Bài tham khảo số 9
Những cuộc chia li bao giờ cũng để lại trong lòng người đi kẻ ở những tiếc thương và nỗi niềm vô hạn. Ta chợt nhận ra trong số “nghìn nhà thơ” Đường ai cũng từng trải qua một lần li- hợp như thế. Phải chăng vì thế mà cái lẽ vô thường ở đời lại có sức ám ảnh lớn với những nhà thơ, để viết lên những kiệt tác về đề tài này. Một trong số những bài thơ không thể không nhắc đến chính là bài thơ "Hoàng Hạc Lâu tống Mạnh Hạo Nhiên chi Quảng Lăng" của Lý Bạch.
Được coi là Thi Tiên của thơ ca Trung Quốc, Lý Bạch đã có nhiều đóng góp cho thơ ca không chỉ thời Đường mà còn cả mai sau nữa. Nếu Đỗ Phủ được mệnh danh là nhà thơ hiện thực thì Lý Bạch là một nhà thơ lãng mạn tiêu biểu với trí tưởng tượng bay bổng, bút pháp tài hoa. Ông hay viết về thiên nhiên, chiến tranh, tình yêu và cả tình bạn. Một trong những khía cạnh mà ông khai thác là sự biệt li. Những bài thơ tống biệt ngoài việc thể hiện tình bạn còn kết hợp thể hiện những tư tưởng, tình cảm của người viết. Qua bài thơ, ta có thể thấy được diện mạo tinh thần khá đầy đủ của nhà thơ.
Hai câu đầu là bức tranh hiện thực chia li rất cụ thể, sinh động:
“Cố nhân tây từ Hoàng Hạc lâu,
Yên hoa tam nguyệt há Dương Châu”
Chỉ có vài từ mà tất cả các yếu tố đều xuất hiện: người tiễn- Lý Bạch; người đi- Mạnh Hạo Nhiên; nơi đến: Dương Châu- chốn phồn hoa đô hội bậc nhất thời Đường; nơi đi- lầu Hoàng Hạc, gắn liền với truyền thuyết người bay về cõi tiên vẽ hạc vàng bay đi- vẻ đẹp siêu thoát, thanh tịnh, dễ gợi những chiêm nghiệm sâu lắng về cuộc đời; thời gian: giữa tháng ba nở đầy hoa khói, giữa mùa xuân đang độ phồn thịnh và khung cảnh vạn vật đều tươi sáng. Cảnh chia li trong con mắt hữu tình và lãng mạn của người tác giả thật đẹp, dẫu có chút buồn cổ kính nhưng vẫn tươi sáng, mĩ lệ.
Câu thơ nếu chỉ giản đơn để tái hiện khung cảnh chia li thôi thì cần chi đến ngòi bút của Thi Tiên? Ở đó còn gửi gắm vào khung cảnh niềm yêu mến bạn đầy trìu mến. “Cố” không chỉ là cũ, là cái đã qua mà còn là những gì bền chặt, vĩnh cửu, đã được thử thách qua thời gian. Thế nên, không phải ngẫu nhiên mà có cố nhân, có hương,… Từ “cố” được nhắc đến đầy trân trọng, gửi gắm tình cảm yêu mến, gắn bó, trân trọng hướng về Mạnh Hạo Nhiên. Động từ “từ” được sử dụng khá đắt, mang giá trị biểu cảm cao. “Từ” là dã từ, tạ từ- hành động tiễn bạn đầy cung kính, ân cần. Câu thơ đọc lên trong âm hưởng thâm trầm, trang trọng, lắng sâu, phù hợp với tình cảm thiêng liêng, sâu lắng. Việc chọn hai không gian giàu tính biểu tượng còn là sự gửi gắm nỗi niềm tâm sự của hồn thơ. Hoàng Hạc Lâu- không gian nhuốm màu tiên cảnh, thoát tục, dễ gợi nỗi niềm cô đơn. Không gian ấy dễ làm thức dậy những suy tư, đau đáu về cuộc đời. “Dương Châu”- nơi đông đúc, nhộn nhịp, lôi cuốn người ta nhập cuộc. Nhà thơ đúng ở một nơi vắng lặng, thanh cao dõi bạn đi về phía đông vui, phồn hoa, lo liệu bạn có giữ được mình không? Nỗi buồn xa bạn dần trở thành nỗi lo mất bạn. Khéo léo chọn điểm nhìn trên cao- lầu Hoàng Hạc để nhìn xa hơn, lâu hơn là lưu luyến của tình bạn không dời.
Nếu hai câu đầu được xem là “lệ cú” (câu đẹp) song hai câu cuối mới là linh hồn của cả bài thơ. Hai câu thơ của bài thơ tống biệt, tả cảnh mà dùng cảnh để biểu đạt tình:
“Cô phàm viễn ảnh bích không tận
Duy kiến Trường Giang thiên tế lưu”
Cánh buồm lẻ loi là dấu hiệu duy nhất để nhà thơ nhận ra bạn nhưng chẳng mấy chốc nó đã vượt khỏi tầm mắt: xa dần, hút dần trong không gian vô tận, chỉ còn lại bóng ảnh và dòng Trường Giang chảy vào cõi trời, chỉ còn lại bên lầu Hoàng Hạc một thi nhân đứng đó cô đơn, bơ vơ với nỗi sầu dâng ngập tâm hồn. Bài thơ kết lại trong cái nhìn xa thăm thẳm, mênh mông và vô cùng- cái nhìn rất xa, rất lâu và rất sâu, vừa là cảnh mà vừa là tình. Là cái tình của người ở lại mênh mông như nước và thăm thẳm như sông, là nỗi hẫng hụt của một tính bạn khi phải dời xa. Cái tài của Lý Bạch ở đây là cách sử dụng bút pháp “họa vân hiển nguyệt”- không nói mà nói rất nhiều. Chỉ một từ “cô” chính là nhãn tự làm nổi bật bài thơ, gánh hai mươi bảy chữ còn lại. Một cánh buồm nơi Trường Giang tấp nập là sự phi logic bề mặt để tạo nên logic bề sâu, là cái có lí của tình cảm. Tình cảm gắn bó, thắm thiết khiến cho người tiễn đưa hoàn toàn quên đi ngoại cảnh để lưu giữ tình bạn trong thâm tâm. Cánh buồm là mảng trắng, rồi vệt trắng, và điểm trắng dưới bầu trời xanh biếc, mặt nước xanh thẳm càng trở nên nổi bật và sáng rõ hơn. Hai câu cuối, bên ngoài như vẫn hướng về người ra đi song lại chính là tâm tình của kẻ ở lại. Bên ngoài như là lời thơ tả cảnh thuần túy song thực chất thấm đẫm tình.
Bài thơ tả cảnh tiễn biệt giữa hai người bạn đã khẳng định tình bạn thắm thiết giữa Lý Bạch và Mạnh Hạo Nhiên. Nói về cái buồn nhưng trong sáng, cảm động, không bi phẫn mà có cái da diết, mênh mang không nói thành lời. Phải chăng chính tình bạn đẹp đã viết lên những câu thơ dung dị và tuyệt mĩ đến thế. Trong bài thơ còn phải để đến tài năng điêu luyện của Thi Tiên trong việc sử dụng bút pháp tả cảnh ngụ tình, “họa vân hiển nguyệt” và cách sử dụng ngôn từ đúng chỗ, đắt giá để làm nên những câu thơ tuyệt cú. “Hàm súc khêu gợi”, “ý tại ngôn ngoại”, “ngôn đáo ý nhi bất đáo”, … những đặc điểm tiêu biểu của thơ Đường đâu phải tìm kiếm đâu xa, đều ở trong thơ Lý Bạch rồi!
Cái tài của người viết và cũng là công phu ở thơ chính là “ở ngoài thơ”. Khi tác phẩm đã kết thúc mà ý tình vẫn dạt dào, tình cảm vẫn tha thiết, đó mới là tác phẩm có ý nghĩa, như bài thơ “Hoàng Hạc lâu tống Mạnh Hạo Nhiên chi Quảng Lăng” đã làm vậy.