Bài văn phát biểu cảm nghĩ truyện "Mẹ hiền dạy con" số 3
Trên thế giới có rất nhiều tiếng nói, mỗi một dân tộc đều có tiếng nói riêng. Nhưng mỗi người con lại có chung một tiếng gọi Mẹ. Có lẽ, người mẹ nào cũng mang nặng tình thương yêu với con. Vì vậy, mẹ cũng là người dạy dỗ ta từ những điều nhỏ nhất. Mạnh Tử là người nối tiếp Khổng Tử phát triển và hoàn chỉnh Nho giáo, ông cũng là một bậc đại hiền của Trung Quốc. Sự thành công của ông có được nhờ vào công lao dạy dỗ, giáo dục của người mẹ. “Mẹ hiền dạy con” ghi lại những việc bà đã dạy Mạnh Tử.
“Mẹ hiền dạy con” là truyện trung đại được trích trong “Liệt nữ truyện” theo “Cổ học tinh hoa”, câu chuyện ngắn nhưng bao gồm những sự việc cụ thể, mỗi sự việc là một bài học đắt giá không chỉ cho Trung Hoa cổ đại mà còn cho những thế hệ nối tiếp.
Truyện bao gồm 5 sự việc chính, sự việc trước nối tiếp sự việc sau và dẫn đến cao trào. Nhân vật trong truyện không nhiều, người con là Mạnh Tử được mẹ dạy dỗ, rèn luyện, giáo dục. Sự việc rõ ràng, tình tiết đơn giản, cùng hai mẹ con Mạnh Tử đã tạo thành cốt truyện đầy hấp dẫn.
Sự việc đầu tiên bắt nguồn từ việc gia đình Mạnh Tử ở gần nghĩa địa, khi có đám tang Mạnh Tử thấy người ta đào, chôn, lăn, khóc, Mạnh Tử cũng bắt chước họ làm những việc đó. Người mẹ nhận ra đấy là môi trường không phù hợp cho con nên quyết định chuyển nhà đến gần chợ. Người Việt có câu: “Nhất cận thị, nhị cận giang”, gần chợ thuận lợi cho việc buôn bán, đó cũng là nơi diễn ra cuộc sống náo nhiệt nên phải chăng người mẹ muốn chuyển đến chợ để con có thể học tập được nhiều điều.
Đó cũng là nguyên nhân dẫn đến sự việc thứ hai. Khi chuyển đến chợ sinh sống, người con hàng ngày không còn chứng kiến cảnh u uất, đớn đau của những đám tang để bắt chước mà chứng kiến cuộc sống buôn bán điên đảo. Về nhà Mạnh Tử cũng bắt chước nô đùa, nghịch ngợm, buôn bán. Người mẹ thấy vậy lo lắng, đó cũng là điều đương nhiên vì Mạnh Tử còn nhỏ tuổi, buôn bán dành cho những người đã đứng vững trong thị trường và sở dĩ người mẹ hiểu: con học cách buôn bán từ nhỏ sẽ nảy sinh lừa gạt, xảo trá để đạt được mục đích của mình nên người mẹ đã quyết định chuyển nhà đến gần trường học.
Sự việc thứ ba cũng bắt nguồn từ đó. Trường học là nơi dạy đạo đức, lễ nghi, khuôn phép. Người ta lớn lên nhờ sự chăm sóc những muốn trưởng thành môi trường đầu tiên là trường học. Người mẹ quả thực đã đúng khi suy nghĩ và lựa chọn cho con môi trường như vậy! Hàng ngày con bắt chước học tập lễ phép và mẹ cảm thấy vui lòng là điều tất nhiên. Đó là môi trường thích hợp cho bất cứ đứa trẻ nào và em cũng hiểu một điều: Nhà trường, học tập là môi trường thuận lợi để dạy dỗ chúng em thành những con người có nhân cách.
Nhưng câu chuyện không kết thúc ở đó. Một hôm cậu Mạnh Tử thấy hàng xóm thịt lợn liền hỏi mẹ: “Hàng xóm giết lợn để làm gì?” mẹ nói “Mổ cho con ăn”, nhưng sau khi nói ra người mẹ thấy mình đã lỡ lời, hậu quả sẽ ra sao khi mẹ thành người nói dối? Nên thay bằng chữa lại câu nói đùa của mình bà đã mua thịt về cho con ăn. Lời nói đùa diễn ra hàng ngày và có lẽ mọi người đều có thể sử dụng câu nói đùa nhưng em thấy người mẹ đã vô cùng sâu sắc, thấu tình đạt lý, bà không muốn con nói dối và thiếu trung thực mà dạy con “Lời nói đi đôi với việc làm”, đó cũng là bài học thứ tư mà người mẹ dạy cho Mạnh Tử. Uy tín, tính trung thực mà người mẹ dạy đã củng cố, hình thành nhân cách cho con trai mình.
Mỗi sự việc xảy ra đều đem đến sự hấp dẫn kỳ lạ, từ việc thay đổi của người con đến cách xử lý vô cùng khéo léo đầy nghệ thuật của người mẹ. Nhưng đứa trẻ nào cũng vậy, luôn ham chơi và dễ bắt chước. Được một thời gian Mạnh Tử vấp phải một sai lầm chính là bỏ học đi chơi, biết được tính ham chơi hơn ham học của người con người mẹ hiền từ nhưng nghiêm khắc đã dùng trí tuệ, sự thông minh để đưa ra một hành động thật quyết liệt, bất ngờ đó là dùng dao cắt đứt tấm vải mình đang dệt. Có lẽ khi chứng kiến hành động lạ thường này bất cứ người con nào cũng thấy sửng sốt.
Mẹ không dùng lời nói dạy con mà dùng hành động mang ẩn ý sâu sắc: để dệt được một mảnh vải đẹp, bền là cả một quá trình, học tập cũng vậy để thành đạt cần phải chuyên tâm, việc bỏ học đi chơi giống như việc bản thân con tự cầm dao cắt đứt những gì mình từng cố gắng. Đó là bài học không những sâu sắc mà còn cảm phục mà mẹ mang lại.Em thấy Mạnh Tử cũng như rất nhiều những người con, những đứa trẻ khác, tâm hồn ngây thơ, trong trắng, dễ bắt chước nhưng cũng dễ hoà vào cuộc sống mới, không ngại đổi thay, thông minh và hiểu điều mẹ dạy.
Như bất cứ bà mẹ nào, người mẹ trong câu chuyện rất đáng ngợi ca, đó là người mẹ thông minh, khéo léo, tinh tế, cương quyết, yêu thương, hiểu tâm lý con trẻ. Đó quả là một người mẹ hiếm có.
Câu chuyện đọc xong giúp em có được thêm nhiều bài học. Em rất khâm phục bà mẹ Mạnh Tử đã có những cách dạy con khéo léo, cương nhu để thế giới có một Mạnh Tử tài, đức vẹn toàn.