Bài tham khảo số 5

Nỗi nhớ xưa nay luôn là một niềm cảm hứng, một hình ảnh nghệ thuật khơi gợi niềm thi hứng trong tâm hồn biết bao nhà thơ. Đó là một nỗi nhớ “bổi hổi bồi hồi” trong ca dao xưa, một nỗi nhớ thiết tha trong “Tương tư chiều” của Xuân Diệu hay nỗi nhớ “chín nhớ mười mong” trong thơ Nguyễn Bính. Đi vào thơ ca, nỗi nhớ mang rất nhiều sắc thái. Và ta cũng bắt gặp trong thơ Tố Hữu, trong bài thơ “Việt Bắc” một nỗi nhớ. Nỗi nhớ ấy rất riêng, rất đậm sâu, một nỗi nhớ đã được nhà thơ gửi gắm qua từng hình ảnh, ý thơ trong đoạn thơ thứ tư của bài.


Tố Hữu là một nhà thơ tiêu biểu của thơ ca hiện đại Việt Nam, đặc biệt là thơ ca Cách mạng dân tộc. Là một nhà thơ tâm huyết với vốn tài sản văn chương phong phú, đồ sộ, Tố Hữu đã từng phát biểu về quan niệm của mình rằng: “Muốn có thơ hay, trước hết, phải tạo lấy tình. Nhà thơ chân chính phải không ngừng phấn đấu, tu dưỡng về lập trường tư tưởng, xác định thật rõ tầm nhìn, cách nhìn. Tự nguyện gắn bó chân thành là yêu cầu cao nhất đối với người nghệ sĩ trong quan hệ với đất nước, với nhân dân… Tóm lại, viết thơ phải xứng đáng là người chiến sĩ xung kích trên mặt trận văn hóa tư tưởng”. Đọc “Việt Bắc” ông viết năm 1954, ta cảm thấu rõ tư tưởng đó của nhà thơ. Trong tác phẩm, khổ thơ thứ tư nhà thơ thể hiện nỗi nhớ nhung da diết của người ra đi đối với mảnh đất, con người Tây Bắc với biết bao kỷ niệm được coi là một đoạn thơ đặc sắc, được nhiều người quan tâm.


Những câu thơ trong đoạn bốn là lời nhớ thương tha thiết của người ở lại:


“Ta với mình, mình với ta

Lòng ta sau trước mặn mà đinh ninh

Mình đi, mình lại nhớ mình

Nguồn bao nhiêu nước nghĩa tình bấy nhiêu…

Nhớ gì như nhớ người yêu

Trăng lên đầu núi, nắng chiều lưng nương

Nhớ từng bản khói cùng sương

Sớm khuya bếp lửa người thương đi về.

Nhớ từng rừng nứa bờ tre

Ngòi Thia, sông Đáy, suối Lê vơi đầy

Ta đi, ta nhớ những ngày

Mình đây, ta đó đắng cay ngọt bùi…”


Nhà thơ Tố Hữu đã khắc họa sắc thái của nỗi nhớ nhung da diết. Nỗi nhớ ấy là tình cảm chính trị. Nỗi nhớ ấy là tình cảm thủy chung ân nghĩa với cội nguồn, sự tri ân và niềm gắn bó với đồng bào Việt Bắc. Chủ đề chính trị thường bị coi là khô khan, tuy vậy nhà thơ Tố Hữu đã khéo léo gửi vào chủ đề ấy rất nhiều cung bậc cảm xúc trữ tình. Hình ảnh so sánh: “Nhớ gì như nhớ người yêu” đã đẩy cảm xúc lên đến tột độ của niềm dâng trào, qua đó mà bộc lộ tình cảm nồng nàn mãnh liệt của nỗi nhớ. Tình đồng chí đồng bào, tình quân dân thắm thiết bỗng mang sắc thái nồng thắm, trẻ trung hệt như tình yêu lứa đôi. Nỗi nhớ thương đã hội tụ hai nguồn cảm hứng trong ca dao: nỗi tương tư và niềm biệt ly. Có lẽ bởi vậy mà lời thơ càng trở nên thiết tha, chan chứa. Điệp từ “nhớ” ở đầu mỗi câu lục tựa như một đôi mắt nhìn sâu vào tâm trí của “mình” để thấy hình ảnh Việt Bắc, đất trời thiên nhiên và con người, hiện ra đầy tình thương mến thương, thân thuộc và nghĩa tình.


Những ý thơ tiếp theo nhà thơ Tố Hữu khéo léo chỉ ra địa chỉ của nỗi nhớ. Nỗi nhớ dung da diết, dạt dào ấy trở về với một không gian, khoảnh khắc thời gian thơ mộng, trữ tình. Tựa hồ đó là những đêm trăng lên đầu núi, những chiều lắng đọng lưng nương, phảng phất một không gian hò hẹn của lứa đôi. Trong tâm trí người ra đi, hình ảnh Việt Bắc nghĩa tình ấy không chỉ hiện lên trong sương khói mịt mờ mà còn trong những sớm khuya thấp thoáng bóng dáng người thương bên bếp lửa. Bếp lửa, hình ảnh ấy đã gợi ra khung cảnh của một mái ấm nơi những đồng bào Việt Bắc hiện lên trong bóng dáng của những người thân thương nồng đượm nghĩa tình. “Ngòi Thia, Sông Đáy, Suối Lê”, đó là một loạt các địa danh gắn với dấu ấn Cách mạng. Dường như cái vơi đầy của sông suối cũng chính là cái vơi đầy của lòng người, của man mác một nỗi nhớ thương bắt nhịp trong tâm trí của người ra đi. Không chỉ có những địa danh Cách mạng, nhà thơ còn tiếp tục kể đến những kỷ niệm đẹp đẽ, đáng nhớ của đời sống thuở còn kháng chiến. Những hình ảnh thân thương, cảm động của tình sẻ chia nồng ấm “bát cơm sẻ nửa”, “chăn sui đắp cùng”, “chia củ sắn bùi” đã gợi ra cái nghĩa tình đậm sâu, sự đồng cam cộng khổ, cùng sẻ chia gian khó của người Việt Bắc trong những tháng ngày kháng chiến gian khổ, nhọc nhằn. Cùng với đó, hình ảnh “lớp học i tờ”, “tiếng ca vang đầu núi”, “tiếng chày đêm nện cối” lại đưa dẫn tâm trí người đọc đến một miền ký ức khác của đời sống kháng chiến, đó là những phút giây thanh bình, vui tươi tỏa ra từ niềm hạnh phúc, lạc quan Cách mạng.


Đoạn thơ chính là những cung bậc cảm xúc khác nhau của đời sống kháng chiến biết bao kỷ niệm đã đọng lại trong tâm trí, ký ức người ra đi. Đó là những dấu khắc ghi không bao giờ phai, những dáng hình thân thuộc sẽ nhớ mãi và trân trọng mãi. Cảm nhận những cảm xúc, những hình ảnh của nhân vật trữ tình trong đoạn thơ, ta hiểu đó cũng chính là những nghĩ suy, nỗi niềm tâm trạng của chính nhà thơ Tố Hữu và chia sẻ những cảm xúc đó với nhà thơ.

Bài tham khảo số 5
Bài tham khảo số 5
Bài tham khảo số 5
Bài tham khảo số 5

Top 8 Bài văn phân tích khổ thơ thứ 4 bài thơ Việt Bắc của Tố Hữu hay nhất

  1. top 1 Bài tham khảo số 1
  2. top 2 Bài tham khảo số 2
  3. top 3 Bài tham khảo số 3
  4. top 4 Bài tham khảo số 4
  5. top 5 Bài tham khảo số 5
  6. top 6 Bài tham khảo số 6
  7. top 7 Bài tham khảo số 7
  8. top 8 Bài tham khảo số 8

Công Ty cổ Phần Toplist
Địa chỉ: Tầng 3-4, Tòa nhà Việt Tower, số 01 Phố Thái Hà, Phường Trung Liệt, Quận Đống Đa, Thành phố Hà Nội
Điện thoại: 0369132468 - Mã số thuế: 0108747679
Giấy phép mạng xã hội số 370/GP-BTTTT do Bộ Thông tin Truyền thông cấp ngày 09/09/2019
Chịu trách nhiệm quản lý nội dung: Nguyễn Duy Ngân
Chính sách bảo mật / Điều khoản sử dụng | Privacy Policy