Top 8 Đoạn văn nghị luận xã hội về lối sống vô cảm của giới trẻ hay nhất
Giới trẻ ngày nay đang dần xuất hiện căn bệnh nguy hiểm mang tên vô cảm. Lối sống này rất độc hại và biến thể với nhiều dạng khác nhau. Nhiều bạn trẻ đắm chìm ... xem thêm...trong thế giới ảo hay chiếc điện thoại thông minh mà quên đi tình yêu thương giữa con người với con người. Đọc những đoạn văn nghị luận xã hội về lối sống vô cảm của giới trẻ hay nhất dưới đây để hiểu rõ hơn về điều đó:
-
Đoạn văn nghị luận xã hội về lối sống vô cảm số 1
Hiện nay, lối sống vô cảm ở giới trẻ là "căn bệnh" rất cần được quan tâm. Vô cảm là không có tình cảm, cảm xúc trước bất cứ một vấn đề gì trong đời sống. Căn bệnh này tồn tại dưới nhiều dạng khác nhau. Trước hết, đó là sự thờ ơ trước đau thương, mất mát của những người xung quanh. Những niềm vui không khiến họ cười, không làm trái tim họ hạnh phúc. Mất mát khổ đau cũng không khiến họ nhỏ giọt nước mắt xót thương. Mọi việc trước mắt đều trở nên "bình thường, vô nghĩa". Như trên xe buýt, có người nhìn thấy hiện tượng móc túi nhưng không lên tiếng. Bởi lẽ, họ nghĩ rằng đó không phải việc của mình và sợ mang vạ vào bản thân. Căn bệnh này gây nên những ảnh hưởng tiêu cực cho xã hội. Hãy thử tưởng tượng xem nếu một đất nước mà có nhiều người vô cảm thì sẽ ra sao. Khi ấy, cái ác, cái xấu sẽ lên ngôi. Tâm hồn con người cũng dần chai sạn. Hiện nay, căn bệnh này ngày càng lan rộng trong xã hội hiện đại. Nguyên nhân là do xã hội ngày càng phát triển, nhiều loại hình giải trí ra đời. Nhiều bạn trẻ không kiểm soát được bản thân, đắm chìm trong thế giới ảo mà không cảm nhận những vẻ đẹp bình dị của cuộc sống. Đáng buồn hơn, sự vô cảm hiện nay giống như một loại "virus" đang lây lan mạnh mẽ. Vậy nên, mỗi người hãy sống yêu thương, gắn kết và quan tâm hơn tới cộng đồng . Hãy luôn hướng về những giá trị tích cực, học cách suy nghĩ lạc quan để sống vui mỗi ngày.
-
Đoạn văn nghị luận xã hội về lối sống vô cảm số 2
Sự phát triển ngày càng cao của đời sống vật chất thì điều đáng buồn là những biểu hiện của truyền thống tốt đẹp “tương thân tương ái” lại mai một dần và chúng ta đang phải đối mặt với một căn bệnh tinh thần đáng sợ. Người ta gọi đó những triệu chứng của “bệnh vô cảm”. Người mắc “bệnh vô cảm” không có cảm xúc với cuộc sống, với những gì đang diễn ra. Bệnh vô cảm đang diễn ra ngày càng phức tạp, trở thành một căn bệnh khó chữa. Thực trạng đang diễn ra ngay trong chính gia đình, như: con cái thờ ơ với những khó khăn, vất vả của cha mẹ; cha mẹ thì không quan tâm, thờ ơ với những suy nghĩ, những hành động, việc làm sai trái của con. Trong trường học: học trò thờ ơ với sự chỉ bảo tận tình của thầy cô. Ngoài xã hội: thờ ơ, bàng quan, chỉ đứng xem rồi bàn tán, thậm chí thừa cơ chuộc lợi khi ai đó bị tai nạn, bị bạo hành. Nguyên nhân dẫn đến thực trạng trên là do: Lối sống cá nhân, vị kỉ, thiếu trách nhiệm, không quan tâm đến những người xung quanh. Do giới trẻ lo đắm chìm trong thế giới ảo mà quên đi cuộc sống hiện thực. Do gia đình, nhà trường chưa quan tâm, giáo dục tình thương ở các em. Do nền kinh tế vận hành theo cơ chế thị trường, đề cao vật chất. Và để lại những hậu quả to lớn như: khiến con người xa nhau, không biết đặt mình vào vị trí của nhau để cảm nhận, dần dần vô tâm, hờ hững trước những bất hạnh của người khác. Đồng thời, làm mất đi truyền thống tương thân tương ai của dân tộc. Mỗi người cần nhận thức và sống có trách nhiệm với chính bản thân cũng như với gia đình, xã hội và cộng đồng. Mỗi gia đình, nhà trường cần quan tâm, giáo dục ý thức cho thế hệ trẻ. Bản thân chúng ta cần phê phán thái độ sống thờ ơ, vô cảm và đề cao, nêu gương những người giàu lòng vị tha, nhân ái.
-
Đoạn văn nghị luận xã hội về bệnh vô cảm số 3
Ngày nay, các bạn trẻ có nhiều cơ hội để học hỏi cũng như trau dồi kiến thức hơn thế hệ đi trước, rất nhiều các trường công lập và tư lập được mở ra để đào tạo các bạn trẻ thành những người có tri thức, có đạo đức phục vụ cho đất nước, đưa đất nước đi đến một nền văn minh tiên tiến, theo kịp những tiến bộ của các nước phát triển trên thế giới. Nhưng thật đau lòng khi nhìn thấy những hình ảnh vô cảm của giới trẻ hiện nay được các phương tiện truyền thông đưa lên mặt báo, youtube hay chúng ta tận mắt nhìn thấy những cảnh tượng trên. Chẳng hạn như các bạn nữ sinh lập hội đồng đánh nhau giữa sân trường, cởi quần áo của bạn trước sự chứng kiến của nhiều người hay là học sinh đánh thầy cô đến nỗi thầy cô phải nhập viện. Nhưng điều đáng lên án ở đây chính là khi chứng kiến các vụ việc trên hầu hết các bạn ở xung quanh đều dửng dưng coi như không nhìn thấy gì, mặc cho người ta bị đánh cho tím tái mặt mày, thay vì các em ngăn cản thì các em lại cổ vũ, ủng hộ hết mình cho những hành động vô đạo đức, vô văn hóa đó. Mới đây nhất, cư dân mạng lại phải giật mình vì hành động như côn đồ của nhóm nữ sinh ở Hà Nội, Hải Phòng,… với màn đánh đập, lột quần áo, cắt tóc bạn học. Và chú ý hơn đó là những hình ảnh này được quay lại bởi một nam sinh. Kèm theo những tiếng chửi bới kém văn minh của các nữ sinh hành hung thì còn có tiếng cổ vũ của những chàng trai đứng gần đó như “cởi áo đi, cắt tóc đi,…”. Khi xem những clip này nhiều người còn ngỡ ngàng vì sự thờ ơ của giới trẻ 8x, 9x ngày nay. Mặc dù các bạn ấy hoàn toàn có thể vào can ngăn nhưng lại không sẵn lòng để giúp đỡ những người gặp khó khăn, hoạn nạn, rất nhiều bạn khi nhìn thấy những người nghèo khó, ăn xin thì xua đuổi, dè bỉu. Trên đường đi gặp người bị tai nạn thì thay vì dừng lại giúp đỡ, hỏi han lại bỏ đi xem như không có chuyện gì xảy ra, thậm chí còn tệ hơn nữa khi có những thành phần không những không giúp đỡ nạn nhân mà còn lợi dụng lúc người ta có sự cố để lấy cắp tiền, tài sản của người bị tai nạn. Thêm nữa trong thời gian gần đây, thực trạng giết người đang diễn ra ngày càng nhiều với mức độ nghiêm trọng., rất nhiều tội phạm đang ở thế hệ 8x, 9x. Ví dụ như cách đây chưa lâu dư luận xôn xao vụ thảm sát giết nước cướp của ở tiệm vàng Ngọc Bích do kẻ vô cảm Lê Văn Luyện (17 tuổi lúc đó) gây ra. Hành vi giết người của hắn ta là đặc biệt nghiêm trọng,tàn bạo, vô cảm nhất tính đến thời điểm lúc bấy giờ. Ngoài ra còn phải kể đến vụ việc Hồ Nhật Linh (18 tuổi) đã đâm 95 nhát dao vào thai phụ có bầu 8 tháng tuổi sau đó vứt xác nạn nhân xuống một cái mương,…Thực trạng bệnh vô cảm này đang diễn ra ngày càng “phổ biến “ và phức tạp. Quả thật không thể dung thứ mãi cho những hành động vô cảm ấy, nếu cứ thờ ơ với những hành động đó tức là chúng ta đang vứt bỏ truyền thống của dân tộc cũng như vứt bỏ chính bản thân mình. Và khi căn bệnh này ngự trị, thì con người sống với con người trong mối quan hệ hết sức lỏng lẻo. Ở đó thiếu hơi ấm của tình thương, của niềm cảm thông, của sự cưu mang, đùm bọc, sẻ chia, giúp đỡ lẫn nhau. Một cuộc sống như thế là cuộc sống của "Một sa mạc đời đìu hiu lạnh giá". Thật buồn đau và thất vọng biết bao!Học tập lối sống lành mạnh, biết yêu thương sẻ chia đồng cảm với những người xung quanh. Tham gia các hoạt động xã hội có tính nhân văn cao như phong trào đền ơn đáp nghĩa, phong trào thanh niên lập nghiệp... Xã hội cần lên án mạnh mẽ bệnh vô cảm, coi đó như là một cuộc chiến đấu để loại bỏ căn bệnh này ra khỏi xã hội ta.
-
Đoạn văn nghị luận xã hội về bệnh vô cảm số 4
Xã hội ta bên cạnh những tấm lòng đẹp, bao dung còn xuất hiện hiện tượng vô cảm, đó là một thái độ vô cùng xấu. Vô cảm là trạng thái cảm xúc và thái độ ý thức của một người hay một nhóm người thờ ơ, dửng dưng không biết quan tâm đến mình đến những gì đang diễn ra xung quanh mình. Thấy người đi đường gặp tai nạn không cứu giúp, thấy kẻ xấu lộng hành không tố cáo, thấy người khác gặp nạn thì rút điện thoại ra quay phim, chụp hình... Không quan tâm các sự kiện, phong trào có ích của cộng đồng như Giờ Trái Đất, Tình nguyện xanh, Chủ nhật xanh... Thấy hiện tượng vứt rác bừa bãi không nhắc nhở, thấy cảnh đẹp không quan tâm, coi như không có chuyện gì... Thậm chi thờ ơ với chính cuộc sống của mình, đến đâu hay đến đó. Có lẽ do cách sống vị kỷ của mỗi con người, thờ ơ với tất cả mọi thứ xung quanh. Hoặc do nhịp sống hối hả, mọi người bị cuốn vào guồng quay học tập, công việc,... Một bộ phận thế hệ trẻ được gia đình, bố mẹ chiều chuộng, thậm chí là lập trình sẵn cho cuộc đời, cho tương lai, cho từng đường đi nước bước. Sự vô cảm khiến con người đánh mất lương tâm, phẩm chất đạo đức, sẵn sàng bỏ mặc đồng loại, giẫm đạp lên người khác. Để đẩy lùi bệnh vô cảm, chúng ta cần ý thức học tập lối sống lành mạnh, biết yêu thương sẻ chia đồng cảm với những người xung quanh, tham gia các hoạt động xã hội có tính nhân văn cao như phong trào đền ơn đáp nghĩa, phong trào thanh niên lập nghiệp đồng thời lên án mạnh mẽ bệnh vô cảm, loại bỏ căn bệnh này ra khỏi xã hội. Tuy nhiên, còn rất nhiều người có tinh thần yêu thương nhân loại, sẵn sàng giúp đỡ người gặp khó khăn... Vì vậy, bênh vô cảm là căn bệnh đáng lên án, cần phải đẩy lùi để khiến xã hội ngày càng văn minh hơn.
-
Đoạn văn nghị luận xã hội về bệnh vô cảm số 5
Xã hội đang ngày càng phát triển với tốc độ chóng mặt trên tất cả các lĩnh vực văn hóa, chính trị, kinh tế… Chính sự phát triển như vũ bão này lại là tác nhân khiến cho thái độ sống của con người với nhau trở nên xa lạ, không còn thân thiết. Và thái độ sống vô cảm, thờ ơ cũng từ đó mà hình thành nên. Vô cảm chính là thái độ sống lạnh nhạt, thờ ơ đối với cuộc sống, với những người ở xung quanh chúng ta. Bản thân chúng ta không quan tâm, không có trách nhiệm đối với chính bản thân mình và với người khác. Căn bệnh vô cảm khi đã tồn tại trong con người thì sẽ ăn sâu, bám rễ không chịu buông. Mỗi người cần có cách thức, có phương pháp để hạn chế căn bệnh nguy hiểm có thể ăn mòn trái tim của mỗi người. Những người con xa nhà lâu ngày, bị cuốn vào guồng quay của công việc nên việc hỏi thăm cha mẹ thường xuyên cũng thưa dần. Rồi những lần gọi điện, những lần về thăm cứ cạn vơi theo năm tháng. Như thế chúng ta đang vô tình khiến cho trái tim mình, cho bản thân mình vô cảm với những người thân yêu nhất. Vô cảm thật đáng trách, đáng giận nhưng nếu chúng ta biết rút kinh nghiệm, biết sửa chữa, biết hỏi thăm cuộc sống của nhau thì thật đáng quý. Con người ai cũng có lỗi lầm, chỉ cần biết nhận sai và sửa sai. Con người ta sống ở trên đời cần phải yêu thương, chia sẻ cho nhau những lúc khốn khó. Thấy nỗi khổ của người khác như nỗi khổ của bản thân mình thì mới có thể giúp đỡ một cách thực tâm được. Cũng bởi vì thái độ sống thờ ơ, lạnh nhạt nên cuộc sống của họ thiếu đi tình yêu thực tâm nhất. Đối với thế hệ trẻ thì thái độ sống vô cảm cần phải ngăn chặn trước. Vì tương lai đất nước cần những con người tài giỏi và biết sẻ chia, biết yêu thương đồng loại. Dù ở trong hoàn cảnh nào, chúng ta có thể dùng chính trái tim mình để sưởi ấm những trái tim khác đang đầy những vết xước hơn. Vô cảm có thể sẽ thành thói quen nếu như chúng ta không kịp ngăn chặn và từ bỏ. Bởi vậy, mỗi cá nhân cần phải tự nhận thức được suy nghĩ của bản thân mình rằng khi yêu thương và sẻ chia thương yêu thì chúng ta sẽ thấy bản thân mình sống có ích, sống tốt đẹp hơn.
-
Đoạn văn nghị luận xã hội về bệnh vô cảm số 6
Xã hội ngày nay người ta nhắc đến căn bệnh "vô cảm" nhiều hơn là nhắc đến HIV/AIDS, và thực sự căn bệnh này còn đáng sợ hơn cả cái chết trắng. Vô cảm là sự thờ ơ, lạnh lùng, không quan tâm đến người khác, là một người không cảm xúc, dửng dưng trước nỗi đau của người khác. Nói cách khác, người vô cảm chỉ biết sống cho mình, họ chẳng mảy may quan tâm đến người khác, mặc kệ tất cả những người xung quanh mình. Ví dụ điển hình như trên đường có vụ tai nạn xe, chỉ có 1-2 người dừng lại hỏi han còn lại ai cũng chỉ nhìn rồi lại phóng xe đi tiếp, không hỏi thăm, không giúp đỡ. Đặc biệt là giới trẻ ngày nay, đánh nhau còn đánh hội đồng, không can ngăn lại còn cổ vũ chụp hình quay video đưa lên mạng xã hội. Căn bệnh vô cảm bắt nguồn từ chính lối sống, lối suy nghĩ của con người, lối sống ích kỷ, vô tâm khiến con người ta vô cảm, chính vì vậy phải thay đổi lối sống của chính mình, yêu thương và chia sẻ nhiều hơn, luôn mở rộng vòng tay giúp đỡ mọi người đó chính là liều thuốc tốt nhất chống lại căn bệnh vô cảm.
-
Đoạn văn nghị luận xã hội về bệnh vô cảm số 7
"Vô cảm" là không có cảm giác, không có tình cảm, không xúc động trước một sự vật, hiện tượng, một vấn đề gì đó trong đời sống. Bệnh vô cảm là căn bệnh của những người không có tình yêu thương, sống dửng dưng trước nỗi đau của con người, xã hội, nhân loại. Trải qua các cuộc chiến tranh chống quân xâm lược, những cuộc đọ sức với thiên tai khắc nghiệt, nhân dân ta đã có truyền thống đoàn kết, thương yêu đùm bọc lẫn nhau. Dường như càng qua gian khổ, đau thương, mất mát con người lại sống gần nhau, quan tâm, giúp đỡ nhau nhiều hơn. Tình làng nghĩa xóm, thương người như thể thương thân đã trở thành một đạo lí của dân tộc: "Bán anh em xa mua láng giềng gần". Hiện nay, trong cuộc sống vật chất ngày càng được cải thiện hơn, đầy đủ hơn, người ta dễ có xu hướng lo vun vén cho bản thân và gia đình mình, ít quan tâm đến những vấn đề xã hội. Trước kia, ông cha ta đã phê phán lối sống chỉ biết vun vén cho riêng mình. Cuộc sống quanh ta hiện nay không thiếu những người như thế. Họ sống thờ ơ với mọi việc đang diễn ra, nhà nào nào đóng cửa biết nhà nấy. Nhà hàng xóm có hoạn nạn, có con cái bị rơi vào cạm bẫy của các tệ nạn xã hội họ cũng bàng quan như không biết. Đi đường gặp người bị tai nạn, họ cũng bỏ qua như không nhìn thấy. Thấy lũ trẻ cãi nhau thậm chí đánh nhau họ cũng làm ngơ. Trước cảnh khổ đau của những người tàn tật, bất hạnh, họ cũng không mảy may xúc động. Bệnh vô cảm đã làm cho con người như vô tri, vô giác, không thể hòa nhập với cộng đồng.
-
Đoạn văn nghị luận xã hội về bệnh vô cảm số 8
Con người nếu không sống với nhau bằng tình cảm thì xã hội sẽ ngày càng trở nên xa cách. Thực tế cuộc sống ngày nay, hiện tượng vô cảm không phải là điều hiếm gặp nó len lỏi khắp nơi thậm chí là giới trẻ. Vô cảm càng hiện hữu khi thời đại công nghệ số đi lên. Dễ dàng trong cuộc sống chúng ta bắp gặp là thái độ lạnh lùng, thờ ơ, không quan tâm đến mọi người, mọi vật xung quanh mà chỉ hí húi chụp ảnh, quay video trước những hoạn nạn của người khác. Những người có lối sống vô cảm luôn ích kỉ, không quan tâm đến mọi người, thờ ơ trước những nỗi đau của xã hội, thậm chí thờ ơ với chính người thân và bản thân của mình. Bệnh vô cảm xuất hiện trong đời sống hiện đại ngày càng nhiều, đó chính là thái độ, cách ứng xử giữa người với người. Vô cảm thật đáng trách, đáng giận nhưng nếu chúng ta biết rút kinh nghiệm, biết sửa chữa, biết hỏi thăm cuộc sống của nhau thì thật đáng quý. Vô cảm có thể sẽ thành thói quen nếu như chúng ta không kịp ngăn chặn và từ bỏ. Bởi vậy, mỗi cá nhân cần phải tự nhận thức được suy nghĩ của bản thân mình. Chúng ta cần sống với nhau bằng tình cảm chân thành nhất, biết yêu thương, chia sẻ với những người xung quanh, giúp đỡ người có hoàn cảnh khó khăn. Những hành động đó của ta không chỉ khiến cuộc sống tốt lên, đẩy lùi được hiện tượng vô cảm mà còn khiến con người xích lại gần nhau hơn. Chúng ta vẫn biết trong cuộc sống cũng vẫn còn có nhiều người sống lương thiện, chan hòa với mọi người xung quanh, mang công sức, tiền bạc của mình đi cứu người, giúp đời,… Đây là những con người, những hành động cao đẹp rất đáng được tán dương, khen thưởng. Cuộc đời quá ngắn để sống lạnh lùng, cô quạnh, ích kỉ cho bản thân mình. Chúng ta hãy mở rộng vòng tay yêu thương để thấy rằng niềm hạnh phúc là khi được cho đi, là khi con người đối xử chân thành, tử tế với nhau. Hãy cùng chung tay xây dựng một cuộc sống nơi mà tình người luôn dạt dào.