Bài tham khảo số 9

Nhà thơ Tố Hữu (1920 – 2002) được tôn vinh là ngọn cờ đầu của thơ ca cách mạng Việt Nam. Tên thật của ông là Nguyễn Kim Thành, quê ở ngoại ô Huế. Năm 16 tuổi, khi đang là học sinh Trung học, ông gia nhập Đoàn thanh niên cộng sản và năm 18 tuổi được kết nạp vào Đảng. Người thanh niên yêu nước ấy đã lấy thơ ca làm vũ khí tuyên truyền, giác ngộ tầng lớp thanh niên trí thức đang tìm kiếm lí tưởng cách mạng. Trước Cách mạng tháng Tám 1945, thơ Tố Hữu khẳng định lẽ sống của tuổi trẻ là lí tưởng độc lập, tự do; mục đích cống hiến là sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc thoát khỏi ách thống trị của phong kiến, thực dân.


Bài thơ Từ ấy ra đời năm 1938 là tiếng reo vui của người chiến sĩ yêu nước, yêu cuộc đời, say mê lí tưởng, nguyện hiến dâng tuổi thanh xuân cho Tổ quốc. Đoạn trích mở đầu bài thơ thể hiện niềm vui to lớn của nhà thơ khi bắt gặp lí tưởng cách mạng - điều kì diệu nhất mà nhà thơ đang khao khát bấy lâu:


Từ ấy trong tôi bừng nắng hạ

Mặt trời chân lí chói qua tim

Hồn tôi là một vườn hoa lá

Rất đậm hương và rộn tiếng chim…


Để đến được với lí tưởng cộng sản, Tố Hữu cũng như bao thanh niên yêu nước khác đã phải dò dẫm tìm đường trong tình cảnh cả dân tộc sống lầm than, đau khổ trong đêm dài nô lệ.


Đâu những ngày xưa, tôi nhớ tôi

Băn khoăn đi kiếm lẽ yêu đời

Vẩn vơ theo mãi vòng quanh quẩn

Muốn thoát, than ôi, bước chẳng rời (Nhớ đổng)


Đến một ngày kia, Tố Hữu đã sung sướng cất tiếng reo vang hát tiếng Từ ấy. Từ ấy không đơn thuần là một trạng ngữ chỉ thời gian, mà với Tố Hữu nó đã trở thành một thời điểm quan trọng, một mốc son trong cuộc đời, một kỉ niệm không bao giờ quên, ghi dấu ấn đậm nét về một ranh giới giữa bóng tối và ánh sáng, giữa ngày hôm qua và ngày hôm nay. Từ ấy như một sự kiện lớn lao làm biến động mạnh mẽ tâm hồn chàng trai vừa rời ghế nhà trường.


Tâm trạng nhà thơ khi giác ngộ lí tưởng cách mạng được nhà thơ đặc tả bằng hình ảnh: Từ ấy trong tôi bừng nắng hạ. Lí tưởng cách mạng được so sánh với nắng hạ rực rỡ, chói chang, xua tan những đám mây u ám, khiến cho tâm hồn nhà thơ tràn ngập cảm xúc nôn nao, rạo rực. Khả năng gợi tả, gợi cảm xúc không chỉ ở hình ảnh nắng hạ với rất nhiều ý nghĩa mà còn ở động từ bừng nhấn mạnh niềm hân hoan, sung sướng tột độ của nhà thơ trong thời điểm không thể nào quên của cuộc đời mình.


Mặt trời chân lí chói qua tim


Mặt trời chân lí là một hình tượng nghệ thuật vừa đẹp vừa giàu ý nghĩa. Lí tưởng của Đảng được so sánh với hành tinh vĩ đại nhất vũ trụ, có sức nóng ấm diệu kì, là nguồn sống của vạn vệt trên trái đất. Hôm qua còn là đêm tối, hôm nay ánh sáng đã tỏa chiếu chan hòa trong tâm hồn người thanh niên yêu nước. Lí tưởng cách mạng là Mặt trời chân lí chói qua tim, thức tỉnh toàn bộ trí tuệ và tình cảm của nhà thơ. Tố Hữu tiếp nhận lí tưởng trước hết bằng trái tim sôi nổi, trẻ trung, tràn đầy nhiệt huyết của tuổi thanh xuân mà trong bài thơ Trăng trối, tác giả đã viết


Hai mươi tuổi, tim đang dào dạt máu

Hai mươi tuổi, hồn quay trong gió bão

Gân đang săn và thớ thịt căng da.

Đời mặn nồng hứa hẹn biết bao hoa!


Lí tưởng của Đảng rất gần gũi với nhân dân, Vì thế sức thuyết phục của nó tác động trực tiếp tới tình cảm của dân chúng, làm cho những trái tim yêu nước rung động mãnh liệt. Tính từ chói thể hiện sức mạnh kì diệu của lí tưởng cách mạng, đồng thời cũng phản ánh cảm xúc cao độ của nhà thơ trước lí tưởng mà mình hằng ấp ủ, khát khao. Khi lí tưởng đã thấm vào trái tim và khối óc thì tâm hồn người thanh niên hoàn toàn thay đổi theo chiểu hướng tích cực, tràn đầy lạc quan, tin tưởng : Hồn tôi là một vườn hoa lá Rất đậm hương và rộn tiếng chim…


Con người nhà thơ đã thật sự đổi mới. Tâm hồn nhà thơ giống như một vườn hoa muôn sắc, muôn hương và ríu rít tiếng chim đón chào ngày mới. Tư tưởng của nhà thơ không còn gì băn khoăn, vướng mắc mà tràn đầy cảm xúc háo hức và tin tưởng. Dường như nhà thơ muốn khẳng định lí tưởng cách mạng là một sức mạnh thần kì làm thay đổi thế giới quan, nhân sinh quan của tuổi trẻ trước những ngã rẽ của cuộc đời.


Từ ngữ trong đoạn thơ này có khả năng diễn tả những cảm xúc chân thành, mạnh mẽ : bừng nắng hạ, chói qua tim, đậm hương, rộn tiếng chim. Tác giả có chủ ý khi đặt tính từ đặc tả tính chất của sự vật lên trước để nhấn mạnh tâm trạng hứng khởi tột độ của mình khi được giác ngộ lí tưởng cách mạng. Những hình ảnh: nắng hạ, mặt trời chân lí, vườn hoa lá… vừa có vẻ đẹp rực rỡ vừa hàm chứa ý nghĩa nhân sinh sâu sắc.


Bài thơ Từ ấy tiêu biểu cho bút pháp lãng mạn cách mạng của Tố Hữu trong thời kì đầu. “Cái tôi trữ tình” lắng đọng trong từng ý thơ, trong từng hình ảnh kì vĩ, rực rỡ hoặc trong những lời bộc bạch tâm sự hồn nhiên, chân thành của người thanh niên tha thiết yêu quê hương, đất nước, muốn được cống hiến, hi sinh cho lí tưởng cao đẹp. Bài thơ Từ ấy có tác dụng dẫn dắt các thế hệ trẻ Việt Nam kế tiếp nhau hào hứng tham gia và cống hiển cho hai cuộc kháng chiến oanh liệt chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược, hoàn thành mục tiêu bảo vệ chủ quyền độc lập, tự do, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, vượt thời gian, sau hơn nửa thế kỉ, bài thơ Từ ấy vẫn tươi xanh chất trữ tình, tạo được sự đồng cảm của người đọc, nhất là các bạn trẻ yêu thơ.


Khi giác ngộ lí tưởng Tố hữu đã khẳng định quan niệm mới về lẽ sống. Đó là sự gắn bó hài hòa giữa cái tôi cá nhân và cái ta chung của mọi người:

“Tôi buộc lòng tôi với mọi người
Để tình trang trải với muôn nơi”
Để hồn tôi với bao hồn khổ
Gần gũi nhau thêm mạnh khối đời”

Động từ “buộc” thể hiện một ý thức tự nguyện và quyết tâm cao độ của Tố Hữu muốn vượt qua giới hạn của cái tôi cá nhân để sống chan hòa với mọi người. “Buộc” còn có nghĩa là tự mình phải có trách nhiệm gắn bó với cộng đồng. Mọi người ở đây là những người lao khổ, những con người cùng chung giai cấp vô sản.

Từ “trang trải” khiến ta liên tưởng tới tâm hồn của nhà thơ đang trải rộng với cuộc đời: tạo ra khả năng đồng cảm sâu xa với hoàn cảnh của từng con người cụ thể. “Gần gũi nhau thêm mạnh khối đời” là tác giả nói đến tinh thần đoàn kết. “Khối đời” là hình ảnh ẩn dụ chỉ một khối người đông đảo cùng chung một cảnh ngộ, cùng chung một lí tưởng, đoàn kết với nhau, gắn bó chặt chẽ với nhau, cùng phấn đấu vì một mục đích chung: đấu tranh giành lại quyền sống và quyền độc lập dân tộc.

Như vậy, toàn bộ khổ thơ trên bằng lối sử dụng những từ ngữ chính xác, giàu ẩn ý, nhà thơ đã gửi gắm một cách sâu sắc về tư tưởng, tình cảm của mình. Đó là tình yêu thương con người của Tố Hữu gắn với tình cảm hữu ái giai cấp. Nó thể hiện niềm tin của tác giả vào sức mạnh đoàn kết, câu thơ trên cũng là một lời khẳng định: khi cái tôi chan hòa với cái ta, khi cá nhân hòa vào tập thể cùng lí tưởng thì sức mạnh nhân lên gấp bội.

Những câu thơ cũng là biểu hiện nhận thức mới về lẽ sống chan hòa cá nhân và tập thể, giữa cái tôi và cái ta. Trong lẽ sống ấy con người tìm thấy niềm vui và sức mạnh. Sự thay đổi nhận thức ấy, nó bắt nguồn sâu xa từ sự tự giác ngộ lí tưởng của nhà thơ Tố Hữu.

Ảnh minh họa (Nguồn internet)
Ảnh minh họa (Nguồn internet)
Ảnh minh họa (Nguồn internet)
Ảnh minh họa (Nguồn internet)

Công Ty cổ Phần Toplist
Địa chỉ: Tầng 3-4, Tòa nhà Việt Tower, số 01 Phố Thái Hà, Phường Trung Liệt, Quận Đống Đa, Thành phố Hà Nội
Điện thoại: 0369132468 - Mã số thuế: 0108747679
Giấy phép mạng xã hội số 370/GP-BTTTT do Bộ Thông tin Truyền thông cấp ngày 09/09/2019
Chịu trách nhiệm quản lý nội dung: Nguyễn Duy Ngân
Chính sách bảo mật / Điều khoản sử dụng | Privacy Policy