Bài văn phân tích bài ca dao "Thân em như củ ấu gai ruột trong thì trắng vỏ ngoài thì đen" số 1

Người phụ nữ – biểu tượng đặc trưng cho hình ảnh những số phận cơ cực, bi đát, khốn khổ trong xã hội thời kì phong kiến. Họ là những con người có đầy đủ tài sắc đức hạnh nhưng lại luôn bị cuộc đời đẩy vào hoàn cảnh khốn cùng, hẩm hiu. Những nỗi đau đớn, đắng cay cùng cực ấy đã được họ gửi gắm qua những câu ca dao như lời tự than cho thân phận mình hay cũng chính là lời kêu cứu của con người giữa vũng lầy xã hội. Một trong số đó chính là bài ca dao “Thân em như củ ấu gai”:


“Thân em như củ ấu gai

Ruột trong thì trắng vỏ ngoài thì đen

Ai ơi nếm thử mà xem

Nếm ra mới biết rằng em ngọt bùi”


Người phụ nữ trong bài ca dao này đã tự ví von mình với “củ ấu gai”. Củ ấu gai là một loại củ thường có nhiều ở đồng sâu, đồng trũng, ao dưới đìa trên, có hai, ba sừng. Vỏ bên ngoài thì đen đủi, sần sùi thô kệch, nhưng ruột bên trong thì lại trắng nõn nà. Bằng nghệ thuật so sánh độc đáo này hình ảnh những người phụ nữ đã được tôn lên. Những người phụ nữ phải cơ cực, dầm mưa dãi nắng ngoài đồng ruộng để mưu sinh cho\ cuộc sống, để kiếm miếng cơm manh áo cho gia đình nên vẻ ngoài của họ mới lam lũ như vậy. Cái đen ở đây là đen do nắng mưa, do cực nhọc, vất vả nhưng bên trong của họ ấy là một vẻ đẹp thanh cao, một tâm hồn trong sáng thuần khiết, cái đẹp giản dị mà không bao giờ bị mất đi hay phai nhòa theo năm tháng như những thứ hào nhoáng, bóng bẩy ngoài kia. Hai tính từ tương phản “trắng – đen” dường như càng làm nổi bật lên nét đẹp nội tâm của người phụ nữ và khẳng định giá trị cao quý của họ.


Hai câu tiếp theo người phụ nữ lại tiếp tục khẳng định phẩm giá bên trong của mình không phải là đánh giá bằng hình thức bên ngoài, nhìn bằng mắt mà phải bằng tấm lòng và trái tim chân thành mới có thể cảm nhận được:


“Ai ơi nếm thử mà xem

Nếm ra mới biết rằng em ngọt bùi”


Lời của người phụ nữ đến đây vừa như lời bộc bạch, tâm sự lại như chứa đựng nỗi chua xót, nghẹn ngào cho thân phận của chính mình. Nghĩa đen là lời mời gọi để nếm thử thì mới biết củ ấu gai tuy đen đủi nhưng ăn vào mới biết vị lại rất ngon, rất ngọt. Cũng giống như người phụ nữ, tâm hồn và nhân cách vô cùng thanh cao, thủy chung, son sắt nhưng chế độ xã hội cũ với nhiều hủ tục và bất công đã đẩy họ vào cuộc sống ba chìm bảy nổi, đắng cay trăm bề, như củ ấu kia nằm dưới lớp bùn sâu. Từ “nếm” có nghĩa là tìm hiểu, còn “ngọt bùi” chính là vẻ đẹp nội tâm, nhân cách tốt đẹp của người phụ nữ xưa. Câu ca dao như một lời mời, một tiếng gọi cứng cỏi mà không kém phần thiết tha ẩn chứa trong đó là nỗi khao khát được yêu thương, trân trọng, được mọi người biết đến vẻ đẹp phẩm giá của mình.


Nghệ thuật đối lập giữa “trắng” và “đen”, xù xì với “ngọt bùi” thể hiện tâm hồn người phụ nữ trong sáng, lương thiện xứng đáng được hưởng một cuộc sống hạnh phúc. Ấy vậy mà xã hội xưa đã đẩy họ vào số phận không tự lựa chọn được cuộc sống của mình, khốn khổ cơ cực. Lời tự than và nỗi xót xa của người phụ nữ trong bài ca dao này cũng giống như tâm trạng của bà Hồ Xuân Hương trong bài thơ “Bánh trôi nước”:


“Thân em vừa trắng lại vừa tròn

Bảy nổi ba chìm với nước non

Rắn nát mặc dầu tay kẻ nặn

Mà em vẫn giữ tấm lòng son”


Họ đều là những người phụ nữ bất hạnh dù bị cuộc đời xô đẩy, không thể có được cuộc sống hạnh phúc riêng của mình nhưng dù trong hoàn cảnh nào họ vẫn luôn giữ được tâm hồn thanh cao, tấm lòng thủy chung, sắt son, đức hạnh.


Bằng biện pháp nghệ thuật so sánh bài ca dao ngắn gọn chỉ vẻn vẹn 4 câu đã giúp chúng ta thấu hiểu và đồng cảm sâu sắc với số phận hẩm hiu và cuộc đời của những người phụ nữ trong xã hội cũ. Tiếng lòng của những người phụ nữ về nỗi xót xa, cay đắng ấy đã chạm đến trái tim chúng ta, từ đó ta càng thêm yêu mến và cảm phục nhân cách và phẩm giá ngời sáng.

Bài văn phân tích bài ca dao
Bài văn phân tích bài ca dao "Thân em như củ ấu gai ruột trong thì trắng vỏ ngoài thì đen" số 1

Công Ty cổ Phần Toplist
Địa chỉ: Tầng 3-4, Tòa nhà Việt Tower, số 01 Phố Thái Hà, Phường Trung Liệt, Quận Đống Đa, Thành phố Hà Nội
Điện thoại: 0369132468 - Mã số thuế: 0108747679
Giấy phép mạng xã hội số 370/GP-BTTTT do Bộ Thông tin Truyền thông cấp ngày 09/09/2019
Chịu trách nhiệm quản lý nội dung: Nguyễn Duy Ngân
Chính sách bảo mật / Điều khoản sử dụng | Privacy Policy