Top 10 Truyện ngụ ngôn về loài vật hay nhất
Truyện ngụ ngôn thường gửi gắm những tư tưởng của tác giả chủ yếu là châm biếm, hoặc phê phán một lối sống tiêu cực của con người. Những câu chuyện ngụ ngôn có ... xem thêm...rất nhiều trên thế giới, phong phú về hình thức thể hiện lẫn nội dung truyền tải. Cùng Toplist điểm qua các truyện ngụ ngôn về loài vật hay nhất qua bài viết dưới đây.
-
Truyện ngụ ngôn Rùa và Thỏ
Ở một khu rừng nọ, có một chú thỏ lúc nào cũng chỉ thích khoác lác về tài chạy nhanh như gió của mình. Gặp ai chú ta cũng phải khoe khoang:
- Tớ chạy rất nhanh. Tớ là nhanh nhất đấy!.
Mệt mỏi khi ngày nào cũng phải nghe những lời khoe khoang của thỏ và chế nhạo mình chậm chạp, Rùa đưa ra lời thách thức thỏ chạy thi với mình. Tất cả các loài động vật trong rừng đều rất ngạc nhiên khi nghe tin này, và chúng tập trung rất đông để xem rùa và thỏ chạy thi.
Hai bạn thỏ và rùa đứng ở vạch xuất phát sẵn sàng cho cuộc đua. Tất cả động vật trong rừng đồng thanh hô to “1… 2… 3… bắt đầu!”. Thỏ chạy vụt đi rất nhanh, loáng một cái quay lại đã không thấy bóng dáng rùa đâu. Thỏ cười khẩy và quyết định dừng lại để nghỉ ngơi. Nó quay lại nhìn con rùa và mỉa mai:
- Đúng là chậm như rùa, làm sao mà thắng nổi thỏ ta chứ!
Nói đoạn thỏ vươn mình rồi nằm dài ra đường để ngủ.
- Còn lâu nó mới đuổi kịp mình, cứ ngủ một giấc cho sướng đã - Thỏ ta thầm nghĩ.
Trong lúc đó, rùa vẫn miệt mài chạy, chạy, chạy mãi không bao giờ dừng. Cho đến lúc rùa vượt qua chỗ thỏ đang nằm ngủ và gần chạm tới vạch kết thúc.
Động vật trong rừng hò hét cổ vũ rất lớn cho rùa, thỏ giật mình tình giấc. Nó lại còn vươn người và ngáp một cách lười biếng rồi mới bắt đầu chạy trở lại, nhưng đã quá muộn. Rùa đã cán đích trước và chiến thắng cuộc đua bằng tinh thần chăm chỉ và nghiêm túc của mình. Thỏ vô cùng xấu hổ và lủi tít và trong rừng sâu, chẳng còn mặt mũi nào để gặp mọi người.
Bài học từ câu chuyện: Những người dù nhanh nhẹn nhưng luôn cẩu thả trong suy nghĩ và hành động cuối cùng cũng sẽ bị đánh bại bởi những người siêng năng, cẩn thận, dù bản chất họ chậm hơn rất nhiều.
-
Truyên ngụ ngôn Cáo và Cò
Ngày xửa ngày xưa, có một con cáo rất xảo quyệt và tinh nghịch. Nó thường giả vờ thân thiện sau đó chơi khăm những con vật khác.
Một ngày nọ, cáo gặp một chị cò. Nó kết bạn với cò và ra vẻ thân thiện, mời cò tới nhà ăn tối. Chị cò vui vẻ nhận lời.
Tối hôm đó, chị cò vui vẻ tới nhà cáo như lời mời. Cáo mời cò vào nhà và bưng ra hai bát súp. Nó múc súp ra hai cái đĩa rất là nông!
Chị cò không thể nào ăn được súp với mỏ dài của mình, còn cáo thì dễ dàng liếm một loáng là hết đĩa súp. Thấy cò như vậy cáo rất khoái trá nhưng vẫn giả vờ quan tâm hỏi:
- Sao chị không ăn ? Súp không ngon à ?
Chị cò với cái bụng đói meo trả lời:
- Ồ súp rất ngon, nhưng tôi bị đau dạ dày và không thể ăn thêm được nữa cáo ạ.
Thế rồi cò đi về sau khi đã cảm ơn cáo, và không quên mời cáo đến nhà ăn tối.
Tới ngày hẹn, cáo tới nhà cò để dùng bữa tối như được mời. Sau khi truyện trò, chị cò đi vào bếp để lấy súp ra mời cáo ăn. Lần này, chị cò múc súp ra hai cái lọ hẹp với cái cổ rất dài. Cò ăn súp dễ dàng với cái mỏ dài của mình, còn cáo rõ ràng không thể nào ăn được.
Sau khi kết thúc bữa ăn, chị cò nhẹ nhàng hỏi cáo:
- Bạn dùng bữa có ngon không bạn cáo ?
Cáo nhớ lại những gì mình đã chơi xấu cò và cảm thấy rất xấu hổ. Nó chỉ biết lắp bắp:
- Tôi … tôi phải về đây. Bụng tôi bỗng dưng đau quá !
Rồi cụp đuôi chuồn về trong nỗi nhục nhã.
Bài học từ câu chuyện: Cáo đã học được một bài học lớn: Làm việc tồi tệ với người khác thì sẽ nhận lại được chính điều đó.
-
Đại bàng và bọ cánh cứng
Có lần một con Bọ Cánh Cứng năn nỉ Đại Bàng xin tha mạng cho một con thỏ bị Đại Bàng rượt chạy đến nó xin che chở. Nhưng Đại Bàng vẫn vồ lấy con mồi, sức vỗ mạnh của đôi cánh của nó hất văng Bọ Cánh Cứng ra xa đến cả chục thước. Nổi giận trước cái cách đối xử xem thường nó của Đại Bàng, Bọ Cánh Cứng bay vào tổ Đại Bàng và lăn trứng cho rơi xuống. Nó không chừa một cái trứng nào. Đại Bàng đau xót và giận dữ vô hạn, nhưng nó không biết ai đã làm cái việc tàn nhẫn này.
Năm sau, Đại Bàng xây tổ rất xa, cao trên một mỏm đá cheo leo trên núi, nhưng Bọ Cánh Cứng tìm được và một lần nữa lại phá hủy hết ổ trứng của Đại Bàng. Quá thất vọng, Đại Bàng giờ đây chỉ còn cách tìm đến thần Jupiter năn nỉ thần ấp trứng cho nó. Sẽ không ai dám làm hại được trứng của nó. Nhưng Bọ Cánh Cứng bay vo vo trên đầu thần, khiến thần ngẩng đầu lên đuổi nó đi, và trứng dưới bụng thần lăn ra rơi xuống đất.
Bây giờ Bọ Cánh Cứng mới kể cho thần nghe về lý do vì sao nó lại làm như vậy, và thần Jupiter cũng phải thông cảm với nó. Và người ta bảo rằng, từ đó trở về sau này luôn luôn là, mỗi khi Đại Bàng đẻ trứng vào mùa xuân, thì Bọ Cánh Cứng vẫn còn ngủ im trong lòng đất. Vì thần Jupiter đã quyết định cho chúng làm như vậy.
Bài học từ câu chuyện: Ngay cả những người yếu đuối nhất cũng có thể tìm ra cách trả thù.
-
Con quạ thông minh
Một con quạ đang khát nước. Nó bay rất lâu để tìm nước nhưng chẳng thấy một giọt nước nào. Mệt quá, nó đậu xuống cành cây nghỉ. Nó nhìn quanh và bỗng thấy một cái bình ở dưới một gốc cây.
Khi tới gần, nó mới phát hiện ra rằng cái bình có chứa rất ít nước, và nó không thể chạm mỏ đến gần đáy mà uống được. Nó thử đủ cách để thò mỏ được đến mặt nước, nhưng mọi cố gắng của nó đều thất bại.
Nhìn chung quanh, quạ thấy những viên sỏi nhỏ nằm lay lắt ở gần đấy. Lập tức, nó dùng mỏ gắp một viên sỏi thả vào bình. Cứ như vậy, nó gắp những viên sỏi khác và tiếp tục thả vào bình.
Chẳng bao lâu, nước đã dâng lên đến miệng bình. Giờ thì nó có thể thò mỏ vào để uống. Quạ rất vui sướng khi nhìn thấy công sức của mình đã có kết quả. Quạ uống thỏa thích những giọt nước mát ngọt rồi bay lên cây nghỉ ngơi.
Bài học từ câu chuyện: Khi gặp khó khăn, chớ vội nản lòng từ bỏ, hãy suy nghĩ tìm cách giải quyết, lặp đi lặp lại thử nghiệm vì ý tưởng của bạn có lẽ sẽ không tệ như bạn nghĩ.
-
Kiến và Ve sầu
Ngày hè đỏ lửa, ve sầu lười biếng nằm duỗi chân dưới tán cây. Thỉnh thoảng ve sầu lại nhấm nháp một giọt mật ong thượng hạng, lim dim hưởng thụ thì bất chợt thấy bác kiến thân thể nhớp nháp mồ hôi hì hục vác một hạt gạo to tướng trên vai chậm chạp lê bước ngang qua.
Buồn miệng, ve sầu cất tiếng:
- Bác kiến ơi, trời nắng vậy mà sao bác không nghỉ tay một chút? Việc gì mà phải đày đoạ bản thân như vậy?
Nghe thấy tiếng ve sầu, bác kiến ngẩng đầu lên, giơ càng quẹt ngang lau vội một giọt mồ hôi trên trán rồi đáp:
- Bác ve đó hả? Tôi cũng muốn nghỉ lắm chứ bác, nhưng mùa đông sắp đến rồi. Nếu bây giờ không lo tích trữ dần lương thực thì mùa đông tới nhà tôi không biết sống sao nữa.
- Ha ha, bác kiến lo xa quá, giờ mới mùa hè, còn mùa thu nữa rồi mới tới mùa đông mà. Bác cứ nghỉ tay, lại đây nếm thử chút mật ong thượng hạng này, tôi dùng số lương thực ăn của 2 ngày mới đổi được giọt mật này đó.
- Cảm ơn bác, mấy thứ cao cấp đó không hợp với tôi đâu. Tôi làm việc đây!
Thấy thế ve sầu chép miệng, khẽ lắc đầu rồi tự nhủ: "Bác kiến này rõ là lẩm cẩm, hè mà không lo vui chơi, sống cực như vậy thì sống làm gì!". Thế rồi, ve lại lại lười nhác nằm xuống, lim dim hưởng thụ ánh nắng ấm áp của ngày hè.
Thời gian thoi đưa, thu qua rồi đông tới, thoáng chốc ánh nắng bảy màu rực rỡ của ngày hè đã bị những hạt tuyết màu trắng sữa xua đi, và gió lạnh đang thổi tới.
Chậm chạp lê bước trên mặt đất xác xơ không một ngọn cỏ, bộ dạng tiều tuỵ vì đói ăn của ve sầu run lên từng chập.
"Đói quá, giá như lúc này có chút gì để nhấm nháp nhỉ?" - Ve sầu hà hơi, cố sưởi ấm hai bàn tay giá lạnh. Bất chợt, ve sầu bị thu hút bởi một ánh sáng hắt ra từ một nếp nhà thanh nhã bên đường. Liếc mắt qua khe cửa, ve ta chợt nhận ra trong đó một gương mặt quen thuộc: Bác kiến!
Lúc này cả nhà kiến đang quay quần bên bếp lửa ấm, thức ăn nóng sốt đã dọn sẵn đầy đủ trên bàn. Bất giác, ve sầu chợt thấy chạnh lòng, chép miệng than: "Biết vậy mình đã tích trữ lương thực từ mùa hè. Biết vậy mình đã không đổi lương thực lấy mấy giọt mật thượng hạng đó!".
Bài học từ câu chuyện: Làm việc gì cũng phải có kế hoạch, tính toán lo xa quả là không thừa. Chúng ta phải biết tiết kiệm dành dụm cho tương lai, phòng khi gặp khó khăn, ốm yếu bệnh tật, tuổi già. Đừng bao giờ tiêu hết số tiền làm ra mà hãy luôn để lại một khoản dành làm tiền tiết kiệm.
Mọi việc diễn biến theo quá trình, bạn nên chủ động làm việc theo kế hoạch vạch ra, không nên chờ đợi đến mùa đông để mua lò sưởi, chờ đến ngày đi rồi mới mua vé máy bay, đến ngày nộp bài rồi mới viết bài, bắt đầu tiết kiệm tiền quá muộn với mục đích chi tiêu... Hãy suy nghĩ về phía trước, đừng chần chừ và nhớ là luôn luôn phải chuẩn bị cho những gì sắp xảy ra.
-
Truyện ngụ ngôn Kiến và Voi
Ngày xưa, trong một khu rừng rậm có một con Voi rất hung dữ. Gặp bất kỳ loài vật nào, Voi cũng dùng đôi ngà ghê gớm của mình húc. Voi chưa chịu thua một loài vật nào. Vì vậy, càng ngày Voi càng kiêu ngạo.
Một hôm, Voi đang nghênh ngang đi dạo thì gặp một đàn Kiến vàng bò qua đường. Cho rằng đàn Kiến bé nhỏ láo xược, Voi quát:
– Đàn Kiến ranh con kia! chúng bay không biết tao là ai hay sao mà chúng bay dám bò ngang qua đường tao đi? Tao chỉ khẽ dẫm lên lên một cái là chúng mày chết cả nút. Chúng mày không biết thân biết phận tí nào cả.
Trái với Voi nghĩ, đàn Kiến bé nhỏ đã cứng cỏi đáp lại:
– Này bác Voi, chúng tôi là những người biết mình biết người. Chúng tôi không bao giờ kiêu ngạo với ai cả. Nhưng nếu bác cậy sức muốn đánh nhau với chúng tôi thì chúng tôi cũng không sợ. Chúng tôi cũng không chịu lùi bước trước một sức mạnh nào đâu.
Nghe đàn Kiến trả lời như vậy, Voi nổi giận điên người. Voi lồng lên, định dẫm đàn Kiến chết tan xác dưới bàn chân to lớn của mình. Đàn Kiến nhỏ bé đã nhanh nhẹn tản ra, bám ngay lấy chân Voi mà leo lên lưng Voi. Đàn Kiến bảo nhau xúm cả vào hai mắt Voi mà cắn, khiến Voi không sao mở được mắt nữa. Trong khi hai mắt Voi còn cay xè thì đàn Kiến lại bảo nhau chui vào hai tai Voi mà đục thủng màng nhĩ. Voi đau buốt đến tận óc. Voi cố lấy vòi để thổi và quét đàn Kiến xuống đất nhưng không xuể vì đàn Kiến đông quá. Đàn Kiến lại chui vào vòi Voi mà đốt, mà cắn. Voi không tài nào chịu nổi, ngã lăn ra, kêu khóc, giãy giụa ầm trời. Đàn Kiến đã đi báo thêm cho nhau biết và kéo tới mỗi lúc một nhiều, xúm vào đốt Voi cho tới khi voi xin tha lỗi mới chịu buông tha.
Từ đấy, họ hàng nhà Voi bảo nhau phải tránh xa giống Kiến nhỏ bé nhưng ghê gớm. Trước khi ăn gì, họ hàng nhà Voi đều cuốn thức ăn vào vòi, giũ thật sạch, hết sức để không còn Kiến nữa rồi mới dám ăn. Và Voi cũng hết sức để ý, không bao giờ để cho Kiến leo được lên trên người mình.
Bài học từ câu chuyện: Trong cuộc sống, dù ta có là “voi” hay là “kiến” thì cũng không nên kiêu ngạo, huênh hoang. Nếu là “voi”, là những người có chức quyền hay là những người có thân phận hơn người khác thì không nên kiêu ngạo và coi thường người khác. Không nên dùng những gì mình có để bắt nạt hay đe dọa, làm tổn thương người khác như cách voi dùng ngà húc vào những con vật nhỏ bé hơn mình. Nếu là "kiến", là những người thấp bé trong xã hội, không có tiếng nói hơn những người khác thì cũng không nên vì thế mà chùn bước hay lo sợ trước những sức mạnh to lớn khác mà hãy hiên ngang bước tiếp vì “nhỏ mà có võ”, không phải cứ nhỏ bé hơn người khác là sẽ thua người ta, sẽ phải nhún nhường và nể sợ người khác.
-
Con cáo và chùm nho
Một ngày nọ, Cáo ta xuống triền núi và phát hiện ra phía trước có một vườn nho. Dưới tán lá xanh, từng chùm nho căng tròn mọng nước, dưới ánh sáng mặt trời trông lại càng hấp dẫn. Những chùm nho này khiến người ta thèm thuồng. Cáo thèm tới mức nước bọt cứ trào ra hai bên mép. Cáo ta nhìn trước ngó sau thấy chẳng có ai, nho lại nhiều như thế này, cũng muốn chén ngay mấy chùm.
Cáo đứng thẳng người, vươn tay hái nho. Nhưng giàn nho thì cao quá, Cáo ta dù có vươn người đến đâu cũng không thể tới được. Cáo nhanh trí nghĩ ra một cách, thử nhảy lên xem sao nhưng cố lắm cũng chỉ với tới lá nho mà thôi.
Cáo ta không đành lòng rời khỏi vườn nho khi chưa chén được quả nào, thế là nó lượn mấy vòng quanh vườn, cuối cùng cũng phát hiện ra một cây nho khá thấp. Cáo ta lại nhảy lên, không tới được chùm nho, lại gắng sức nhảy lên lần nữa, vẫn không hái được quả nho nào. Cáo ta lại lượn xung quanh giàn nho. Ha ha, cuối cùng thì cũng phát hiện ra một chùm nho còn thấp hơn chùm lúc nãy. Thích chí quá, Cáo ta tự đắc:– Không có việc gì có thể làm khó ta được, ha ha!
Nước dãi trong cổ họng cứ trào ra, lùi lại mấy bước lấy đà, Cáo nhảy lên, nhưng hỡi ôi, vẫn chẳng với tới được.
Cáo ta dù có làm thế nào cũng không thể hái được nho, thở đánh thượt một cái rồi nói:
– Làm sao mà mình lại cứ phải cố ăn mấy cái chùm nho này nhỉ? Vỏ thì xanh thế, chắc chắn là chưa chín rồi. Không biết chừng còn vừa chua vừa chát, không nuốt được, có khi còn phải nhổ ra, đúng là chả ra làm sao cả. Nói xong, Cáo rầu rĩ rời khỏi vườn nho.
Bài học từ câu chuyện: Một số người khi không có được thứ gì đó liền nói thứ đó không ra gì cả. Thực tế thì chỉ là vì khả năng của mình có giới hạn không thể có được nhưng đành lấy cớ, tự dối lòng mình để tự biện minh.
-
Vẹt và châu chấu
Khoa La là tên một con vẹt, mỏ nó vừa đẹp vừa linh hoạt. Nó có thể mổ châu chấu trong các bụi cỏ rất chi là tự nhiên. Nó thấy loại côn trung xanh này ngọt và ngon nên sau mỗi lần chén no nê xong nó bỏ những phần thừa vào một chỗ dự trữ.
Chẳng bao lâu sau châu chấu không chịu cam phận. Chúng cững muốn được sống tự do. Thế là chúng vùng dậy phản kháng. Ðể chống lại kẻ thù chúng chúng bí mật tổ chức một “liên minh chấu chấu” và lên kế hoạch hành động cụ thể.
Hôm đó vẹt Khoa La lượn một hồi lâu mà chẳng bắt được con châu chấu nào đành nhịn đói quay về. Hôm sau vẫn thế, vẹt KHoa La buộc phải dùng đến thức ăn trong kho dự trữ.
Mấy ngày liền sau đó, vẹt Khoa La toàn không gặp may. Thức ăn dự trữ ngày một ít. Xem ra chỉ còn lại một 1 càng châu chấu. Vẹt Khoa La muốn để dành nhưng không được, nó đói không ngủ được “không ăn thì không ngủ được” nó tự nhủ. Cuối cùng nó ăn nốt càng châu chấu đó. Nhưng 1 chiếc càng châu chấu có thấm tháp gì! Bụng nó sôi eo éo cả đêm. Tờ mờ sáng hôm sau vẹt Khoa La buộc phải đi kiếm mồi. Vì đói nên nó rất yếu, dù đi bộ hay bay trên không trung nó đều cảm thấy mệt rã rời. Nó đành phải nghỉ dưới một gốc cây.
Bỗng vẹt Khoa La nghe thấy một âm thanh lạ:
Bu chi chi… cưa chi chi…Bu chi chi… cưa chi chi…
Nó nghĩ có lẽ là bụng nó sôi thành tiếng, cứ ngủ cái đã, ngủ đi sẽ quên đói.
Bu chi chi… cưa chi chi…Bu chi chi… cưa chi chi…
Âm thanh lạ đó cứ kéo dài mãi. Vẹt Khoa La càng nghe càng khó chịu: Nó muốn đi chỗ khác nhưng nó thấy trời đất tối sầm lại. “ồ! Sao ta lại không nhìn thấy gì cả. Ðây hẳn là bụng ta đang gào thét, nó muốn trả thù ta vì đã lâu ta không có gì cho vào bụng”.
Lúc đó, Vẹt Khoa La thấy phía trước hình như có một đám mây lớn đang bay lại. Ðợi đám mây đó đến gần Vẹt Khoa La nhìn kỹ hoá ra đám mây là do rất nhiều con vật tạo thành. Ðang buồn bực thì đám con vật kia bay tới, con thì đánh, con thì đạp, con thì đẩy, con thì cắn khiến vẹt ta vừa đau vừa ngứa không thể chịu nổi.
“A! Trời ơi, đó là một đàn châu chấu”, Vẹt Khoa La kinh ngạc kêu lên. Ðúng vậy, đàn châu chấu đông đúc bao vây Vẹt Khoa La làm nó lóng ngóng và sợ hãi.
Ðể thoát khỏi vòng vây Vẹt Khoa La buộc phải nhảy từ chỗ nọ sang chỗ khác, từ cành cây này sang cành cây khác. Nhảy mãi nhảy mãi sức nó cạn kiệt rồi “phộp” một tiếng nó rời từ trên cây xuống.
“Liên minh châu chấu” đã nghĩ ra cách đó. Vậy âm thanh lạ Vẹt nghe lúc nãy là gì? Té ra châu chấu có thể vừa đạp vừa bay. Vì tất cả cùng đạp nên những đôi càng răng cưa phát ra tiếng “bu chi chi, cưa chi chi”. Chúng muốn dùng cách đó để uy hiếp kẻ thù trước. Lũ châu chấu quả là ghê gớm!
Ðội quân châu chấu thấy vẹt Khoa La nằm bất động tưởng rằng đã chết nên tản đi.Kỳ thực vẹt Khoa La chỉ ngất đi thôi. Vài giờ sau gió chiều mát mẻ thổi tới làm nó tỉnh lại. Lúc đầu nó vẫn ngỡ là một cơn ác mộng. Bốn bề im ắng, vẹt càng nghĩ càng tủi, hôm nay sao mà xúi quẩy hế không biết. Nó thấy cổ họng khô rát, thèm nước. Nó lê tới một dòng suối cạnh đó uống nước, ánh trăng phản chiếu trên dòng suối láp lánh anh bạc, thật giống một tấm gương.
Vẹt Khoa La soi mình vào dòng nước, nó giật mình và dường như không nhận ra mình nữa, mũi xanh mắt quầng, xấu xí quá!
“Lũ châu chấu thật đáng sợ”, vẹt Khoa La tự nhủ, “Nhưng ta chẳng phải có một cái mỏ vừa đẹp vừa linh hoạt sao? Chẳng phải trước đây đã từng mổ châu chấu rất tự nhiên đó sao? Tại sao vừa nãy lại không phát huy tác dụng nhỉ?”
Từ đó trở đi mỗi khi vẹt gặp châu chấu đều không dám mổ. Lúc đói nó kiếm vài cọng cỏ để ăn hoặc mổ những hạt quả mềm ăn nhân.
Bài học từ câu chuyện: Kẻ yếu thì phải đoàn kết lại thì mới thắng được kẻ mạnh.
-
Rùa học bay
Trong lùm cỏ, một chú Rùa đang ra sức tập bay. Một chú chim Sẻ bay ngang qua thấy thế liền hỏi:
– Anh Rùa ơi, anh đang làm gì thế?
Rùa thở dài đáp:
– Tôi đang tập bay đấy, chim Sẻ ạ.
– Sao cơ? Chẳng phải anh đã chiến thắng trong cuộc thi chạy với Thỏ đó sao? Tất cả là nhờ bốn chiếc chân của anh mà.
– Thôi thôi, chú em đừng nhắc nữa. Tôi và Thỏ đã thi lại lần nữa. Thỏ không ngủ quên giữa cuôc nữa nên đã dễ dàng thắng tôi. Lần này, khi tập bay được tôi sẽ quyết đấu một trận nữa với Thỏ.
Chim Sẻ cười:
– Nhưng mà anh đâu có cánh!
– Bất kể thế nào tôi cũng phải học bay cho bằng được, Chim Sẻ ạ.
– Rùa vẫn không lay chuyển.
Chim Sẻ bỏ đi rồi, Rùa đi kiếm về rất nhiều lông chim, may cho mình một đôi cánh tuyệt đẹp. Nó ra sức tập luyện, nhưng đã mấy ngày trôi qua mà vẫn không có gì tiến triển. Nó nghĩ:
”Thế này không ổn. Mình phải đi mời thầy về dạy mới được”.
Ngày hôm sau, Rùa lên đường đi tìm thầy dạy bay. Ròng rã mấy ngày, nó đi đến một vách núi cheo leo hy vọng sẽ tìm được thầy. Một hôm, Rùa đi tới một vách đã, đột nhiên có một đôi cánh lớn liệng qua. Rùa ta vô cùng ngưỡng mộ, nghĩ bụng: “Đây chính là người thầy mà mình đang kiếm tìm”.
Rùa liền hét to:
– Anh Chim ưng ơi, xin hãy dạy em biết bay nhé!
Chim ưng ân cần nhắc nhở Rùa:
– Em Rùa à, em và anh không giống nhau, em không có cánh, làm sao mà bay được?
Rùa cầm ra đôi cánh tự làm, liên tục xin:
– Anh xem, em có cánh rồi đây này, xin anh hãy nhận em làm đồ đệ đi.Chim ưng đành phải chấp nhận lời thỉnh cầu của Rùa. Rùa tự lắp thêm đôi cánh, Chim ưng nhấc bổng Rùa lên, đang bay trên không trung thì bỏ Rùa ra. Rùa ta giống như diều đứt dây, rơi vập xuống một tảng đá to, khiến cho mai Rùa bị vỡ rạn.
Bài học từ câu chuyện: Thay vì mù quáng học theo những điều mà mình ngưỡng mộ từ người khác mà không phù hợp với khả năng của bản thân mình. Bạn hãy phát huy hết sở trường và ưu thế của mình, tự đi trên con đường riêng của mình.
-
Dơi, chim và họ nhà thú
Họ hàng các loài chim chóc và họ hàng các loài thú cãi vã nhau kịch liệt. Khi hai bên dàn quân chuẩn bị đánh nhau, dơi lưỡng lự chẳng biết theo bên nào.
Lũ chim bay ngang chỗ dơi đậu và bảo: “Theo chúng ta, “ nhưng dơi bảo:” Tôi là thú vật”.
Sau đó, lũ thú vật đi ngang phía dưới chân dơi nhìn lên và bảo:”Theo chúng ta”, nhưng dơi lại bảo :”Tôi là chim mà.”.
May thay, cuối cùng hai bên cũng dàn hòa, và không có đánh nhau, nên dơi đến với lũ chim và bảo muốn tham gia ăn mừng, nhưng tất cả lũ chim quay ra đuổi dơi khiến dơi phải bay đi. Dơi bèn đến với đám thú vật, nhưng thú vật cũng chẳng niềm nở tiếp đón, may là chúng cũng chưa thèm xé xác dơi ra.
Bài học từ câu chuyện: Kẻ hai mặt chẳng bao giờ có bạn.