Top 8 Địa điểm du lịch tâm linh nổi tiếng nhất ở Vũng Tàu
Du khách vẫn thường xuyên chọn Vũng Tàu là địa điểm du lịch của họ bởi nơi đây có những bãi tắm và quán ăn ngon. Hơn nữa, vị trí của nó rất gần Thành phố Hồ ... xem thêm...Chí Minh. Ngoài ra, Vũng Tàu cũng còn nhiều điểm du lịch tâm linh nổi tiếng để bạn khám phá. Hãy cùng Toplist điểm danh những địa điểm du lịch tâm linh nổi tiếng nhất ở Vũng Tàu nhé các bạn.
-
Chùa Thích Ca Phật Đài
Chùa Thích Ca Phật Đài được nhiều người biết đến không chỉ là một quần thể về kiến trúc Phật giáo có quy mô lớn, mà còn được xem như một điểm tham quan du lịch và tín ngưỡng thu hút nhiều du khách ở nơi xa đến tham quan tại thành phố Vũng Tàu.
Chùa Thích Ca Phật Đài được ví như một vầng trăng khuyết và được chia làm ba cấp theo hình tháp, chiều cao từ 3 - 9 mét tính từ mực nước biển: Cấp 1 gồm có Tam quan và khu vực trồng hoa. Cấp 2 gồm có khu nhà mát và khu vực dùng để trưng bày truyền thống. Cấp 3 gồm có Thiền Lâm tự và Phật tích. Tại đây còn bao gồm một số công trình kiến trúc và điêu khắc khác như hệ thống các tượng đài lớn nhỏ, đặc biệt là tượng Kim Phật Tổ có chiều cao lên đến trên 10m và 16 viên xá lợi của Đức Phật.
Thích Ca Phật Đài tại Vũng Tàu có diện tích lên đến hơn 5ha và là nơi tái hiện lại những sự tích về cuộc đời của Đức Phật Thích Ca Mâu Ni, cùng cảnh sắc thiên nhiên hiền hòa, sinh động đã góp phần khiến Thích Ca Phật Đài trở thành danh thắng đẹp, chứa đựng những giá trị về văn hóa, lịch sử và tôn giáo tại Việt Nam.
Vào năm 1957, Ông Lê Quang Vinh là một công chức thời Pháp thuộc xây dựng một ngôi chùa tại chân Núi Lớn để ngồi thiền và tu hành, chùa có tên là Thiền Lâm Tự. Vào năm 1962, Vì nhận thấy Thiền Lâm Tự có vị trí tọa lạc giữa vùng khung cảnh thiên nhiên đẹp và linh thiêng, giao thông lại thuận tiện nên Giáo Hội phật giáo Việt Nam đã thiết lập đồ án và trùng tu, xây dựng Thiền Lâm Tự thành Thích Ca Phật Đài. Năm 1989 chùa Thích Ca Phật Đài đã vinh dự được Bộ Văn hóa Thông tin công nhận là một di tích cấp Quốc gia.
Địa chỉ: 608 Trần Phú, Phường 5, TP. Vũng Tàu, Bà Rịa – Vũng Tàu
-
Khu di tích Đình Thắng Tam
Đình Thắng Tam Vũng Tàu là nơi thờ ba người cai đội của cụm dân cư làng Phước Thắng – hình thành để bảo vệ thương thuyền của người Việt theo sắc lệnh của vua Gia Long. Nơi đây đã chứng kiến bao cuộc đấu tranh giành độc lập của nhân dân làng Phước Thắng, và cũng là một di tích lịch sử quý báu của dân tộc Việt Nam.
Khu di tích Đình thần Thắng Tam còn bao gồm cả Lăng Ông Nam Hải và Miếu Bà Ngũ Hành cũng là hai ngôi miếu thờ mang nhiều giá trị lịch sử của dân tộc. Cũng bởi vậy mà người dân rất tin vào sự linh thiêng của nơi đây, đặc biệt là những người đi biển, họ thường xuyên đến Đình để cầu mong sự bình an, thuận lợi cho bản thân và gia đình.
Đình Thắng Tam được vốn được xây dựng từ đời vua Minh Mạng nhưng hết sức đơn sơ, chỉ đơn giản là một ngôi nhà tranh vách lá bình thường. Mãi đến năm 1835, đình mới bắt đầu được lợp ngói và đến 1965, được trùng tu xây dựng hoàn thiện và kiên cố cho tới ngày nay. Năm 1991, cụm kiến trúc đình Thắng Tam ở Vũng Tàu đã được bộ Văn Hóa và Thông Tin công nhận là di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia.
Lối kiến trúc đậm chất cổ xưa cùng các đường trạm khắc tinh xảo trên đòn tay, vì kèo, cột, đòn giông sẽ khiến du khách vô cùng ấn tượng, đặc biệt là các du khách nước ngoài khi đến tham quan Đình thần Thắng Tam Vũng Tàu. Mái của ngôi miếu thờ các vị tiền hiền và miếu Bà Ngũ Hành được lợp bằng ngói âm dương và có biểu tượng “Lưỡng long chầu nguyệt” được làm nổi vô cùng công phu. Các đồ lễ vật và nội thất trong đền thờ đều được sơn son thiếp vàng tinh xảo và lộng lẫy. Đặc biệt tại Lăng Ông Nam Hải còn được trưng bày bộ xương đầu cá Ông khổng lồ dài hơn 12m và được phát hiện cách đây hơn 100 năm.
Vào những ngày lễ, rằm, hoặc khi chuẩn bị diễn ra việc gì quan trọng, người dân nơi đây đều đến đền thờ để cúng bái, thắp hương và cầu xin sự may mắn, thuận lợi, nhất là khi ngư dân chuẩn bị ra biển. Riêng vào các mùa lễ hội lớn là cầu an ( diễn ra từ 17 đến 20/2 âm lịch), lễ hội Nghinh Ông (từ 16 đến ngày 18/8 âm lịch) và lễ hội miếu Bà (bắt đầu từ 16 đến 18/10 âm lịch thì lượng khách du lịch sẽ đổ về đây vô cùng đông đúc.
Vào những ngày rằm lớn trong năm, những người con của đất biển Vũng Tàu và các du khách sẽ cùng nhau hành hương đi viếng Miếu Bà. Các nghi lễ khi hành hương vô cùng độc đáo và thú vị như phải đợi thủy triều xuống, phải đi chân trần trên đá đã thu hút rất nhiều lượng khách đổ về đây để trải nghiệm cũng như cầu mong sự bình an.
Địa chỉ: 77A Hoàng Hoa Thám, Phường Thắng Tam, TP. Vũng Tàu, Bà Rịa - Vũng Tàu
-
Niết Bàn Tịnh Xá
Chùa Niết Bàn Tịnh Xá (tên Tiếng Anh là Nirvana Vihara) còn có tên gọi là chùa “Phật nằm”, có ý nghĩa là nơi thanh cao nhất của đạo Phật. Chùa được khởi công xây dựng năm 1969 và hoàn thiện vào năm 1974, toàn bộ tiền xây dựng chùa đều là công đóng góp của các tăng ni phật tử, do Thượng tọa Thích Thiện Huệ chủ trì việc xây dựng.
Với diện tích 10.000m2, chùa được xây dựng với nhiều dãy nhà, mặt hướng ra biển, nằm trên triền Núi Nhỏ ở Vũng Tàu. Chùa là một công trình kiến trúc độc đáo mang nhiều giá trị văn hóa, thu hút hàng vạn lượt khách đến tham quan. Phía trước cổng chùa được xây dựng một tháp cao 21m, tháp được xây thành 42 bậc, mỗi bậc là biểu trưng cho trang kinh phật, 42 bậc là 42 trang kinh phật đầu tiên lưu truyền vào thế kỉ 2 ở Việt Nam. Tháp này được xây bằng gạch men màu vàng đỏ, cao vút lên trời, đỉnh tháp có 3 búp sen tỏa ra 3 hướng. Lư hương được đặt dưới chân tháp là chiếc lư đồng Tứ Linh (Long, Ly, Quy, Phụng).
Cổng chùa lại được điêu khắc hình lân và 4 chữ “Niết Bàn Tịnh Xá”, hai bên cổng chùa đặt 2 pho tượng “Thần Thiện” và “Thần Ác”, thể hiện sự tôn nghiêm và thành kính nơi cửa Phật.Bước vào chùa, bạn sẽ tận hưởng một không gian thanh bình và yên tĩnh với vườn hoa Sala theo cảnh Đức Phật nhập Niết Bàn.
Khu Chánh điện đặt bức tượng “Phật nằm” dài 12m, có ý nghĩa tượng trưng cho “Thập Nhị Nhân Duyên”, bức tượng được đặt cao 2,5m, trước đó đặt hình tượng đồ đệ của Phật Thích Ca đang chứng kiến Ngài nhập điện. Một chiếc lư đồng Tứ Linh nữa lại được đặt ở trước chánh điện, nhưng chiếc lư đồng này đặc biệt ở chỗ nó được một nghệ nhân ở Bến Tre dày công lao động trong 2 năm để gửi tặng nhà chùa năm 1971. Ở hai bên lư hương là hai tòa tháp cao 5m, tháp bên phải đặt tượng Phật Dược Sư, tháp bên trái đặt Phật A Di Đà.
Phía Hậu điện, chùa dùng làm nơi thờ Phật Thích Ca và các vị tổ có công truyền bá Đạo Phật. Tầng 2 của Hậu điện đặt một chiếc thuyền Bát Nhã dài 12m, chiếc thuyền rồng này có ý nghĩa cứu vớt con người ra khỏi khổ ải, đưa họ đến chốn vĩnh cửu. Đi qua thuyền Bát Nhã, bạn sẽ điện thờ Phật Quan Âm Bồ Tát với hình ảnh hiền hòa đang cứu vớt chúng sinh khỏi kiếp nạn bệnh tật.
Khoảng sân lầu 3 của chùa Niết Bàn Tịnh Xá ngoài thuyền Bát Nhã còn có một lầu chuông, thiết kế vuông vắn, đỉnh đắp nổi hình rồng, trong đó đặt một quả đại hồng chung cao 2,8m, nặng 3,5 tấn.
Địa chỉ: Số 66/7 Hạ Long, Bãi Dứa, Phường 1, TP. Vũng Tàu, Bà Rịa – Vũng Tàu
-
Chùa Quan Thế Âm Bồ Tát
Chùa Quan Thế Âm Bồ Tát hay còn gọi là Phổ Đà Sơn Quan Âm Bồ Tát Tự nằm trên đường vòng núi Lớn, thành phố Vũng Tàu, cách bãi Dâu 500m. Quan Thế Âm Bồ Tát chỉ là một ngôi chùa nhỏ được xây dựng vào năm 1976, nhưng nổi bật ở giữa khu vực chùa là một pho tượng Phật Bà Quan Âm trắng tinh nổi bật. Pho tượng cao 16m làm bằng xi măng cốt thép sắt theo hình tượng một phụ nữ hiền hòa, đức độ, mặt hướng ra biển, tay cầm bình Cam Lộ, đứng trên tòa sen. đây là một pho tượng đẹp và cũng là điểm tham quan của khách du lịch ở Vũng Tàu.
Tượng Phật Quan Âm Bồ Tát được xây bằng xi măng cốt thép với khuôn mặt hiền hậu và đức độ, hướng ra phía biển,. Đây không chỉ là một ngôi chùa với kiến trúc đẹp, mà còn thể hiện được tài nghệ tinh hoa của người tạc tượng và dáng vẻ uy nghiêm, đôn hậu của Phật Quan Âm Bồ Tát. Du khách đến đây đều muốn được đứng dưới chân Phật, kính cẩn cúi mình thắp nén nhang thơm, tỏ lòng thành kính đồng thời bày tỏ ước nguyện, mong muốn cầu bình an, sức khỏe, tài lộc cho bản thân và mọi người, để thấy lòng mình nhẹ nhàng hơn.
Sau khi trải qua nhiều thăng trầm của thời gian, chùa được trùng tu lại vào năm 1993. Cũng chính vì vậy, càng nhiều du khách và phật tử biết đến ngôi Chùa Phật Bà Quan Âm bồ Tát, tìm đến lễ phật ngày càng đông hơn. Đi du lịch đến Vũng Tàu, trải nghiệm các hoạt động vui chơi giải trí, bạn cũng nên dành thời gian để đến với Chùa Phật Quan Âm Bồ Tát để tỏ lòng thành kính, đồng thời thưởng thức vẻ đẹp thanh tịnh của ngôi chùa lâu năm này nhé.
Địa chỉ: Bãi Dâu, 178 Trần Phú, TP. Vũng Tàu, Bà Rịa – Vũng Tàu
-
Linh Sơn Cổ Tự
Linh Sơn Cổ Tự là một ngôi chùa tọa lạc tại 104 Hoàng Hoa Thám, Vũng Tàu, tuy không đồ sộ, rộng lớn nhưng là ngôi chùa lâu đời nhất ở đây. Thời kì đầu chùa được xây dựng trên triền Núi Nhỏ nhưng năm 1919 khu vực này bị người dân Pháp chiếm dụng để xây cất biệt thự cho hoa tiêu của họ ở. Ngay sau đó một ngôi chùa khác đã được xây dựng và tồn tại cho tới ngày nay.
Linh Sơn Cổ Tự nằm trên con đường khá yên tĩnh và thông thoáng. Mặc dù chùa không có kiến trúc to lớn nhưng nơi đây lưu giữ những dấu tích truyền thống của phật giáo thời xa xưa.Trong chánh điện có một thờ một tượng Phật cao 1,2m bằng đá có phết vàng được điêu khắc rất khéo léo, tinh tế tạo nên vẻ mặt hiền từ và vô cùng sống động.
Về nguồn gốc của pho tượng phật, có truyền thuyết kể lại rằng cách đây hơn một năm có đoàn ghe chài lưới từ miền trung vào đánh cá ở Bãi Trước. Trong khi đi kiếm củi ở núi lớn tình cờ phát hiện hai pho tượng phật bằng đá vùi dưới đất trên sườn núi gần bãi Dâu. Họ cùng nhau đào lên rồi chờ đến hôm sau làm lễ xin đem về. Dân địa phương biết tin vội kéo đến xem và cho rằng đó là di tích lịch sử của địa phương nên cương quyết đòi giữ lại. Nhóm dân chài miền Trung năn nỉ mãi mới lấy được pho tượng nhỏ đem đi. Pho tượng lớn còn lại được dân làng rước về thờ chính là pho tượng hiện nay ở Chùa Linh Sơn Cổ Tự.Địa chỉ: 104 Hoàng Hoa Thám, TP. Vũng Tàu, Bà Rịa – Vũng Tàu.
-
Đền Đức Thánh Trần
Đức Thánh Trần được coi là hiện tượng đặc biệt trong đời sống văn hóa tâm linh dân gian của Việt Nam, đây là là một minh chứng tiêu biểu về mối liên hệ giữa các yếu tố lịch sử và yếu tố dân gian trong các hiện tượng văn hóa của người Việt.
Tại thành phố Vũng Tàu, người dân lập một đền thờ lớn để tưởng nhớ đến ông. Điều này cho thấy, ở đây cũng như ở nhiều nơi khác trên đất nước Việt Nam, dân ta thờ Trần Hưng Đạo không đơn thuần vì ông là vị tướng tài, mà vì ông là hiển Thánh, đã trở thành một vị Thánh trong tâm thức người dân Việt.
Từ xa xưa, đền Đức Thánh Trần Vũng Tàu đã trở thành một điểm đến tâm linh sâu sắc của người dân. Lễ giỗ Đức Thánh Trần Hưng Đạo được tổ chức tại đền thờ vào 20/8 âm lịch hàng năm. Từ lâu, lễ giỗ không còn bó hẹp trong cộng đồng địa phương mà đã trở thành lễ hội thu hút nhiều khách thập phương trên cả nước. Không chỉ vậy, các hoạt động diễn ra trong lễ hội còn là dịp để giáo dục các thế hệ nối tiếp nhau về lòng yêu nước và tự hào dân tộc.
Địa chỉ: 68 Hạ Long, Phường 2, TP. Vũng Tàu, Bà Rịa - Vũng Tàu
-
Hòn Bà
Hòn Bà là một đảo nhỏ thuộc thành phố Vũng Tàu, trên đảo có một ngôi miếu gọi là Miếu Bà được xây dựng năm 1881 bởi một tín hữu miền Trung.
Theo thông lệ mỗi năm, Miếu Hòn Bà sẽ tổ chức cúng 4 kỳ, dựa theo con nước, gồm: Tháng Giêng, tháng 4, tháng 7 và tháng 10 (Âm lịch), lúc này nước rút sẽ để lộ con đường đá dưới biển, du khách có thể băng qua con đường này đế đến Hòn Bà. Riêng trong tháng Giêng, đặc biệt là vào ngày rằm, các tour du lịch Vũng Tàu thường đưa du khách đến đây để chiêm bái, cầu nguyện cho một năm mới an lành và hạnh phúc. Đây là thời điểm Miếu Bà đông đúc và náo nhiệt hơn hẳn.
Trải qua nhiều thăng trầm của thời gian, đảo Hòn Bà - Vũng Tàu vẫn giữ cho mình vẻ đẹp hoang sơ, cảnh sắc thiên nhiên hữu tình. Nếu bạn và gia đình muốn tìm đến một nơi tâm linh huyền bí kết hợp với thưởng thức thiên nhiên hoang dã ở Vũng Tàu thì đảo Hòn Bà sẽ là điểm đến lý tưởng. Đến với Hòn Bà, du khách sẽ cảm thấy tâm hồn được thư giãn, nhẹ nhàng.
Địa chỉ: Đảo Hòn Bà, Bà Rịa - Vũng Tàu (Từ thắng cảnh Chúa Giêsu đi vòng đến mũi Nghinh Phong rồi phóng tầm mắt ra xa sẽ thấy đảo Hòn Bà nằm lẻ loi giữa biển khơi.)
-
Thiền viện Chơn Không
Thiền viện Chơn Không thuộc Thiền Phái Trúc Lâm Yên Tử, tọa lạc trên sườn Núi Lớn. Thiền viện được xây dựng từ năm 1969 - 1970 dưới sự thành lập của Hoà thượng Thích Thanh Từ. Với tổng diện tích khoảng 2.000m2, thiền viện là một quần thể Phật giáo gồm Chánh điện, tháp chuông, bia tháp Sư Tổ Trúc Lâm, đồi Tự Tại, đường Tiêu Dao…
Thiền viện Chơn Không nằm ở độ cao 80m so với mực nước biển, được bao quanh bởi thiên nhiên triền núi và những tán cây xanh. Đường lên thiền viện khá dốc với nhiều bậc thang. Bù lại, cảnh quan chùa cổ kính nằm lẫn giữa vẻ đẹp thiên nhiên tạo nên tổng thể kiến trúc xanh, thoáng đãng cho bạn cảm giác thanh tịnh mỗi khi viếng thăm.
Phía trước chánh điện được trồng nhiều loại cây kiểng, bách, tùng, tạo nên mảng xanh ở khu vực trung tâm thiền viện. Bên trái chánh điện là một tháp chuông, bên trong tháp là Đại hồng chung nặng khoảng 1 tấn được đúc vào năm 1998. Từ tháp chuông phóng mắt ra xa, bạn sẽ thấy được toàn cảnh trung tâm thành phố biển Vũng Tàu.
Thiền viện Chơn Không là một trong những Thiền viện Trúc Lâm đẹp nhất Việt Nam, là địa điểm cho các Phật tử và du khách hành hương, tham quan cũng như tìm hiểu về Thiền tông.
Địa chỉ: 44 Vi Ba, Phường 1, TP. Vũng Tầu, Bà Rịa - Vũng Tàu
Trung Thành Nguyễn 2017-12-25 13:46:24
Bài viết được chọn làm video cho kênh youtube của Toplist. Thanks tác giả