Bài văn phân tích đoạn kịch "Ông Giuốc-đanh mặc lễ phục" số 2

Mô-li-e là một nhà biên kịch lớn của Châu Âu thế kỉ XVII và là người sáng lập ra nền hài kịch cổ điển Pháp. Ông phản ánh những vấn đề xã hội, phê phán thứ văn hóa cầu kì của quý tộc, những lề sống giả dối, hèn hạ của bọn quý tộc lớn nhỏ. Bên cạnh đó là sự chế giễu những đầu óc hẹp hòi, gia trưởng, bảo thủ không chịu tiếp thu những tư tưởng tiến bộ của khoa học. Vở kịch " Trưởng giả học làm sang" là một tác phẩm nổi tiếng, mang tính hiện thực sâu sắc. Mô-li-e đã xây dựng lên một nhân vật hài kịch bất hủ khi tạo ra sự khập khiễng, bất hòa giữa cái ngu dốt, ngớ ngẩn và cái sang trọng ở nhân vật ông Giuốc-đanh. Đoạn trích " Ông Giuốc-đanh mặc lễ phục" đã miêu tả sinh động điều đó.


"Trưởng giả học làm sang" là môt vở hài kịch năm hồi, có xen màn ca múa phụ họa nên gọi là vũ khúc hài kịch. Đoạn trích " Ông Giuốc- đanh mặc lễ phục" là lớp kịch kết thúc hồi II. Nhân vật trung tâm của vở kịch là ông Giuốc- đanh, tuổi ngoài bốn mươi, con một nhà buôn giàu có. Tuy dốt nát thô kệch, nhưng ông muốn học đòi làm sang. Nhiều kẻ lợi dụng tính cách đó, săn đón, nịnh hót ông để moi tiền. Cảnh Giuốc-đanh mặc lễ phục là một biểu hiện của thói học đòi lối ăn mặc sang trọng của quý tộc. Lão ta đã bị bọn thợ may lợi dụng. Tác giả đã khắc họa sinh động, tài tình, làm nổi bật tính cách lố lăng của một gã trọc phú thừa tiền rửng mỡ. Chân dung hài hước của Giuốc-đanh đã gây ra những trận cười sảng khoái cho khán giả. Màn kịch là sự châm biếm, đả kích và phê phán mạnh mẽ của Mô-li-e đối với giai cấp tư sản đương thời.


Màn kịch được chia làm hai cảnh. Cảnh thứ nhất là sự xuất hiện của ông Giuốc-đanh và bác phó may diễn ra tại một phòng trà. "A! Bác đã tới đấy à? Tôi sắp phát khùng lên vì bác đây". Đó là lời reo lên vừa vui mừng vừa trách móc của ông Giuốc-đanh khi bác thợ may xuất hiện. Với thái độ ấy chắc hẳn ông Giuốc-đanh đã hào hứng biết nhường nào để thấy bộ lễ phục mình đặt may- bộ lễ phục ấy chính là niềm quan tâm của ông, có nó mọi người sẽ biết ông là người giàu có, là quý tộc.


Ông Giuốc-đanh ngờ nghệch bị phụ may lừa gạt. Những thứ ông mua chỉ toàn đồ dởm, nào là chiếc bít tất chật, "mới xỏ chân vào được và đã đứt mất hai mắt rồi", hay đôi giày không vừa chân khiến ông đau chân ghê gớm.Tình huống gây cười cũng bắt đầu từ đấy. Bác phó may khéo léo qua mặt, lấp liếm, để tránh những trách móc, bác phó may đã chuyển chủ đề về bộ lễ phục. Ông Giuốc-đanh phát hiện ngay hoa bị may ngược:"Bác may hoa ngược mất rồi". Mặc dù ông rất nóng lòng xem sản phẩm của phó may nhưng ông vẫn đủ tỉnh táo để nhận ra lỗi. Bác phó may đáp ngay lại rằng: "nào ngài có bảo là ngài muốn may xuôi hoa".


Ông Giuốc-đanh giận lắm nhưng khi nghe bác phó may nói là quý tộc đều mặc như thế thì ông lại thôi, bởi cốt sao ông mặc giống với quý tộc là được. Chỉ cần như thế, bác phó may không cần phải may lại mà còn được khen là" bộ này may được đấy". Rồi khi ông hỏi áo có vừa vặn không, bộ tóc giả và lông đính mũ có được chững chạc không? Kèm đó là câu trả lời đầy sự nịnh nọt của phó may:" còn phải hỏi, tôi đố họa sĩ nào lấy bút mà vẽ hầu ngài bộ áo vừa khít hơn được" rồi tiếp nữa "chững chạc tuốt", những lời ấy như rót mật vào tai, càng khiến ông Giuốc-đanh đắc ý tột độ.


Ông Giuốc-đanh phát hiện ra bác phó may ăn bớt vải. Nhưng ông chỉ trách móc nhẹ nhàng: "đành là đẹp nhưng đáng lẽ đừng gạn vào áo của tôi mới phải". Trước sự phát hiện ấy, bác phó may không lý luận, biện hộ mà lờ đi chuyển sang việc thử áo. Với sự khôn ngoan ấy,bác phó may khiến ông Giuốc-đanh không còn giận, tiếc xém nữa mà hào hứng mặc bộ lễ phục từ lâu. Một lần nữa, ông lại mù quáng trước những sai phạm về bộ trang phục và để bác phó may qua mặt.


Không chỉ bị lừa bịp, lão trưởng giả ấy lộ chân tướng là một kẻ lố bịch như một con rối khi phó may đem bốn tay thợ phụ để hầu ông mặc lễ phục theo thể thức, mặc theo nhịp điệu, theo cách mặc của cho các nhà quý phái. Khung cảnh trở lên nhộn nhịp hơn, thú vị hơn, một màn biểu diễn gây tiếng cười lớn cho khán giả về màn thay đồ lố lăng theo nhịp điệu của dàn nhạc. Phải chăng thói học đòi của một tay trọc phú đã biến ông trở thành một kẻ ngờ nghệch, đầy sự lố bịch, như một thằng hề không hơn không kém.


Nếu như cảnh thứ nhất là sự tránh né thành công những sai sót của bác phó may thì cảnh thứ hai trở lên hấp dẫn, náo nhịp hơn với sự nịnh lọt của đám thợ phụ, bởi đánh trúng tâm lý mà đám thợ phụ đã được một khoản tiền hời hĩnh. Khi mặc xong bộ lễ phục, có lẽ tay thợ phụ buộc miệng hoặc cố tình gọi ngay ông là "ông lớn". Khiến cho ông ngỡ mình ăn mặc theo lối quí phái đã trở thành bề trên, sang trọng vô cùng. Ông sung sướng với cách mà thợ phụ gọi lập tức thưởng tiền cho hai tiếng ông lớn ấy.


Kiếm tiền trở nên thật dễ dàng, đám thợ phụ dường như đã nắm thóp được lão, họ biến ông thành gã khờ khạo, tiếng "cụ lớn" thốt lên để cảm ơn khiến ông thích thú gấp nhiều lần: "ồ ồ, cụ lớn, không phải là một tiếng tầm thường" và tiền được ông vung ra thưởng một cách không đáng tiếc. Ông luôn nghĩ đến túi tiền của mình nhưng đến khi đám thợ phụ nâng ông lên tận tầng mây với hai tiếng " đức ông" chắc nhẩm"đến mất tong cả tiền cho nó thôi" nhưng ông vẫn sẵn sàng thưởng tiền cho tên thợ phụ và có lẽ cả túi tiền cũng đáng nếu đám thợ phụ tôn ông lên bậc tướng công.


Cảnh đám thợ phụ tôn ông trưởng giả từ ông lớn lên cụ lớn rồi đức ông làm cao trào kịch được đẩy lên, mang đến những tiếng cười lớn cho khán giả. Mô-li-e đã làm cho màn kịch đậm sự trào phóng, nổ tung những tiếng cười châm biếm thói lố bịch, háo danh, ưa nịnh, thích được tâng bốc của bọn quý tộc phong kiến lỗi thời.


Mô-li-e đã xây dựng thành công nhân vật hết sức sinh động, khắc họa tài tình tính cách lố lăng của một tay trưởng giả học đòi làm sang mang đến tiếng cười sảng khoái cho khán giả. Đồng thời, qua nhân vật ông Giuốc-đanh là sự phê phán, châm biếm những kẻ hoang tưởng về mình, ham thích những thứ không thể và không nên có. Trải qua nhiều thế kỉ, nhưng sức phê phán hiện thực của vở kịch để lại vẫn còn giá trị đến bây giờ.

Ảnh minh họa (Nguồn internet)
Ảnh minh họa (Nguồn internet)

Công Ty cổ Phần Toplist
Địa chỉ: Tầng 3-4, Tòa nhà Việt Tower, số 01 Phố Thái Hà, Phường Trung Liệt, Quận Đống Đa, Thành phố Hà Nội
Điện thoại: 0369132468 - Mã số thuế: 0108747679
Giấy phép mạng xã hội số 370/GP-BTTTT do Bộ Thông tin Truyền thông cấp ngày 09/09/2019
Chịu trách nhiệm quản lý nội dung: Nguyễn Duy Ngân
Chính sách bảo mật / Điều khoản sử dụng | Privacy Policy