Top 14 Mở bài dùng trong nghị luận tác phẩm văn học thi tốt nghiệp THPT hay nhất

Hà Ngô 308 0 Báo lỗi

Trong văn phân tích hay nghị luận thì mở bài không chỉ có ý nghĩa đảm bảo cho bài văn có một cấu trúc hoàn chỉnh mà còn có nhiều ý nghĩa khác. Một mở bài ngắn ... xem thêm...

  1. Mở bài sô 01:

    "Chín năm làm một Điện Biên

    Nên vành hoa đỏ nên thiên sử vàng"

    (Hoan hô chiến sĩ Điện Biên – Tố Hữu)


    Đã từ lâu mảnh đất Tây Bắc – Điện Biên được coi là quê hương của kháng chiến, quê hương của những anh hùng, đây là mảnh đất trung du nghèo khó mà nặng ân tình khiến ai đã đặt chân đến đây cũng phải bồi hồi, xuyến xao. Mảnh đất ấy đã trở thành niềm thương, nỗi nhớ cho những ai đã từng đến rồi lại phải đi. Có người đã từng nói: "Thơ chỉ trào ra khi trong tim anh mọi thứ đã thật ứ đầy", chính những niềm thương, nỗi nhớ trào dâng ấy đã tạo ra những rung động mãnh liệt trong cảm xúc để rồi nhà thơ Tố Hữu – Một người lính đã từng gắn bó với mảnh đất này viết nên tác phẩm "Việt Bắc" – tuyệt tác của đời mình. Tác phẩm là một khúc tình ca và cũng là khúc hùng ca về cuộc kháng chiến và con người kháng chiến. Bài thơ được viết ra như lời hát tâm tình của một mối tình thiết tha đầy lưu luyến giữa người kháng chiến và đồng bào Việt Bắc được thể hiện qua lăng kính trữ tình- chính trị, đậm tính dân tộc và ngòi bút dạt dào cảm xúc của thi nhân.


    Mở bài số 02:

    Những bài thơ lớn của Tố Hữu đều sáng tác vào những điểm mốc của lịch sử cách mạng Việt Nam. Bài thơ “Việt Bắc” – kiệt tác của Tố Hữu cúng được sáng tác trong một thời điểm trọng đại của đất nước. Năm 1954, cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp thắng lợi, hoà bình được lập lại. Chủ tịch Hồ Chí Minh, trung ương Đảng, cán bộ, bộ đội rời Việt Bắc trở về Thủ đô Hà Nội.

    Trong không khí chia tay đầy nhớ thương lưu luyến giữa nhân dân Việt Bắc và những người cán bộ cách mạng, nhà thơ Tố Hữu đã sáng tác bài thơ “Việt Bắc”. Với tầm nhìn của một nhà thơ cách mạng, một nhà tư tưởng, Tố Hữu đã phản ánh sâu sắc hiện thực kháng chiến mười lăm năm của Việt Bắc và dự báo những diễn biến tư tưởng trong hoà bình.

    Đoạn trích bài thơ “Việt Bắc” miêu tả cuộc chia li đầy thương nhớ lưu luyến giữa Việt Bắc và những người cán bộ kháng chiến và gợi lại những kỉ niệm kháng chiến anh hùng mà đầy tình nghĩa.Tác giả đã chọn thể thơ lục bát và lối hát đối đáp như trong ca dao dân ca và hình tượng hoá Việt Bắc và những người cán bộ kháng chiến là Ta – Mình. Cuộc chia li giữa nhân dân Việt Bắc và những người chiến sĩ cách mạng như là cuộc chia tay của một đôi bạn tình đầy bịn rịn, nhớ nhung, lưu luyến.


    Mở bài số 03:

    Thơ Tố Hữu là những vần thơ thể hiện tiếng nói của dân tộc, của tâm hồn những con người gắn bó sâu sắc với sự nghiệp cách mạng, với quê hương, với đất nước. Trong những vần thơ ấy ta sẽ bắt gặp những tình cảm mến thương sâu sắc, trữ tình, xuất phát từ một trái tim trung thành với dân tộc với nhân dân và tiêu biểu hơn cả là bài thơ Việt Bắc, một trong những bài thơ hay nhất của Tố Hữu.


    Mở bài số 04:

    Tố Hữu được mệnh danh là ngọn cờ đầu của phong trào thơ cách mạng. Thơ ông là vũ khí để tuyên truyền, cổ động tinh thần chiến đấu cũng như nêu cao tình yêu và tinh thần yêu nước mãnh liệt. Mặc dù thơ ông viết về chính trị nhưng không hề khô khan, ngược lại rất tình cảm. Bài thơ "Việt Bắc" sáng tác sau khi chiến thắng thực dân Pháp, tác giả muốn gợi lại tình quân dân thắm thiết, ân tình và sâu nặng trong cuộc kháng chiến. Bài thơ được viết theo thể đối đáp càng gợi lên sự bình dị, ấm áp và thân quen đến lạ lùng.

    Mở bài Việt Bắc
    Mở bài Việt Bắc
    Mở bài Việt Bắc
    Mở bài Việt Bắc

  2. Mở bài số 01:

    "Đó là cuộc chia ly chói ngời sắc đỏ

    Tươi như cánh nhạn lai bồng...

    Khi Tổ Quốc cần họ biết sống xa nhau"

    (Cuộc chia ly màu đỏ – Nguyễn Mỹ)


    Chiến tranh đi qua đã để lại cho chúng ta những hoài niệm về những tháng năm không thể nào quên, đó là khi con người ta nhận ra sứ mệnh của mình sinh ra là để chiến đấu, là để báo thù, đó là những con người sẵn sàng gác lại tuổi trẻ, việc học hành, tình cảm cá nhân vị kỉ để đi theo tiếng gọi của Tổ Quốc... Những con người ấy đã đi vào trong thơ ca, nghệ thuật như những huyền thoại của thế kỉ 20 mà nhà thơ Quang Dũng đã thể hiện thật xuất sắc thông qua lăng kính lãng mạn nhưng vẫn đậm chất hiện thực của mình qua bài thơ Tây Tiến. Tác phẩm đã khắc họa thành công bức tượng đài người lính Tây Tiến trong những năm đầu của cuộc kháng chiến chống Pháp gian khổ.


    Mở bài số 02:

    Thiên nhiên núi rừng Tây Bắc thơ mộng trữ tình là thế nhưng ẩn sau đó là vẻ hoang sơ với đầy những hiểm nguy đang rình rập. Trước cảnh hùng vĩ của non nước, hình tượng người lính Tây Tiến của Quang Dũng hiện lên như một tượng đài bất diệt, mang vẻ đẹp vừa hùng tráng vừa tài hoa lãng tử của những người con Hà thành.

    Bài thơ Tây Tiến đã tái hiện chân thực lại sự tàn khốc của chiến tranh, những gian lao vất vả mà người lính phải trải qua trên chặng đường kháng chiến. Thế nhưng chưa bao giờ họ lùi bước trước khó khăn thử thách, những người lính vĩ đại ấy vẫn sống lạc quan yêu đời và chiến đấu anh dũng kiên cường.

    Mở bài Tây Tiến
    Mở bài Tây Tiến
    Mở bài Tây Tiến
    Mở bài Tây Tiến
  3. Mở bài số 01:

    Từ trước đến nay, tình yêu luôn là thứ không thể thiếu trong cuộc sống của mỗi con người. Xuân Diệu đã từng viết:


    "Làm sao sống được mà ko yêu

    Không nhớ không thương một kẻ nào"

    (Bài thơ tuổi nhỏ – Xuân Diệu)


    Đó cũng là lý do tình yêu được đưa rất nhiều vào trong thơ ca và nghệ thuật, trở thành nguồn cảm hứng bất tận với nhiều thi nhân. Có rất nhiều những nhà thơ, nhà văn từng viết về tình yêu nhưng có lẽ sâu sắc nhất phải kể đến 2 cây bút thơ tình xuất sắc của nền văn học Việt Nam, đó là Xuân Diệu và Xuân Quỳnh. Nếu như Xuân Diệu từng làm mưa làm gió khiến người đọc nhớ mãi khi đặt tất cả dấu ấn tình yêu mãnh liệt của mình với "Biển" thì Xuân Quỳnh – một nhà thơ trưởng thành từ cuộc kháng chiến chống Mỹ đã thể hiện tình cảm người con gái qua hình ảnh "Sóng". Khi nhắc đến tên tuổi của Xuân Quỳnh, từ trong tiềm thức của mỗi người yêu văn chương đều biết tiếng thơ chị là tiếng nói nhân hậu, thủy chung, giàu trực cảm và tha thiết khát vọng hạnh phúc đời thường. Một trong số những tác phẩm xuất sắc nhất của Xuân Quỳnh phải kể đến tập "Hoa dọc chiến hào" với linh hồn là bài thơ "Sóng" được tác giả viết nhân một chuyến đi thực tế ở biển Diêm Điền năm 1967.


    Mở bài số 02:

    Xuân Quỳnh là nhà thơ của hạnh phúc đời thường . Thơ bà là tiếng lòng của một tâm hồn luôn luôn khao khát tình yêu, gắn bó hết mình với cuộc sống hàng ngày, trân trọng, nâng niu và chăm chút cho hạnh phúc đời thường. Trong các nhà thơ nữ Việt Nạm, Xuân Quỳnh xứng đáng được gọi là nhà thơ của tình yêu . Bà viết nhiều , viết hay về tình yêu nhưng có lẽ Sóng là bài thơ đặc sắc hơn cả. Bởi nó nói lên được một tâm hồn khao khát yêu đương, một tình yêu vừa hồn nhiên chân thật, vừa mãnh liệt, sôi nổi của một trái tim phụ nữ .

    Tình yêu là đề tài muôn thuở của thi ca . Nhiều nhà thơ nổi tiếng đã viết về tình yêu với tất cả sự nồng nhiệt của một trái tim tuổi trẻ . Ta bắt gặp một Xuân Diệu nồng nàn, đắm say và khát khao dâng hiến cho tình yêu, một Nguyễn Bính mơ màng tìm về tình yêu đồng nội, một Anh Thơ tha thiết nhưng thẹn thùng cái duyên con gái… nhưng chỉ đến Xuân Quỳnh, cái khát vọng rất đỗi đời thường của con người đó mới được bộc bạch , mà bộc bạch một cách chân thành như chính cuộc đời nhà thơ vậy : một thứ tình yêu vừa phong phú, phức tạp, vừa thiết tha sôi nổi của một trái tim phụ nữ đang rạo rực, đang khao khát yêu đương .

    Sóng trong tác phẩm cùng tên của nhà thơ mang hình ảnh ẩn dụ . Nó là sự hóa thân của cái tôi trữ tình đầy mơ mộng của thi nhân . Sóng và em tuy hai mà một, có lúc phân đôi để soi chiếu vào nhau làm nổi bật sự tương đồng, có lúc lại hòa nhập để tạo nên âm vang cộng hưởng . Và có thể nói qua hình tượng sóng, Xuân Quỳnh đã bày tỏ một tình yêu dạt dào, mênh mông và một khát vọng vĩnh hằng về tình yêu đôi lứa.


    Mở bài số 03:

    Xuân Quỳnh là một trong những gương mặt tiêu biểu của thế hệ thơ trẻ thời kì chống Mỹ cứu nước. Thơ của nữ thi sĩ dễ đi vào lòng người đọc với vẻ đẹp giản dị mà đằm thắm. Đó là những tâm tình, suy tư của người phụ nữ luôn khao khát được yêu thương. Trong đó, "Sóng" là một thi phẩm nổi bật của thơ Xuân Quỳnh. Đặc biệt là những dòng thơ đầu : "Dữ dội và dịu êm...Khi nào ta yêu nhau".

    Mở bài Sóng
    Mở bài Sóng
    Mở bài Sóng
    Mở bài Sóng
  4. Mở bài số 01:

    "Tuổi hai mươi khi hướng đời đã thấy

    Thì xa xôi gấp mấy vẫn lên đường.

    Sống ở thủ đô mà dạ để mười phương.

    Nghìn khát vọng chất chồng mơ ước lớn."

    (Tiếng hát con tàu – Chế Lan Viên)


    Hòa chung với không khí sôi nổi của cả nước khi Miền Bắc tiên lên xây dựng Chủ nghĩa xã hội với xu hướng đi đến những vùng cao để phục hồi kinh tế với tiếng hát đầy sông, đầy cầu thì Nguyễn Tuân đã lựa chọn Tây Bắc làm miền đất hứa để viết lên tuyệt tác của đời mình. Ông không đi theo lối mòn khi viết về những "cái tôi" còn buồn như Huy Cận, Chế Lan Viên – Những "cái tôi" luôn cô đơn trước vũ trụ, cô đơn giữa dòng đời. Nguyễn Tuân đã khéo léo để "cái tôi" cá nhân của mình hòa chung với "cái ta" của cộng đồng và mở ra một trào lưu văn học mới để rồi tất cả được kết tinh trong tập "Tùy bút Sông Đà" mà linh hồn của nó chính là " Tùy bút Người lái đò Sông Đà". Nguyễn Tuân là một nhà văn cả đời say mê đi tìm cái đẹp, cái đẹp ở đây chính là nghệ thuật, mà khi nói đến nghệ thuật cũng chính là cái đẹp, với Nguyễn Tuân, con người chính là tác phẩm nghệ thuật tuyệt vời nhất mà tạo hóa đã ban tặng. Cái đẹp ấy được Nguyễn Tuân phát hiện ra trong "thứ vàng mười đã qua thử lửa" của Tây Bắc, ở những con người đang gắn bó với công cuộc xây dựng quê hương, đất nước. Chất vàng mười ấy chính là vẻ đẹp của người lái đò sông Đà, dưới ngòi bút điêu luyện của Nguyễn Tuân đó vừa là người anh hùng, vừa là nghệ sĩ tài hoa trên chính nghề nghiệp của mình.


    Mở bài số 02:

    "Tây Bắc ư? Có riêng gì Tây Bắc

    Khi lòng ta đã hóa những con tàu"
    (Tiếng hát con tàu – Chế Lan Viên)

    Tây Bắc đã trở thành vùng đất hứa của thi ca nghệ thuật những năm 58-60 khi miền Bắc tiến lên xây dựng chủ nghĩa xã hội, các nhà văn nhà thơ đến với nơi đây để tìm cho mình những nguồn cảm hứng mới. Ta từng biết đến Tô Hoài với tập "truyện Tây Bắc" mà nổi bật là truyện ngắn "Vợ Chồng A Phủ", hay Nguyễn Khải cũng đã từng xôn xao lòng mình với "Mùa Lạc" thì Nguyễn Tuân lại thăng hoa trên mảnh đất này với tập "Tùy bút Sông Đà" với linh hồn là bài kí "Người lái đò Sông Đà". Là một nhà văn đi theo chủ nghĩa xê dịch, dấu chân của Nguyễn Tuân đã đi khắp mảnh đất hình chữ S này, nhưng ông lại chọn Tây Bắc làm nơi cho ra đời đưa con đẻ tinh thần của mình là bởi chỉ có nơi đây mới thỏa mãn thực đơn cho nhãn quan sáng tác của ông. Tùy bút sông Đà là những trang văn được viết bằng ngôn ngữ điêu luyện, những đoạn tả đèo cao, vực sâu, thác nước dữ dội, hoặc cảnh thiên nhiên đẹp đến tuyệt đỉnh, nhưng lấp lánh giữa những vẻ đẹp ấy là hình ảnh con sông Đà hiện lên vừa hùng vĩ, dữ dội nhưng cũng rất nên thơ, trữ tình và lãng mạn.


    Mở bài số 03:

    Nguyễn Tuân là một nhà tuỳ bút lớn. Sự nghiệp sáng tác của ông phong phú và đạt được sự cân bằng giữa hai thời kì lịch sử trước và sau Cách mạng tháng Tám 1945. Qua cái mốc ấy, tư tưởng và phong cách của ông tất nhiên có những biến đổi nhất định. Nhưng dù biến đổi thế nào, vẫn trên một căn bản thống nhất của một cái tôi rất Nguyễn Tuân: tài hoa, uyên bác, thích cảm giác mạnh, suốt đời say mê đi tìm và diễn tả cái đẹp. Người lái đò Sông Đà rút trong tập tuỳ bút Sông Đà - một trong những tác phẩm tiêu biểu nhất của Nguyễn Tuân sau Cách mạng tháng Tám.

    Mở bài Người lái đò Sông Đà
    Mở bài Người lái đò Sông Đà
    Mở bài Người lái đò Sông Đà
    Mở bài Người lái đò Sông Đà
  5. Mở bài số 01:

    "Nam quốc sơn hà nam đế cứ

    Tiệt nhiên phận định tại thiên thư

    Như hà nghịch lỗ lai xâm phạm

    Nhữ đẳng hành khan thủ bại hư"


    Là những lời thơ thần của Lý Thường Kiệt vang dội trên sông Như Nguyệt để đánh đuổi quân Tống xâm lược cũng như khẳng định chủ quyền độc lập của dân tộc ta dưới thời nhà Lý. Sau hàng nghìn năm nhân dân Việt Nam sống dưới chế độ quân chủ, trăm năm Pháp thuộc, 5 năm phát xít... thì giờ đây thực dân Pháp đang âm mưu quay lại cướp nước ta lần nữa dưới chiêu bài lừa bịp công luận quốc tế "bảo hộ" và "khai hóa", để khẳng định chủ quyền độc lập của dân tộc ta cũng như vạch mặt, tố cáo thực dân Pháp thì chủ tịch Hồ Chí Minh đã cho ra đời Bản Tuyên Ngôn Độc Lập. Đây là một áng văn chính luận mẫu mực của nền văn học Việt Nam hiện đại, kết tinh những tinh hoa của dân tộc và khí phách non sông, mang giá trị pháp lí, giá trị lịch sử và cả giá trị nghệ thuật cao cả. Trước sự chứng kiến của hơn 50 vạn đồng bào cả nước tại Quảng trường Ba Đình lịch sử, bằng bút pháp lập luận chặt chẽ, lí lẽ đanh thép, dẫn chứng hùng hồn và giọng đọc đặc biệt thì Bản Tuyên Ngôn độc lập đã khơi dậy lòng yêu nước nồng nàn, thấm nhuần vào từng con tim, khối óc con người Việt Nam.


    Mở bài số 02:

    Chủ tịch Hồ Chí Minh không chỉ là một nhà cách mạng vĩ đại mà còn là một cây bút nghệ thuật đầy tài hoa của dân tộc. Thơ văn Bác vừa mang sắc thái cổ điển vừa mang sắc thái hiện đại lại đầy sáng tạo lại mang những giá trị tư tưởng cao. Nếu trong thơ trữ tình, ta bắt gặp những lời thơ tràn ngập niềm lạc quan và tinh thần đầy tự do, phóng khoáng thì trong văn học chính luận là những áng văn đầy khúc chiết, chặt chẽ, có sức lay động mạnh mẽ tới tâm hồn người đọc, người nghe. Tuyên ngôn độc lập mà một tác phẩm chính luận đầy mẫu mực của Bác, nó chứa đựng những tình cảm thiết tha, những tư tưởng mang tầm thời đại và những kết tinh những vẻ đẹp tinh túy của dân tộc Việt Nam.

    Mở bài Tuyên Ngôn Độc Lập
    Mở bài Tuyên Ngôn Độc Lập
    Mở bài Tuyên Ngôn Độc Lập
    Mở bài Tuyên Ngôn Độc Lập
  6. Mở bài số 01:

    Một lần anh đến Huế thơ

    Gặp cô gái đẹp say mơ giấc nồng
    Sông Hương quyến rũ lạ lùng
    Em choàng tỉnh giấc ngượng ngùng nhìn tôi


    Sông Hương đã đi vào thơ ca nghệ thuật như một niềm cảm hứng bất tận đối với tất cả văn nghệ sĩ, nhưng dù là trong tác phẩm nào đi chăng nữa sông Hương vẫn luôn mang một dáng vẻ vô cùng dịu dàng, quyến rũ khiến ai cũng phải mê đắm ngay từ lần gặp gỡ đầu tiên. Có lẽ Hoàng Phủ Ngọc Tường đã "phải lòng" sông Hương – xứ Huế như một lần gặp gỡ định mệnh để rồi gắn bó với mảnh đất này hơn 40 năm. Trước những rung động của một mối tình say đắm trong những trang Kiều để từ đó nhà văn dành cho sông Hương một bài kí trang trọng. Cả bài kí dường như là cuộc hành trình tìm kiếm cho câu hỏi đầy khắc khoải "Ai đã đặt tên cho dòng sông" .Và cuộc tìm kiếm, lý giải cái tên của dòng sông đã trở thành cuộc tìm kiếm đầy hào hứng và say mê không chỉ vẻ đẹp của diện mạo hình hài mà còn là độ lắng sâu của tâm hồn và rung động. Con sông xứ Huế hiện lên trong cuộc tim kiếm của Hoàng Phủ Ngọc Tường đã không chỉ là con sông địa lý mà là một sinh thể, một con người "sông Hương quả thực là Kiều, rất Kiều" vừa xinh đẹp, vừa tài hoa, vừa thăng trầm chìm nổi cùng lịch sử lại vừa đằm thắm lắng sâu với nền văn hoá riêng của nó.


    Mở bài số 02:

    Tác phẩm “Ai đã đặt tên cho dòng sông” là một bài bút kí nổi tiếng của tác giả Hoàng Phủ Ngọc Tường. Ông là một nhà văn mang nặng ân tình với xứ Huế. Tác phẩm của ông đã lột tả được hết vẻ đẹp và linh hồn của dòng sông Hương, con sông mang đậm đặc trưng và dấu ấn của xứ Huế mộng mơ.


    Mở bài số 03:

    “Đường vô xứ Nghệ quanh quanh

    Non xanh nước biếc như tranh họa đồ”.

    Đã ai tới Huế mà chưa một lần thử nghe hát trên dòng sông Hương chưa? Sông Hương chính là biểu tượng của xứ Huế mộng mơ, dưới ngòi bút của Hoàng Phủ Ngọc Tường, sông Hương lại mang một vẻ đẹp nữ tính, dịu dàng. Nhà văn đã dựng lên một bức tranh thiên nhiên với phong cảnh hữu tình đó là dòng sông quê hương qua bài kí “Ai đã đặt tên cho dòng sông?”

    Mở bài Ai đã đặt tên cho dòng sông
    Mở bài Ai đã đặt tên cho dòng sông
    Mở bài Ai đã đặt tên cho dòng sông
    Mở bài Ai đã đặt tên cho dòng sông
  7. Mở bài số 01:

    Gió và tình yêu thổi trên đất nước tôi

    Như tiếng gọi ngàn đời không khuất phục

    Đất nước giống như con thuyền xuyên gió mạnh

    Những mối tình trong gió bão tìm nhau.

    (Gió và tình yêu thổi trên đất nước tôi...– Lưu Quang Vũ )


    Từ những năm 60 của thế kí trước, Lưu Quang Vũ đã khẳng định tên tuổi của mình bằng việc sáng tác thơ ca, ngay từ đầu ông đã tạo được dấu ấn về một lối viết tài hoa, nồng nàn cảm xúc toát lên tình yêu quê hương, đất nước tha thiết, mà Hoài Thanh đã từng nhận định rằng "Thơ anh là một tiếng nói nhỏ nhẹ mà sâu". Từ năm 1978, Lưu Quang Vũ bắt đầu chuyển sang lĩnh vực sân khấu. Có thể khẳng định "Sân khấu mới là mảnh đất của người nghệ sĩ tài ba này".. Cảm hứng chủ đạo trong kịch Lưu Quang Vũ là cảm hứng về con người, về cái đẹp, cái thiện, cái tôi hoà tan trong cái ta. Ở đó tính thời sự được kết hợp với những vấn đề muôn thuở của nhân loại mà tiêu biểu đó là vở "Hồn Trương Ba da hàng thịt". Đó là cuộc giao tranh giữa cái thiện và cái ác, cuộc giao tranh này là muôn đời muôn kiếp từ khi khai sinh cho đến ngày không còn trái đất thì vẫn còn giao tranh thiện ác. Cho nên có người đã từng nói "kịch Lưu Quang Vũ là có tính vĩnh cửu"


    Mở bài số 02:

    Trong sự nghiệp sáng tác và hoạt động nghệ thuật của Lưu Quang Vũ, ta nhận thấy được tác phẩm xuất sắc nhất của ông là vở kịch "Hồn Trương Ba, da hàng thịt". Ông xây dựng tình huống truyện và nội tâm nhân vật giằng xé mãnh liệt. Từ đó mà gửi gắm những phê phán về lối sống giả tạo, sống không phải là chính mình, và kết lại bằng một thông điệp sâu sắc nhắc nhở con người hãy sống là chính mình, đừng biến trở thành người khác.


    Mở bài số 03:

    Một triết gia người Đức đã từng nói: “Anh phải trở về cái gì của chính anh”. Câu nói ấy là tiếng nói phải được sống là chính mình để trở thành một con người hoàn thiện. Tiếng nói ấy cũng gợi chúng ta nghĩ tới vở kịch “ Hồn Trương Ba, da hàng thịt” của nhà viết kịch Lưu Quang Vũ, thông qua nhân vật Hồn Trương Ba cũng bật lên tiếng gọi, lời khẩn cầu tha thiết được sống là chính mình “Không thể sống bên trong một đằng, bên ngoài một nẻo được. Tôi muốn được là tôi toàn vẹn”. Chỉ với câu nói ấy nhưng cũng toát lên một nỗi niềm, nỗi bi kịch đau đớn cùng khát vọng chính đáng của chính nhân vật Hồn Trương Ba.

    Mở bài Hồn Trương Ba- Da Hàng Thịt
    Mở bài Hồn Trương Ba- Da Hàng Thịt
    Mở bài Hồn Trương Ba- Da Hàng Thịt
    Mở bài Hồn Trương Ba- Da Hàng Thịt
  8. Mở bài số 01:

    Đất nước đã nghiêng vào trong thơ ca, nghệ thuật như một điểm hẹn về tâm hồn của rất nhiều văn nghệ sĩ. Xuân Diệu đã từng viết:

    Tổ quốc tôi như một con tàu

    Mũi thuyền ta đó mũi Cà Mau


    Hay Chế Lan Viên đã không kìm được lòng mình mà thốt lên rằng

    Tổ quốc bao giờ đẹp thế này chăng
    Chưa đâu và cả trong những ngày đẹp nhất
    Khi Nguyễn Trãi làm thơ và đánh giặc
    Nguyễn Du viết Kiều đất nước hóa thành văn


    Thì Nguyễn Khoa Điềm – Một nhà thơ trưởng thành trong kháng chiến chống Mĩ đã gặp gỡ đề tài này bằng tập thơ " Trường Ca mặt đường khát vọng" Trong đó chương V là chương trung tâm kết nối tác phẩm bằng hình tượng nghệ thuật trung tâm là Đất Nước. Bằng là phong cách thơ trữ tình chính luận. Thơ Nguyễn Khoa Điềm lôi cuốn người đọc bởi xúc cảm lắng đọng, giàu chất suy tư, thể hiện tâm tư của người trí thức tham gia tích cực vào cuộc chiến đấu của nhân dân. Nguyễn Khoa Điềm đã chọn cho mình điểm nhìn gần gũi, quen thuộc, bình dị, khác hẳn với những nhà thơ cùng thời để miêu tả về Đất Nước và để thể hiện quan niệm vô cùng mới mẻ và sâu sắc:


    "Đất nước này là của nhân dân

    Đất nước của nhân dân, đất nước của ca dao, thần thoại".


    Mở bài số 02:

    Đất nước là một đề tài lớn thường gợi lên những cảm hứng mãnh liệt đối với thi nhân, nhất là vào thời điểm nền độc lập dân tộc đứng trước những thử thách lớn lao. Đoạn trích Đất Nước trong trường ca Mặt đường khát vọng của Nguyễn Khoa Điềm cũng ra đời trong một hoàn cảnh tương tự như vậy. Đó là những năm tháng kháng chiến chống Mĩ cứu nước sôi sục, cuộc sống của mỗi cá nhân luôn luôn gắn liền với vận mệnh của đất nước. Viết trường ca Mặt đường khát vọng, Nguyễn Khoa Điềm muốn góp một tiếng nói nhằm thức tỉnh thế hệ trẻ ở vùng tạm chiếm miền Nam. Đoạn trích Đất Nước thuộc chương V của trường ca, đây cũng là phần hay nhất của bản trường ca này, có thể hiện sự nhận thức sâu sắc của một thế hệ thanh niên Việt Nam về đất nước. Chính nhận thức ấy đã trở thành một điểm tựa để mỗi người tự suy nghĩ về trách nhiệm của mình đối với đất nước.


    Mở bài 03:

    Đất nước là hình tượng trữ tình lớn, là cảm xúc nghệ thuật của nhiều thế hệ nhà thơ Việt Nam. Có một thực tế: mỗi lần đất nước đặt trước những thử thách thì hình tượng đất nước lại ngời sáng trong văn học với những phát hiện mới mẻ độc đáo. Trường ca Mặt đường khát vọng với trích đoạn Đất Nước là một minh chứng đẹp đẽ cho quy luật này. Trong trích đoạn nói trên, những cảm nhận về đất nước của Nguyễn Khoa Điềm đạt tới một tầm vóc triết học sâu sắc.Trước tiên, đất nước hiện lên trong chiều dài của thời gian. Thời gian trong trích đoạn Đất Nước đầy ắp những hình tượng huyền thoại lấy từ trong truyền thuyết, phong tục dân gian. Nhờ sự xuất hiện của hình tượng thời gian này đất nước hiện lên trong chiều sâu thẳm của thời gian nguồn cội, đầy thiêng liêng thành kính.

    Mở bài Đất Nước
    Mở bài Đất Nước
    Mở bài Đất Nước
    Mở bài Đất Nước
  9. Mở bài số 01:

    “Tinh thần và sức mạnh bất khuất của cả nước được nuôi dưỡng và phát triển trong những cánh rừng đại ngàn Tây Bắc. Sống với những ngọn thác dữ dội, những núi đá hùng vĩ, những vạt rừng âm u là các dân tộc thiểu số anh em. Đời sống sinh hoạt của họ khác nhau nhưng tinh thần kháng Pháp thì là một.” Đó là lời chia sẻ về cuộc sống những ngày đi thực tế ở Tây Bắc đã để lại trong Tô Hoài những điều để thương, để nhớ nhất. Những cảm xúc ấy đã được kết tinh thành tập “Truyện Tây Bắc” mà lấp lánh nhất có lẽ là truyện ngắn “Vợ Chồng A Phủ”, Tác phẩm được tổ chức chặt chẽ, rất sinh động và tự nhiên, không cần những nút thắt quá biến động những vấn thu hút được bạn đọc là bởi tác giả đã có cái nhìn hiện thực sắc bén. Nhà văn Nga Sê-khốp nói: "Một nghệ sĩ chân chính phải là một nhà nhân đạo từ trong cốt tuỷ”. Thông qua lăng kính đầy tình yêu thương, lòng nhân ái tác giả đã thể hiện được chủ nghĩa nhân đạo tích cực, mới mẻ chưa từng có trên diễn đàn văn chương Việt Nam. Được thể hiện thông qua cuộc đời, số phận 2 nhân vật Mị và A Phủ. Hai nhân vật trung tâm từ trong bóng tối đau khổ, ô nhục đã vươn ra ánh sáng của hạnh phúc, tự do.


    Mở bài số 02:

    Một tác phẩm văn học chỉ thực sự có giá trị khi nó lên tiếng vì con người, ca ngợi và bảo vệ con người. Bởi Nam Cao đã từng nói “Nghệ thuật không cần phải là ánh trăng lừa dối, nghệ thuật không nên là ánh trăng lừa dối; nghệ thuật có thể chỉ là tiếng đau khổ kia, thoát ra từ những kiếp sống lầm than” (Trăng Sáng). Chúng ta đặc biệt trân trọng những tác phẩm được kết tinh bước phát triển của chặng đường văn học này, trong đó xuất sắc nhất vẫn phải kể đến “ Vợ Chồng A Phủ” của nhà văn Tổ Hoài.


    Mở bài số 03:

    Tô Hoài là một trong những nhà văn lớn của nền văn học Việt Nam hiện đại. Ông có vốn hiểu biết sâu sắc về phong tục tập quán của nhiều vùng văn hoá khác nhau trên đất nước ta. Thành công nhất của Tô Hoài là những tác phẩm viết về hiện thực cuộc sống, con người vùng Tây Bắc. Tiêu biểu là truyện ngắn “Vợ chồng A Phủ”. Tác phẩm vừa là một bức tranh chân thực về số phận bi thảm của người dân nghèo miền núi dưới ách áp bức phong kiến và thực dân, vừa là một bài ca về sức sống và khát vọng tự do, hạnh phúc của con người. Vẻ đẹp ấy đã ngời lên thật trọn vẹn qua diễn biến tâm trạng Mị và sức sống tiềm tàng mãnh liệt của nhân vật này qua đêm tình mùa xuân ở Hồng Ngài.

    Mở bài Vợ Chồng A Phủ
    Mở bài Vợ Chồng A Phủ
    Mở bài Vợ Chồng A Phủ
    Mở bài Vợ Chồng A Phủ
  10. Mở bài số 01:

    Văn là đời. Chuyện văn là chuyện đời. Qua một cảnh ngộ, một tình huống, một nỗi lòng của nhân vật, nhà văn muốn mang đến cho bạn đọc những vấn đề nhân sinh. “Vợ nhặt” của Kim Lân là một tác phẩm như thế. Tất cả những gì nhà văn muốn gửi gắm có chăng đều được sáng ngời qua nhân vật Tràng- một gã nông dân nghèo, thô kệch nhưng nhân hậu và luôn giàu khát khao sống


    Mở bài số 02:

    Nói về nạn đói năm 1945, nhà văn Kim Lân từng nói: "Đói, nó vừa đắng cay, vừa đau đớn, đồng thời một mặt nào đó nó lại lóe lên một tia sáng về đạo đức, danh dự". "Vợ nhặt" của ông chính là truyện ngắn đi sâu khai thác tia sáng đẹp đẽ trong bi kịch tăm tối ấy của nạn đói. Thông qua câu chuyện nhặt vợ của anh Tràng, nhà văn Kim Lân không chỉ tái hiện sự sống mỏng manh của con người trước nạn đói mà quan trọng hơn cả là đứng trên ranh giới của sự sống và cái chết ấy vẻ đẹp của con người vẫn tỏa rạng, trong cái khốn cùng, thiếu thốn con người vẫn dành cho nhau những tình cảm thật đáng trân trọng.


    Mở bài số 03:

    Kim Lân là nhà văn tiêu biểu của nền văn học Việt Nam hiện đại, ông viết nhiều, viết hay về nông thôn, về cuộc sống của người nông dân. Hiện lên trong những trang văn của ông là hình ảnh những người nông dân nghèo khổ, khốn đốn trong những hoàn cảnh riêng nhưng ở họ vẫn sáng ngời những vẻ đẹp đáng trân trọng, đó là ông Hai - một người dân yêu làng, yêu nước nhưng phải đối mặt với bi kịch làng chợ Dầu theo giặc trong "Làng", đó còn là anh Tràng - người đàn ông xấu xí, nghèo khổ sống ở xóm Ngụ cư vẫn chấp nhận cưu mang một người đàn bà xa lạ ngay giữa nạn đói trong truyện ngắn Vợ nhặt. Trong truyện ngắn Vợ nhặt, nhà văn Kim Lân đã hướng ngòi bút nhân đạo của mình để lột tả những vẻ đẹp đáng quý trong tâm hồn con người, đó là tình thương, là sức sống mãnh liệt.

    Mở bài Vợ Nhặt
    Mở bài Vợ Nhặt
    Mở bài Vợ Nhặt
    Mở bài Vợ Nhặt
  11. Mở bài số 01:

    Viết về lòng yêu nước, sự chuyển giao thế hệ cầm súng để đánh giặc có lần ta đã từng bắt gặp trong thơ Tố Hữu ở hình ảnh:

    “Lớp cha trước lớp con sau

    Đã thành đồng chí chung câu quân hành”

    (Tiếng hát sang xuân)


    hay Nguyễn Quang Sáng với tác phẩm “Chiếc lược ngà” với hình ảnh cô giao liên Thu nhanh nhẹn, thông minh, vào chiến trường để vừa trả thù cho cha vừa đánh giặc cứu nước. Thì đến với tác phẩm “Những đứa con trong gia đình” của nhà văn Nguyễn Thi tác giả đã viết về một gia đình lớn với những nét tính cách không giống nhau nhưng cùng chung một lí tưởng lớn:


    “Ôi tổ quốc ta yêu như máu thịt

    Như mẹ cha ta, như vợ như chồng”


    Nhân vât của Nguyễn Thi hiện ra như những bức chân dung rõ rệt, sống động qua bút pháp miêu tả nhân vật điêu luyện. Đó là những người nông dân Nam bộ sống bộc trực, thẳng thắn, nghĩa tình, họ là những con người yêu nước nồng nàn, có lòng căm thù giặc cao độ, họ đẹp trong chiến đấu, họ đẹp trong đời thường, họ đẹp như những dòng kênh nước bạc nơi đây. Toàn bộ vẻ đẹp ấy được kết tinh trọn vẹn nhất ở hai nhân vật Chiến và Việt.


    Mở bài số 02:

    Nguyễn Thi là một nhà văn sinh ra ở miền Bắc nhưng các sáng tác của ông lại gắn liền với những phong trào kháng chiến Nam Bộ. Tác phẩm của ông bước ra từ hiện thực nóng bỏng, khắc nghiệt qua ngòi bút phân tích tâm lí, tính cách nhân vật sắc sảo; qua hệ thống ngôn ngữ phong phú, góc cạnh nhưng cũng không kém chất đằm thắm, trữ tình. Tác phẩm “Những đứa con trong gia đình” là một trong những truyện ngắn xuất sắc nhất của ông khi viết về những ngày tháng chiến đấu đau thương, những con căm thù giặc sâu sắc và lòng yêu nước thiết tha, mãnh liệt.


    Mở bài số 03:

    Một người nghệ sĩ có tài là người nghệ sĩ biết tìm từ những chất liệu đã nhiều người nhào nặn, nhào nặn một điều mới mẻ, nhào nặn một đứa con tinh thần đích thực của mình. Nguyễn Thi chính là một người nghệ sĩ như vậy. Trong những năm kháng chiến, văn học cách mạng là nguồn đề tài để các tác giả khai thác triệt để. Mà khai thác liên tục chắc chắn sẽ cạn kiệt. Đối với Nguyễn Thi ông đã tìm ra cách khai thác trong đề tài mà nhiều người đã lật mở, đào xới điều đó được thể hiện qua Những đứa con trong gia đình

    Mở bài Những đứa con trong gia đình
    Mở bài Những đứa con trong gia đình
    Mở bài Những đứa con trong gia đình
    Mở bài Những đứa con trong gia đình
  12. Mở bài số 01:

    Nguyễn Minh Châu là một nhà văn trưởng thành trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mĩ, vì vậy nhãn quan và ngòi bút của ông cũng xoay vần theo những biến động của lịch sử. Sự nghiệp văn chương của Nguyễn Minh Châu tỏa sáng trong thời kì kháng chiến chống Mĩ khi ông viết về thế hệ con người Việt Nam trong chiến tranh hào hùng, phi thường, dũng cảm, dám gạt bỏ ước mơ của mình để cống hiến cho độc lập dân tộc, ta đã từng bắt gặp những con người như thế, đó là Nguyệt và Lãm trong truyện ngắn “Mảnh trăng cuối rừng”. Nhưng đến những năm 80 của thế kỉ XX, Nguyễn Minh Châu lại một lần nữa mở ra cánh cửa văn chương của mình khi ông chính là người đã tiên phong trong công cuộc đổi mới văn học, nhà văn đã nhìn cuộc đời bằng cái nhìn khác, bằng đôi mắt khác và bắt đầu cho mình cảm hứng mới về đạo đức, thế sự mà phản ánh chính bằng con người. Dù ở hoàn cảnh nào thì Nguyễn Minh Châu cũng có cái nhìn thấu hiểu, trĩu nặng tình thương và mối âu lo với con người, bởi vậy trong Trăng sáng, Nam Cao đã nêu quan điểm nghệ thuật vị nhân sinh của mình: nhà văn phải thấy rằng dưới cõi nhân gian mà ánh trăng đang bao phủ ruột nà, nơi người nghệ sĩ mặc sức cho trí tưởng tượng của mình bay bổng là bao cuộc đời cực nhục, vất vả. Truyện ngắn Chiếc thuyền ngoài xa của Nguyễn Minh Châu có thể coi như là một sự minh họa tiếp tục cho quan điểm ấy.


    Mở bài số 02: Bước qua khói lửa chiến tranh, những tưởng con người sẽ được sống một cuộc sống hạnh phúc, yên bình. Thế nhưng, trong cuộc sống thời hậu chiến, những con người nhỏ bé, đáng thương vẫn phải "vật lộn" với những lo toan, mưu sinh, để rồi bao bi kịch, nghịch lý nảy sinh từ đói nghèo. Hiện thực cuộc sống với tất cả những phức tạp, đa diện ấy được Nguyễn Minh Châu phát hiện và thể hiện đầy tinh tế trong truyện ngắn "Chiếc thuyền ngoài xa". Truyện ngắn không chỉ thể hiện sự trăn trở, xót xa trước những nghịch cảnh, góc khuất của cuộc đời mà còn đặt ra trách nhiệm của nghệ thuật cũng như điểm nhìn, tư tưởng của người nghệ sĩ: Nghệ thuật cần hướng đến cuộc đời, người nghệ sĩ cần gắn bó để đồng cảm với những nỗi đau của con người.


    Mở bài số 03: NIKULIN (Nga) từng nhận xét “Niềm tin vào tính bất khả chiến thắng của cái đẹp tinh thần, cái thiện đã được khúc xạ ở chỗ anh đã tắm rửa sạch sẽ các nhân vật của mình, họ giống như được bao bọc trong bầu không khí vô trùng.” Quả đúng khi nói về những nhân vật trong tác phẩm của Nguyễn Minh Châu trong chiến tranh. Sau năm 1975 như có làn gió mới thổi vào tâm hồn, ông cố gắng "tìm cái hạt ngọc ẩn dấu trong bề sâu tâm hồn con người". Đáp lại cho cố gắng ấy là truyện ngắn Chiếc thuyền ngoài xa được viết năm 1983.

    Mở bài Chiếc thuyền ngoài xa
    Mở bài Chiếc thuyền ngoài xa
    Mở bài Chiếc thuyền ngoài xa
    Mở bài Chiếc thuyền ngoài xa
  13. Mở bài số 01:

    Thanh Thảo là một nhà thơ trưởng thành trong kháng chiến chống Mỹ. Ông là một nhà thơ có xu hướng cách tân thơ Việt để tạo cho mình những tiếng nói riêng ấn tượng. Thanh Thảo đã từng quan niệm: “ Với những bài thơ hay, thi sĩ phải sáng tạo bằng cả thể xác lẫn tâm linh mình.. phần tích điện, phần thu góp là cả một quá trình nhưng sáng tạo thì lại là khoảnh khắc. Khoảnh khắc ấy càng xảy ra càng đột ngột bao nhiêu thì càng tốt bấy nhiêu”. Bài thơ Đàn ghi ta của Lorca là một sản phẩm tuyệt vời của quá trìn tích điện, thu góp và sáng tạo ấy. Bài thơ tái hiện vẻ đẹp của người nghệ sĩ Gracia Lorca- Nhà thơ vĩ đại nhất Tây Ban Nha thế kỉ XX, qua đó thể hiện những suy nghiệm thâm trầm về nỗi đau và niềm hạnh phúc của những cuộc đời đã hiến dâng cho cái đẹp. Nhà thơ đi sâu vào biểu hiện cái tôi nội cảm với những đổi mới về hình thức nghệ thuật qua thể thơ siêu thực tượng trưng độc đáo những năm 80 thế kỉ XX.


    Mở bài số 02:

    Bằng sự trân trọng, cảm mến và ngưỡng mộ của mình với Lorca – người nghệ sĩ tài ba được mệnh danh là “chim họa mi” của Tây Ban Nha , nhà thơ Thanh Thảo đã phác họa lên bức tranh đầy sống động về tài năng, con người và sự cống hiến thầm lặng vô cùng vĩ đại của Lorca đối với nền nghệ thuật và chính trị của đất nước Tây Ban Nha qua bài thơ “Đàn ghita của Lorca”. Bài thơ không chỉ tái hiện vẻ đẹp phẩm chất con người của Lorca mà còn thể hiện thái độ trân trọng, biết ơn những thành tựu trong thơ ca mà Lorca đã sáng tạo ra, đó là những sản phẩm vô giá, có sức sống bền bỉ và có sự lan tỏa mạnh mẽ như “cỏ mọc hoang” trong đời sống tinh thần của con người Tây Ban Nha nói chung và của những độc giả yêu thơ trên toàn thế giới nói riêng.


    Mở bài số 03:

    Khi hai tâm hồn nghệ sĩ có sự đồng cảm, đồng điệu với nhau thì khoảng cách địa lý hay sự khác biệt về văn hóa sẽ không còn là rào cản. Nhà thơ Thanh Thảo – một nhà thơ lớn của văn học Việt Nam đã dành một tình cảm, sự trân trọng như thế với người nghệ sĩ thiên tài Lorca- con chim họa mi của đất nước Tây Ban Nha.

    Thanh Thảo đã đã thể hiện điều đó qua bài thơ “Đàn ghi ta của Lorca”. Bài thơ như gẩy lên tiếng đàn thánh thót mang theo nỗi xót xa tiễn đưa người nghệ sĩ đa tài nhưng không thoát khỏi sự bất công của xã hội. Qua đó cũng thể hiện phong cách thơ Thanh Thảo là phản ánh tiếng nói của người tri thức với những nỗi suy tư, trăn trở trước những vấn đề của xã hội và thời đại.

    Mở bài Đàn ghi ta của Lorca
    Mở bài Đàn ghi ta của Lorca
    Mở bài Đàn ghi ta của Lorca
    Mở bài Đàn ghi ta của Lorca
  14. Mở bài số 01:

    “Súng nổ rung trời giận dữ

    Người lên như nước vỡ bờ

    Nước Việt Nam từ máu lửa

    Rũ bùn đứng dậy sáng lòa”


    Đã có những tháng ngày như thế, những tháng ngày đất nước hừng hực sục sôi trong khí thế của cuộc kháng chiến gian khổ mà anh hùng. Mảnh đất Tây Nguyên đã đi vào văn chương như một huyền thoại về những con người “đẹp từ như trong chân lí sinh ra”, những con người mang vẻ đẹp, sức sống mãnh liệt như những Cây xà nu cao lớn chống lại kẻ thù để bảo vệ quê hương, đất nước. Nguyễn Trung Thành đã tái hiện xuất sắc vẻ đẹp đậm tính sử thi ấy thông qua truyện ngắn “Rừng xà nu” được in trong tập “Trên quê hương những anh hùng Điện Ngọc”. Rừng xà nu đã đem lại ngỡ ngàng cho người đọc khi một truyện ngắn mà phản ánh được cả một cuộc đầu tranh chống Mỹ ngụy của người dân Tây Nguyên, vì vậy tính sử thi càng được tô đậm rõ nét hơn thông qua cách xây dựng nhân vật, hình tượng cây xà nu và ngôn ngữ của tác phẩm.


    Mở bài số 02:

    Mỗi nhà thơ, nhà văn đều có cho riêng mình một vùng đất gắn bó thiết tha. Đó là Tô Hoài yêu mến và trân trọng những vẻ đẹp của rừng núi và con người Tây Bắc hay Nguyễn Quang Sáng sống trọn đời mình với vùng đất Nam Bộ bình dị mà thân thương. Đến với Nguyễn Trung Thành, ta bắt gặp một tâm hồn gắn bó máu thịt với vùng đất Tây Nguyên, nơi có những đồi xà nu đại ngàn và những con người anh dũng, kiên trung. “Rừng xà nu” là truyện ngắn xuất sắc của Nguyễn Trung Thành con người và mảnh đất anh hùng ấy. Bằng ngòi bút tài hoa và thấm đẫm yêu thương của mình, tác giả đã xây dựng hệ thống nhân vật vô cùng phong phú, đại điện cho lớp lớp những con người Tây Nguyên kiên cường, bất khuất trong cuộc chiến chống giặc ngoại xâm, trong đó Tnú là hình tượng tiêu biểu nhất.


    Mở bài số 03:

    Rừng xà nu là một tác phẩm tiêu biểu của nhà văn Nguyễn Trung Thành viết về thiên nhiên và con người Tây Nguyên anh dũng, bất khuất, kiên cường. Đó là bao thế hệ cách mạng đầy bản lĩnh chiến đấu, giàu lòng yêu nước, là đại diện tiêu biểu cho tinh thần đấu tranh chống giặc ngoại xâm, theo lý tưởng, ánh sáng cách mạng của dân tộc. Tnú là một nhân vật nổi bật trong truyện hiện lên với những vẻ đẹp đại diện cho người anh hùng sử thi của thời đại, kết tinh mọi phẩm chất tốt đẹp của con người Tây Nguyên.

    Mở bài Rừng Xà Nu
    Mở bài Rừng Xà Nu
    Mở bài Rừng Xà Nu
    Mở bài Rừng Xà Nu




Công Ty cổ Phần Toplist
Địa chỉ: Tầng 3-4, Tòa nhà Việt Tower, số 01 Phố Thái Hà, Phường Trung Liệt, Quận Đống Đa, Thành phố Hà Nội
Điện thoại: 0369132468 - Mã số thuế: 0108747679
Giấy phép mạng xã hội số 370/GP-BTTTT do Bộ Thông tin Truyền thông cấp ngày 09/09/2019
Chịu trách nhiệm quản lý nội dung: Nguyễn Duy Ngân
Chính sách bảo mật / Điều khoản sử dụng | Privacy Policy