ nhất với các hoạt động rước kiệu, dâng lợn, dâng gà… Sau đó người dân trong làng sẽ tham gia vào các trò chơi dân gian như cờ người, cờ tướng, chọi gà, bịt mắt bắt vịt… tạo nên không khí lễ hội vui tươi, náo nhiệt. 6 ngày sau, lễ hội của thôn Đông Sàng được tổ chức, cầu cho Quốc thái dân an, mùa màng bội thu với nhiều hoạt động hấp dẫn như múa lân, lễ rước nước, tế lễ. Đoàn rước nước bắt đầu từ đình làng đến bờ sông Hồng với rồng, lân, ngựa, cờ,… kéo dài suốt gần một ngày. Đến Đường Lâm trong thời gian này, bạn sẽ được tận hưởng không khí lễ hội hết sức náo nhiệt và thưởng thức những món ăn đặc sản mà chỉ có trong ngày hội.


    Địa chỉ: Sơn Tây, Hà Nội.

    Làng cổ Đường Lâm
    Làng cổ Đường Lâm
    Làng cổ Đường Lâm
    Làng cổ Đường Lâm
  7. Top 7

    Làng gốm Bát Tràng

    Làng gốm Bát Tràng đã tồn tại và phát triển đến hàng trăm năm lịch sử, những sản phẩm chất lượng vẫn tồn tại với thời gian. Sản phẩm gốm truyền thống giờ đây không chỉ phục vụ nhu cầu của thị trường trong nước, mà còn có mặt trên nhiều quốc gia. Những người yêu gốm họ nhận thấy rằng không nơi đâu tay nghề sản xuất khéo như ở đây. Chất lượng hảo hạng, đường nét hoa văn tinh tế. Ngày nay không chỉ sản xuất, loại hình dịch vụ du lịch ở ngôi làng này cũng rất phát triển, nhiều du khách tới tham quan và tự tay làm một món quà kỷ niệm mang về. Làng gốm Bát Tràng nằm ở ven sông Hồng, thuộc huyện Gia Lâm ngoại thành Hà Nội. Cái tên Bát Tràng có nghĩa là “cái sân lớn” và làng có lịch sử hình thành từ thời Lê. Đây là làng gốm lâu đời nổi tiếng nhất ở Việt Nam, cũng như là địa điểm mà du khách trong và ngoài nước không thể không một lần ghé thăm.


    Đến với Làng gốm Bát Tràng, bạn không thể không ghé qua làng cổ Bát Tràng với công trình kiến trúc độc đáo, cổ kính. Bạn có cơ hội khám phá xung quanh làng cổ trên chiếc xe trâu dân giã để tận hưởng không khí mộc mạc, đậm chất. Những địa điểm tiêu biểu lưu lại dấu tích thời xa xưa ở đây có thể kể đến như nhà cổ Vạn Vân, đình Làng Bát Tràng. Là ngôi nhà gỗ có tuổi đời hơn 200 năm, nhà cổ Vạn Vân là tuyệt tác kiến trúc bao gồm các hoạ tiết gốm sứ, ấm men lam, lọ rồng, bộ khuôn bản dập làm gốm… từ trước thế kỷ 15. Đình làng Bát Tràng là nơi thờ Thành hoàng cũng là địa điểm tổ chức các lễ hội quanh năm. Nếu đi làng cổ Bát Tràng đúng dịp lễ hội, bạn có thể khám phá nét văn hóa vô cùng độc đáo, náo nhiệt.


    Địa chỉ: Bát Tràng, Gia Lâm, Hà Nội.

    làng Gốm Bát Tràng ngày càng phát triển.
    làng Gốm Bát Tràng ngày càng phát triển.
    Làng gốm Bát Tràng
    Làng gốm Bát Tràng
  8. Top 8

    Phố hoa sữa Nguyễn Du

    Mỗi độ thu về hoa sữa nở trắng khắp con đường nhưng có lẽ nhiều nhất vẫn là con đường Nguyễn Du, chẳng vậy mà người ta gọi tên "phố hoa sữa". Cơn gió mang mùi hoa sữa len lỏi tới từng góc phố báo hiệu một mùa thu nữa lại về. Đối với một số người mùi hoa sữa có phần hơi hắc gây cho họ cảm giác khó chịu, tuy nhiên đối với nhiều người họ yêu hoa sữa như yêu tiết trời Hà Nội vào thu vậy, nhẹ nhàng trong sáng đến dễ chịu. Trên con đường Nguyễn Du những cây hoa sữa cổ thụ nở trắng như những chùm tuyết giữa trời, khiến lòng ai mê mẩn ngó theo. Con đường này mỗi độ thu về thu hút lượng lớn các bạn trẻ đến và chụp những bức ảnh lưu niệm, ghi lại khoảnh khắc lãng mạn của trời thu.


    Từ trước đến nay, mỗi khi nhắc đến phố Nguyễn Du nhiều người sẽ nghĩ ngay đến những cây sữa cổ thụ với thân cao, cành thưa, lá thoáng để nhường chỗ cho những bông hoa nhỏ. Mỗi lần đi ngang qua phố này, chẳng cần phải đứng dưới gốc cây sữa già, mọi người cũng có thể ngửi thấy mùi thơm thoang thoảng khắp nơi. Khi nào có cơn gió thổi qua thì cả không khí như được ướp hương hoa sữa. Thế nên nhiều người mới đặt tên cho phố này là "Phố hoa sữa". Vài năm gần đây, hoa sữa được trồng nhiều ở khắp Hà Nội. Nguyễn Du không còn là con phố duy nhất có nhiều loại hoa này nữa. Đi trên phố Thụy Khuê, Quán Thánh, Cửa Bắc hay Đào Tấn bạn cũng dễ dàng bắt gặp mùi hương hăng hắc quen thuộc. Trên phố Quán Thánh, những cây hoa sữa được trồng cách nhau chỉ vài mét. Có người đã đếm được 80 cây sữa ở đây. Con số này có lẽ đã tăng lên đáng kể khi những lứa cây mới được trồng thêm.


    Địa chỉ: Đường Nguyễn Du, Hà Nội.

    Phố hoa sữa Nguyễn Du
    Phố hoa sữa Nguyễn Du
    Phố hoa sữa Nguyễn Du
    Phố hoa sữa Nguyễn Du
  9. Top 9

    Phố cổ Hà Nội

    Phố cổ Hà Nội nằm ở phía Tây và Bắc của hồ Hoàn Kiếm gồm 36 phố phường, mỗi phố lại tập trung bán một mặt hàng khác nhau. Giới hạn của phố cổ phía Bắc đến phố Hàng Đậu, phía Tây là phố Phùng Hưng, phía Nam là các tuyến phố : Hàng Bông, Hàng Gai, Cầu Gỗ và Hàng Thùng, phía Đông là đường Trần Quang Khải và Trần Nhật Duật. Hà Nội có nhiều phố cổ. Cách gọi “Hà Nội 36 phố phường” là để ám chỉ khu vực đô thị cổ nằm cả ở bên trong và ngoại thành Hà Nội. Thực chất, khu vực được nhiều khách du lịch đến tham quan nhất là khu phố cổ nằm ở trung tâm Hà Nội, thuộc địa phận quận Hoàn Kiếm. Nơi đây bao gồm 76 tuyến phố, với 10 phường khác nhau, là nơi mang nhiều nét văn hóa làng nghề nhất. Đến đây, bạn sẽ được tham quan các phố nghề truyền thống đặc trưng như: phố Hàng Bông, Hàng Bạc, Hàng Đào, Hàng Mã, Hàng Quạt… mỗi phố nghề sẽ chuyên làm một ngành nghề thủ công hoặc mỹ nghệ khác nhau, đem lại những dấu ấn riêng biệt.


    Nguồn gốc hình thành khu phố cổ Hà Nội là từ thời Lý - Trần, khi ấy thủ công nghiệp và mỹ nghệ phát triển mạnh mẽ, xảy ra các nhu cầu giao thương buôn bán, người dân lành nghề thủ công từ các vùng xung quanh khu vực đồng bằng Bắc Bộ tề tựu đến đây, các làng nghề truyền thống từ đó được hình thành. Vào đời Lê, phố cổ Hà Nội có sự chuyển biến mới. Người Hoa Kiều đến lập nghiệp đã thành lập các khu phố Tàu. Đến khi thực dân Pháp đô hộ, hệ thống đường phố tại khu phố cổ Hà Nội đã được xây dựng lại, thêm hè phố, các hệ thống thoát nước và đường chiếu sáng… phục vụ cho việc giao thương buôn bán. Nhà cửa hai bên đường vào lúc này cũng được tân trang đáng kể. Khu phố cổ Hà Nội ngày nay có diện tích được thu hẹp hơn so với trước kia và có một số phong tục tập quán cùng lối sống thay đổi theo thời gian. Sự thay đổi đầu tiên có thể kể đến đó là tên các con phố không còn có ý nghĩa đại diện cho các mặt hàng sản xuất tại đó nữa. Ngày nay, chỉ một vài con phố còn kinh doanh các mặt hàng gắn liền với tên gọi. Lối sống truyền thống cũng dần nhường bước cho phong cách sống hiện đại.


    Địa chỉ: Hoàn Kiếm, Hà Nội.

    Phố cổ Hà Nội
    Phố cổ Hà Nội
    Phố cổ Hà Nội
    Phố cổ Hà Nội
  10. Top 10

    Bãi đá Sông Hồng

    Tọa lạc ở cuối ngõ 264 đường Âu Cơ, thuộc phường Nhật Tân, quận Tây Hồ, bãi đá sông Hồng từ lâu đã trở thành một điểm dã ngoại quen thuộc của giới trẻ Hà Thành cũng như điểm check in “không biết chán” của cộng đồng sống ảo. Thời điểm đẹp nhất để chụp hình cũng như ngắm cảnh tại đây chính là sáng sớm lúc bình minh không khí trong lành mát mẻ, ánh nắng chan hòa rất dễ chịu. Và lúc chiều tà - những tia nắng vàng cam nhuộm vàng cả những cánh hoa tạo nên một khung cảnh rất lãng mạn, đậm chất thơ, lúc này mà ngồi tựa vào nhau ngắm cảnh thì chắc hẳn là tình không kém gì chiều hoàng hôn hồ Tây đâu nhé. Điểm nổi bật nhất ở bãi đá sông Hồng có lẽ là khu vườn hoa với vô vàn các loài hoa khoe sắc quanh năm như: bách nhật, phương linh, thượng uyển, đạo linh hay hoa hồng…cùng với những loài hoa nở theo từng mùa đem đến sức hút riêng biệt cuốn hồn du khách. Mùa xuân thì muôn sắc hoa rực rỡ như: thược dược, bách nhật, tường vim cải vàng, hồng leo, cúc vàng, cúc trắng, đồng tiền, mào gà, đào hồng… biến nơi đây thành một khu vườn thần tiên mà ta tưởng chừng như chỉ có thể nhìn thấy trong truyện cổ tích mà thôi. Hơn nữa, đây cũng là dịp Tết Nguyên Đán nên khắp nơi được treo đầy câu đối, lồng đèn đỏ rực, tràn trề sức sống khiến ai cũng phải mê mệt không thôi.

    Đến khi hạ sang thì những đóa hướng dương vàng rực át cả sắc nắng lại được dịp nở rộ, kết hợp với bầu trời xanh ngắt trên cao cùng những đám mây trắng như bông lững lờ trôi, tạo nên một khung cảnh thanh xuân đầy tươi đẹp. Còn vào thời điểm cuối thu đầu đông, khoảng tháng 10 - 11, lúc này Hà Nội đang đắm chìm trong khung cảnh dịu dàng của những tia nắng nhẹ, không khí mát lành trong veo, bãi đá sông Hồng lại mướt mát bên vườn cỏ lau đẹp nhất nhì Hà Thành thơ mộng như cổ tích, đứng đây chụp ảnh thì đảm bảo “không đẹp không ăn tiền” luôn nhé. Song, khoảnh khắc mà vườn hoa bãi đá sông Hồng chiếm nhiều cảm tình nhất của các “thánh sống ảo” có lẽ là vào mùa đông khi cúc họa mi đang vào độ nở rộ. Lướt facebook hay Instagram là bạn có thể thấy đâu đâu cũng là hình ảnh các cô gái hóa thân thành các nàng thơ trong bộ áo dà trắng truyền thống quen thuộc hoặc những bộ cánh màu trắng thướt tha thả dáng bên vườn cúc họa mi tinh khôi. Không chỉ có hoa đâu mà để phục vụ nhu cầu sống ảo của dân tình thì tại khuôn viên bãi đá sông Hồng còn có rất nhiều các tiểu cảnh xinh xắn khác.


    Địa chỉ: Tây Hồ, Hà Nội.

    Bãi đá sông Hồng
    Bãi đá sông Hồng
    Vườn hoa bãi đá sông Hồng
    Vườn hoa bãi đá sông Hồng




Công Ty cổ Phần Toplist
Địa chỉ: Tầng 3-4, Tòa nhà Việt Tower, số 01 Phố Thái Hà, Phường Trung Liệt, Quận Đống Đa, Thành phố Hà Nội
Điện thoại: 0369132468 - Mã số thuế: 0108747679
Giấy phép mạng xã hội số 370/GP-BTTTT do Bộ Thông tin Truyền thông cấp ngày 09/09/2019
Chịu trách nhiệm quản lý nội dung: Nguyễn Duy Ngân
Chính sách bảo mật / Điều khoản sử dụng | Privacy Policy