Bài tham khảo số 3

Tố Hữu là một nhà thơ lớn của cách mạng Việt Nam. Ông đã có những đóng góp không nhỏ cho nền thơ ca nước nhà. Thơ ông mang đậm khuynh hướng sử thi, trữ tình gắn với chính trị. Bài thơ “Từ ấy” in trong tập thơ đầu tay của ông, là một trong những bài thơ xuất sắc của nhà thơ. Đặc biệt, hai khổ thơ đầu của bài thơ thể hiện niềm vui sướng, hạnh phúc tột cùng của Tố Hữu khi sớm giác ngộ lý tưởng cách mạng, đồng thời cũng cho thấy những nhận thức về lẽ sống và trách nhiệm của bản thân nhà thơ:


'Hồn tôi là một vườn hoa lá

Rất đậm hương và rộn tiếng chim

Tôi buộc lòng tôi với mọi người

Để tình trang trải với trăm nơi

Để hồn tôi với bao hồn khổ

Gần gũi nhau thêm mạnh khối đời”


Bài thơ mở đầu với những câu thơ viết theo lỗi tự sự, thể hiện niềm say sưa, hạnh phúc như bừng tỉnh tâm hồn khi nhà thơ nhận thấy lý tưởng của Đảng:


“Từ ấy trong tôi bừng nắng hạ

Mặt trời chân lí chói qua tim”


Nhà thơ kể lại một mốc lịch sử đáng nhớ của cuộc đời mình “từ ấy”. “Từ ấy” là từ khi người thanh niên tuổi mười tám, đôi mươi được giác ngộ lý tưởng cộng sản và đứng trong hàng ngũ của Đảng. Tác giả đã sử dụng thành công hình ảnh ẩn dụ “nắng hạ”, mặt trời chân lý” để chỉ lý tưởng cộng sản, lý tưởng cách mạng. Bởi lẽ, “nắng hạ” là cái nắng rực rỡ còn “mặt trời” tròn trịa là cội nguồn của ánh sáng vĩnh hằng. Đối với thiên nhiên và cuộc sống đời thường thì “mặt trời” là nguồn sống không thể thiếu, nếu trên đời không có mặt trời thì cả trái đất chỉ chìm trong tăm tối, chẳng có sự sống trên trái đất. Đối với nhà thơ, điều đó cũng giống như tầm quan trọng của cách mạng, là nguồn sống đối với nhà thơ, với dân tộc Việt Nam đang chịu áp bức, sống trong cảnh nước mất nhà tan. Động từ “bừng” gợi một ánh nắng mùa hạ chói chang, đột nhiên sáng bừng lên, cũng giống như tâm hồn nhà thơ bất chợt được khai sáng, được nảy nở sau bao chuỗi ngày “bâng khuâng đứng giữa hai dòng nước”.


Chính "mặt trời chân lý” của cách mạng đã mang ánh nắng mới ấm áp, rực rỡ “chói” qua trái tim của Tố Hữu. Mang đến ánh sáng với trái tim của một tuổi trẻ đầy nhiệt huyết để khát khao mãnh liệt được cống hiến. Nhà thơ đã sử dụng động từ mạnh “chói” ở giữa câu thơ để thể hiện sự tác động mạnh mẽ của lý tưởng cộng sản đến với cuộc đời mình. Nhà thơ đã tiếp tục diễn tả niềm hạnh phúc vô bờ của mình từ bước ngoặt cuộc đời ấy bằng giọng thơ đầy háo hức cùng những hình ảnh giàu sức gợi hình, gợi cảm:


“Hồn tôi là một vườn hoa lá

Rất đậm hương và rộn tiếng chim”


Nhà thơ đã dùng biện pháp tu từ so sánh, ví tâm hồn mình như “một vườn hoa lá”. Từ khi có ánh sáng của mặt trời chân lý cách mạng chiếu soi, tâm hồn nhà thơ đầy niềm khát khao, vui vẻ ngập tràn giống như một vườn hoa “rất đậm hương” và “rộn tiếng chim”. Hình ảnh sống động “đậm hương”, “rộn tiếng chim” càng khẳng định đó là một vườn hoa lá rực rỡ đầy sức sống mãnh liệt, tỏa hương thơm ngào ngạt, rộn ràng vươn lên đón nắng mới. Câu thơ cho thấy một niềm náo nức, say mê và hạnh phúc ngập tràn như tiếng hoan ca trong tâm hồn người chiến sĩ cách mạng, người thi sĩ. Niềm vui sướng, say mê của nhà thơ Tố Hữu khi giác ngộ lý tưởng cách mạng cũng giống bao hồn thơ khác nảy nở tâm hồn sau bao tháng ngày tăm tối. Giống như Chế Lan Viên từng viết:


“Như đứa trẻ thơ đói lòng gặp sữa

Chiếc nôi ngừng bỗng gặp cánh tay đưa”


Từ khi được giác ngộ lý tưởng cách mạng, với sự nhiệt huyết chân thành, người thanh niên tuổi trẻ Tố Hữu đã bắt đầu có những nhận thức thay đổi trong lẽ sống cao đẹp, trách nhiệm cuộc đời mình:


“Tôi buộc lòng tôi với mọi người

Để tình trang trải với trăm nơi

Để hồn tôi với bao hồn khổ

Gần gũi nhau thêm mạnh khối đời”


Nhờ chân lý cách mạng soi sáng, nhà thơ có những nhận thức mới trong gắn bó với mọi người. Động từ “buộc” thể hiện sự ràng buộc của bản thân nhà thơ đối với môi trường rộng lớn mọi giai cấp, bỏ đi cái tôi cá nhân để hòa vào cái ta rộng lớn. Cụm từ “trang trải” và “trăm nơi” nói lên tình yêu thương giai cấp trong trái tim nhà thơ với mong muốn đồng cảm sâu sắc với người lao động nghèo khó. Sự đồng cảm của nhà thơ với bao “hồn khổ” là tiếng lòng thiết tha yêu thương, gần gũi với những người bị bóc lột trong xã hội, đó là em nhỏ, những bà mẹ nghèo, những người không nhà cửa… Câu thơ cuối là niềm ước ao, khát khao cháy bỏng của nhà thơ không phân biệt giai cấp, gần gũi, bao bọc nhau để thêm “mạnh khối đời”. Điều đó thể hiện mong ước đoàn kết mọi giai cấp để tạo nên một khối thống nhất với sức mạnh cực kỳ to lớn. Điệp từ “để” được điệp lại hai lần cùng nhịp thơ nhịp nhàng, giọng thơ hân hoan, háo hức càng thể hiện được sự thay đổi mạnh mẽ, sôi nổi trong lý tưởng sống của nhà thơ.


Gấp trang sách lại mà hình ảnh một vườn hoa lá rộn tiếng chim cùng mặt trời chân lý chói chang, rực rỡ vẫn in sâu trong trái tim người đọc. Bài thơ Từ ấy nói chung cũng như đoạn thơ nói riêng đã thể hiện một cách sâu sắc và thành công niềm say mê, vui sướng và hạnh phúc vô bờ của nhà thơ khi được giác ngộ lý tưởng cách mạng, đồng thời cũng ca ngợi sự thay đổi trong lẽ sống mới cao đẹp của nhà thơ, gần gũi với những người dân lao động nghèo. Dù đất nước đã hòa bình thống nhất nhưng bài thơ mãi là tiếng ca reo vui của người thanh niên trẻ giàu nhiệt huyết và khát khao cống hiến tuổi trẻ cho đất nước, để lại những dư âm sâu lắng trong trái tim mọi độc giả.

Ảnh minh họa (Nguồn internet)
Ảnh minh họa (Nguồn internet)
Ảnh minh họa (Nguồn internet)
Ảnh minh họa (Nguồn internet)

Công Ty cổ Phần Toplist
Địa chỉ: Tầng 3-4, Tòa nhà Việt Tower, số 01 Phố Thái Hà, Phường Trung Liệt, Quận Đống Đa, Thành phố Hà Nội
Điện thoại: 0369132468 - Mã số thuế: 0108747679
Giấy phép mạng xã hội số 370/GP-BTTTT do Bộ Thông tin Truyền thông cấp ngày 09/09/2019
Chịu trách nhiệm quản lý nội dung: Nguyễn Duy Ngân
Chính sách bảo mật / Điều khoản sử dụng | Privacy Policy