Bài văn phân tích "Hưng Đạo đại vương Trần Quốc Tuấn" số 10

Trần Quốc Tuấn là vị anh hùng của Đại Việt thuở “Bình Nguyên“, văn võ toàn tài, tên tuổi gắn liền với chiến công Bạch Đằng giang bất tử. Trong “Đại Việt sử kí toàn thư”, nhà sử học Ngô Sĩ Liên đã dành những lời đẹp nhất ca ngợi đức độ, tài năng của Hưng Đạo Đại Vương.


Phần đầu nói về kế sách giữ nước của Trần Quốc Tuấn. Có thể nói đây là những lời vàng ngọc của vị thánh nhân Đại Việt khi vua Trần ngự tới thăm ông và hỏi ông: “Nếu có điều chẳng may, mà giặc phương Bắc lại sang xâm lược thì kế sách như thế nào?” Đại Vương đã nhắc lại những kinh nghiệm lịch sử, những bài học lịch sử: Triệu Vũ dùng kế “thanh dã” và phục kích mà đánh tan quân nhà Hán; đời nhà Đinh, nhà Lê thì “dùng người tài giỏi”, “trên dưới một dạ, lòng dân không lìa, xây thành Bình Lỗ mà phá được quân Tống”.


Thời nhà Lí, nhờ “có thế” mà Lí Thường Kiệt đánh Khâm, Liêm đến trận Mai Lĩnh. Thời nhà Trần, khi Tọa Đô, Ô Mã Nhi bốn mặt bao vây”, nhưng “vì vua tôi đồng tâm, anh em hoà mục, cả nước góp sức, giặc phải bị bắt”. Giặc dùng trường trận thì ta dùng đoản binh để chế ngự, để tuỳ thời tạo thế, và phải có một đội quân “một lòng như cha con”. Thượng sách giữ nước là “khoan thư sức dân để làm kế sâu rễ bền gốc, đó là thượng sách giữ nước”. Mưu lược trong dụng binh, xây dựng quân đội (phụ tử chi binh), dùng đoản binh chế trường trận, bồi dưỡng sức dân, thắt chặt khối đại đoàn kết dân tộc - là những bài học sâu sắc để giữ nước và dựng nước mà Trần Quốc Tuấn để lại cho dân tộc ta muôn đời sau. Phần thư hai, Ngô Sĩ Liên nói về tư chất và tính cách của Trần Quốc Tuấn.


Ông là con Yên Sinh Vương Trần Liễu. Lúc mới sinh ra, có một ông thầy tướng xem cho và bảo: “người này ngày sau có thể giúp nước cứu đời”. Lớn lên, Trần Quốc Tuấn “dung mạo khôi ngô, thông minh hơn người, đọc rộng các sách, có tài văn võ”. Tác giả kể lại mối hiềm khích giữa An Sinh Vương và Trần Thái Tông, lời trăng trối của cha, Trần Quốc Tuấn chí “ghi để điều đó trong lòng, nhưng không cho là phải”.


Chuyện Trần Quốc Tuấn đem lời cha dặn nói với Dã Tượng, Yết Kiêu, với các con, và thái độ của ông, lúc thì “cảm phục đến khóc, khen ngợi... lúc thì “ngầm cho là phải”, lúc thì nổi giận quát Quốc Tảng là “tên loạn thần...đứa con bất hiếu”, rút gươm toan chém - tất cả đều thể hiện tấm lòng trung nghĩa của vị Quốc công, xoá hận thù riêng, đặt quyền lợi của Tổ quốc lên trên hết. Phần thứ ba nói về đức độ “kính cẩn giữ tiết làm tôi” của Trần Quốc Tuấn. Tuy chức trọng quyền cao, được nhà vua cho phép ông được quyền phong tước cho người khác, nhưng “Quốc Tuấn chưa bao giờ phong tước cho một người nào”.


Vì thế, mùa thu ngày 20 tháng 8 ta (năm 1300), ông mất ở phủ đệ Vạn Kiếp, nhà vua và triều đình đã tặng ông là “Thái sư Thượng phụ Thượng quốc công Nhân Vũ Hưng Đạo Đại Vương”. Vua Thánh Tông soạn bài văn bia, ví ông với Thượng phụ ngày xưa. Điều đó cho biết Trần Quốc Tuấn được trọng vọng như thế nào. Qua đoạn trích, ta thấy Ngô Sĩ Liên đã kể lại những mẩu chuyện rất cụ thể và cảm động để làm nổi bật tài năng và đức độ của Trần Quốc Tuấn. Nghệ thuật thuyết minh kết hợp với tự sự để khắc họa chân dung nhân vật lịch sử cho thấy ngòi bút bình sử của Ngô Sĩ Liên thật đặc sắc.


Phần cuối nói về sự linh nghiệm, ứng nghiệm, sự hiển linh của Hưng Đạo Vương, đặc biệt là hình ảnh “tráp đựng kiếm có tiếng kêu thì thế nào cũng thắng lớn” rất giàu ý nghĩa. Điều đó nói lên Trần Quốc Tuấn là hồn thiêng Đại Việt, tình yêu nước thương dân và khí phách anh hùng của ông đã trở thành bất tử trong lòng người; nhân dân tôn kính và ngưỡng mộ ông vô cùng.


Các tác phẩm của Trần Quốc Tuấn như “Binh gia diệu lí yếu lược”, “Vạn Kiếp tông bí truyền thư” là tinh hoa, là tài sản tinh thần vô giá của Đại Việt. Ngô Sĩ Liên đã nhắc lại một số tên tuổi như Dã Tượng, Yết Kiêu, Phạm Ngũ Lão, Trương Hán Siêu ... là để ca ngợi cái tài “dùng người” và “khéo tiến cử người tài giỏi” cho đất nước, khẳng định Đại Vương “có tài mưu lược, anh hùng, lại một lòng giữ gìn trung nghĩa vậy”. Câu nói của Trần Quốc Tuấn trả lời Trần Thánh Tông khi thế nước ngàn cân treo sợi tóc: “Bệ hạ chém đầu tôi trước rồi hãy hàng” là tượng trưng cho khí phách Đại Việt, cho “hào khí Đông A” sáng rực đến nghìn thu.


Qua đoạn trích “Đại Việt sử kí toàn thư”, ta cảm thấy Ngô Sĩ Liên đã dựng nên một tượng đài kì vĩ, tráng lệ về Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn, người anh hùng có công lớn nhất trong ba lần kháng chiến đánh thắng giặc Nguyên - Mông. Kết hợp thuyết minh với tự sự bằng những mẩu chuyện sống, giọng văn thâm trầm, Ngô Sĩ Liên đã tạo nên một bài bình sử đặc sắc, đem đến nhiều lí thú cho người đọc.

Ảnh minh họa (Nguồn internet)
Ảnh minh họa (Nguồn internet)
Ảnh minh họa (Nguồn internet)
Ảnh minh họa (Nguồn internet)

Công Ty cổ Phần Toplist
Địa chỉ: Tầng 3-4, Tòa nhà Việt Tower, số 01 Phố Thái Hà, Phường Trung Liệt, Quận Đống Đa, Thành phố Hà Nội
Điện thoại: 0369132468 - Mã số thuế: 0108747679
Giấy phép mạng xã hội số 370/GP-BTTTT do Bộ Thông tin Truyền thông cấp ngày 09/09/2019
Chịu trách nhiệm quản lý nội dung: Nguyễn Duy Ngân
Chính sách bảo mật / Điều khoản sử dụng | Privacy Policy