Bài văn nghị luận số 4

Chào hỏi là phong tục vốn có từ lâu đời nay của dân tộc Việt Nam. Con người đã gặp nhau là chào nhau, chào thường đi đôi với hỏi, mọi người có thể chào hỏi, chào mời thay cho những lời chào thuần tuý như các nước khác.


Chào hỏi thể hiện được bản chất, ý thức, phong cách của con người và cao hơn là thể hiện được nề nếp gia phong, cách giáo dục con cái của mỗi gia đình và thể hiện được thuần phong mỹ tục của dân tộc Việt Nam. Chào hỏi chính là mỹ tục của cả dân tộc ta vì vậy nên giữ gìn và phát triển nét văn hoá này trong cộng đồng dân cư. Nhất là trong cuộc sống thị thành bon chen đô hội muốn gìn giữ nét văn hoá này thì cần phải rèn luyện ý thức của người chào và người được chào. Mỗi người khi gặp nhau thì nên chào nhau. Đối với người được chào dù thích hay không cũng nên đáp lại, có như vậy sẽ gắn bó con người với nhau hơn. Chào hỏi thể hiện được tình đoàn kết thân ái giữa người và người trên đất nước ta. Chào hỏi là cách thể hiện tình cảm tốt nhất của con người. Con người sẽ xích lại gần nhau hơn, yêu thương nhau hơn, tôn trọng nhau hơn thông qua những câu chào hỏi.


Trong chào hỏi cũng cần phải chào hỏi đúng phong cách nếu không sẽ gây ra phản tác dụng. Đối với những người già khi chào khúm núm kính cẩn đứng lại “bẩm cụ ạ” thì đó là một cách chào gây được tình cảm cho người được chào. Ngược lại đối với trung niên tân tiến nếu cũng chào với phong cách trên thì sẽ gây ra phản cảm khiến người được chào hiểu nhầm dễ tưởng là chế giễu. Tùy từng trường hợp, hoàn cảnh, đối tượng mà có phong cách chào hỏi khác nhau. Có khi chào không thành tiếng đó là những cử chỉ gật đầu, cười, hay chào bằng ánh mắt, bằng những hành động khác. Cách chào này cũng tuỳ vào từng đối tượng hoàn cảnh. Thông thường đây là cách chào của những người đồng trang lứa. Còn đối với những người cao tuổi hơn thì phải chào lễ phép có thưa, có gửi đàng hoàng. Trẻ con khi gặp những người lớn, cụ già, bà lão thường khoanh tay trước ngực và chào lớn thành tiếng: “Cháu chào cụ ạ!”, “Cháu chào bác ạ!”…


Có trường hợp: “Đi qua nghiêng nón không chào” đừng lầm tưởng “nghiêng nón không chào” là ghét nhau mà không chào nhau, hờ hững với nhau. Mà là vì quá yêu nhau nên người ta chỉ cần dựa vào hành động cử chỉ cũng đủ hiểu ý nhau rồi. Hành động “nghiêng nón” đó chính là hành động chào hỏi. Người ta chào nhau bằng hành động nhưng đều ngầm hiểu đó là lời chào yêu thương thân thiết, có trường hợp mắt nói rõ hơn miệng. Mỗi khi gặp nhau chào hỏi thân thiện, cấp dưới chào hỏi trước cấp trên, người nhỏ chào hỏi trước ngưòi lớn. Đối với các em học sinh khi gặp thầy cô, cô chú phóng viên, khách đến thăm trường không nhất thiết phải khoanh tay cúi đầu chào mà các em đứng ngay ngắn lại khi đang chạy nhảy, đi thường nhìn vào mắt người định chào chào to, rõ ràng đủ người nghe “Em chào thầy”; “Em chào cô”; “Cháu chào cô, chú”… Cán bộ giáo viên được chào phải đáp lại học sinh có thể bằng lời “Cô chào em”; “Thầy chào em” hoặc mỉm cười gật đầu…


Ngày nay, trong bối cảnh hội nhập và phát triển nhiều luồng văn hóa du nhập vào nước ta. Nền kinh tế thị trường, trong bộn bề lo toan đời thường… văn hóa ứng xử, văn hóa chào hỏi dường như bị lãng quên, xem nhẹ. Trong gia đình việc giáo dục con cái khi nhỏ biết khoanh tay chào ông bà, cha, mẹ, người thân, khách lạ cũng trở nên hiếm gặp. Chính vì vậy mà ra đường, đến trường chúng ta không thấy ngạc nhiện vì trẻ nhỏ không chào người quen biết, học sinh không biết chào thầy cô, thậm chí còn không để ý là thầy cô đang đi hoặc đứng trước mặt mình. Chạy nhảy, đùa nghịch đâm sầm cả vào thầy cô rồi cũng không biết nói lời xin lỗi... Hỏi có bao nhiêu học sinh trong nhà trường biết chào thầy cô, hỏi có bao nhiêu em học sinh khi đi học về biết chào bố mẹ con đã đi học về… Rồi rất nhiều rất nhiều những cử chỉ, hành vi, thái độ của các em làm chúng tôi những người thầy không tránh khỏi những trăn trở về một thế hệ tương lai của đất nước mà lại quên đi những điều tưởng nhỏ nhặt nhất trong cuộc sống, nhưng nó lại có giá trị to lớn về mặt nhân văn, về giá trị chuẩn mực đạo đức trong xã hội.


Thế hệ trẻ hiện nay nhiều người xem nhẹ lời chào câu hỏi là do họ đề cao tính thực dụng, không biết không chào. Thậm chí, nếu người xa lạ đụng độ ở đâu đấy họ còn giương mắt lên nhìn. Còn có hiện tượng vì cái nhìn mà thách thức, khinh thị, thậm chí đánh nhau… chung quy cũng bởi họ lãng quên, thiếu đi lời chào, văn hóa xã giao. Chính vì vậy, khi con người không để ý đến nét văn hóa này cũng là một điều ái ngại và đòi hỏi chúng ta phải xem xét lại. Nó giống như sự biến thái hay đứt gãy nét văn hóa ứng xử, gây tổn hại đến nhân cách con người. Môi trường giáo dục văn hóa chào hỏi chính là môi trường giáo dục và môi trường nhà trường. Lẽ ra từ giai đoạn, hết bậc học Mầm non, tiểu học, trung học cơ sở thì văn hóa chào hỏi không cần phải nhắc nhở và giáo dục ở cấp trung học phổ thông vì theo tư duy lô-gic đến cấp này văn hóa chào hỏi phải thành nếp và là lối sống, chuẩn mực đạo đức của mỗi con người chúng ta, thế nhưng đến nay chúng ta nghiệm ra một điều rằng càng lên cấp cao hơn và có thể học xong đại học văn hóa chào hỏi còn kém hơn cấp thấp.


Nhiều học sinh trên địa bàn tỉnh may mắn được sinh ra, được nuôi dưỡng và được giáo dục trong một gia đình gia phong nề nếp ngay từ tuổi thơ đã tạo cho các em có thói quen, nề nếp chào hỏi và ứng xử rất thân thiện. Nhưng cũng không ít học sinh hoặc đua đòi bỏ ngoài tai những điều dăn dạy của ông bà, cha mẹ và người nuôi dưỡng hoặc kém may mắn hơn các bạn khác là không được giáo dục về văn hóa chào hỏi trong gia đình, thì hôm nay và những ngày tháng còn lại khi ngồi trên ghế nhà trường vẫn chưa muộn để các em học tập về văn hóa chào hỏi, văn hóa ứng xử để khi ở bất cứ đâu, bất cứ hoàn cảnh nào những câu chào hỏi, nụ cười thân thiện, khả năng ứng xử văn hóa sẽ phần nào đó giúp ích rất nhiều trên những chặng đường trường mà các em sẽ đi.


Lời chào chẳng mất tiền mua mà chúng ta được rất nhiều được cả một cuộc đời, được sự kính trọng, tình yêu thương, sự thân thiện và luôn luôn thấy cuộc sống đầy ý nghĩa. Vậy chúng ta hay thực hiện như lời cha ông ta đã dạy: “Tiên học lễ, hậu học văn”; và xác định: “Lời chào cao hơn mâm cỗ”.

Hình minh họa
Hình minh họa
Hình minh họa
Hình minh họa

Top 8 Bài văn nghị luận về ý nghĩa của lời chào trong giao tiếp xã hội hay nhất

  1. top 1 Bài văn nghị luận số 1
  2. top 2 Bài văn nghị luận số 2
  3. top 3 Bài văn nghị luận số 3
  4. top 4 Bài văn nghị luận số 4
  5. top 5 Bài văn nghị luận số 5
  6. top 6 Bài văn nghị luận số 6
  7. top 7 Bài văn nghị luận số 7
  8. top 8 Bài văn nghị luận số 8

Công Ty cổ Phần Toplist
Địa chỉ: Tầng 3-4, Tòa nhà Việt Tower, số 01 Phố Thái Hà, Phường Trung Liệt, Quận Đống Đa, Thành phố Hà Nội
Điện thoại: 0369132468 - Mã số thuế: 0108747679
Giấy phép mạng xã hội số 370/GP-BTTTT do Bộ Thông tin Truyền thông cấp ngày 09/09/2019
Chịu trách nhiệm quản lý nội dung: Nguyễn Duy Ngân
Chính sách bảo mật / Điều khoản sử dụng | Privacy Policy