Bài văn phân tích tình huống truyện trong "Vợ nhặt" số 7

Trong nền văn xuôi Việt Nam hiện đại, Kim Lân trở thành một gương mặt độc đáo, chứng tỏ quy luật thú vị: Sáng tác nghệ thuật “quý hồ tinh bất quý hồ đa”. Kim Lân viết không nhiều, trong 50 năm lao động nghệ thuật, ông chỉ có hai tập truyện ngắn nhưng mỗi tác phẩm của ông ra đời luôn tạo được ấn tượng sâu sắc cho độc giả. Trong đó Vợ nhặt là tác phẩm tiêu biểu nhất, hội vụ, kết tinh tài năng nghệ thuật của Kim Lân. Truyện ngắn này hấp dẫn người đọc ngay từ tình huống truyện độc đáo.


Truyện ngắn Vợ nhặt từng được nhiều người không ngần ngại gọi là kiệt tác, thần bút. Vợ nhặt có tiền thân và truyện Xóm ngụ cư được viết ngay sau Cách mạng tháng Tám. Người Việt Nam ai đã từng sống qua năm 1945 chắc khó có thể quên nạn đói khủng khiếp cướp đi sinh mạng hai triệu đồng bào. Nếu Cách mạng tháng Tám là một cơn bão táp lịch sử lớn thì đứng trước cơn bão ấy dân tộc ta đã phải trải qua không khí ngột ngạt, cùng cực của cái đói. Đó chính là bối cảnh hiện thực của truyện ngắn Vợ nhặt. Dựa trên nền hiện thực ấy Kim Lân đã sáng tạo tình huống truyện độc đáo để diễn tả niềm vui, hạnh phúc và khát vọng sống ở những người lao động nghèo khổ.


Tình huống truyện là sự kiện đặc biệt của đời sống được nhà văn sáng tạo theo lối lạ hóa. Nói như Nguyễn Minh Châu, “tình huống truyện là lát cắt, là khúc của đời sống nhưng qua đó, ta hiểu được trăm năm của đời thảo mộc”. Có thể nói tình huống là một môi trường để nhân vật bộc lộ sắc nét tính cách của mình. Trong truyện Vợ nhặt, đó là tình huống “nhặt” được vợ.


Truyện ngắn thông thường được xây dựng trên một tình huống độc đáo. Chính từ đây tính cách và số phận của nhân vật, chủ đề tác phẩm được thể hiện rõ nét. Tính cách độc đáo, tình huống truyện mà Kim Lân sáng tạo nên ngay từ cái tên tác phẩm Vợ nhặt. Xưa nay lấy vợ lấy chồng luôn được xem là sự kiện hệ trọng của một đời người. Vậy mà Tràng bỗng dưng nhặt được vợ về như nhặt một thứ rơi vãi ngoài đường. Một người đàn ông nghèo túng, xấu xí, lại là dân ngụ cư thế mà được một người đàn bà tự nguyện theo về làm vợ hẳn hoi. Kỳ lạ hơn nữa là Tràng dám đem vợ về giữa những ngày đói kém, khi cái chết vì đói đang rình rập đe dọa. Kim Lân mở đầu truyện bằng một cuộc trở về đầy lạ lùng.


So với những lần trước thì lần trở về này chẳng có gì khác về thời gian, về con đường quanh co nhưng lần này Tràng mang một tâm trạng khác hẳn. Niềm khấp khởi trong lòng người đàn ông nghèo khổ được vợ ấy toát lên nơi gương mặt, ánh mắt: “mặt hắn có vẻ gì phởn phơ khác thường”. Hắn tủm tỉm cười một mình và hai mắt thì sáng lên lấp lánh. Phút chống Tràng quên hết đòi khổ ê chề trước mắt mà chỉ thấy tình nghĩa với người đàn bà đi bên. Phải thấu hiểu và trân trọng niềm hạnh phúc ở người dân nghèo khổ đến chừng nào mới diễn tả được cảm giác này “một cái gì mới mẻ lạ lẫm mơn man khắp da thịt Tràng tựa hồ có một bàn tay vuốt nhẹ sống lưng”.


Sự xuất hiện của người đàn bà ấy đã khuấy động lên cái không khí tối sầm của xóm ngụ cư nghèo khổ. Bọn trẻ con chạy theo trêu Tràng, còn người lớn thì xôn xao bàn tán. Thoạt đầu họ nghĩ là bà con Tràng nhưng rồi dáng vẻ e thẹn, ngượng ngùng của người đàn bà đã mách người ta về sự thực. Một lúc sau bỗng có tiếng cười lên rung rúc “Hay là vợ anh cu Tràng” Ừ khéo là vợ anh cu Tràng thật anh em ạ, trông chị ta thèn thẹn hay đáo để”.


Kim Lân đã quan sát tài tình một tình huống thú vị và diễn tả nó đúng bằng lời ăn tiếng nói của người quê. Sự xuất hiện của người đàn bà lạ khiến mọi người xóm ngụ cư ngạc nhiên đã đành, thú vị hơn nữa là chính Tràng cũng ngạc nhiên. Người trong cuộc, người đã dẫn vợ về mà cứ ngạc nhiên với việc mình đã có vợ. Khi đã đem người đàn bà vào nhà nhìn thị ngó ngoáy giữa nhà mình mà Tràng cứ đi ra đi vào suy nghĩ vẩn vơ. “Ra hắn có vợ rồi đấy ư? Hà!”. Việc xảy ra thật hắn cũng không ngờ, hắn cũng chỉ “tầm phơ tầm phào”, đâu có hai bận ấy thế mà thành vợ thành chồng. Từ thuở cha sinh mẹ đẻ đến giờ Tràng đâu đã được một người con gái nào để ý đến.


Thậm chí đến sáng hôm sau ngày có vợ Tràng vẫn chưa hết ngạc nhiên. Buổi sáng ấy, Tràng trở dậy muộn hơn, trong người cảm thấy lửng lơ êm ái như vừa trong giấc mơ đi ra. “Việc hắn có vợ đến hôm nay hắn vẫn còn ngỡ ngàng như không phải”. Người đàn ông nghèo khổ ấy chưa thể thích ứng với niềm vui khá mới mẻ, với bước ngoặt quá đột ngột trong đời mình.


Tại sao có sự việc lạ lùng trên, có những sự ngạc nhiên ấy? Như thể giải đáp cho người đọc, Kim Lân ngược dòng thời gian hai lần tầm phơ tầm phào mà nên vợ nên chồng. Ở đây, chúng ta được chứng kiến nghệ thuật đảo ngược trình tự thời gian của Kim Lân. Chuyện Tràng có được vợ thật buồn cười, chỉ hai lần tình cờ gặp gỡ, chỉ mấy câu nửa đùa nửa thật mà người đàn bà nọ bám lấy Tràng, đã sẵn sàng trao gửi cuộc đời mình nơi Tràng. Nhưng nghĩ ra ta thấy thị còn biết bám vào đâu nữa. Dân gian có câu Chết đuối bám phải cọc thì chính là là tình cảm của người phụ nữ này. Đằng sau tiếng cười, người đọc nhận ra một sự thật xót xa, đó chính là cái đói và chỉ có cái đói khủng khiếp là tác nhân duy nhất để đẩy hai con người ấy lại gần nhau rồi nên vợ nên chồng.


Đây chẳng có màu sắc của tình yêu hay tình nghĩa, chỉ hai lần gặp gỡ mà người đàn bà nọ biến đổi khác hẳn. Lần trước thì còn lon ton chạy lại đẩy xe cho Tràng, còn liếc mắt cười tít khiến chàng sung sướng lắm. Nhưng lần sau vừa thấy Tràng đang uống nước ở cổng chợ tỉnh thì thị từ đâu sầm sầm chạy đến rồi sưng sỉa trách móc. Cái đói đã làm thị tiều tụy, hốc hác khiến Tràng chưa thể nhận ra “hôm nay thị rách quá, áo quần tả tơi như tổ đỉa, thị gầy xọp hẳn đi. Trên cái khuôn mặt lưỡi cày xám xịt chỉ thấy còn hai con mắt”. Khi được mời ăn hai con mắt trũng hoáy của thị tức thì sáng rực lên. Thị sà xuống ăn một chặp bốn bát bánh đúc liền chẳng chuyện trò gì.


Quả là cái đói khiến con người ta mất hết thể hiện, quên hết tình tứ. Chính từ đấy ta nhận ra một phần giá trị hiện thực lớn lao của truyện ngắn Vợ nhặt. Câu chuyện của người phụ nữ này sống dậy thảm cảnh đói năm 1945 mà dân tộc ta đã phải gánh chịu. Cũng từ đây chúng ta hiểu vì sao Kim Lân không đặt cho người vợ nhặt của Tràng một cái tên riêng mà lại dùng đại từ chung là “thị”. Nào cần một cái tên riêng cho thân phận người phụ nữ này vì ở thị có bóng dáng của bao người phụ nữ lúc bấy giờ. Không biết bao nhiêu người vì cái đói vì sự sinh tồn cũng đành cư xử như thị. Trong thảm cảnh ấy, thị không hơn gì một cái rơm, cái rác mà người ta có thể nhặt được ở nơi đầu đường xó chợ.


Phải chăng đó là ý nghĩa tiêu biểu, điển hình của nhân vật. Dẫu sao chuyện nên vợ nên chồng cũng đã thành sự thật. Trở về hiện tại, người đọc chúng ta lại đứng trước sự chờ đợi mới “liệu bà cụ Tứ có chấp nhận người vợ nhặt của Tràng không?”. Cuộc sống của gia đình này rồi đây sẽ ra sao, mọi người cư xử với nhau như thế nào. Kim Lân đã đặt các nhân vật của mình vào tình huống thử thách éo le để khám phá vẻ đẹp của tình huống, của khát vọng hạnh phúc. Ở đây là rách ít đùm rách nhiều. Ngay mẹ con Tràng cũng đang lo lắng với miếng ăn, chuyện cái chết vì đói đe dọa. Vậy mà họ vẫn sẵn sàng che chở, cưu mang người đàn bà ấy.


Bà cụ Tứ vui vẻ chấp nhận người con dâu, ai ủi, động viên vợ chồng Tràng chịu khó bảo nhau mà làm ăn. Buổi tối ấy ngọn đèn dầu được thắp lên trong căn nhà lạnh lẽo, tăm tối bấy lâu nay. Ánh sáng của ngọn đèn hay chính là ánh sáng của niềm vui mang đến với những con người nghèo khổ. Từ tình huống này, Kim Lân đã khẳng định được rằng những người đó không hướng đến cái chết mà chỉ hướng đến sự sống, dù phải ở hoàn cảnh đói khổ nghiệt ngã đến mấy người dân lao động vẫn biết vui với những gì mình đang có, vẫn lấp lánh niềm tin vào tương lai.


Thiên truyện khép lại bằng hình ảnh Tràng ngồi tư lự nhớ đến Việt Minh. Trong đầu Tràng vẫn thấy hình ảnh đám người đói và lá cờ đỏ bay phấp phới. Vậy là Kim Lân đã mở ra trước mắt các nhân vật của mình dự cảm về sự đấu tranh, về sự đổi đời. Không biết bà cụ Tứ, không biết vợ chồng Tràng có vượt qua nổi cơn đói mà sống đến ngày cách mạng thành công hay không? Dẫu sao khép lại trang cuối cùng của truyện ngắn Vợ nhặt người đọc vẫn mong, vẫn tin rằng họ sẽ là một trong số những người góp phần làm nên cơn bão táp Cách mạng tháng Tám.


Là hạt nhân của cấu trúc thể loại, tình huống truyện trong Vợ nhặt đóng vai trò rất quan trọng giúp nhà văn dựng được chân dung nhân vật một cách sắc nét đồng thời thể hiện được tự nhiên, sâu sắc tư tưởng nghệ thuật của nhà văn. Đến với truyện ngắn Vợ nhặt, chúng ta bắt gặp một cái nhìn ưu ái của người lao động, một ngòi bút tài hoa khi dựng tình huống, khi tả cảnh, tả người, Kim Lân cứ dẫn người đọc đi từ ngạc nhiên này đến ngạc nhiên khác.


Vợ nhặt gồm nhiều tình huống được thay đổi linh hoạt nhờ sự tổ chức nghệ thuật của nhà văn. Bởi thế đây là tác phẩm đa dạng đan xen nhiều màu sắc thẩm mỹ. Ở đây có đen tối nghiệt ngã khác thường mà cũng tươi sáng lấp lánh lạc quan, vừa hài mà cũng vừa bi. Nói cách khác, đây là câu chuyện cười ra nước mắt để người đọc thấm thía hơn cái nghèo, cái đói và niềm vui sống đáng quý của người dân lao động.

Bài văn phân tích tình huống truyện trong
Bài văn phân tích tình huống truyện trong "Vợ nhặt" số 7
Bài văn phân tích tình huống truyện trong
Bài văn phân tích tình huống truyện trong "Vợ nhặt" số 7

Công Ty cổ Phần Toplist
Địa chỉ: Tầng 3-4, Tòa nhà Việt Tower, số 01 Phố Thái Hà, Phường Trung Liệt, Quận Đống Đa, Thành phố Hà Nội
Điện thoại: 0369132468 - Mã số thuế: 0108747679
Giấy phép mạng xã hội số 370/GP-BTTTT do Bộ Thông tin Truyền thông cấp ngày 09/09/2019
Chịu trách nhiệm quản lý nội dung: Nguyễn Duy Ngân
Chính sách bảo mật / Điều khoản sử dụng | Privacy Policy