Bài soạn "Rừng xà nu" số 4

A. KIẾN THỨC TRỌNG TÂM

1. Tác giả

Nguyễn Trung Thành (bút danh là Nguyên Ngọc) tên khai sinh là Nguyễn Văn Báu, sinh năm 1932, quê ở huyện Thăng Bình tỉnh Quảng Nam.
Năm 1950, ông vào bộ đội, sau đó làm phóng viên báo quân đội nhân dân liên khu V. Những năm tháng lăn lội trong cuộc kháng chiến chống Pháp ở Liên khu V đã giúp ông hiểu biết sâu sắc về Tây Nguyên, để sau khi tập kết ra Bắc ông có đủ vốn hiểu biết viết cuốn tiểu thuyết đầu tay Đất nước đứng lên. Sau năm 1954, ông còn có những sáng tác phục vụ công cuộc xây dựng cuộc sống mới ở miền Bắc như Rẻo cao (1961).
Năm 1962, ông tình nguyện trở về chiến trường miền Nam và Tây Nguyên.
Với bút danh Nguyễn Trung Thành ông đã có nhiều tác phẩm nổi tiếng có tiếng vang lớn trong đời sống lúc bấy giờ như tập truyện và ký Trên quê hương những anh hùng ĐIện Ngọc (1969) và tiểu thuyết Đất Quảng (1971-1974).
Sau thắng lợi của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, ông tiếp tục cống hiến cho phong trào văn học nước nhà. Ông từng là Uỷ viên Ban chấp hành Hội nhà văn Việt Nam, Tổng biên tập báo Văn nghệ


2. Tác phẩm

Truyện ngắn Rừng xà nu được viết năm 1965 (ra mắt lần đầu tiên trên tạp chí Văn nghệ quân giải phóng Trung Trung Bộ số 2/1965), sau đó in trong tập trên quê hương những anh hùng Điện Ngọc là một trong số tác phẩm nổi tiếng nhất trong các sáng tác của Nguyễn Trung Thành viết trong những năm kháng chiến chống đế quốc Mỹ.
Văn bản trong sách giáo khoa có lược một số đoạn.


B. BÀI TẬP VÀ HƯỚNG DẪN GIẢI

Câu 1: Trang 48 sgk ngữ văn 12 tập 2

Anh (chị) cảm nhận được ý nghĩa gì của truyện ngắn qua:

a) Nhan đề tác phẩm

c) Đoạn văn miêu tả cánh rừng xà nu dưới tầm đại bác

c) Hình ảnh những ngọn đồi , cánh rừng xà nu trải ra hút tầm mắt, chay tít tắp đến tận chân trời luôn trở đi trở lai trong tác phẩm.

Bài làm:
a) Cảm nhận ý nghĩa của truyện ngắn qua nhan đề
Nhan đề “Rừng xà nu” vừa mang ý nghĩa hiện thực , vừa mang ý nghĩa biểu tượng:
Ý nghĩa tả thực : Nhà văn nói về cây xà nu - một loài cây sống thành rừng ở Tây Nguyên. Loài cây này có sức sống mãnh liệt, không chịu khuất phục trước sự thay đổi của thời tiết.Cây xà nu luôn gắn bó mật thiết và quan hệ chiếu ứng với cuộc sống của người dân Tây Nguyên. Ý nghĩa biểu tượng: Qua sức sống mãnh liệt của cây xà nu, rừng xà nu, nhà văn nói đến nỗi đau và sức sống , phẩm chất kiên cường bất khuất của nhân dân Tây Nguyên trong cuộc kháng chiến chống Mỹ. Nhan đề Rừng xà nu còn gợi lên chủ đề tác phẩm cũng như cảm hứng sử thị, bi tráng của thiên truyện ngắn đặc sắc này.


b) Đoạn văn miêu tả cánh rừng xà nu nằm dưới tầm đại bác
Đoạn văn miêu tả cánh rừng xà nu nằm dưới tầm đại bác là đoạn mở đầu thiên truyện. Đoạn văn mở đầu này đã tạo một không khí ấn tượng về câu chuyện làng Xô man chống Mỹ được kể trong tác phẩm. Đại bác đã bắn hàng vạn cây xà nu nhưng những cây xà nu mới lại mọc lên, ngọn xanh rờn, hình nhọn mũi tên lao thẳng lên bầu trời. Trong đau thương, xà nu vẫn sinh sôi nảy nở, trường tồn, bất diệt như sức sống của người làng Xô man đánh Mỹ và bọn tay sai để bảo vệ buôn làng góp phần bảo vệ đất nước. Như vậy là cả "làng" và "xà nu" đều là đối tượng hủy diệt trực tiếp và tàn bạo của bom đạn kẻ thù, sự sống đẹp đẽ, an lành và bình dị đang bị đập trong tư thế đối đầu với sự hủy diệt phi lý, phi nhân tính, với cái chết phi tự nhiên; những sự sinh tồn vĩ đại, đẹp đẽ của cả thiên nhiên và con người đang đứng trước mối đe dọa của sự diệt vong. Sự tàn phá mang tính hủy diệt của bom đạn kẻ thù đã khiến "cả rừng xà nu hàng vạn cây, không có cây nào không bị thương". Đoạn văn đã tô đậm, khắc sâu ý nghĩa nhan đề và góp phần bộc lộ sâu sắc chủ đề tác phẩm.

c) Hình ảnh những ngọn đồi, cánh rừng xà nu trải ra hút tầm mắt, chạy tít tắp đến tận chân trời luôn trở đi trở lại trong tác phẩm.
Hình ảnh xà nu trở đi trở lại nhiều lần trong tác phẩm tới hơn 20 lần; mở đầu là hình ảnh cánh rừng xà nu dưới bom đạn của kẻ thù - kết thúc tác phẩm là hình ảnh của những cánh rừng xà nu chạy dài hút tầm mắt. Tác dụng nhấn mạnh, làm nổi bật biểu tượng của câu chuyện, tạo ấn tượng sâu sắc trong lòng người đọc làm nổi bật giá trị tư tưởng của tác phẩm tạo ra mối liên hệ mật thiết giữa các thế hệ cây xà nu với các thế hệ nối tiếp nhau của dân làng Xô Man trong kháng chiến chống Mỹ.


Câu 2: Trang 48 sgk ngữ văn 12 tập 2
Tác giả vẫn coi "Rừng xà nu" là truyện một đời được kể trong một đêm, hãy cho biết:
a) Người anh hùng mà cụ Mết kể trong cái đêm ấy có những phẩm chất đáng quý nào? So với nhân vật A Phủ thì hình tượng đó có gì mới mẻ?
b) Vì sao trong câu chuyện bi tráng của Tnú cụ Mết nhắc đi nhắc lại Tnú đã không cứu được vợ con, để rồi khắc sâu vào tâm trí người nghe câu nói: ''Chúng nó cầm súng, mình phải cầm giáo"?
c) Câu chuyện của Tnú cũng như câu chuyện của làng Xô man nói lên chân lý lớn lao nào của dân tộc ta trong kháng chiến chống Mỹ? Vì sao cụ Mết muốn chân lý đó phải được nhớ, được truyền lại cho con cháu?
d) Các hình tượng cụ Mết, Mai, Dít, Heng có vai trò gì trong việc khắc họa nhân vật chính và làm nổi bật tư tưởng cơ bản của tác phẩm?
Bài làm:
a) Phẩm chất, tính cách của người anh hùng Tnú:
Gan góc, táo bạo, dũng cảm, trung thực (khi còn nhỏ cùng Mai vào rừng tiếp tế cho anh Quyết
Lòng trung thành với cách mạng được bộc lộ qua thử thách (bị giặc bắt, tra tấn, lưng Tnú ngang dọc vết dao chém của kẻ thù nhưng anh vẫn gan góc, trung thành).
Số phận đau thương: Không cứu được vợ con, bản thân bị bắt, bị tra tấn (bị đốt mười đầu ngón tay).
Quật khởi đứng dậy cầm vũ khí tiêu diệt bọn ác ôn.


A Phủ và Tnú tuy được xây dựng trong hai tác phẩm của hai tác giả ở hai thời kì khác nhau, ở hai miền đất khác nhau, nhưng đều là những con người miền núi. Một người thuộc dân tộc Mèo ở vùng Tây Bắc nên thơ (A Phủ), một người thuộc dân tộc Strá ở vùng Tây Nguyên hùng vĩ (Tnú). Cả hai đều mồ côi cha mẹ từ thuở ấu thơ, mang dáng dấp những đứa con côi trong cổ tích. A Phủ và Tnú đều sớm dạn dày, gan góc bởi hoàn cảnh sống đầy thử thách. Có nét gì chung rất dễ nhận ra ở hai con người cách nhau hàng ngàn cây số: đó là sự mạnh mẽ về thể chất và tinh thần. A Phủ đã dám đánh cả con quan, để rồi kiên gan chịu đựng những trận đòn báo thù khủng khiếp. Tnú thì thuở ấu thơ đã dám ra rừng đem gạo nuôi cán bộ, bị bắt, bị chém ngang dọc trên bụng trên lưng vẫn không hé răng khai báo nơi ở của cán bộ, bị đốt mười đầu ngón tay bằng nhựa xà nu vẫn cắn mồi đến bật máu để chịu đựng. Hai người chịu hai kiểu hành hạ, hài kiểu cực hình khác nhau, nhưng ta đều thấy ở họ sự chịu đựng phi thường.


Cả A Phủ và Tnú đều là những con người luôn hướng về ánh sáng. Tnú bắt gặp lí tưởng cách mạng được truyền từ anh Quyết, cán bộ của Đảng hoạt động bí mật, Tnú giống như cây xà nu tiếp ánh sáng mặt trời để không ngừng vươn toả lên bầu trời tự do. A Phủ cũng lao khỏi bóng tối ở Hồng Ngài, chạy hàng tháng trời trong rừng để đến Phiềng Sa - khu du kích, rồi sau đó gặp cán bộ, được giác ngộ, trở thành đội trưởng đội du kích. Phẩm chất cách mạng ở những người dân miền núi trong hoàn cảnh ngặt nghèo đã được hai nhà văn thể hiện rất sinh động. Hai nhân vật ở hai vùng đất khác nhau, thuộc hai tộc người khác nhau, nhưng ta vẫn thấy ở họ có nét nào đó tương đồng trong tính cách. Ngoài sự cứng cỏi, gan góc, A Phủ và Tnú đều rất lặng lẽ, ít nói. Họ thuộc loại nhân vật hành động. Tuy nhiên, Tnú là một anh hùng được nâng lên thành pho sử thi. Mang ý thức, ý muốn của cộng đồng. Cuộc đời Tnú gắn với cách mạng từ thuở nhỏ nên phẩm chất cách mạng rất rõ ràng, vững chắc. Tnú là biểu tượng cho cộng đồng giàu truyền thống cách mạng trong khi đó A Phủ là chàng trai biết đến cách mạng khi đã trưởng thành

b) Câu chuyện bi tráng về cuộc đời Tnú: “Tnú không cứu được vợ con”. Cụ Met nhắc tới bốn lần để nhấn mạnh: khi chưa cầm vũ khí. Tnú chỉ có hai bàn tay không thì ngay cả những người yêu thương nhất Tnú cũng không cứu được. Câu nói của cụ Mết muốn khẳng định: chỉ có cầm vũ khí đứng lên mới là con đường sống duy nhất, mới bảo vệ được những gì thân yêu, thiêng liêng nhất; chân lí cách mạng đúc rút từ chính thực tế máu xương, tính mạng của dân tộc, những con người thương yêu nên chân lí ấy phải ghi tạc vào xương cốt, tâm khảm và truyền lại cho các thế hệ tiếp nối.

c) Câu chuyện Tnú với dân làng Xô Man nói lên chân lí lớn của thời đại: “Không có gì quý hơn độc lập, tự do”. Phải chống lại mọi kẻ thù xâm lược, kể cả phải cầm vũ khi và hi sinh tính mạng.
Khi chưa cầm vũ khí, làng Xô Man rất đau thương: bọn giặc đi lùng sục như hùm beo, tiếng cười “sằng sặc” của những ác ôn, tiếng gậy sắt nện: “hừ hự” xuống thân người. Anh suýt bị treo cổ. Bà Nhan bị chặt đầu. Mẹ con Mai bị chết thảm. Tnú bị đốt mười đầu ngón tay...Cuộc sống ngột ngạt dồn nén đau thương, căm thù. Đêm Tnú bị đốt mười đầu ngón tay, làng Xô Man đã nổi dậy. Rừng xà nu “ào ào rung động . "xác mười tên giặc ngổn ngang”, tiếng cụ Mết như mệnh lệnh chiến đấu: "thếlà bắt đầu rồi, đốt lửa lên”. Đó là sự nổi dậy đồng khởi làm rung chuyển núi rừng. Câu chuyện về cuộc đời về con người trở thành câu chuyện một thời, một nước. Như vậy câu chuyện về cuộc đời Tnú đã mang ý nghĩa cuộc đời một dân tộc. Nhân vật sử thi của Nguyễn Trung Thành gánh trên vai sứ mệnh lịch sử to lớn.


d) Vai trò của nhân vật: Cụ Mết, Mai, Dừ, Heng đối với việc làm nổi bật nhân vật trung tâm và chủ đề:
Cụ Mết, Mai, Dít, bé Heng là sự tiếp nối các thế hệ làm nổi bật tinh thần bất khuất của làng Xô Man nói riêng, của Tây Nguyên nói chung
Cụ Mết “Quắc thước như một cây xà nu lớn” là hiện thân cho truyền thống thiêng liêng, biểu tượng cho sức mạnh tập hợp để nổi dậy đồng khởi.
Mai, Dít là thế hiện tại, trong Dít có Mai của thời trước và cóDít của hôm nay. vẻ đẹp của Dít là vẻ đẹp của sự kiên định, vững vàng trong bão táp chiến tranh.
Bé Heng là thế hệ tiếp nối, kế tục cha anh để đưa cuộc chiến tới thắng lợi cuối cùng.
Dường như cuộc chiến khốc liệt này đòi hỏi mỗi người Việt Nam phải có sức trỗi dậy phi thường, phải như những cây xà nu nằm trong tầm đại bác.


Câu 3: Trang 49 sgk ngữ văn 12 tập 2
Theo anh (chị) hình ảnh cánh rừng xà nu và hình tượng nhân vật Tnú gắn kết hữu cơ, khăn khít với nhau như thế nào?
Bài làm:
Hình tượng rừng xà nu có quan hệ mật thiết với hình tượng nhân vật Tnu. Hai hình tượng này không tách rời nhau mà gắn bó khăng khít với nhau. Rừng xà nu sẽ không thể trải mãi tới chân trời trong màu xanh bất diệt khi con người chưa thấm thía bài học “chúng nó đã càm súng mình phải cầm giáo”.

Tác giả đã kết hợp miêu tả bao quát lẫn cụ thể, phối hợp cảm nhận của nhiều giác quan khi miêu tả cây xà nu tạo nên hình ảnh cây xà nu đầy sức lực, tràn trề sưc sống. Tác giả luôn miêu tả hình tượng cây xà nu với con người, các hình thức nhân hóa, ẩn dụ, tượng trưng đều được vận dụng nhằm thể hiện sống động vẻ hung vĩ của thiên nhiên và gợi ra những lien tưởng về con người. Nhà văn muốn dùng rừng xà nu làm biểu tượng cho tinh thần gan góc, dũng cảm, dạn dày, bất khuất, trung kiên ... của nhân vật Tnú và dân làng Xô Man. Nhờ thế những đoạn văn miêu tả rừng xà nu giống như một bài thơ trữ tình với giọng văn đầy biểu cảm.


Câu 4: Trang 49 sgk ngữ văn 12 tập 2
Nêu và phân tích cảm nhận của anh (chị ) về vẻ đẹp nghệ thuật của tác phẩm
Bài làm:
Đặc sắc, đậm đà chất sử thi hùng tráng. Chất sử thi toát lên qua đề tài, chủ đề, cốt truyện, nhân vật, hình ảnh thiên nhiên, các chi tiết nghệ thuật, giọng điệu, ngôn ngữ của tác phẩm:
Đề tài có ý nghĩa lịch sử: sự vùng dậy của dân làng Xô man chống Mỹ Diệm.
Bức tranh thiên nhiên hùng vĩ, hoành tráng. Rừng xà nu làm nền cho bức tranh về cuộc đấu tranh chống giặc (Cả rừng ... ào ào rung động, lửa cháy khắp rừng).
Các nhân vật tiêu biểu được miêu tả trong bối cảnh trang nghiêm, hùng vĩ, vừa mang phong cách Tây Nguyên vừa mang phẩm chất của anh hùng thời đại.
Kết cấu vòng tròn: Mở đầu, kết thúc là hình ảnh của rừng xà nu, cùng với sự trở về của Tnú sau ba năm xa cách.
Cách trần thuật: Chuyện về sự nổi dậy của dân làng và cuộc đời Tnú được kể lại trong một đêm anh về thăm làng, qua lời cụ Mết, bên bếp lửa bập bùng - Giọng kể trang trọng như truyền cho thế hệ con cháu những trang sử bi thương và anh hùng của cộng đồng. Chuyện về thời hiện tại được kể bằng giọng điệu và ngôn ngữ sử thi.
Cảm hứng lãng mạn: tính lãng mạn thể hiện ở cảm xúc của tác giả bộc lộ trong lời trần thuật, thể hiện ở việc đề cao vẻ đẹp của thiên nhiên và con người trong thế đối lập với sự tàn bạo của kẻ thù.


Bài tập: Luyện tập trang 49 sgk ngữ văn 12 tập 2
Viết một đoạn văn phát biểu suy nghĩ, cảm xúc của anh chị về đôi bàn tay của Tnú.
Bài làm:
Hình ảnh đôi bàn tay của Tnú mang đến những ấn tượng rất lớn trong lòng người đọc bởi nó mang nhiều lớp ý nghĩa.
Có thể nói đôi bàn tay ấy cũng có một cuộc đời, cuộc đời ấy giống như cuộc đời của Tnú vậy. Cũng có những lúc anh hùng nhưng cúng phải chịu nhiều đau thương mất mát. Thế nhưng đến cuối cùng bàn tay ấy cũng giết chết biết bao nhiêu kẻ thù để báo thù cho tất cả những đau thương mà nó cũng như chủ nhân nó phải chịu.Trước hết đó là một bàn tay lành lặn. Bàn tay ấy đã cùng với Mai học chữ trong rừng. Bàn tay ấy đã nhanh nhẹn cầm những thư liên lạc vượt qua mọi gian nan và những vòng vây của giặc để mang đến cho những người cán bộ trong rừng. Qua đây ta thấy hình ảnh đôi bàn tay của Tnú hiện lên thật sự rất đẹp, rất chắc chắn khi cầm thư và đồ tiếp tế. Một bàn tay nhỏ nhắn như vậy mà có thể cầm biết bao nhiêu đồ như vậy, quả thật rất đáng khen.


Không những thế ta còn thấy được một người anh hùng Tnú tuy bé nhỏ nhưng đã mang sẵn bản chất anh hùng, bản chất sử thi. Bàn tay ấy không chỉ vậy mà còn gan góc cầm đá đập vào đầu của Tnú khi học không cho được cái chữ vào đầu. Theo như anh Quyết nói thì phải học cái chữ để có thể trở thành cán bộ được. Chính vì thế mà khi không học được, học chữ này thì quên mất chữ kia đôi bàn tay cầm lấy đá đập đầu khiến cho máu chảy ròng ròng. Chính hình ảnh bàn tay ấy làm nổi bật lên hình ảnh người anh hùng Tây nguyên ngay từ bé đã mang một tư tưởng lớn của cách mạng, phải trở thành cán bộ cách mạng để cứu dân làng, cứu nước. Và khi không học được chữ sợ rằng mình không thể giúp ích cho đất nước nên Tnú mới dùng chính bàn tay của mình để trừng trị mình.Và chính đôi bàn tay ấy anh đã giết chết bao nhiêu là kẻ thù.

Bài soạn
Bài soạn "Rừng xà nu" số 4
Bài soạn
Bài soạn "Rừng xà nu" số 4

Top 6 Bài soạn "Rừng xà nu" của Nguyễn Trung Thành lớp 12 hay nhất

  1. top 1 Bài soạn "Rừng xà nu" số 1
  2. top 2 Bài soạn "Rừng xà nu" số 2
  3. top 3 Bài soạn "Rừng xà nu" số 3
  4. top 4 Bài soạn "Rừng xà nu" số 4
  5. top 5 Bài soạn "Rừng xà nu" số 5
  6. top 6 Bài soạn "Rừng xà nu" số 6

Công Ty cổ Phần Toplist
Địa chỉ: Tầng 3-4, Tòa nhà Việt Tower, số 01 Phố Thái Hà, Phường Trung Liệt, Quận Đống Đa, Thành phố Hà Nội
Điện thoại: 0369132468 - Mã số thuế: 0108747679
Giấy phép mạng xã hội số 370/GP-BTTTT do Bộ Thông tin Truyền thông cấp ngày 09/09/2019
Chịu trách nhiệm quản lý nội dung: Nguyễn Duy Ngân
Chính sách bảo mật / Điều khoản sử dụng | Privacy Policy