Top 10 Khu đô thị bị bỏ hoang đắt đỏ nhất
Những năm gần đây có rất nhiều khu đô thị đắt đỏ bị bỏ hoang khiến dư luận đặc biệt quan tâm, đã có nhiều khu đô thị mới được xây dựng, hoàn thiện phần thô, ... xem thêm...nhưng không được đưa vào sử dụng hoặc sử dụng rất ít, thưa thớt. Trong bài viết hôm nay Toplist sẽ giới thiệu đến bạn các khu đô thị bị bỏ hoang đắt đỏ nhất nhé.
-
Dương Nội là dự án lớn phía Tây Hà Nội do Tập Đoàn Nam Cường làm chủ đầu tư, thuộc phường Dương Nội, quận Hà Đông. Nơi đây được quy hoạch đồng bộ với hồ Bách Hợp Thủy rộng 12ha và Trung tâm thương mại Aeon Mall Hà Đông.
Dự án được khởi công từ năm 2008 với tổng mức đầu tư ban đầu 7.642 tỷ đồng, nhưng vẫn còn vài khu vực chưa được thi công hoặc đang trong quá trình hoàn thiện. Dù hạ tầng, cảnh quan, đường xá, hệ thống đèn chiếu sáng hầu như đã đầy đủ, lượng cư dân chuyển về ở vẫn thưa thớt.
Trên một số trang web bất động sản, giá các căn biệt thự liền kề tại đây từ 110- 140 triệu đồng/m2 (tuỳ theo phân khu và loại hình sản phẩm). Như vậy, để sở hữu một căn biệt thự ở Dương Nội, khách hàng phải bỏ ra từ 10 tỷ đồng trở lên. Nhiều căn biệt thự đắt giá thời gian này vẫn được treo biển rao cho thuê, bán ở ban công hoặc trước cửa. Các lối ra vào được chăng dây hoặc khóa trái.
-
Khu đô thị Lideco do công ty Cổ phần phát triển đô thị Từ Liêm (Lideco) làm chủ đầu tư nằm trên đường 32, huyện Hoài Đức (Hà Nội) được khởi công xây dựng vào năm 2007, nhưng sau hơn chục năm khu đô thị này vẫn dở dang. Đa số các căn biệt thự tại khu đô thị này mới chỉ xong phần thô, để hoang hóa, không có người ở. Tổng thể quy hoạch của dự án được chia thành hai đơn vị ở nằm ở hai phía của trục đường chính. Phía Đông và Tây chủ yếu bố trí các nhà biệt thự song lập, nhà liền kề và nhà liền kề có vườn, nhà ở, lô phố.
Dự án với quy mô hơn 38 ha, với tổng mức đầu tư 781 tỷ đồng gồm 648 căn biệt thự, nhà vườn và 136 căn liền kề được thiết kế theo phong cách tân cổ điển. Theo phê duyệt, dự án Khu đô thị Lideco hoàn thiện từ năm 2013, nhưng sau chục năm dự án vẫn dở dang.
Theo khảo sát, hiện các căn biệt thự tại dự án Khu đô thị Lideco có giá bán dao động từ 80-130 triệu đồng/m2, tương đương từ 13 tỷ đồng đến 30 tỷ đồng mỗi căn, tùy vị trí. Trong khi đó, nhiều căn xây xong phần thô để cho thuê với giá trung bình từ 30-40 triệu đồng.
-
Mê Linh nối trung tâm Hà Nội bằng đường Võ Văn Kiệt kéo dài từ phía Bắc cầu Thăng Long đến gần sân bay Nội Bài. Trong tương lai, cùng với Đông Anh và Sóc Sơn, huyện này sẽ là thành phố phía Bắc trực thuộc thủ đô. Từng được kỳ vọng trở thành khu đô thị hiện đại bậc nhất Hà Nội nhưng sau gần 15 năm triển khai, dự án là một sản phẩm lỗi.
Trong 18 dự án được ký một tháng trước ngày quyết định mở rộng Hà Nội có hiệu lực (tháng 8/2008), khu đô thị AIC từng là cái tên nổi lên được nhiều người chú ý, đến nay phần lớn diện tích vẫn bị bỏ không. Tại Quyết định 126 ngày 12/7/2021 của Thanh tra Sở KH&ĐT xử phạt vi phạm hành chính đối với việc không thực hiện hoạt động đầu tư đúng trong hồ sơ đăng ký và việc không thực hiện báo cáo về hoạt động đầu tư, giám sát, đánh giá đầu tư dự án, công ty đã chấp hành nộp phạt.
Khu đô thị Hà Phong (Mê Linh, Hà Nội), sản phẩm Công ty CP Hà Phong có 2 cổ đông lớn là Tập đoàn Thái Bình Dương của ông Phan Văn Quý và Geleximco của ông Vũ Văn Tiền, sau 20 năm triển khai với nhiều đợt sốt đất vẫn bị bỏ hoang.
Với gần 2.400ha đất thuộc 47 dự án bị treo nhiều năm, huyện Mê Linh (Hà Nội) là một trong những địa phương của thủ đô có nguồn lực đất đai bị đánh giá là lãng phí nhiều nhất.
-
Thuộc 2 xã An Khánh và An Thượng (huyện Hoài Đức), Khu đô thị Nam An Khánh nằm ngay bên nút giao đại lộ Thăng Long - Lê Trọng Tấn. Dự án được khởi công từ năm 2008 với tổng diện tích xây dựng gần 190ha, do Công ty cổ phần Đầu tư phát triển đô thị và Khu công nghiệp Sông Đà (Sudico) làm chủ đầu tư. Theo thiết kế, nơi đây có 4 phân khu chính là khu hỗn hợp, khu hồ lớn, khu hồ nhỏ và khu mở rộng. Các sản phẩm có đủ các hạng mục như biệt thự đơn lập, song lập, liền kề, nhà vườn, shophouse, chung cư các loại, diện tích từ 133 - 884m2...
Sau 15 năm, dự án vẫn còn dang dở, chưa đồng bộ về hạ tầng. Một vài phân khu đã xây dựng xong, nhiều dãy nhà đã hoàn thành phần thô từ nhiều năm trước nhưng không thể hoàn thiện hẳn và chưa có người vào ở. Thực trạng cho thấy khu vực này chưa được hoàn thiện về hạ tầng, dịch vụ tiện ích xung quanh kém, đặc biệt là vấn đề an ninh. Những yếu tố đó khiến nhiều nhà đầu tư lẫn người có nhu cầu mua để ở ái ngại "xuống tiền".
Năm 2014, chủ đầu tư Sudico đã hợp tác với Techcom Development (thuộc Techcombank) và trong năm 2015, tiếp tục ký phụ lục chuyển nhượng quyền sử dụng đất cho Techcom Development với giá trị chuyển nhượng tăng thêm gần 900 tỷ đồng (tổng giá trị hợp đồng là 2.100 tỷ đồng). Sudico cũng đã chuyển nhượng quyền sử dụng khu đất HH2D với giá trị hợp đồng là 263 tỷ đồng, chuyển nhượng quyền sử dụng đất cho MB với giá trị hợp đồng 203 tỷ đồng. Trong những năm gần đây, thị trường bất động sản "sốt nóng" ở nhiều khu vực, trong đó có vùng phía Tây Hà Nội. Các loại hình bất động sản liền kề, biệt thự khu vực này liên tiếp xác lập mức giá cao. Trên một vài website, giá biệt thự tại Nam An Khánh được rao bán ở mức giá 15 - hơn 30 tỷ đồng, tùy vị trí và diện tích.
-
Với tổng diện tích quy hoạch 46,18ha, Khu đô thị Vườn Cam là dự án được UBND tỉnh Hà Tây (nay là UBND TP Hà Nội) giao công ty cổ phần Vinapol làm chủ đầu tư và thực hiện dự án theo một quyết định được ban hành từ tháng 12/2007, thời hạn hoàn thành là ngày 31/12/2013. Tuy nhiên đến nay, công trình có tổng vốn đầu tư khoảng 3.000 tỷ đồng này vẫn đang trong quá trình xây dựng, chưa thể đưa vào sử dụng.
Trước đó, vào đầu năm 2015, UBND TP Hà Nội phê duyệt điều chỉnh cục bộ quy hoạch chi tiết 1/500 với quy mô diện tích khoảng 54ha bao gồm trên 600 ngôi biệt thự, nhà vườn... Từ năm 2019, dự án được tái khởi động.
Vườn Cam được thiết kế chỉ có một cổng duy nhất ra vào để đảm bảo quản lý. Đây là một trong số ít các đô thị ở Hà Nội chỉ xây dựng biệt thự cao cấp, không có shophouse, chung cư hay nhà liền kề... Tuy nhiên, số phận khu đô thị này đang là những dấu hỏi khi những căn nhà đắt đỏ chỉ mới được xây xong phần thô. Dù hạ tầng như hiện tại, một số tay môi giới cho hay, mỗi căn biệt thự khoảng 200 - 300m2 có giá dao động từ 10 - 20 tỷ đồng.
-
Dự án đầu tư xây dựng Điểm dịch vụ du lịch sinh thái Song Phương (Hoài Đức, Hà Nội) có diện tích hơn 9,5 ha. Dự án do Công ty CP Thương mại và Dịch vụ Phương Viên làm chủ đầu tư. Theo phê duyệt ban đầu, Dự án đầu tư xây dựng Điểm dịch vụ du lịch sinh thái Song Phương nhằm phục vụ du lịch, nghỉ dưỡng. Sau đó, chủ đầu tư dự án đã điều chỉnh mục tiêu thành xây dựng khu nhà ở cao cấp có hệ thống hạ tầng kỹ thuật đồng bộ.
Năm 2018, Thanh tra Chính phủ có kết luận thanh tra về việc phê duyệt, thu hồi đất thực hiện dự án Điểm dịch vụ du lịch sinh thái Song Phương. Thời điểm này, dự án đã hoàn thành 90% khối lượng thi công với nhiều căn biệt thự xây thô và cơ bản hoàn thành phần móng của 3 tòa chung cư. Kết luận thanh tra cho biết, UBND tỉnh Hà Tây từng ra hai quyết định về việc điều chỉnh quy hoạch chi tiết dự án Điểm dịch vụ du lịch sinh thái Song Phương và Thanh tra Chính phủ khẳng định hai quyết định này là không có cơ sở, không thuộc các trường hợp được xem xét điều chỉnh, vi phạm Điều 29, Nghị định 08/2005/NĐ-CP ngày 24/01/2005 về Quy hoạch xây dựng.
Chủ đầu tư dự án đã điều chỉnh mục tiêu thành xây dựng khu nhà ở cao cấp có hệ thống hạ tầng kỹ thuật đồng bộ; điều chỉnh chức năng sử dụng đất dự án từ đất xây dựng nhà cao 3 tầng làm dịch vụ du lịch, văn phòng nghỉ dưỡng, thành đất xây nhà ở thương mại trên diện tích 14.043m2; điều chỉnh tầng cao công trình 3 tòa chung cư từ 11 tầng lên 44 tầng. Dự án cũng điều chỉnh diện tích thực hiện dự án giai đoạn I từ 82.772m2 lên 95.511m2; điều chỉnh quy mô dân số từ 1.026 người lên 2.740 người.
Hiện dự án trong tình trạng thi công dở dang, hàng chục biệt thự, căn hộ liền kề đã được bán cho người mua nhà không thể sử dụng do chủ đầu tư không thể kết nối được các hạ tầng dự án với bên ngoài. Những năm qua, dù các cơ quan chức năng của TP Hà Nội đã nhiều lần làm việc với Công ty Phương Viên để đôn đốc tiến độ, nhưng chủ đầu tư vẫn không thể hoàn thành dự án đúng tiến độ. Được biết, các biệt thự tại khu du lịch sinh thái Song Phương được giao dịch trên thị trường giá 20 triệu đồng/m2, thời điểm sốt đất gần đây giao dịch tăng lên gấp 2 lần.
-
Dự án khu đô thị Hoa Phượng do liên danh chủ đầu tư gồm Công ty TNHH Ứng dụng và Phát triển công nghệ AVN, Công ty Cổ phần Lý Hùng và Công ty Cổ phần Đầu tư Phát triển Hạ tầng làm chủ đầu tư. Dự án này thuộc địa bàn xã An Khánh, huyện Hoài Đức, Hà Nội. Tổng diện tích của khu biệt thự là 84.499 m2 với quy mô 147 căn 3 tầng. Dù đã triển khai hơn một thập kỷ, dự án khu đô thị Hoa Phượng vẫn chưa hoàn thiện, do đa phần chủ sở hữu chỉ xác định mua đi bán lại để kiếm lời.
Toàn bộ dự án khu đô thị Hoa Phượng có tới hàng trăm căn biệt thự nhà vườn, song lập, được xây dựng từ năm 2008, dự kiến hoàn thiện vào năm 2015. Nhưng đến nay, số lượng căn được hoàn thiện, đưa vào sử dụng là rất ít. Nhìn từ trên cao, dự án này chỉ có lác đác căn biệt thự được hoàn thiện, có người ở, còn lại phần lớn bỏ hoang.
Các căn biệt thự xây thô tại đây được rao bán hàng chục tỷ đồng. Cụ thể, những căn đơn lập, diện tích khoảng 313m2, rao bán giá khoảng 23 tỷ đồng. Căn biệt thự 410m2, rao bán khoảng 30 tỷ đồng. Đáng chú ý, phần lớn biệt thự tại đây đang hoang hóa, xuống cấp từng ngày. Theo khảo sát, hiện một số căn biệt thự dự án này đang có giá dao động khoảng 70 - 85 triệu đồng/m2, tùy vị trí, diện tích.
-
Foresa Villa – khu đô thị sinh thái Xuân Phương là dự án nằm trên mảnh đất 38ha tại phường Xuân Phương, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội. Nơi đây, hàng loạt biệt thự xây xong bị bỏ hoang, hư hỏng, biến thành bãi chứa rác khiến người dân khu vực bức xúc, gửi đơn kêu cứu lên UBND TP. Hà Nội.
Theo công bố của chủ đầu tư - Tasco, dự án có tổng mức đầu tư 2.850 tỷ đồng gồm các khu chức năng như khu cây xanh, hồ nước, các công trình nhà ở thấp tầng, công trình công cộng, đơn vị ở và công trình hạ tầng xã hội.
Mặc dù có mức đầu tư gần 3.000 tỷ đồng nhưng một số biệt thự đơn lập có giá cả triệu đô trong Khu đô thị sinh thái Xuân Phương - Foresa Villa vẫn bị bỏ hoang nhiều năm, có hiện tượng sụt lún nền nghiêm trọng, tiềm ẩn nguy hiểm cho tính mạng cư dân.
Đáng chú ý, hồi tháng 2/2020, các cư dân mua nhà sinh sống tại dự án đã gửi đơn kêu cứu tới nhiều cơ quan để phản ánh về việc đã mua nhà gần 5 năm nhưng vẫn chưa được chủ đầu tư trả giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, mặc dù đã đóng đủ 95% giá trị căn nhà cho chủ đầu tư.
-
Tập đoàn Lã Vọng bước chân vào lĩnh vực bất động sản vào năm 2008 với dự án khu đô thị Ngôi Nhà Mới (New House City) tại huyện Quốc Oai (Hà Nội). Tưởng chừng sản phẩm đầu tay sẽ thành công rực rỡ khi thị trường đang "sốt nóng", nhưng Ngôi Nhà Mới ngay lập tức gặp không ít khó khăn. Đến nay, qua gần một thập kỷ đầu tư, dự án Ngôi Nhà Mới tại Quốc Oai vẫn phần lớn bị bỏ hoang. Nhiều căn biệt thự mới chỉ hoàn thiện xong phần thô rồi để hoang.
Được đầu tư ngay cạnh đại lộ Thăng Long, gần trung tâm thị trấn Quốc Oai, dự án Ngôi Nhà Mới được coi là có vị trí đắc địa. Không những vậy, vào thời điểm đó, khi Hà Tây mới sát nhập về Hà Nội, trục đại lộ Thăng Long được nhiều nhà đầu tư đất săn tìm, đẩy giá lên mức cao. Dự án nằm cách đường vành đai 3 của Hà Nội khoảng 15 km về hướng tây, dự kiến trở thành quần thể gồm các nhà biệt thự, chung cư, trường học cao cấp, trung tâm thương mại, trạm xá, hồ sinh thái, công viên cây xanh.
Chủ đầu tư đã xây dựng 258 lô biệt thự trên diện tích 27,5 ha, được chia làm 4 khu song lập. Giá bán đất nền vào thời điểm đó là khoảng 10 triệu đồng/m2, những căn biệt thự có giá vài tỷ đến trên 10 tỷ đồng. Theo thông tin vào thời điểm đó, tổng vốn đầu tư của dự án lên đến 2.000 tỷ đồng, được coi là một trong những dự án lớn tại khu vực Hà Tây khi đó. Hiện chỉ lác đác một số căn biệt thự có người ở và hoàn thiện, phần lớn đang bỏ hoang. Hệ thống hạ tầng như đường xá, trường học, trạm xá cũng không được hoàn thiện.
-
Khu đô thị Geleximco Lê Trọng Tấn là tổ hợp căn hộ chung cư, biệt thự, nhà liền kề và nhà phố thương mại, nằm về phía Tây Bắc của Hà Nội, tọa lạc ngay hai bên đường Lê Trọng Tấn, thuộc địa phận huyện Hoài Đức và quận Hà Đông. Khu đô thị Geleximco Lê Trọng Tấn được quy hoạch trên tổng diện tích 135 ha, với mật độ xây dựng 35%. Khu đô thị bao gồm: các công trình công cộng (trường học, nhà trẻ, mẫu giáo, trung tâm thương mại dịch vụ, siêu thị, các công trình hành chính…); công trình văn hoá, thể dục thể thao, công viên cây xanh, khu vui chơi, giải trí; công trình nhà ở (nhà liền kề, nhà phố thương mại, biệt thự và căn hộ); các công trình đầu mối kỹ thuật (trạm biến thế điện, hệ thống cấp nước sinh hoạt, xử lý nước thải, bãi đỗ xe, cây xăng…).
Khu đô thị Geleximco Lê Trọng Tấn chia làm 4 phân khu A, B, C và D. Theo đó, khu A (30 ha) có các loại sản phẩm là căn hộ chung cư và nhà liền kề nằm về 2 mặt đường Lê Trọng Tấn kéo dài và mặt đường Hoà Lạc, đối diện với dự án Bắc An Khánh. Khu B (21 ha) phát triển chính là dòng sản phẩm biệt thự và nhà liền kề có vị trí nằm tiếp giáp với khu đô thị Sudico Nam An Khánh. Khu C (42 ha) và khu D (40 ha) nằm đối diện nhau qua đường Lê Trọng Tấn, quy hoạch có các loại sản phẩm nhà phố thương mại và biệt thự nối thẳng qua trung tâm thương mại Aeon Mall Hà Đông. Hiện nay tại khu đô thị này hàng loạt căn nhà liền kề đã hoàn thiện nhưng không có người vào ở.