Bài soạn "Hầu trời" của Tản Đà số 4
A. KIẾN THỨC TRỌNG TÂM
1. Tác giả:
Tản Đà (1889 -1939): là "con người của hai thế kỉ", tên thật Nguyễn Khắc Hiếu.
Quê hương: làng Khê Thượng, huyện Bất Bạt, tỉnh Sơn Tây (nay là Hà Nội). Bút danh Tản Đà được ghép từ núi Tản sông Đà quê hương ông.
Sự nghiệp:
Từ nhỏ học chữ Hán, sau hai khóa thi Hương hỏng, ông bỏ thi chuyển sang văn chương quốc ngữ.
Các tác phẩm tiêu biểu: Khối tình con, Giấc mộng con, Còn chơi…nhiều thể loại sáng tác rất phong phú và đa dạng.
Ngòi bút của ông thể hiện cái ngông nghênh, phóng khoáng của cá nhân.
2. Tóm tắt tác phẩm:
"Hầu trời" là bài thơ được in trong tập thơ Còn chơi, xuất bản lần đầu năm 1921. Vào những năm đầu của thế kỉ XX, lãng mạn trở thành những khúc thơ tâm tình của những người tri thức, bấy giờ xã hội thực dân phong kiến lại đầy những u hám, tối tăm và bất công. Người trí thức muốn chống lại song cũng chưa ai có dũng khí để làm, nhà thơ Tản Đà đã sáng tác bài thơ này để thể hiện tấm lòng của mình. Qua bài thơ Tản Đà đã mạnh dạn thể hiện cái tôi cá nhân ngông, phóng túng, tự ý thức về tài năng, giá trị đích thực của mình và khao khát được khẳng định giữa cuộc đời. Bài thơ kể về việc Tản Đà được mời lên thiên đình đọc thơ cho trời và chư tiên cùng nghe, cuộc đọc thơ và đối thọai về trời. Với thể thơ thất ngôn trường thiên khá tự do, giọng điệu thoải mái tự nhiên, ngôn từ bình dân, sống động tác phẩm đã đi vào lòng bạn đọc, chinh phục mọi độc giả khó tính.
B. BÀI TẬP VÀ HƯỚNG DẪN GIẢI
Câu 1: Trang 17 sgk ngữ văn 11 tập 2
Anh (chị) hãy phân tích khổ thơ đầu. Cách vào đề của bài thơ gợi cho người đọc cảm giác như thế nào về câu chuyện mà tác giả sắp kể?
Bài làm:
Câu thơ đầu tiên tác giả đặt vấn đề khách quan: Câu chuyện tôi sắp kể “chẳng biết có hay không”. Chắc chắn người nghe thì cho là bịa đặt nhưng tác giả lại khẳng định mình ở trong trạng thái rất bình thường “Chẳng hoảng hốt, không mơ màng” và câu chuyện có vẻ là thật:
"Thật hồn! Thật phách! Thật thân thể !
Thật được lên tiên - sướng lạ lùng."
Điệp từ “Thật” kết hợp với hàng loạt dấu cảm khẳng định độ chân thật của câu chuyện của tác giả sắp kể.
Cách vào đề gây được mối nghi vấn để gợi trí tò mò ở người đọc, tạo sự hấp dẫn, muốn được nghe câu chuyện được kể sẽ diễn ra như thế nào.
Câu 2: Trang 17 sgk ngữ văn 11 tập 2
Tác giả đã kể lại câu chuyện mình đọc thơ cho Trời và chư tiên nghe như thế nào? Qua đoạn thơ đó, anh (chị) cảm nhận được những điều gì về cá tính nhà thơ và niềm khao khát chân thành của thi sĩ? Nhận xét về giọng kể của tác giả.
Bài làm:
Thái độ của thi sĩ:
"Đọc hết văn vần sang văn xuôi
Hết văn lý thuyết lại văn chơi"
Thi sĩ rất cao hứng đọc văn đọc từ "văn vần" sang "văn xuôi"... cùng đó lại rất đắc ý nên càng đọc thì "văn dài thơ tốt ran cung mây !" càng đọc càng có cảm hứng, càng có cảm xúc nên đọc lại càng hay,kể tường tận từng chi tiết về các tác phẩm của mình. Giọng đọc thơ của thi nhân vừa truyền cảm, vừa hóm hỉnh, vừa sảng khoái, cuốn hút người nghe.
Thái độ của chư tiên được miêu tả bằng các từ ngữ bộc lộ đa dạng cảm xúc như: nở dạ, lè lưỡi, chau đôi mày, lắng tai đứng, ao ước, tranh nhau dặn…đều thể hiện sự thích thú, hâm mộ, phâm phục, tâm đắc của chư tiên với thi sĩ.
Những lời khen của Trời:
" Nhời văn chuốt đẹp như sao băng!
Khí văn hùng mạnh như mây chuyển !"
Cho thấy Trời không tiếc lời khen thơ của thi sĩ, đánh giá cao "văn trần được thế chắc có ít !" không tiếc lời tán thưởng cho thi sĩ.
Cảm nhận về cá tính,niềm khao khát chân thành của thi sĩ qua đoạn thơ:
Một con người có cá tính rất “ngông”: ở cõi trần thân phận nhà văn bị khinh bị, xem thường, văn chương “rẻ như bèo”, Tản Đà tìm đến tận Trời để khẳng định tài năng của mình.
Một con người có ý thức về cá nhân rất cao, dám tự mình khen mình (Trời và Chư tiên tán thưởng thơ Tản Đà, đó chính là nhà thơ tự tán thưởng). Đây không phải là sự tự kiêu, thiếu khiêm tốn trong cái nhìn vốn khiêm cung của xã hội Việt Nam thời phong kiến. Nhưng đây, chính là cái thật, là cá nhân ý thức được tài năng thực sự của mình.
Giọng kể của tác giả hào hứng, phấn chấn, tự hào.
Câu 3: Trang 17 sgk ngữ văn 11 tập 2
Cảm hứng chủ đạo của bài thơ là cảm hứng lãng mạn, nhưng trong bài lại có một đoạn rất hiện thực.Đó là đoạn thơ nào? Tìm hiểu ý nghĩa đoạn thơ đó. Theo anh (chị), hai nguồn cảm hứng này ở thi sĩ Tản đà có mối liên hệ với nhau như thế nào?
Bài làm:
Cảm hứng chủ đạo của bài thơ là cảm hứng lãng mạn, nhưng trong bài lại có một đoạn rất hiện thực. Đó là đoạn thi sĩ Tản Đà kể cho Trời nghe về tình cảm khốn khó của kẻ theo đuổi nghề văn trong xã hội thực dân nửa phong kiến lúc bấy giờ:
"Bẩm Trời, cảnh con thực nghèo khó
....
Biết làm có được mà giám theo."
Trong đoạn thơ này tác giả đã đề cập đến cuộc sống hiện thực của mình: "thước đất cũng không có", "văn chương hạ giới rẻ như bèo", ...cuộc sống của thi sĩ thực nghèo khó, đến tấc đất cũng không có. Thi sĩ chỉ có "một bụng văn" tuy nhiên lại rẻ như bèo nên làm quanh năm cũng không đủ tiêu, lại bị o ép đủ điều. Cuộc sống của thi sĩ thật khó khăn, nghèo túng.
Trong bài thơ này tác giả sử dụng kết hợp hoàn chỉnh giữa cảm hứng lãng mạn với hiện thực, cho người đọc thấy một bức tranh toàn cảnh cuộc sống vừa có chất thơ mà lại vô cùng chân thực, vô cùng đời thường.Qua đó ta thấy cuộc sống qua nhiều mặt, vừa hiểu hơn tâm hồn người thi sĩ, trong xã hội như vậy mà vẫn ngông cuồng, vẫn rất "thơ".
Câu 4: Trang 17 sgk ngữ văn 11 tập 2
Về mặt nghệ thuật, bài thơ này có gì mới và hay?
Bài làm:
Những cái mới và hay về nghệ thuật của bài thơ:
Thể thơ: thể thất ngôn trường thiên tự do, không bị trói buộc bởi khuôn mẫu nào.
Ngôn từ: hóm hỉnh, có duyên, lôi cuốn người đọc.
Cách biểu hiện cảm xúc: tự do, phóng túng.
Dưới ngòi bút của tác giả, Trời và Chư tiên không có một chút gì đạo mạo, ngược lại các đấng siêu nhiên đó cũng có cách bộc lộ cảm xúc rất ngộ nghĩnh, bình dân (lè lưỡi, chau mày, tranh nhau dặn…)