Bài văn phân tích ý nghĩa cái chết của hai nhân vật Chí Phèo và Bá Kiến số 2

Truyện ngắn Chí Phèo khép lại bằng hai cái chết của hai nhân vật đối địch nhau: bá Kiến và Chí Phèo. Một người bị giết, một người tự sát. Hai cái chết xảy ra cùng một lúc: Chí Phèo văng dao tới chém bá Kiến túi bụi và quay ngang lưỡi dao còn vấy máu kẻ thù vào cổ họng mình. Vì sao lại có chuyện lạ như vậy? Giết được kẻ thù, lẽ ra phải sống, nhưng sao Chí Phèo lại tự sát? Điều này chỉ có thể lí giải khi ta nhìn lại toàn bộ cuộc đời nhân vật trong bối cảnh xã hội lúc bấy giờ, trong quan hệ khác với các nhân vật khác của truyện.


Nhân vật điển hình xuất sắc của nhà văn Nam Cao là Chí Phèo trong tác phẩm cùng tên ra đời năm 1941. Chí là một người nông dân vốn lương thiên, hiền lành, nhưng từ khi gặp Bá Kiến cuộc đời Chí lại bước sang trang sách mới. Chí bị Bá Kiến cho đi tù oan, bị lưu manh hóa, côn đồ hóa. Sau khi gặp Thị Nở, gặp được tình yêu của đời mình, được hưởng tình cảm yêu đương. Chí thèm muốn được lương thiện. Tuy nhiên không phải lúc nào "quay đầu cùng là bờ", không thể hoàn lương Chí tuyệt vọng. Chí cầm dao giết Bá Kiến sau khi đã nốc rất nhiều rượu rồi tự sát. Vậy là một kẻ bị giết và một kẻ tự giết. Tuy nhiên người ta vẫn không lí giải được hành động của Chí là say hay tỉnh?


Tại sao người ta lại nói rằng không biết Chí đang say hay tỉnh. Bởi vốn từ trước đến giờ mỗi khi uống rượu là Chí lại chửi, chửi đời, chửi người, nhưng lần này Chí không chửi, Chí đã nói những lời rất tỉnh táo. Hắn khẳng định: "Tao muốn làm người lương thiện!". Một câu đầy uất hận: "Ai cho tao lương thiện?" và một câu khiến người ta đau lòng "Tao không thể là người lương thiện nữa". Chí hiểu, chí biết mình như thế nào, tình yêu đã đánh thức Chí, nhưng nó cũng đã kết thúc cuộc đời của Chí. Bởi vậy ta mới nói quay đầu không phải lúc nào cũng là bờ. Hắn hiểu rõ mình, hắn hiểu rằng không phai vết sẹo nào cũng lành lại được, hắn hiểu rằng những vết mảnh chai trên mặt, dấu vết của tội lỗi, của bao lần rạch mặt, ăn vạ, ức hiếp, gây rối không bao giờ lành đực, không bao giờ thay đổi được. Chí còn hiểu rõ rằng bản thân mình đang muốn gì, đang cần gì, ai làm cho mình như vậy. Như vậy là Chí rất tỉnh. Vả lại lời văn của Nam Cao cho chúng ta thấy rõ khi Chí Phèo uống thêm chai rượu nữa nhưng "càng uống càng tỉnh ra". Tỉnh ra, Chí buồn, khóc rưng rức rồi ra đi với con dao ở thắt lưng. Phải nói, theo cách dẫn truyện Nam Cao, Chí Phèo đang tỉnh.


Cái chết của hai nhân vật Chí Phèo và Bá Kiến có nhiều ý nghĩa. Thứ nhất, nó tố cáo xã hội thực dân - phong kiến đã tàn nhẫn đẩy người cố nông như Chí Phèo vào bế tắc, cùng đường không lối thoát. Chí Phèo vốn lương thiện, có nhân cách. Chỉ vì sự ghen hão của tên bá hộ cáo già, anh trai làng vô tội đó đã phải vào tù đến bảy, tám năm. Nhà tù của thực dân đã lưu manh hóa con người lương thiện ấy. Rồi Bá Kiến tiếp tục đẩy sâu Chí Phèo vào vũng bùn tội lỗi, biến anh thành con quỷ dữ của làng Vũ Đại. Kết cục là Chí Phèo tự sát sau khi đã đâm chết tên thủ phạm Bá Kiến. Anh chưa tìm được lối thoát, một mặt không thể sống hung hãn, ngập trong rượu và máu như trước được nữa, mặt khác cũng không thể trở lại con đường sống lương thiện. Ý nghĩa khách quan của cái chết Chí Phèo là khi chưa được ánh sáng cách mạng soi rọi thì cuộc đời người nông dân nghèo hèn trong xã hội cũ rất dễ rơi và kết thúc bi thảm.


Và sau khi giết bá Kiến, Chí Phèo đã quay lưỡi dao còn vấy máu kẻ thù vào cổ họng mình để kết liễu một cuộc đời đầy bi thảm: chết vì xã hội không cho mình được quyền sống làm người. Bi kịch cự tuyệt quyền sống làm người. Bi kịch cự tuyệt quyền làm người dẫn đến cái chết bất đắc kì tử, hơn nữa thế kỉ qua, vẫn không thôi nhức nhối trong lòng người đọc chúng ta. Bi kịch Chí Phèo vang lên day dứt trong hai câu nói cuối cùng của nhân vật trước khi tự sát đã bộc lộ sâu sắc chủ đề của truyện ngắn: "Tao muốn làm người lương thiện" nhưng "Ai cho tao lương thiện? Tao không thể là người lương thiện nữa". Đó cũng chính là giá trị hiện thực sâu sắc và giá trị nhân đạo cao cả của tác phẩm.


Trước hết là giá trị hiện thực của truyện. Bi kịch cự tuyệt quyền làm người của Chí Phèo tuy chỉ xảy ra ở giai đoạn cuối truyện ngắn nhưng bi kịch đó cho ta thấy rõ một cuộc đời vô cùng thê thảm, một số phận cực kì bi đát của người nông dân nghèo bị đẩy vào con đường lưu manh hóa trong xã hội cũ đến mức mất cả nhân tính, nhân hình và nhân dạng. Đó là lí do khiến họ không thể quay về cuộc sống làm người, dù họ muốn sống lương thiện.


Không những thế, bi kịch này còn tố cáo cái xã hội thực dân phong kiến vô cùng độc ác, bất nhân, đã bóp chết từ trong trứng cái ước mơ muôn hoàn lương của con người. Chính cái xã hội này đã đẩy Chí Phèo vào con đường tha hóa rồi lại sập cánh cửa, chặn đứng không cho y quay trở về với cuộc sống của con người. Một xã hội như thế thấy rõ sự dã man, tàn bạo. Tiếng nói phê phán, tố cáo của Nam Cao ở đây cũng thật mạnh mẽ, sâu sắc.


Bên cạnh giá trị hiện thực, truyện Chí Phèo còn có giá trị nhân đạo cao cả. Nam Cao đã có một cái nhìn đầy nhân đạo đối với con người. Đó là cái nhìn cảm thông, thương yêu và trân trọng đối với những nạn nhân của chế độ cũ. Ông đã phát hiện và nhìn thấy một điều hết sức quý giá và có ý nghĩa của họ: ngay cả những con quỷ dữ như Chí Phèo thì phần nhân tính vẫn chưa mất hết, và khi có điều kiện, nó sẽ được thức tỉnh để trở lại làm người lương thiện. Môi tình Chí Phèo - thị Nở đã được nhà văn xây dựng bằng một ngòi bút chứa chan tình người "mùi cháo hành" đã đẩy lùi "hơi rượu" là một sáng tạo nghệ thuật đặc sắc bắt nguồn từ trái tim nhân đạo của nhà văn.


Chính nhờ Nam Cao mà Chí Phèo có được sức sống mạnh mẽ đến vậy trong lòng độc giả. Mỗi lần đọc Chí Phèo là mỗi lần cảm nhận khác nhau về cảnh đời, số phận của những con người trong xã hội cũ. Và mỗi lần như vậy, người đọc lại càng thương cảm hơn cho cái dáng vẻ ngất ngưởng, dềnh dàng bước ra từ trang sách của Chí Phèo. Càng thêm căm ghét cái xã hội bất công cũ đã đày đọa, vùi dập con người, biến họ trở thành lưu manh và cắt đứt con đường hoàn lương của họ. Khiến họ, một khi không có cơ may tìm thấy lối ra, mà sự khát khao làm người rực cháy thì chỉ còn một con đường là cùng chết với kẻ thù.

Bài văn phân tích ý nghĩa cái chết của hai nhân vật Chí Phèo và Bá Kiến số 2
Bài văn phân tích ý nghĩa cái chết của hai nhân vật Chí Phèo và Bá Kiến số 2
Bài văn phân tích ý nghĩa cái chết của hai nhân vật Chí Phèo và Bá Kiến số 2
Bài văn phân tích ý nghĩa cái chết của hai nhân vật Chí Phèo và Bá Kiến số 2

Công Ty cổ Phần Toplist
Địa chỉ: Tầng 3-4, Tòa nhà Việt Tower, số 01 Phố Thái Hà, Phường Trung Liệt, Quận Đống Đa, Thành phố Hà Nội
Điện thoại: 0369132468 - Mã số thuế: 0108747679
Giấy phép mạng xã hội số 370/GP-BTTTT do Bộ Thông tin Truyền thông cấp ngày 09/09/2019
Chịu trách nhiệm quản lý nội dung: Nguyễn Duy Ngân
Chính sách bảo mật / Điều khoản sử dụng | Privacy Policy