Top 5 Giải đấu quần vợt hấp dẫn nhất Thế giới

  1. Top 1 Wimbledon
  2. Top 2 US Open
  3. Top 3 Australia Open
  4. Top 4 Roland Garos
  5. Top 5 ATP World Tour Finals

Top 5 Giải đấu quần vợt hấp dẫn nhất Thế giới

Nhok Nhok 406 0 Báo lỗi

Quần vợt (Tennis) là môn thể thao chơi giữa hai người (đánh đơn) hay hai đội trong đó mỗi đội hai người (đánh đôi). Người chơi sử dụng vợt lưới để đánh một quả ... xem thêm...

  1. Top 1

    Wimbledon

    Giải Wimbledon là giải đấu quần vợt lâu đời và có uy tín nhất trên thế giới. Giải được tổ chức tại All England Club ở Wimbledon, Luân Đôn kể từ năm 1877. Wimbledon là một trong bốn giải Grand Slam cũng với Úc mở rộng, Pháp Mở rộng, và Mỹ Mở rộng. Kể từ khi giải Úc Mở rộng chuyển sang mặt sân cứng vào năm 1988, Wimbledon là giải đấu lớn duy nhất tổ chức trên sân cỏ. Giải diễn ra trong hơn hai tuần cuối tháng 6 và đầu tháng 7, mà tâm điểm của sự chú ý là các trận chung kết đơn nữ và đơn nam, lần lượt được tổ chức vào các ngày thứ bảy và chủ nhật thứ hai của tháng 7. Năm nội dung dành cho các tay vợt trưởng thành, cùng các nội dung trẻ và nội dung khách mời được tổ chức đều đặn hàng năm. Wimbledon gây chú ý nhờ truyền thống về trang phục cũng như việc không đặt các biển quảng cáo quanh sân. Vào năm 2009, Sân Trung tâm của Wimbledon được lắp thêm mái vòm kéo để việc che mưa qua đó tiết kiệm được thời gian.


    Tại nội dung đơn nam và đôi nam, bên nào thắng ba set trước sẽ thắng trận đấu; trong khi các nội dung khác trận đấu kết thúc khi có người thắng hai set. Loạt tiebreak sẽ diễn ra nếu tỉ số của set đấu là 6–6. Kể từ năm 2019, set cuối cùng sẽ có loạt tiebreak khi tỉ số là 12-12. Tất cả các nội dung đều thi đấu theo thể thức loại trực tiếp, ngoại trừ các nội dung đôi nam, nữ và nam lớn tuổi khách mời thi đấu theo thể thức loại trực tiếp. Trước năm 1922, nhà vô địch của giải năm trước (ngoại từ nội dung đôi nữ và đôi nam nữ) được đặc cách vào thẳng trận chung kết (khi đó gọi là vòng thách đấu). Điều này giúp nhiều tay vợt bảo vệ danh hiệu trong nhiều năm liền, do họ được nghỉ ngơi còn các đối thủ phải thi đấu từ các vòng ngoài. Kể từ năm 1922, các đương kim vô địch buộc phải thi đấu tất cả các vòng chính giống như các đấu thủ khác.

    Chiếc cúp của giải Wimbledon
    Chiếc cúp của giải Wimbledon
    Giải Wimbledon là giải đấu quần vợt lâu đời và có uy tín nhất trên thế giới
    Giải Wimbledon là giải đấu quần vợt lâu đời và có uy tín nhất trên thế giới

  2. Top 2

    US Open

    Giải quần vợt Mỹ Mở rộng (US Open) là một trong 4 giải Grand Slam quần vợt trong năm. Đây là giải Grand Slam cuối cùng trong năm và diễn ra vào nửa cuối tháng 8 và đầu tháng 9 tại Thành phố New York, Hoa Kỳ. Trước năm 1968, giải này có tên là Giải Vô địch quốc gia Hoa Kỳ và chỉ những đấu thủ nghiệp dư mới được tham dự. Đến năm 1968 thì giải này được "mở rộng" ra cho cả những đấu thủ chuyên nghiệp tham dự, vì vậy được đổi tên thành "US Open" - Giải quần vợt Mỹ Mở rộng. Từ 1881 đến 1915, giải tổ chức ở Newport Casino, Newport, Rhode Island. Năm 1915 giải được rời về West Side Tennis Club ở Forest Hills, New York cho đến năm 1978 thì rời về địa điểm hiện tại ở Flushing Meadows, New York. Giải vô địch Hoa Kỳ đã được chơi trên 3 mặt sân trong lịch sử. Từ lúc khởi đầu năm 1881 cho đến năm 1974, giải chơi trên sân cỏ. Từ 1975 đến 1977 đổi sang sân đất Har-Tru. Từ 1978 đến nay dùng sân cứng DecoTurf. Jimmy Connors là nhà vô địch duy nhất đã chiến thắng trên cả ba mặt sân: năm 1974 ông thắng trên sân cỏ, năm 1976 thắng trên sân đất và các năm 1978, 1982, 1983 ông vô địch trên sân cứng.


    Hiện nay toàn bộ hệ thống sân quần vợt ở Flushing Meadows được gọi là Trung tâm quần vợt quốc gia Billie Jean King (USTA Billie Jean King National Tennis Center), mang tên cựu số 1 nữ thế giới Billie Jean King. Trung tâm này có các sân như sau: sân chính tên là Sân vận động Arthur Ashe có 24.000 ghế ngồi. Sân này lấy tên từ Arthur Ashe là một tay vợt nổi tiếng người Mỹ da đen, đã vô địch giải Mỹ Mở rộng lần đầu tiên trong kỉ nguyên Mở năm 1968. Sân số 2 là Sân vận động Louis Armstrong. Sân số 3 là Sân vận động Grandstand, nối liền với sân Louis Armstrong. Những sân phụ số 4, 7 và 11 mỗi sân chứa được 1000 người. Tất cả các sân ở US Open là loại sân cứng DecoTurf ngoài trời. Sân DecoTurf được làm bằng nhiều lớp cao su mỏng trộn với cát rồi đổ lên sàn xi măng. Vì vậy trên sân US Open banh đi rất nhanh và độ nảy đều nên hợp với các đấu thủ có cú giao bóng mạnh và thích lên lưới. Từ năm 2005, các sân ở US Open được đổi từ màu truyền thống của sân quần vợt là màu xanh lá sang màu xanh dương để thấy bóng rõ hơn.

    Giải US Open
    Giải US Open
    US Open
    US Open
  3. Top 3

    Australia Open

    Giải quần vợt Úc Mở rộng (Australian Open) là một trong 4 giải Grand Slam quần vợt trong năm. Đây là giải Grand Slam đầu tiên trong năm và diễn ra vào nửa cuối tháng 1 tại Melbourne. Giải được tổ chức bởi Tennis Australia, tổ chức thường được biết với cái tên Lawn Tennis Association of Australia (LTAA). Giống như tại Roland Garros hay Wimbledon, giải đấu này thi đấu theo thể thức 5 set thắng 3 (đối với nội dung đơn nam) và 3 set thắng 2 (đối với nội dung đơn nữ) và không có loạt tie-break (tie-breaker) ở set cuối cùng. Ngoài ra còn có các nội dung đánh đôi nam, đôi nữ, đôi nam nữ phối hợp và còn có nội dung cho các cựu danh thủ. Giải đấu này được tổ chức lần đầu tiên vào năm 1905 với cái tên là Giải Vô địch Australasia (gồm Úc và New Zealand) tại Warehouseman's Cricket Ground ở St Kilda Road, Melbourne, sau đó trở thành giải vô địch Úc vào năm 1927 và trở thành giải Úc Mở rộng vào năm 1969. Kể từ năm 1905, giải đấu này đã được tổ chức ở 6 địa điểm sau: Melbourne (46 lần), Sydney (17 lần), Adelaide (14 lần), Brisbane (8 lần), Perth (3 lần) và tại nước láng giềng New Zealand (2 lần vào các năm 1906 & 1912). Vào năm 1972, các nhà tổ chức quyết định giải đấu sẽ diễn ra chỉ ở một thành phố trong một năm và CLB Kooyong Lawn Tennis của thành phố Melbourne đã được lựa chọn để tổ chức giải đấu này.

    Melbourne Park (có tên khác là Flinders Park) được xây dựng vào năm 1988, đúng thời điểm mà các nhà tổ chức đang muốn mở rộng phạm vi giải đấu và CLB Kooyong quá nhỏ để có thể đáp ứng được nhu cầu trên. Giải đấu được chuyển tới Melbourne Park và ngay lập tức đã mang lại thành công khi nó làm tăng thêm đến 90% lượng khán giả - lên đến 266.436 lượt người vào năm 1988 trong khi đó ở năm trước chỉ có 140.000 lượt người ghé thăm Kooyong. Vì khoảng cách địa lý quá xa xôi của Australia, những giải đấu đầu tiên có rất ít các tay vợt nước ngoài tham dự. Trong thập niên 1920, để đi từ châu Âu tới Australia bằng tàu thủy phải mất 45 ngày. Những vận động viên quần vợt đầu tiên tới Úc bằng máy bay là đội tuyển Cúp Davis Hoa Kỳ vào tháng 11 năm 1946. Ngay cả đối với các tay vợt bản địa, đến tham dự giải cũng không phải là điều dễ dàng. Khi giải được tổ chức tại Perth, không có bất cứ tay vợt nào đến từ Victoria hay New South Wales đăng ký tham dự, vì nếu như vậy họ phải đi tàu hỏa hơn 3.000 km từ bờ Đông sang bờ Tây nước Úc. Hay giải tổ chức tại Christchurch, New Zealand năm 1906, chỉ có hai tay vợt Úc tham dự.

    Serena Wiliam tại Australia Open
    Serena Wiliam tại Australia Open
    Australia Open
    Australia Open
  4. Top 4

    Roland Garos

    Giải quần vợt Roland-Garros hay còn gọi là Giải quần vợt Pháp Mở rộng, là một trong 4 giải Grand Slam quần vợt trong năm. Đây là giải Grand Slam thứ 2 trong năm, thường diễn ra vào khoảng thời gian nửa cuối tháng 5 và đầu tháng 6 tại Paris, Pháp. Giải đấu được đặt theo tên của anh hùng phi công người Pháp - Roland Garros. Đây là giải đấu trên mặt sân đất nện lớn nhất thế giới. Giống như tại Australian Open hay Wimbledon luật thi đấu tại Roland Garros theo thể thức 5 set thắng 3 (đối với nội dung đơn nam) và theo thể thức 3 set thắng 2 (đối với nội dung đơn nữ), không có ván giải hòa (tie-breaker) ở hiệp cuối cùng (trừ Mỹ Mở rộng), ngoài ra còn có nội dung đánh đôi nam, đôi nữ và đôi nam nữ phối hợp. Roland-Garros được coi là giải đấu đòi hỏi nền tảng thể lực khắc nghiệt nhất. Đương kim vô địch hiện tại là Novak Djokovic (02 lần vô địch).


    Giải đấu lần đầu tiên được khởi tranh vào năm 1891. Tại thời điểm đó, giải có tên gọi Championat de France International de Tennis (Giải vô địch quần vợt quốc tế Pháp). Trong những năm đầu tiên, chỉ các tay vợt nam người Pháp, hoặc người nước ngoài có thẻ hội viên trong một câu lạc bộ quần vợt Pháp mới được quyền tham gia giải. Phải đến năm 1897, giải đấu dành cho nữ mới được tổ chức và mãi đến năm 1924 ban tổ chức mới cho phép mọi tay vợt nước ngoài đến tranh tài. Năm 1927, Bộ tứ huyền thoại, 4 chàng Ngự lâm pháo thủ hay Bộ tứ Philadelphia chấn động làng bóng nỉ toàn cầu khi giành chức vô địch Cúp Davis năm 1927 ngay trên đất Mỹ, sau khi đánh bại đội tuyển Hoa Kỳ. Đội tuyển Pháp giành quyền tổ chức trận bảo vệ chức vô địch năm sau tại Paris. Để chuẩn bị cho giải Cúp Davis năm 1928, các nhà lãnh đạo Pháp đã quyết định xây dựng một sân thi đấu quần vợt tại Porte d’Auteuil, sau khi CLB Stade de France đã tặng chính quyền 3 hectare để xây dựng sân vận động mới với một điều kiện duy nhất: Sân sẽ mang tên anh hùng không quân Pháp trong Chiến tranh thế giới lần thứ nhất, Roland Garros, một thành viên của câu lạc bộ. Từ đó giải còn mang tên gọi Roland Garros.

    Novak Djokovic lần đầu đăng quang tại Roland Garos .
    Novak Djokovic lần đầu đăng quang tại Roland Garos .
    Roland Garros
    Roland Garros
  5. Top 5

    ATP World Tour Finals

    ATP World Tour Finals, tên chính thức là ATP Finals, là giải đấu quần vợt nam cuối cùng trong năm, quy tụ 8 tay vợt nam đứng đầu bảng xếp hạng thế giới. Không như các giải đấu quần vợt khác, ATP Finals không tiến hành theo thể thức loại trực tiếp suốt cả giải. 8 tay vợt được chia thành 2 nhóm, mỗi nhóm 4 tay vợt, thi đấu theo thể thức vòng tròn 1 lượt ở từng nhóm. 2 tay vợt xếp đầu mỗi nhóm vào bán kết, 2 người thắng ở bán kết gặp nhau ở chung kết để xác định nhà vô địch. Giải đấu thực sự được coi là cuộc cách mạng thứ ba của các giải đấu quần vợt được bắt đầu từ năm 1970. Ban đầu giải có tên The Masters, được Liên đoàn quần vợt Quốc tế (ITF) tổ chức. The Masters là giải đấu cuối năm giữa các tay vợt hàng đầu của các giải đấu nam, nhưng thành tích của giải không được tính vào thành tích chung trong cả năm. Năm 1990, Hiệp hội quần vợt nhà nghề (ATP) tham gia vào việc điều hành các giải đấu nam và thay The Masters bằng ATP Tour World Championship (Giải vô địch thế giới ATP). Lần này thành tích của giải được tính vào thành tích chung của tay vợt tham dự. Nhà vô địch kiếm được số điểm bằng với việc thắng một trong bốn giải Grand Slam. ITF vẫn còn điều hành các giải Grand Slam đã tạo ra một giải đấu cạnh tranh có tên Grand Slam Cup, quy tụ 16 tay vợt có thành tích tốt nhất ở các giải Grand Slam trong năm.


    Tháng 12 năm 1999, ATP và ITF thỏa thuận với nhau không tiếp tục tạo ra hai giải đấu riêng biệt nữa và thành lập ra một giải do cả hai tổ chức cùng điều hành, lấy tên Tennis Masters Cup. Cũng như The Masters và ATP Tour World Championships, Masters Cup gồm 8 tay vợt hàng đầu tham dự, theo bảng xếp hạng ATP Race. Tuy nhiên, theo luật của giải đấu, tay vợt xếp thứ 8 trong bảng xếp hạng ATP Race không đảm bảo một suất tham dự. Nếu có tay vợt giành được một trong 4 giải Grand Slam trong năm có thứ hạng thấp hơn 8 nhưng vẫn trong 20 thứ hạng đầu sẽ giành được quyền tham dự, thay vì tay vợt hạng 8. Nếu có hai tay vợt ngoài hạng 8 cùng vô địch các giải Grand Slam trong năm, tay vợt có thứ hạng cao hơn trong bảng xếp hạng sẽ giành quyền tham dự. Từ năm 2009 Masters Cup lại được đổi tên là ATP World Tour Finals (Giải đấu chung kết ATP) và được tổ chức tại Sân O2 ở London từ 2009 đến 2012. Trong nhiều năm, các tay vợt tham gia đấu đôi ở một giải đấu khác tổ chức sau giải đơn 1 tuần. Gần đây cả hai nội dung được tổ chức chung. Cũng như giải đơn, 8 cặp đôi hàng đầu tham dự và cũng chia thành 2 nhóm đấu vòng tròn một lượt, bán kết và chung kết. Cựu số 1 thế giới Roger Federer đang là người dẫn đầu với 6 lần vô địch giải này, xếp tiếp theo là các cựu số 1 thế giới Pete Sampras, Ivan Lendl mỗi người 5 lần vô địch.

    8 tay vợt xuất sắc nhất tham dự ATP Finals
    8 tay vợt xuất sắc nhất tham dự ATP Finals
    ATP World Tour Finals
    ATP World Tour Finals



Công Ty cổ Phần Toplist
Địa chỉ: Tầng 3-4, Tòa nhà Việt Tower, số 01 Phố Thái Hà, Phường Trung Liệt, Quận Đống Đa, Thành phố Hà Nội
Điện thoại: 0369132468 - Mã số thuế: 0108747679
Giấy phép mạng xã hội số 370/GP-BTTTT do Bộ Thông tin Truyền thông cấp ngày 09/09/2019
Chịu trách nhiệm quản lý nội dung: Nguyễn Duy Ngân
Chính sách bảo mật / Điều khoản sử dụng | Privacy Policy