Top 6 Kiến thức phong thủy căn bản môi giới cần biết khi làm bất động sản

Phan Thị Kim Ngân 465 0 Báo lỗi

Trong “biển” kiến thức về phong thủy, môi giới bất động sản cần nắm vững các kiến thức cơ bản dưới đây để tư vấn đúng cho khách hàng, nâng cao uy tín nghề ... xem thêm...

  1. Xác định tâm nhà là bước rất quan trọng để "phân cung điểm hướng", từ đó định ra các phương vị của ngôi nhà và bố trí các khu chức năng phù hợp. Tâm nhà được định nghĩa là một điểm mà tại đó các lực cân bằng nhau. Do đó, tâm nhà không đơn giản chỉ là tâm của hình vuông hay hình chữ nhật mà có thể coi như cách tính tâm của miếng cứng. Với các căn nhà khuyết góc, nhà có hình dạng phức tạp… thì phải sử dụng các phần mềm chuyên dụng để tính tâm, không tính thủ công như nhà vuông vắn. Khi xác định tâm nhà cũng chỉ tính trên phần diện tích nhà có mái che, không tính phần sân vườn hoặc phần ban công, sân thượng không có mái.


    Với hướng nhà, cần lưu ý, không chỉ nhà đất thổ cư mà với cả căn hộ chung cư, hướng nhà cũng tính là hướng cửa ra vào, nơi "nạp khí" cho căn hộ. Không nên lấy hướng ban công hay mặt thoáng của phòng khách làm hướng chung cư. Hướng nhà là hướng vuông góc với mặt tiền nhà theo chiều từ trong nhà nhìn ra. Nên sử dụng la bàn chuyên dụng để xác định hướng nhà và chú ý tránh các tác động của từ trường. Nên đo ở nhiều vị trí khác nhau và tổng hợp kết quả để tăng độ chính xác.


    Lưu ý:


    • Các phần mềm la bàn trên điện thoại có độ sai số rất lớn không nên sử dụng.
    • Tâm nhà chỉ tính trên phần diện tích nhà có mái che, không tính phần sân vườn hoặc phần ban công, sân thượng không có mái.
    Hướng nhà
    Hướng nhà

  2. Yếu tố Hướng theo quan điểm của Bát trạch là quan trọng. Tuy nhiên về đại cục, yếu tố về vị trí, về địa điểm là yếu tố hàng đầu. Vị trí của công trình phải đặt lên hàng đầu, sau đó mới tính đến hướng theo Bát trạch. Đối với nhà đất thổ cư ưu tiên vị trí xem công trình có vượng khí không. Kế đến là cấu trúc, hình thể của công trình. Hướng xấu có thể hóa giải được theo nguyên tắc "đa cát thắng tiểu hung".


    Một số lưu ý khi chọn vị trí cho nhà:


    • Nếu muốn chọn lựa một ngôi nhà tốt trong thành thị nơi dân cư sầm uất, nên tìm nơi bằng phẳng rộng rãi, đất nền cao hơn trung bình một chút để tránh không gian bị tù túng, ngập lụt ảnh hưởng đến đời sống. Còn nếu ở vùng sơn cước, cao nguyên nhiều nắng gió nên chọn nơi lòng chảo thấp trũng kín đáo, nơi có ba bề bốn bên là núi hoặc cây cối tránh gió thổi tạt ảnh hưởng tới sinh hoạt con người. Đây chính là vấn đề tàng phong tụ khí theo cách nói của Thuyết khoa học phong thủy.
    • Nhà ở cần ở vị trí mát mẻ, có dương khí mới tốt, khô khan thì không nên. Một ngoại hình đẹp lý tưởng cho mảnh đất làm nhà là phải có núi cao ở hướng Đông (Thanh Long), có đồi thấp ở hướng Nam (Hồng phượng) và có cây to ở hướng Bắc (Hắc quy). Nhà ở được “nước” hướng vào là tốt, còn quay lưng lại là xấu. Ngoài ra, phong thủy còn cho rằng căn nhà có đặc điểm tốt phải có hình thể phân minh rõ ràng theo tứ linh “Long, Quy, Hổ, Phượng” biểu tượng “long” là tốt nhất và cũng là ưu tiên hàng đầu.
    • Nếu địa hình bên ngoài ngôi nhà ở khu vực phía Đông – Tây dù không hoàn chỉnh (không đủ các yếu tố thuận lợi) thì vẫn được coi là phù hợp. Trong khi đó, nếu ở phía Bắc – Nam, không hội đủ các yếu tố thuận lợi thì không nên chọn làm nhà ở. Phía Bắc nghiêng Đông mà không hoàn chỉnh cũng không tốt, phía Nam – Bắc dài, phía Đông – Tây hẹp thì tốt nhưng phía Đông, Phía Tây dài, Phía Nam, Bắc hẹp thì sẽ không tốt.
    • Nhà ở bốn phía nước chảy, đường sá giao nhau thì không tốt. Nhà ở mà trước cửa không có ao hồ thì nên làm thêm ao hồ hình bán nguyệt. Thế nhưng, nhà ở rất kỵ trường hợp có hai hay nhiều ao hồ, cây to trước cửa nhà cũng không tốt, không chỉ trở ngại ánh sáng lọt vào mà còn cản trở âm khí thoát đi. Khi làm nhà cũng nên tránh cửa chính nhìn thẳng vào góc nhà khác, cũng nên tránh cửa chính nhìn đối diện lối vào.
    • Trong phong thủy cho rằng ” sinh khí đi theo đường cong, sát khi đi theo đường thẳng” nên nhà ở cạnh đình chùa, miếu, đền… đều không tốt vì ” góc ao, đao đình”. Đặc biệt cần tránh các góc cạnh của đình chùa, của những nhà lân cận, hay góc ngọn của ao hồ.
    Nguyên tắc
    Nguyên tắc "nhất vị nhị hướng".
  3. Theo Bát quái, ngôi nhà được phân ra làm 8 phương vị đại diện cho các thành viên gia đình và các mặt trong đời sống của gia chủ. Nhà khuyết góc quá nhiều hoặc nhà vừa khuyết góc vừa thóp hậu thì tốt nhất không nên lựa chọn. Nhà khuyết góc tạo ra nhiều góc cạnh gây sát khí không tốt. Ngoài ra nhà khuyết cung nào sẽ ảnh hưởng đến từng mặt cụ thể, chẳng hạn cung Đông Nam ảnh hưởng đến tài chính, cung Bắc ảnh hưởng đến quan lộc, cung Tây ảnh hưởng đến con cái…


    Một số thế sát thường gặp và cách hóa giải với nhà ở thổ cư:


    • Thương sát: Chỉ những ngôi nhà bị đường đâm thẳng vào. Ở trong những ngôi nhà này, gia chủ dễ ảnh hưởng đến sức khỏe, dễ có tai nạn thương tật.
      • Hóa giải: Tạo khoảng đệm (sân vườn phía trước), thiết kế tiểu cảnh nước hoặc treo gương cầu lồi, trồng cây xanh để điều tiết bớt dòng khí. Tuy nhiên khi xem xét định vị ngôi nhà có phạm thương sát hay không cần dựa vào độ dài ngắn, lưu lượng đi lại trên con đường, tương quan giữa độ lớn của con đường và tòa nhà để luận tốt xấu.
    • Xung bối sát: Chỉ những ngôi nhà bị đường đâm phía sau lưng. Nếu sống trong ngôi nhà này, gia chủ nhà dễ gặp họa tiểu nhân.
      • Hóa giải: Tạo khoảng đệm (sân vườn phía sau) hoặc treo gương cầu lồi trồng cây xanh để che chắn.
    • Cắt cước sát: Chỉ những ngôi nhà nằm ở vị trí quá gần xa lộ, cao tốc. Sống ở đây, chủ nhà hay thay đổi bất định, tàn vận trồi sụt thất thường, tiền bạc đến rồi đi không giữ được.
      • Hóa giải: Thiết kế một khoảng đệm phía trước nhà. Nếu là nhà tầng, nên để trống toàn bộ tầng 1 làm khoảng đệm.
    • Liêm đao sát: Chỉ những ngôi nhà bị con đường hay dòng sông uốn lượn có phần phản cung hướng về phía nhà giống như lưỡi đao chém tới. Sống ở những ngôi nhà này gia chủ nhà dễ bị thương tật.
      • Hóa giải: Phía trước nhà nên trồng thêm cây xanh che chắn. Treo thêm gương cầu lồi.
    • Đao trảm sát: Chỉ những ngôi nhà bị con đường giống như đao chém tới (hình chữ L ngược). Sống trong nhà này, chủ nhà dễ gặp tổn hại về người.
      • Hóa giải: Phía trước nhà nên trồng thêm cây xanh che chắn. Treo thêm gương cầu lồi.
    • Thiên trảm sát: Chỉ ngôi nhà đối diện với khoảng trống do hai căn nhà phía trước tạo ra. Chủ nhân những ngôi nhà này dễ bị bệnh tật, tiền bạc không giữ được.
      • Hóa giải: Treo gương cầu lồi hoặc trồng cây ở vị trí khe hở chiếu vào nhà để hóa giải. Nếu được nên thiết kế cửa chính tránh đối trực diện với khe hở.
    • Độc âm sát: Chỉ những ngôi nhà quá gần nghĩa trang, bệnh viện, nhà tang lễ. Người sống trong những ngôi nhà này tính cách dễ cô độc, khí vận kém, ngủ hay nằm mơ.
      • Hóa giải: Nên trồng thêm cây tre trúc vì loại cây này có nhiều khí dương, giúp hấp thụ khí âm. Ngoài ra gia chủ có thể nuôi thêm chó cảnh, chim cảnh… cũng giúp tăng cường dương khí.
    Nhận biết và cách hóa giải một số thế sát thường gặp
    Nhận biết và cách hóa giải một số thế sát thường gặp
  4. Trong phong thủy hướng được chia thành Đông Tứ Trạch và Tây Tứ Trạch.


    • Đông tứ trạch: 1,3,4,9 (gồm các hướng Đông, Nam, Đông Nam và Bắc).
    • Tây tứ trạch: 2,5,6,7,8 (gồm các hướng Tây, Tây Nam, Tây Bắc và Đông Bắc).

    Cách tính như sau:


    • Bước 1: Xác định năm sinh âm lịch (ví dụ 1979 - Kỷ mùi).
    • Bước 2: Cộng 2 số cuối của năm sinh, giản ước đến 1 chữ số. Ví dụ: 1979 = 7+9 = 16 => 1+6 = 7.
    • Bước 3:
      • Nam giới thì lấy 10 trừ đi số vừa tìm được rồi so với dãy số ở phía trên là ra kết quả. Theo ví dụ trên thì 10-7=3 => Hợp hướng Đông Tứ Trạch (ĐTT).
      • Nữ giới thì lấy 10 cộng với số vừa tìm được, rồi lại giản ước về 1 chữ số. Theo ví dụ trên thì 10+7 = 17 => 1+7 = 8 (hợp hướng TTT).

    Lưu ý là người sinh năm sau 2000, nam lấy 9 trừ đi số vừa tìm được, nữ lấy 6 cộng với số vừa tìm được.

    Cách tính cung mệnh
    Cách tính cung mệnh
  5. Làm nhà liên quan đến thủ tục động thổ, tác động lớn đến địa khí của một khu đất, do đó cần xem tuổi gia chủ có phù hợp động thổ hay không.


    Gia chủ phù hợp động thổ làm nhà khi tuổi âm lịch trong năm dự định làm nhà không phạm vào các hạn Tam tai, Kim lâu, Hoang ốc. Cách tính các hạn này như sau:


    • Kim lâu: Lấy số tuổi Âm Lịch chia cho 9, nếu số dư là 1, 3, 6, 8 là phạm Kim Lâu. Nếu tuổi chia hết cho 9 hoặc ra các số dư khác là không phạm. Trong đó, dư 1 là phạm Kim lâu Thân (hại mình); dư 3 là phạm Kim lâu Thê (hại vợ); dư 6 là phạm Kim lâu Tử (hại con); dư 8 là Kim lâu Lục súc (hại vật nuôi). Hoặc có thể ghi nhớ những tuổi phạm Kim lâu tra sẵn: 12, 15, 17, 19, 21, 24, 26, 28, 30, 33, 35, 37, 39, 42, 44, 46, 48, 51, 53, 55, 57, 60, 62, 64, 66, 69, 71, 73, 75.
    • Hoang ốc: nếu làm nhà vào năm phạm hạn Hoang ốc thì căn nhà dễ bị bỏ hoang hoặc ở nhưng phạm vào những vấn đề không may mắn trong cuộc sống. Hoang Ốc chia làm 6 cung: Nhất cát: Tuổi này làm rất tốt, mọi việc hanh thông; Nhị nghi: Có lợi, gia chủ hưng vượng, giàu có; Tam địa sát: Làm vào tuổi này dễ mang bệnh tật vào thân; Tứ tấn tài: Làm nhà tuổi này phúc lộc đều tốt; Ngũ thọ tử: Tuổi này dễ gây chia ly, ảnh hưởng tới tuổi thọ chủ nhà; Lục hoang ốc: Phạm vào tuổi này khó mà hoàn thành được căn nhà, không thành đạt được.
      • Để tính được hạn Hoang ốc, có thể sử dụng bàn tay Hoang Ốc. Cách tính tuổi phạm Hoang ốc trên bàn tay (xem hình). Sử dụng 6 đốt ngón tay, bắt đầu đếm từ số 1 (Nhất cát) lần lượt đi theo thứ tự 2 (Nhị nghi), 3 (Tam địa sát), 4 (Tứ tấn tài), 5 (Ngũ thọ tử), 6 (Lục hoang ốc). 10 tuổi (tuổi mụ) bắt đầu từ số 1; 20 tuổi bắt đầu từ số 2; 30 tuổi bắt đầu từ số 3… Hoặc tra bảng những tuổi phạm Hoang Ốc: 12, 14, 15, 18, 21, 23, 24, 27, 29, 30, 32, 33, 36, 38, 39, 41, 42, 45, 47, 48, 50, 51, 54, 56, 57, 60, 63, 65, 66, 69, 72, 74, 75.
    • Tam tai: Tính tuổi phạm Tam tai cần dựa vào tương quan địa chi của năm sinh chủ nhà với năm xây nhà. Theo đó, các tuổi Thân, Tý, Thìn: Tam tai vào các năm Dần, Mão, Thìn; các tuổi Tỵ, Dậu, Sửu: Tam Tai vào các năm Hợi, Tý, Sửu; các tuổi Hợi, Mão, Mùi: Tam Tai vào các năm Tỵ, Ngọ, Mùi; các tuổi Dần, Ngọ, Tuất: Tam Tai vào các năm Thân, Dậu, Tuất.


    Một số lưu ý khi tính tuổi làm nhà:


    • Năm không hợp tuổi vẫn có thể xây nhà bằng cách mượn người hợp tuổi động thổ giúp.
    • Hạn làm nhà chỉ tính cho việc xây nhà mới hoặc sửa chữa lớn liên quan đến nền móng, lợp lại mái, lên thêm tầng.
    • Những sửa chữa nhỏ hoặc làm nội thất trong nhà không cần quan tâm.
    • Nếu mua nhà để ở hay đầu tư thì không cần xem tuổi có phạm các hạn trên, năm nào cũng mua được.
    Xem tuổi làm nhà
    Xem tuổi làm nhà
  6. Trong phong thủy cho rằng, đường vào nhà theo kiểu " hồi tuyền", vòng quanh là hay nhất, kiêng trực xung tức đâm thẳng vào cửa nhà. Bởi trong phong thủy quan niệm rằng đường như một dòng chở cát khí và vượng khí, một con đường vòng, uốn lượn sẽ giúp điều hòa dòng chảy này, từ từ đem vượng khí vào nhà bạn. Ngược lại khi đường đâm thẳng vào cửa nhà dòng cát khí cuồn cuộn không được điều tiết sẽ thành hung khí, là dấu hiệu của hậu họa.


    Nếu cửa chính của căn nhà có đường đi chiếu thẳng vào thì con đường này dài bao nhiêu thì điềm báo hung hại bấy nhiêu. Đây là thế mà cổ nhân gọi là " miệng cọp " vậy. Ngôi nhà này khó mà ở yên nên không nên mua, nếu đã chót mua thì hãy xây thêm bậc thềm trước của nhà bạn, số bậc thềm phải là số lẻ, ngoài ra nếu không thể thay đổi đường đi thì còn một biện pháp khác đó là dùng cọc đá vậy.

    Ngõ phố trực xung
    Ngõ phố trực xung



Công Ty cổ Phần Toplist
Địa chỉ: Tầng 3-4, Tòa nhà Việt Tower, số 01 Phố Thái Hà, Phường Trung Liệt, Quận Đống Đa, Thành phố Hà Nội
Điện thoại: 0369132468 - Mã số thuế: 0108747679
Giấy phép mạng xã hội số 370/GP-BTTTT do Bộ Thông tin Truyền thông cấp ngày 09/09/2019
Chịu trách nhiệm quản lý nội dung: Nguyễn Duy Ngân
Chính sách bảo mật / Điều khoản sử dụng | Privacy Policy