Top 11 Điểm du lịch tâm linh nổi tiếng ở Hà Nội

Gia Trinh Tran 608 0 Báo lỗi

Thủ đô Hà Nội ngàn năm văn hiến, là nơi hội tụ nhiều danh lam thắng cảnh, di tích lịch sử, văn hóa nổi tiếng của dân tộc. Theo số liệu thống kê sơ bộ, Hà Nội ... xem thêm...

  1. Là trụ sở của Trung ương hội Phật giáo Việt Nam, chùa Quán Sứ là một phần không thể thiếu của hồn thiêng Hà Nội. Ngôi chùa tọa lạc tại số 73, phố Quán Sứ, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội. Chùa được xây dựng vào thế kỷ 15. Vào thời vua Lê Thế Tông, nguyên xưa ở phường Cổ Vũ chưa có chùa nên nhà vua cho dựng một tòa nhà gọi là Quán Sứ để tiếp đón các sứ thần đến Thăng Long. Được biết sứ thần các nước này đều sùng đạo Phật nên lại dựng thêm một ngôi chùa cũng nằm trong khuôn viên Quán Sứ để họ có điều kiện hành lễ. Đến năm 1822, chùa được sửa sang thêm các khu hành lang, tô tượng, đúc chuông để làm chỗ lễ bái cho quân nhân ở đồn này.


    Tam quan của chùa có ba tầng mái, nằm giữa là lầu chuông. Qua tam quan là một sân rộng lát gạch, lên 11 bậc là tới chánh điện cao, hình vuông, xung quanh có hành lang. Điện Phật gồm các pho tượng đều khá lớn và thếp vàng lộng lẫy được bày trí trang nghiêm. Ở phía trong cùng, ba vị Tam thế Phật được thờ trên bậc cao nhất. Gian bên phải chánh điện thờ Lý Quốc Sư (tức Thiền sư Minh Không) với hai thị giả, gian bên trái thờ tượng Đức Ông và tượng Châu Sương, Quan Bình. Phía Đại Hùng Bảo Điện là nhà thờ Tổ, nơi thờ Lịch Đại Tổ Sư của Phật giáo Việt Nam. Vào sâu bên trong sân chùa là các dãy nhà dùng làm thư viện, giảng đường, nhà khách và tăng phòng. Điều đặc biệt, tên chùa cũng như nhiều câu đối trong chùa hầu hết đều được viết bằng chữ quốc ngữ phải chăng do vào khoảng giữa thế kỷ 20 chùa đã trở thành trụ sở trung tâm của Giáo hội Phật giáo Việt Nam. Phân viện Nghiên cứu Phật học và văn phòng tổ chức Phật giáo Châu Á vì hòa bình cũng đặt ở đây.


    Địa chỉ: Số 73 phố Quán Sứ, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội.

    Chùa Quán Sứ - Trụ sở Trung ương hội Phật giáo Việt Nam
    Chùa Quán Sứ - Trụ sở Trung ương hội Phật giáo Việt Nam
    Chùa Quán Sứ
    Chùa Quán Sứ

  2. Đền Quán Thành toạ lạc tại ngã tư đường Thanh Niên với đường Quán Thánh, đối diện Hồ Tây luôn quanh năm mát mẻ. Được xây dựng vào thời nhà Lý, Đền Quán Thành còn có tên là Trấn Vũ Quán bởi là nơi thờ Huyền Thiên Trấn Vũ - Một vị thần trấn giữ phía Bắc của kinh thành Thăng Long xưa. Ngay từ cổng đến, bạn sẽ bị ấn tượng bởi bốn cột trụ được trang trí với tượng hình phượng hoàng đấu lưng nhau và hai bên là các bức bình phong cổ. Xung quanh các cột trụ là cặp câu đối đỏ nổi bật. Bước vào bên trong, bạn sẽ phải ngỡ ngàng trước không gian cổ kính của cổng tam quan, sân, ba lớp nhà tiền tế - trung tế - hậu cung theo phong cách kiến trúc kiểu Trung Quốc. Với những mảnh chạm khắc trên gỗ vô cùng độc đáo bên trong không gian hài hoà, kiến trúc trong đền có giá trị nghệ thuật và thẩm mỹ cực kì cao.


    Nổi bật nhất trong đền Quán Thánh phải kể tới là pho tượng Huyền Thiên Trấn Vũ được đúc bằng đồng đen với chiều cao gần 4m và nặng khoảng 4 tấn trên tảng đá cẩm thạch cao hơn 1m. Trong sự tích xưa, Huyền Thiên Trấn Vũ là vị thần đã nhiều đánh đuổi ngoại xâm, giúp dân Thăng Long trừ tà ma yêu quái và trấn quản phương Bắc. Tượng có khuôn mặt vuông chữ điền uy nghiêm nhưng hiền hậu, bình thản với đôi mắt nhìn thẳng. Đây là một công trình nghệ thuật độc đáo và phần nào khẳng định sự khéo léo và tài hoa trong kỹ thuật tạc tượng và đúc đồng của các nghệ nhân Việt Nam cách đây 3 thế kỷ. Ngoài ra, lễ hội đền Quán Thánh cũng được diễn ra hàng năm vào ngày 3 tháng 3 Âm lịch thu hút đông đảo người dân đến dâng hương, tế lễ và cầu bình an.


    Địa chỉ: Phường Quán Thánh, quận Ba Đình, Hà Nội.

    Đền Quán Thánh - Trần Bắc Hoàng thành Thăng Long
    Đền Quán Thánh - Trần Bắc Hoàng thành Thăng Long
    Tượng Huyền Thiên Trấn Vũ trong đền Quán Thánh
    Tượng Huyền Thiên Trấn Vũ trong đền Quán Thánh
  3. Đền Bạch Mã là một trong Tứ trấn của kinh thành Thăng Long xưa, nằm ở địa chỉ 76 phố Hàng Buồm, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội. Đền Bạch Mã được xây dựng từ thế kỷ 9 để thờ thần Long Đỗ (Rốn Rồng) - vị thần gốc của Hà Nội cổ. Đền Bạch Mã là ngôi đền lớn, được nhiều triều đại trùng tu tôn tạo. Đền được xây theo hình chữ “Tam”, bên ngoài là phương đình tám mái, có một tam bảo và hơn 13 hoành phi. Hoạ tiết bài trí trên các ô cửa đền gần gũi với phong cách kiến trúc của phương đình tại Hội Quán Quảng Đông ở Hội An. Hoạ tiết bài trí trên các ô cửa đền gần gũi với phong cách kiến trúc của phương đình tại Hội Quán Quảng Đông ở Hội An. Giữa những rêu phong của cảnh vật xung quanh thì đền Bạch Mã mang một vẻ đẹp hoài cổ giữa những bức tranh cổ kính. Hiện nay, ngôi đền gồm có nghi môn, phương đình, thiêu ương, cung cấm và nhà hội đồng ở phía sau được bố trí theo chiều dọc trong một không gian khép kín. Ngoài ra còn có miếu thờ Tề Vương Phi và Bể Núi.


    Vào sâu bên trong đền, du khách sẽ được chiêm ngưỡng kết cấu kiến trúc là toàn bộ khung nhà gỗ với hệ thống cột gỗ lim lớn, các bộ vì đỡ mái được làm kiểu “giá chiêng chồng rường con nhị”. Trên các cột gỗ, xà lách, xà nang… Đều có nhiều mảng trang trí phong phú bởi sự khéo léo, tinh xảo của những người nghệ nhân điêu khắc. Ngoài ra, đền Bạch Mã còn lưu giữ được nhiều di vật cổ có giá trị như bức hoành phi “Đông trấn linh từ”, Cỗ Long ngai, đồ thờ gồm các vũ khi thời cổ xưa như xích, đao, câu liêm... được chạm khắc tinh xảo. Hay lưu giữ nhiều bia đá, sắc phong, kiệu thờ, hạc thờ. Hàng năm, lễ hội đền Bạch Mã diễn ra ngày 12 đến 13 tháng Hai âm lịch để tưởng nhớ đến công ơn của thần Long Đỗ


    Địa chỉ: 76 phố Hàng Buồm, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội.

    Đền Bạch Mã - Trần Đông Hoàng thành Thăng Long
    Đền Bạch Mã - Trần Đông Hoàng thành Thăng Long
    Đền Bạch Mã
    Đền Bạch Mã
  4. Đền Kim Liên còn gọi là đền Cao Sơn hay đình Kim Liên, trước đây thuộc địa phận phường Kim Hoa, sau thuộc phường Đông Tác, huyện Thọ Xương, phủ Hoài Đức nay là phường Phương Liên, quận Đống Đa, Hà Nội. Đền thờ thần Cao Sơn. Đền thờ thần Cao Sơn Đại Vương, thần phù trợ cho việc canh tác, giảm bớt thiên tai cho người dân. Đền được xây dựng trên gò đất cao ở phía đông đầm Kim Liên. Cổng đền và cửa chính điện đều hướng về phía tây, trông ra đầm Kim Liên. Đình chính gồm nghi môn, đại bái và cung cấm. Nghi môn là một nếp nhà ba gian các họa tiết trang trí trên các bộ phận kiến trúc được thể hiện sinh động, công phu mang phong cách nghệ thuật thời Nguyễn...


    Đi qua cổng đền 5 cửa là tới một khoảng sân rộng, sau đó đến nghi môn của đền. Nghi môn là một tòa nhà 3 gian, mái lợp ngói ta, trên các cột trước và sau đều có câu đối ca ngợi công đức của thần Cao Sơn. Qua nghi môn, cách một khoảng sân nhỏ là đến bái đường, bái đường có 5 gian. Hậu cung là nơi thờ thần Cao Sơn Đại Vương và hai nữ thần phối hưởng: Thuỷ Tinh đệ Tam - Tôn nữ Động Hồ Trưng Vương (công chúa con gái vua Lê) và Huệ Minh phu nhân. Đến nay, tại Đình Kim Liên còn lưu giữ 39 đạo sắc phong cho thần Cao Sơn Đại Vương, trong đó có hai sáu đạo thời Lê Trung Hưng, mười ba đạo thời nhà Nguyễn; sớm nhất trong số đó là sắc phong có niên đại Vĩnh Tộ năm thứ hai (1620).


    Địa chỉ: 148 phố Kim Hoa, phường Phương Liên, quận Đống Đa, Hà Nội.

    Đình/ Đền Kim Liên - Trần Nam Hoàng thành Thăng Long
    Đình/ Đền Kim Liên - Trần Nam Hoàng thành Thăng Long
    Đình Kim Liên
    Đình Kim Liên
  5. Đền Voi Phục được dựng năm Chương Thánh Gia Khánh thứ 7 (1065) đời Lý Thánh Tông ở góc phía Tây Nam thành Thăng Long cũ, thờ Linh Lang Đại vương - thần Linh Lang. Do vậy, ngoài cái tên đền Voi Phục, đền còn có tên gọi khác là đền Linh Lang. Có nhiều truyền thuyết kể về thần Linh Lang. Theo sử sách ghi lại, thần Linh Lang là hoàng tử nhà Lý - Hoằng Chân, con vua Lý Thánh Tông, đã giúp vua cha chống quân xâm lược Tống bên bờ sông Như Nguyệt (sông Cầu) và đã hy sinh tại đó. Thần tích kể rằng, thần Linh Lang (con rồng) là do Bà Hoàng phi họ Nguyễn (vợ Vua Lý Thánh Tông) sinh ra. Khi quân Tống sang xâm lược bờ cõi nước ta, lúc đó Linh Lang đã lớn, có đủ sức khỏe, chàng xin vua cha ban quân và hai thớt voi để đi đánh giặc. Khi voi đến, Linh Lang bắt voi quỳ xuống, voi liền quỳ xuống rồi đưa chàng và các tướng sỹ ra trận. Trong một lần giáp chiến với quân giặc trên phòng tuyến sông Cầu, Linh Lang đã hy sinh.


    Để ghi nhớ công lao của hoàng tử, Đức vua Lý Thánh Tông đã sắc phong cho Hoàng tử là Linh Lang Đại vương và cho xây dựng đền thờ và cho tạc hai con voi đá nằm phủ phục trước cửa đền, sau này, dân chúng cầu đảo gọi luôn là đền Voi Phục. Hàng năm, để tưởng nhớ thần Linh Lang, cứ đến ngày 9, 10 và 11/2 âm lịch, Nhân dân ở đây tổ chức lễ hội đền Voi phục. Đây là hội rước lớn với cờ quạt, chiêng trống, lọng, tàn, tán nối nhau thành hàng dài cùng phường bát âm và đội sênh tiền rất nhộn nhịp. Đền Linh Lang tọa lạc trên một gò đất bằng phẳng và rộng rãi. Tam quan ngoại và nội quay hướng Đông Nam. Chính điện nhìn về hướng Đông, phía hồ Thủ Lệ làm. Hai bên con ngõ rộng dài lát gạch to dẫn vào đền còn giữ được nhiều cây cổ thụ. Công trình được Bộ Văn hóa xếp hạng Di tích lịch sử văn hóa quốc gia ngay từ đợt đầu vào ngày 28/4/1962. Đền Voi Phục uy nghiêm ở ven hồ, ngày nào cũng có đông khách tới thăm, thật xứng danh là một trong những địa chỉ tâm linh và thắng cảnh hàng đầu của Thủ đô Hà Nội.


    Địa chỉ: Phường Ngọc Khánh, quận Ba Đình, Hà Nội.

    Đền Voi Phục - Trấn Tây Hoàng thành Thăng Long
    Đền Voi Phục - Trấn Tây Hoàng thành Thăng Long
    Chính điện đền Voi Phục
    Chính điện đền Voi Phục
  6. Văn Miếu nằm ở khu vực quận Đống Đa, Hà Nội, ngay giữa 4 phố chính gồm Nguyễn Thái Học, Tôn Đức Thắng, Văn Miếu và Quốc Tử Giám. Du lịch đến với Hà Nội ngàn năm văn hiến thì đây chắc chắn là địa điểm mà bạn nên ghé thăm. Văn Miếu được xây dựng năm 1070 dưới thời vua Lý Thánh Tông, là nơi thờ Khổng Tử, Chu Công và Tứ phối. Đến năm 1076, vua Lý Nhân Tông cho lập thêm Quốc Tử Giám bên cạnh là trường đại học dành riêng cho con vua và các gia đình quý tộc. Đến thời vua Trần Thái Tông, Quốc Tử Giám được đổi tên thành Quốc học viện và thu nhận cả con cái nhà thường dân có sức học xuất sắc. Sang thời hậu Lê, đời vua Lê Thánh Tông bắt đầu cho dựng bia của những người thi đỗ tiến sĩ. Tới thời Nguyễn, Quốc Tử Giám được lập Huế. Văn miếu Thăng Long được sửa sang lại chỉ còn là Văn Miếu của trấn Bắc Thành, sau đổi thành Văn Miếu Hà Nội.


    Quần thể di tích Văn Miếu - Quốc Tử Giám hiện tại nằm trong khuôn viên rộng 54331 m2, bao gồm nhiều công trình kiến trúc nhỏ khác nhau. Bao bọc khuôn viên là những bức gạch vồ. Trải qua nhiều tu sửa, quần thể di tích này bao gồm Hồ Văn, Văn Miếu môn, Đại Trung môn, Khuê Văn Các, giếng Thiên Quang, bia tiến sĩ, Đại Thành môn, nhà Thái Học. Nhà giảng dạy ở phía đông và tây hai dãy đều 14 gian. Phòng học của học sinh tam xá đều ba dãy, mỗi dãy 25 gian, mỗi gian 2 người. Toàn bộ kiến trúc Văn Miếu hiện nay đều là kiến trúc thời đầu nhà Nguyễn. Quần thể kiến trúc Văn Miếu - Quốc Tử Giám được bố cục đăng đối từng khu, từng lớp theo trục Bắc Nam, mô phỏng tổng thể quy hoạch khu Văn miếu thờ Khổng Tử ở Trung Quốc, tuy nhiên, quy mô ở đây đơn giản hơn và theo phương thức truyền thống nghệ thuật dân tộc.


    Địa chỉ: Phố Văn Miếu, phường Quốc Tử Giám, quận Đống Đa, Hà Nội.

    Văn Miếu - Quốc Tử Giám
    Văn Miếu - Quốc Tử Giám
    Bia đá đề danh tiến sĩ tại Văn Miếu - Quốc Tủ Giám
    Bia đá đề danh tiến sĩ tại Văn Miếu - Quốc Tủ Giám
  7. Chùa Một Cột gọi theo ngữ Hán - Việt là Nhất Trụ Tháp hay Chùa Mật. Chùa còn có các tên gọi khác là Diên Hựu Tự hoặc Liên Hoa Đài. Ngôi chùa nằm trên con phố cùng tên thuộc Quận Ba Đình, Hà Nội. Không chỉ được đánh giá là ngôi chùa có kiến trúc nghệ thuật độc nhất ở Việt Nam cũng như châu Á, chùa Một Cột còn là điểm đến tâm linh, biểu tượng văn hóa ngàn năm của Hà Nội. Chùa Một Cột được khởi công xây dựng vào năm Kỷ Sửu 1049, dưới thời vua Lý Thái Tông. Theo truyền thuyết dân gian, trong một giấc chiêm bao vua Lý Thái Tông đã mơ thấy Phật bà Quan Âm đang tọa trên đài sen tỏa ánh hào quang và mời nhà vua lên cùng. Tỉnh giấc chiêm bao nhà vua liền kể với bề tôi. Nhà sư Thiền Tuệ khuyên vua nên dựng chùa trên trụ đá y như trong giấc mơ, làm tòa sen để Phật bà ngự ở trên.


    Kết cấu nguyên bản của chùa Một Cột được đỡ bởi các dầm gỗ bám chắc cột đá. Cấu trúc của chùa Một Cột hiện nay gồm: Cột trụ, đài Liên hoa, mái chùa. Cột trụ của chùa một cột được dựng bằng 2 cột đá chồng lên nhau tạo thành khối trụ đứng có chiều cao 4 m chưa tính phần chìm phía dưới chân. Đường kính cột đá rộng 1,2 m làm người nhìn có cảm giác “vững như bàn thạch”. Đài Liên hoa có hình vuông mỗi cạnh 3 m, chắn song bao lớn xung quanh, được đỡ bằng hệ thống cột quân vững chắc, phía dưới là những dầm gỗ lớn được gắn trực tiếp lên trụ đá một cách chắc chắn. Các mối mộng được đục chính xác đến từng ly khớp nối vừa khít với nhau tạo nên cấu trúc vô cùng vững chãi. Giờ đây giống như một biểu tượng quen thuộc của thủ đô, chùa Một Cột xuất hiện trong nhiều sách, báo và cả chương trình giáo dục.


    Địa chỉ: Quận Ba Đình, Hà Nội.

    Chùa Một Cột còn có tên là Chùa Diện Hựu
    Chùa Một Cột còn có tên là Chùa Diện Hựu
    Chùa Một Cột trước đây
    Chùa Một Cột trước đây
  8. Chùa Trấn Quốc với tuổi đời hai nghìn năm là ngôi chùa cổ và linh thiêng bậc nhất Hà Nội. Từng là trung tâm Phật giáo của Thăng Long dưới thời Lý - Trần, chùa Trấn Quốc giờ đây trở thành điểm đến tâm linh hấp dẫn của thủ đô, thu hút rất đông du khách tới thăm quan và lễ bái mỗi năm. Đặc biệt, năm 2016, chùa Trấn Quốc đã lọt vào danh sách 16 ngôi chùa đẹp nhất thế giới do báo Daily Mail của Anh bình chọn. Chùa Trấn Quốc ban đầu có tên là chùa Khai Quốc, xây dựng vào năm 541 thuộc thời Tiền Lý. Lúc đó, chùa nằm gần bờ sông Hồng bởi vậy khi đê sạt lở vào năm 1615 (đời vua Lê Trung Hưng), chùa được di dời vào phía trong đê Yên Phụ khu gò đất Kim Ngưu. Sau đó, trong khoảng thế kỉ 17, chúa Trịnh cho đắp đê Cố Ngự (nay là đường Thanh Niên) để nối với đảo Kim Ngưu. Chùa đổi tên thành chùa Trấn Quốc vào đời vua Lê Hy Tông (1681 - 1705) với ý nghĩa mong muốn đây sẽ là nơi giúp dân xua đi thiên tai, đem lại cuộc sống bình yên cho toàn dân. Và cái tên đó được sử dụng cho tới tận ngày nay.


    Chùa tọa lạc trên một hòn đảo phía Đông của Hồ Tây, nép mình trầm mặc trên con đường Thanh Niên tấp nập. Là một ngôi chùa cổ được xây dựng từ lâu, chùa Trấn Quốc đã trải qua rất nhiều lần trùng tu, diện mạo có phần thay đổi, quy mô và kiến trúc của chùa hiện giờ là kết quả của một đợt trùng tu lớn năm 1815. Tổng diện tích chùa khoảng hơn 3000m2, bao gồm vườn tháp, nhà tổ và thượng điện. Chùa thuộc hệ phái Bắc tông với kết cấu và kiến trúc theo nguyên tắc khắt khe của Phật Giáo gồm 3 ngôi chính: Tiền đường, nhà thiêu hương và Thượng điện nối với nhau thành hình chữ Công (工). Hiện nay, chùa còn lưu giữ nhiều pho tượng Phật và Bồ Tát có giá trị lớn được đặt chủ yếu ở Thượng điện. Trong đó nổi bật nhất là bức tượng Phật Thích Ca nhập Niết bàn được làm từ gỗ, sơn son thiếp vàng, là bức tượng Niết bàn đẹp ở Việt Nam.


    Địa chỉ: Đường Thanh Niên, Quận Tây Hồ, Hà Nội.

    Chùa Trấn Quốc trước kia có tên là Chùa Khai Quốc
    Chùa Trấn Quốc trước kia có tên là Chùa Khai Quốc
    Chùa Trần Quốc nhìn tổng thể từ trên cao
    Chùa Trần Quốc nhìn tổng thể từ trên cao
  9. Phủ Tây Hồ thờ Chúa Liễu Hạnh. Trong hệ thống điện thần Việt Nam, Chúa Liễu Hạnh là một trong tứ bất tử (Sơn Tinh, Thánh Gióng, Chử Đồng Tử, Liễu Hạnh Thánh Mẫu), là vị thánh của tín ngưỡng tứ phủ, mà bản chất là tín ngưỡng thờ Mẫu, một tín ngưỡng có cội nguồn lâu đời và độc đáo của Việt Nam. Tục truyền rằng: bà là Quỳnh Hoa - con gái thứ hai của Ngọc Hoàng, bị đày xuống trần gian vì tội làm vỡ cái ly ngọc quý. Xuống hạ giới, nàng chu du, khám phá khắp mọi miền, qua đảo Tây Hồ dừng lại, phát hiện ra đây là nơi địa linh sơn thủy hữu tình, bèn lưu lại mở quán nước làm cớ vui thú văn chương giữa thiên nhiên huyền diệu. Người tiên nữ ấy đã ngang dọc một trời giúp dân an cư lập nghiệp, diệt trừ ma quái, trừng phạt tham quan. Đến triều Nguyễn bà được nhà vua phong “mẫu nghi thiên hạ”, là một trong bốn vị thần “Tứ bất tử” của Việt Nam.

    Cũng theo truyền thuyết, Phủ Tây Hồ là nơi hội ngộ lần thứ hai của công chúa Liễu Hạnh và trạng Bùng Phùng Khắc Khoan. Như tiền duyên xui khiến, Trạng nguyên Phùng Khắc Khoan trong lần đi thuyền dạo chơi trên hồ, thấy cảnh đẹp, bèn ghé vào quán Tiên chúa. Tâm đầu ý hợp, họ cùng vịnh bài thơ “Tây Hồ ngự quán” mà nay vẫn còn lưu truyền mãi. Tiên chúa ở đây trong bao lâu không ai biết, chỉ biết khi Phùng Khắc Khoan trở lại tìm thì không còn. Để nguôi ngoai nỗi nhớ, ông cho lập đền thờ người tri âm. Cái xuất xứ ly kỳ của phủ Tây Hồ là thế. Đáng chú ý nhất trong các điện thờ Mẫu thường có ba pho tượng nữ thần đặt song hành: Mẫu Thượng Ngàn là vị mặc áo xanh lá cây tượng trưng cho rừng, nơi con người xưa sinh sống bằng các loại củ; Mẫu Thoải (thủy) là vị mặc áo trắng, tượng trưng cho nước; Mẫu Địa là vị mặc áo vàng, tượng trưng cho đất. Vào dịp tết đến xuân về, du khách thường đổ về đây rất đông, vì cùng với việc lễ cầu may, họ còn thưởng ngoạn cảnh đẹp Tây Hồ. Được coi là nơi linh thiêng nên phủ Tây Hồ được nhiều người đến cúng lễ và cầu phúc, cầu lộc.

    Địa chỉ: Làng Nghi Tàm, quận Tây Hồ, Hà Nội.

    Cổng vào Phủ Tây Hồ
    Cổng vào Phủ Tây Hồ
    Chính điện Phủ Tây Hồ
    Chính điện Phủ Tây Hồ
  10. Chùa Phúc Khánh gồm công trình kiến trúc thờ Phật kiểu truyền thống và cũng giống như các ngôi chùa ở Bắc Bộ, chùa Phúc Khánh có thêm ban thờ Mẫu. Chùa Phúc Khánh thuộc quận Đống Đa, thành phố Hà Nội. Tuy nằm trong khu dân cư đông đúc, chật hẹp nhưng chùa Phúc Khánh được đông đảo bà con và các phật tử tìm đến chiêm bái, cầu an. Chùa gồm công trình kiến trúc thờ Phật kiểu truyền thống: Tam quan mở 3 cửa vòm giữa là cửa lớn, hai bên nhỏ hơn. Trụ đắp hình con sấu quay đầu vào nhau. Sau Tam quan là sân chùa. Phật điện gồm Tiền đường và Hậu cung. Tiền đường có 5 gian, chính giữa bờ nóc có đắp nổi hình cuốn thư 3 chữ Hán “Hoành Kim Điện” (Điện rồng vàng). Các vì kèo và kẻ đều được chạm trổ công phu đề tài là cúc điệp, tùng hạc, liên áp… Hậu cung gồm 3 gian làm khá đơn giản.


    Trong nhà Tổ thờ các vị sư từng trụ trì tại chùa đã viên tịch. Di vật trong chùa còn khá phong phú với 20 pho tượng được tạc vào thế kỷ XVIII mang đậm phong cách nghệ thuật Tây Sơn, bia đá 21 tấm, sớm nhất là bia Chính Hòa 19 (1698). Chuông đồng 3 quả, 1 quả thời Cảnh Thịnh 4 (1796); cửa võng 14 bộ và một số đồ thờ khác như bát hương đồng, lư hương đá, nhang án… Theo những cao niên ở gần chùa Phúc Khánh, chùa Phúc Khánh vốn dĩ ban đầu chỉ là một ngôi chùa làng, thuộc làng Sở. Trước đây chùa cũng chỉ là nơi lễ Phật của người dân làng Sở. Chùa chỉ thu hút được nhiều người từ khắp các địa phương tìm đến trong khoảng hơn chục năm trở lại đây. Đặc biệt là từ khi Thượng tọa Thích Thanh Quyết - một bậc cao tăng nổi tiếng của Phật giáo Việt Nam về đây trụ trì.


    Địa chỉ: Số 382 phố Tây Sơn, quận Đống Đa, Hà Nội.

    Bên trong Chùa Phúc Khánh
    Bên trong Chùa Phúc Khánh
    Người dân thập phương về dự lễ cầu an tại Chùa
    Người dân thập phương về dự lễ cầu an tại Chùa
  11. Có tên chữ là Thánh Đức tự, chùa Hà cùng với Đình Bối Hà lập thành cụm di tích Đình - Chùa Hà. Trước kia chùa Hà thuộc làng Vòng (làng Dịch Vọng), nay thuộc phố Chùa Hà (Dịch Vọng, Cầu Giấy, Hà Nội). Theo tích xưa kể lại, chùa Hà Hà Nội do một gia đình làm nghề gốm sứ giàu có quê ở Bối Khê công đức xây dựng. Đến ngày nay, lăng mộ thờ gia đình vẫn được lưu giữ trong chùa. Bên phải ngôi chùa này là ngôi đình Hà thờ hai vị thành hoàng là Triệu Chí Thành và Chu Lý, các tướng của Triệu Việt Vương. Ngôi đền này được làm hoàn toàn bằng gỗ quý. Trải qua bao nhiêu năm tháng làm mai một, ngôi chùa Hà đã được nhiều lần trùng tu, sửa chữa và tôn tạo với tầm vóc ngày càng to đẹp, khang trang hơn cho đến ngày hôm nay.


    Chẳng biết từ bao giờ, người dân Hà Thành đã coi ngôi chùa này như một nơi để cầu duyên, tuy rằng chùa Hà không phải nơi thờ Ông Tơ bà Nguyệt. Nếu như ở những ngôi chùa khác, đa phần là những người khá đứng tuổi đến hành hương thì ở chùa Hà, đông hơn cả lại là các bạn trẻ, các nam thanh nữ tú đến đây để cầu duyên cho mình. Trai chưa vợ, gái chưa chồng đến sắp lễ xin tìm được một nửa. Những đôi yêu nhau cũng tới chắp tay thành kính cầu cho tình duyên êm đẹp, trăm năm hạnh phúc. Điều thú vị là, ngôi chùa này không gắn với một cái tích nào nói về tình duyên đôi lứa. Điều thu hút mọi người vẫn tới đây cầu duyên như một thói quen là bởi người ta hay truyền tai nhau là ngôi chùa này cầu duyên linh ứng lắm. Người nọ mách người kia, với những ví dụ và minh chứng cụ thể về việc linh ứng khi cầu khấn nơi này.

    Địa chỉ: Phố Chùa Hà, phường Dịch Vọng, quận Cầu Giấy, Hà Nội.

    Chùa Hà nổi tiếng về cầu tình duyên
    Chùa Hà nổi tiếng về cầu tình duyên
    Bên trong Chùa Hà
    Bên trong Chùa Hà



Công Ty cổ Phần Toplist
Địa chỉ: Tầng 3-4, Tòa nhà Việt Tower, số 01 Phố Thái Hà, Phường Trung Liệt, Quận Đống Đa, Thành phố Hà Nội
Điện thoại: 0369132468 - Mã số thuế: 0108747679
Giấy phép mạng xã hội số 370/GP-BTTTT do Bộ Thông tin Truyền thông cấp ngày 09/09/2019
Chịu trách nhiệm quản lý nội dung: Nguyễn Duy Ngân
Chính sách bảo mật / Điều khoản sử dụng | Privacy Policy