Bài tham khảo số 2
Những năm tháng hào hùng của dân tộc đã được thơ ca văn học Cách mạng ghi lại trong những trang văn, trang thơ. Trong đó phải kể đến tác phẩm “Việt Bắc” của Tố Hữu là khúc ân tình thủy chung của đồng bào kháng chiến và chiến sĩ. Nổi bật là khổ bốn - đoạn thơ là nỗi nhớ thiên nhiên và con người Việt Bắc trong kháng chiến:
“Ta với mình, mình với ta
Lòng ta sau trước mặn mà đinh ninh
Mình đi, mình lại nhớ mình
Nguồn bao nhiêu nước nghĩa tình bấy nhiêu…
Nhớ gì như nhớ người yêu
Trăng lên đầu núi, nắng chiều lưng nương
Nhớ từng bản khói cùng sương
Sớm khuya bếp lửa người thương đi về.
Nhớ từng rừng nứa bờ tre
Ngòi Thia, sông Đáy, suối Lê vơi đầy
Ta đi, ta nhớ những ngày
Mình đây, ta đó đắng cay ngọt bùi…”
Năm 1954, kháng chiến chống thực dân Pháp thắng lợi, hoà bình được lặp lại. Chủ tịch Hồ Chí Minh, trung ương Đảng, cán bộ và bộ đội rời Việt Bắc để trở về thủ đô Hà Nội. Trong không gian đầy nhớ thương lưu luyến giữa nhân dân Việt Bắc và những chiến sĩ cách mạng nhà thơ Tố Hữu đã viết bài thơ “Việt Bắc”. Đoạn trích đã miêu tả sâu sắc cuộc chia ly giữa cán bộ và người dân Việt Bắc gợi lại cuộc kháng chiến anh hùng mà đầy nghĩa tình. Đó là một cuộc chia tay đầy bịn rịn lưu luyến, đầy nghĩa tình sâu đậm.
"Ta với mình, mình với ta
Lòng ta sau trước mặn mà đinh ninh
Mình đi, mình lại nhớ mình
Nguồn bao nhiêu nước nghĩa tình bấy nhiêu”
Đáp lại tình cảm của người ra đi, người ở lại cũng của người cán bộ về xuôi bày tỏ nỗi lòng của mình với người Việt Bắc. Dù xa nhưng người chiến sĩ vẫn luôn một dạ một lòng thủy chung hướng về Việt Bắc:
"Lòng ta sau trước mặn mà đinh ninh"
Cuộc chia tay đầy lưu luyến, bịn rịn giữa người ở lại và người ra đi: "Mình đi, mình lại nhớ mình”. Việc sử dụng hình ảnh so sánh: "Nguồn bao nhiêu nước nghĩa tình bấy nhiêu” là một hình ảnh đặc sắc. "Nguồn" là nơi bắt đầu của một dòng sông, con suối vì thế lúc nào cũng tràn đầy, ở đây được so sánh với "nghĩa tình” đã cho thấy tình cảm lúc nào cũng dạt dào và đong đầy chất chứa không bao giờ cạn hao đi. Tiếp đến, "nhớ gì như nhớ người yêu" tác giả sử dụng nghệ thuật so sánh rất độc đáo so sánh nỗi nhớ của người chiến sĩ với nỗi nhớ "người yêu” một tình cảm cháy bỏng rạo rực luôn dâng trào.
“Nhớ từng bản khói cùng sương
Sớm khuya bếp lửa người thương đi về.
Nhớ từng rừng nứa bờ tre
Ngòi Thia, sông Đáy, suối Lê vơi đầy”
Người chiến sĩ nhớ về cuộc sống sinh hoạt của người dân Việt Bắc nấu bữa tối, khói từ các ống bếp bốc ra nghi ngút. Rồi đêm tới lại bập bùng bên bếp lửa cháy rực cùng nhau quây quần kể chuyện, múa hát. Họ nhớ về:
“Nhớ từng rừng nứa bờ tre
Ngòi Thia, sông Đáy, suối Lê vơi đầy”
Nhớ những thứ thân thuộc khi ngày ngày gắn bó, với những địa điểm hết sức nổi tiếng như: "Ngòi Thia, sông Đáy, suối Lê”, "suối Lê” ở đây chính là suối Lê Nin. Cuối cùng, đoạn thơ khép lại trở về với cách xưng hô mình và ta:
“Ta đi, ta nhớ những ngày
Mình đây, ta đó đắng cay ngọt bùi…”
"Đắng cay ngọt bùi” là những khó khăn gian khổ vất vả. “Mình đây, ta đó đắng cay ngọt bùi…” ở đây muốn chỉ những người chiến sĩ và người dân Việt Bắc đã cùng nhau trải qua những khó khăn, gian khổ, họ đã cùng trải qua. Với việc sử dụng sáng tạo hài đại từ “mình - ta” với lối đối đáp giao duyên trong dân ca. Bài thơ Việt Bắc thể hiện tính dân tộc đậm đà. Cả bài thơ khúc tình ca về cách mạng, về cuộc kháng chiến và con người kháng chiến. Thể hiện sự gắn bó, ân tình sâu nặng với nhân dân, đất nước trọn niềm tự hào dân tộc.Các câu thơ đậm chất dân tộc, trong việc sử dụng hình thức đối đáp với cặp đại từ nhân xưng “mình – ta”, ngôn ngữ, hình ảnh thơ giản dị, nhịp thơ uyển chuyển, sử dụng thể thơ dân tộc – thể thơ lục bát… Bài thơ cho chúng ta thấy nghĩa tình của người dân Việt trong những năm tháng khó khăn, gian khổ của cuộc chiến tranh, giành độc lập, tự do cho dân tộc.
Đoạn thơ đã khép lại nhưng lại để lại trong lòng bạn đọc những ấn tượng về hình ảnh thiên nhiên Việt Bắc với những hình ảnh giản dị, đó là khói của bếp lửa, là hình ảnh suối đèo, bờ tre thân thuộc… Tất cả đã để lại một hoài niệm khó quên trong lòng người ra đi về cái nghĩa, cái tình của đồng bào thân thương cùng nhau chia sẻ miếng cơm, manh áo trong những giây phút ngặt nghèo, từ đó cũng cho thấy sự đoàn kết của hậu phương và tiền tuyến trong giai đoạn lịch sử thăng trầm bấy giờ. Nó cũng là lời nhắc nhở cho thế hệ hôm nay đang được sống trong hòa bình cần trân trọng lịch sử, trân trọng những thành quả của cha ông để lại, phát huy những truyền thống tốt đẹp của dân tộc trong công cuộc xây dựng và bảo vệ đất nước.