Top 10 Tượng Phật lớn nhất Việt Nam
Đạo Phật đã du nhập vào nước ta từ rất lâu và nó cũng đã ăn sâu vào tiềm thức của người dân Việt ta, nó là một trong những tôn giáo ... xem thêm...lớn ở nước ta từ trước tới nay. Chính vì thế mà hệ thống chùa chiền có mặt ở khắp mọi miền tổ quốc từ Bắc vào Nam, từ vùng đồng bằng đến vùng núi cao đâu đâu ta cũng có thể dễ dàng tìm thấy những ngôi chùa thờ Phật. Khi nói đến Phật giáo không thể không nhắc đến những ngôi chùa và khi nói đến những ngôi chùa chúng ta không thể không nói đến các pho tượng Phật. Sau đây Toplist.vn xin đưa ra một số thông tin về những ngôi chùa có những pho tượng Phật lớn nhất nước ta có thể là về trọng lượng, có thể là về chiều cao, có thể là về hình dáng, chất liệu… nhưng tất cả đều thể hiện lòng thành kính, niềm tin của người dân nước ta đối với đạo Phật.
-
Tọa lạc trên đỉnh núi Cấm của tỉnh An Giang, Tượng Phật Di Lặc đã trở thành một công trình ghi lại dấu ấn của những bàn tay, khối óc tài hoa. Với chiều rộng 27 x 27m, cao 33,6m, nặng gần 1.700 tấn, tượng Phật Di Lặc trên núi Cấm (Tịnh Biên – An Giang) không chỉ thu hút du khách bởi danh hiệu: Công trình lớn nhất trên đỉnh núi ở Châu Á, mà còn bởi sở hữu nhiều vẻ đẹp hài hòa với ngọn núi cao và hùng vĩ nhất trong dãy Thất Sơn huyền bí...
Tượng do nhà điêu khắc Thụy Lam phác thảo bản vẽ và giám sát xây dựng. Sau gần 2 năm thi công (tháng 2.2004 - tháng 12.2005) công trình hoàn thành và liên tục đạt nhiều kỷ lục trong nước và quốc tế. Ngay năm đầu đưa vào hoạt động (2006), công trình nghệ thuật đồ sộ này cũng được xác lập kỷ lục “Tượng Phật ngồi lớn nhất Việt Nam”. Đến năm 2008, tiếp tục được Trung tâm sách Kỷ lục công nhận: “1 trong 14 kỷ lục Phật giáo Việt Nam”. Đến tháng 5.2013, được tổ chức Sách Kỷ lục Châu Á, Trung tâm Sách Kỷ lục Việt Nam công nhận là Tượng Phật Di Lặc lớn nhất trên núi ở Châu Á.
-
Nằm trong khuôn viên của chùa Linh Ứng, Tượng Phật Quan Thế Âm thuộc địa phận bán đảo Sơn Trà, Phường Thọ Quang, quận Ngũ Hành Sơn, thành phố Đà Nẵng. Đây là bức tượng cao nhất Việt Nam. Tượng có chiều cao 67m, tương đương với một tòa nhà 30 tầng. Đường kính tòa sen rộng 35m, trong lòng tượng có 17 tầng, mỗi tầng thờ 21 Đức Phật với hình dáng, vẻ mặt, tư thế khác nhau gọi là “Phật Trung Hữu Phật”. Trên mão tượng Quan Âm có tượng Phật Tổ cao 2m.
Tượng Quan Thế Âm Bồ Tát là công trình ấn tượng được thực hiện bởi hai điêu khắc gia là điêu khắc gia Châu Viết Thanh và điêu khắc gia Thụy Lam. Bức tượng Quan Thế Âm trong tư thế đứng vô cùng ý nghĩa. Đôi mắt ngài nhìn hiền từ ra biển như trãi rộng lòng từ bi ra khắp chúng sinh. Tay phải bắt ấn tam muội phóng hào quang cứu độ chúng sanh, tay trái cầm bình nước cam lồ biểu tượng cho lòng từ bi, nước rưới đến đâu bình an đến đấy.
-
Chùa Hội Khánh ở Bình Dương ngoài vẻ cổ kính còn thu hút du khách khi có tượng Phật nằm dài nhất Việt Nam. Tượng Phật Thích Ca nằm được đặt trong khuôn viên rộng 13.000 m², được công nhận là tượng Phật nằm dài nhất Việt Nam. Bức tượng cũng được Tổ chức Kỷ lục châu Á xác lập là "Tượng Phật nhập Niết bàn trên mái chùa dài nhất châu Á".
Năm 2013, chùa Hội Khánh chính thức khánh thành tượng Đức Bổn sư Thích Ca nhập Niết bàn (Tượng Phật Thích Ca) với chiều dài 52 m, cao 12 m, an vị trên độ cao cách mặt đất 23 m, nằm trên mái chùa. Dưới tượng là 20 bức phù điêu thể hiện cuộc đời của Đức Phật từ lúc Đản sinh đến lúc nhập Niết bàn. Quanh tượng còn được trang trí 840 cánh hoa sen đắp bằng xi-măng. Bức tượng này chính là niềm tự hào cho Phật giáo Bình Dương nói riêng và con dân Bình Dương nói chung.
-
Ở chùa Bái Đính, xã Gia Sinh, (Gia Viễn-Ninh Bình), trong điện thờ Pháp chủ xây dựng toàn bằng bê tông cốt thép giả gỗ rất đồ sộ và hoành tráng, có đặt một pho tượng lớn bằng đồng nguyên khối dát vàng, cao 10 m, nặng 100 tấn trên bệ cao 1,5 m ốp đá thước chạm hoa văn trông rất bề thế. Đó là pho Tượng Thích Ca Mâu Ni ngồi trên tòa sen và niệm hoa sen được đặt ở gian giữa ngôi chùa.
Chỉ riêng công việc vận chuyển pho tượng đồng nặng 100 tấn lên đồi núi cao và đặt trong điện đã là một kỳ công. Pho tượng này đã được Trung tâm sách kỷ lục Việt Nam cấp bằng "Xác nhận kỷ lục" là "Pho tượng Phật Thích Ca bằng đồng cao và nặng nhất Việt Nam" vào ngày 4-5-2006. Pho tượng này là tác phẩm được đúc bởi bàn tay của các nghệ nhân đúc đồng thôn Thượng Đồng, xã Yên Tiến, huyện Ý Yên, tỉnh Nam Định.
-
Chùa Phật Tích (hay còn được gọi là Vạn Phúc Tự) nổi tiếng với những kiến trúc đặc trưng thời Lý với đường nét trang trí tinh xảo và tỉ mỉ tận tâm. Bên cạnh đó, chùa còn nổi tiếng với bức Tượng Phật A Di Đà được đúc bằng đá xanh ngồi thiền định trên tòa sen uy nghiêm, an tịnh. Tượng có chiều cao 1,86m với trang trí hình rồng, hoa lá đặc trưng thời nhà Lý.
Bức tượng được làm từ đá xanh nguyên khối có kích thước lên đến 2,69m (kể cả bệ sen) với hình ảnh Đức Phật đang từ trên cao nhìn xuống trần thế để phổ độ chúng sinh, giúp cho nhân dân làm ăn sản xuất phát đạt. Hình ảnh tượng Phật được miêu tả lại đang ngồi tọa sen thiền, mắt khép hờ trong thiền định, khí sắc thanh tịnh tươi nhuần. Mặt trái xoan, dái tai dài, chỏm đầu có nhục khấu nhô lên, tóc xoăn, hai má đầy đặn với sống mũi thẳng đầy phúc hậu, nhân ái. Nhìn ngắm bức tượng Phật, ta tưởng như Phật cũng đang nhìn lại, phổ độ và ban phước lành cho chúng sinh, khiến ta có cảm giác thư thái, an lành và bình yên, gạt đi mọi lo lắng đời thường.
-
Chùa Khai Nguyên, hay còn được gọi là Cổ Liêu Tự, trụ tại thôn Khoang Sau (xã Sơn Đông, thị xã Sơn Tây, Hà Nội). Theo lịch sử bia ký, ngôi chùa này được xây dựng từ nửa đầu thế kỷ 16, là một trong những ngôi chùa lâu đời nhất tại Việt Nam.
Được xây dựng từ năm 2015, sở hữu chiều cao khoảng 72 m, đế rộng hơn 1.200 m2, bức Đại Tượng Phật A Di Đà vì hòa bình thế giới tại chùa Khai Nguyên đã lập kỷ lục là bức tượng lớn nhất khu vực Đông Nam Á. Tượng được xây dựng từ sự phát tâm, tín tâm của phật tử, nhân dân, những người yêu mến đạo Phật trên cả nước. Đức Phật được tạo hình mỗi bên mắt dài 2m30, Kim khẩu (miệng) Đức Phật rộng 3m30. Tai Đức Phật mỗi bên dài hơn 8m. Bàn tay của Đức Phật dài 9m, gốc các ngón tay đường kính 90cm. Đóa sen trên bàn tay trái của Đức Phật được làm rất tinh xảo, mang giá trị thẩm mỹ cao. Đại tượng phật A Di Đà luôn toát ra vẻ đẹp kỳ vĩ dù nhìn ngắm ở bất cứ góc độ nào trong khuôn viên chùa.
-
Chùa Tây Tạng được coi là một danh lam thắng cảnh ở Bình Dương. Chùa nằm trên ngọn đồi có nhiều cây xanh bóng mát trên đường Thích Quảng Đức, phường Chánh Nghĩa, TP.Thủ Dầu Một. Đặc biệt, trong chùa có bức Tượng Đạt Ma Sư tổ được sách Kỷ lục Việt Nam xác nhận là bức tượng bằng tóc lớn nhất Việt Nam vào năm 2007.
Tượng mô tả hình tướng của Sư tổ Thiền tông Bồ Đề Đạt Ma đang bước đi, trên vai là một đòn gánh, đầu đòn gánh bên tay phải là túi Càn khôn và đầu bên trái là hòm kinh Lăng Già. Tượng có chiều cao 2,83m, chiều ngang tính từ túi Càn khôn đến kinh Lăng Già là 1,74m. Tượng được ông Nguyễn Khắc Bửu cùng với ông Nguyễn Chí Cơ và Tôn Ngọc An thực hiện trong 2 năm (1982-1983)
-
Pho tượng Quan Âm Thiên Thủ Thiên Nhãn tại Chùa Mễ Sở được tạo tác trong tư thế ngồi tọa thiền với kích thước khá lớn. Tượng cao 2,8 mét, được chế tác bằng gỗ mít. Từ chỏm đầu tượng tới mặt ngồi cao 140cm, bệ cao 53 cm, tòa sen cao 23cm. Pho tượng gồm 1.113 tay và 1.113 mắt. Đây là một tác phẩm điêu khắc nguyên gốc, với hình thức độc đáo và là pho tượng Phật Quan Âm đẹp nhất trong lịch sử mỹ thuật Phật giáo Việt Nam đầu thế kỷ thứ XIX, mà đến nay chưa có pho tượng nào thuộc thời kỳ này có thể so sánh được.
Tượng Phật Quan Âm Thiên Thủ Thiên Nhãn chùa Mễ Sở là 1 trong 3 pho tượng được xếp vào hàng đỉnh cao của nghệ thuật tạo tác tượng Thiên thủ thiên nhãn cổ ở nước ta. Di tích chùa Mễ Sở được Bộ Văn hoá - Thông tin (nay là Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch) xếp hạng di tích kiến trúc nghệ thuật quốc gia ngày 16/11/1988.
-
Khởi công từ ngày 5-1-2017, chùa Phật Quốc Vạn Thành là khu liên hợp rộng 117.726m2. Khu tổ hợp bao gồm 24 hạng mục lớn với diện tích rộng hơn 3.000m2 cho mỗi khu vực. Riêng tượng Đức Phật Thích Ca Mâu Ni được xây dựng trên diện tích 8.100m2. Với độ cao 73m, du khách đến chùa Phật Quốc Vạn Thành (tọa lạc tại khu phố Xa Cam 1, phường Hưng Chiến, thị xã Bình Long, Bình Phước) đứng từ xa hàng trăm mét là đã có thể thấy được tượng Đức Phật.
Hình ảnh Đức Phật ngồi xếp bằng với các chi tiết nhỏ như nếp gấp quần áo cũng được trau chuốt rất tỉ mỉ mang đến cảm giác sống động, nhẹ nhàng. Bức tượng Phật màu trắng hiện lên vô cùng nổi bật giữa không gian rộng lớn nơi đây. Đây được xem là bức tượng cao nhất Đông Nam Á hiện nay.
-
Tọa lạc tại ấp Vàm Ray, xã Hàm Tân, huyện Trà Cú, tỉnh Trà Vinh, chùa Vàm Ray nổi tiếng với vẻ cổ kính, nguy nga như một cung điện vàng. Không chỉ là ngôi chùa Phật giáo lớn nhất Việt Nam, chùa Vàm Ray còn thu hút nhiều du khách tới tham quan bởi bức tượng Phật Thích Ca nhập Niết Bàn sơn vàng với chiều dài lên tới 54m.
Chếch về hướng Đông Nam của chính điện là Tượng Phật Thích Ca Nhập Niết Bàn có chiều dài 54m được đặt trên bệ tương đương một ngôi nhà 2 tầng. Toàn bộ tượng và bệ cũng được sơn phủ sơn son thiếp vàng. Đây cũng chính là tượng Phật nằm ngoài trời lớn nhất Việt Nam hiện nay.