Top 9 Linh vật trong văn hóa dân gian Việt Nam

  1. Top 1 Rồng
  2. Top 2 Phượng
  3. Top 3 Nghê
  4. Top 4 Kỳ Lân
  5. Top 5 Rùa
  6. Top 6 Hổ
  7. Top 7 Hạc
  8. Top 8 Dơi
  9. Top 9 Cá chép

Top 9 Linh vật trong văn hóa dân gian Việt Nam

Triệu Triệu Thành 141 0 Báo lỗi

Theo sự phát triển của lịch sử, văn hóa Việt đã phát triển cũng như chịu ảnh hưởng của nhiều nên văn hóa lớn ở vùng lân cận, sinh ra nhiều linh vật phong phú, ... xem thêm...

  1. Top 1

    Rồng

    Rồng trong tiếng Hán Việt là Long, là linh vật không có thật do con người sáng tạo ra với các đặc điểm: sừng hươu, đầu lạc đà, mắt quỷ, cổ rắn, bụng cá sấu, vẩy cá, móng vuốt của chim ưng, lỗ tai bò. Tại các đình, đền, miếu, phủ, di tích, trên nóc mái thường có hình tượng Lưỡng Long Chầu Nguyệt hay Lưỡng Long Chầu Nhật, mô tả hình ảnh hai con rồng uốn lượn phía cuối hai đầu nóc vươn mình trầu vào vòng tròn có các tia lửa bốc cao, biểu tượng cho Nhật và Nguyệt cũng chính là biểu tượng của ánh sáng, của vũ trụ ở chính giữa. Một biến thể gần gũi với hình tượng Lưỡng Long Chầu Nguyệt đó chính là Lưỡng Long Tranh Châu. Rồng cũng là một linh vật được sử dụng rất nhiều trong các họa tiết trang trí trên trang phục các dụng cụ lễ đồ dùng hay các hình xăm.


    Ở Việt Nam, hình tượng Rồng cũng xuất hiện từ rất sớm, bắt đầu từ thời Văn Lang - Âu Lạc.


    Rồng là bậc cao nhất trong các loài linh thú, trên cả các loại linh vật, tượng trưng cho quyền lực tối cao, uy nghiêm và lãnh đạo. Rồng còn có khả năng điều hành vũ trụ, mang mưa thuận gió hòa, giúp mùa màng tươi tốt, vạn vật thịnh vượng.


    Đối với nhiều người làm kinh doanh, hình tượng rồng còn gắn liền với sự may mắn, đại lợi, giúp công việc làm ăn của họ ngày càng phát đạt.

    Hình ảnh Lưỡng Long Chầu Nguyệt
    Hình ảnh Lưỡng Long Chầu Nguyệt
    Hình tượng Rồng trên nóc Chùa
    Hình tượng Rồng trên nóc Chùa

  2. Phượng, hay còn gọi là Phụng, tương tự như Rồng và Lân, Phượng là linh vật do con người sáng tạo ra với những đặc điểm: cổ rắn, mỏ gà, đuôi chẻ như đuôi cá, trán của chim hạc, mào vịt xiêm, thân có dấu vằn của Rồng, đằng đuôi cuốn vòm như rùa. Phượng là chúa tể của các loài chim, một biểu tượng của tầng trên bầu trời của nguồn sinh lực thiêng liêng, hiện thân của Thánh nhân, người tài. Bên cạnh đó, Phượng là loài chim tượng trưng cho sự trang nhã, quý phái của phụ nữ phương Đông. Nếu Rồng có yếu tố dương, tượng trưng cho Vua chúa thì Phượng lại có yếu tố âm nên tượng trưng cho Hoàng Hậu và người đàn bà đẹp.


    Hình tượng chim Phượng được sử dụng rất phổ biến chỉ sau hình tượng Rồng. Là một trong “Tứ Linh”, Phượng thường xuất hiện vào thời thái bình thịnh trị, tượng trưng cho sự thái bình thịnh trị của đất nước, đồng thời cũng là biểu tượng cho sự vận động của vũ trụ.

    Phượng và Rồng
    Phượng và Rồng
    Phượng
    Phượng
  3. Top 3

    Nghê

    Nghê hay còn gọi là Toan Nghê là một động vật thần thoại trong văn hóa dân gian Việt Nam, có nét giống sư tử hoặc Kỳ Lân nhưng lại mang thân hình của loài chó. Nghê là sự kết hợp của thân chó và đầu kỳ lân với móng vuốt sắc nhọn. thường được dùng làm linh vật trước cổng đình chùa, đền, miếu ở Việt Nam.


    Theo truyền thuyết, Nghê xuất hiện từ rất lâu khoảng TNK I TCN. Niên đại này tương đương với giai đoạn cuối của văn hóa Văn Lang đến đầu thời Âu Lạc. Tương truyền, Rồng sinh con đẻ cái nhưng con thứ tám có hình thù đặc biệt. Đầu của nó không có sừng, chân giống như chân sư tử, đuôi dài, cả người toát lên vẻ dữ tợn hung tợn, có năng lực chống lại các loại yêu ma. Con vật có tên là Kim Nghê.


    Từ đó, hình tượng ông Nghê được đúc tượng và đặt ở cổng nhà, đền chùa, công quán, miếu mạo để xua đuổi tà ma. Trong một số ngữ cảnh, Nghệ tượng trưng cho uy quyền, đẳng cấp và địa vị của gia đình trong xã hội. Có lẽ vì vậy mà xưa kia, nghê thường được đặt trước các dinh thự hay các đình, chùa, nhà công, miếu…

    Nghê đá
    Nghê đá
    Nghê trước cổng chùa
    Nghê trước cổng chùa
  4. Kỳ Lân là linh vật không có thật, dân gian hay quen gọi là Lân hoặc Ly. Là một trong linh vật của tứ linh theo tín ngưỡng dân gian do con người sáng tạo ra. Kỳ Lân có hình dáng của một con hươu xạ, với chiếc đuôi bò, trán sói, móng ngựa, có một chiếc sừng ngay trên trán. Lân là một báo hiệu của điềm lành, là biểu tượng của sự thông thái, trường thọ, sự cao quý và niềm hạnh phúc lớn lao. Kỳ Lân cũng là biểu tượng của lòng nhân ái và sự trung thành.


    Trong không gian kiến trúc truyền thống, Lân được bài trí thành từng cặp - biểu tượng cho sự tôn nghiêm, kính cẩn đặt trước điện thờ, đền miếu, cung điện, đầu hướng ra ngoài.


    Nghê là một biến thể của Kỳ Lân hay bị nhầm lẫn với Lân. Về đặc điểm bên ngoài Nghê được tạo hình đơn giản, mang các đặc điểm hiền hòa gần gũi và bản địa hóa so với Lân. Long Mã cũng là một biến thể của Lân, thường bị nhầm lẫn với Lân, được sử dụng rất nhiều trong các di tích tại khu vực miền Trung, đặc biệt là đình làng.

    Kỳ Lân
    Kỳ Lân
    Kỳ Lân tại Hoàng Thành Huế
    Kỳ Lân tại Hoàng Thành Huế
  5. Top 5

    Rùa

    Rùa trong tiếng Hán Việt là Quy, là một trong Tứ linh. Rùa là con vật biểu tượng cho trường thọ, sinh lực và sức chịu đựng. Rùa mang chiếc mai hình vòm trên lưng - biểu tượng cho bầu trời và phần mai phẳng ở phía dưới bụng biểu tượng cho mặt đất.


    Những đường rách ở phần trên mai Rùa tương ứng chòm sao Đại Hùng trên trời, biểu thị cho nguyên lý dương. Những đường rãnh ở phía dưới mai Rùa tương ứng mặt đất, biểu thị cho nguyên lý âm.


    Hình tượng con Rùa biểu trưng cho sự bền vững, trường thọ được thể hiện khá thông dụng trong hình tượng quy hạc (tức là con hạc đứng trên mai con rùa) - ý chỉ thọ đội thọ. Mặt khác cũng có cách lý giải khác cho rằng Rùa là loài vật sống ở dưới đất, còn Hạc là loài sống ở trên cao. Khi Hạc đứng trên lưng con Rùa tạo thành một cặp thể hiện hài hòa, gắn kết giữ hai thái cực âm - dương.


    Tuy nhiên, Rùa còn tượng trưng cho sự công thành danh toại, tài lộc phước lành cho gia chủ nên rất được ưa chuộng. Rùa thường xuất hiện nhiều ở chùa, các trường học, văn miếu…

    Rùa phong thủy
    Rùa phong thủy
    Quy hạc
    Quy hạc
  6. Top 6

    Hổ

    Hổ là con vật có thật, nhưng được dân gian Việt Nam thần thánh hóa có một sức mạnh linh thiêng diệt trừ được ma quỷ. Trong quan niệm dân gian, Hô là vị chúa cai quản của núi rừng. Hình tượng Hổ biểu trưng cho sức mạnh thiêng liêng, diệt trừ tà ma, trấn giữ các phương, là thần linh canh cửa của các ngôi đền, đình, miếu, phủ, có hình Hổ trấn giữ ở các ngưỡng cửa làm tà ma không dám xâm nhập. Do đó trên bức bình phong của rất nhiều nơi có đắp nổi hình tượng con Hổ thường là màu vàng, gọi là Hoàng Hổ đang bước xuống những bậc đá ghập ghềnh.


    Hổ còn xuất hiện trong nhiều truyện cổ tích, truyện cổ, Hổ luôn là nỗi khiếp sợ của con người nhưng lại được con người vô cùng kính trọng và ngưỡng mộ. Hổ thường được thờ trong các khu kiến trúc cổ, chùa chiền, nhà công cộng, thường ở ngay dưới bàn thờ thánh hoặc Phật.

    Ngũ Hổ
    Ngũ Hổ
    Hình ảnh Hổ trong tranh dân gian
    Hình ảnh Hổ trong tranh dân gian
  7. Top 7

    Hạc

    Hạc là linh vật biểu hiện cho tầng trên, là vật cưỡi của Chư Tiên. Hạc với hình ảnh nhẹ nhàng, tinh tế uyển chuyển là biểu trưng cho điềm lành, thanh cao, thoát tục và trường thọ. Hình tượng về hạc thường được miêu tả có đôi cách xếp lại trong thế đứng và đứng trên lưng của con Rùa gọi là Quy Hạc. Một số nơi miêu tả hình Hạc: miệng ngậm một cánh hoa, đứng trên lưng Rùa, thường là một đôi đặt hai bên trong ban thờ hội đồng tại các đình làng.


    Hạc là linh vật của Đạo giáo. Hình ảnh con hạc trên lưng Quy là biểu hiện của sự cân đối, hài hòa. "Quy" có nghĩa là trở về, và "Hạc" tượng trưng cho sự trong sạch, cao quý. Sự kết hợp của hai linh vật trên hàm chứa ý nghĩa sâu sắc, đó là sự trở về nguồn, thể hiện lời răn dạy “Uống nước nhớ nguồn” của người xưa.


    Hạc gắn liền với tiên nữ nên ở đâu có hạc là có tiên. Nhiều hoa văn, trang trí thường có hình tượng tiên ngồi trên lưng hạc, tượng trưng cho sự cát tường, cát lành.

    Hình tượng Hạc trong hội họa
    Hình tượng Hạc trong hội họa
    Quy Hạc
    Quy Hạc
  8. Top 8

    Dơi

    Dơi là biểu tượng cho chữ Phúc, do trong âm Hán Việt dơi đọc là "bức" gần giống âm với chữ "phúc", từ đó người ta dùng hình ảnh con vật này để chỉ phúc đức. Hình tượng dơi tại các đình, đền, miếu, phủ khá là thông dụng và thường được đặt tại rất nhiều vị trí khác nhau. Hình tượng dơi được sử dụng nhiều bởi lẽ mang giá trị tâm linh thể hiện mong muốn nhân sinh quan của con người, Dơi còn là hình tượng có giá trị về thẩm mĩ. Với hình ảnh con dơi treo ngược, cánh uốn cong cách điệu bắt mắt và mang tính nghệ thuật.


    Cách thức thể hiện hình tượng Dơi thương được cách điệu có thể biến cách từ lá, gọi là "lá hóa phúc", từ mai gọi là "mai hóa phúc", từ sen gọi là "liên hóa phúc", từ quả gọi là "quả hóa phúc", nhưng chủ yếu là từ hình hồi văn có tô điểm thêm lá gọi là hồi văn hóa phúc.


    Trong phong thủy, Dơi là một trong những con vật tượng trưng cho sự may mắn, hạnh phúc, thịnh vượng và trường thọ. Chính vì vậy, người ta coi loài vật này như lời chúc, lời chúc, mong hạnh phúc đến với mọi người. Theo truyền thuyết, nếu có đàn dơi bay vào nhà làm tổ nghĩa là sẽ gặp nhiều may mắn, tài lộc. Hình ảnh con dơi ôm đồng xu cũng mang hàm ý tương tự, có thể giúp gia chủ làm ăn phát tài, mang lại may mắn cho gia đình.

    Biểu tượng Dơi ngậm đồng tiền
    Biểu tượng Dơi ngậm đồng tiền
    Dơi ngậm chữ
    Dơi ngậm chữ "Thọ" trên bàn thờ của một gia đình
  9. Cá chép cũng tương tự như Dơi, chữ "ngư" phát âm giống chữ "dư" tức dư thừa. Cá ngoài biểu tượng cho sự giàu sang, nó còn biểu tượng cho sự đăng khoa của các nho sĩ. Sự tượng trưng này được thể hiện qua hình ảnh "lý ngư hóa long", mô tả cá chép hóa rồng hay "lý ngư khiêu long môn", mô tả hình ảnh cá chép vượt vũ môn. Hình tượng này bắt nguồn từ tích long môn điểm ngạch. Ý nghĩa của hình tượng này là biểu trưng cho sự may mắn, thăng tiến và thành đạt trên con đường học vấn, công danh. Do đó, ở rất nhiều nơi như đình làng có trang trí hình ảnh này ngụ ý cầu chúc cho con cháu trong làng học hành tấn tới, đỗ đạt làm quan.


    Cá chép có mối quan hệ mật thiết với một số linh vật khác trong "tứ linh", như Rồng. Bên cạnh hình tượng cá chép hóa Rồng, còn có thể bắt gặp hai linh vật này kết hợp với nhau qua hình tượng "Ngư long hí thủy", mô tả hình ảnh con cá chép đón luồng nước từ miệng con Rồng ẩn trong mây phun ra.

    Lý ngư hóa long
    Lý ngư hóa long
    Lý ngư khiêu long môn
    Lý ngư khiêu long môn




Công Ty cổ Phần Toplist
Địa chỉ: Tầng 3-4, Tòa nhà Việt Tower, số 01 Phố Thái Hà, Phường Trung Liệt, Quận Đống Đa, Thành phố Hà Nội
Điện thoại: 0369132468 - Mã số thuế: 0108747679
Giấy phép mạng xã hội số 370/GP-BTTTT do Bộ Thông tin Truyền thông cấp ngày 09/09/2019
Chịu trách nhiệm quản lý nội dung: Nguyễn Duy Ngân
Chính sách bảo mật / Điều khoản sử dụng | Privacy Policy