Top 10 Tản văn viết về tuổi thơ hay nhất
Tuổi thơ chính là một hành trang đẹp, đáng quý của tất cả mọi người. Ký ức tuổi thơ là những kỷ niệm của thời thơ ấu, hồn nhiên, tinh nghịch, chẳng có ưu tư ... xem thêm...muộn phiền nào ngoài việc ăn, học, vui chơi... Hôm nay hãy cùng Toplist khám phá các bài tản văn viết về tuổi thơ hay nhất qua bài viết dưới đây để hiểu hơn nhé.
-
Kí ức tuổi thơ
Trong chúng ta, ai ai cũng giữ trong mình về một miền kí ức tuổi thơ xa xôi thật đẹp nhưng đầy tiếc nuối ! Ngày thơ bé của chị em tôi gắn liền với những kỉ niệm êm đềm, giản dị, khó quên bên mái nhà tranh yên ả rợp bóng cây xanh cùng với hình ảnh mẹ cha thân thương, tận tụy mưa nắng một thời...!!!
Tuổi thơ - Ấy là những tháng ngày gian khó, là những ngày thương nhớ đong đầy. Là những ngày nhặt mót thóc rơi, là những lần bắt cua bắt cá ngoài đồng. Là tiếng kẽo cà kẽo kịt tiếng võng trưa hè, là hình ảnh giản dị với mái nhà tranh phên đất, là ánh đèn dầu hiu hắt mỗi khi gió đông xuyên mành len qua từng khe cửa, là hình ảnh đom đóm lập lòe hay là cơn mưa chớp lửa đêm đông, nước dột mái nhà...Là những lần rong chơi trên những triền đê quên cả lối về cùng lũ bạn khi mà ánh hoàng hôn sau ngọn đồi còn quên tắt...
Thuở ấy, niềm vui lớn nhất của tôi là được cùng chơi bán hàng với các em của mình! Những thứ mà tôi bày bán là hoa lá, cỏ cây được hái từ vườn nhà rồi đặt tên cho chúng thành những món thức ăn như thịt, cá, dưa, hành… Tôi bán, các em của tôi đóng vai khách hàng đến mua và trả tiền bằng mấy sợi thun hoặc những mẩu giấy nho nhỏ. Trong cửa hàng của tôi, chỉ có một vài thứ là thi thoảng được mẹ mua cho, còn lại là tận dụng những món đồ cũ trong nhà mà mẹ không dùng nữa và tự tay ba chị em tôi chế thêm thành nào là nồi niêu, xoong chảo...Hồi đó kinh tế khó khăn, nhà tôi lại nghèo, ba mẹ đi làm lụng sớm khuya cũng chỉ được ba đồng ba cọc, thì làm sao có tiền mua đồ chơi cho con một cách thoải mái! Tôi nhớ nhất cái cân được ba tự tay làm với vật liệu lấy từ nắp hộp sữa bò, mấy sợi chỉ và chiếc đũa tre nhỏ. Qua bàn tay khô ráp nhưng khéo léo của ba, món đồ chơi này trông rất xinh xắn. Bình - đứa em trai út của tôi mê nó lắm, cứ ngắm nghía mãi rồi xin:
_"Chị cho em ha, em cho chị cây kẹo có hình cái rìu !" (Cậu em này của tôi hồi bé đầu nhỏ hạt tiêu mà khôn lắm, nước mũi khi nào cũng thò lên thụt xuống mặc dù trước ngực áo tôi luôn đeo cho chiếc khăn tay để lau)...
Thi thoảng có thời gian hơn, tôi cùng các em lại lụi cụi ngồi cắt tấm giấy bìa cứng thành những hình người, rồi xỏ chỉ xuyên qua và bằng kỹ thuật nào đó khiến người chơi có thể cầm hai đầu sợi chỉ giựt giựt, điều khiển hình người nhào lộn lên xuống, trông rất vui mắt...! Có lúc tôi dùng vỏ trứng gà mà mẹ đã bỏ cùng với giấy màu và bút lông để tạo thành con công, con ngỗng, hoặc con gà mẹ mái mơ... Những thành phẩm ấy được chị em chúng tôi mang đi khoe bạn bè lối xóm, lũ bạn rất thích, thậm chí có đứa muốn mua lại những món đồ chơi giản dị nhưng có một không hai ấy. Thế là một cách ngẫu nhiên, tôi trở thành người làm đồ chơi giúp lũ bạn và cả đám trẻ nhí nhố từ đầu thôn đến cuối xóm! Buổi chiều ở làng quê, dưới lũy tre làng nhóm trẻ trong xóm cùng chị em tôi chụm đầu vào nhau chơi những trò chơi trong một khung cảnh làng quê yên bình đến lạ ...
Ngày ấy...! Có lẽ cái thời khó khăn phải xoay đủ mọi nghề để mưu sinh nên ba mẹ tôi không có điều kiện để cho chúng tôi những gì hơn thế! Mẹ tôi là người tảo tần sớm hôm với đủ nghề: khi thì buôn rau, khi thì thu mua phế liệu...Tôi còn nhớ, cứ mỗi chiều gần tắt ánh hoàng hôn là mẹ tôi lại đạp xe lên Khe Đâu (tên của một con dốc ở quê tôi) chờ đợi những người đi đào bới phế liệu trên núi xuống, những mảnh sắt vụn, những ống liều đồng, hay là những bao cát mà chiến tranh còn để lại đều được mẹ tôi mua về phân loại và được đem vào thành phố Huế bán kiếm vài đồng lời vào tờ mờ sáng hôm sau! Tuổi thơ của chị em tôi, gắn liền với những giọt mồ hôi nhọc nhằn trên vai của ba với những trưa nắng gắt nặng trĩu trên vai gánh lúa chín vàng ! Là những tần tảo sớm hôm dù ngày nắng hay ngày mưa với chiếc áo sờn vai của mẹ!...
Chị em chúng tôi, hồi bé đi đâu cũng có nhau, những trưa hè không chịu ngủ, trốn mẹ lang thang rong ruỗi khắp các con đường chỉ để rình bắt những con chuồn chuồn ớt đỏ tươi, những con bướm đủ sắc màu; cùng nhau hái những trái mâm xôi chín mọng chua chua ngọt ngọt, là những trái du kia(một loại trái ở miền quê ở Huế mà bọn trẻ chúng tôi ai ai cũng có thể biết) chua lè cũng được chị em chia nhau ăn như là đặc sản của thời kỳ đó...Là những chùm hoa thị thơm lừng được chị em chúng tôi mang về làm thơm ngát cả không gian nhà...!!!
Lớn lên cùng nhau gắn liền với lũy tre làng, với những trò chơi dân gian mà hồi bé chắc ai ai cũng còn nhớ: trò ô ăn quan, trò nhảy dây, đánh chuyền, trò đánh lon, nhảy bao bố,...Những trưa hè nắng đổ chang chang rủ nhau đi đào dế, đào con cút cút(cồng cồng) về nuôi...Khi những cơn mưa rào , mưa giông trút nước là chị em chúng tôi lại cùng lũ bạn trong xóm chạy ra tắm với nụ cười mừng rỡ hân hoan như chưa bao giờ được vui như thế...
Thời gian lặng lẽ trôi, tuổi thơ giờ chỉ còn là ký ức! Nhưng mỗi khi nhớ về những buổi trưa hè bên thềm nhà xưa rợp bóng, trong tôi lại hiện lên hình ảnh một con bé lăng xăng chào mời các em mua từng món hàng… và các em tôi lại hồ hỡi trả giá những mặt hàng mà tôi trưng bày trên đó như một người mua hàng rành rỏi, cậu em út của tôi lém lĩnh lắm, chê mắc chê rẻ rồi giả vở ngoảnh mặt đi...Hình ảnh của hai đứa em trai ngây ngô, quấn quýt bên nhau cười đùa khi chơi trò đá dế...Nó gợi nhớ trong tôi bao kí ức vui buồn khó tả của một thời non dại được bên mẹ bên ba...!!!
Thuở hàn vi đó... Tôi được ba mẹ giao cho nhiệm vụ lo cho các em mỗi khi ba mẹ vắng nhà. Ba mẹ tôi thường dậy rất sớm với mo cơm được ủ kín và nén chặt kèm theo đó là một gói muối tiêu ớt chứ chẳng có gì hơn ! Mái nhà êm ấm ngày xưa chị em tôi lớn lên là một mái nhà tranh vách tre đan được ba mẹ tôi dựng lên từ những khóm tranh cắt trên núi về; để có được mái nhà đơn sơ, mát rượi ấy là cả quá trình thức khuya dậy sớm mà ba mẹ tôi phải nhọc nhằn vất vả mới có được để che nắng che mưa...!!!
Kí ức tuổi thơ trong tôi là tiếng ve mùa hạ xen lẫn tiếng cười ra rả của lũ nhóc em ! Mỗi lần mãi mê chơi, cả chị lẫn em quên cả việc quét nhà, nấu cơm, giặt áo mà ba mẹ dặn! Chúng tôi bị phạt đánh đòn nhưng không ai dám khóc, hai nhóc em tôi khi nào cũng nghiêng qua nhìn tôi nói nhỏ:
_"Chị không được khóc, chị mà khóc là mẹ đánh cả ba chị em luôn đó..."
Có lẽ vì để chị em có trách nhiệm lẫn nhau nên hễ trước khi ra khỏi nhà là mẹ tôi thường căn dặn:
"Trong ba chị em, một đứa làm sai là mẹ phạt luôn cả ba đứa! Ở nhà chị em lo mà bảo ban nhau" .
Thế nên ba chị em tôi hễ làm gì là cũng đều làm chung, gắn bó bên nhau từng ngày thơ dại! Mỗi tối về chúng tôi lại cùng bảo ban nhau học bài rồi lại cùng leo lên trên một chiếc giường nhắm mắt đi ngủ. Mùa đông ! Chị em cùng nhau đắp một mảnh chăn đã cũ kỹ với nhiều chỗ rách nát nhưng vẫn an yên, ấm áp tình cảm gia đình!
Kỉ niệm thời trẻ con thì nhiều vô kể, kể sao hết những tháng ngày hồn nhiên vô tư lự! Nhưng có những kỉ niệm mỗi khi nhớ về thì không thể nào quên. Nhớ một chiều hôm đó, ba chị em tôi ra vườn chặt mía , vì sợ hai em trúng phải dao, tôi bảo em trai út đứng xa ra để chị và anh Sang chặt cho em ăn... Em út của tôi vì thích khúc mía giữa nên lao vào cầm lấy, tôi không kịp trở tay chặt vào ngang mũi một đường sắc lẽm thẳng qua ngay mắt, máu chảy đỏ cả áo trắng thơ ngây trên người đứa em khờ dại, tôi hoảng quá múc nước giếng lên xối , càng xối máu càng chảy, em Sang (đứa em kế của tôi) thì nhanh nhẹn chạy lên nhà ông Cam hàng xóm xin thuốc lá về dán lên vết cắt để cầm máu, vì mẹ tôi vẫn thường làm thế nên chúng tôi học được thôi. Lo sợ ba mẹ làm về sẽ đánh chị nên hai em giấu không cho ba mẹ biết, suốt buổi cơm tối, em út tôi cứ cúi mặt xúc cơm ăn, mẹ tôi phát hiện ra hỏi thì đứa nào cũng giấu vì sợ chị bị no đòn... !!!
Thương nhau chia nhau từng củ khoai lang nướng, từng miếng bánh ngon, từng cây kẹo ngọt, bảo vệ cho nhau mỗi khi phạm lỗi bị mẹ mắng la, mẹ phạt đòn...Và còn biết bao nhiêu kỉ niệm của những năm tháng tuổi thơ, cùng nhau đi qua ngày nắng lẫn ngày mưa mà có lẽ trong tôi, trong các em sẽ là một thước phim dài không sao kể hết... Chỉ biết rằng nó luôn hiển hiện trong tâm trí của chúng tôi mỗi khi nhớ kỉ niệm nay đã đi về nơi xa vãng...!!!
Năm tháng qua đi, tuổi thơ giờ đây chỉ còn là hoài niệm, là những kí ức xa xôi hiện về với bao nuối tiếc...!! Thời gian đi qua chúng tôi lớn khôn trưởng thành kèm theo đó là mái tóc pha sương của mẹ, của ba! Chúng tôi lớn lên với một đứa một con đường , một hướng đi riêng và không còn chơi chung trò chơi ngày cũ...! Rồi ai cũng có cho mình một mái nhà riêng kèm theo đó là nỗi gánh lo cơm áo gạo tiền nên chị em không còn thường xuyên gặp nhau nữa... Cuộc đời hối hả với những vòng xoáy kim tiền liệu các em tôi của ngày xưa có còn nhớ đến mái nhà tre êm đềm bao kỉ niệm, nơi đó có mẹ có ba, có ba chị em trong ngôi nhà nhỏ ê a tiếng cười...!!!
Xa rồi những năm tháng tuổi thơ! Tuy xa, dù không còn chung tấm chăn mùa đông ngày cũ, không còn được gân nhau, san sẻ cùng nhau những buồn vui nguyên lành hay vụn vỡ...!? Nhưng trong tôi vẫn nhớ ...nhớ những kỉ niệm ngày thơ - một vùng trời tuổi thơ thương nhớ vẹn nguyên như chưa bao giờ cũ và lòng miên man đầy tiếc nuối:
“Tôi nhớ những ngày thơ ấu
Như là cơn gió đã xa mất rồi,
Nhớ những tháng ngày ấm êm,
Bên cha bên mẹ dấu yêu.
Câu ru trưa hè miên man,
Chị em thương mến bên nhau sớm chiều…”Mắt nhìn xa xôi, ngoài trời đang mưa như trút nước dưới khung trời Huế xám đặc nỗi niềm. Đưa tay mở và nghe lại bài hát "Xa Rồi Tuổi Thơ". Từng câu hát của ca sĩ Phương Thảo - Ngọc Lễ văng vẳng đâu đây, nhắc nhở những khoảnh khắc quá đỗi yên bình trong tuổi thơ tôi một thời:
“Bao năm tháng đã đi qua
Tôi đã không còn bé thơ.
Tôi mơ thấy thời thơ ấu
Như ngàn ánh nến lung linh hiện về..."Cỏ Ba Lá
-
Hương vị tuổi thơ
Đến Hà Nội vào một chiều thu tháng Tám, tôi ngang qua đường Xuân Thuỷ - Cầu Giấy, bắt gặp những người phụ nữ bên gánh hàng rong vồn vã mời chào với chất giọng êm nhẹ như ru, chợt níu chân người lữ khách tha hương bởi thứ quà quê say đắm đất Hà Thành: Cốm làng Vòng! Giữa phố xá đông vui, tấp nập, nhộn nhịp những gánh cốm như điểm nhấn giàu chất thơ của Thủ đô phồn hoa. Chúng gieo vào lòng tôi nỗi nhớ mênh mang về những kỉ niệm xưa đẹp đẽ, êm đềm. Hà Nội trong con tim bé nhỏ của tôi bỗng chốc rộn ràng, thổn thức…
Những ngày xa xưa ấy, tôi theo chân ông ngoại ra phố chơi. Mùa thu tuyệt diệu bởi những cơn gió heo may se lạnh thổi về cùng những đoá hoa cúc nở rộ vàng tươi dịu ngọt. Mùa thu tuyệt diệu bởi hương sắc dịu dàng, giữa tiếng rao ngọt lịm, tôi sà vào gánh hàng rong lạ lẫm, len lén nhìn bàn tay chọn những gói cốm thơm dịu, vuông vức, được buộc bởi thân cây lúa nếp đã tuốt bỏ hạt, xanh ngắt. Mùa thu tuyệt diệu bởi giữa phố đông, người phụ nữ thoăn thoắt trên tay những gói cốm trong gánh hàng, miệng cười tươi như hoa nở.
Tôi cầm trên tay gói “lộc trời” xanh thanh nhã, mềm mại với mùi ngòn ngọt. Sau lớp lá sen bao bọc ấy là lớp lá ráy giữ cho cốm ẩm, mềm, mịn. Ông ngoại nhắc tôi cẩn thận bởi lá ráy gây ngứa. Những hạt cốm dẹt, trong như những hạt ngọc thực thanh khiết, xanh trong hiện ra, chỉ nhìn thoáng qua đã cảm nhận được sự hấp dẫn của món ăn. Tôi hít hà căng lồng ngực thứ tinh hoa của đất trời thơm thật thơm thấm nhuần những giọt mồ hôi thầm lặng rơi, lấp lánh cái ánh văn hoá của những nghệ nhân cốm Vòng.
Cốm Vòng được làm bởi thứ lúa nếp hoa vàng đủ độ, không quá già cũng không quá non. Nếu già quá hạt cốm sẽ rắn, dễ vỡ còn non quá đem giã làm hạt bung nhựa khiến những hạt cốm dính vào nhau. Sau khi thu hoạch về, người ta đem tuốt lúa lấy hạt, rang chín và giã cốm sàng trấu ngay sau khi vừa rang xong. Giã cần có kĩ thuật, tránh cho sữa thóc nếp dính bết vào nhau.
Dùng năm đầu ngón tay nhón miếng cốm, thử miếng đầu tiên là đã cảm nhận được vị ngon ngọt, bùi bùi, dẻo dẻo, trong lành khó cưỡng của từng hạt cốm đang quấn quyện với nhau nơi đầu lưỡi. Cảm giác như hương thơm sữa lúa nếp thoang thoảng trên biển lúa bát ngát hoà quyện cùng hương sen thơm ngát từ Hồ Tây mênh mông, cứ vương vấn mãi mười đầu ngón tay.
Đứa trẻ ham ăn thuở nhỏ là tôi đã ăn hết một gói cốm còn vòi vĩnh thêm gói thứ hai, thứ ba,… Vốn vô cùng ưa thích cốm nên lúc quả hồng đỏ mọng khi trái chuối trứng cuốc vàng ươm ông nhắc tôi chấm ăn cùng. Chao ôi, mùi cốm thơm đan quyện cùng vị ngọt lành của các loại quả bỗng trở nên tuyệt vời đến thế! Hương thu Hà Nội thấm đẫm trong từng miếng cốm tạo thành hương vị ngọt ngào, tinh tế rất riêng của Hà Nội xưa cũ.
Vốn sành ăn, ông ngoại biết, sau từng đợt thu hoạch lúa khác nhau cho ra từng loại cốm khác nhau, chỉ người sành điệu mới phân biệt được: Ngon nhất là cốm lá me, nhì là cốm rót, ba là cốm mộc và cuối cùng là cốm thông thường. Ngoài cốm tươi, cốm làng Vòng Hà Nội còn có nhiều món khác nhau đem đến những hương vị khác biệt như: Cốm khô, xôi cốm, cốm xào, chè cốm, bánh cốm…
Cái thú vui ẩm thực cốm Vòng nó đã trở thành thú vui tao nhã của những tao nhân, mặc khách xứ Tràng An, như ông và lan truyền sang tôi. Cốm làng Vòng đi vào thi ca bằng những lời tấm tắc ngợi khen và đầy thi vị: “Cốm Vòng, gạo tám Mễ Trì/Tương Bần, húng Láng còn gì ngon hơn!”. Đây quả thực là một thức quà Hà Nội thơm thảo, dấy lên dư vị luyến nhớ đối với bất kì ai đã trót nếm thử một thứ quê mùa là cốm Vòng vốn đã có mùi vị và hương thơm rất riêng ấy.
Còn gì sung sướng bằng những lần dạo phố Hà Nội mùa thu, được thưởng thức hương vị cốm Vòng độc đáo trong bàn tay còn thơm mùi hương đồng gió nội? Còn gì sung sướng bằng giữa phố phường chật chội, huyên náo được thấy cả một trời thương nhớ của kí ức tuổi thơ diệu vợi, tươi đẹp tràn về vô cùng thân thương? Những mảnh ghép quá khứ cứ dồn dập hiện về tạo nên hình hài nỗi nhớ man mác, khiến mùa thu càng trở nên vi diệu hơn!
Chợt nhớ những ngày ấu thơ, ông ngoại dắt tay đứa cháu nhỏ vào làng Vòng chơi vào độ mùa thu khiến tôi vui như Tết. Ngày ấy, làng Vòng đang vào vụ cốm. Đi từ đầu làng, gió thu man mác thổi mang theo hương cốm thơm lan toả khắp không gian nhè nhẹ. Tiếng chày giã cốm rộn ràng như một dàn đồng ca bất tận của mùa thu. Những nghệ nhân nông dân hồ hởi đón chào hai ông cháu bằng đĩa bánh cốm dẻo, dai, ngòn ngọt, ngậy hương thơm cốm trộn lẫn hương đậu xanh và lá dứa. Đĩa bánh cốm thơm ngon, thưởng thức cùng ấm trà Thái toả khói nghi ngút, thơm ngất ngây cùng những câu chuyện thì còn điều gì tuyệt vời hơn?
Tôi về Hà Nội một ngày mùa thu, bỗng nhớ hương vị tuổi thơ vấn vương hương cốm Vòng da diết. Làng Vòng khác xưa nhiều, từ làng thành phố lúc nào chẳng hay. Đâu còn cái mảnh đất trồng lúa tự ngàn xưa nay đã được đô thị hoá. Đã qua rồi cái thời dùng chày giã cốm, thay vào đó là máy móc. Trong lòng những nghệ nhân là niềm đau đáu khôn nguôi khi nghề truyền thống có nguy cơ bị mai một. Còn tôi bùi ngùi đem thức quà tao nhã, bình dị ấy dâng hương trên bàn thờ có ông ngoại hiền từ mỉm cười và làm món quà cho lũ trẻ.
Giữa tiết trời mùa thu chớm lạnh qua từng con phố dài hun hút heo may, trong hương hoa sữa nồng nàn, mang trên tay gói cốm Vòng thơm nức, lòng tôi bỗng nhẹ nhõm, bình yên vô cùng. Lật mở từng lượt lá gói, hương sen toả ra dìu dịu, ngan ngát, tôi mới thấu hết niềm vui khi thưởng thức từng hạt cốm còn đượm hương mùa thu. Còn có cảm giác hạnh phúc nào sánh bằng miền hồi ức đẹp bên ông thưởng thức cốm Vòng thuở ấy?
NGUYỄN MINH
-
Khóc trước tuổi thơ
Một ngày tháng tám, đã thấy nắng thu lấp loá, vàng mơ như can mật ong sóng sánh; đã thấy trong dáng hình ký ức, ngày tháng nào tôi đứng chênh vênh, khi bên này ngày mưa gió, phía bên kia tuổi thơ hun hút thấp thoáng lặng im. Bỗng thấy tuổi thơ không ở đây mà như ở đây, bỗng thấy những ngày thơ ấu đã xa ngái rồi mà lại như vừa mới diễn ra đây thôi. Ngay cả khi trong chớp mắt, trong lãng đãng sương bay vấn vít đầy những sắc màu và thanh âm.
Nhưng nhiêu đó thôi cũng chưa gợi mở đường tìm, chỉ khi chuyến tàu ký ức thổi day dứt chẳng rời, cố vương va vào ngày hoài niệm, gợi lên từng mảnh tuổi thơ thấp thoáng rạc rời. Đâu phải ai cũng có thể gìn giữ được tuổi thơ, nhưng lỡ đánh mất rồi lúc tìm lại sao còn thấy nữa, hoạ chăng chỉ còn những mảnh vụn chắp vá lại, khâu lại mảnh thời gian mà thôi. Ngay cả khi, nhìn đám trẻ bây giờ xoay vần với bao nhiêu sách vở, háo hức giải trí tương tác trên các nền tảng xã hội, tham gia những trào lưu thời trang, hội nhóm vào những “drama” vô nghĩa, các em đâu cưỡng cầu hay mong ngóng, tiếc nhớ về một thời tuổi thơ đơn sơ như tôi bao giờ. Tôi cũng không phải ngoại lệ, một thành niên đang lần tìm, để một lần được khóc trước tuổi thơ.
Trong buổi chiều chập choạng, ngồi khóc trước ký ức tuổi thơ thấy mình như rêu bám trên bức tường đã cũ kỹ, càng bóc tách ra càng gợi nhớ, như thể có một tấm vé thông hành xuôi chiều cố ngược ta về quá khứ. Hiện lên mấy đứa trẻ con trong dịp Tết Trung thu, sao cứ giống nhau quá, các em xuống phố đêm trăng, hòa vào dòng người đông đúc, chụp vài tấm ảnh, xem vài màn múa lân chen chúc đông đúc người qua lại. Tôi lặng nhìn theo, mê ngắm cảnh tượng ấy và cái ý nghĩ tự cao xuất hiện, rằng thật tiếc cho các em vì không có tuổi thơ, nhưng rồi chợt khựng lại, có phải nhất nhất giống như thời của tôi, thế hệ của tôi thì mới gọi là tuổi thơ? Rất đỗi vị nhiên, tôi được trải qua những ký ức đơn giản bình dị, gần gũi và nguyên sơ. Nhưng các em lại may mắn được hưởng những điều thật hiện đại, rực rỡ, nhộn nhịp và đủ đầy. Các em lớn lên theo dòng chảy của nhịp sống hiện đại, đâu phải là một điều kém may mắn, chỉ là những điều làm nên tuổi thơ của mỗi thời, mỗi thế hệ đều khác nhau, và bằng cách này hoặc cách khác mà thôi.
Qua màng lọc thời gian, qua lớp sương hoài niệm, hay qua cách tôi nhìn sang những đứa trẻ xung quanh mình. Con trai tôi đang say sưa, chăm chú trên tay là cuốn sách “Cho tôi xin một vé đi tuổi thơ” của Nguyễn Nhật Ánh. Tuổi thơ tôi đã qua từ lâu rồi, tôi đọc cuốn này cũng lâu lắm rồi, hay là mình tưởng tượng ra mình cũng như thế. Nhưng lạ thay, tôi thấy tôi trong đấy, tôi trôi trong đấy. Tôi bật cười, rồi lần mở Youtube bài Donna Donna (tôi nghe lần đầu khi tivi phát chương trình “Học tiếng Anh qua các bài hát và trò chơi” của kênh VTV2). Thì kể làm sao hết, phân chia sao hết những ngăn ký ức tràn đầy ngăn hồn vừa thênh thanh vừa dẫn lối, đê mê tìm về. Ngày tôi xa mẹ, lần ấy tôi khóc như dại qua giọng ca của Joan Baez. Tôi như tâm trạng của chú bê con, ước ao được quay trở về ngôi nhà thân yêu có mẹ tôi ngồi nấu cơm nơi góc bếp, trước sân nắng hoang vàng, cha tôi đánh cờ với chú Chín dưới bóng cây xoài cát toả mát xanh; tôi thì lúc đấy, giống như chú bê con kia hiên ngang mà tự do bay lượn trên bầu trời dìu vời vợi.
Phố vẫn chìm trong mưa dài, ngập lối và tôi tưởng như chẳng còn được nhìn, trông, mong, ngóng, đợi chờ, dẫu chỉ để tặng riêng cho mình khoảng lặng bình yên và ngồi khóc với tuổi thơ. Những mảnh ký ức vẫn cứ quay quay, xoay bay trong trí nhớ. Thỉnh thoảng trong giấc mơ vẫn ám ảnh tôi, cảnh tượng ngồi khóc trước hiên nhà, mặc mưa gió đường xa. Vẫn vang đâu đây, lời mẹ: khi con chọn cách quay lưng với nỗi buồn, nỗi buồn sẽ chăng bao giờ ở lại. Những ủi an mẹ không thể cùng con thì thầm suốt cả cuộc đời dài rộng, chỉ cần con tự biết cân bằng, thích nghi, lấp đầy cô đơn, tịnh yên trước những ầm ồn, thì chơi vơi đó, sóng gió đó, sẽ theo gió bay đi.
Bên khung cửa sổ chớm thu, gió mưa vẫn thổi ràn rạt, ký ức hiện lên đứt quãng nhưng đủ làm tôi rơi nước mắt. Thôi thì hãy sống thật với cảm xúc của mình trong từng nhịp thở đi qua, người sống sao thật đúng với cảm xúc của của mình mà không cần kìm nén, để ấm nồng thổi suốt hành trình, sưởi ấm những ngày hoang lạnh. Ký ức tuổi thơ có nhiều nhặn gì đâu, thôi cứ khóc đi khi còn có thể; như tôi, trước tuổi thơ, muốn thiêm thiếp đi những buổi chiều ràng rạc mắt, hoang dại, rồi bạc gió trong chiêm chiếp tìm mẹ, lạc loài vườn xưa.
NGUYỄN THỊ DIỄM
-
Tiếng nói từ tuổi thơ
Gánh ngược những nhọc nhằn của hiện tại về quá khứ, tôi bắt gặp tuổi thơ của mình. Đẹp! thật đấy. Tuổi thơ của tôi, được vẽ lên từ những gam màu vụn của một miền nông thôn nghèo xơ xác. Cái nắng, cái gió cũng đẹp đến ngây người. Ở đó - quê tôi, không có những cánh đồng thơm hương lúa mới, chẳng có suối, càng không có núi, có rừng. Chỉ có màu của những tán lá đượm nắng xanh rì, những bạt ngàn là đước, mắm, sú, vẹt. Có những bãi bồi nước mặn, ở đó tôi gặp lại tôi và những đứa nhỏ cùng thời, lấm lem màu xám của bùn, hôi rình mùi của bùn non và nước biển.
Ngược về những năm tháng ngày thơ, ùa về trong tôi một quãng đời kỉ niệm, có vui, có buồn. Nhưng tất cả cho tôi biết, tôi có tuổi thơ. Đó là tuổi thơ đẹp, đẹp hơn tranh sơn dầu của họa sĩ Tô Ngọc Vân, đẹp hơn cả những giấc mơ hồng của những ngày còn bé. Và thế, ngắm lại dĩ vãng, ngược dòng thời gian làm ta giật mình, ngây dại. Hóa ra ta đã lướt qua những năm tháng ấy bằng sự hững hờ, vội vã. Tôi còn chưa kịp nghe tiếng đất thở những ngày hè, mùi bùn non tôi cứ ngỡ đương còn đâu đấy. Nhưng chóng vánh, tôi chẳng nhớ thứ gì. Những cánh rừng đước xen dăm ba cây mắm cứ mỗi buổi trưa đều ào ào như tiếng thác. Ấy vậy mà tôi có nhớ rõ cái âm thanh vọng lại từ xa xa đó nữa đâu… Vọng về những năm tháng cũ, là những ngày bắt sò bên những bãi bồi nước mặn, sao có thể vắng tôi? Tôi luôn háo hức lặn hụp ở cái xứ đất phèn này, đơn giản vì mùi phèn nuôi lớn tuổi thơ tôi. Có những ngày, cả lũ gần chục đứa cứ hì hụp dưới mấy con kênh. Đứa thì thi nhau ai lặn lâu hơn, có nhóm thì đua nhau xem đứa nào bơi xa hơn. Ôi kì diệu! Những năm tháng ấy đâu rồi? sao nó cứ âm thầm ra đi mất biệt. Làm bao kẻ vọng về, chỉ có sự cô đơn là luôn luôn quanh quẩn những tâm hồn bé bỏng của ngày xưa. Bây giờ, mọi thứ khác đi nhiều, chỉ có điều những tâm hồn ngày ấy tôi vẫn còn giữ gìn cho đến tận bây giờ và mong chờ “tiếng nói từ tuổi thơ”.
Lững lờ theo con nước chảy, tôi thả hồn mình vào tiếng gió ban trưa. Tôi ngắm dòng sông quê mình bằng sự hoài niệm, nhớ nhung. Dòng sông quê tôi là dòng sông nước mặn, quanh năm hòa nhịp thở cùng với biển trùng khơi. Cái mặn mòi của nước biển đã nuôi lớn tôi nên làm sao quên cho được. Dòng sông ấy, mỗi lúc ngắm nhìn làm tôi rưng rưng khó tả. Chắc có lẽ chính vì trên khúc sông này, hình ảnh của cha tôi vẫn còn đâu đó. Dù thời gian qua đi, dòng sông ngày một khác. Hai bên bờ sông cây cối ít đi nhiều, người ta giờ cũng chẳng sống nhiều ven hai bên bờ sông nữa. Nhưng…có một cái khác biệt nhất là trên dòng sông này chẳng ai còn thấy dáng cha tôi. Chẳng còn thấy chiếc xuồng ba lá đầy ắp cá, tôm, cua, ghẹ… và chẳng ai còn thấy tiếng cười, hay giọt mồ hôi của cha tôi đâu nữa. Người ta hay nhớ về quê hương bằng những kỷ niệm đẹp, những hình ảnh đáng yêu. Còn tôi, nhớ quê hương bằng nhiều cảm xúc hỗn độn, có tiếng cười và những giọt lệ nhớ thương.
Trong bài thơ Quê hương của nhà thơ Đỗ Trung Quân có viết “Quê hương là gì hở mẹ/ Mà đi xa cũng nhớ nhiều”, tôi chỉ ước nếu có dịp gặp được nhà thơ tôi sẽ trả lời không ngần ngại quê hương của tôi là tất cả, là cây cối, là dòng sông, là chúng bạn thuở thiếu thời và là cha. Bây giờ, dường như những lần trở về quê dần thưa thớt. Nhưng những dấu ấn về nơi chôn rau cắt rốn và không thể nào phai dấu, bởi “Quê hương nếu ai không nhớ/ Sẽ không lớn nổi thành người”. Chúng ta rồi ai cũng lớn từng ngày theo thời gian, đều đó cũng có nghĩa là những hình ảnh về quê hương mỗi ngày một bé lại… cho đến một ngày chúng ta không còn nhớ rõ nữa hoặc thậm chí là quên. Nhưng điều đó cũng có thể hiểu là chúng ta đã đánh mất tuổi thơ của mình, đánh mất chính chúng ta.
(Tác giả: Nguyễn Chí Nguyện)
-
Về miền tuổi thơ
Tôi sinh ra và lớn lên ở một vùng quê nghèo, nơi có những rặng tre cao vút, những cánh đồng lúa trải dài như dải lụa và những đứa bạn trên cả mức thân.
Tôi còn nhớ những buổi trưa nắng cháy cùng lũ bạn đi bắt cua ngôm. Ngày ấy, ngoài đồng nhiều cua lắm, chúng tôi mỗi đứa đeo bên mình một cái giỏ, cũng có đứa vì nhà không có giỏ nên cầm trên tay một cái túi bóng khá to. Chỉ cần lấy chân khua nhè nhẹ lớp cỏ trên bờ ruộng là đã có thể thấy vài ba chú cua đang nằm phơi càng, nhả bong bóng rồi. Qua một hai bờ ruộng thôi là sẽ có một giỏ cua đầy, đeo lệch cả mạng sườn. Khi những chiếc giỏ đã đầy ắp, cả lũ lại kéo nhau ra cái ao giữa đồng vày nước. Đứa mạnh bạo thì nhảy ùm xuống ao ngập tõm cả đầu, đứa nhát hơn thì ngồi trên bờ thò chân xuống khua khua mặt nước. Cũng có khi vì hăng máu mà đứa bên dưới kéo đứa bên trên xuống và tất nhiên kéo theo đó sẽ là những tiếng tru tréo, tiếng quát tháo nhau vang vọng cả cánh đồng.
Bụi tre đầu ngõ luôn được lũ trẻ chúng tôi chăm chút, săn đón vì chỉ cần quanh quẩn bên nó một lúc thôi là chúng tôi sẽ có đủ những dụng cụ, những loại hình đồ chơi phong phú. Những cành tre nho nhỏ, thẳng tuột to bằng nửa đầu ngón tay sẽ được trưng dụng để bọn con gái chơi chuyền. Cái đầu nõn của lá tre được bọn con trai xâu thành vòng chơi đánh nịt, đứa có năng khiếu hơn một chút thì bứt những chiếc lá thổi thành một bản nhạc.
Ngày mùa đến, chúng tôi ngoài giờ học sẽ theo cha mẹ ra đồng. Làng tôi có con sông nhỏ chảy qua, gần sông là cánh đồng mà người ta gọi là "bãi". Sau mùa nước lên, trên những thửa ruộng ấy sẽ xuất hiện rất nhiều rong rêu, nhà nào nhà nấy kéo nhau xuống ruộng vơ hết rong lại thành từng đống xếp chồng giữa ruộng. Ai cũng sẽ thủ sẵn bên hông một cái túi bóng nhỏ vì trong khi vơ rong sẽ có vài ba chú cua hoặc tôm nhảy lên, xong xuôi thế nào cả nhà cũng được một bữa tôm cua thịnh soạn. Thường thì sau khi rong được xếp thành đống, những người lớn sẽ khom lưng đẩy chúng vào bờ, để đó vài hôm chúng sẽ tự khô quắt lại và đi rất êm chân.
Vui nhất là vào vụ lúa trổ đòng đòng. Chúng tôi thả trâu trên đê rồi kéo nhau chạy lại những thửa ruộng gần đó bứt đòng đòng ăn. Trời... nghĩ lại cái vị thanh mát đó mới thấy tuyệt vời làm sao. Tất nhiên chúng tôi cũng đủ thông minh để nhất quyết không cho nhau làm điều đó trên ruộng lúa nhà mình. Có hôm, đang say sưa đánh chén ngon lành thì bị ông trông đồng bắt gặp, cả lũ không ai bảo ai tay giữ mũ, tay túm quần chạy thục mạng. Chán chê mê mải, chúng tôi lại men theo bờ đê đi tìm cây cỏ gà để chiến nhau. Đứa nào thua sẽ phải trông trâu cho đứa còn lại, không hiểu sao khi đó đứa bị thua nhiều nhất bao giờ cũng là tôi. Trong hội tôi là đứa nhỏ nhất vì vậy việc trông thêm trâu của người khác với tôi là cả một cực hình. Hôm nào về đến nhà, tôi cũng nằm ngửa ra hiên thở há cả mồm nhìn không khác gì vừa tham gia giải chạy maratong về.
Sau vụ gặt là thời gian tung hoành của chúng tôi. Châu chấu, cào cào ngày đó nhiều không biết bao nhiêu mà kể. Tôi được bố làm cho một cái đập bằng đế đôi tông lì, lấy dây thép quấn vào cái thanh tre nhỏ. Dùng cái đập đó vụt vào con châu chấu hay cào cào là nó sẽ lăn quay ra rồi nhặt nó bỏ vào chai nhựa. Cái nắp chai được dùi một lỗ nhỏ đủ để nhét vừa con châu chấu, chạy loanh quanh trên bờ, dưới ruộng một lúc là chúng tôi sẽ có lưng chai châu chấu nhảy tanh tách rồi. Buổi tối là lúc những chiếc lốp xe được dịp thể hiện, chúng tôi châm lửa đốt cháy lốp xe rồi cầm nó soi trên thân rạ, ngọn cỏ sẽ thấy rất nhiều châu chấu cõng nhau ngủ ở đó. Lấy tay tuốt nhẹ một cái là chúng đã ngoan ngoãn nằm trong tay mình, khỏi cần phải mất sức chạy đuổi thục mạng như ban ngày. Cũng có khi soi trúng phải con rắn cả lũ không ai bảo ai, hò nhau chạy té khói, khi hoàn hồn lại tiếp tục công việc đến khi hết lốp xe thì về.
Những tàu lá chuối ngày đó được chúng tôi chặt xuống rồi kéo lê ra gốc cây nhãn dựng lều. Những cành tre, cành nhãn nhỏ được dựng xiêu vẹo rồi lợp lá chuối lên trên, dùng rơm rạ cột lại với nhau cho chắc chắn. Xong xuôi, chúng tôi chui tọt vào đó ngồi có khi trời mưa cũng không thèm chui ra chạy về. Lều dựng hôm trước qua đêm đến hôm sau là đã đổ sập hoàn toàn, chúng tôi lại bàn nhau dựng lại lều mới.
...Thời gian thấm thoắt thoi đưa, lũ bạn xưa giờ cũng đã có gia đình. Đứa thành công, đứa thất bại, đứa hạnh phúc, đứa cô liêu. Liệu rằng trong một phút giây nào đó có đứa nào chợt nhớ ngày xưa, nhớ về tuổi thơ với biết bao kỷ niệm mà ta vẫn gọi là “miền ký ức”.
Hạnh Tồ
-
Khoảng trời tuổi thơ
Hồi còn bé, tôi thường dậy rất sớm, việc đầu tiên là chạy ra phía cửa bên hông nhà, nơi mở ra một khoảng sân rộng. Nhà tôi ở đầu thôn, hồi ấy, nhà cửa chưa nhiều, phía khoảng sân ấy nhìn về phía đông, chỉ thấy những cánh đồng mênh mông và đường chân trời phía xa tít tắp. Suốt năm tháng tuổi thơ ấy, phía chân trời xa kia luôn là một mảnh đất mà tôi luôn mơ ước được bước đến, không biết màu xanh lam xa xa ấy, những tia đỏ hừng đông đầu hạ ấy ẩn chứa điều gì, chỉ một điều tôi luôn chắc, một linh cảm rõ ràng, đó hẳn là một nơi đẹp đẽ, và dịu dàng.
Trẻ con thường không thích ở trong nhà, đặc biệt là trẻ con nông thôn, thích tự do và những không gian rộng lớn để vẫy vùng. Những đứa trẻ luôn chứa cả một đại dương trí tưởng tượng trong cái thân hình bé như viên kẹo của mình, còn khi lớn lên, có lẽ mọi thứ tươi đẹp trong miền tưởng tượng chỉ còn như cái hộp đóng kín, dễ sợ hãi và dè chừng.
Phần lớn thời gian, tôi chơi ở khoảng sân ấy, khoảng sân hình chữ nhật, lát gạch tàu màu đỏ sạch sẽ, nơi có hai cây dừa già nơi góc sân, từng buồng trái no tròn treo lủng lẳng. Đó là nơi cứ những ngày giáp Tết, mấy bố con lại cặm cụi ngồi gói bánh, chờ mẹ đi chợ về, mua bánh mứt và vài bộ quần áo mới cho chị, cho em. Là nơi tôi cùng lũ bạn gọi nhau ý ới, chơi nhảy dây, nhảy lò cò, bắn bi suốt cả mùa hè. Là nơi chiều thu, tôi ngồi trên chiếc võng màu xanh lá mạ và buồn bã ngước mắt nhìn những đàn chim nối đuôi nhau bay về phương Nam tránh rét, thấy gì đó mất mát trong lòng, rồi không chịu nổi, cất tiếng hỏi mẹ rất ngây thơ:
“Mẹ à, khi nào thì những đàn chim mới trở về với chúng ta?”
Thời gian thấm thoắt, mùa lại mùa nối đuôi nhau qua đi, năm sang năm liên tiếp. Tôi đã lớn lên, rồi tôi đến thành phố lớn học đại học, rồi ở lại nơi đây làm việc, thi thoảng mới về thăm nhà. Cuộc sống tấp nập và bộn bề, làm đôi khi tôi vô tâm quên bẵng đi sự tồn tại của mảnh sân hình chữ nhật ấy. Ở Sài Gòn, chẳng mấy nhà có điều kiện để có một khoảng sân, may thay, chỉ là những con ngõ nhỏ cho vài giọt nắng đi lạc. Trẻ con thành phố cũng tất bật với bài vở, khóa học này, lớp học kia, chẳng còn nhiều thời gian cho những buổi tụ tập, chơi trò chơi.
Mẹ gọi điện, nhắc tôi vài điều vụn vặt, dặn tôi ăn uống đầy đủ, nói căn bệnh đau lưng của bố lại tái phát. Chắc vì sợ tôi lo lắng, nên mẹ cũng chỉ nói đôi câu. Nhưng tôi biết chứ, khi con cái trưởng thành, cái phải đánh đổi là khóe mắt hằn chân chim của mẹ, sự ốm yếu tuổi già của cha.
Tôi đã từng cảm thấy tương lai của mình tươi sáng như những điều diệu kỳ nơi phía Đông chân trời khi đứng từ góc sân bên nhà, nhưng khi chạm đến tương lai, tôi mới nhận ra rằng, thì ra, hồi đó, khi đứng nhìn vào ước ao về nơi đẹp đẽ ấy, tôi không hề biết rằng nơi đẹp nhất nằm ngay dưới chân mình.
Chiều nay, tôi sẽ thu xếp lại công việc, xếp lại những mối quan hệ chênh vênh, xếp lại những rối rắm bộn bề. Có lẽ, có một nơi vẫn đang ngày ngày đợi tôi, như chiều chiều năm xưa, nơi góc sân ấy, tôi vẫn mỏi mắt chờ đợi đàn chim tránh rét phương xa trở về.
Nguyễn Hồng Minh
-
Kí ức tuổi thơ
Đôi khi, sống chậm lại ta sẽ nhận thấy, cuộc sống dù là vui hay buồn, thành công hay thất bại cũng đều bồi đắp cho tâm hồn mình những thanh âm trong trẻo nhất, để sống thật tốt những ngày phía trước...
Cơn mưa cuối tháng 10 không giống những cơn mưa mùa thu của những tháng năm xa xôi về trước, mà ào ạt, xối xả, giăng mắc như cơn mưa rào mùa hạ. Tự nhiên tôi lại nhớ đến nao lòng hương hoa sữa ngào ngạt bay trong gió và phảng phất qua những góc quen trên con đường phố huyện nhỏ! Nó đưa tôi về với một nơi nào sâu thẳm nhưng lại rõ mồn một trong trái tim tôi.
Ngày ấy, chúng tôi là những cô cậu học trò nông thôn nghèo, quanh năm tắm mình dưới bóng mát của luỹ tre làng, của những cánh đồng lúa trải dài xa tít tầm mắt những đứa trẻ lên năm. Thời ấy, cả xóm không có lấy một nếp nhà hai tầng và vườn nhà ai nhà nấy đều rộng dài, yên bình trong màu xanh của cây trái, rau màu. Cuộc sống của người nhà quê bình dị lắm, buổi sáng bắt đầu từ 4, 5 giờ sáng với tiếng loạt xoạt quét sân của mẹ, tiếng nháo nhác inh tai của đàn gà đói ăn gọi bình minh đến và tiếng rủ nhau ra đồng của mấy bác hàng xóm xung quanh… Chừng ấy âm thanh tạo nên bức tranh làng quê Việt thân quen đến lạ!
Ngày ấy, ba bốn gia đình góp tiền mua chung nhau 1 cái tivi đen trắng, mỗi mùa World Cup về, cả xóm lại tập trung ở sân cùng nhau xem bóng đá với tiếng hò reo, tiếng bàn tán xôn xao cả một góc xóm. Tôi nhớ ngày ấy, bà tôi, mẹ tôi, thím tôi còn làm cả những nia bánh đúc to rồi đem chia cho mỗi nhà anh em một ít, miếng bánh đúc mềm dai dẻo thơm của bột tẻ với lạc nhân chấm cùng bát tương đỗ mặn mòi đã đi cùng tôi suốt những ngày thơ dại và trở thành món quà quê nồng nàn trong kí ức.
Để làm bánh chưng, bánh dầy vào dịp Tết, bố tôi cùng 2 chú bắt xôi bằng tay và thay nhau giã bằng chày cối đá, giọt mồ hôi lấm tấm chảy trên vầng trán hằn in những nếp nhăn như bao nỗi nhọc nhằn vất vả của người đàn ông gánh trên vai trách nhiệm gia đình. Dù mệt nhưng tiếng nói cười cứ râm ran, ấm tròn tình anh em, để giờ đây nhiều lúc, tôi ước mình được một lần quay lại không khí ấy, để được yên bình, được vỗ về trong cái lam lũ nhưng ngọt lành của những tâm hồn quê đôn hậu.
Mỗi lần theo mẹ lên Yên Cát – quê ngoại của mẹ, đi qua khu hàng tạp hoá trên phố huyện, đôi mắt tôi lại sáng rực lên vì được nhìn ngắm những chiếc ô chấm bi nhiều màu sắc, những chiếc ba lô đi học đẹp lung linh hay hoạ chăng chỉ là những cái áo mưa lấp ló, vài ba con búp bê đắt tiền mà dù cho có khao khát đến đâu, tôi biết mình cũng chẳng bao giờ có được. Chúng tôi cùng nhau lấp đầy khoảng trống ấy bằng những trò chơi dân gian. Nụ cười cứ giòn tan trong vạt nắng đầu thu.
Nhớ những lần bì bõm lội xuống mấy thửa ruộng đầu ngõ, mò mẫm tìm cho bằng được những khoanh đất thịt rồi khệ nệ bê lên, đứa nào đứa nấy mặt lấm lem bùn đất nhưng đôi mắt lại sáng long lanh vì sắp có thật nhiều món “đồ chơi” mới: Nào là gối, nào là giường, nào là bố mẹ, nào là anh chị em, nào là xoong nồi… tất cả đều được nặn bằng đất thịt. Sau đó, mỗi đứa chọn một góc trong vườn, buộc dây chuối khô thành những ô vuông nhỏ ngăn thành nhà, cứ chơi đồ hàng như thế mà quên cả thời gian, trưa nào bố mẹ cũng phải cầm roi đi gọi mới chịu chào nhau để về...
Ngoài kia, mưa vẫn rơi, bầu trời tối sầm lại như càng ru tôi trong miền kí ức xốn xang. Ai còn nhớ không, những buổi học đầu tiên, những người bạn đã gặp để rồi quen nhau, thân nhau và cùng nhau đi qua những tháng năm vất vả, nhọc nhằn nhưng lại rất đỗi ngọt ngào như một phần quý giá nhất nơi sâu thẳm trái tim. Cuộc sống hôm nay đổi thay, kéo chúng tôi rời xa những hoài niệm và ít có dịp ôn lại kỉ niệm cùng nhau. Đôi khi, sống chậm lại, ta sẽ nhận thấy, cuộc sống dù là vui hay buồn, thành công hay thất bại cũng đều bồi đắp cho tâm hồn mình những thanh âm trong trẻo nhất, để từ đó, sống thật tốt những ngày phía trước.
Tác giả: Nguyễn Thị Bích Ngọc -
Ao nhà - Ký ức tuổi thơ tôi
Trong thẳm sâu tâm hồn mỗi người, ai cũng có một nơi để tìm về, đặc biệt là mỗi lúc thấy lòng chênh vênh giữa cuộc đời vội vã. Người ta tìm đến sông, đến bến, đến đò…, còn tôi lại tìm về với cái ao sau nhà – nơi lưu dấu những kí ức tuổi thơ êm đẹp nhưng cũng không kém phần dữ dội. Tôi không biết cái ao ấy được hình thành từ lúc nào, nhưng từ khi bố tôi mua và xây nhà trên mảnh đất ấy thì tôi đã thấy nó xuất hiện rồi. Bố tôi bảo trước đây cái ao ấy là một cái giếng làng, mọi người thường ra đó lấy nước về sinh hoạt. Qua bao năm tháng rộng dài, giếng lở dần rồi thành ao.
Anh chị em tôi, bạn bè tôi không ai quên được những buổi trưa hè nóng bức, cả lũ lại rủ nhau nhảy xuống ao chơi. Trẻ con vùng quê sống dân dã, chân chất, mộc mạc, mỗi đứa mặc độc chiếc quần đùi rồi nhảy ùm xuống ao. Trưa nào cũng vậy, chúng tôi không cần biết đến giấc ngủ trưa, chỉ đợi cha mẹ ngủ là hè nhau chơi trốn tìm, bắn bi, nhảy dây, tắm ao, tắm hồ… Cái ao nhà tôi trở thành điểm hẹn, trở thành nguồn vui cho lũ trẻ xóm giềng. Chúng tôi không chỉ tắm, chơi đùa mà còn cùng nhau mò cua bắt ốc. Bắt được nhiều ốc rồi lại cùng nhau luộc lên ăn. Ăn ốc mà chấm mắm gừng giã thêm chút ớt cho vào, vừa ăn vừa xuýt xoa thì còn gì tuyệt hơn.
Cái ao ấy không chỉ là nơi sinh hoạt vui chơi của tụi nhỏ mà đó còn là nơi cung cấp nguồn nước cho các gia đình xung quanh mỗi khi đến mùa hạn hán. Thời trước, ở quê tôi, cứ đến mùa hạn là tôi thấy xóm giềng phải quảy xô đi gánh nước. Bên cạnh ao là giếng nước trong veo, mát lành. Mỗi lần đi làm đồng về, tôi lại múc một gàu nước lên, uống ừng ực cho đã, sau đó mới rửa ráy chân tay. Dòng nước mát lạnh ngấm vào từng thớ thịt, mát cả ruột gan. Mặc dù giếng gần ao, mạch ngầm thông với ao nhưng nước giếng không bẩn. Và cũng bởi vậy nên nước ao đầy là nước giếng cũng đầy. Xóm giềng đến nhà tôi xin nước giếng để uống, nước ao để tưới cây. Nhà tôi dường như lúc nào cũng có người qua kẻ lại để xin nước. Nhưng đó là trước kia thôi, còn bây giờ thì nhà ai cũng xây bể cạn để trữ nước nên họ ít khi phải đi xin như vậy nữa.
Cái ao ấy cũng là nguồn sống của gia đình tôi. Bố tôi thả rất nhiều loài cá xuống để nuôi. Trong đời mình tôi chưa thấy người nào chăm chỉ, chịu khó như bố tôi. Sáng, trưa, chiều – bất kể giờ nào bố tôi cũng đi cắt cỏ, tìm thức ăn cho cá. Cá trắm cỏ, cá chép, cá mè, cá rô phi… con nào con nấy béo trục béo tròn. Mỗi năm gia đình tôi cũng thu hoạch được mấy tạ cá. Thế nhưng, cách đây sáu năm, chẳng hiểu sao mà cá chết hàng loạt, nổi lềnh bềnh trên mặt nước. Bố tôi phải vớt hết lên rồi chôn xuống đất trong niềm tiếc nuối, xót xa. Chăm sóc chúng cả năm trời, bây giờ công cốc, đổ sông đổ bể hết. Nhìn khuôn mặt già nua khắc khổ, nhìn đôi bàn tay chai sạn của bố, tôi thấy xót thương vô cùng. Sau lần đó, bố tôi quyết định xử lí ao và thay đổi cách nuôi trồng, không nuôi cá thịt nữa mà chuyển sang nuôi cá giống, thời gian chăm sóc ít hơn nhưng lãi nhiều hơn. Chị em chúng tôi lớn lên, được ăn học tử tế cũng là nhờ một phần nguồn thu từ cái ao ấy.
Căn nhà chúng tôi giống như ranh giới giữa hai thế giới: thành thị và nông thôn. Phía trước nhà tôi là thị tứ sầm uất, tấp nập xe cộ và người qua lại. Nhưng phía sau nhà tôi, nơi có cái ao, mảnh vườn là một thế giới khác hẳn: bình yên vô cùng. Ở phía đằng sau ao, trước đây, bên trái là trạm xá; còn bên phải là đồng ruộng mênh mông. Hồi tôi còn bé, trạm xá ấy vẫn còn hoạt động. Sau này, chính quyền chuyển trạm xá đến một nơi khác, gần phố thị hơn. Đất ở phần trạm xá được bán cho người dân, bây giờ nhà dân ở san sát trên khu vực ấy. Tôi vẫn nhớ như in chuyện ngày trước ở trạm xá cũ, có người đàn bà bị bỏ bùa trở nên điên dại. Người ta vẫn kể chuyện bà hồi trước đẹp lắm, có anh người dân tộc mê nhưng bà không đáp lại tình cảm của anh ấy nên đã bị bỏ bùa. Bà đi lang thang khắp nơi, tối tối lại trở về căn nhà bị bỏ hoang ở khu trạm xá. Bà xin ở đâu được nhúm gạo cho vào cái nồi bé xíu, rồi nhóm lửa lên thổi cơm ăn. Chuyện bùa ngải thực hư thế nào tôi không rõ, nhưng hình ảnh một người đàn bà mặc bộ đồ đen rách rưới ngồi bên bếp lửa leo lét hết ngày này qua ngày khác khiến tôi ái ngại. Hình ảnh ấy cứ ám ảnh suốt tuổi thơ tôi. Lũ trẻ con gặp bà lại chọc ghẹo: “Con điên! Tụi bay ơi! Con điên đến rồi”. Hồi nhỏ tôi cũng hùa theo lũ bạn. Giờ nghĩ lại thấy người đàn bà ấy sao khổ quá. Một kiếp người sao quá đắng cay! Bà ấy đã rời xa cõi đời này từ lúc nào, tôi không nhớ rõ, nhưng khuôn mặt, dáng người của bà thì vẫn hằn rất rõ trong tâm trí tôi.
Bên phải cái ao là cánh đồng lúa mênh mông. Cánh đồng bị chia cắt bởi một con đường, đó là đường tàu chạy từ Giát lên Nghĩa Đàn để đưa đón khách và trao đổi hàng hóa. Nhưng đó là trước đây thôi, bây giờ thì đường tàu ấy không hoạt động nữa. Chẳng có con tàu nào chạy qua nữa, nhưng con đường thì vẫn giữ nguyên như cũ. Kỉ niệm tuổi thơ tôi gắn liền với con đường tàu ấy. Hồi còn bé, sau mỗi buổi học, tôi lại dắt trâu đi qua đồng lúa, đến đường tàu cho trâu ăn cỏ hai bên bờ. Vào mùa hè nắng cháy, cỏ chết hết, chỉ còn lại mấy bụi cây. Tôi dắt trâu đi, tìm cỏ cho nó ăn, tìm mãi không thấy, trâu tức mình chúi đầu húc vào người tôi luôn. Thật đúng là con vật vô ơn! Giờ nghĩ lại tôi vẫn thấy sợ. Lúc đấy mình bé xíu, nó cậy thế to lớn hơn mình nên ăn hiếp mình, tôi tức lắm. Vậy mà đến lúc bố mẹ tôi quyết định bán nó thì tôi lại ngồi khóc như ri. Tôi sợ người ta bắt nó làm thịt, tôi thương.
Liên quan đến con đường tàu kia là câu chuyện người gác ghi. Ngày trước, chuyến tàu đi qua cánh đồng lúa sau cái ao nhà tôi, hướng từ Giát lên Nghĩa Đàn, qua mỗi con đường lớn sẽ có một căn nhà nhỏ của người gác ghi. Nhiệm vụ của họ là khi nghe tiếng còi tàu rít lên báo hiệu tàu sắp đến thì họ sẽ kéo rào chắn xuống, chắn hai bên đường tàu, buộc người đi đường dừng lại, chờ tàu chạy qua mới được đi tiếp. Cuối cánh đồng sau ao nhà tôi cũng có hai mẹ con người gác ghi ở trong ngôi nhà nhỏ. Cách đây khoảng mười bảy năm, có một vụ án mạng xảy ra khiến mọi người trong làng rất sợ hãi. Vào một đêm đông lạnh giá, người mẹ - người đàn bà gác ghi ấy đã bị một kẻ tàn bạo nào đó đến cắt cổ. Bà chết thật đau đớn, oan khuất. Sự việc đó mỗi lần nghĩ lại tôi vẫn thấy rùng mình.
Dòng đời vẫn chảy trôi, trải qua bao bể dâu, bao thăng trầm, mỗi lần về thăm nhà, hình ảnh cái ao cùng những kí ức tuổi thơ lại ùa về. Có những chuyện vui, có những chuyện buồn, ám ảnh tôi suốt một thời thơ bé. Lưu giữ kỉ niệm hay vứt bỏ nó là quyền mỗi người, nhưng đối với tôi, kí ức tuổi thơ gắn với những hình ảnh bình dị của quê hương là một phần không thể thiếu trong hành trình cuộc đời mỗi con người.
Bảo Ngọc
-
Tuổi thơ bên mẹ
Một tay mẹ bế em Phong, một tay mẹ dắt tôi bước qua con mương nhỏ trước nhà để đi tắt qua cánh đồng sang phía nhà trẻ. Tôi bước trật chân, té ướt nhèm. Mẹ kéo tôi lên khỏi vũng bùn, đặt em Phong ngồi lên bờ, rồi mẹ xuống mương mò dép cho tôi. Suốt chặng đường đưa em đi nhà trẻ, mẹ mắng nhiếc tôi: “Đi với chả đứng. Được đôi dép cũng để cho đứt. Mai, con lấy gì mà đi học.” Mẹ quan tâm đến đôi dép bị đứt hơn là việc người tôi đang nhơ nhuốc bùn đất. Cũng đúng thôi, những đứa trẻ quê như tôi ngày ấy, té là bình thường, có đau quá thì ré khóc một lúc rồi tự mình im, tự mình thương lấy mình, lúc nào quên thì lại chạy nhảy như chưa hề bị té. Còn để có một đôi dép đi học, mẹ phải bán cả gánh khoai mới mua được. Mà chợ có gần gì cho cam, phải đi bộ tới nửa ngày trời, mười ngày mới có một phiên, mẹ tiếc đôi dép là phải.
Em Phong lên lớp lá thì em Hải chào đời. Tôi lúc ấy cũng đã vào lớp hai. Hành trang đến trường mà mẹ sắm cho tôi là một chiếc túi cước, vài ba tập vở, bộ quần áo mới và đôi dép Tiền Phong. Đôi dép bị đứt do bị té khi cùng mẹ đưa em Phong tới nhà trẻ năm nào được cha tôi hàn chi chít những miếng nối, chân tôi lớn không đi được nữa nên chuyển quyền sở hữu cho em Phong. Tính ra em Phong luôn thiệt thòi hơn tôi. Quần áo tôi mặc chật, quăn như lò xo lại chuyển giao cho em. Sách vở em Phong cũng phải học lại của tôi. Thế nhưng, chẳng bao giờ em Phong đòi mẹ mua đồ mới. Vì thời ấy, chuyện em mặc đồ cũ của anh chị là mặc nhiên, nhà ai ở quê tôi cũng thế, chứ không riêng gì nhà tôi.
Từ khi em Hải chào đời thì tôi trở nên vất vả hơn. Dịp nghỉ hè, mẹ cùng mấy cô trong làng đi buôn xa. Cha chúng tôi thì năm thì mười họa mới được nghỉ phép một lần để về nhà. Nên, mọi việc sinh hoạt của anh em tôi trong một ngày đều phải tự tay lo liệu lấy. Sáng, ngủ dậy, tôi lấy rổ khoai luộc mẹ gác trên cũi xuống, rót một ít mật mía ra bát rồi gọi em Phong dậy ăn để đi nhà trẻ. Em Phong ăn xong, lếch thếch cầm chiếc võng vải mẹ đã xếp sẵn đặt trên đầu giường đến nhà trẻ. Tôi lấy bát cháo trắng mẹ đã quấy nhừ ra hâm lại cho nóng, rồi đút cho em Hải ăn. Khi em Hải thiu thiu ngủ trên võng, tôi tranh thủ đi cắt rau dền vào bằm để nấu cám cho lợn, quét dọn nhà cửa…
Đang loay hoay để chuẩn bị cơm chiều thì em Phong mếu máo chạy về vừa khóc, vừa gọi tôi: “Anh ơi! Bọn nó đánh em”. Tôi bỏ bếp chạy ra hỏi em: “Thằng nào?” Em phong chỉ tay về phía nhà thằng Trọng Diệc. Thế là hai anh em tôi chạy qua ngõ nhà nó, gọi nó ra, hai phe lao vào nhau đấm tới tấp. Đến khi thằng Trọng Diệu chịu thua khóc ré lên, mẹ nó cầm chiếc roi tre bước từ trong nhà ra thì tôi và em Phong cắm cổ chạy về nhà. Nồi cơm nấu dở đã khê ròm. Em Hải thức giấc khóc lả trên võng. Tôi sợ quá, bỏ bếp bế em vào lòng. Ba anh em tôi dắt nhau ra ngõ ngóng mẹ.
Càng về chiều, em Hải khát sữa nên khóc càng to. Em Phong thì cái trán đánh nhau với thằng Trọng Diệc cảy đỏ mếu máo. Và dĩ nhiên là tôi cũng không cầm được nước mắt nên thút thít theo các em một cách ngon lành.
Mẹ vừa thả chiếc xe thồ xuống sân, sà tới ôm em Hải vào lòng cho bú. Sau khi cho em Hải bú xong, đến lượt mẹ bắt tôi và em Phong lột quần nằm lên tấm phản. Rồi mẹ lấy chiếc roi tre mà cha đã róc sẵn gác trên chái bếp đánh tôi và em Phong. Em Phong thì đã lường được hậu quả của trận roi từ khi đánh nhau với thằng Trong Diệc, còn tôi thì biết ngay thể nào cũng bị mẹ đánh khi nồi cơm khê ròm và em Hải đói lặc. Nên cả hai anh em tôi mấm môi chịu trận. Nước mắt chúng tôi rơi thấm ướt cả mặt phản. Cho đến khi em Phong không chịu được đau nữa, khóc òa lên, mẹ mới thôi phát roi vào mông chúng tôi. Đêm ấy, mẹ thức cả đêm để theo dõi sức khỏe em Hải. Mẹ cũng không quên thoa dầu cho tôi và em Phong. Tôi nghe mẹ hát ru em Hải: “Anh em như thể tay chân…”
Đi dọc triền tuổi thơ để hồi tưởng những ký ức của anh em tôi với mẹ thì sẽ không có giấy mực nào ghi hết. Trong muôn vàn kỷ niệm giữa anh em tôi với mẹ thời thơ bé, tôi nhớ nhất lần làm đứt dép khi lội qua mương và buổi chiều bị mẹ đánh đòn. Giờ, tóc mẹ đã hoa râm, da mẹ đã mồi, trên khuôn mặt mẹ hiện rõ từng nếp nhăn… Tôi chỉ ước ao mẹ tôi luôn mạnh khỏe để anh em tôi vịn vào mẹ mà lớn lên, mà đối mặt với những tháng ngày dài phía trước.
Đặng Thiên Sơn
-
Tuổi thơ với quê hương
Chẳng hiểu sao cứ mỗi độ gió heo may về, tôi lại hay nghĩ đến mùa xuân, mặc dù ở cái tuổi của mình, tôi cảm nhận được tôi đang sống trong mùa đẹp nhất của chu kì vòng quay trái đất quanh mặt trời. Nó là mùa của năm, mùa của tâm hồn - Mùa thu.
Có phải là vào mùa có gió heo may - mùa thu, tôi hay suy nghĩ về quãng đường đã đi của mình trong cuộc đời. Với mỗi người, cái quãng đó dài ngắn khác nhau, mà sao lạ, tôi cứ thấy cái quãng đã qua của tôi dài lắm. Tôi chỉ hay nhớ tới cái quãng đã qua, ít nghĩ tới cái quãng còn lại. Quãng còn lại của tôi, tôi như biết được trước, chẳng có gì để nói.
Thế rồi cái mùa của mơ mộng và suy nghĩ và chiêm nghiệm đó cũng qua đi, kèm theo đó là những chiếc lá vàng cuối cùng thưa thớt. Những ngọn gió tê lạnh từ phương Bắc thỉnh thoảng tràn về. Khoảng không gian quanh ta như rộng ra hay mọi vật quanh ta như co lại. Mùa đông đến cho ta thắc thỏm nỗi nhớ. Nỗi nhớ khi bâng quơ, khi trĩu nặng nhưng đều buồn da diết. Có phải nỗi buồn được nhận ra từ hàng cây dâu da đã trút hết lá, chỉ còn lại những cành khẳng khiu, khô héo. Có phải nỗi buồn bởi bắt gặp cánh chim trong bầu trời xám xịt, chim cũng đơn lẻ bay về nơi nào xa thẳm. Có phải cái buồn chợt đến, bởi bỗng nghe những tiếng rít buốt nhói qua khe cửa của ngọn gió đêm, lẫn trong đó, văng vẳng thấy tiếng rao đêm, khô khốc và lạnh tanh đang như tan ra trong mỏng mảnh. Nỗi buồn vô cơ xâm lấn tâm hồn nhiều lắm... Cảm giác trong ta là sự tiếc nuối, ta như mất đi một điều gì đó mờ hồ mà lại lan trải mênh mang.
Tôi có ông bạn vong niên đang sống với đứa cháu gái nội mười hai tuổi. Một ở độ mùa xuân, một ở độ mùa đông. Cả hai ông cháu đều ít nói. Con bé như già trước tuổi, cách chăm ông và lo việc nhà như bà cụ non. Ngoài giờ học, đứa cháu chỉ thích ngồi bên ông, nghe ông tâm sự, nghe ông kể về cái thời đã qua, nghe ông kể về người bố mà nó chẳng tài nào hình dung được nét mặt, nghe ông kể về mẹ với nỗi đau phải chia tay nó để ông nội nuôi. Còn ông, ngoài ba buổi bận bịu cho cháu ăn, những lúc cháu vắng nhà ông toàn trầm ngâm. Lúc nào tôi sang nhà ông cũng đều thấy như vậy. Số phận cuộc đời không chiều chuộng ông. Bà vợ mất sớm, cậu con duy nhất những mong làm giàu đã bỏ mình nơi đất khách, cô con dâu đi bước nữa. Đời ông còn bây giờ là sự chăm chút cho đứa cháu. Đứa cháu tội nghiệp của ông.
“Con bé không có được sự vô tư của tuổi thơ” Ông nói với tôi mà như lại trách bản thân mình. Câu nói của ông không hết ý và buông trong sự vắng lặng của những nỗi cô đơn. Cũng chẳng phải lần đầu tôi nghe. Mỗi một lần nghe lại là một lần tôi như hiểu và thông cảm với ông thêm. Lúc đó tốt nhất là chúng tôi ngồi im cho mọi sự nguôi ngoai, cho không gian tan loãng ra, có lẽ thế, nỗi buồn sẽ trôi đi, kí ức cũng sẽ trôi đi, để cái nỗi buồn tôi lây từ ông sang cũng không vướng lại trong tôi nữa.
“Ông ơi...” Tiếng con bé từ đầu ngõ. Nó muốn ông nó không buồn nữa. Hôm nào cũng vậy, tan học là nó về nhà ngay với ông nó. Nó biết khi có mặt nó ở nhà, ông nó vui hơn. Nó ập vào nhà như một tia nắng, sưởi ấm tâm hồn đang cô quạnh của ông nó. “Cháu chào chú ạ - Lúc này nó mới nhìn thấy tôi - Ông ơi, ông có khách, để cháu nấu cơm cho ông. Tôi thấy nó thể hiện tình cảm mới nhí nhảnh và đáng yêu làm sao. Một con chim non. Người ta hay ví tuổi thơ như vậy. “Cháu nhớ ông quá”. Nó níu tà áo ông nó, nũng nịu - Ông để cháu nấu cơm nhé!” Con bé cho tôi cảm giác quá đỗi ngọt ngào, trong sáng và thơ ngây. Bất chợt tôi nghĩ: không có con bé, ông bạn vong niên của tôi sẽ sống thế nào.
Dấu ấn tuổi thơ tôi chỉ luôn là những tiếng nói ấm áp, nâng niu của mẹ... và một tuổi thơ khác khi tôi được nghe những truyện cổ tích. Tôi thường tự tưởng tượng: Đó là tiếng chim hót buổi sớm véo von, trong veo và tinh khiết; đó là tiếng róc rách dòng suối trong mát trưa hè, là tiếng thủ thỉ bên bếp lửa đêm đông khi được ngồi nghe chuyện của bà và lim dim ngủ. Tôi không có những phút giây đó, nhưng lại được nghe và đọc được trong sách, nhiều chuyện nói về tuổi thơ như vậy, nên tôi cứ tự mình tưởng tượng và tự cho là cũng có những chuyện đó trong tuổi thơ của tôi. Bởi tôi thấy chính cái đó mới là cái đẹp.
Tôi có một tuổi thơ êm ấm luôn trong vòng tay của mẹ mà tôi chưa từng nói được lời cám ơn với mẹ tôi, người luôn dành cho tôi những hương vị ngọt ngào và sự dịu dàng, người luôn đoán biết được những sở thích của tôi và chiều tôi hết mực, người chiều tôi và không hề đòi hỏi ở tôi điều gì. Tuổi thơ của tôi, theo lối suy nghĩ của nhiều người, quá sung sướng so với con bé.
Ở bên cạnh nó với ông nội nó, tôi mới nhận ra cái ích kỉ của tôi ngày xưa với mẹ của mình. Mẹ tôi qua đời khi tôi đã vững vàng với cuộc sống. Tôi cứ cho là những điều tôi được hưởng là sự tất nhiên, ai với con cái mà chả như vậy! Những góc đời cay cực của cha mẹ tôi, tôi đâu có biết. Thậm chí tôi cũng không tìm hiểu sâu hơn về những “ngày xưa” của bố mẹ tôi. Tôi chỉ nghe láng máng qua những câu chuyện “ôn nghèo kể khổ” của họ mà thôi. Cha mẹ tôi đã chuẩn bị sẵn một cuộc sống ổn định cho tôi, không hề có một lời kêu ca phàn nàn.
Nhưng thật sự, tôi vẫn cảm thấy tuổi thơ của anh em chúng tôi thiêu thiếu một cái gì. Ngày còn bé, nhiều lần tôi hỏi mẹ, sao mình không có quê. Bởi tôi thấy các bạn cùng lớp thường bàn tán chuyện về quê với ông bà. Tôi thoáng thấy mẹ tôi tần ngần, cả một nét đăm chiêu.
Rồi mùa tựu trường đầu tiên đến, cái nắng chói chang của mùa hè không còn nữa, trời trong veo chứa đầy gió và những ước mơ. Chúng tôi từ rất xa lạ, bắt đầu tập trung cho một quá trình học tập để làm người có ích. Cứ mỗi lần vào hè là lúc bọn bạn tôi kể những chuyện về quê, chuyện chăn trâu, nhảy cầu, tắm sông... Tôi chỉ ngồi nghe, thèm muốn. Tôi thấy chúng nó nhanh nhẹn hoạt bát quá, còn tôi, tôi cứ ù lì chẳng có gì thay đổi, chẳng có gì để nói. Lại nói cái chuyện chúng tôi được lên rừng hay xuống biển ư? Nghe lạc lõng thế nào ấy, bọn bạn tôi nó không hiểu hoặc nếu chúng nghe, chúng cũng chẳng bình luận gì hết. Hình như tôi đang xa rời chúng nó. Tôi và chúng nó khác nhau. Tôi lờ mờ hiểu được điều đó. Lúc này, tôi lại có phần oán bố mẹ tôi. Tôi nghĩ nhiều đến cái “giá như” mà bố mẹ tôi nếu làm như thế này thế khác.
Bởi với anh em chúng tôi, mùa hè rất ngắn. Sau khi cho anh em chúng tôi nghỉ ngơi một tuần hay mươi ngày gì đó ở dưới biển hoặc trên núi là lại bắt đầu cái mùa mà bố mẹ tôi tập trung nâng cao và củng cố kiến thức cho bọn tôi: Các lớp học thêm được tổ chức vào mùa hè. Chúng tôi được bố mẹ trang bị kiến thức đến “tận răng” để chuẩn bị bước vào cuộc đời.
Lớn dần, một năm cũng đôi lần tôi được về quê, nếu chúng tôi không bận học. Đó là những ngày lễ tết, những ngày đưa các ông bà già, có lẽ là già lắm ra ngoài đồng. Các ông bà đó có họ gần với nhà tôi, tôi thường phải gọi là cụ, mà thật sự với các vị đó, tôi cũng không nhớ rõ mặt. Cũng đôi ba lần tôi được về dự đám cưới. Cảnh ồn ào đám cưới, đám giỗ, đám ma ở nhà quê, tôi không thích. Ở đó toàn những người lạ mặt. Mẹ tôi dẫn chúng tôi đi chào mọi người và bảo: “Các con ở thành phố nhiều, không hiểu được cái khổ của người nhà quê, phải năng về để cho các con còn biết và cả nhận mặt người thân, hàng xóm nữa. Nhưng cái chính là mẹ tôi muốn chúng tôi không được quên quê. Có lẽ mẹ tôi đã nhận ra những cái cần thiết phải có ở chúng tôi từ ngày tôi hỏi người :“Sao nhà mình không có quê?”. Nhưng tôi lại không hiểu ngay ra điều đó.
Người ta thường nói về dòng sông mỗi khi nói về quê. Ngày nhỏ, tôi cũng đôi lần được tắm trên dòng sông quê. Nhưng thực sự cái vị nước con sông quê với tôi rất mờ nhạt. Mẹ tôi sợ. Bù lại, tôi biết nhiều về những cánh đồng quê tôi. Những ngày xa quê, đi đây đi đó, tôi thường tưởng tượng ra cánh đồng quê làng tôi. Đây là cánh đồng Bắc, cánh đồng Nam. Thực ra, tôi cũng chẳng nhớ được mấy những địa danh chỉ đồng đất quê tôi mà vừa mới nghe đã thấy cái âm hưởng chất phác, thật thà, quê kiểng như đầm bà Đồi, vụng Chổi, khe Binh, đồi cây “các cụ” hay nghe kinh kinh, hãi hãi hơn “cánh đồng mả vối”, gò ông Tào... Tôi cứ nghĩ ở những cánh đồng đó, những nơi đó thường mọc đầy cỏ dại với lấp xấp các bụi hoa mua, hoa sim, đôi khi có một cây gì đó cao cao lẻ loi đơn độc. Bọn trẻ thường thả trâu cho chúng tha thẩn gặm cỏ và ngồi túm lại với nhau hoặc nằm lăn trên thảm cỏ dưới các tán cây, tán mọi chuyện trên trời dưới biển. Mà thực ra, những thứ tôi kể ra có ở quê nhà tôi đâu. Mẹ tôi bảo, quê mình đồng ruộng thẳng cánh cò bay, những thứ đó chỉ có ở vùng trung du, vùng gò đồi. Nhưng với tôi, quê phải là như vậy. Quê là những gì đẹp nhất mà tôi đọc được từ trong sách. Vừa thẳng cánh cò bay, vừa đồi chè cây cọ, vừa nhãn lồng vải thiều. Thậm chí tôi cứ nghĩ nước vối bà tôi uống hàng ngày cũng là cây vối ở quê, quê tôi cái gì cũng có. Tôi hình dung cây vối là một cây xù xì, rất lâu đời và lại tỏa nhiều bóng mát. Nó phải như vậy vì nó luôn mang lại cho con người niềm vui sướng. Bạn cứ thử hình dung xem, trời đang trưa, nắng gắt, được đứng dưới bóng mát của cái cây mọc giữa cánh đồng, uống một bát nước vối và hóng một con gió đồng, sung sướng và thỏa mãn biết nhường nào, ngất ngây biết chừng nào... Tôi cứ nghĩ quê tôi là như thế!
Thế rồi chỉ với những chi tiết nho nhỏ vụn vặt, cũng chẳng biết từ bao giờ, tôi không sinh ra ở nhà quê, không lam lũ lớn lên cùng với lũ bạn chăn trâu, cắt cỏ, không có những buổi nằm dưới thảm cỏ ven đê nhìn trời xanh và nghe tiếng sáo diều vi vu, không có những trưa hè vùng vẫy trên dòng sông, vậy mà cái tình quê với tôi cứ nặng dần, cái cảnh quê cứ thấm đậm và tình người nhà quê cứ quyến luyến tôi mãi.
Con bé con, cháu ông bạn vong niên của tôi, không có tuổi thơ giống tôi và các bạn ngày xưa của tôi. Tôi, tuổi ấu thơ được cưng chiều, được bao bọc. Nhưng dù sao thì với cái tuổi “tứ thập nhi bất hoặc” cũng đã gọi là trải qua nhiều cái đoạn trường trên đời, thấy ở nó có cái gì đó vừa cao lại vừa sợ. Con bé con mới mười hai tuổi! Tôi sợ vì tôi nghĩ, nếu ngày xưa, tôi cũng rơi vào hoàn cảnh của nó bây giờ, không hiểu cuộc đời của tôi sẽ ra sao. Tôi thấy nó cao vì so với tôi ngày đó và ngay cả mấy đứa con tôi tộc ngộc hiện nay, đều thua xa nó, thua cái sức chịu đựng và cả lòng tự tin của nó. Vậy mà nó vẫn trong trắng thế, hồn nhiên thế. Nó lại là điểm dựa của ông nó, là niềm hi vọng và sự sống của ông nó. Chắc nó không biết vị trí của nó với ông nó quan trọng đến mức nào đâu. Cái cao của nó là vậy và cái tôi sợ cũng là vậy.
Một lần vào ngày nghỉ cuối tuần, tôi rủ ông bạn vong niên của tôi ra ngoại thành chơi. Tôi, vẫn thấy lòng trải rộng và nhuần lại mỗi khi ra ngoại thành. Với tầm mắt khoáng đãng, với mầu xanh và cả với những cảnh lam lũ của những người hai sương một nắng. Từ mùi rơm rạ ngái ngái, mùi phân bón từ cánh đồng thoang thoảng bất chợt đến theo từng con gió lạc chiều; từ cánh đồng chiều hoàng hôn đến một cánh chim lạc vội vã bay về tổ; từ tiếng lóc cóc của chiếc xe trâu đến tiếng nghé ọ lạc giọng tìm mẹ của chú nghé con... Nhiều cảnh quê bình yên và lặng lẽ lắm. Tôi đem cái suy nghĩ này nói với ông bạn vong niên. Ông trầm ngâm nhiều hơn.
Ông nhìn ra phía con cháu. Nó đang thơ thẩn một mình bên những cánh hoa dại mọc trên triền đê. Con gái có khác, nhẹ nhàng, dịu êm và cả yếu đuối nữa. Tất cả những cái đó làm thành cái đáng yêu, làm ta muốn che chở, muốn được bảo vệ và hơn nữa, làm tâm hồn ta trở nên mát lành. Ông bạn già của tôi mềm lòng trước cảnh cô cháu gái đang chơi đùa với hương đồng gió nội. Tôi thấy ông cười đôn hậu mà khóe mắt ông nhòe ướt. Chắc ông đang nghĩ về tuổi thơ của ông ngày xa xưa hay ông đang suy nghĩ về tương lai cô cháu. Tôi im lặng để thời gian trôi, để chiều buông, để nỗi lòng tự do vẩn vơ bay lượn. Tôi cũng đang nghĩ về ngày bé thơ của tôi xa xưa. Ấm êm và có mẹ. Người đã lo lắng trọn đời cho chúng tôi. Người đã từ từ gieo vào lòng tôi cái hồn quê chân chất.
Mùa hè đó, ông bạn vong niên sang nhà tôi, nhờ tôi trông nhà giúp. Ông nói ông đưa cháu gái về quê: ‘‘Phải để cho nó biết quê hương nhiều hơn cha mẹ nó... Nó ngây thơ quá, trong sáng quá... tình yêu với quê hương cần được chắp nối, hun đúc từ những ngày thơ bé... Nếu tôi hiểu được sớm như vậy, tôi đã không mất đứa con... ’’
Vinh Anh