Top 4 Đoạn văn 200 chữ bàn về bệnh trầm cảm của giới trẻ hay nhất
Căn bệnh trầm cảm có lẽ đã trở thành một căn bệnh phổ biến, đặc biệt là đối với lứa tuổi học sinh. Khi bị trầm cảm ta thường có những biểu hiện như : khó ngủ, ... xem thêm...hay cáu gắt vô cớ, thích sống một mình , hay mệt mỏi và thậm chí là có suy nghĩ mình vô dụng và không thể tập trung làm một việc gì đó. Điều đáng sợ hơn nữa là người trầm cảm thường có những hành động gây tổn thương bản thân. Dưới đây là những Đoạn văn 200 chữ bàn về bệnh trầm cảm của giới trẻ hay nhất mà Toplist đã sưu tầm và tổng hợp.
-
Căn bệnh trầm cảm có lẽ đã trở thành một căn bệnh phổ biến, đặc biệt là đối với lứa tuổi học sinh. Khi bị trầm cảm ta thường có những biểu hiện như : khó ngủ, hay cáu gắt vô cớ, thích sống một mình , hay mệt mỏi và thậm chí là có suy nghĩ mình vô dụng và không thể tập trung làm một việc gì đó. Điều đáng sợ hơn nữa là người trầm cảm thường có những hành động gây tổn thương bản thân. Vậy nguyên nhân chính dẫn đến trầm cảm lứa tuổi học sinh là gì ? Nguyên nhân chủ yếu là do áp lực học tập từ phía gia đình và thầy cô. Khi thầy cô và bố mẹ đã đặt nhiều kì vọng vào mình và cộng thêm sự mệt nhọc, căng thẳng thẳng học tập dẫn đến việc các bạn học sinh bị mệt mỏi, buồn chán và bị stress nặng nề. Từ đó khiến cho các em bỏ bê việc học tập và suy nghĩ những điều tiêu cực. Và nguyên nhân nữa là do lối sống và cuộc sống tình cảm . Thời nay thì các bạn trẻ có những lối sống không lành mạnh như thức khuya, nghiện game, bỏ bê ăn uống,... Những điều đó khiến tâm lý của các em phát triển không ổn định. Tạo ra những stress không đáng có. Hiện nay thì bố mẹ thường quan tâm đến việc làm mà không quan tâm con cái. Chính sự cô đơn, lẻ loi và thiếu tình cảm đã khiến các bạn bị stress, trầm cảm và có những hành động tiêu cực. Qua đó ta phải ý thức được tác hại vô cùng to lớn của trầm cảm và khắc phục nó.
-
Một trong những nguyên nhân thường thấy ở người trẻ bị trầm cảm là do những áp lực trong việc học hành và hoàn cảnh gia đình. Sức ép của cha mẹ đối với con cái trong việc học hành, thi cử làm các em dễ rơi vào trạng thái căng thẳng với tất cả mọi chuyện, đôi lúc không kiểm soát được suy nghĩ của mình. Không khí nặng nề trong gia đình thiếu hạnh phúc cũng là nguyên nhân chính dẫn đến chứng trầm cảm cho con cái. Ngoài ra, tốc độ phát triển nhanh đến chóng mặt của cuộc sống hiện đại khiến áp lực công việc gia tăng, bộ não làm việc quá tải, cảm giác cô độc, quá lệ thuộc vào mạng xã hội, tỷ lệ người bị stress ở Việt Nam tăng lên nhanh chóng cũng là những nguyên nhân khiến trầm cảm ngày càng phổ biến hiện nay. Một trong những nguyên nhân thường thấy ở người trẻ bị trầm cảm là do những áp lực trong việc học hành Người bị trầm cảm thường có suy nghĩ mình có thể tự khỏi bệnh mà không cần ai giúp. Tuy nhiên việc tự tìm cách xoa dịu các dấu hiệu của bệnh hay trông chờ bệnh tự biến mất có thể khiến người mắc trầm cảm ngày càng thu mình, sống khép kín và bế tắc hơn, thậm chí có những hành động dại dột hại cho mình hoặc người khác. Do vậy người mắc trầm cảm cần được thăm khám tại các bệnh viện uy tín, chất lượng chuyên môn cao và trang thiết bị hiện đại, tạo điều kiện tốt nhất cho quá trình khám, tư vấn và can thiệp tâm lý đạt hiệu quả cao.
-
Cuộc sống hiện đại xô bồ khiến tinh thần con người mệt mỏi. Các căn bệnh tâm lý đang trở nên phổ biến hơn. Không chỉ bảo vệ sức khỏe thể chất, con người hiện đại cần có những hiểu biết về bệnh tâm lí để gìn giữ tâm hồn mình. Bệnh tâm lý là là thuật ngữ chỉ các dạng bệnh lý liên quan đến sức khỏe tâm thần. Khi mắc bệnh tâm lý thì cảm xúc, suy nghĩ cũng như hành vi của người bệnh sẽ thay đổi khác thường. Thông thường, những chứng bệnh tâm lí sẽ khiến con người mệt mỏi, mất ngủ, sụt cân, mất tập trung, thậm chí có thể tự tử. “Tâm bệnh” là cụm từ xuất hiện từ xưa nhưng trong xã hội hiện đại, căn bệnh này ngày càng lan rộng. Từ học sinh đang ngồi trên ghế nhà trường đến người trưởng thành, người lớn tuổi đều có thể trở thành nạn nhân của bất ổn tâm lý. Nguyên nhân dẫn đến bệnh tâm lý hiện đại cũng vô cùng đa dạng. Áp lực trong học tập và công việc, căng thẳng gia đình, trạng thái đổ vỡ lí tưởng, mông lung trước tương lai,... đều có thể trở thành căn nguyên dẫn đến sự tổn thương tinh thần. Sự văn minh của xã hội đôi khi không đi liền với trình độ văn hóa. Con người vẫn ngày ngày hứng chịu nhiều định kiến, chỉ trích và gánh nặng phải trở nên hoàn hảo. Bệnh tâm lý có thể gây ra những hậu quả nghiêm trọng. Nó sẽ khiến chúng ta mất đi khả năng tập trung, ảnh hưởng đến sinh hoạt. Khi quá căng thẳng, nhiều người tìm đến các chất kích thích để giải tỏa tinh thần, dần dần tàn phá cả thể chất và tinh thần. Nhiều trường hợp chọn những cách giải quyết cực đoạn như xa lánh mọi người, tự cô lập mình hoặc làm hại bản thân và người xung quanh. Chúng ta không thể nói với người mắc bệnh tâm lý rằng: “Hãy vui lên”, “Hãy lạc quan lên” một cách sáo rỗng. Điều họ thực sự cần là sự sẻ chia, động viên, giúp đỡ thiết thực. Mỗi bất ổn tâm lí lại cần những cách chữa trị khác nhau nhưng suy cho cùng, hãy biết quan tâm và yêu thương những người quanh ta ngay lúc này. Đừng để những ám ảnh, buồn bã tước đi người ta thương yêu. Điều tuyệt vời nhất trên đời là yêu và được yêu nên hãy quan tâm tới đời sống tinh thần của chính mình và mọi người xung quanh. Cùng nhau, ta có thể xây dựng một xã hội văn minh, nơi có những con người hạnh phúc.
-
Gần đây, báo đài liên tục đăng tin một nam ca sĩ thần tượng Hàn Quốc đã quyên sinh sau một thời gian dài chống chọi với bệnh trầm cảm. Đọc những dòng tít mà lòng tôi đắng ngắt, vậy là thêm một kiếp nhân sinh nữa đã đổ vỡ, với một tâm hồn bị tàn phá đến tột cùng. Bệnh tâm lý ấy, thật sự rất kinh khủng, mà hình như tôi cũng đã từng… Tôi chỉ biết, năm cấp hai tôi là niềm tự hào của bố mẹ và là tấm gương của chúng bạn với thành tích bốn năm liền hạng nhất. Những người xung quanh bắt đầu ca tụng và gán cho tôi cái mác một đứa tài giỏi. Họ đưa tôi lên một đỉnh cao nhưng lại không cho tôi một con đường để quay xuống. Vì thế, tôi trở nên cheo leo với một nỗi sợ kinh hoàng, tôi sợ bị trượt ngã khỏi đỉnh cao ấy. Vậy mà, tôi cũng trụ được, bằng một kì tích nào đó, qua hết năm cấp hai. Nhưng đến năm cấp ba, tôi hoàn toàn sụp đổ. Cầm bảng tổng kết đợt một là học sinh khá, thật sự sốc. Tôi choáng váng, bần thần suốt cả ngày. Rốt cuộc tôi đã sai ở đâu? Những bài kiểm tra kia, tôi đã phạm lỗi ngớ ngẩn gì? Cô giáo không thương tôi, cô chấm điểm gắt cho tôi? Ngụy biện bằng đủ thứ lí do nhưng cuối cùng chỉ làm tôi thêm chua cay và xấu hổ. Tôi điên cuồng ra lệnh cho bản thân phải được danh hiệu học sinh giỏi bằng mọi giá. Tôi lao vào học nhưng càng học lại càng phản tác dụng. Tôi mãi ganh đua và so đo từng con điểm với bạn bè. Khi họ được điểm cao hơn tôi, tôi sẽ nghĩ giáo viên ưu ái họ và mang câu chuyện điểm cao đó nói đi nói lại như ngưỡng mộ họ lắm nhưng thực chất mỉa mai rằng tôi không phục. Tôi không biết tại sao tôi lại hành động như vậy, nó có khiến tôi vui lên chút nào đâu, nó chỉ càng khơi lên thêm nỗi buồn trong lòng tôi. Nhiều lần tôi muốn đứng lên, muốn thay đổi nhưng rồi lại bị vùi ngã cho tơi bời, tôi bị mắc kẹt. Tôi mắc kẹt trong vòng lặp sách vở và điểm số. Tôi mắc kẹt trong những chuỗi ngày vô nghĩa và chán chường. Tôi đổ lỗi cho cái phận bạc bẽo của mình, cười nhạo bản thân thậm tệ rằng: “Mày đã không xinh đẹp mà còn ngu dốt và lười biếng”. Mỗi khi đi trên đường, tôi chỉ cúi gằm mặt. Bạn bè xung quanh ai cũng giỏi giang và xinh đẹp, còn tôi thì có cái gì đâu để ngẩng mặt tự hào. Thậm chí tôi có cảm tưởng mọi lỗi lầm trên đời đều là của tôi, cho nên mỗi lần như thế đều sẽ lập tức: “Tôi xin lỗi”. Tôi đã nghĩ, có lẽ tính tôi nhạy cảm, hay nghĩ ngợi lung tung rồi lại làm quá hoặc đơn giản là tôi bị stress, tôi bị áp lực. Rồi những đoạn phóng sự, những bài báo xuất hiện cho tôi biết thêm về khái niệm bệnh trầm cảm. Tôi bắt đầu so sánh những dấu hiệu tâm lý của mình với những dấu hiệu của bệnh và kinh hãi nhận ra, hình như tôi cũng… Tôi không dám nói suy nghĩ: “Tôi bị trầm cảm” với bất cứ ai vì tôi sợ, tôi sợ họ sẽ quở tôi nói điều xằng bậy, điều điên khùng. Họ sẽ không hiểu điều tôi cần, bởi tôi cũng có hiểu tôi đâu. Tôi vẫn có thể cười đùa với bạn bè và gia đình, có thể tâm sự với họ, chỉ là đôi khi thấy trỗng rỗng và buồn, thế thôi! Đến cuối cùng vẫn chỉ mình tôi bước qua những ngày giông bão trong tâm hồn mình. Không bác sĩ tâm lý, không người thân, không bạn bè, không một ai biết gì về những ngày ấy cả. Chỉ những lần khóc lóc, những bài hát, những trang văn và chính tôi mới có thể xoa dịu tôi. Giờ đây tôi đang học cách bình tĩnh mà sống. Hình tượng mà người khác đặt ra cho tôi rất đẹp, nhưng tôi sẽ biến hóa theo đúng bản chất của mình. Tôi ngạc nhiên vì mình dũng cảm và lí trí đến thế. Tôi đã không biến nỗi đau của tôi thành nỗi đau của những người mà tôi yêu thương, may thật! Tôi là kẻ may mắn vì tôi bình thản hơn sau khi bước ra câu chuyện của chính mình. Tôi tiếc cho những ai đã không vững vàng được đến phút cuối nhưng tôi tôn trọng quyết định của họ. Bởi dẫu sao ai trong chúng ta cũng có lần trải qua căn bệnh tâm lý, ở đó cách chúng ta đối diện và vượt qua nó là khác nhau, nhưng đó mới là cách khiến chúng ta cảm thấy bình tâm và hạnh phúc nhất.