Bài văn tả bộ ấm chén số 9
Bộ ấm chén đặt trên bàn nơi phòng khách là của ông nội em để lại. Ông nội là sĩ quan về hưu, anh em đồng đội trong sư đoàn tặng ông nhiều thứ, trong đó có bộ ấm chén pha trà.
Không phải là đồ cổ đắt tiền mà chỉ là đồ sứ gia dụng gốm Bát Tràng. Ngày còn sống, có lần ông giải thích cho mọi người đó là bộ “quần ẩm”, “hội ẩm” dùng đồ tiếp khách ba, bốn người. Chiếc ấm hình trái bần, toàn một màu gan gà. Lưng ấm phình to, nở ra. Nắp ấm có núm xinh xắn. Chiếc vòi chĩa ra từ bụng ấm, bầu bĩnh như một con chim non trong tổ ló đầu ra. Ấm được đặt trên một chiếc đĩa mẫu rất khéo. Bốn chiếc chén bằng quả hồng ngâm đặt trong một cái đĩa tròn to có thành cao độ 2 - 3 cm.
Cả bốn mẹ con em đều uống nước lọc đun sôi để nguội mà anh Việt gọi là “thanh thủy”. Chỉ có ông và bố mới uống trà. Khi ông còn sống, lúc nào mẹ cũng chuẩn bị sẵn cho ông một phích nước sôi. Ông uống trà vào sáng sớm và sau bữa cơm trưa. Ông thết khách bằng trà. Thứ chè lạng Thái Nguyên loại I. Ông thường tự pha lấy hoặc bố em pha trà cho ông. Anh Việt được ông phân công cho việc rửa ấm chén hằng ngày.
Sau ngày ông qua đời, bố em vẫn pha trà bằng bộ ấm chén ấy. Anh Việt lên Hà Nội học Đại học, em vào học lớp 4, mẹ mới phân công cho em lau bàn ghế, rửa ấm chén. Mẹ dặn đi dặn lại: “Con phải làm cẩn thận kẻo vỡ mất bộ ấm chén của ông nội. Nó là kỉ vật, quý lắm đấy!”. Em rất thích công việc này. Em cũng học được cách pha trà của anh Việt, nhưng bố chưa cho làm. Bố bảo bao giờ học lớp 6, bố mới cho em pha trà đãi khách. Cứ mỗi lần lau xong bộ bàn ghế phòng khách, rửa sạch bộ ấm chén đặt trang trọng lên giữa bàn, em lại như thấy hình ảnh ông ngồi thảnh thơi, ung dung uống nước.
Bộ ấm chén đã được 12 năm, cùng tuổi với chị Vinh của em. Nó mang theo nhiều kỉ niệm rất đẹp, sâu sắc. Ông mất đã bốn năm rồi, nhưng bộ ấm trà của ông vẫn còn nguyên đó.